Hội thảo chỉnh sửa chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đối tác là cựu sinh viên, học viên khoa Kinh tế

Xây dựng, chỉnh sửa chương trình đào tạo (CTĐT) nhằm nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế là những nội dung quan trọng trong Hội thảo chỉnh sửa chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội do Khoa Kinh tế – Trường đại học Tây Bắc tổ chức ngày 15 tháng 8 năm 2018, tại tầng 2 trung tâm thư viện của nhà trường. Hội thảo do TS Nguyễn Thị Lan Anh – Trưởng Khoa Kinh tế và đồng chí Hà Văn Niệm – bí thư đoàn trường chủ trì, cùng sự tham dự của đồng chí Lừ Thị Minh – Trưởng Phòng Công tác chính trị và Quản lý người học, Trưởng Ban liên lạc cựu sinh viên Trường Đại học Tây Bắc các thầy cô giáo trong Khoa Kinh tế, đặc biệt là sự có mặt của các cựu sinh viên của Khoa Kinh tế.

Trong bối cảnh nền giáo dục thế giới đang có những biến chuyển nhanh theo xu thế thời đại, đương đầu với sự cạnh tranh, các trường đại học ở Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Do vậy, mỗi trường phải luôn đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo để khẳng định thương hiệu bằng việc cung ứng cho thị trường lao động những sản phẩm đào tạo chất lượng cao và đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Trong bối cảnh đó, Khoa Kinh tế đã nhiều lần bổ sung, chỉnh sửa, rà soát các CTĐT và đặc biệt ngày 15 tháng 08 năm 2018 Khoa đã tiến hành hội thảo 2 liên quan đến chỉnh sửa chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và đáp ứng nhu cầu xã hội trong tình hình mới.

Được sự nhất trí của Ban giám hiệu Trường đại học Tây Bắc và thực hiện kế hoạch hoạt động năm học 2017 – 2018 Khoa Kinh tế đã tổ chức Hội thảo chỉnh sửa chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Hội thảo có 3 báo cáo của các Bộ môn Kế toán, Bộ môn Quản trị kinh doanh, Bộ môn Quản trị du lịch, khách sạn và lữ hành, Buổi hội thảo thu được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận từ các cựu sinh viên: Cà Văn Ngọc –K51 ĐH Kế toán – Công ty TNHH Ga – Oxy Chiềng An, Điêu Đức Trọng – K51 QTKD – Ban Hội đồng quản trị HTX Thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, Nguyễn Đức Vương – K53 ĐH QTKD – Phó Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Mộc Châu, Nguyễn Văn Thành – K48 ĐH QTKD – Tổ trưởng tổ nhà khách Văn phòng Tỉnh ủy, Nguyễn Thị Liên – K47 ĐH Kế toán – Kế toán bệnh viện Đa khoa Tỉnh Sơn La, Át Xay Nhạ Vông – Cựu sinh viên K54 QTKD – Học viên cao học Quản lý kinh tế, Hoàng Văn Điện – K53 ĐH QTKD – Nhân viên bán hàng Công ty Pepso.Co, Nguyễn Ngọc Thành – K48 ĐH Kế toán- Cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Sơn La, Bùi Thị Hằng – K47 ĐH Kế toán – Kế toán chi nhánh xăng dầu Sơn La.

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Lan Anh – Trưởng Khoa Kinh tế nhấn mạnh vào các nội dung quan trọng cần được trao đổi thống nhất và nguyên tắc và cách thức thực hiện về xây dựng CTĐT và nội dung chương trình. Cụ thể, Khoa cần chú trọng đến tính thiết thực, hiệu quả của CTĐT, phát huy tiềm năng của người học, nâng cao kỹ năng của sinh viên để nhanh chóng thích ứng với công việc sau khi tốt nghiệp, sắp xếp chương trình, tổ chức đào tạo, thiết kế chương trình rèn nghề, thực tế cho sinh viên.

Hội thảo được đón nhận nhiều ý kiến về chỉnh sửa chương trình đào tạo, một số ý kiến tiêu biểu như đồng chí Lừ Thị Minh ủng hộ Các chương trình đưa sinh viên tiếp cận đến nghề nghiệp sớm hơn, để sinh viên tiếp tục trau dồi kỹ năng khi chọn nghề nghiệp. Tăng thời lượng giáo dục bổ trợ cho sinh viên về kỹ năng. Kỹ năng khởi nghiệp, hướng nghiệp, tư vấn, Kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng tương tác… Chương trình phải phù hợp với đối tượng, phương pháp giảng dạy tiếp cận với thế hệ sinh viên.

Đồng chí Hà Văn Niệm phát biểu đóng góp ý kiến cho hội thảo và chủ trì thảo luận chung về các vấn đề, đặc biệt nhấn mạnh đến các môn Toán trong danh mục môn bắt buộc có cần thiết hay không? Có sát thực hay không?

Anh Nguyễn Ngọc Thành – Đưa ra ý kiến về việc không nhất thiết phải đưa 3 môn toán vào môn học bắt buộc, vì theo anh khi ra trường đi làm không nhiều vận dụng vào thực tế công việc sau này. Anh cũng đánh giá khi ra trường đi làm kiến thức chỉ chiếm 15% kỹ năng chiếm 85% khi xin việc. Vì thế anh đề nghị cần tăng cường thêm việc đào tạo thêm các kỹ năng trong chương trình đào tạo.

Tại hội thảo, anh Nguyễn Đức Vương – Phó Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Mộc Châu đưa ra ý kiến về: Ba môn toán không nhất thiết đưa vào bắt buộc, đưa vào môn tự chọn. Ông hoàn toàn ủng hộ việc đưa sinh viên đi thực tế sớm, ông có nhấn mạnh việc để sinh viên bắt đầu từ một nhân viên là cần thiết và thái độ là yếu tố quyết định sự thành công. Chính vì thế mà các đơn vị đào tạo cần giúp sinh viên có một số kỹ năng cơ bản, thái độ làm việc tốt và trải nghiệm thực tế từ năm thứ hai. Ngoài ra, đơn vị của ông cũng sẵn sàng đón nhận từng nhóm sinh viên đến thực tế nghề nghiệp và bên công ty sẽ có trách nhiệm đào tạo các em theo tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam.

Tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Lan Anh đã tiếp thu và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu, các thầy cô giáo và các cựu sinh viên để bổ sung, chỉnh sửa chương trình đào tạo theo hướng: Khoa sẽ điều chỉnh và tăng cường một số học phần cần thiết như tin học chuyên ngành, soạn thảo văn bản, tiếng anh đặc biệt đối với ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Tích cực đẩy mạnh cho sinh viên đi thực tập, rèn nghề ngay từ năm thứ hai trong chương trình đào tạo. Tăng cường kỹ năng mềm cho sinh viên và kết hợp với các đơn vị sử dụng lao động trong công tác đào tạo. Đặc biệt đồng quan điểm đưa 3 môn Toán và học phần tự chọn.

Một số hình ảnh tại hội thảo: