Chuẩn đầu ra ngành Quản trị kinh doanh
CHUẨN ĐẦU RA NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 760/QĐ-ĐHTB-ĐT ngày 10/12/2010 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc)
1. Tên ngành đào tạo: Quản trị kinh doanh (Business Administration)
2. Trình độ đào tạo: Đại học
3. Yêu cầu về kiến thức
3.1 Kiến thức tổng quát
– Được trang bị kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như các kiến thức cơ bản về pháp luật hiện hành để có thể nhận thức và quán triệt chủ trương, chính sách của Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội.
– Có kiến thức cơ bản trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên để tiếp thu kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và khả năng học tập nâng cao trình độ.
3.2 Kiến thức chuyên môn
– Nhận biết được các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin; áp dụng được đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác và cuộc sống.
– Vận dụng được các kiến thức cơ bản về ngoại ngữ và khoa học tự nhiên, tin học vào học tập các môn chuyên ngành và công tác.
– Có kiến thức nhất định về pháp luật và thuế trong kinh doanh, marketing, tài chính doanh nghiệp, dây truyền sản xuất công nghệ.
– Phân tích, đánh giá được môi trường kinh doanh của một doanh nghiệp.
– Giải thích được hành vi doanh nghiệp, hành vi người tiêu dùng, hành vi của người sản xuất và các yếu tố chi phối các hành vi đó trong công tác kinh doanh.
– Phân tích được vai trò then chốt của nguồn nhân lực và quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.
– Vận dụng các kiến thức về tuyển dụng, đào tạo, đánh giá thành viên trong thực tế công tác.
– Biết ra các quyết định về tiêu dùng, sản xuất…đúng đắn.
– Tổ chức quản lý và xây dựng bộ máy, mô hình phương pháp quản trị các yếu tố sản xuất (Lao động, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, vốn và công nghệ) của một doanh nghiệp dựa trên các đặc điểm, chức năng cơ bản của quản trị doanh nghiệp với sự phối hợp hoạt động của các yếu tố và chi phí thấp.
– Dự báo được các vấn đề thường nảy sinh trong quá trình vận hành sản xuất của một doanh nghiệp để xây dựng các phương án phòng ngừa.
– Vận dụng được các nghiệp vụ quản trị tài chính đối với một doanh nghiệp nhằm xem xét, phân tích tình huống quản trị, đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đúng pháp luật và an toàn về mặt tài chính.
– Vận dụng được những kiến thức cơ bản và nâng cao về marketing – mix như chính sách giá, chính sách sản phẩm, chính sách phân phối và quảng cáo nhằm tạo sự thành công trong kinh doanh.
– Đảm bảo cho sinh viên có khả năng phân tích, ra quyết định ở tầm chiến lược nhằm phát triển doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh luôn thay đổi; nắm vững những nguyên tắc và kỹ năng thực hành.
4. Yêu cầu về kỹ năng
4.1. Kỹ năng cứng
– Phân tích được nguyên nhân của các hiện tượng kinh tế để đưa ra các quyết định đúng đắn;
– Thành thạo quy trình vận hành Doanh nghiệp từ đó sẵn sàng tham gia và phối hợp vào các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh;
– Kiểm tra, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất trong Doanh nghiệp;
– Lập được kế hoạch quản lý các yếu tố sản xuất trong doanh nghiệp như: Vốn, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, lao động, nhà xưởng; tổ chức các đơn vị, cá nhân thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra;
– Tư vấn thiết kế được bộ máy quản lý doanh nghiệp phù hợp với từng lĩnh vực kinh doanh.
4.2. Kỹ năng mềm
– Kỹ năng văn phòng: Sử dụng thành thạo các phần mềm văn phòng thông dụng như: Word, Excel, PowerPoint; biết khai thác thông tin trên mạng internet.
– Kỹ năng trình bày và giao tiếp: Có khả năng giao tiếp, giao dịch với các đối tượng khác nhau, có khả năng thuyết trình;
– Kỹ năng làm việc: Có khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm; khả năng xây dựng và phát triển mối quan hệ với tập thể;
– Kỹ năng nghiên cứu: Có khả năng tự học tập nâng cao kiến thức phục vụ công tác;
– Kỹ năng quản lý về lĩnh vực tài chính;
– Sử dụng được các chính sách Marketing – Mix nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ;
– Xây dựng thương hiệu, đăng ký thương hiệu và quản lý bảo vệ thương hiệu trong quá trình kinh doanh đúng pháp luật;
– Định giá được sản phẩm, tổ chức được hệ thống kênh phân phối phù hợp cho từng loại sản phẩm, quảng cáo tiếp thị sản phẩm và xúc tiến bán hàng;
– Thu thập thông tin, điều tra thị trường, xử lý thông tin, …qua đó đánh giá và phân tích nhằm phát hiện được các cơ hội cũng như thách thức tiềm ẩn mà Doanh nghiệp đang và sẽ gặp phải.
5. Thái độ
– Chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
– Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và sức khoẻ tốt.
– Có tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng và tác phong chuyên nghiệp.
– Cởi mở, thân tình, tôn trọng nhân cách đồng nghiệp, khách hàng
– Có tinh thần học hỏi, có ý chí không ngừng nâng cao kiến thức và rèn luyện bản thân.
– Có phương pháp làm việc và tư duy khoa học, biết cách giải quyết hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn nghề nghiệp.
– Có trách nhiệm cao trong công việc, có đạo đức trong kinh doanh và các hoạt động kinh tế trong xã hội hiện đại.
– Có ý chí cầu tiến, vươn lên trong công việc và hoàn thiện bản thân để trở thành chủ doanh nghiệp trong tương lai.
6. Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp
*) Đối tượng chính của người lao động:
– Bộ phận quản trị trong các doanh nghiệp như: Phòng Tài chính, Nhân sự, Marketing, Sản xuất, Kinh doanh. Các bộ phận quản lý và quản lý kinh tế tại các cơ quan quản lý nhà nước
– Cán bộ quản lý hoặc nhân viên kinh doanh trong doanh nghiệp Nhà nước hoặc tư nhân.
– Chủ doanh nghiệp độc lập
– Khả năng nghiên cứu, tự học các lĩnh vực liên quan đến chuyên môn nghề nghiệp.
*) Mô tả công việc chính
– Tìm hiểu doanh nghiệp; thu thập thông tin thị trường; thực hiện các chương trình marketing.
– Quản lý và thực hiện các chương trình truyền thông của công ty.
– Xây dựng quản lý và phát triển thương hiệu của công ty.
– Trực tiếp thực hiện hoạt động bán hàng dự án trực tiếp của công ty.
– Giám sát hoạt động bán hàng của công ty tại các kênh đại lý.
– Chăm sóc khách hàng.
– Thực hiện phối hợp với các phòng ban/phân xưởng.
– Quản lý bộ phận .
– Phát triển thị trường kinh doanh.
– Liên hệ quảng cáo cho doanh nghiệp về sản phẩm và thương hiệu.
– Quan hệ công chúng thông qua các chương trình tài trợ, Giao lưu.
– Thực hiện các nhiệm vụ mà nhà quản trị cấp cao giao cho.
– Nắm bắt tình hình cạnh tranh tại khu vực thị trường của doanh nghiệp.
*) Vị trí làm việc: Làm việc tại tất cả các loại hình doanh nghiệp. Các bộ phận quản lý kinh tế tại các cơ quan nhà nước.
*) Công cụ lao động tối thiểu: Văn bản, tài liệu của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp quản lý trực tiếp.
7. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường
– Có khả năng tự học tập, nghiên cứu khoa học theo đúng chuyên ngành đào tạo.
– Nâng cao trình độ sau đại học các chuyên ngành kinh tế và quản trị kinh doanh.
– Có thể tự tạo lập doanh nghiệp và tìm kiến cơ hội kinh doanh riêng cho bản thân.
– Có thể trở thành cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về Quản trị kinh doanh tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo.
8. Các chương trình, tài liệu, chuẩn quốc tế tham khảo
Chương trình đào tạo và tài liệu chuyên ngành tham khảo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh và một số trường Đại học Kinh tế khác.
Khoa Kinh tế – Đại học Tây Bắc