Nâng cao hiệu quả đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh gắn với nhu cầu doanh nghiệp tại Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc

Nâng cao hiệu quả đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh gắn với nhu cầu doanh nghiệp tại Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc (Bài đăng trên bản tin thông tin và khoa học công nghệ số 7-12 năm 2011)

ThS. Hoàng Xuân Trọng
Bộ môn QTKD – Khoa Kinh tế

Abstract

How to educate at university meet the social reality is a big challenge for Vietnam education today. In the process of overcoming the challenge, at Tay Bac University, to improve the efficiency of training specialized in business administration should be cared of, so as to provide human resources in business administration meet business needs. This article has clearly contributed to the training model associated with business practices, the current status of training and then propose 5 specific solutions to improve the effectiveness of this subject.

Tóm tắt

Vấn đề đào tạo đại học gắn với thực tế xã hội là một thức thách lớn đang đặt ra cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Trong tiến trình vượt qua thách thức đó, tại trường Đại học Tây Bắc, việc nâng cao hiệu quả đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh gắn với nhu cầu doanh nghiệp cần phải được quan tâm, để cung ứng nguồn nhân lực Quản trị kinh doanh đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Bài viết đã góp phần làm rõ mô hình đào tạo gắn với thực tiễn doanh nghiệp, thực trạng đào tạo hiện nay và từ đó đề xuất 5 giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu của công tác này.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay đa số sinh viên mới ra trường khó tìm được việc làm hoặc khi được tuyển dụng thì không đáp ứng được công việc, các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, chi phí để đào tạo lại mới sử dụng được. Qua khảo sát 100 doanh nghiệp thì 85% cho biết, họ phải mất trung bình 3 – 6 tháng để đào lại các sinh viên tốt nghiệp mới có thể đáp ứng được yêu cầu tối thiểu công việc. Cá biệt, có doanh nghiệp cho rằng phải mất tới 2 năm để đào tạo lại.

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2009 – 2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010 – 2011 khối các trường đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu chỉ đạo: “Phải gắn đào tạo với thực tiễn, đẩy mạnh công tác đào tạo theo đặt hàng, có sự liên kết, gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, sử dụng lao động, phấn đấu hầu hết các trường có được hoạt động, hình thức liên kết cụ thể về đào tạo với các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng lao động. Mỗi trường cần xây dựng một số ngành mũi nhọn của trường với sự ưu tiên đầu tư cần thiết để các ngành đó sớm trở thành ngành đào tạo chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và thế giới, là hình mẫu về quản lý đào tạo, phát triển ngành”.

Trong tiến trình thực hiện đào tạo gắn với thực tiễn, Trường Đại học Tây Bắc đã công bố chuẩn đầu ra các ngành ban hành kèm theo Quyết định số 760/QĐ-ĐHTB-ĐT ngày 10/12/2010 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc, trong đó có chuẩn đầu ra của chuyên ngành Quản trị kinh doanh (QTKD).

Tuy nhiên để các chuẩn đầu ra của chuyên ngành QTKD trở thành hiện thực thì vấn đề đặt ra là tìm kiếm các mô hình, giải pháp cụ thể nào để nâng cao hiệu quả đào tạo chuyên ngành QTKD gắn với nhu cầu của doanh nghiệp? Trong phạm vi bài viết này, tác giả góp phần làm rõ mô hình đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp; Làm rõ thực trạng đào tạo hiện nay. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo chuyên ngành QTKD gắn với nhu cầu doanh nghiệp tại Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc.

2. Nội dung

2.1. Mô hình đào tạo gắn với thực tiễn

Sản phẩm đào tạo là cầu nối, gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp. Do đó, cả hai bên cần phải xác định rõ gắn kết nội dung gì và cơ chế gắn kết như thế nào. Hình vẽ dưới đây mô phỏng mô hình qui trình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, trong đó bao gồm 3 khâu chủ yếu: (1) đầu ra, (2) công nghệ đào tạo và (3) đầu vào. Các khâu có mối liên hệ mật thiết với nhau, trong đó khâu đầu ra là điều kiện, mục tiêu quyết định nội dung các khâu còn lại.

Điểm khác biệt quan trọng của qui trình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp so với phương pháp đào tạo truyền thống là qui trình ngược: căn cứ vào đầu ra để lựa chọn công nghệ đào tạo và đầu vào phù hợp. Thể hiện trên hình vẽ: hình mũi tên đậm từ phải sang trái.

mohinh

Khởi đầu trong qui trình đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp là đánh giá nhu cầu “đầu ra” để đại học sẽ lựa chọn công nghệ đào tạo thích hợp. Công nghệ này gồm ít nhất 6 thành tố: chương trình đào tạo và học liệu; đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất; dịch vụ đào tạo; tài chính; và quản lý. Các thành tố này phải hướng vào đáp ứng yêu cầu đầu ra và tương thích với nhau. Trong mỗi thành tố đều có sự tham gia, phối hợp giữa hai bên: đại học và doanh nghiệp.

Trước tiên, nội dung chương trình đào tạo có vai trò là điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công của đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Tùy theo từng vị trí công việc trong doanh nghiệp sẽ thiết kế nội dung chương trình về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và những phẩm chất nghề nghiệp cần thiết. Nhưng cần lưu ý rằng, ngoài đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, đại học còn phải đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại của chương trình đào tạo mà các doanh nghiệp chưa biết đến hoặc ít quan tâm và quan trọng hơn là việc đào tạo ra những con người có khả năng tự học để học suốt đời. Đây chính là điểm khác biệt giữa đào tạo đại học và đào tạo nghề.

Khi có được các chương trình đào tạo đạt chuẩn (khoa học, thực tiễn, liên thông quốc tế) thì việc xây dựng học liệu không quá khó khăn. Vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng học liệu là tham gia hoặc cung cấp thông tin để viết các nghiên cứu tình huống (case study). Kinh nghiệm thành công và thất bại của các cá nhân trong từng vị trí công việc sẽ là những bài học vô cùng quí giá cho những sinh viên, học viên. Đại học rất cần các nghiên cứu tình huống sống động từ thực tiễn của doanh nghiệp và doanh nghiệp hoàn toàn có thể tham gia được việc này.

Thứ hai, Đội ngũ giảng viên là thành tố then chốt trong công nghệ đào tạo và thành tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp. Căn cứ vào nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo, các giảng viên phải xây dựng, điều chỉnh, bổ sung những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp mà doanh nghiệp cần chứ không phải là dựa vào những thứ có sẵn hoặc ý muốn chủ quan của giảng viên. Phương pháp dạy – học, thực tập của sinh viên cũng phải thay đổi theo hướng phục vụ người học, đảm bảo được sự linh hoạt và bám sát thực tế. Yêu cầu này buộc các giảng viên và sinh viên phải đi khảo sát, gắn bó với doanh nghiệp.

Thứ ba, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp còn được thể hiện rất rõ qua việc tăng cường năng lực về cơ sở vật chất cho đại học. Các đại học ở nước ta đang gặp khó khăn rất lớn về thiếu trầm trọng giảng đường, phòng thí nghiệm và thiết bị dạy – học. Các doanh nghiệp có thể hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn này thông qua việc tài trợ, tặng giảng đường, phòng thí nghiệm, thiết bị dạy – học và đào tạo tại doanh nghiệp (sử dụng cơ sở vật chất của doanh nghiệp). Nhờ đó, sinh viên có cơ hội được làm quen với môi trường doanh nghiệp, các thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có cơ hội để lựa chọn, hướng nghiệp cho những sinh viên, học viên có năng lực tốt phục vụ cho doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp.