Lựa chọn trường mục tiêu trong Marketing địa phương

Ngày nay, các quốc gia thay vì vận dụng lý thuyết lợi thế so sánh đã vận dụng lý thuyết marketing để phát triển địa phương của mình. Lịch sử phát triển kinh tế đã cho thấy nhiều quốc gia tuy không có nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào nhưng nhờ có chiến lược và chương trình marketing địa phương hiệu quả đã biến địa phương của mình thành những nơi phát triển bền vững. Các nước công nhiệp mới (NICs) ở Châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong,… là các ví dụ điển hình. Các quốc gia trên đã làm được điều này nhờ vận dụng quan điểm về marketing để phát triển và xây dựng thương hiệu địa phương. Nhiệm vụ trung tâm của marketing địa phương là: lựa chọn thị trường mục tiêu, định vị thương hiệu địa phương cho thị trường mục tiêu đã chọn, duy trì và phát triển thị trường mục tiêu thông qua việc xây dựng, phát triển và truyền đạt giá trị ưu việt mà thương hiệu cung cấp cho thị trường mục tiêu. Trong bài viết này sẽ đề cập đến cách thức lựa chọn đúng thị trường mục tiêu – Bước đầu tiên quan trọng quyết định hiệu quả của marketing địa phương.
1. Marketing địa phương và sự cần thiết của lựa chọn đúng thị trường mục tiêu trong marketing địa phương

a. Marketing địa phương và thương hiệu địa phương

Marketing địa phương là là một sự phối hợp các nguồn lực của địa phương nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng mục tiêu của địa phương (nhà đầu tư, kinh doanh, chuyên gia, khách du lịch, v..v…) và để đạt mục tiêu của địa phương là phát triển kinh tế cũng như gia tăng chất lượng cuộc sống cho mọi thành viên trong địa phương. Người làm marketing địa phương là tất cả các thành viên trong địa phương đó (chính quyền địa phương, cộng đồng kinh doanh, và công dân tại địa phương đó). “Sản phẩm” của địa phương bao gồm: Cơ sở hạ tầng; Đặc trưng hấp dẫn, Ấn tượng địa phương và chất lượng sống; Con người…

Về mặt phạm vi, marketing có thể ở tầm vi mô hay vĩ mô, tuy rằng các quan điểm về marketing thường tập trung vào chức năng “vi mô” hơn là chức năng “vĩ mô” của nó. Đứng về mặt vĩ mô, chức năng của marketing tập trung vào vấn đề phát triển kinh tế của một quốc gia, tỉnh, thành phố, như marketing hướng đến các “khách hàng” như: nhà đầu tư, nhà kinh doanh, marketing khách du lịch, marketing các chuyên gia, nguồn lao động có tay nghề cao, các nhân vật nổi tiếng vào địa phương mình. Tuy nhiên, khi đề cập đến marketing thì thương hiệu là đơn vị cơ bản để marketing. Một thương hiệu có thể là một sản phẩm hữu hình, một dịch vụ, một tỉnh, một thành phố, hay một quốc gia.

Như vậy, về mặt marketing, chúng ta có thể xem một quốc gia, một tỉnh/thành phố là một thương hiệu, và gọi là “thương hiệu địa phương” để phân biệt với thương hiệu sản phẩm hay dịch vụ của các đơn vị kinh doanh.

b. Sự cần thiết của lựa chọn đúng thị trường mục tiêu trong marketing địa phương

Thứ nhất, thị trường tổng thể mà marketing địa phương hướng đến bao gồm một số lượng rất lớn các đối tượng với những nhu cầu, đặc điểm và hành vi khác nhau. Mỗi nhóm đối tượng đó có những đòi hỏi, kỳ vọng riêng đối với các địa phương về môi trường, chính sách và mục tiêu của chính họ.

Thứ hai, bất kỳ một địa phương nào cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh các địa phương khác. Các địa phương cạnh tranh rất khác biệt nhau về khả năng phục vụ nhu cầu và ước muốn của những nhóm khách hàng khác nhau của thị trường.

Thứ ba, mỗi một địa phương thường chỉ có một hoặc một vài thế mạnh xét trên một phương diện nào đó trong việc thỏa mãn nhu cầu và ước muốn của thị trường. Sẽ không có một địa phương cá biệt nào có khả năng đáp ứng được nhu cầu và ước muốn của tất cả khách hàng tiềm năng.

Vì vậy, để thu hút khách hàng có hiệu quả, duy trì và phát triển được thị phần, từng địa phương phải tìm cho mình những đoạn thị trường mà ở đó họ có khả năng đáp ứng nhu cầu và ước muốn của khách hàng hơn hẳn các địa phương cạnh tranh khác. Những đoạn thị trường như vậy sẽ được địa phương chọn làm thị trường mục tiêu. Để lựa chọn đúng thị trường mục tiêu, trước tiên phải tiến hành phân đoạn thị trường.

2. Cách thức lựa chọn đúng thị trường mục tiêu trong marketing địa phương

a. Phân đoạn thị trường/khách hàng

Cũng như marketing thương hiệu sản phẩm hay một dịch vụ, nhà marketing địa phương cần phải xác định thị trường hay khách hàng mục tiêu của địa phương mình. Theo quan điểm marketing, thị trường là tập hợp những khách hàng hiện có và tiểm ẩn. Thị trường mục tiêu của một địa phương có thể chia thành bốn nhóm khách hàng chủ yếu, đó là: các nhà đầu tư và kinh doanh; khách du lịch, hội nghị; người lao động; và các nhà xuất khẩu.

Thị trường bao gồm các nhà đầu tư, kinh doanh là một trong những thị trường ưu tiên hàng đầu của các địa phương đặc biệt là các nước đang phát triển. Thị trường này bao gồm các nhà đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước. Họ đến một địa phương để tìm kiếm cơ hội đầu tư hợp tác kinh doanh độc lập hay liên kết, liên doanh với các nhà đầu tư kinh doanh hiện tại của địa phương. Mục đích của nhóm khách hàng này là lợi nhuận đem lại cho công việc đầu tư, kinh doanh của họ. Vì vậy, họ quyết định đầu tư tại một địa phương nào đó nếu và chỉ nếu khi địa phương đó có khả năng và sẵn sàng giúp họ đạt được mục tiêu của mình.

Có nhiều cách thức mà các địa phương sử dụng để thu hút đầu tư về cho địa phương của mình như tổ chức các hội thảo về đầu tư, thành lập các tổ chức xúc tiến đầu tư, xây dựng và quảng bá các chính sách, các chương trình khuyến khích đầu tư như miễn thuế, dịch vụ miễn phí, v..v… Các tổ chức điển hình ở dạng này ở châu Á có thể kể đến như Tổ chức phát triển thương mại Hong Kong, Trung tâm xúc tiến đầu tư Cebu, Philippines, v..v…

Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng, các quốc gia, địa phương đếu có những chính sách thu hút đầu tư khác nhau tùy thuộc vào những mục tiêu của địa phương đó. Có địa phương thu hút vào ngành này nhưng lại hạn chế ngành nghề khác. Ví dụ, nếu địa phương muốn giải quyết nạn thất nghiệp gia tăng thì chính sách thu hút đầu tư vào các ngành nghề cần lực lượng lao động cao như ngành dệt, may, v..v.. Trong trường hợp địa phương cần phát triển công nghệ hiện đại, như công nghệ tin học, thì tìm cách thu hút các nhà đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực này,v..v…

Khách du lịch là thị trường mục tiêu thứ hai của các nhà marketing địa phương. Thị trường khách du lịch có thể chia thành hai nhóm chính, nhóm khách kinh doanh và không kinh doanh (khách du lịch thuần túy, thăm thân nhân, bạn bè). Nhóm kinh doanh bao gồm những người đến một địa phương nhằm vào mục đích kinh doanh như như tham gia các hội thảo kinh doanh, xem xét vị trí đầu tư, v..v… Nhóm khách du lịch kinh doanh thường được các địa phương tập trung nhiều trong các chương trình marketing đầu tư cho địa phương của mình hơn là nhóm khách du lịch thuần túy vì họ cũng là một kênh truyền tin thích hợp về vấn đề đầu tư.

Tuy nhiên, nhóm khách không kinh doanh cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho địa phương trong vấn đề phát triển kinh tế như thu nhập, công ăn việc làm, thuế, thông qua các chi tiêu của họ trong quá trình họ lưu lại ở địa phương đó. Để làm tăng lợi ích này, các nhà marketing địa phương luôn tìm cách hấp dẫn họ để họ có thể chi tiêu nhiều hơn và kéo dài thời gian lưu trú của họ, cũng như kích thích nhiều du khách đến tham quan địa phương mình. Chính vì vậy, các địa phương đều có chiến lược thu hút khách du lịch kinh doanh và không kinh doanh thông qua các văn phòng xúc tiến du lịch và văn phòng xúc tiến hội thảo kinh doanh, cũng như nhiều chương trình quảng bá khác.

Cũng cần chú ý là các chiến lược marketing thực hiện không thống nhất cho từng địa phương khác nhau mà nó phục thuộc vào mục tiêu của từng địa phương. Có những địa phương tập trung vào khách du lịch ngắn ngày, chi tiêu ít trong thời gian du lịch nhưng với số lượng lớn. Có địa phương tập trung vào nhóm nhỏ khách du lịch nhưng thời gian lưu trú lâu, và chi tiêu lớn. Có địa phương chỉ tập trung vào những nhóm khách du lịch đặc biệt nào đó mà không khuyến khích một số nhóm khác.

Người lao động, các chuyên gia là thị trường mục tiêu thứ ba. Các địa phương tìm cách thu hút những người có những kỹ năng nào đó đến định cư tại địa phương mình. Dĩ nhiên mỗi địa phương có thể tập trung vào những nhóm người định cư mới này khác nhau. Các địa phương thường có xu hướng kích thích một số nhóm này nhưng lại ngăn cản một số nhóm khác.

Các lao động mà các địa phương thường thích thú và kích thích họ đến định cư tại địa phương của mình là những người có kỹ năng chuyên môn trong ngành nghề mà địa phương mình cần, ví dụ như các nhà quản trị, các chuyên viên trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác nhau. Cạnh tranh để có được những người lao động có kỹ năng không phải chỉ diễn ra trong các đơn vị sản xuất kinh doanh mà còn ở bất kỳ tổ chức nào, và các địa phương không phải là trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, các địa phương ở khu vực châu Á thường có những chính sách khuyến khích những người được đào tạo và làm việc ở những nơi có trình độ khoa học cao trở về lại địa phương mình làm việc.

Các nhà xuất khẩu là thị trường mục tiêu thứ tư. Các nước đang phát triển thường tập trung vào chiến lược xuất khẩu đi liền với chiến lược thay thế hàng nhập khẩu. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình cho việc sử dụng hiệu quả chiến lược này. Các địa phương thường tìm kiếm những tổ chức, doanh nghiệp có khả năng tìm kiếm thị trường xuất khẩu để gia tăng kim ngạch xuất khẩu của địa phương mình. Hơn nữa, xuất khẩu cũng là một phương thức hữu hiệu để để quảng bá thương hiệu địa phương ra thị trường quốc tế. Hàn Quốc với Samsung, LG, Đài Loan với Acer là những ví dụ điển hình. Vì vậy, đi đôi với việc kích thích các nhà xuất khẩu đến địa phương, các địa phương cũng tìm cách thúc đẩy xuất khẩu thông qua các chính sách ưu đãi xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ, xúc tiến xuất khẩu như tìm kiếm thị trường xuất khẩu, thông tin về thị trường thế giới, đưa ra những chính sách ưu đãi cho các công ty tại địa phương có khả năng xuất khẩu.

Bốn đoạn thị trường nêu trên được phân đoạn một cách rõ ràng với những đặc trưng khác nhau, tiếp theo nhà marketing địa phương sẽ tiến hành lựa chọn thị trường mục tiêu.

b. Lựa chọn đúng thị trường mục tiêu

Để lựa chọn đúng thị trường mục tiêu, trước tiên cần phải đánh giá và nhận dạng được mức độ hấp dẫn của chúng trong việc thực hiện mục tiêu của địa phương. Các tiêu chuẩn đánh giá mức độ hấp dẫn được liệt kê sau đây:

Quy mô và tốc độ tăng trưởng: Một đoạn thị trường được coi là hiệu quả nếu nó có đủ tầm cỡ để bù đắp lại những nỗ lực marketing không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai của địa phương. Vì vậy, việc xác định đúng đắn quy mô và khả năng tăng trưởng luôn được coi là vấn đề đầu tiên khi lựa chọn thị trường mục tiêu. Phân tích quy mô và sự tăng trưởng để lựa chọn thị trường mục tiêu không có nghĩa là chọn những đoạn thị trường có quy mô lớn nhất, mức tăng trưởng cao nhất.

Quy mô và mức tăng trưởng là tiêu chuẩn có tính tương đối. Các địa phương có tiềm lực lớn thường hướng đến các đoạn thị trường có quy mô lớn, bỏ qua các đoạn thị trường nhỏ. Ngược lại, các địa phương nhỏ thường tiếp cập với các đoạn thị trường có quy mô nhỏ, bị đối thủ cạnh tranh bỏ quan và không đòi hỏi quá nhiều tài lực của họ. Điều này nên làm khi đánh giá sức hấp dẫn về quy mô và mức tăng trưởng của đoạn thị trường, chúng ta cần nhận diện một cách khách quan trên cả hai phương hiện cơ hội và rủi ro.

Đoạn thị trường có quy mô và mức tăng trưởng cao luôn hứa hẹn mức tiêu thụ và lợi nhuận cao trong tương lai. Song, quy mô và mức tăng trưởng cao chắc chắn sẽ hấp dẫn nhiều địa phương có sức cạnh tranh mạnh. Hoạt động trên những đoạn thị trường đó sẽ là trở ngại đối với những địa phương nhỏ.

Hấp dẫn về cơ cấu thị trường: Một địa phương không phải là duy nhất trên thị trường mà còn có những địa phương cạnh tranh khác. Các chương trình và chính sách của họ không chỉ nhằm đáp ứng một loại khách hàng. Họ thường xuyên phải đối phó với các áp lực của cạnh tranh và sự đòi hỏi của khách hàng. Một đoạn thị trường có thể có quy mô và tốc độ tăng trưởng như mong muốn nhưng vẫn không hấp dẫn nếu cạnh tranh trong đoạn đó quá gay gắt hoặc quyền thương lượng của các nhóm khách hàng và các lực lượng khác là quá cao.

Mục tiêu và khả năng của địa phương: Một đoạn thị trường đạt được mức độ hấp dẫn theo cả hai tiêu chuẩn trên vẫn có thể sẽ bị loại bỏ nếu không ăn khớp với mục tiêu lâu dài và khả năng của địa phương. Địa phương cứ cố gắng theo đuổi sức hấp dẫn của các đoạn thị trường vượt quá khả năng và mục tiêu của mình, nguồn lực của địa phương sẽ bị phân tán, không tập trung cho các mục tiêu chiến lược – các mục tiêu dài hạn, quyết định sự phát triển bền vững của địa phương. Địa phương có thể quyết định theo đuổi một vài mục tiêu ngắn hạn khi gặp các cơ hội kinh doanh song phải tuân thủ nguyên tắc lấy ngắn nuôi dài, tránh khuynh hướng bóc ngắn cắn dài.

Nguồn lực cần thiết để khai thác được các cơ hội thị trường gồm: vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tài chính, nhân sự, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng marketing… Mặt khác, nó cũng phải được nhìn nhận trong trạng thái biến đổi và trong mối tương quan với địa phương cạnh tranh. Khi đánh giá, phân tích mục tiêu và nguồn lực của địa phương, cần nhìn nhận vấn đề trong trạng thái động, linh hoạt cùng với sự biến động của môi trường kinh tế xã hội.

Qua việc phân tích các tiêu chuẩn đánh giá sức hấp dẫn của các đoạn thị trường, có thể đưa râ kết luận về một đoạn thị trường được coi là hấp dẫn như sau: Một đoạn thị trường hấp dẫn phải là đoạn thị trường thể hiện được sự tương hợp giữa khả năng, chiến lược, mục tiêu của địa phương với quy mô thị trường và mức độ cạnh tranh trên đoạn thị trường đó. Tất cả các yếu tố đó phải được nhìn nhận ở trạng thái biến đổi và hướng vào tương lai. Nói cách khác, đoạn thị trường hấp dẫn phải bao gồm các khách hàng mà địa phương có khả năng thiết lập mối quan hệ lâu dài; những nỗ lực marketing của địa phương hứa hẹn đạt hiệu quả, một lợi thế cạnh tranh cao.

Sau khi đánh giá mức hấp dẫn của các đoạn thị trường, chúng ta có những phương án lựa chọn thị trường mục tiêu như sau:

* Chọn một đoạn thị trường duy nhất: Địa phương có thể chọn một đoạn thị trường duy nhất. Đoạn thị trường này cần đảm bảo các điều kiện sau: Có sẵn sự phù hợp tự nhiên giữa nhu cầu và sản phẩm của địa phương; Là đoạn thị trường chưa có địa phương cạnh tranh hoặc bị bỏ qua; Đoạn thị trường được chọn được coi là điểm xuất phát hợp lý, làm đà cho sự mở rộng chiến lược khai thác tiếp theo. Ví dụ: Hạ Long – Quảng Ninh có thể tập trung mọi nguồn lực sẵn có để khai thác những người có nhu cầu du lịch trên toàn thế giới dựa trên sản phẩm Vịnh Hạ Long – một trong những kỳ quan đẹp nhất thế giới hiện nay.

Phương án chọn thị trường mục tiêu duy nhất có lợi thế giúp địa phương chiếm lĩnh một vị trí vững chắc trên đoạn thị trường đó. Xét về lâu dài, họ sẽ được hưởng những lợi thế của địa phương tiên phong. Mặt khác, sự tập trung nỗ lực marketing chỉ vào một đoạn thị trường cho phép địa phương cung ứng được sản phẩm đủ mức độ khác biệt cần thiết nhờ hiểu rõ nhu cầu và ước muốn của khách hàng. Thị trường mục tiêu duy nhất là cách thức chọn thị trường mục tiêu được các địa phương nhỏ và đang phát triển áp dụng một cách phổ biến.

* Chuyên môn hóa tuyển chọn: Theo phương án này địa phương có thể chọn một số đoạn thị trường riêng biệt làm thị trường mục tiêu. Phương án này thích hợp với các địa phương có ít hoặc không có năng lực trong việc phối hợp các đoạn thị trường với nhau, nhưng từng đoạn đều chứa đựng những hứa hẹn về thành công. Ví dụ: những tỉnh có cửa khẩu như Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La… có thể lựa chọn đoạn thị trường là các nhà xuất khẩu đến đầu tư các khu công nghiệp, đồng thời thu hút đoạn thị trường là những lao động có tay nghề từ nơi khác tới làm việc tại các khu công nghiệp, sản xuất các sản phẩm phù hợp để xuất khẩu.

* Chuyên môn hóa theo đặc tính sản phẩm của địa phương (Cơ sở hạ tầng; Đặc trưng hấp dẫn, Ấn tượng địa phương và chất lượng sống; Con người…): Địa phương có thể tạo trung vào việc tạo một loại sản phẩm để đáp ứng cho nhiều đoạn thị trường. Ví dụ: Việt Nam tạo đặc trưng hấp dẫn là hình ảnh của một đất nước du lịch mến khách, một đất nước của nụ cười, với khẩu hiệu “Việt Nam – Điểm đến của thiên niên kỷ”. Sản phẩm về du lịch này hướng đến nhiều đoạn thị trường – các du khách của nhiều nước khác nhau trên thế giới. Việc áp dụng phương án này sẽ giúp địa phương dễ dàng hơn trong việc tạo dựng hình ảnh, danh tiếng khi cung ứng một loại sản phẩm chuyên dụng.

* Chuyên môn hóa theo đặc tính thị trường/khách hàng: Địa phương có thể chọn một nhóm khách hàng riêng biệt làm thị trường mục tiêu và tập trung nỗ lực vào việc thỏa mãn nhu cầu đa dạng của nhóm khách hàng đó. Ví dụ: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện marketing địa phương nhằm thu hút và thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư, kinh doanh vào các khu công nghiệp lớn thông qua cơ sở hạ tầng thuận lợi, đồng thời tạo ấn tượng địa phương, cơ chế chính sách thông thoáng cởi mở và môi trường sống chất lượng với hệ thống trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí…. Việc áp dụng phương án này sẽ giúp địa phương thuận lợi trong việc tạo dựng danh tiếng trong một nhóm khách hàng. Đặc biệt, khi uy tín của thương hiệu địa phương đã khắc họa trong tâm trí khách hàng thì việc phát triển những sản phẩm mới cho nhóm khách hàng này sẽ trở nên hết sức dễ dàng.

* Bao phủ thị trường: Với phương án này, mọi khách hàng đều là thị trường mục tiêu của địa phương. Địa phương sẽ đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng về những chủng loại sản phẩm họ cần. Thường chỉ có các địa phương lớn, có nguồn lực mạnh mới áp dụng phương án này. Ví dụ: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội có thể hướng đến cả 4 đoạn thị trường đã nêu trên để thu hút và khai thác thành công.

Tùy thuộc vào mục tiêu, đặc điểm, nguồn lực của địa phương và tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển cụ thể mà địa phương sẽ chọn cho mình một phương án phù hợp nhất. Việc lựa chọn đúng thị trường mục tiêu trong marketing địa phương sẽ giúp địa phương xác định chính xác đối tượng khách hàng mà địa phương hướng tới để phục vụ, trên cơ sở khai thác và sử dụng các nguồn lực địa phương một cách có hiệu quả. Đồng thời định vị thương hiệu địa phương có vị trí đặc biệt, ấn tượng, nhất quán trong tâm trí của khách hàng mục tiêu.

3. Lựa chọn thị trường mục tiêu trong marketing địa phương tại Việt Nam

Là một nước đang phát triển tại Châu Á, Việt Nam đã và đang thu hút được các nhà đầu tư quan tâm tới đầu tư, sản xuất kinh doanh, là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, chúng ta cần chú ý đến đoan thị trường các chuyên gia có trình độ cao ở đẳng cấp quốc tế đến Việt Nam làm việc, từ đó chúng ta sẽ tiếp cận được với những kỹ năng, trình độ của các nước phát triển, tạo những cú huých lớn giúp Việt Nam có những bước tiến lớn. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải tạo ra một “sản phẩm” về cơ chế chính sách thu hút nhân tài, tạo môi trường sống chất lượng cho bản thân các chuyên gia và gia đình của họ để họ yên tâm công tác và có những cống hiến xứng đáng.

Mặt khác, Việt Nam nên khuyến khích các nhà xuất khẩu đến đầu tư, xây dựng cơ sở kinh doanh, sản xuất các mặt hàng có khả năng xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu thông qua các chính sách ưu đãi xuất khẩu, thành lập các tổ chức hỗ trợ, xúc tiến xuất khẩu như: tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang các nước khác, cập nhật thông tin về thị trường thế giới, đưa ra những chính sách ưu đãi cho các công ty có năng lực xuất khẩu của Việt Nam.

Dưới góc độ marketing địa phương ở cấp tỉnh, thành phố với những lợi thế, đặc trưng, nét văn hóa, giá trị… khác nhau của 63 tỉnh, thành, song các tỉnh, thành phố ở Việt Nam chủ yếu thực hiện chiến lược phát triển địa phương dựa vào các thế mạnh về vị trí địa lý, các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; một số tỉnh thì tạo ra những cơ chế chính sách ưu đãi, thông thoáng, trải thảm đỏ để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc dựa vào những thế mạnh sẵn có vẫn chủ yếu áp dụng lý thuyết về lợi thế cạnh tranh để phát triển, chưa thực sự vận dụng lý thuyết marketing địa phương để làm nền tảng phát triển.

Để các tỉnh, thành phố Việt Nam phát triển và xây dựng thương hiệu địa phương sắc nét thì cần phải trải qua đúng trình tự: từ việc lựa chọn đúng thị trường mục tiêu, định vị thương hiệu cho thị trường mục tiêu đã chọn, đến xây dựng, phát triển và truyền đạt giá trị ưu việt hơn so với các địa phương khác mà thương hiệu địa phương cung cấp cho thị trường mục tiêu.

Cần lưu ý rằng, để lựa chọn đúng thị trường mục tiêu, mỗi tỉnh, thành phố phải căn cứ trên mục tiêu chiến lược, phát triển kinh tế – xã hội, xem xét những mặt còn yếu, còn thiếu của địa phương, xem xét giá trị đặc biệt nào mà địa phương hướng tới để lựa chọn cho mình một hoặc một vài đoạn thị trường mục tiêu nhằm hướng đến khai thác. Từ đó, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương của tỉnh, thành phố vững mạnh và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, mạnh và bền vững tại mỗi địa phương.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, đan xen những cơ hội và thách thức cùng với môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, trong đó không tránh khỏi sự cạnh tranh thu thút “khách hàng” từ các địa phương khác, để có thể cạnh tranh thành công, hoàn thành các mục tiêu, sứ mệnh và tầm nhìn của mỗi địa phương, các tỉnh, thành phố tại Việt nam không thể không vận dụng mạnh mẽ lý thuyết lựa chọn đúng thị trường mục tiêu trong marketing địa phương vào xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ./.

ThS. Hoàng Xuân Trọng
Khoa Kinh tế, Đại học Tây Bắc.