Đề án phát triển

Đề án xây dựng và phát triển khoa kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc nhiệm kỳ 2014 – 2019

Nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường, sự tín nhiệm của tập thể cán bộ giảng viên trong Khoa để tôi tiếp tục được nhận nhiệm vụ Trưởng khoa Kinh tế nhiệm kỳ 2014 – 2019.

Tôi xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ, tín nhiệm, tin tưởng của các đồng chí đối với tôi trong thời gian qua cũng như thời gian tới. Để đáp lại sự ủng hộ, tín nhiệm và sự tin tưởng của các đồng chí, tôi đặt cho mình cần phải quyết tâm thực hiện triệt để bản đề án mà tôi đã xây dựng, đã trình bày và đã được các đồng chí đóng góp để làm mục tiêu phấn đấu, là phương hướng cho tôi thực hiện trong nhiệm kỳ này.

Tôi xin phép được nêu lại lần nữa đề án của mình để gửi tới các đồng chí như một lời hứa quyết tâm của cá nhân tôi:

Thực hiện kế hoạch chiến lược phát triểnTrường ĐHTB giai đoạn 2010- 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Dựa vào phân tích thành tích các mặt hoạt động của Khoa Kinh tế nhiệm kỳ 2009-2014. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, phân tích cơ hội và thách thức trong giai đoạn vừa qua cũng như giai đoạn tới.Với nhiệm vụ Trưởng Khoa Kinh tế, tôi kiên quyết thực hiện đề án Xây dựng và phát triển khoa Kinh tế – Trường ĐHTB, giai đoạn 2014-2019 với các mục tiêu sau:

1. Mục tiêu

Mục tiêu tổng quát:

Đến năm 2019, Khoa Kinh tế trở thành Khoa đi đầu trong Trường theo hướng đào tạo cử nhân thực hành đồng thời cũng là một Khoa có chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học về Kinh tế có uy tín ở khu vực Tây Bắc, tiếp cận, hòa nhập với các trường đại học hàng đầu trong nước. Đồng thời, phấn đấu đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động trong khu vực và tiến tới cả nước.

Mục tiêu cụ thể:

1) Quản lý chất lượng đào tạo: Chương trình đào tạo đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động; Đánh giá đúng chất lượng của người học; Tăng cường thực hành, rèn nghề trong quá trình đào tạo;…..

2) Hoạt động nghiên cứu khoa học: Tập trung nghiên cứu ứng dụng để phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh Tây Bắc; Nâng cao chất lượng hoạt động NCKH của giảng viên, sinh viên trong toàn Khoa; Gắn NCKH với nâng cao chất lượng đào tạo.

3) Quản lý cơ sở vật chất: Sử dụng có hiệu quả kinh phí, cơ sở vật chất được nhà trường giao.

4) Quản lý Cán bộ, giảng viên: Nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên; Tư vấn với nhà trường nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ cán bộ, giảng viên; Quan tâm nâng cao đời sống tinh thần của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong khoa; …

5) Sinh viên: Quản lý tốt mọi mặt hoạt động của sinh viên; Nâng cao chất lượng học tập của sinh viên; Tăng cường đào tạo các kỹ năng cho sinh viên; …

2. Những chương trình hành động nhiệm kỳ 2014-2019

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên tôi xin phép thực hiện 5 chương trình hành động, được xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:

2.1 Chương trình Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

– Đề xuất, kiến nghị với Ban giám hiệu việc Xây dựng chiến lược mới về phát triển đội ngũ trong giai đoạn mới của Đại học Tây Bắc.

– Tạo mọi điều kiện để cán bộ, giảng viên hoàn thành tốt, đúng thời hạn việc học tập nâng cao chuyên môn, đặc biệt là các NCS. Phấn đấu đến 2019 Khoa Kinh tế có ít nhất 6 tiến sĩ, một nửa số giảng viên trong khoa làm NCS.

– Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV

– Chủ động liên hệ với các trường đào tạo về kinh tế để giảng viên có thể tham gia giảng dạy chương trình trên đại học, trao đổi chuyên môn, cải tiến phương pháp giảng dạy.

– Tạo cơ hội cho các giảng viên có năng lực để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý của Khoa, Bộ môn thuộc Khoa trong tương lai.

– Tư vấn với Ban giám hiệu, phòng Tổ chức cán bộ phương án Đổi mới công tác tuyển dụng giảng viên; Xây dựng cơ chế phù hợp để ngưng hợp đồng với những giảng viên không đảm bảo chuyên môn,…

2.2. Chương trình Nghiên cứu khoa học

– Xây dựng Khoa trở thành trung tâm NCKH lĩnh vực kinh tế ở vùng Tây Bắc.

– Đề xuất, kiến nghị với Nhà trường trong xây dựng, đổi mới các chính sách, qui định trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

– Xây dựng định hướng nghiên cứu tập trung trong toàn Khoa.

– Kết hợp chặt chẽ việc NCKH với đào tạo. Phấn đấu hàng năm 100% giảng viên trong khoa có công trình khoa học được đăng tải trên tạp chí khoa học chuyên ngành, thường xuyên đăng tải tạp chí của Trường.

– Tăng cường tìm kiếm nguồn đầu tư cho hoạt động NCKH của Khoa.

– Đề xuất, thực hiện Tổ chức, phối hợp đơn vị, tổ chức một số Hội thảo chuyên ngành nhằm nâng cao uy tín, năng lực, chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giảng viên của Khoa.

2.3. Chương trình quản lý hoạt động đào tạo, quản lý sinh viên

– Tiếp tục đề xuất và hoàn thiện và triển khai hiệu quả chương trình đang thực hiện. Cập nhật, điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động, đảm bảo mục tiêu đào tạo cử nhân thực hành.

– Đề xuất với Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo mở một số ngành đào tạo mới: Tài chính ngân hàng; Kinh tế tài nguyên; Du lịch;…

– Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cố vấn học tập để tư vấn, hướng dẫn cho sinh viên trong nâng cao chất lượng đào tạo.

– Thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường kỹ năng cho sinh viên.

2.4. Chương trình về quản lý cơ sở vật chất, tài chính

– Kinh phí được cấp hàng năm được sử dụng có hiệu quả đặc biệt tập trung vào hoạt động chuyên môn, hoạt động nâng cao kỹ năng cho sinh viên, hoạt động thực hành, rèn nghề…

– Sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được nhà trường giao trong đào tạo cử nhân kế toán thực hành.

– Đề xuất, vận hành mô hình “Siêu thị thực hành” để sinh viên có cơ hội thực hành kế toán, quản trị kinh doanh,…

2.5. Chương trình Mở rộng quan hệ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, NCKH

– Mở rộng mối quan hệ với các đơn vị sử dụng lao động để nghiên cứu, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu.

– Chủ động mở rộng mối quan hệ với các trường ĐH, viên nghiên cứu để liên kết đào tạo, NCKH nhằm nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, sinh viên.

– Tìm kiếm học bổng và các cơ hội thu hút đầu tư CSVC, đầu tư cho hoạt động NCKH.

Tất cả những nội dung nêu trên cho hoạt động của khoa ta trong năm năm tới đều cần sự đồng tâm hiệp lực từ tất cả cán bộ, giảng viên trong Khoa, đặc biệt là nhận được sự quan tâm của Ban chấp hành Đảng ủy, Ban giám hiệu, lãnh đạo nhà trường và tòan thể sinh viên. Thiếu sự đòan kết và hợp tác thì không thể có sự thành công của các chương trình trên.

Một lần nữa tôi xin hứa rằng tôi sẽ cố gắng hết sức và mong rằng các đồng chí cán bộ, giảng viên, sinh viên trong Khoa sẽ cùng tôi dốc lòng, dốc sức, toàn tâm, toàn ý cho các chương trình hoạt động mà tôi đã đề xuất ở trên.

Tất cả vì sự phát triển của Trường Đại học Tây Bắc , của Khoa Kinh tế!

Trưởng Khoa

Nguyễn Thị Lan Anh