Truong Luan

DU LỊCH CỘNG ĐỒNG SƠN LA THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẮM PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TỈNH SƠN LA

Có thể nói du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch mới ở Việt Nam, nó không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế và xã hội cho cộng đồng mà còn góp phần vào công tác bảo tồn các nét văn hóa bản địa và giữ gìn cảnh quan tự nhiên của các địa phương và các vùng miền.

Khái niệm du lịch cộng đồng bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, mặc dù xuất hiện rất nhiều cách nhìn nhận và hiểu biết khác nhau về khái niệm này nó tùy thuộc vào tác giả, khu vực địa lý hay do các nghiên cứu/dự án cụ thể. Song định nghĩa phổ biến về du lịch cộng đồng là:

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại cho du khách những trải nghiệm về bản sắc cộng đồng địa phương, trong đó cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, được hưởng lợi ích kinh tế – xã hội từ hoạt động du lịch và có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường, bản sắc văn hóa của cộng đồng”

Từ khái niệm trên có thể thống nhất và hiểu du lịch cộng đồng là loại hình du lịch bền vững dựa vào cộng đồng địa phương. Du lịch cộng đồng là một cách tiếp cận nhằm tạo ra lợi nhuận cao nhất cho người dân địa phương, những người sử dụng du lịch như một công cụ tạo nguồn lợi kinh tế. Du khách phải trả tiền khi họ đến tham quan khu vực và khoản tiền này được sử dụng để bảo vệ các di sản văn hoá và thiên nhiên và giúp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đó.

Du lich cộng đồng có nhiều tác động tích cực trong đó phần lớn các tác động hình thành và phát huy tác dụng theo hướng đáp ứng các nguyên tắc phát triển bền vững đó là mang lại các lợi ích xã hội, môi trường và kinh tế. Cụ thể:

Du lịch cộng đồng góp phần nâng cao thu nhập cho các cộng đồng địa phương đặc biệt là vùng sâu vùng xa nơi nghèo đói được thấy rõ rệt.

Thứ hai, du lịch cộng đồng thúc đẩy sự công bằng trong phát triển du lịch với việc mang lại cho cộng đồng toàn bộ những lợi ích từ việc cung cấp các dịch vụ du lịch và cơ sở hạ tầng.

Thứ ba, các doanh nghiệp du lịch cộng đồng tạo ra các cơ hội việc làm cho các địa phương. Du lịch cộng đồng góp phần làm thay đổi cơ cấu việc làm địa phương và cải thiện lao động ở các địa phương và giảm di cư lao động từ nông thôn ra đô thị.

Thứ tư, du lịch cộng đồng góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa và truyền thống kể cả bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Du lịch cộng đồng tạo ra các cơ hội để giao lưu văn hóa và kinh tế giữa Việt Nam và các nước khác. Đây chính là nhân tố quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy các cơ hội phát triển kinh tế ở các vùng nghèo.

Sơn La là một tỉnh có diện tích lớn, địa hình chia cắt mạnh, quỹ đất nông nghiệp rất hạn chế. Hoạt động kinh tế chủ yếu của tỉnh Sơn La là nông – lâm nghiệp, lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển nên đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Để nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, cần phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ. Một trong những hướng quan trọng để phát triển kinh tế dịch vụ là phát triển du lịch trên cơ sở khai thác và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng như: bản sắc văn hóa và phong tục tập quán độc đáo của 12 dân tộc anh em, hệ thống di tích lịch sử, lễ hội phong phú, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn … nhưng những tiềm năng đó chưa được khai thác hiệu quả để phát triển du lịch.

Do vậy bài viết này đề cập đến thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại Tỉnh Sơn La trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay cũng như đưa ra một số giải pháp góp phần phát triển hoạt động du lịch cộng đồng tại Tỉnh Sơn La.

* Thực trạng phát triển du lịch tỉnh Sơn La

Sơn La là tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc Việt Nam, phía Bắc giáp Yên Bái, Lai Châu; phía Đông giáp Phú Thọ và Hoà Bình; phía Nam giáp Thanh Hoá và Lào; phía Tây giáp Điện Biên. Diện tích 14.125 km2, địa hình phong phú đa dạng bao gồm chủ yếu là núi cao và các cao nguyên, trải dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Đơn vị hành chính của tỉnh bao gồm 1 thành phố và 11 huyện.

Du lịch Sơn La có manh nha phát triển từ cuối những năm của thập kỷ 90 và đến nay đã đạt được các kết quả kinh tế đáng khích lệ. Lượng khách đến thăm Sơn La tăng đáng kể trong những năm gần đây:

Năm 2011, Sơn La đón 410.000 du khách (trong đó có 37.500 lượt khách quốc tế), tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt 230 tỷ đồng. Năm 2012, Sơn La đón 1.115.000 lượt khách (trong đó có 42.000 lượt khách quốc tế, 493.000 lượt khách nội địa, 580.000 lượt khách đi về trong ngày), doanh thu dịch vụ du lịch đạt 501,7 tỷ đồng. Năm 2013 lượng khách du lịch đến Sơn La đạt 1.215.000 lượt (trong đó có 43.000 lượt khách quốc tế, 615.000 lượt khách đi và về trong ngày), tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt 601,75 tỷ đồng. Năm 2015, tỉnh Sơn La đón 1.597.000 lượt khách du lịch (Trong đó: đón 37.000 lượt khách quốc tế; 790.000 lượt khách đến trong ngày và 807.000 lượt khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú du lịch), tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 645 tỷ đồng.

Hiện tại, Du lịch Sơn La được đánh giá ở một góc độ tích cực hơn, không chỉ là điểm dừng chân cho du khách trong chương trình du lịch Hà Nội – Điện Biên Phủ. Các đoàn khách ngủ đêm tại một trong những khách sạn lớn của Sơn La, tham quan các thắng cảnh, các bản du lịch cộng đồng tại Mộc Châu, hay các di tích lịch sử tại thành phố Sơn La, các công trình kiến trúc, du lịch văn hóa tại các vùng phụ cận.

Cùng với sự gia tăng của khách du lịch, các cơ sở lưu trú của Sơn La phát triển với hệ thống nhà nghỉ, khách sạn. Sự phát triển này đã bước đầu giải quyết nhu cầu ăn nghỉ của khách du lịch. Đến hết tháng 12 năm 2012 trên địa bàn Tỉnh Sơn La có 110 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 1572, công suất sử dụng phòng đạt 63%, trong đó có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao. Và tính đến 20/12/2015, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 150 cơ sở lưu trú du lịch với: 24 Khách sạn (trong đó có: 01 khách sạn 3 sao; 12 khách sạn 2 sao và 11 khách sạn 1 sao); 118 Nhà nghỉ Du lịch và 08 Homestay. Trong đó có gần 1900 buồng, với 3350 giường. Các dịch vụ trong các cơ sở lưu trú đang được bổ sung, chất lượng phục vụ tốt hơn.

* Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Sơn La

Từ năm 2004, tổ chức SNV đã hỗ trợ hoạt động phát triển du lịch tại địa bàn tỉnh Sơn La thông qua việc cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và nâng cao năng lực cho Sở Thương mại và Du lịch trong việc: xây dựng đề xuất tuyến du lịch và chương trình phát triển du lịch cộng đồng; nâng cao nhận thức, tăng cường sự hiểu biết và kỹ năng xác định, lựa chọn các điểm du lịch cộng đồng tiềm năng được khảo sát.

Từ năm 2007 Tổ chức phát triển Hà Lan – SNV đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai chương trình tư vấn kỹ thuật cho tỉnh Sơn La lựa chọn và xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp tại xã Chiềng Yên thuộc huyện Mộc Châu nhằm nâng cao kiến thức cho cộng đồng về tổ chức và quản lý du lịch cộng đồng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương thông qua hoạt động du lịch cộng đồng. Tổ chức SNV đã tư vấn cho cộng đồng: xây dựng cơ chế quản lý du lịch cộng đồng và cơ chế chia sẻ thu nhập từ du lịch cho người dân, đặc biệt là người nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch, hỗ trợ đào tạo các kỹ năng phục vụ cơ bản, xây dựng và phát hành tập gấp giới thiệu điểm đến…

Căn cứ Quyết định 993/QĐ-UBND ngày 29/4/2010 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt Dự án hỗ trợ xây dựng 04 bản du lịch cộng đồng trong 2 năm 2011 và 2012 tại huyện Mộc Châu và thành phố Sơn La.  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ 4 bản du lịch cộng đồng giai đoạn I năm 2011 – 2012 (Bản Nà Bai – xã Chiềng Yên – nay thuộc Huyện Vân Hồ; Bản Áng – Thị trấn Mộc Châu, Bản Bó, bản Hụm – Thành phố Sơn La). Giai đoạn II năm 2012 Dự án hỗ trợ 04 bản du lịch cộng đồng tiếp tục được triển khai với 3 chương trình lớn: Hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho hoạt động du lịch cộng đồng; Hỗ trợ khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với dịch vụ du lịch. Với mục tiêu ban đầu nhằm nâng cao nhận thức, năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác du lịch ở các huyện, thành phố và các xã, phường, bản, tại thành phố Sơn La và huyện Mộc Châu. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã, bản trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ  môi trường, tăng nguồn thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong bản.

Từ năm 2011 đến cuối năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Sơn La đã tiến hành triển khai các hoạt động của dự án như:

Tổ chức hội nghị hình thành cơ cấu tổ chức, quản lý hoạt động du lịch cộng đồng của 4 bản: Kết quả đã thành lập được 04 Ban chỉ đạo phát triển du lịch cộng đồng của 4 xã, có quy chế hoạt động rõ ràng; thành lập 4 Ban quản lý du lịch cộng đồng của bản, hoạt động theo quy chế của ban; Bản có quy ước hoạt động du lịch cộng đồng chi tiết.

Tổ chức các lớp tập huấn: thông tin về Luật du lịch, các chủ trương chính sách của nhà nước về phát triển du lịch; Kỹ năng đón tiếp khách; phục vụ buồng; công tác chăm sóc y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm; chế biến món ăn, đồ uống; kỹ năng hướng dẫn du lịch; Công tác phòng chống HIV/AIDS…Kết quả, mỗi bản có 30 bà con đã được tập huấn các kiến thức trên, ngoài việc tập huấn về lý thuyết, bà con còn được hướng dẫn triển khai thực tế các kỹ năng như: Thuyết minh, hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ nấu ăn, nghiệp vụ dọn buồng.

Hỗ trợ các trang thiết bị cho Ban quản lý Du lịch cộng đồng 4 bản, Xây dựng hệ thống biển báo, Hỗ trợ dọn vệ sinh chỉnh trang đường làng, ngõ xóm…  Hỗ trợ cơ sở vật chất cho hoạt động du lịch: Mỗi bản có ít nhất 5 nhà nghỉ (Nhà dân đón khách nghỉ qua đêm) đủ điều kiện đón khách du lịch; 4 nhà văn hoá bản được chỉnh trang, bổ sung trang thiết bị nội thất với các văn hoá phẩm, vật dụng, đồ lưu niệm được trưng bày, hỗ trợ nhà vệ sinh, thùng rác, biển báo được xây dựng; Đường trong thôn, đường mòn đến các điểm du lịch được bảo dưỡng và dọn vệ sinh thường xuyên;

Hỗ trợ khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với dịch vụ du lịch: Sưu tầm các lời ca điệu múa truyền thống; Trang thiết bị phục vụ sưu tầm (Máy quay phim, máy ghi âm); Tổ chức biên kịch, đạo diễn và luyện tập; Biên tập ra đĩa CD, lời hát, điệu nhạc truyền thống: Mỗi bản được phục dựng 10 tiết mục văn nghệ để phục vụ khách du lịch; 4 đĩa CD, 4 đĩa DVD lời các bài hát và giai điệu nhạc truyền thống để lưu giữ, bảo tồn; 1 bộ dụng cụ âm nhạc; 10 bộ trang phục truyền thống; Sản xuất được hàng lưu niệm bán cho khách.

Tuyên truyền quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng: Làm tập gấp, tờ rơi giới thiệu về sản phẩm du lịch cộng đồng của 4 bản bao gồm: Biên soạn, thiết kế và in phát hành 4.000 tờ rơi, tập gấp giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng 4 bản; Làm 2 phóng sự giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng trên đài truyền hình Tỉnh và Trung ương.

Năm 2015 Ban chỉ đạo phát triển du lịch Sơn La tiếp tục thực hiện triển khai thực hiện giai đoạn II của đề án để xây dựng bản du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh có hiệu quả góp phần vào phát triển kinh tế xã hội bền vững. Với mục đích Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các bản còn gặp khó khăn về dường xá nhưng có cảnh quan môi trường đẹp, môi trường thân thiện mến khách. Kêu gọi và thu hút đầu tư vào các bản trọng điểm của các huyện như: Mường La; Mai Sơn; Quỳnh Nhai; Vân Hồ và tập trung trong các lĩnh vực lưu trú, vui chơi, mua sắm, ẩm thực…nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đi kèm, thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách. Đẩy mạnh xã hội hóa, có các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào du lịch cộng đồng tại Sơn La. Cụ thể như sau:

Triển khai tiếp tục dự án đường giao thông phát triển du lịch cộng đồng xã Chiềng Yên, Vân Hồ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2439/QĐ-UBND ngày 25/10/2011 với tổng mức đầu tư là 44.617 triệu đồng, năm 2014 dự án đã được giao 1.120 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương tại Quyết định số 174/QĐ-UBND ngày 23/01/2014. Đến thời điểm hiện tại giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đã giao.

Phối hợp với Ban quản lý dự án ADB tổ chức khảo sát, xây dựng báo cáo đề xuất danh mục dự án cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn huyện Mộc Châu trình hỗ trợ đầu tư từ nguồn phát triển hạ tầng du lịch của Dự án Giai đoạn IV, tiểu vùng Sông Mê Kông, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư dự án tuyến đường du lịch nối từ quốc lộ 43 đi Tân Lập; Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Sao Đỏ trung tâm hành chính huyện Vân Hồ; Khu du lịch cộng đồng Chiềng Yên.

Thẩm định hồ sơ về đất đai, môi trường đối với các dự án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La như: Dự án phát triển Làng thanh niên lập nghiệp Púng Bánh, Sốp Cộp; các dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ; các dự án phát triển khu du lịch, cụm du lịch huyện Mộc Châu, Mường La, Quỳnh Nhai, và Thành phố Sơn La.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và tham quan thác Dải Yếm tại Bản Vặt xã Mường Sang: Nhà đầu tư đã xây dựng mới tuyến đường từ Quốc lộ 43, xuống chân thác với tổng số vốn khoảng 600 triệu đồng. Hiện nhà đầu tư đang dừng triển khai các bước tiếp theo của dự án, dự kiến tiến hành đầu tư xây dựng vào năm 2015 (theo Công văn số 23 ngày 22/4/2014 của Công ty TNHH tập đoàn Đông Dương).

Khai thác phát huy các di sản văn hóa, trong đó  điển hình là các di tích lịch sử, văn hóa; phát triển nghề truyền thống; xây dựng mô hình bản du lịch cộng đồng; bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, tiêu biểu (văn hóa dân tộc Thái, dân tộc Mông, dân tộc Dao, tạo sự độc đáo, thu hút khách du lịch;

Xây dựng sản phẩm, mô hình tham quan du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như: Mô hình thăm quan rau hoa chất lượng cao cao; thăm quan những cánh đồng hoa cải; tham quan hoa tam giác mạch; tham quan du lịch và dịch vụ hái quả tại thung lũng mận Nà Ka 100 ha; du lịch trải nghiệm nông nghiệp, tắm trà, tắm lá thuốc; tổ chức phát động phong trào trồng hoa, tạo các tuyến đường, tuyến phố có hoa ban trắng mang đậm bản sắc văn hóa Tây Bắc.

Năm 2015, tổ chức khảo sát bản văn hoá dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La đánh giá điểm du lịch cộng đồng tại: bản Hùn, xã Chiềng Cọ; bản Hụm, xã Chiềng Xôm. Năm 2016, tỉnh Sơn La sẽ triển khai xây dựng dự án hỗ trợ xây dựng bản du lịch cộng đồng kiểu mẫu.

Tham gia đoàn khảo sát của dự án EU về đánh giá điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng tại huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Quỳnh Nhai từ ngày 26-30/5/2015.Tư vấn hỗ trợ Công ty CP và du lịch Thiên Đường Á Châu khảo sát du lịch cộng đồng tại xã Ngọc Chiến  huyện Mường La chuẩn bị tổ chức đoàn Famtrip lên Sơn La.

Triển khai các đề tài về “Nghiên cứu nội dung và giải pháp xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn văn hóa, giảm nghèo và bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La; Đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Sơn La; đề tài “nghiên cứu tiềm năng du lịch sinh thái và nhân văn huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La” …

Tổ chức kiểm tra công tác phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, áp dụng một số gợi ý tiêu chuẩn bản du lịch cộng đồng của dự án EU

*  Kết quả việc triển khai du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La

Việc triển khai du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La từ năm 2011 – 2015 đạt được những kết quả nhất định, đó là:

Trung bình đón được trên 16.000 lượt khách/năm. Doanh thu và thu nhập từ dịch vụ và du lịch tại cộng đồng đạt 4.000 triệu đồng/năm; Tốc độ tăng doanh thu và thu nhập từ dịch vụ du lịch của cộng đồng xã hội tại điểm triển khai trung bình trên 20%.

Nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bền vững cho 90% lao động trong vùng có phát triển Du lịch cộng đồng. Nâng cao nhận thức và trình độ quản lý du lịch cộng đồng cho 100% cán bộ quản lý cấp xã và các thành viên ban quản lý du lịch cộng đồng.

Qua triển khai thực hiện dự án nhận thức của nhân dân tại các bản thuộc dự án được nâng lên kéo theo một số bản vệ tinh cũng phát triển và tham gia hoạt động du lịch tại bản. Thông qua chương trình dự án số hộ được trang bị đủ điều kiện về đón tiếp khách cụ thể như: Bản Bó Chiềng An thành phố Sơn La có 05 hộ; bản Hụm Chiềng Xôm thành phố Sơn La 05 hộ; bản Áng xã Đông Sang huyện Mộc Châu có 05 hộ; bản Nà Bai xã Chiềng Yên huyện Vân Hồ có 05 hộ; Tổng số hộ trong dự án hỗ trợ của 4 bản là 20 hộ. Tuy nhiên từ nhận thức của nhân dân các bản có nhiều hộ tự bỏ kinh phí tham gia làm nhà nghỉ tại nhà cụ thể: bản Áng xã Đông Sang 17 hộ; bản Nà Bai xã Chiềng Yên 12 hộ; Bản Bó Chiềng An 10 hộ; bản Hụm 6 hộ; tổng số hộ tham gia là 45. Các bản đều đã thành lập đội văn nghệ riêng và được tập huấn nâng cao về các điệu múa, bài hát truyền thống và duy trì hoạt động thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Thu hút được 30% lao động của thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động và chuyển dịch khoảng 20% thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch.

Năm 2015 Các công ty kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động lữ hành, đưa nhiều đoàn khách trong tỉnh đi thăm quan và đón các đoàn khách đến thăm quan tại Sơn La. Với tổng số trên 1000 lượt khách.

Năm 2015, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 1800 người. Trong đó, qua đào tạo khoảng 55%.

Tóm lại, nhằm khai thác có hiệu quả các tài nguyên du lịch, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại các bản văn hoá để tạo thêm nguồn thu nhập góp phần xoá đói giảm nghèo. Với việc áp dụng phát triển mô hình du lịch cộng đồng trong thời gian vừa qua ngành du lịch Sơn La đã tích cực triển khai các hoạt động và bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định: Hình thành và phát triển loại hình du lịch mới, bổ sung điểm du lịch, dịch vụ du lịch trong chương trình du lịch Tây Bắc, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, góp phần nâng cao vị thế của du lịch Sơn La trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại trong hoạt động du lịch cộng đồng như:

Công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng còn hạn chế; Môi trường có nguy cơ bị ô nhiễm; Bản sắc văn hoá truyền thống đang có dấu hiệu bị mai một; Tài nguyên thiên nhiên sẽ bị xâm hại do những lợi nhuận từ du lịch; Công tác vệ sinh thôn, bản bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên còn yếu. Không có thùng đựng rác, không có nơi đổ rác quy định … Môi trường xã hội thay đổi, khi phát triển du lịch cộng đồng nếu không được quản lý tốt sẽ làm gia tăng tệ nạn xã hội.

Lợi ích từ hoạt động du lịch chưa được phân bổ hài hoà, hợp lý giữa người dân ở khu vực thị trấn và người dân ở các làng bản. Chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch còn thấp đặc biệt là người dân ở các thôn, bản đang tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng.

Các bản du lịch cộng đồng cũng đã có khách du lịch đến thăm quan, người dân cũng đã có doanh thu thông qua một số dịch vụ như múa hát, phục vụ ăn uống nhưng chưa đáng kể. Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng hiện nay tại các điểm này chưa rõ, chưa có tổ chức, chưa có nghiệp vụ phục vụ du lịch và tiến triển còn chậm, chất lượng còn chưa đạt được như mong muốn do các nguyên nhân chính như sau: Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật ở bản còn quá sơ sài chưa đảm bảo tiêu chuẩn, như: Chưa có hệ thống nước sạch; Bản có nhà cửa đẹp nhưng tập quán sinh hoạt đặc thù như nuôi động vật gần nhà (trâu, bò dưới gầm sàn) gây mất vệ sinh, đun nấu trực tiếp trong nhà, nếp sinh hoạt bề bộn . Vì vậy những bản này cần được hỗ trợ xây dựng quy chế, ban quản lý, các tiêu chí về du lịch về vệ sinh môi trường và các kỹ năng cho cộng đồng để đón tiếp khách.

Năng lực làm du lịch của người dân ở thôn, bản còn ở mức thấp, những kiến thức cơ bản trong hoạt động du lịch chưa được đào tạo nên kỹ năng làm du lịch còn yếu dẫn đến chất lượng, sản phẩm dịch vụ nghèo nàn, không tạo nên được sự hấp dẫn để thu hút khách. Sản phẩm du lịch ở cộng đồng đã được hình thành, nhưng do chưa đẩy mạnh được công tác tuyên truyền quảng bá tiếp thị sản phẩm, nên thu hút lượng khách đến cộng đồng tham quan du lịch chưa nhiều so với tiềm năng sẵn có.

* Một số giải pháp nhằm phát triển mô hình du lịch cộng đồng Tỉnh Sơn La

Thứ nhất, về cơ chế chính sách: nhằm phát huy tối đa tiềm năng du lịch cộng đồng và vận hành hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch cộng đồng như: nâng cấp cơ sở hạ tầng: đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, khôi phục, phát triển các nghề thủ công truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu, nghề đan lát  … phục vụ phát triển du lịch; Xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng và có chất lượng của bản du lịch cộng đồng ; Quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để khách du lịch trong và ngoài nước biết đến du lịch cộng đồng Sơn La; Bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về du lịch cho cộng đồng; Bảo tồn, phát huy những đặc trưng văn hóa của địa phương; Tôn tạo và bảo vệ cảnh quan môi trường tại khu vực bản. Có chính sách hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm du lịch của địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình kinh doanh lưu trú tại gia ở  bản du lịch cộng đồng như: thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký khách lưu trú … Tăng cường sự lãnh đạo cuả Đảng ủy, chính quyền các cấp địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng, coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương; coi phát triển du lịch cộng đồng là loại hình phát triển kinh tế bền vững.

Thứ hai, về nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch phát triển du lịch cộng đồng: Du lịch là một trong những ngành kinh tế dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế cao, vì thế để có thể thu hút được nhiều du khách đến tham quan thì chất lượng các loại hình dịch vụ cần phải đảm bảo và không ngừng nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách tại địa phương như : dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ hướng dẫn tham quan, dịch vụ bán hàng lưu niệm, dịch vụ vui chơi giải trí,…

Thứ ba, về phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng các sản phẩm du lịch của Sơn La hiện nay hầu như chưa đáp ứng được thị hiếu và mong muốn của khách du lịch. Sản phẩm du lịch cộng đồng là nhân tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và là biện pháp quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả. Vì vậy cần có những giải pháp đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm như : Đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp; Khuyến khích người dân chế biến những loại rượu từ men lá cây của địa phương, rượu ngô, rượu sơn tra … Hỗ trợ người dân địa phương tham gia sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch: đồ thổ cẩm (túi, áo, mũ, khăn, gối…); đồ mây tre đan: bàn, ghế, cung, nỏ, ếp, gùi, giá đựng … thân thiện với môi trường.

Thứ tư, Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền nhận thức phát triển du lịch cộng đồng  tới các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong các bản về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng giúp phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan môi trường và phát huy khả năng của nhân dân trong phát triển kinh tế gắn với du lịch. Tăng cường các nguồn vốn đầu tư, gắn kết các chương trình, các nguồn vốn để tập trung xây dựng bản theo định hướng nông thôn mới nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, cảnh quan tự nhiên, gắn với công tác bảo vệ môi trường cộng đồng làng bản.

Thứ năm, về phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường công tác đào tạo tại chỗ cho nhân dân các bản về các kỹ năng trong phát triển du lịch, phát huy khả năng của Ban quản lý các bản trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với lợi ích của các hộ kinh doanh với lợi ích của cộng đồng trong bản. Tập trung nguồn vốn đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho từng bản, thường xuyên tổ chức cho nhân dân tham gia học tập kinh nghiệm tho hướng chỉ việc tại các tỉnh có sự phát triển du lịch cộng đồng có vị trí địa lý giống với Sơn La. Tăng cường nguồn kinh phí cho công tác đào tạo hướng dẫn các kỹ năng trong phát triển du lịch tới người dân tại các bản.

Thứ sáu, về quảng bá thu hút thị trường. Hỗ trợ cho các huyện, xã, phường, bản thực hiện tốt công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh các bản du lịch cộng tới các công ty, hãng lữ hành trong và ngoài nước. Tập trung nguồn kinh phí cho việc xây dựng tập gấp, tờ rơi quảng bá tại các Hội trợ triển lãm trong và ngoài nước; Cung cấp thông tin cho các chương trình quảng cáo của các đài phát thanh truyền hình trong và ngoài tỉnh, xây dựng các tập phim, đĩa CD, DVD tư liệu về cuộc sống, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan môi trường, các nét văn hóa, ẩm thực truyền thống của các bản du lịch cộng đồng nhằm thu hút sự quan tâm của du khách.

Ngoài ra việc đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch cộng đồng cũng được coi là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công tại các bản triển khai mô hình du lịch cộng đồng

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tỉnh ủy Sơn La, Nghị Quyết về phát triển du lịch Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 số 19 – NQ/TU ngày 01/4/2013.
  2. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Quyết định về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sơn La về phát triển du lịch Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 số 1489/QĐ- UBND ngày 16/7/2013.
  3. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Quy hoạch phát triển du lịch Sơn La giai đoạn giai đoạn 2007-2015 và định hướng đến 2020 (Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 26/3/2008 của UBND tỉnh Sơn La).
  4. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Sở Văn hóa thể thao và du lịch, báo cáo kết quả triển khai dự án hỗ trợ 04 bản du lịch cộng đồng giai đoạn I tại thành phố Sơn La và huyện Mộc Châu, tháng 7/2014
  5. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Ban chỉ đạo phát triển du lịch, Số: 09/BC-BCĐPTDL, Báo cáo kết quả công tác năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016
  6. Nguyễn Văn Đính; Trần Thị Minh Hòa, Giáo trình kinh tế du lịch, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2008.
  7. Nguyễn Văn Lưu (2006), Phát triển du lịch cộng đồng trong nền kinh tế thị trường, Tạp chí du lịch số 10/2006.
  8. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La giai đoạn 2007 – 2015 và định hướng đến 2020, Sơn La 2007.
  9. Đề tài cấp tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình bản du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Chiềng Yên (Mộc Châu) và xã Mường Do (Phù Yên) – Tỉnh Sơn La, Nguyễn Đình Phong, Sở Thương mại và Du lịch Sơn La, 2007 – 2008.
  10. Đề tài cấp tỉnh: Nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa các dân tộc phục vụ phát triển du lịch huyện Mộc Châu, TS. Nguyễn Anh Cường, Đại học Văn hóa Hà Nội, 2008 – 2009.
  11. Đề tài cấp tỉnh: Nghiên cứu tiềm năng du lịch sinh thái và nhân văn huyện Quỳnh Nhai, Viện Dân tộc học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2011 – 2012.
  12. Sở Thương mại và Du lịch Sơn La, Đề án Điều tra, khảo sát thị trường du lịch sinh thái cộng đồng tỉnh Sơn La số 25/ĐA – STMDL ngày 08 tháng 11 năm 2006.
  13. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La, Dự án Hỗ trợ 4 bản du lịch cộng đồng giai đoạn 1 trên địa bàn tỉnh Sơn La.
  14. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La, Báo cáo về việc thực luật Di sản văn hóa – năm 2013.

Th.S. Lê Thị Thanh Nhàn

Lễ trao bằng tốt nghiệp Đại học hệ Vừa học – Vừa làm tại Trường Đại học Tây Bắc

Sáng ngày 21/3/2015, Trường Đại học Tây Bắc long trọng tổ chức Lễ Trao bằng tốt nghiệp cho các học viên hệ Đại học Vừa học – Vừa làm chuyên ngành Kế toán khóa 51 cho học viên huyên Mộc Châu (nay thuộc huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ) tỉnh Sơn La.

Toàn cảnh buổi lễ

     Tham dự buổi Lễ, có lãnh đạo địa phương Bà Giàng Thị Ly – Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu; Ông Nguyễn Mạnh Lân – Phó Phòng Giáo dục huyện Mộc Châu; Ông Lý Văn Thủy – UV Thường trực HĐND huyện Vân Hồ. Về phía Nhà trường có NGƯT.TS. Nguyễn Văn Bao – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; NGƯT.TS. Đinh Thanh Tâm – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện các Phòng, Khoa, chuyên viên Phòng Đào tạo đại học, giảng viên Khoa Kế toán và sự có mặt của 134 tân cử nhân hệ Vừa học – Vừa làm (VHVL).

Tại buổi Lễ, ThS. Phan Thanh Hải – Phó Phòng Đào tạo đại học công bố Quyết định công nhận tốt nghiệp cho học viên khóa 51 đại học hệ VLVH bao gồm 134 học viên đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp (trong đó có 106 học viên đạt loại khá, 28 học viên đạt Trung bình – Khá) chuyên ngành Kế toán.

NGƯT.TS. Nguyễn Văn Bao – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng phát biểu tại buổi Lễ

     Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường, NGƯT.TS. Nguyễn Văn Bao đã biểu dương, ghi nhận những cố gắng của đội ngũ thầy cô giáo và học viên trong suốt khóa học không quản ngại khó khăn vất vả để có được thành quả như hôm nay. Những kết quả mà 134 tân cử nhân đạt được không chỉ là niềm vinh dự của bản thân, của gia đình mà còn là niềm tự hào của các thầy cô giáo của Trường Đại học Tây Bắc, Nhà trường tin tưởng rằng dù ở bất kì cương vị công tác nào các tân cử nhân khoá 51 cũng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tiếp tục phấn đấu và thành đạt ở trình độ cao hơn nữa.

Đại biểu, các thầy cô giáo và các tân cử nhân đã chụp ảnh lưu niệm

     Với tình cảm xúc động và tự hào, học viên Nguyễn Thị Hương  thay mặt 134 tân cử nhân khóa học 51 đã phát biểu, tri ân đến các thầy cô giáo Trường Đại học Tây Bắc “Được học tập, rèn luyện tại Trường Đại học Tây Bắc là một sự may mắn và tự hào với chúng em, những kiến thức được đào tạo bài bản mà các thầy cô trang bị cho sẽ là nền tảng để mỗi tân cử nhân tiếp tục học tập, phấn đấu và vận dụng trong thực tiễn công tác của mình… Chúng em xin hứa sẽ trở thành những cán bộ, viên chức xuất sắc, góp phần xây dựng nền kinh tế – xã hội tỉnh nhà phát triển, làm rạng danh vị thế và thương hiệu của Trường Đại học Khu vực Tây Bắc”.

Buổi Lễ kết thúc và thành công tốt đẹp. Các quý vị đại biểu, các Thầy cô giáo và các tân cử nhân đã chụp ảnh lưu niệm trong không khí trang trọng, phấn khởi, tràn đầy cảm xúc. ./.

Cầm Phước

Không kì thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

 

Trong nhiều năm qua, mỗi khi nhắc đến AIDS, người ta đều liên tưởng đến đó là một căn bệnh thế kỉ, một căn bệnh cực kì nguy hiểm mà khi mắc phải thì chỉ có một con đường chết. Xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của người dân cũng càng được nâng cao hơn, vì vậy trách nhiệm và sự quan tâm, giúp đỡ của mỗi người đối với đại dịch HIV/AIDS và những cá nhân không may mắn mắc phải nó là một điều hết sức cần thiết. Chính vì thế, nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1/12/2003, Cô-phi-An-nan, người da màu đầu tiên làm Tổng thư kí Liên hợp quốc hai nhiệm kì và đoạt giải Nobel Hòa Bình đã ra một bản thông điệp gửi nhân dân thế giới, trong đó có lời kêu gọi nổi tiếng: “ Trong thế giới khốc liệt của AIDS , không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”. Vậy ông muốn nhắn nhủ điều gì với nhân loại, đặc biệt là tuổi trẻ, những chủ nhân của tương lai đất nước thông qua lời kêu gọi đó?

Trước hết, chúng ta hiểu gì về AIDS ? Thực ra nó là cụm từ viết tắt của tiếng Anh, là một hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ( còn gọi là bệnh liệt kháng hoặc SIDA), làm tê liệt sức đề kháng của con người. Như vậy, ‘ trong thế giới khốc liệt của AIDS” chính là một thế giới mà khi ta đã bước vào thì rất khó có thể thoát ra được bởi lẽ một khi đã bị nhiễm AIDS thì người bệnh không sớm thì muộn chắc chắn chỉ còn một con đường chết. Đối với mỗi con người, những sai lầm mà ta vô tình vấp phải trong cuộc sống thì có thể còn cách khắc phục được nhưng khi sai lầm vướng vào HIV/AIDS thì chúng ta sẽ phải trả giá bằng cả tính mạng, cuộc đời và thậm chí là người thân của mình vì nó có sức lan truyền rất khủng khiếp, không chỉ bằng một con đường mà có tới cả ba: đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Nguy hiểm đến thế nhưng cho đến nay, AIDS vẫn nằm trong số những loại bệnh mà con người chưa tìm ra thứ thuốc chữa nào hữu hiệu. Chính vì lẽ đó, qua câu nói: “ Trong thế giới khốc liệt của AIDS , không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”, điều mà Cô-phi-An-nan quan tâm và muốn nhắn nhủ cho chúng ta chính là sự gắn bó, đoàn kết, cảm thông của xã hội với người bị bệnh, không tách biệt giữa ta và họ, đồng thời hành động để giúp đẩy lùi căn bệnh này. Nếu không hành động hoặc không lên tiếng tức là chúng ta đã vô tình giết chết nhân loại và cả chúng ta, đồng thời người bị nhiễm AIDS cũng không được che giấu căn bệnh của mình hoặc tự ti, mặc cảm, sống biệt lập với cộng đồng mà hãy cố gắng đứng lên, không buông xuôi mọi thứ, lạc quan, tin tưởng vào tương lai, dành thời gian còn lại để sống chan hòa, vui vẻ và giúp ích cho đời.

Chúng ta đã được sống trong những giây phút thực sự vui vẻ và hạnh phúc. Cũng không ít người trong chúng ta thầm tiếc nuối và ao ước những khoảnh khắc tuyệt vời ẫy mãi mãi đọng lại trước mắt chúng ta và mỗi chúng ta sẽ thấy cuộc sống này ý nghĩa và đáng quý biết bao. Thế nhưng, xung quanh ta còn có những người không có niềm tin vào cuộc sống hiện tại, không dám ước mơ cho tương lai và thậm chí không muốn tồn tại trên cõi đời này nữa vì có thể họ sinh ra trong một gia đình không có hạnh phúc hoặc những va chạm, vấp ngã trong cuộc đời đã làm họ mất đi ý chí, nghị lực, và thế là họ đánh mất chính mình, sống buông thả, dần dần bước vào con đường hút chích, nghiện ngập và cuối cùng vì một phút sai lầm, một phút nhẹ dạ mà họ đã phải mang trên mình căn bệnh thế kỉ, đến lúc này dù có hối hận thì cũng đã quá muộn. Những người nhiễm AIDS cũng có thể là những chiến sĩ công an dũng cảm đang thi hành nhiệm vụ bắt tội phạm nên vô tình đã bị chúng dùng kim tiêm đâm vào người, kết quả họ đã vướng vào căn bệnh này, để lại nỗi đau cho bản thân và cả gia đình của mình.

Trong bản thông điệp gửi nhân dân thế giới, Tổng thư kí Cô-phi-An-nan đã nói : “ …Nhưng cũng chính trong lúc này, dịch HIV/AIDS vẫn hoành hành, gây tỉ lệ tử vong cao trên thế giới và có rất ít dấu hiệu suy giảm. Trong năm qua, mỗi phút đồng hồ của một ngày trôi đi, có khoảng 10 người nhiễm HIV”. HIV/AIDS có mặt khắp nơi trên thế giới , nó không bỏ qua hoặc chừa bất cứ một ai. Từ miền xuôi đến miền ngược, thành thị, nông thôn hay miền hải đảo xa xôi, đâu đâu cũng có, chúng luôn rình rập và sẵn sàng cướp đi cuộc sống của bất kì những ai chủ quan, thiếu hiểu biết. Từng giờ, từng phút, từng giây đồng hồ trôi qua, có biết bao con người đã bị cuốn vào vòng xoáy của AIDS. Tất cả những người bị nhiễm ngoài việc phải chống chọi với bệnh tật, sự ăn mòn đi thân xác thì họ lại càng đau khổ hơn nữa khi xung quanh họ luôn có một tấm lưới vô hình nhưng phủ đầy gai nhọn bao vây lấy họ. Tấm lưới này được dệt nên từ sự kì thị, sự phân biệt, sự khinh bỉ hay đơn giản chỉ là một câu nói bâng quơ, một cái nhìn khinh miệt, vô cảm hoặc một ánh mắt thờ ơ, xa lánh của chính mỗi chúng ta. Điều này thật đáng lên án trong xã hội và cần phải được loại bỏ ngay bởi vì có thể qua những hành động trên mà chúng ta đã vô tình làm tổn thương vào chính trái tim và tâm hồn của những người nhiễm HIV/AIDS, những con người tội nghiệp đang ở tận cùng đáy sâu của vực thẳm mà họ đang cố gắng thoát ra, thế nhưng họ không thể một mình tự thực hiện được điều đó mà người có thể kéo họ lên và giúp họ vượt qua mặc cảm, trở về với cộng đồng, sống hòa mình với xã hội không ai khác chính là chúng ta. Điều đáng buồn hơn, đối tượng bị kì thị ở đây còn là những đứa trẻ vô tội. Chúng không có tội tình gì khi mang trong mình căn bệnh thế kỉ bởi những người đã sinh thành ra chúng, thế nhưng những đứa trẻ đó đang bị chặn đường đến trường chỉ vì những suy nghĩ lệch lạc, phiến diện, những ác cảm của những con người thiếu hiểu biết. Trẻ em HIV được quyền tới trường, những hành vi trì trích, phản đối hay kỳ thị là không được phép. Người phạm luật hoàn toàn có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Ngoài ra thì các bé HIV trong điều kiện được phát triển hoà nhập và nhận thức đầy đủ, có thể hoàn toàn giáo dục các em biết tự bảo vệ mình và bảo vệ cho những người xung quanh – nó hoàn toàn có thể hiểu như một kỹ năng sống nhỏ bình thường. Về góc độ tầm nhìn và giải pháp của các nhà quản lý xã hội, HIV là căn bệnh có thể xảy ra với tất cả mọi người nếu thiếu hiểu biết. Nhiệm vụ đặt ra với các nhà quản lý và bảo vệ XH là hạn chế tốt nhất những vấn đề của căn bệnh này, tránh ảnh hưởng nhiều nhất cho cộng đồng và xã hội. Chính vì thế, sự tuyên truyền cho người dân hiểu về cơ chế lây lan của bệnh cũng như yêu cầu công đồng cần có những biện pháp thực hiện góp phần cải thiện hệ luỵ nạn dịch này, trong đó có việc chống kỳ thị người nhiễm HIV không phải nguyên nhân bởi họ, mà trẻ em là một bộ phận.

Vì thế, trách nhiệm của mỗi người đối với đại dịch HIV/AIDS nói chung và với những người mắc phải căn bệnh này nói riêng là vô cùng quan trọng. Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của người nhiễm HIV/AIDS để thấy được họ cần điều gì ở chúng ta. Chúng ta đã nói rất nhiều về trách nhiệm, đã đề ra rất nhiều biện pháp, kế hoạch. Thế nhưng, nhìn lại chúng ta đã làm được bao nhiêu? Mỗi chúng ta phải ý thức được trách nhiệm của mình từ những cái nhỏ nhặt nhất. Công việc đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS không của riêng một ai, một cơ quan tổ chức nào đó chính là trách nhiệm của cả cộng đồng, của chính chúng ta bởi vì cuộc sống là của tất cả mọi người. Điển hình như Nhà nước nên có các chính sách đầu tư tiền bạc để mua thuốc chữa bệnh, phòng bệnh. Xã hội cũng nên lập những mái ấm tình thương , những làng SOS… để giúp đỡ những người bị nhiễm HIV. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng nên xuất hiện nhiều thông tin về căn bệnh này để phổ biến cho tất cả người dân khắp nơi trên mọi miền đất nước hiểu về tác hại của nó và cách phòng chống.

Đối với thế hệ thanh niên, học sinh thì trách nhiệm này lại càng nặng nề và lớn lao hơn. Bởi lẽ chúng ta chính là chủ nhân tương lai của đất nước, những con người năng động, sáng tạo, có những điều kiện học tập, rèn luyện tốt nhất. Rất nhiều bạn trẻ đã ao ước sẽ tìm ra loại thuốc điều trị căn bệnh HIV/AIDS . Để điều đó thành hiện thực, mỗi chúng ta cần phải nỗ lực phấn đấu hết mình để học tập tốt hơn nữa, phải tìm hiểu, tự nâng cao nhận thức của mình về căn bệnh HIV/AIDS để có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của nó. Đặc biệt, mỗi chúng ta hãy trở thành những tuyên truyền viên xuất sắc, mang những kiến thức cần thiết về HIV/AIDS đến cho tất cả mọi người. Hãy tham gia tích cực vào các hoạt động thiết thực như các cuộc thi, các buổi tham gia cổ động, các phong trào tình nguyện giúp đỡ những người bị nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, một nhiệm vụ quan trọng nhất đó là xé tan đi tấm lưới vô hình đang vây lấy những người bị nhiễm HIV/AIDS bằng cách phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc giúp đỡ và chống kì thị, phân biệt đối xử với họ, bớt đi một ánh mắt vô cảm là giúp cho những người nhiễm HIV/AIDS không còn lo sợ, bớt đi một cái nhìn thờ ơ là tiếp thêm sức mạnh cho họ chống lại bệnh tật, một cái bắt tay thân thiện sẽ cho họ những nụ cười để vững tin hơn vào cuộc sống, chúng ta hãy mở rộng trái tim đồng cảm, hãy cùng nắm tay, sát cánh bên nhau để giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS. Hãy là những người tiên phong trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, hãy cùng đồng thanh hô to khẩu hiệu : “ Giữ vững cam kết, quyết tâm ngăn chặn AIDS”. Chính những ươc mơ, hoài bão , ý chí , những nụ cười rạng rỡ và con tim tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ chúng ta sẽ đẩy lùi được đại dịch HIV/AIDS.

Lời kêu gọi của Cô-phi-an-nan thật đúng đắn và có sức thuyết phục cao, nó như một hồi chuông cảnh tỉnh mọi người hãy cùng nhau đẩy lùi căn bệnh thế kỉ, hãy yêu thương , quan tâm và đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS như họ chưa từng mắc bệnh. Tôi và các bạn, chúng ta hãy cùng chung tay, cùng hành động ngay chính lúc này vì Trái Đất thân yêu, cuộc sống thân yêu này của chúng ta, làm cho mảnh đất mà ta đang ở luôn luôn ngập tràn tình người.

Lê Phương Hảo

Lời kêu gọi của Kofi Anna: “Hãy cùng tôi đánh đổ thành lũy của sự im lặng, kỳ thị và phân biệt đối xử dịch bệnh này”.                                         

Trải qua hơn hai thập kỷ tồn tại, cho dù ý thức trước dịch bệnh HIV/AIDS trong người dân đã được cải thiện ở các nước kém phát triển lẫn các nước tiên tiến thế nhưng vẫn còn đó sự xa rời, khó chịu đối với những người mắc phải. Vì thế, lời kêu gọi “hãy cùng tôi đánh đổ thành lũy của sự im lặng, kỳ thị và phân biệt đối xử dịch bệnh này” của Kofi Anna đã thúc đẩy một ý chí mạnh mẽ hơn để cùng đoàn kết và đương đầu với căn bệnh thế kỷ này.

Trong câu nói trên, “thành lũy của  sự im lặng, kỳ thị và phân biệt đối xử” chính là thái độ xa lánh đã ăn sâu vào nếp nghĩ của  rất nhiều người, những ánh mắt, vẻ mặt ghét bỏ thậm chí là những hành động xua đuổi với những bệnh nhân HIV/AIDS. Chính vì sự phân biệt đối xử nặng nề tưởng chừng như không thể lay chuyển này, hành động “đánh đổ” tức là loại bỏ sự xua đuổi, ghét bỏ và nâng cao ý thức một cách tích cực chính là việc làm bức thiết nhất. Thế nhưng, cuộc chiến không khoan nhượng này chỉ có thể thành công bởi sự nỗ lực của rất nhiều người, sự hợp tác hết mình này mới có thể tạo ra sự thay đổi bước ngoặt. Vì vậy, lời kêu gọi của Kofi Anna đã thể hiện đầy đủ sự quyết tâm tới cùng để chống lại sự phân biệt đối xử đang dần dần biến căn bệnh này thêm nguy hiểm.

Bởi ý thức  trước dịch bệnh này là yếu tố tiên quyết đề đẩy lùi nó nên càng nguy hại hơn khi một xã hội kỳ thị không nhận ra tác hại của việc im lặng và kỳ thị với những người mắc. Trước hết, đối với bản thân người mắc, càng bị xa lánh họ càng ý thức kém hơn về việc lây lan cho người khác, cùng với đó, không có sự giao tiếp, sẻ chia, họ càng thêm hủy hoại bản thân và căm thù người khác, dù rằng tình trạng của họ có thể tích cực hơn và có thể đóng góp cho công việc như những người bình thường. Bao quát hơn, đối với cộng đồng, việc phân biệt đối xử càng làm gia tăng thêm những tệ nạn xã hội, làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa người với người, và  nghiêm trọng hơn, để lại một sự kỳ thị còn nặng nề hơn cho thế hệ tiếp nối. Vì thế, việc đấu tranh với sự kỳ thị này không chỉ có ích với cá nhân mà còn với tập thể, không chỉ tác dụng lên con người của ngày hôm nay mà còn trong tương lai.

Hậu quả những hành vi cụ thể và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV. Những người nhiễm HIV họ bị mọi người xa lánh, ruồng bỏ, họ bị tổn thương về tinh thần và thể xác, vì họ không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị để bảo vệ. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng ngày càng nhiều lây nhiễm  HIV. Theo tôi cần phải có các biện pháp  để chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AID như sau:

Đề xuất các biện pháp để chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

– Chuyển từ truyền thông hù dọa sang truyền thông giải thích dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn.

– Chuyển từ việc nhấn mạnh vào con đường lây nhiễm sang nhấn mạnh hơn con đường không lây.

– Chuyển từ việc coi người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ là đối tượng sang coi họ là chủ thể của truyền thông.

– Chuyển từ đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang đưa tin, hình ảnh tích cực về họ, cải thiện hình ảnh, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng.

– Với tư duy đổi mới, nội dung, thông điệp truyền thông sẽ tập trung giải thích để mọi người hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường.

– Giải thích về các tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, trong đó nhấn mạnh các tác hại đối với cộng đồng, với sự phát triển kinh tế, xã hội và làm cho dịch HIV lây lan nhanh hơn.

– Tránh các từ ngữ, lời nói, hình ảnh, v.v… có tính hù dọa, gây hoảng sợ trong dân chúng.

– Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về HIV/AIDS, nhất là các quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử.

– Rà soát, kiên quyết thay thế các thông điệp, hình ảnh, nhất là các pano, áp phích có nội dung hù dọa hoặc gây nhầm lẫn HIV/AIDS với tệ nạn xã hội.

– Biên soạn lại các tài liệu, ấn phẩm truyền thông theo hướng loại bỏ các nội dung có thể dẫn đến tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử.

– Đa dạng hóa các phương pháp truyền thông.

– Lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào tất cả các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS.

– Tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV đồng thời tạo điều kiện để các nhóm người nhiễm HIV/AIDS tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong trường học, tại nơi làm việc và tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về các hoạt động này.

– Tăng cường đưa tin, quảng bá các hoạt động tích cực của người nhiễm HIV/AIDS, sự đóng góp của họ đối với cộng đồng và gia đình.

– Huy động sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ vào các hoạt động truyền thông, kết hợp với sự thăm hỏi, động viên người nhiễm HIV/AIDS.

– Chỉ ra những việc làm, những hành vi an toàn khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, truyền thông tích cực sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS.

Mà nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị này có thể chia thành hai hướng khác biệt là sự phân biệt đối xử của những con người không có ý thức với bệnh và những con người có giáo dục đầy đủ về HIV/AIDS nhưng không hợp tác phòng chống bệnh bởi sự ích kỷ của bản thân. Với trường hợp thứ nhất, cách đối xử của họ chịu sự ảnh hưởng của định kiến xã hội nặng nề, tuy nhiên, lại dễ dàng định hình lại ý thức để hiểu rõ hơn về bệnh và cởi mở hơn với người mắc. Tuy nhiên, đối phó với sự ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân thì cần có một chặng đường dài và rõ ràng hơn để họ học được sự chia sẻ, cảm thông với sự tủi thân, lẻ loi của người mắc đồng thời có thể tạo nên tác động về giáo dục mạnh mẽ hơn về phòng chống bệnh. Lấy ví dụ về việc áp dụng các biện pháp phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam, do chịu ảnh hưởng của văn hóa, người Việt rất ngại và khó chịu khi nhắc đến những vấn đề nhạy cảm này, cùng với ý thức kém và quan niệm nặng nề về những bệnh xã hội, công tác phòng chống việc kỳ thị và phân biệt đối xử với dịch bệnh này cần phải kết hợp nhiều yếu tố kể trên.

Để giải quyết tình trạng phân biệt này, đối với trường hợp người dân thiếu ý thức thì cần giáo dục ý thức đầy đủ, tuyên truyền những kiến thức cần thiết một cách ngắn gọn, dễ hiểu, để họ dễ dàng tiếp thu và áp dụng. Còn đối với những người chỉ muốn chăm chăm bảo vệ lợi ích của bản thân, cần tổ chức những chương trình thăm viếng, phỏng vấn về cuộc sống của người mắc để họ có thể tiếp cận để hiểu hơn cuộc sống của những con người khó khăn, dễ bị tổn thương trong xã hội này, thế nên, biện pháp này cần nhiều thời gian mới có thể thực hiện thành công được. Nhưng hơn hết, về lâu dài, các chính sách đối với các đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS ở các nước cần có sự đầu tư cụ thể và khoa học hơn từ khâu phát hiện, điều trị cho người nhiễm đến các chương trình tái hòa nhập cộng đồng cho người nhiễm, người nhiễm tự giúp đỡ nhau và tuyên truyền cách phòng chống cho cộng đồng. Đối với bản thân học sinh, những việc làm trong tầm tay là tự gầy dựng ý thức cho bản thân và kêu gọi những người xung quanh cởi mở hơn với những người mắc bệnh. Như thế, việc phòng chống HIV/AIDS cần phải xuất phát từ những việc nhỏ đến những việc làm bao quát hơn.

Thực tế, gần đây đã có một người trên thế giới đã được chữa trị khỏi căn bệnh thế kỷ này, điều này sẽ không thể xảy ra nếu không có sự đồng lòng hợp tác điều trị, không có bất kỳ kỳ thị hay phân biệt nào. Vì thế, lời kếu gọi của Kofi Anna rất có giá trị trong việc nâng cao ý thức đối với HIVAIDS trong hiện tại và tương lai.

(Nguyễn Thị Thu Hiên – Sưu tầm)

                                         

Đại hội Chi đoàn giáo viên nhiệm kỳ 2014 – 2015

Nhằm đánh giá kết quả hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên của chi đoàn CBGV Khoa Kinh tế  nhiệm kỳ 2013–2014, đồng thời xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Chi Đoàn CBGV trong nhiệm kỳ 2014-2015, sáng ngày 22 tháng 10 năm 2014, chi đoàn CBGV Khoa Kinh tế – trường Đại học Tây Bắc đã tiến hành tổ chức đại hội.
Continue reading