Bộ môn QTKD tổ chức thành công sinh hoạt chuyên đề tháng 2/2016

Ngày 29/2/2015 tại văn phòng khoa Kinh tế, bộ môn QTKD đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng tại tỉnh Sơn La” với sự tham dự đầy đủ của các giảng viên trong bộ môn. Nội dung sinh hoạt chuyên đề gồm các báo cáo chính: “Phân tích những yếu tố hấp dẫn của du lịch địa phương và sự hài lòng của du khách đến Sơn La” và “Mô hình và nhân tố tác động đến phát triển du lịch cộng đồng”.

Báo cáo đầu tiên do đ/c Hoàng Xuân Trọng thực hiện, đã chia sẻ thông tin thực trạng du lịch du lịch hiện nay. Trên phạm vi toàn cầu, du lịch (DL) đã trở thành ngành kinh tế hàng đầu. Thông điệp của Tổ chức DL thế giới năm 2015 là “1 tỷ du khách 1 tỷ cơ hội”. Mỗi năm có hơn tỷ khách DL đến các điểm DL trên toàn cầu, đóng góp trên 10% GDP và tạo ra 9% tổng việc làm xã hội. Hiện nay, Việt Nam đã khẳng định đến năm 2020, DL Việt Nam cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát huy ngày càng cao sự đóng góp của DL đối với sự phát triển của đất nước, năm 2020 đón 13-14 triệu khách quốc tế, 53-54 triệu khách nội địa, tổng thu DL từ 20-21 tỷ USD, tạo 3 triệu việc làm, đóng góp 6,5-7% GDP. Tại Sơn La, Ban Thường vụ tỉnh uỷ Sơn La đã có Nghị quyết số 19 ngày 01/4/2013 của về phát triển DL Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó xác định “đưa DL cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng”. Phấn đấu năm 2020 đạt 2,1 triệu khách DL, doanh thu DL đạt 2.000 tỷ đồng; đóng góp DL 2,38% GDP toàn tỉnh. Đến hết năm 2015, doanh thu du lịch Sơn La đạt 645 tỷ đồng, đóng góp trong GDP mới chỉ xấp xỉ 1% GDP toàn tỉnh, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng DL của tỉnh nhà và còn khoảng cách lớn so với mục tiêu phấn đấu năm 2020. Vì vậy cần nhiều nghiên cứu, phân tích, đánh giá về mọi mặt của du lịch Sơn La để có những phương pháp phát triển du lịch nhanh hơn và đạt mục tiêu bền vững.

hoithao2Báo cáo cũng đã chia sẻ kết quả nghiên cứu các yếu tố hấp dẫn của du lịch địa phương gồm: hình ảnh điểm đến tích cực, cơ sở hạ tầng du lịch đảm bảo, những đặc trưng nổi bật về tài nguyên du lịch, và sự thân thiện của người dân. Kết quả đánh giá sự hài lòng của du khách với du lịch Sơn La chỉ đạt mức trung bình mặc dù đánh giá cao về tài nguyên du lịch Sơn La. Nhưng hình ảnh điểm đến chưa ấn tượng, kỹ năng làm du lịch chưa chuyên nghiệp dẫn đến việc thời gian lưu trú của du khách ngắn và chi tiêu ít. Vậy để phát triển du lịch bền vững thì ngành du lịch Sơn La cần tập trung vào xây dựng môt hình ảnh du lịch tích cực với hệ thống nhận diện thương hiệu đồng bộ nhất quán khác biệt về logo, khẩu hiệu, màu sắc; cần phát huy vai trò đóng góp của người dân cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững vì họ vừa là chủ sở hữu tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường vừa tạo nên chính sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương,…

hoithao1Báo cáo thứ hai do đ/c Đặng Trung Kiên Trình bày. Báo cáo tập trung vào kết quả nghiên cứu tổng quan về mô hình và nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch cộng đồng theo định hướng bền vững. Từ các mô hình và nhân tố tham khảo ở Thái Lan và trên thế giới đã đề xuất 12 nhóm nhân tố tác động đến sự phát triển du lịch cộng đồng nhằm đạt được mục tiêu bền vững về kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường. Kết quả này sẽ là cơ sở cho nghiên cứu định tính và định lượng phục vụ đề tài nghiên cứu sinh.

Sau khi lắng nghe 2 báo cáo là phần thảo luận. Các đồng chí trong bộ môn đã đóng góp sôi nổi vào nội dung của 2 báo cáo và đóng góp cả về phương pháp nghiên cứu. Các góp ý nổi bật là: ngày nay, phát triển bền vững đã có thêm tiêu chí là ổn định an ninh chính trị bên cạnh 3 trụ cột chính trước đây là kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường; cách biểu diễn mô hình nghiên cứu cần vẽ lại đường mũi tên thể hiện mối quan hệ tác động của biến độc lập, biến kiểm soát và biến phụ thuộc; mô hình nghiên cứu du lịch cộng đồng được đề xuất cần tham khảo thêm những mô hình đã được xây dựng và qua thực tiễn ở Việt Nam. Cuối chương trình, bộ môn đã đề xuất qui trình nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị kinh doanh là: nghiên cứu cơ sở lý thuyết, đề xuất mô hình và giả thuyết nghiên cứu, xây dựng thang đo, tiến hành kiểm định qua thực tế, và cuối cùng đưa ra mô hình thực tế phù hợp với địa bàn nghiên cứu./.

Bộ môn QTKD