XÂY DỰNG SẢN PHẨM DU LỊCH BỀN VỮNG TẠI VÙNG LÒNG HỒ THỦY ĐIỆN SƠN LA

Mở đầu

Vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La có những tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa rất đa dạng và phong phú, có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, những tài nguyên đó sẽ mãi chỉ ở dạng tiềm năng nếu không có sự tác động của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, du lịch vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, mùa mưa và mùa khô ảnh hưởng đến mực nước của hồ thuỷ điện. Để xây dựng sản phẩm du lịch bền vững, cần tiếp cận theo cơ chế thị trường, xuất phát từ nghiên cứu cơ hội thị trường, thách thức bên ngoài kết hợp với điểm mạnh và nguồn lực của địa phương để thỏa mãn nhu cầu khách du lịch, đồng thời mang lại những lợi ích kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường cho địa phương và người dân bản địa.

  1. Cơ sở lý thuyết và thực tiễn

Sản phẩm du lịch bền vững là sản phẩm sử dụng tài nguyên một cách có trách nhiệm với môi trường, công bằng xã hội và mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương, để những du khách cam kết đáp ứng nhu cầu hiện tại của họ mà không làm tổn hại đến việc sử dụng tài nguyên trong tương lai [2]. Để xây dựng sản phẩm du lịch bền vững cần quan tâm 3 yếu tố: (1) Giá trị cho bên cầu: phù hợp, thoả mãn nhu cầu và mong muốn của khách hàng mục tiêu; (2) Giá trị mang lại cho bên cung: sử dụng tối ưu tài nguyên, tôn trọng văn hoá xã hội và lợi ích kinh tế phân phối công bằng cho các bên tham gia; (3) Giá trị sản phẩm được tạo bởi: tài nguyên thiên nhiên và văn hóa hấp dẫn, tiện nghi và dịch vụ tốt, tiếp cận điểm đến thuận tiện, quản lý điểm đến tốt.

Các thành phần tham gia không thể thiếu để du lịch phát triển bền vững, đó là chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Chính quyền địa phương: ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển du lịch, xác định các loại hình du lịch phù hợp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu – duy tu sửa chữa, cung cấp dịch vụ công cộng, đảm bảo an ninh chính trị, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các sự kiện lớn, quảng bá điểm đến [1]. Doanh nghiệp: cung cấp các dịch vụ lưu trú, vận chuyển đường bộ, đường thuỷ, dịch vụ lữ hành, ăn uống, cho thuê thuyền, cho thuê lều trại, dịch vụ vui chơi giải trí và các dịch vụ du lịch khác. Hiệp hội du lịch đóng vai trò kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch. Cộng đồng dân cư: phát triển làng nghề, cung cấp sản phẩm lưu niệm, trao đổi văn hoá, dịch vụ nghỉ homestay, hướng dẫn viên bản địa, biểu diễn văn nghệ, chăn nuôi trồng trọt cung cấp thực phẩm địa phương. Trong chuỗi cung ứng giá trị bền vững, Chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân áp dụng các tiêu chuẩn bền vững bông Sen Xanh, nhãn du lịch xanh, tiêu chí homestay… và cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn, truyền thông cho du khách những tổ chức, cá nhân đạt chuẩn. Đảm bảo trong toàn chuỗi là các tổ chức, cá nhân có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và điều kiện phục vụ du khách tốt nhất.

Bên cạnh đó nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ triển khai, đánh giá và đề xuất điều chỉnh. Nhà khoa học: nghiên cứu để xuất các mô hình du lịch bền vững, đề xuất chuỗi giá trị du lịch có giá trị gia tăng cao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới và khoa học kỹ thuật vào trong từng khâu của chuỗi giá trị, tham gia nghiên cứu đánh giá hiệu quả mô hình du lịch bền vững. Tổ chức phi chính phủ: hỗ trợ nghiên cứu và triển khai du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng với mục tiêu giảm đói nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì hệ sinh thái tự nhiên và môi trường.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Trước tiên, phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp được sử dụng nhằm có được sự hiểu biết ban đầu tổng thể về tiềm năng, thực trạng thể hiện trong quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, công trình khoa học nghiên cứu về văn hóa xã hội có liên quan đến chủ đề nghiên cứu. Thứ hai, tác giả tiến hành phỏng vấn sâu 06 chuyên gia nhằm nhận được những quan điểm, đánh giá về thực trạng du lịch và sản phẩm du lịch bền vững vùng lòng hồ, bao gồm đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch (Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Mường La, huyện Quỳnh Nhai); Lãnh đạo Hợp tác xã Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, Công ty Cổ phần Cơ khí Sơn La đang có cung cấp dịch vụ du lịch tại vùng lòng hồ; nhà nghiên cứu tại trường Đại học Tây Bắc, Cao đẳng Sơn La. Thứ ba, phương pháp khảo sát thực địa từ Nhà máy thủy điện Sơn La – Mường La tới Cầu Pá Uôn – Quỳnh Nhai nhằm nắm bắt hiện trạng các tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch, kết hợp gặp gỡ phỏng vấn Bí thư chi bộ, trưởng bản Bó Ban – Chiềng Bằng và bản Bon – Mường Chiên về những mong muốn, khó khăn, thuận lợi khi bản tham gia hoạt động du lịch. Ngoài ra, quá trình phần tích, so sánh bài viết sử dụng phương pháp đối sánh với thực trạng du lịch vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Na Hang – Tuyên Quang và Thác Bà – Yên Bái.

  1. Tiềm năng và thực trạng điểm mạnh, điểm yếu

3.1. Tiềm năng

Vùng lòng hồ Sơn La được hình thành bởi công trình thủy điện Sơn La. Hồ có chiều dài là 175 km từ thị trấn Ít Ong – Mường La – Sơn La đến Mường Lay – Điện Biên, chiều rộng nhất khoảng 1,5 km, diện tích hồ chứa rộng 224 km2 tạo nên một không gian rộng lớn khí hậu trong lành. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mặt nước trong xanh, các hang động, ngọn núi, đảo lớn nhỏ nhấp nhô được ví như “Hạ Long trên núi” [3]. Các tài nguyên nhân văn  nổi bật là đền Nàng Han, đền Linh Sơn Thủy Từ, nhà máy thủy điện Sơn La có công suất lớn nhất Đông Nam Á, Cầu Pá Uôn được chứng nhận kỷ lục có trụ cột cao nhất Việt Nam, nhà trưng bày các hiện vật lòng hồ thủy điện Sơn La, hang Co Noong; trong vùng có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống là Thái chiếm đa số với 79,8%, dân tộc Kinh chiếm 3,74%, dân tộc H’Mông chiếm 4,55%, dân tộc Khơ Mú chiếm 2,65%, các dân tộc khác chiếm 4,68% (La Ha, Kháng, Mường) với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc [4]. Những nét đặc trưng và giá trị về cảnh quan, mặt nước, sinh thái hồ rất phù hợp để khai thác để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hoá cộng đồng, thể thao, nghỉ dưỡng hồ, du lịch cuối tuần.

Kinh tế – xã hội của vùng đã có những bước phát triển trong thời gian qua tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Ngành nông, lâm nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính tại khu vực, thu hút khoảng 80% lao động; cơ cấu kinh tế đang có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng, giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp; sự hình thành vùng lòng hồ tạo nên phương thức sinh kế mới là nuôi cá lồng mang lại thu nhập cho người dân. Các hoạt động văn hoá không ngừng phát triển. Tại các làng, bản các lễ hội tổ chức đã thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân trên địa bàn đến tham gia, trong đó nổi bật là lễ hội đua thuyền huyện Quỳnh Nhai đã thu hút hàng ngàn người đến xem. Hiện nay, huyện Mường La có 106 nhà văn hóa, 187 đội văn nghệ, huyện Quỳnh Nhai có 116 nhà văn hóa với 179 đội văn nghệ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và khách du lịch. Các cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật khác như điện nước, thông tin liên lạc, internet, đường giao thông liên bản, bến thuyền, phương tiện vận chuyển đường bộ đường thủy… đảm bảo thuận lợi cho du lịch phát triển. [4]

3.2. Đánh giá thực trạng về cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu

Qua kết quả nghiên cứu và phỏng vấn chuyên gia, lãnh đạo tại các cho thấy nổi bật lên về cơ hội, thách thách, điểm mạnh, điểm yếu như sau.

Cơ hội: xu hướng và nhu cầu du lịch sinh thái, văn hoá cộng đồng tăng lên là cơ hội khai thác đặc trưng hấp dẫn thành sản phẩm; thuộc cung đường du lịch Tây Bắc, vị trí địa lý thuận tiện kết nối bằng đường thuỷ, đường bộ với Hoà Bình, Mộc Châu, Lai Châu, Điện Biên, Sapa-Lào Cai, Mù Cang Chải-Yên Bái; sự quan tâm của các tổ chức quốc tế và chính sách dân tộc của nước ta làm hình ảnh về du lịch sinh thái, cộng đồng nâng cao; trình độ văn hoá được nâng lên làm con người địa phương chủ động tiếp cận khai thác khoa học công nghệ, tri thức mới, nhận thức về du lịch tăng lên.

Thách thức: công trình thủy điện gây xáo trộn môi trường và đời sống của các dân tộc, ô nhiễm và suy thoái môi trường, tài nguyên du lịch đang bị huỷ hoại; Ảnh hưởng của mùa mưa lũ, nước lòng hồ dâng cao, gây khó khăn cho tàu thuyền đi lại, cách xa các thị trường lớn của cả nước, không nằm trên các tuyến du lịch chính; Hội nhập văn hoá, quá trình hiện đại hoá, đô thị hoá dẫn đến làm mất bản sắc cũ (văn hoá, kiến trúc), bị mất dần những giá trị văn hoá; Bản sắc văn hóa có dấu hiệu bị mai một, các bài múa, nghi lễ truyền thống chưa truyền lại được cho thế hệ sau, nghề truyền thống bị quên lãng.

Điểm mạnh: lòng hồ rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hoá dân tộc độc đáo, công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á; Nhà nước đã đầu tư bến thuyền ở đầu cầu Pá Uôn, bến gội đầu, xây dựng đền Linh Sơn Thuỷ từ, đền Nàng Han, hệ thống viễn thông, internet đã hoàn thiện; cảnh quan sinh thái mặt nước lòng hồ rất đẹp gắn với cuộc sống ngư dân, cá sạch lòng hồ Sông Đà; sự thân thiện của ngư dân đồng bào Thái, câu truyện truyền thuyết về nữ tướng người dân tộc Nàng Han.

Điểm yếu: sản phẩm du lịch còn đơn điệu và chưa hoàn thiện; hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, chưa được cứng hóa hết, đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa, phương tiện tàu thuyền chưa đạt chuẩn phục vụ khách; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nguồn nước chưa đảm bảo, chưa tạo ấn tượng tích cực và mạnh mẽ về điểm đến thực sự sạch và dịch vụ tốt; Nguồn nhân lực du lịch còn mỏng thiếu kỹ năng, cán bộ quản lý còn yếu, không có chuyên môn sâu về du lịch.

  1. Một số giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch bền vững tại vùng lòng hồ thủy điện Sơn La

4.1. Xác định sản phẩm du lịch bền vững

Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát thực địa, và chuyên gia đánh giá cho rằng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hoá cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần phù hợp nhất với tài nguyên du lịch của vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Việc kết hợp du lịch sinh thái, văn hoá cộng đồng và nghỉ dưỡng ven hồ và những kỷ lục của công trình thuỷ điện Sơn La tạo nên sự đặc sắc riêng có.

Thứ nhất, đối với huyện Mường La: Tour du lịch sinh thái thăm nhà máy thuỷ điện Sơn La, Nhà trưng bày hiện vật lòng hồ thuỷ điện Sơn La, lòng hồ rộng lớn Chiềng Lao, thăm bản du lịch cộng đồng Hua Trai, du lịch văn hoá cộng đồng và nghỉ dưỡng tại xã Ngọc Chiến có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt.

Thứ hai, đối với huyện Quỳnh Nhai: Tour du lịch sinh thái thăm quan đền Linh Sơn Thuỷ Từ, đền Nàng Han, cầu Pá Uôn, lòng hồ rộng lớn xã Chiềng Bằng, khe Pa Bó, cây đa Pác Ma, thăm cột mốc huyện cũ; du lịch trải nghiệm văn hoá cộng đồng và nghỉ dưỡng cuối tuần tại bản Bon, bản Bó Ban.

Thứ ba, xây dựng sản phẩm bền vững qua chương trình tour du lịch sinh thái bằng thuyền kết nối “kỷ lục với kỷ lục” từ Nhà máy thuỷ điện Sơn La – Mường La đến Cầu Pá Uôn – Quỳnh Nhai với các điểm thăm quan, dừng nghỉ như: Nhà máy thuỷ điện Sơn La, Nhà trưng bày hiện vật lòng hồ thuỷ điện, thăm thuỷ điện Nậm Giôn, chợ đầu mối Liệp Tè – Thuận Châu, lòng hồ xã Chiềng Bằng, Cầu Pá Uôn, đền Linh Sơn Thuỷ Từ và Nàng Han. Với những thuyền lớn đảm bảo chất lượng và đầy đủ tiện nghi, nhà vệ sinh, nấu ăn, chỗ nghỉ có thể thực hiện tour du lịch lênh đênh trên hồ dài ngày với điểm đến là Mường Lay – Điện Biên.

4.2. Hoàn thiện giá trị của sản phẩm du lịch hiện tại

Tạo thêm giá trị cho sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hoá cộng đồng hiện tại bằng cách khai thác tối đa yếu tố về đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hoá vùng lòng hồ, đưa vào trong những bài hướng dẫn, thuyết minh, tăng các hoạt động trài nghiệm cho khách du lịch tham gia sinh kế, đời sống, văn hoá của người dân ven hồ và trong các bản du lịch cộng đồng.

Đối với sản phẩm du lịch văn hoá cộng đồng tại các bản trước nguy cơ mất bản sắc văn hoá về kiến trúc nhà cửa, văn hoá ẩm thực do quá trình đô thị hoá và hội nhập văn hoá, các phòng Văn hoá và Thông tin cần tuyên truyền, hướng dẫn để người dân giữ gìn bảo tồn các giá trị văn hoá, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống.

Đối với các sản phẩm du lịch sinh thái, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn hành vi du khách bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và vệ sinh môi trường. Giải pháp điều chỉnh và hoàn thiện giá trị cung ứng bền vững cho các sản phẩm du lịch hiện tại không tốn kém nhiều chi phí đầu tư mà mang lại hiệu quả tức thời.

Nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch: Chất lượng sản phẩm du lịch là yếu tố góp phần tạo nên thương hiệu và hình ảnh điểm đến. Chính quyền, các doanh nghiệp và cả người dân địa phương cùng thực hiện đổi mới tư duy làm du lịch, chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, nâng cao kỹ năng chăm sóc khách hàng.

4.3. Phát triển sản phẩm du lịch bền vững mới

Phát triển sản phẩm du lịch thể thao, các trò chơi dưới nước mùa hè, thu hút nguồn vốn đầu tư công viên vui chơi dưới nước, phát triển các sản phẩm du lịch mới dựa trên mong muốn vui chơi, giải trí, xây dựng đội nhóm teamwork của từng nhóm khách du lịch là sinh viên, nhân viên công sở, doanh nghiệp, gia đình, bạn bè.

 

Tài liệu tham khảo

 

  • Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (2004), Giáo trình marketing địa phương (Marketing Asian Places).
  • Tracey Firth, Marketing for sustainable tourism, publisher: University of Western Sydney.
  • UBND tỉnh Sơn La (2014), Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
  • Viện Dân tộc học, Viện KHXH Việt Nam (2012), Nghiên cứu tiềm năng du lịch sinh thái và nhân văn huyện Quỳnh Nhai, Đề tài NCKH tỉnh Sơn La.

Tác giả: Hoàng Xuân Trọng