DIỄN BIẾN NỢ XẤU TRONG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM 2018

Lắt Tỵ Ca Sổm Sắc, Xêng Xông Sư Nụ; Xua Mua No Tụ; Pa Ni Đa Vỵ La Phông Sả

Sinh viên Lào K58 Quản trị kinh doanh

(GVHD: NCS. Đỗ Thị Thu Hiền)

Tóm tắt: Vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam năm 2018 đang có chuyển biến tích cực sau Nghị quyết 42/2017/QH14. Nợ xấu tại các NHTM giảm xuống 0,-5%/tổng dư nợ, giảm 3-5% so với năm 2017; dẫn đến lợi nhuận NHTM tăng trưởng nhanh chóng (trung bình tăng trên 150% tổng lợi nhuận năm 2017). Bên cạnh thành công đó, còn có những hạn chế, tồn tại cần có sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm cụ thể phương pháp phân loại nợ xấu, quản lý và mua bán nợ trên thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam. Là những yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh triển khai xử lý nợ xấu hiện nay cần giải quyết.

Từ khóa: Nợ xấu; Ngân hàng thương mại Việt Nam.

  1. Đặt vấn đề

Nhìn lại ngành ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2017 đã có lúc ngành ngân hàng dường như lúng túng trước khối nợ xấu khổng lồ ước hàng trăm ngàn tỷ đồng. Công ty mua bán nợ xấu quốc gia (VAMC) mới được lập ra cũng chưa có cơ chế và vận động tương thích “ngay và luôn” để nhập cuộc mua-bán/xử lý nợ xấu, hỗ trợ các nhà băng làm sạch bảng cân đối tài sản. Tính đến cuối năm 2017, VAMC đã góp phần tạo ra những con số tích cực về tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 18,17%, tăng trưởng huy động vốn 14,5%, tăng trưởng dư nợ 16,96%, xử lý nợ được hơn 70.000 tỷ đồng, giữ cho đồng nội tệ ngày càng ổn định hơn và tạp chí Tài chính Hoa Kỳ Bloomberg Market bình chọn tiền tệ VNĐ là một trong 3 đồng tiền ổn định nhất ở châu Á trong năm 2018, dự trữ ngoại tệ quốc gia hơn 54 tỷ USD về trước mục tiêu 2020, tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành đạt hơn 44%, và có xu hướng tăng trưởng lành mạnh và bền vững hơn.

  1. Nội dung

2.1. Thực trạng về Nợ xấu trong ngân hàng thương mại Việt Nam

Sau khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, những khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu trước đây đã dần được tháo gỡ, nhờ đó quá trình xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả tích cực:

Đến cuối tháng 3/2018, tổng nợ xấu nội bảng (chưa kể đến các nghiệp vụ tín dụng ngoại bảng) của hệ thống tổ chức tín dụng chiếm 2,18% tổng dư nợ. Tính luỹ kế từ 15/8/2018 đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống đã xử lú được 100,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg tại NHNN Việt Nam cho biết: tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.

Về kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, NHNN cho biết, đến 30/6/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Trong khi đó, chất lượng tín dụng cũng được cải thiện. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các TCTD, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%) được thống kê tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Theo các ngân hàng thương mại cũng có kết quả khả quan. Tỷ lệ nợ xấu các NHTM dao động từ 0,89% đến 4,07% trên tổng dư nợ.

Bảng 1: Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại điển hình quý II/2018

STT Ngân hàng Tỷ lệ nợ xấu/Tổng dư nợ
1 VIB 2,3%
2 ACB 0,98%
3 Sacombank 3,3%
4 VPBank 4,07%
5 BacAbank 0,98%
6 KienLongbank 0,98%
7 Vietcombank 11,3%
8 VietinBank 24,6%
9 BIDV 9,57%

Tại Sacombank, sau năm 2017 xử lý được hơn 15.000 tỷ đồng nợ xấu, nửa đầu năm 2018 tiếp tục thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng; nợ xấu cuối năm 2017 là 4,28%, hiện đã giảm xuống còn 3,3% và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018

Bên cạnh đó, tại VPbank, tổng lượng nợ xấu đã bán cho VAMC những năm qua vào khoảng 7.000 tỷ đồng, nhưng hiện số dư chỉ còn khoảng 4.000 tỷ đồng. VPbank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cho vay khách hàng cao nhất 4,07%

Ngân hàng Bắc Á, ACB, KienLongbank vẫn tiếp tục nằm ở top đầu các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Với việc giảm nợ xấu từ 1,07% cuối quý I/2018 xuống 0,98% LienVietPostbank cũng góp mặt vào nhóm tỷ lệ nợ xấu thấp.

Trong 3 ngân hàng lớn gồm: Vietcombank, Vietinbank và BIDV thì Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. BIDV có tỷ lệ nợ xấu cao nhất còn Vietinbank lại có tốc độ tăng nợ xấu cao nhất 24,6%.

Tính đến nay, ngoài Vietcombank và Techcombank, MBbank cũng đã góp mặt vào danh sách ngân hàng không có nợ xấu tại tổ chức mua bán nợ VAMC.

Trong năm 2018, VAMC lên kế hoạch mua khoảng từ 30.500 – 35.500 tỷ đồng nợ xấu. Dự kiến bao gồm từ 27.000 – 32.000 tỷ đồng giá trị mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt và 3.500 tỷ đồng mua nợ theo giá thị trường.

2.2. Nợ xấu giảm đồng nghĩa với lợi nhuận của ngân hàng tăng trưởng cao

Theo tổng cục thống kê cho biết trong Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2018, tình đến thời điểm 20/6/2018, tổng phương tiện thanh toán toàn nghành ngân hàng tăng 7,96% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 5,89%).

Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với ngắn hạn (khách hàng có tình hình tài chính lãnh mạnh, mức tín nhiệm cao, lãi suất cho vay từ 4%-5%/năm); 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Nhiều ngân hàng đã thông báo về kết quả kinh doanh khả quan, lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2018, đạt trên 50% kế hoạch cả năm, điển hình như:

Lợi nhuận Vietcombank đạt mức cao, các tỷ suất sinh lời cải thiện. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đã đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ 2017, thực hiện 55,2% kế hoạch 2018. Các chỉ tiêu sinh lời được cải thiện như NIM đạt 2,76%; ROA đạt 1,24%; ROE đạt 22,71%, cao hơn mặt bằng chung của thị trường và tăng mạnh so với năm 2017.

Tốc độ tăng lợi nhuận đột biến tiếp tục thể hiện tại ở Ngân hàng quốc tế (VIB) sau 5 tháng đầu năm 2018 và đạt tới 918 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm trước đạt gần 50% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2018.

2.3. Tồn tại, hạn chế

Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể:

Thứ nhất, Việc thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSĐB) của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều.

Thứ hai, Việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp nhiều bất cập, như việc thực hiện nội dung liên quan đến việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42.

Thứ ba, Vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua; công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ TSBĐ của các khoản nợ xấu; vấn đề xử lý TSBĐ là dự án bất động sản còn dở dang; trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm thiếu chữ ký của bên thế chấp; quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC…

Thứ tư, Cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ chưa đáp ứng yêu cầu của các TCTD nên các TCTD gặp khó khăn trong việc xác định TSĐB nào đang tranh chấp, TSĐB nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý TSĐB theo Nghị quyết 42.

Thứ năm, Tranh chấp về TSĐB, trường hợp khách hàng cố tình chống đối, không bàn giao TSĐB buộc các tổ chức tín dụng phải khởi kiện ra tòa. Hay trường hợp khách hàng thế chấp TSĐB là tài sản hình thành trong tương lai…

2.4. Nguyên nhân của những hạn chế trên

Nguyên nhân từ phía DN

Thứ nhất, sự làm ăn thua lỗ của các DN, nhất là DNNN. Có đến 70% nợ xấu ngân hàng là nợ của các DNNN do đây là nhóm có nhiều thuận lợi trong tiếp cận tín dụng và chiếm thị phần lớn trong tổng dư nợ tín dụng của toàn thể nền kinh tế. Phần nợ xấu lớn thứ hai (sau DNNN) là xuất phát từ một số DN tư nhân lớn, trong đó tập trung chủ yếu là các khoản vay đầu tư bất động sản (BĐS), chứng khoán, đầu tư ngoài ngành…

Hầu hết các DN, nhất là DNNN đều có chi phí vốn vay lớn, dẫn đến mất cân bằng về tài chính. Nhiều đơn vị tổng lãi vay phải trả lớn gấp nhiều lần quỹ tiền lương, tỷ lệ sinh lời của tài sản nhỏ hơn lãi suất vay, hiệu quả kinh doanh thấp, tài chính kém lành mạnh, vốn chủ sở hữu nhỏ và khả năng ứng phó với sự thay đổi môi trường kinh doanh hạn chế, trong khi phải đối diện với những khó khăn lớn của kinh tế trong, ngoài nước đó là sức mua kém, tồn kho lớn, doanh thu giảm sút, DN không có nguồn để trả nợ cả gốc và lãi. Các khoản vay ngân hàng vì thế mà trở thành nợ xấu là lẽ đương nhiên.

Thứ hai, nhiều công ty dùng nợ ngắn hạn đầu tư dài hạn. Khi đang gặp khó khăn về vốn, việc DN lấy vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn là khá phổ biến. Việc sử dụng vốn sai nguyên tắc (dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn) là con đường ngắn nhất dẫn tới nợ quá hạn, nợ xấu cho DN và hệ thống ngân hàng.

Ba là, nhiều công ty dùng vốn vay đầu tư ra ngoài ngành, đặc biệt vào BĐS. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng dư nợ cho vay BĐS chiếm khoảng 15% tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế (năm 2013-2017). Tỉ lệ này là rất cao so với một số nước trong khu vực như Thái Lan 6%, Malaysia 7%… Điều này dễ dẫn đến khi thị trường BĐS đóng băng, suy giảm thì ngay lập tức sẽ kéo các NHTM rơi vào khủng hoảng nợ xấu và ảnh hưởng đến sức khoẻ của toàn bộ hệ thống tài chính Việt Nam.

Nguyên nhân từ các NHTM

Một là, tiêu thức phân loại nợ chưa phản ánh đúng số nợ xấu. Hiện nay chưa có quy định rõ ràng và mang tính pháp lý buộc các tổ chức tín dụng phân loại nợ theo mức độ rủi ro của từng khách hàng. Điều này dẫn tới một kết quả là cùng một khoản nợ có thể phân vào các loại khác nhau. Nó lý giải vì sao số liệu thống kê về nợ xấu không thống nhất giữa các cơ quan quản lý tài chính (NHNN, các NHTM, Quý tiền tệ quốc tế IMF, Uỷ ban giám sát tài chính quôc sgia NFSC). Hậu quả là một số tổ chức tín dụng lợi dụng để điều chỉnh nhóm nợ để trích ít dự phòng nhằm tăng lợi nhuận, theo kiểu “giấu nợ, khoe lãi”.

Hai là, vướng mắc trong cơ chế xử lý tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo thường là BĐS. Khi DN mất khả năng thanh toán, ngân hàng được phép đứng ra bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ, nhưng theo quy định hiện hành thì không thể sang tên BĐS được nếu chủ tài sản không đồng ý. Nếu mang ra tòa thì thời gian xử lý rất dài, mất nhiều năm, thủ tục rườm rà, phức tạp, qua nhiều khâu, nhiều cấp, quá trình bàn giao tài sản chậm… làm cho tài sản hư hỏng, giảm giá trị BĐS, giá trị thu hồi nhỏ hơn dự kiến ban đầu.

Đấy là chưa tính tới trong lĩnh vực BĐS, ngân hàng cho vay 60% giá trị dự án, nhưng ngay từ khi xác định giá trị tài sản lại nâng cao hơn giá trị thực của nó “giá trị ảo của tài sản”, do vậy mặc dù thanh lý toàn bộ tài sản đảm bảo cũng không thu hồi được nợ, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả thu hồi thông nợ qua tài sản đảm bảo.

Ba là, về phía bản thân các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại. Một bộ phận lớn vốn tín dụng sử dụng để đầu tư vào những lĩnh vực được coi là có mức độ mạo hiểm cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro như BĐS, chứng khoán do sự ”mở cửa” của các NHTM. Trong một thời gian dài, các TCTD đều theo đuổi chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, trong khi năng lực quản trị rủi ro  hạn chế, chậm cải thiện, không theo kịp nhịp độ phát triển, không kiểm soát được chất lượng tín dụng. Do năng lực cán bộ yếu nên công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả thấp, không phát hiện ra các sai sót, các vi phạm nên không có biện pháp xử lý kịp thời, dẫn tới nhiều vụ việc sau một thời gian dài, mức độ trầm trọng mới được phát hiện.

Còn tồn tại hành vi đảo nợ, che dấu nợ bằng cách hạch toán nợ và tài khoản phải thu, ủy thác đầu tư… Do tính minh bạch còn hạn chế, số nợ xấu công bố qua báo cáo của TCTD không đúng thực chất, làm cho số lũy kế nợ xấu thực tăng theo thời gian, việc xử lý ngày càng khó khăn.

2.5. Giải pháp xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu trước hết là của các TCTD, Nhà nước chỉ can thiệp khi các TCTD không thể tự xử lý được. Và dù áp dụng bằng hình thức nào (như thu nợ trực tiếp từ khách nợ, bán lại nợ, cơ cấu lại nợ…) cũng phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho các bên tham gia, đồng thời nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho các DN, vì đây là khách hàng của TCTD, bởi vì các TCTD chỉ phát triển, ổn định và có hiệu quả khi các khách hàng của mình hoạt động có lãi.

Nhưng xử lý nợ xấu không có nghĩa là cứu cả các TCTD yếu kém, mà đây là một cơ hội loại bỏ các TCTD và ngân hàng yếu kém (giải thể, phá sản, sáp nhập…). Chỉ những TCTD nào có đủ năng lực mới được tồn tại và phát triển. Điều đó có nghĩa là trong giai đoạn hiện nay, xử lý nợ xấu có thể coi là công cụ để tái cơ cấu lại các TCTD, đồng thời ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ hệ thống, ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế.

Nhóm giải pháp về phía các TCTD

Các TCTD phải tự nỗ lực xử lý khiếm khuyết của mình. Thông qua các biện pháp đã và đang làm như: bán nợ, đòi trực tiếp, thanh lý tài sản thế chấp, sử dụng quỹ dự phòng bù đắp các khoản nợ không thu hồi được, hoặc chuyển nợ thành vốn góp nếu thấy khánh nợ có tương lai phát triển. Các tổ chức này đi tìm, hoặc bị sáp nhập một cách cưỡng bức bởi một TCTD đủ mạnh. Nếu không sáp nhập được thì các TCTD này sẽ đặt trong điều kiện kiểm soát đặc biệt của NHNN, nhằm từng bước xử lý các tồn đọng để đi tới giải thể. Do quy mô tín dụng ngày một lớn, bản thân các TCTD phải có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, giảm thiểu rủi ro hoạt động để ngăn ngừa nợ xấu xuất hiện trở lại, như ban hành đầy đủ quy trình cho vay, năng cao năng lực quản trị, điều hành, quản trị rủi ro.

Nhóm giải pháp về phía Ngân hàng Nhà nước

 NHNN phải có biện pháp quyết liệt để xác định số thực về quy mô và cơ cấu  của nợ xấu hiện nay, từ số liệu này mới có thể áp dụng các giải pháp cụ thể cho từng TCTD. Xử lý nghiêm hành vi che dấu nợ xấu. Đồng thời sửa đổi, bổ sung về cách phân loại nợ, trích lập sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các trường hợp cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập và sử dụng quỹ dự phòng sai chế độ. Đồng thời có cơ chế buộc các TCTD trong một thời gian phải đưa nợ xấu xuống một giới hạn nhất định.

Nhóm giải pháp về phía  VAMC

VAMC cần đẩy mạnh công tác mua nợ bằng Trái phiếu, phát hành trái phiếu để mua nợ thị trường theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung) và Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 để tạo nguồn vốn triển khai hiệu quả mua nọ theo giá thị trường.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc tìm kiếm, khai thác danh sách các khoản nợ đã mua bằng TPĐB, các khoản nợ đang hạch toán nội, ngoại bảng tại TCTD, triển khai làm việc với các TCTD và đối tác, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua, để có cơ sở đề xuất VAMC thực hiện mua khoản nợ theo giá thị trường.

VAMC cần tích cực triển khai bán đấu giá/chào giá cạnh tranh/bán thỏa thuận các khoản nợ và tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; đồng thời VAMC phải bám sát quá trình khởi kiện/thi hành án đối với các khoản nợ đã ủy quyền cho TCTD thực hiện để xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ. Phối hợp với các TCTD thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; Theo dõi đôn đốc các TCTD thu nợ, xử lý TSBĐ mà VAMC đã ủy quyền.

 Nhóm giải pháp về phía các DN

Nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo cơ cấu vốn hợp lý, bố trí vốn đúng nguyên tắc, sử dụng vốn có hiệu quả, ổn định lượng tiền mặt cần thiết cho cán cân thanh toán, cân đối hệ số vốn vay trên vốn chủ (D/E) không vươt quá trung bình của ngành, thường xuyên đánh giá thực trạng tài chính DN thông qua các tỷ số tài chính đặc trưng để đưa ra các kiến nghị cảnh báo về tình hình tài chính là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài xử lý và ngăn ngừa nợ xấu.

  1. Kết luận

Tóm lại, những bất cập trong phân loại nợ, vấn đề sở hữu chéo, vấn đề đạo đức nghệ nghiệp… đã làm nảy sinh nợ xấu tại các ngân hàng và có chiều hướng ngày càng tăng. Cho dù nợ xấu đã có xu hướng giảm dần nhưng hiện tại vẫn đang tác động tiêu cực đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế và tính an toàn, hiệu quả kinh doanh của chính các ngân hàng. Chừng nào vẫn đề nợ xấu chưa được chưa xử lý triệt để và hiệu quả thực tế thì việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ không đạt hiệu quả.