GIẢI PHÁP THỰC HIỆN THÁNG RÈN LUYỆN NGHIỆP VỤ CHO SINH VIÊN

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN THÁNG RÈN LUYỆN NGHIỆP VỤ CHO SINH VIÊN

Hoàng Xuân Trọng

Rèn luyện nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp là một trong những hành trang quan trọng giúp sinh viên có cơ hội được tuyển dụng và hoàn thành công việc theo chuyên môn được đào tạo sau khi ra trường. Đây còn là một mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu lao động, việc làm trong nền kinh tế tri thức đang đòi hỏi về kỹ năng nghề nghiệp thực tế của sinh viên rất cao. Đặc biệt, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra cho người đi học và chúng ta những thách thức mới.

Cụ thể trong tháng rèn nghề học kỳ II năm học 2018 – 2019 dự kiến từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 năm 2019 gồm các nội dung hoạt động như sau:

  1. Đào tạo: kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên; kỹ năng tìm kiếm việc làm, viết CV và trả lời phỏng vấn
  2. Quảng bá mạnh mẽ chương trình thực tập sinh viên từ năm thứ 2 đến các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động, đến toàn thể sinh viên, tạo một mạng lưới kết nối, theo dõi, đánh giá việc thực tập của sinh viên 2 buổi/ tuần và dịp Hè có thể toàn thời gian. Xúc tiến thành lập và ra mắt hội cựu sinh viên khoa kinh tế hoà nhập vào mạng lưới trên.
  3. Tổ chức cho sinh viên năm 2,3 tới thăm quan cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp
  4. Xây dựng mô hình doanh nghiệp ảo để sinh viên thực hành và luyện tập trước khi đến doanh nghiệp
  5. Mời doanh nghiệp, cựu sinh viên tới giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế với sinh viên, những vấn đề thách thức đối với doanh nghiệp hiện nay để sinh viên suy nghĩ cách giải quyết vấn đề.
  6. Cuộc thi vẻ đẹp trí tuệ tổ chức từ các lớp, nhóm ngành đào tạo đến Đêm chung kết và tổng kết trao giải thưởng. Kéo dài 1 tháng.

Qua tháng rèn nghề trên, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp sẽ lựa chọn ra được những ứng viên đạt chuẩn để tuyển dụng ngay khi các em tốt nghiệp vào tháng 6 năm 2019 hoặc tìm được các thực tập sinh phù hợp với hoạt động kinh doanh của đơn vị.

Hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong hệ thống các cơ sở đào tạo nói chung đã có những bước phát triển tiến bộ. Các cơ sở đào tạo đã cung cấp ngày càng đa dạng hơn về nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động việc làm ở các ngành nghề, trình độ khác nhau. Tuy nhiên, đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, chương trình, nội dung đào tạo chưa trang bị đủ các kiến thức, kỹ năng mà thị trường lao động đang cần. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu chủ yếu theo phương pháp truyền thống, chưa có sự đột phá về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Quá trình đào tạo gắn với rèn luyện phát triển kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên chưa được chú trọng, thực hành kỹ năng làm việc theo chuyên môn còn ít, chưa có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vấn đề nhận thức về kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên chưa được quan tâm. Một bộ phận sinh viên chỉ quan tâm đến kiến thức chuyên môn nghiệp vụ mà không chú ý đến kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xin việc. Ngoài ra, một bộ phận chủ thể đào tạo ở các nhà trường chưa đồng đều về chuyên môn tay nghề, việc rèn luyện kỹ năng nghề, cập nhật kiến thức mới, kinh nghiệm thực tế ở công ty, nhà máy còn hạn chế, dẫn đến khả năng gia nhập của đối tượng đào tạo sau khi tốt nghiệp vào môi trường doanh nghiệp còn yếu, khả năng thích ứng với sự thay đổi nghề nghiệp việc làm khi không đúng chuyên môn đào tạo hạn chế. Nhiều doanh nghiệp trong tuyển dụng có chung nhận định là sinh viên thiếu hụt những kiến thức về kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn; kinh nghiệm thực tiễn, khả năng thích ứng còn chậm. Do đó, việc tuyển dụng lao động trở thành một thách thức cho các ứng viên dự tuyển vì họ không có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hay ở các ngành nghề mà doanh nghiệp đang rất cần, đang thiếu hụt.

Phương hướng trong thời gian tới, khoa Kinh tế cần tập trung đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên cần phù hợp với ngành nghề, nhu cầu của các đối tượng sinh viên khác nhau; tập trung đào tạo kỹ năng phù hợp với yêu cầu từng vị trí việc làm. Nâng cao khả năng thực hành cho sinh viên bằng việc trải nghiệm thực tế, thực hành, thực tập, giải quyết các tình huống thực tế tại doanh nghiệp. Đề xuất với nhà trường và tăng cường xã hội hoá đầu tư xây dựng các cơ sở thực hành, tùy ngành nghề mà sử dụng các mô hình khác nhau, tạo điều kiện cho sinh viên học tập và nghiên cứu các tình huống thực tế, tăng kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn.

Thứ hai, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp. Việc gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp có một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, có lợi cho sự phát triển nhà trường cũng như của doanh nghiệp. Làm tốt công tác này sẽ hình thành nên các sản phẩm chất lượng cao với chủ thể là sinh viên tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, tri thức, các kỹ năng cần thiết và thái độ đúng đắn về nghề nghiệp để có thể gia nhập vào nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao vị thế, khẳng định thương hiệu của nhà trường. Việc các cơ sở đào tạo liên kết với các doanh nghiệp sẽ tạo dựng môi trường, cơ hội cho sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, để họ không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn có kiến thức thực tiễn trong các lĩnh vực, từng bước nâng cao nhận thức và kỹ năng nghề nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp định kỳ cho sinh viên đi tham quan, trải nghiệp thực tế, thực tập tại doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành nghề đào tạo. Sản phẩm thực tế, thực tập của sinh viên tại cơ sở sản xuất, dịch vụ là cơ sở đánh giá kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên ở cơ sở đào tạo./.