Báo cáo kinh nghiệm học nhóm – Hội nghị học tốt năm học 2014 – 2015
Học tập là một trong những nhiệm vụ hàng đầu đối với mỗi sinh viên. Để việc học được tốt nhất, đem lại hiệu quả cao, tôi đã chọn cho mình phương pháp học tập tích cực. Chính phương pháp học tập tích cực đã cho tôi có được vốn kiến thức quan trọng là hành trang vững chắc nhất trên con đường học tập, phấn đấu cho sự nghiệp sau này. Muốn được như thế mỗi chúng ta phải cố gắng học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mong rằng những chia sẻ của tôi sẽ giúp cho việc học tập của các bạn sinh viên đặc biệt là tân sinh viên đạt được hiệu quả cao.
Như các bạn đã biết, khối lượng kiến thức ở bậc đại học vô cùng lớn,sự khác nhau cơ bản giữa phương pháp học ở bậc phổ thông và bậc đại học là: đại học là tự học, tức là sinh viên phải biến quá trình đào tạo của người thầy trở thành quá trình tự đào tạo của mình. Người thầy giữ vai trò chỉ cho chúng ta hướng đi, hướng tiếp cận vấn đề. Do đó đòi hỏi sinh viên phải có sự tập trung cao độ, tìm cách chắt lọc, lựa chọn trong quá trình ghi chép vì không hẳn ghi đủ ý thầy là thi được điểm cao mà cần tìm hiểu thêm qua ý kiến bạn bè và trong các tài liệu khác. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp học tập khác nhau, bằng các phương tiện khác nhau. Khả năng độc lập trong học tập, tư duy sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh. Bên cạnh có một phương pháp học tập thích hợp, tôi còn đặt ra mục tiêu cụ thể để phấn đấu, ví dụ như mục tiêu cần đạt được ở mỗi môn học, mỗi kỳ học, mỗi năm học, mục tiêu cần đạt được ở trường đại học là gì? từ đó để có thêm động lực học tập và phấn đấu. Với những mục tiêu đã đề ra và một phương pháp học tập phù hợp với bản thân.
Hầu hết những sinh viên đều gặp khó khăn với các môn học trong chuyên ngành của mình. Vậy để học được các môn đó một cách có hiệu qảu nhất thì các bạn không chỉ phải học cách tư duy độc lập, tự học… mà còn phải học cả kỹ năng làm việc nhóm, hay nói cách khác là kỹ năng học nhóm.
Trong thời đại mới khi lượng tri thức ngày càng phát triển, làm việc theo nhóm là yêu cầu quan trọng, cần thiết được đặt ra đối với tất cả mọi người. Với sinh viên, học tập theo nhóm là một trong các phương pháp học tập hiệu quả để qua đó rèn cho sinh viên khả năng hợp tác, chia sẻ tình cảm, bồi dưỡng, phát triển tư duy, nâng cao trình độ tri thức.
Học nhóm trong sinh viên là cách thức học tập của nhóm người có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ với nhau để cùng nhận dạng, phân tích và luận giải các vấn đề học tập đặt ra, từ đó lĩnh hội, củng cố và mở rộng kiến thức đã được học và vận dụng chúng trong quá trình thi – kiểm tra đạt kết quả cao. Học nhóm phát huy khả năng tư duy, trí tuệ của từng cá nhân và cả nhóm, giúp lĩnh hội và giải quyết các vấn đề học tập một cách nhanh chóng và hiệu quả. Quá trình học nhóm giúp sinh viên có điều kiện nắm kiến thức chắc hơn, lâu hơn và đây là cơ hội học hỏi các phương pháp, kinh nghiệm học tập, phương pháp ghi nhớ kiến thức, phương pháp trả lời, làm bài thi của các thành viên khác trong nhóm, từ đó nâng cao chất lượng học tập và thi – kiểm tra của mình.
Để việc học nhóm thật hiệu quả
Nếu như cho rằng học nhóm phải toàn những người có sức học ngang ngửa nhau thì thật là sai lầm. Phải có người nhỉnh hơn một chút, như thế việc giải quyết các bài tập khó, các vấn đề phức tạp sẽ trở nên thuận lợi hơn. Mỗi người đều có một thế mạnh riêng và phải biết phát huy thế mạnh ấy của mình. Thông thường một nhóm gồm 3 – 5 người, cũng có thể hơn. Để tiến hành các hoạt động của nhóm, thành viên nên làm quen, và hiểu rõ cách thức làm việc của cả nhóm.
Người hướng dẫn cũng có thể bắt đầu bằng việc đưa ra các gợi ý cho thảo luận mà không cần phải áp đặt câu trả lời cho cả đội, đặc biệt với những đội gặp khó khăn khi làm việc cùng nhau. Các thành viên có sự đa dạng trong kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm nên mỗi thành viên sẽ có khả năng đóng góp riêng cho toàn đội.
• Các thành viên không chỉ chịu trách nhiệm đóng góp trong sở trường của mình mà còn có thể giúp các thành viên khác tìm hiểu thêm về lĩnh vực đó. Mỗi người nên suy nghĩ và đưa ra hướng giải quyết riêng sau đó sẽ trao đổi, thảo luận cùng cả nhóm.
• Thành viên nào gặp khó khăn hoặc còn chưa thoải mái khi làm việc trong nhóm nên được các thành viên khác động viên, giúp đỡ.
• Sự đa dạng trong kiến thức và kinh nghiệm sẽ có tác động tích cực đến việc học, làm tăng thêm các phương thức giải quyết vấn đề, tăng thêm chi tiết để cân nhắc.
Để có được một nhóm học có hiệu quả tốt thì chúng ta nên phải tuân thủ và thực hiện theo 6 bước sau:
• Bước 1: Đầu tiên là thành lập nhóm. Số lượng sinh viên tham gia trong nhóm khoảng 3- 5 thành viên. Nhóm nên có nhóm trưởng. Nhóm phải được hình thành trên sự tự giác, tính tích cực, tinh thần trách nhiệm cao của mỗi thành viên và có thể do giáo viên và các lực lượng khác chỉ đạo, hướng dẫn việc thành lập nhóm.
• Bước 2: nghiên cứu của cá nhân. Các thành viên tự nghiên cứu, suy nghĩ, giải quyết các câu hỏi ôn tập dưới dạng đề cương, vạch ra các vấn đề khúc mắc, khó hiểu, vấn đề chưa rõ ràng mà tự mình chưa hiểu, chưa giải quyết được cần phải được đưa ra trao đổi. Đồng thời tự ghi lại kết quả nghiên cứu của mình để trao đổi trong nhóm.
• Bước 3: làm việc nhóm. Giai đoạn này nhóm tiến hành trao đổi, trong đó một thành viên trong nhóm sẽ đưa ra ý kiến trao đổi, các thành viên còn lại chú ý lắng nghe, ghi chép tự rút ra các ưu điểm và nhược điểm của ý kiến đó và đưa ra ý kiến phản biện, bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi nếu có.
• Bước 4: đưa ra kết luận ban đầu. Nhóm tiến hành kết luận thống nhất các ý kiến trên cơ sở các thành viên đã tham gia vào phân tích, luận giải vấn đề học tập được đưa ra trao đổi dưới sự điều khiển của nhóm trưởng. Lúc này cả nhóm đi đến thống nhất về cách hiểu, cách trả lời, cách trình bày, diễn đạt vấn đề học tập khi thi – kiểm tra.
• Bước 5: hợp tác với giáo viên. Sau khi trao đổi, hợp tác với bạn ở nhóm giai đoạn này sinh viên nên chủ động gặp gỡ, hỏi giáo viên về vấn đề bản thân còn băn khoăn, vướng mắc, chưa hiểu, chưa lí giải rõ ràng, khúc triết để tham khảo thêm ý kiến của giáo viên về sản phẩm học tập của mình, về cách làm bài thi, cách vận dụng tri thức vào thực tiễn.
• Bước 6: tự vận hành sau sự góp ý của giáo viên. Giai đoạn này sinh viên cần tự kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ sản phẩm nghiên cứu của mình, từ đó tự điều chỉnh, bổ sung nếu chúng cần thiết. Tự rút kinh nghiệm về cách phân tích, luận giải các vấn đề học tập, về cách học, cách làm bài thi – kiểm tra môn học.
Trên đây là 6 bước cơ bản cần thiết để có được một nhóm học cho hiệu quả tốt nhất có thể. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều nhóm có thể xảy ra trường hợp như một tập thể bao gồm nhiều cá nhân, mà mỗi cá nhân lại có một suy nghĩ, tư duy khác nhau, dẫn đến bất đồng quan điểm, không thống nhất được với nhau. Vì thế, khi đã thành lập một tập thể để học nhóm chúng ta nên tuân thủ các nguyên tắc sau:
• Đầu tiên, tổ chức các nhóm phải chặt chẽ, có cơ cấu tổ chức hợp lý hợp thành thể thống nhất, từng thành viên và nhóm trưởng phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quy trình học nhóm khi học tập các môn học.
• Tiếp là cần tuân thủ các khâu, các bước của quy trình học nhóm; cần quản lý chặt chẽ kế hoạch học nhóm của mỗi nhóm tránh tạo thành buổi trao đổi ngoài những nội dung học tập.
• Phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng, trình độ, sở trường của từng thành viên, mỗi người phải nhận rõ trách nhiệm của mình trong quy trình học nhóm.
• Cần tạo ra bầu không khí trao đổi cởi mở, thân thiện, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng tiến bộ; không áp đặt lối suy nghĩ riêng của cá nhân trong quá trình trao đổi, khi họp nhóm cần chú ý tính toán thời gian bảo đảm mỗi cá nhân có đủ thời gian để tiến hành ôn tập riêng trong học tập.
• Và cuối cùng, tiến hành rút kinh nghiệm sau mỗi lần học nhóm khi kết thúc môn học kịp thời bổ sung, điều chỉnh cách thức phối hợp hoạt động trong nhóm để nâng cao chất lượng học tập của sinh viên hiện nay.
Học nhóm có thể áp dụng đối với những môn nào?
Tất cả các môn từ xã hội học đến các môn khoa học chúng ta đều có thể học nhóm. Đối với các môn nằm trong diện học thuộc lòng, hình thức học nhóm có vẻ đơn giản hơn, vì những con chữ đã được phơi bày ra trước mắt, việc còn lại của bạn chỉ là nuốt chúng vào bộ nhớ và trả bài lại cho thành viên trong nhóm. Sau đó bạn sẽ làm công việc ngược lại với từng thành viên trong nhóm. Điều đó sẽ giúp bạn tiếp thu bài rất tốt, vì bạn sẽ nghe mọi người trong nhóm trả đi trả lại một bài học thật nhuần nhuyễn và điều đó sẽ khắc sâu vào bộ nhớ của bạn hơn là khi bạn ngồi một góc ở nhà lẩm bẩm một mình. Còn với các môn khoa học thì đòi hỏi trong nhóm phải có một thành viên “nhỉnh” hơn các thành viên còn lại một chút. Vì nếu như ai cũng như nhau thì khi gặp một bài toán khó, sẽ có vô số những cặp mắt ngơ ngác nhìn nhau, vò đầu bức tóc rồi cả nhóm sẽ nhanh nản chí mà đầu hàng những bài toán khó đó. Hầu hết khi học nhóm với các môn này, trong nhóm phải có ít nhất một bạn thông minh và tận tình nào đó để giảng giải từng chi tiết cho các bạn của mình.
Trên đây là các phương pháp thành lập nhóm, học nhóm sao cho hiệu quả. Tuy nhiên, các phương pháp đó cũng sẽ vô tác dụng nếu như các thành viên trong nhóm không có ý thức tự giác: tự giác về bài vở, về thời gian, hay về việc phát biểu ý kiến riêng của mình… Vì thế, hãy hoàn thành tất cả những bài tập có thể làm, dàn ý bài học thuộc, các bài đọc tham khảo đối với môn xã hội; hãy trình bày những gì mình đã chuẩn bị và tự đặt ra câu hỏi cho những vấn đề mình đang thắc mắc; tham gia và nỗ lực để hiểu quan điểm của các thành viên khác cũng như ý kiến của họ. Ngoài ra, bạn cũng phải hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là một thành viên trong nhóm để đưa nhóm đi lên như: mỗi thành viên đều có quyền yêu cầu người trong nhóm phải phát biểu, đóng góp ý kiển của họ; mọi người trong một nhóm phải có trách nhiệm với nhau, giúp nhau tiến bộ…
Học nhóm giúp bạn có cơ hội thể hiện khả năng thuyết trình của mình, khiến bạn tự tin hơn rất nhiều. Học nhóm cũng là cách để bạn thắt chặt thêm tình đoàn kếtvới mọi người. Tuy nhiên, đừng thể hiện cái “Tôi” thái quá, luôn thể hiện tinh thần khiêm tốn, học hỏi, không kết thúc học nhóm sẽ là sự ganh ghét, bài xích lẫn nhau.
Về hình thức học nhóm thì bạn có thể lên thư viện, lập các trang web trên mạng để cùng nhau trao đổi thông tin, bài vở; hay bạn có thể chat voice để cùng nhau thảo luận một vấn đề nào đó khi các thành viên trong nhóm ở quá xa nhau, vừa tiết kiệm được nhiều thời gian lại mang lại hiệu quả tốt trong học tập.
Khi học nhóm, bạn sẽ có được rất nhiều lợi ích. Nó không những giúp bạn cải thiện tình hình học tập của mình mà nó còn giúp bạn rèn luyện thêm được kỹ năng mềm, kỹ năng thuyết trình, nó sẽ giúp bạn tự tin hơn và thân thiết với bạn bè hơn. Chính vì thế, học nhóm là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình học tập của các bạn sinh viên hiện nay. Vậy với những kinh nghiệm đã chia sẻ như trên, tôi mong các bạn sẽ sớm tìm cho mình được một phương pháp học đúng đắn và có hiệu quả nhất cho mình.
Phạm Thị Khánh Ly
Lớp K53 ĐH Kế toán