bao Ngoc

BỘ MÔN KINH TẾ TỔ CHỨC TƯ VẤN TÀI CHÍNH HỘ GIA ĐÌNH TẠI UBND XÃ CHIỀNG NGẦN – TP SƠN LA, TỈNH SƠN LA

     Nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về Khoa Kinh tế và các hoạt động kết nối phục vụ cộng đồng, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của Khoa Kinh tế trong việc hỗ trợ, đáp ứng các nhu cầu của xã hội, vì lợi ích của cộng đồng, địa phương, góp phần phát triển Trường Đại học Tây Bắc nói chung và Khoa Kinh tế nói riêng, chiều ngày 8/7/2022, bộ môn Kinh tế, trường Đại học Tây Bắc tổ chức tư vấn tài chính hộ gia đình UBND xã Chiềng Ngần, TP Sơn La, tỉnh Sơn La.

    Tham dự buổi tư vấn, về phía UBND xã Chiềng Ngần có ông Lò Văn An – phó chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần; ông Cà Văn Hoa – chủ tịch Hội nông dân; ông Lò Văn Xôm – phó chủ tịch Hội nông dân xã Chiềng Ngần, về phía bộ môn Kinh tế, trường Đại học Tây Bắc có bà Đỗ Thị Thu Hiền – phó trưởng bộ môn Kinh tế, bí thư Liên chi đoàn Khoa Kinh tế; bà Lò Thị Huyền Trang – Bí thư chi đoàn Giáo viên cán bộ khoa Kinh tế cùng các chi hội trưởng chi hộ nông dân, các hộ chăn nuôi tiêu biểu của xã Chiềng Ngần và các giảng viên, sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng, khoa Kinh tế.

Ông Lò Văn An, Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần phát biểu

khai mạc buổi tư vấn

    Phát biểu khai mạc buổi tư vấn tài chính, ông Lò Văn An, phó chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần đã nhấn mạnh công tác tài chính tại các hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi tại xã gặp nhiều khó khăn, chưa hạch toán được chi phí trong sản xuất và chăn nuôi, chưa xác định được giá thành và lợi nhuận sản phẩm, khó khăn trong tìm kiếm đầu ra và chưa có sự liên kết chuỗi để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người nông dân. Vì vậy, ông Lò Văn An khẳng định việc tổ chức tư vấn tài chính cho các hộ gia đình có sản xuất và chăn nuôi tại xã của bộ môn Kinh tế, trường Đại học Tây Bắc là hết sức thiết thực, giúp người nông dân tăng thêm hiểu biết và khả năng tính toán, xác định chi phí, lợi nhuận trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Giảng viên Lò Thị Huyền Trang – tư vấn viên

       Nắm bắt được nhu cầu của các hộ gia đình tại xã Chiềng Ngần, giảng viên Lò Thị Huyền Trang đã trực tiếp tư vấn cho các hộ gia đình tham gia về các nội dung: Giúp các hộ gia đình hiểu được thế nào là hoạt động đầu tư, hiểu được mối liên kết 4 nhà; Tính được giá thành chăn nuôi lợn, từ đó tính được lãi lỗ trong chăn nuôi lợn.

Các hộ gia đình hoạt động nhóm và kết quả xác định chi phí – lợi nhuận

của hộ gia đình chăn nuôi lợn

    Buổi tư vấn diễn ra rất sôi nổi, hào hứng, đạt được nhiều kết quả hữu ích. Các hộ gia đình thu được các kiến thức, kỹ năng về ứng dụng tài chính trong sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, buổi tư vấn cũng đã giải đáp được các thắc mắc trong vấn đề tài chính của các hộ gia đình, lắng nghe các khó khăn của hộ trong quá trình sản xuất và nuôi trồng, tư vấn các giải pháp phù hợp để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của hộ gia đình.

Các đại biểu xã Chiềng Ngần, bộ môn Kinh tế, các hộ gia đình và sinh viên ngành

Tài chính ngân hàng chụp ảnh sau khi kết thúc buổi tư vấn

Bộ môn KInh tế, Khoa Kinh tế

Tọa đàm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2022)

Tối ngày 21/03/2022, Liên chi đoàn Khoa Kinh tế tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2022) diễn ra thành công và ý nghĩa với các đoàn viên thanh niên.

Dự tọa đàm có đồng chí Đỗ thị Thu Hiền – Bí thư LCĐ Khoa Kinh tế, 15 Chi đoàn cơ sở trực thuộc và hơn 150 đoàn viên tham dự.

Tại buổi tọa đàm, các đoàn viên đã cùng nhau ôn lại chặng đường 91 năm xây dựng và phát triển của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Theo đó, 91 năm qua, lực lượng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã không ngừng lớn mạnh, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, là lực lượng xung kích cách mạng.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Đỗ Thị Thu Hiền nhấn mạnh: các đoàn viên thanh niên Khoa Kinh tế cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí của thanh niên, không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện đạo đức cách mạng, đi đầu trong các phong trào của địa phương.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Bí thư LCĐ nhấn mạnh: cần chú trọng nâng cao chất lượng Đoàn viên, cán bộ đoàn. Luôn chú trọng và không ngừng củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh, đủ sức đảm nhận vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên…

Nguyễn Thị Thạch Thảo

Chi đoàn K60 ĐH Tài chính – Ngân hàng

KHOA KINH TẾ TỔ CHỨC THÀNH CÔNG BUỔI KIẾN TẬP TRỰC TUYẾN NHÀ MÁY AJINOMOTO TẠI VIỆT NAM

Chương trình kiến tập trực tuyến do Khoa Kinh tế phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam (AVN) tổ chức với mục đích hỗ trợ hơn 300 sinh viên có thêm cơ hội để tham quan, tìm hiểu, học hỏi về quy trình sản xuất sản phẩm thực phẩm, môi trường làm việc của doanh nghiệp Nhật Bản, định hướng nghề nghiệp trong tương lai…

Tham dự hội nghị, về phía Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc gồm có TS. Hoàng Xuân Trọng – Bí thư chi bộ, Trưởng khoa Kinh Tế, ThS. Đoàn Thanh Hải – Phó bí thư chi bộ, Phó trưởng khoa cùng với sự tham gia của các thầy cô giảng viên và toàn bộ sinh viên các khóa K60,61,62 cũng tham dự.
Về phía địa diện tập đoàn Ajinomoto Việt Nam có Ông Nguyễn Vinh Hải – Quản lý Trung tâm Truyền thông tại Hà Nội – phòng Quan hệ Cộng đồng – Công ty Ajinomoto Việt Nam và Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Bà Cao Thị Ngọc Ánh, Ông Nguyễn Hoàng Bảo Linh, Ông Tạ Văn Hưng – Chuyên viên Truyền thông phòng Quan hệ Cộng đồng, Công ty Ajinomoto Việt Nam.

Mở đầu hội nghị, MC Lò Thị Huyền Trang giới thiệu đại biểu và khách mời, tuyên bố lí do, mục đích của buổi kiến tập này. Bên cạnh đó Đại diện Công ty Ajnomoto cũng giới thiệu và bắt đầu chương trình. Về phía đại diện Ajnomoto đã chia sẻ về Tập đoàn Ajinomoto & Công ty Ajinomoto Việt Nam (các dự án, hoạt động tạo lập giá trị chung, các hoạt động truyền thông,…).

Ngoài ra một điều đặc biệt hơn về phía Đại diện Ajinomoto đã cho chúng ta Tham quan thực tế nhà máy Ajinomoto Long Thành bằng công nghệ 3D/360 vô cùng hiện đại.

Sau cùng của buổi kiến tập là giới về qui trình tuyển dụng & môi trường làm việc tại AVN.

Buổi Các thầy cô giáo, các bạn sinh viên đã mạnh dạn đặt câu hỏi liên quan đến các kỹ năng làm việc cần thiết, phương thức tuyển dụng và ưu đãi cho sinh viên mới ra trường.

Chương trình kiến tập online đã kết thúc và thành công tốt đẹp.

Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Công ty Ajinomoto Việt Nam. Rất mong hai đơn vị sẽ tiếp tục có nhiều chương trình kết nối về kiến thức, đào tạo, kiến tập, tuyển dụng trong tương lai. Cảm ơn các thầy cô và các em SV đã đồng hành cùng chương trình.

Trân trọng cảm ơn!

Sinh viên: Đào Phương Thảo

CLB truyền thông Khoa Kinh tế

“DIỄN ĐÀN CHIA SẺ KINH NGHIỆP CỦA CỰU SINH VIÊN – KHOA KINH TẾ”

Vào hồi 19h00 ngày 15/01/2021, Liên chi đoàn Khoa Kinh tế kết hợp với CLB Kỹ năng và việc làm tổ chức thành công “Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệp của cựu sinh viên Khoa Kinh tế”.

Do tình hình dịch bệnh nên diễn đàn được tổ chức theo hình thức online, mặc dù vậy diễn đàn vẫn diễn ra rất thành công với sự tham gia góp gặp của cựu sinh viên lớp K58 ĐH Quản trị kinh doanh: Cà Văn Tuấn và thu hút rất nhiều bạn sinh viên trong CLB và Khoa Kinh tế. Đây là buổi gặp gỡ để cho các bạn cựu sinh viên có thể chia sẻ những định hướng sau này, kế hoạch học tập, kỹ năng mềm…cho các bạn sinh viên đang còn học tập tại trường. Những chia sẻ bổ ích của bạn Cà Văn Tuấn đã phần nào giải đáp được những thắc mắc của các bạn sinh viên, nhất là những bạn chuẩn bị ra trường.

Trong thời gian tới Ban chủ chiệm CLB Kỹ năng và việc làm sẽ tổ chức nhiều chương trình kết nối để cho các bạn sinh viên có cơ hội được giao lưu học hỏi không chỉ riêng đối với cựu sinh viên mà cả những nhà tuyển dụng trên địa bàn Tỉnh Sơn La.

HỢP TÁC GIỮA NGÂN HÀNG TMCP AN BÌNH SƠN LA VỚI KHOA KINH TẾ TRONG HOẠT ĐỘNG RÈN NGHỀ CHO SINH VIÊN K60 ĐH TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG

Để trang bị các kiến thực thực tiễn cũng như bổ sung các kỹ năng mềm liên quan đến nghiệp vụ Tài chính – Ngân hàng cho sinh viên sau khi ra trường không bỡ ngỡ trước môi trường làm việc trong ngành học, Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc đã phối hợp cùng Ngân hàng TMCP An Bình chi nhánh Tỉnh Sơn La xây dựng kế hoạch và tổ chức thành công học phần Rèn nghề 2: Ngân hàng thương mại.

Học phần Rèn nghề 2: Ngân hàng thương mại với mục tiêu giúp các sinh viên K60 ĐH Tài chính – Ngân hàng được quan sát và thực hành các nghiệp vụ thực tiễn liên quan đến ngành học.

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng An Bình, Ban chủ nhiệm Khoa Kinh tế và các sinh viên

Cụ thể, sinh viên sẽ được tìm hiểu các văn bản đặc thù của ngân hàng, các quy trình nghiệp vụ cơ bản liên quan đến nghiệp vụ huy động vốn tiền gửi, nghiệp vụ cho vay khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp. Từ đó, sinh viên có khả năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, quan sát và phát hiện các hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hành nghiệp vụ.

Sinh viên rèn nghề tại Phòng Quan hệ khách hàng cá nhân, Phòng Quan hệ khách hàng Doanh nghiệp lớn

Bên cạnh đó các sinh viên K60 ĐH Tài chính – Ngân hàng còn được trau dồi các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quan sát học hỏi, tự nghiên cứu, phát hiện và giải quyết vấn đề phát sinh,… là những trải nghiệm vô cùng quý giá đối với sinh viên và ngành học.

Sự thân thiện của các anh chị nhân viên phần nào giúp các bạn sinh viên bớt ngại ngùng, bỡ ngỡ và hoàn toàn bị bất ngờ và choáng ngợp trước sự nghiêm túc và chuyên nghiệp của ngân hàng. Các bạn sinh viên thêm tin yêu, nhiệt huyết với nghề mình đã chọn: Tài chính – Ngân hàng.

Sinh viên rèn nghề tại Phòng Vận hành – Phòng Giao dịch

Kết thúc 3 tuần học Rèn nghề 2: Ngân hàng thương mại, các bạn sinh viên K60 ĐH Tài chính – Ngân hàng đã có khoảng thời gian thực tế đầy ý nghĩa, học hỏi và trau dồi thêm những kiến thức ngoài giáo trình, phát triển được thêm những kỹ năng còn thiếu xót của bản thân để không bị bỡ ngỡ sau khi tiếp xúc trực tiếp với môi trường làm việc của chính ngành học này.

Chúc các bạn sinh viên thêm tự tin với kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong học phần Rèn nghề 2; chúc Khoa Kinh tế và Ngân hàng TMCP An Bình Sơn La gắn bó hơn, hợp tác thành công hơn trong các hoạt động ngoại khóa tiếp theo!

SV: Nguyễn Thạch Thảo, K60 Đại học Tài chính – Ngân hàng, Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc

GIỚI THIỆU MỘT SỐ TÍNH NĂNG CỦA BỘ CƠ SỞ DỮ LIỆU FIINPRO

TS. Nguyễn Thị Phương Thảo

                  Thực hiện chương trình đào tạo sử dụng Bộ cơ sở dữ liệu Tài chính – Kinh tế – Vĩ mô cho cán bộ giảng viên các trường đại học do Fiingroup tổ chức, Khoa Kinh tế cử 04 Giảng viên tham dự gồm: TS. Nguyễn Thị Phương Thảo, TS. Đào Thị Vân Anh, TS. Đặng Huyền Trang, TS. Đỗ Thị Thu Hiền. Bài viết sau đây nhằm giới thiệu khái quát về bộ cơ sở dữ liệu và chia sẻ những tính năng cơ bản về tìm kiếm và truy xuất dữ liệu, giúp người đọc có cái nhìn khái quát về những lợi ích Finpro có thể mang lại.

  1. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ BỘ CƠ SỞ DỮ LIỆU FIINPRO

Fiingroup được thành lập năm 2008, là nhà cung cấp dịch vụ tích hợp về dữ liệu tài chính, thông tin kinh doanh, nghiên cứu ngành và các dịch vụ phân tích theo hướng dữ liệu cao cấp khác. Công ty cung cấp thông tin, hiểu biết sâu sắc và các nền tảng công nghệ tài chính hỗ trợ thị trường tài chính Việt Nam, các hoạt động đầu tư và thương mại. Nhiều nền tảng phân tích và dữ liệu đã được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu tài chính toàn diện, chính xác cao bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, ngành công nghiệp, IPO, M&A và kinh tế vĩ mô. Không những thế, FiinGroup áp dụng các công nghệ tiên tiến trong khai thác dữ liệu và tự động hóa nghiên cứu để phân tích hàng trăm nghìn công ty tư nhân với nhiều dịch vụ khác nhau từ bảng thông tin tiêu chuẩn, báo cáo tín dụng đến báo cáo nghiên cứu chuyên sâu. Các sản phẩm giúp khách hàng đưa ra tất cả các quyết định dựa trên dữ liệu trong việc tăng doanh thu, quản lý rủi ro, giảm chi phí và chuyển đổi hoạt động kinh doanh của họ.

Hiện tại có các nền tảng dữ liệu sau được cung cấp bởi công ty: Nền tảng Fiintrade, Fiinpro cung cấp thông tin tài chính; nền tảng Fiingate cung cấp thông tin kinh doanh. Trong đó, nền tảng Fiinpro là một trong những nền tảng cho phép người dùng tiếp cận với những thông tin tài chính chính xác, cập nhật và toàn diện 24/7 vào hạng bậc nhất hiện nay.

Phần mềm FiinPro là Bộ cơ sở Dữ liệu Kinh tế – Tài chính – Vĩ mô Việt Nam, cung cấp nguồn dữ liệu và thông tin đầy đủ trên cả hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Phần mềm FiinPro bao phủ thông tin toàn diện về hơn 1700 doanh nghiệp niêm yết và 1500 doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết. Ngoài ra, FiinPro còn cung cấp các công cụ phân tích tiện ích như Phân tích Chiến lược, Sàng lọc Cổ phiếu, Phân tích Thị trường, Khai thác Dữ liệu và nhiều công cụ khác được phát triển nhằm hỗ trợ các chuyên viên nghiên cứu, chuyên viên phân tích, nhà quản lý quỹ, chuyên viên đầu tư, chuyên viên tư vấn tài chính… Có thể điểm qua những nổi bật của Fiinpro như sau:

– Nền tảng phân tích mạnh mẽ được phát triển bởi nhóm các chuyên gia ACCA, CPA và CFA dành cho các nhà đầu tư năng động và chuyên nghiệp;

– Dữ liệu thời gian thực về thị trường chứng khoán Việt Nam, danh mục cổ phiếu quan tâm, biến động ngành và bảng giá trực tuyến với các tính năng sàng lọc cổ phiếu theo ngành, sàn, tăng/giảm;

– Nhóm công cụ phân tích, so sánh, sàng lọc cổ phiếu, phân tích ngành, dự báo lợi nhuận, báo cáo phân tích cùng với hàng trăm chỉ tiêu, biểu đồ, dữ liệu báo cáo tài chính;

– Thông tin tài chính đáng tin cậy và cập nhật nhất, bao gồm báo cáo tài chính theo quý và năm của tất cả các doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UPCOM kể từ ngày niêm yết;

–  Bộ 200 chỉ số quan trọng để định giá cổ phiếu, quản trị rủi ro, đo lường thanh khoản thị trường, hiệu quả quản lý, sức mạnh tài chính và khả năng sinh lời;

– Sàng lọc trên toàn thị trường với hơn 250 chỉ tiêu và chỉ hiển thị những cổ phiếu đáp ứng được tiêu chuẩn của người dùng;

– Công cụ phân tích ngành và so sánh ngành theo tiêu chuẩn phân ngành ICB;

– Đánh giá Free Cash Flow và Discount Rate theo mô hình CAPM để định giá cổ phiếu, kiểm tra kết quả theo nhiều phương pháp thu nhập;

–  Phương pháp luận tính toán chỉ số và dữ liệu được cân nhắc bởi các chuyên gia CPA và kiểm định độc lập bởi bên thứ ba;

– Dễ dàng cài đặt và sử dụng. Dữ liệu thị trường được cập nhật theo thời gian thực. Thông tin cơ bản và chỉ số tài chính được cập nhật và tính toán trong vòng 30 phút sau giờ giao dịch hàng ngày.

  1. MỘT SỐ TÍNH NĂNG TÌM KIẾM VÀ TRUY XUẤT DATA

Fiinpro có một số Nhóm tính năng chính sau:

2.1. Nhóm cổ phiếu

Chức năng Nhóm Cổ phiếu cho phép người dùng tùy chỉnh các nhóm cổ phiếu mà mình quan tâm và sử dụng chúng làm điều kiện đầu vào cho các chức năng khác của phần mềm.

2.2. Thị trường

Chức năng Thị trường hiển thị dữ liệu thời gian thực của các chỉ số, các ngành và cổ phiếu. Chức năng này cũng cung cấp dữ liệu thống kê thị trường như dữ liệu Giao dịch nước ngoài, Giao dịch tự doanh, Giá trị giao dịch theo loại Nhà đầu tư, Dữ liệu ETFs, Thống kê đặt lệnh, Lịch sử giá, Top Tăng/Giảm và Thông tin cổ đông lớn.

+ Chuyển động hàng ngày của thị trường: Theo dõi diễn biến thị trường thông qua tính năng Thị trường trực tuyến, Cập nhật Thị trường, Ngành trực tuyến, Cổ phiếu trực tuyến, Phái sinh trực tuyến, Top giao dịch đột biến, Top cổ phiếu giao dịch nhiều nhất.

+ Toàn cảnh thị trường Cung cấp dữ liệu và biểu đồ thống kê về thị trường bao gồm chỉ số, dữ liệu mua bán của NĐTNN, Giao dịch tự doanh, Giá trị giao dịch phân theo loại hình NĐT trong một khoảng thời gian bất kỳ theo thiết lập của Người dùng.

+ Thống kê Thị trường: Bằng cách click vào nút “Xuất Excel”, Người dùng có thể trích xuất được các dữ liệu thống kê thị trường cuối ngày, bao gồm: Lịch sử giá, Giao dịch Nước ngoài, Thống kê đặt lệnh, Top tăng/giảm, Giao dịch Tự doanh, Thông tin cổ đông lớn, ETFs, GTGD phân theo loại NĐT

+ Thống kê phái sinh: Bằng cách click vào nút “Xuất Excel”, Người dùng có thể trích xuất được các dữ liệu hàng ngày của thống kê Phái sinh gồm Hợp đồng tương lai và Chứng quyền có đảm bảo, bao gồm:  Lịch sử giá,Giao dịch nước ngoài.

+ Thống kê đặt lệnh Biểu đồ PTKT: Tính năng cho phép người dùng thiết kế biểu đồ phân tích kỹ thuật của các mã Cổ phiếu tùy chỉnh theo nhu cầu dựa trên các công cụ có sẵn.

+ Nợ vay ký quỹ: Cung cấp dữ liệu về nợ vay ký quỹ của các Công ty chứng khoán theo Quý và theo năm

2.3. Doanh nghiệp

Tổng quan chức năng Doanh nghiệp hiển thị tất cả các thông tin của một doanh nghiệp bao gồm: Tìm kiếm Doanh nghiệp, Hồ sơ Doanh Nghiệp, Báo cáo Doanh nghiệp, So sánh Doanh nghiệp, So sánh ngành, Phân tích Tài chính, Báo cáo Tài chính, Cơ cấu Doanh thu, Phân tích sơ hữu, Tin tức và Báo cáo, Sự kiện Doanh nghiệp, Dữ liệu Giao dịch, Lịch sử định giá, Dự báo Lợi nhuận để đưa đến cho người dùng một cái nhìn tổng quan về quá trình hoạt động của doanh nghiệp và triển vọng trong tương lai. Chức năng này bao quát hơn 3.000 doanh nghiệp đại chúng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chức năng này còn cung cấp các công cụ phân tích: So sánh Doanh nghiệp, So sánh ngành, điều này cho phép Người dùng có thể so sánh một doanh nghiệp với 1 doanh nghiệp khác hoặc với ngành khác.

+ Tìm kiếm Doanh nghiệp: Chọn chức năng Tìm kiếm Doanh nghiệp, danh sách các tính năng chi tiết sẽ được hiển thị để người dùng lựa chọn hiển thị các thông tin cần thiết về một doanh nghiệp.

+ Dữ liệu Tài chính: 1. Chọn xem Báo cáo Tài chính 2. Chọn Mã CK bằng cách gõ tên mã, hoặc từ khóa tên công ty 3. Chọn Xem theo Năm, Quý, 6 tháng, 9 tháng 4. Chọn Loại Báo cáo Hợp nhất hay Báo cáo Công ty mẹ 5. Chọn Tiền tệ: VNĐ hay USD

+ Báo cáo doanh nghiệp Tự động: Tính năng cho phép người dùng dễ dàng tạo lập những báo cáo doanh nghiệp tự động, không chỉ những Doanh nghiệp niêm yết trên sàn mà bao gồm cả những doanh nghiệp chưa niêm yết trong dữ liệu gồm hơn 3000 doanh nghiệp đại chúng.

2.4. Chiến lược đầu tư

Khái quát chức năng Chiến lước đầu tư bao gồm: Sàng lọc thông minh, Z-score, Phân tích Chiến lược, Danh mục, Phân tích Đóng góp, Lịch sự kiện

+ Sàng lọc thông minh: Cho phép Người dùng sàng lọc và thiết lập một danh sách các cổ phiếu theo yêu cầu của chính mình. Bao gồm gần 1000 các chỉ tiêu sàng lọc cơ bản, chỉ tiêu kĩ thuật và báo cáo tài chính. Người dùng có thể xuất kết quả sàng lọc theo file excel.

+ Chỉ số M-Score, Z-Score: Chỉ số M-Score giúp Người dùng nhận diện rủi ro gian lận trong BCTC của các Doanh nghiệp. Chỉ số Z-score dự đoán tình hình phá sản của các doanh nghiệp trong tương lai gần.

+ Chỉ số M-Score, Z-Score: Chỉ số M-Score giúp Người dùng nhận diện rủi ro gian lận trong BCTC của các Doanh nghiệp. Chỉ số Z-score dự đoán tình hình phá sản của các doanh nghiệp trong tương lai gần.

+ Phân tích đóng góp: Chức năng này được sử dụng để đánh giá về một mốc so sánh (benchmark) được tăng hay giảm bởi cổ phiếu nào trên thị trường. Điều này cho phép Người dùng biết được tác động của từng chứng khoán đối với cột mốc so sánh.

2.5. Dữ liệu

Tổng quan chức năng Dữ liệu cho phép Người dùng thiết kế dữ liệu mẫu và xuất dữ liệu ra thành tập tin excel. Bao gồm gần 2000 các chỉ tiêu cơ bản. Người dùng cũng có thể sử dụng dữ liệu mẫu được thiết kế sẵn bởi FiinGroup như là Thống kê kết quả kinh doanh, Phát hành trái phiếu, Phát hành cổ phiếu, Trả cổ tức bằng tiền mặt, IPO, dữ liệu về Ban Lãnh đạo và Cổ đông lớn. Bên cạnh đó, Người dùng còn có thể download dữ liệu Giá điều chỉnh, Thống kê cung cầu, NĐT Nước ngoài được sử dụng như là yếu tố đầu vào cho một số công cụ kỹ thuật như là Meta Stock, Ami Brocker. Chi tiết Dữ liệu Doanh nghiệp: Dữ liệu Giao dịch Doanh nghiệp & Dữ liệu cho Phân tích kỹ thuật

2.6. Kinh tế Vĩ mô

Tổng quan chức năng này bao gồm các phần Vĩ mô Việt Nam và Dữ liệu vĩ mô Việt Nam, mang tới cho Người dùng những thông tin, dữ liệu cập nhật nhất về thị trường vĩ mô Việt Nam. Người dùng cũng có thể xem và truy xuất dữ liệu của gần 1000 chỉ tiêu vĩ mô mà mình quan tâm. Chi tiết Vĩ mô Việt Nam: Chức năng này cung cấp tin tức, số liệu tổng quan về thị trường Chứng khoáng, GDP, CPI, dữ liệu xuất nhập khẩu, FDI, Cán cân thanh toán…..qua các thời kỳ. Người dùng có thể chọn một chỉ tiêu cụ thể để xem diễn biến chi tiết thông qua biểu đồ.

2.7. Tin tức

Tổng quan chức năng này bao gồm: Tin Thị trường, Tin Doanh nghiệp, Bản tin tự động, mang tới cho Người dùng tất cả những thông tin doanh nghiệp, tài chính mới nhất ở thị trường Việt Nam, đưa ra các nhìn tổng quát về chuyển động hàng ngày của thị trường cho quí nhà đầu tư. Người dùng cũng có thể cài đặt chức năng báo cáo tin tức hàng hàng về những tin tức mà mình quan tâm. Chi tiết Tin thị trường: Chức năng này cung cấp tất cả những tin tức tài chính mới nhất, bao gồm Kinh tế vĩ mô và Các chính sách, tin Phân tích thị trường, tin Ngân hàng, tin Hàng hóa,…về tổng quan thị trường hàng ngày. Người dùng cũng có thể tìm kiếm tin tức theo từ khóa, thư mục, nguồn thông tin, thời gian và lưu trong “Báo cáo tự động” của riêng mình.

+ Tin Doanh nghiệp: Đưa ra cho người dùng tất cả thông tin liên quan đến hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp có triển vọng và phát triển. Người dùng có thể xem “Theo chuyên mục” hoặc “Theo Nhóm Cổ phiếu”. Ngoài ra Người dùng có thể tìm kiếm theo Mã cổ phiếu hoặc từ khóa để có tất cả những thông tin cần thiết về hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động nội bộ và báo báo nghiên cứu về doanh nghiệp.

+ Bản tin tự động: Cho phép người dùng tự tạo cho mình những báo cáo hàng ngày thông qua chức năng “Bản tin tự động” của Tin thị trường. Ngoài ra còn có thể chọn tin tức từ thư mục, nguồn và thời gian, lưu thành Báo cáo của Người dùng và sau đó xuất ra file Word cho các mục đích sử dụng khác nhau.

2.8. Ngành

Tổng quan chức năng này cho phép người dùng phân tích các Ngành theo chuẩn ICB dựa trên các chỉ tiêu tài chính được tính toán dựa trên các Doanh nghiệp trong ngành và chi tiết tình hình sản xuất, kinh doanh của các nhóm ngành lớn như Thép. Thủy sản, Xi măng.

+ Chi tiết Phân tích ngành: Chức năng này cung cấp đầy đủ các chỉ tiêu cơ bản của các nhóm Ngành từ cấp 1 đến cấp 4 được phân theo chuẩn ICB và các Báo cáo ngành được tổng hợp từ các Công ty chứng khoán.

+ Chi tiết các ngành Thép, Thủy sản, Xi măng Đưa ra cho người dùng tất cả thông tin chi tiết về tình hình Sản xuất, Tiêu thụ, xuất nhập khẩu, tồn kho, giá các ngành Thép, Thủy sản, Xi măng và chi tiết các Doanh nghiệp trong ngành.

2.9. Quỹ

Tổng quan cung cấp cho người dùng thông tin toàn cảnh về hoạt động của các quỹ đầu tư tại Việt Nam, dữ liệu mới nhất được cập nhật liên tục cùng các công cụ phân tích trực quan nhằm hỗ trợ hoạt động đầu tư cũng như nghiên cứu của người dùng.

+ Toàn cảnh Quỹ: Chức năng này cung cấp toàn cảnh tình hình phân bổ tài sản của các Quỹ, Top Cổ phiếu được nắm giữ, mua bán nhiều nhất của các Quỹ theo từng tháng

+ Hồ sơ Quỹ: Chức năng này cung cấp thông tin chi tiết về từng Quỹ bao gồm các thông tin: Tổng quan, Hồ sơ Quỹ, Danh mục cổ phiếu nắm giữ, Dữ liệu NAV, Báo cáo tài chính, Báo cáo hoạt động.

2.10. Đầu tư

Tổng quan chức năng Đầu tư cung cấp dữ liệu thống kê các đợt Thoái vốn nhà nước, Phát hành lần đầu ra công chúng, Phát hành cổ phiếu và Phát hành trái phiếu. Chi tiết Thoái vốn nhà nước:

+ Phát hành lần đầu ra công chúng

+Phát hành Cổ phiếu

+ Phát hành Trái phiếu

Như vậy, có thể thấy Fiinpro là cơ sở Dữ liệu Kinh tế – Tài chính – Vĩ mô Việt Nam cung cấp nguồn dữ liệu khá đầy đủ và toàn diện. Bên cạnh đó, người sử dụng còn được cung cấp các công cụ phân tích tiện ích. Những tính năng trên phù hợp với chuyên viên nghiên cứu, chuyên viên phân tích, nhà quản lý quỹ, chuyên viên đầu tư, chuyên viên tư vấn tài chính…Các giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên cũng có thể khai thác Fiinpro cho mục đích học tập, nghiên cứu. Để có thể khai thác được các tính năng trên, người sử dụng có thể truy cập và download Tài liệu Hướng dẫn sử dụng tại địa chỉ:

http://fiinpro.com/upload/fiinpro/FiinPro_HDSD_CSDL-Kinhte-Taichinh-Vimo.pdf

 

 

Hội thảo khoa học “Điều chỉnh chuẩn đầu ra chương trình đào tạo Đại học”

GV: Nguyễn Hà Bảo Ngọc – Khoa Kinh tế

Thực hiện kế hoạch năm học 2019 – 2020 và được sự nhất trí của Ban giám hiệu Trường Đại học Tây Bắc vào hồi 19h30 ngày 13/7/2020 tại hội trường A2 – Trường Đại học Tây Bắc Khoa Kinh tế tổ chức Hội thảo khoa học “Điều chỉnh chuẩn đầu ra chương trình đào tạo đại học”. Hội thảo tổ chức với mục đích rà soát, điều chỉnh và công bố công khai Chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo trình độ Đại học của Khoa. Đồng thời tạo cơ hội tăng cường hợp tác gắn kết giữa Khoa, Nhà trường và xã hội trong hoạt động đào tạo và sử dụng nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Hội thảo với sự tham gia của gần 20 khách mời là đại diện Nhà trường, đại diện các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La, cựu sinh viên Khoa Kinh tế cùng toàn thể cán bộ giảng viên và hơn 200 sinh viên Khoa Kinh tế cũng tham dự đông đủ. Về phía Nhà tuyển dụng có: Đ/c Dương Thùy Dung – Công ty Tư vấn và giải pháp phần mềm Miền Bắc, đ/c Lê Ngọc Thắng – Giám đốc kinh doanh khu vực Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential, đ/c Nguyễn Thị Phương Thảo – Giám đốc phòng giao dịch BIDV Mai Sơn, đ/c Đỗ Xuân Hòa – Giám sát bán hàng cao cấp Công ty tài chính Fecredit. Về phía cựu sinh viên có: đ/c Nguyễn Hải Phong – Giám đốc Viettel Mai Sơn, đ/c Nguyễn Thị Nhung – K54 Kế toán – Kho bạc Nhà nước tỉnh Sơn La, đ/c Đỗ Văn Mạnh – K50 ĐH Kế toán – Phó phòng tài chính kế toán Công ty Sông Lam, Nguyễn Tuấn Ngọc – K53 ĐH QTKD – Sở giao thông vận tải tỉnh Sơn La, Nguyễn Hải Yến – K51 ĐH Kế toán – Trưởng phòng quan hệ khách hàng cá nhân MB chi nhánh Sơn La, đ/c Nguyễn Văn Tuấn – K52 TCNH – Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Sơn La. Về phía Nhà trường có sự tham gia của: TS Đỗ Hồng Đức – Trưởng phòng  Đào tạo, TS. Đào Thị Bích Ngọc – Phó Trưởng phòng Bảo đảm chất lượng và thanh tra pháp chế

Mở đầu chương trình TS. Hoàng Xuân Trọng – Trưởng Khoa Kinh tế phát biểu khai mạc buổi Hội thảo.

TS. Hoàng Xuân Trọng – Trưởng Khoa Kinh tế

Đại diện Nhà trường TS Đỗ Hồng Đức – Trưởng phòng  Đào tạo cũng đến tham dự đóng góp ý kiến cho Hội thảo, đồng chí cũng rất tin tưởng Khoa Kinh tế sẽ xây dựng được chuẩn đầu ra phù hợp với thực tiễn đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

TS Đỗ Hồng Đức – Trưởng phòng Đào tạo phát biểu

Đại diện các Bộ môn gồm: TS Vũ Thị Sen, ThS Nguyễn Thị Mai Phương, ThS. Đặng Trung Kiên, ThS Phan Nam Giang lần lượt trình bày các báo cáo kết quả khảo sát chuẩn đầu ra chương trình đào tạo các ngành: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành và ngành Tài chính ngân hàng của Khoa Kinh tế.

Đại diện các Bộ môn trình bày báo cáo khảo sát chuẩn đầu ra

Rất vinh dự cho Hội thảo được đón tiếp các khách mời đến tham dự và đóng góp ý kiến cho Hội thảo: Đ/c Dương Thùy Dung – Công ty Tư vấn và giải pháp phần mềm MiềnBắc, đ/c Lê Ngọc Thắng – Giám đốc kinh doanh khu vực Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential, đ/c Nguyễn Thị Phương Thảo – Giám đốc phòng giao dịch BIDV Mai Sơn, đ/c Đỗ Xuân Hòa – Giám sát bán hàng cao cấp Công ty tài chính Fecredit, cùng các cựu sinh viên thành đạt của Khoa: đ/c Nguyễn Thị Nhung – K54 Kế toán – Kho bạc Nhà nước tỉnh Sơn La, đ/c Đỗ Văn Mạnh – K50 ĐH Kế toán – Phó phòng tài chính kế toán Công ty SôngLam, Nguyễn Tuấn Ngọc – K53 ĐH QTKD – Sở giao thông vận tải tỉnh Sơn La, Nguyễn Hải Yến – K51 ĐH Kế toán – Trưởng phòng quan hệ khách hàng cá nhân MB chi nhánh Sơn La…, những ý kiến đóng góp hết sức thiết thực, phù hợp với thực tiễn. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên như: kỹ năng làm việc nhóm, tác phong làm việc trong các đơn vị, nâng cao sự hiểu biết cho sinh viên về công việc, vị trí công việc trong tương lai. Sự chia sẻ của khách mời đã cho thấy được nhu cầu của nhà tuyển dụng mong muốn gì ở sinh viên khi ra trường.

Hình ảnh một số khách mời chia sẻ ý kiến cho Hội thảo

Buổi Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, tất cả những ý kiến đóng góp đã được các Bộ môn tiếp thu và tiếp tục chỉnh sửa chuẩn đầu ra chương trình đào tạo nhằm đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của xã hội.

Một số hỉnh ảnh về buổi Hội Thảo

Hội thảo phương pháp giảng dạy hiện đại – CBGV Khoa Kinh tế

Trong bối cảnh hiện nay, Trường Đại học Tây Bắc và Khoa Kinh tế với chiến lược cạnh tranh trong thu hút tuyển sinh – đào tạo, trong khi ý thức học tập của sinh viên còn chưa chủ động, thực trạng kết quả học tập của sinh viên chưa cao, số lượng lưu học sinh Lào nhiều với những bất đồng về ngôn ngữ, lối sống, văn hóa học tập,… đòi hỏi giảng viên là đối tượng cần chủ động tiếp cận kho tàng kiến thức và cập nhật phương pháp giảng dạy hiện đại để hoạt động giảng dạy hiệu quả hơn, tích cực hóa người học hơn. Phương pháp giảng dạy cần linh hoạt, đa dạng, phong phú, không chỉ học hỏi ở các chuyên gia, lớp tập huấn, hội thảo do nhà trường tổ chức, mà còn học hỏi ở các đồng nghiệp, bạn bè ở các chuyên ngành khác nhau.

Nhằm mục đích đẩy mạnh phong trào học tốt, dạy tốt của giảng viên và sinh viên trong toàn khoa, góp phần nâng cao kết quả học tập và chất lượng đào tạo; Chia sẻ kinh nghiệm của các giảng viên có phương pháp giảng dạy hay, các giảng viên đang tham gia khóa tập huấn dạy học tích cực và hòa nhập (ILO3) của Aus4Skill; Trao đổi giữa các giảng viên trong và ngoài khoa Kinh tế về các phương pháp giảng dạy hiện đại, ngày 03/7/2020 Chi đoàn GVCB khoa Kinh tế đã chủ trì tổ chức Hội thảo phương pháp giảng dạy hiện đại.

Đến dự với hội thảo có Ban chủ nhiệm Khoa Kinh tế; 2 khách mời là chị Lường Thị Định – Giảng viên Khoa tiểu học – Mầm Non và chị Nguyễn Thị Thanh Hà – giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên – công nghệ; Các đồng chí giảng viên trong khoa Kinh tế đã trưởng thành đoàn cùng với sự tham gia đầy đủ của các giảng viên trong chi đoàn giáo viên cán bộ Khoa Kinh tế.

Toàn bộ cán bộ giảng viên Khoa Kinh tế

Khai mạc và phát biểu tại hội thảo Tiến sĩ Hoàng Xuân Trọng – Bí thư chi bộ, Trưởng Khoa Kinh tế nhấn mạnh: Chi ủy và Ban chủ nhiệm khoa Kinh tế luôn ưu tiên, khuyến khích và hỗ trợ các giảng viên nâng cao chất lượng chuyên môn giảng dạy và NCKH, đặc biệt là nâng cao phương pháp giảng dạy hòa nhập tích cực nhằm khuyến khích người học. Hội thảo là cơ hội để các đồng chí giảng viên chia sẻ và tiếp thu, học hỏi lẫn nhau về các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại.

Đ/c Hoàng Xuân Trọng – Trưởng Khoa kinh tế phát biểu

            Để đánh giá lại các phương pháp giảng dạy của các giảng viên trong chi đoàn GVCB khoa Kinh tế, 3 đồng chí giảng viên Lò Thị Huyền Trang, Đặng Thị Huyền Mi, Lương Thị Thủy đã cùng nhau xây dựng tham luận: “Phương pháp giảng dạy hiện đại” do đồng chí Lò Thị Huyền Trang đại diện trình bày.

Đ/c Lò Thị Huyền Trang – Bí thư Chi đoàn GVCB Khoa Kinh tế báo cáo tham luận

            Đến dự và chia sẻ với hội thảo cũng là khách mời để chia sẻ về phương pháp giảng dạy tích cực hóa người học có đ/c Lường Thị Định – Giảng viên khoa Tiểu học – Mầm non. Do thời gian có hạn nên đ/c Định đã chia sẻ rất ngắn gọn về phương pháp giảng dạy linh hoạt, thu hút sinh viên học tập như: sử dụng trò chơi để bắt đầu bài giảng nhằm tạo cho sinh viên sự hứng khởi và xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau giữa giảng viên và sinh viên. Đ/c nhấn mạnh về phương pháp giảng dạy của mình là không bao giờ tạo ra khoảng cách giữa giảng viên và sinh viên.

Đ/c Lường Thị Định – Giảng viên Khoa Tiểu học Mầm non chia sẻ phương pháp sử dụng trò chơi

            Khách mời thứ hai được mời chia sẻ về phương pháp giảng dạy hiện đại tại hội thảo là đ/c Nguyễn Thị Thanh Hà – giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên – công nghệ. Với lợi thế về giảng dạy công nghệ thông tin nên tại hội thảo, chỉ trong thời gian rất ngắn đ/c đã chia sẻ và hướng dẫn rất nhiều công cụ, phần mềm hỗ trợ rất hữu ích cho các phương pháp giảng dạy hiện đại như: phần mềm: Mentimeter.com; Padlet.com; Menti.com; QR code; Kahoot.it; Phương pháp dạy học kết hợp (sử dụng các công cụ)….Đ/c Hà nhấn mạnh, việc sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại phụ thuộc rất nhiều và sự chủ động của giảng viên, nếu mỗi giảng viên quyết tâm, tích cực và chủ động thì không gì là không làm được và việc sử dụng các công cụ hỗ trợ trong giảng dạy không phải một sớm một chiều là có thể làm được mà đòi hỏi các giảng viên phải có sự đầu tư, chau chuốt về nội dung và hình thức.

Đ/c Nguyễn Thị Thanh Hà – Giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên – công nghệ chia sẻ phương pháp sử dụng các công cụ và phần mềm hỗ trợ trong giảng dạy

            Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại có nhiều ưu điểm, phù hợp và cũng là cần thiết với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực đối với các giảng viên cũng còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Chia sẻ về những vướng mắc ấy, đ/c Đỗ Thị Minh Tâm – Giảng viên bộ môn Kế toán – Khoa Kinh tế đã chia sẻ một số kinh nghiệm của mình cũng như một số băn khoăn trong sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực. Về kinh nghiệm, đ/c chia sẻ trong giảng dạy cần nắm được tâm tư, nguyện vọng của sinh viên. Trong việc sử dụng các hoạt động vui chơi cần có thưởng – phạt rõ ràng để kích thích sinh viên tham gia. Tuy nhiên, đ/c Tâm cũng nhấn mạnh việc sử dụng các phương pháp giảng dạy cần phải phù hợp với đối tượng, nội dung môn học, không nên quá cứng nhắc.

Đ/c Đỗ Thị Minh Tâm chia sẻ một số kinh nghiệm và băn khoăn trong việc áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại

Tại hội thảo, rất nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại đã được các giảng viên khách mời và các giảng viên trong chi đoàn GVCB khoa Kinh tế thảo luận sôi nổi với nhiều góc độ, nội dung và đưa ra giải pháp cho các khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực và sử dụng các công cụ hỗ trợ.

Sau bổi hội thảo có lẽ trong mỗi giảng viên đã có ít nhiều sự thay đổi trong suy nghĩ, kế hoạch dạy và học cũng như áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại để mỗi giờ lên lớp trở nên nhẹ nhàng và hứng thú hơn với cả giảng viên và người học.

Nguyễn Thị Thanh Thủy