KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
TS. Nguyễn Thị Phương Thảo
Sinh viên Vũ Thị Bích Diệp, Lớp K64 Đại học Kế toán
Doanh nghiệp đóng vai trò động lực phát triển kinh tế, góp phần to lớn vào sự ổn định chính trị – xã hội, thể hiện qua việc đóng góp lớn vào GDP, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, tiên phong trong hoạt động đổi mới sáng tạo.
- Khái quát tình hình doanh nghiệp cả nước
Theo số liệu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian qua doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Năm 2004, số lượng doanh nghiệp hoạt động chỉ có khoảng 92.000 doanh nghiệp, sau 20 năm, Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, còn có đội ngũ gần 30.000 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Tính riêng trong 9 tháng năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 122.000 doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 61.103 doanh nghiệp, đồng thời có 163.761 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Hiện tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp; có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như Viettel, PVN, Tập đoàn Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát, TH, Vinamilk…
Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ…
Trên cả nước, tính tới tháng 9/2024, chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Con số này có nhích nhẹ hơn so với mức 27% của năm 2023, song vẫn ở mức thấp thứ 2 trong 18 năm VCCI khảo sát doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu. Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sơn La
Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 98,23% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những khái quát về doanh nghiệp nói chung cũng có thể là những nhận định về doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trước tác động của đại dịch Covid, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Năm 2023 đã bắt đầu quá trình hồi phục song do đặc thù có nhiều điểm bất lợi nên sự hồi phục chưa thực sự mang lại kết quả khả quan. Kể đến là xuất phát điểm thấp, suất đầu tư, chỉ số ICOR và chi phí vận tải cao. So với cả nước và vùng, doang nghiệp Sơn La có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn. Doanh nghiệp tỉnh có gần 50% chỉ số trong vùng và 70% trong cả nước là dưới trung bình và thấp. Chỉ số PCI thuộc hạng trung bình, đứng thứ 46 cả nước và thứ 8 trong vùng. Thấp nhất là mật độ doanh nghiệp, tỷ lệ lao động doanh nghiệp/lao động xã hội. Nhưng doanh nghiệp Sơn La cũng có trên 50% chỉ số trong vùng và trên 30% chỉ số trong cả nước là trung bình và cao. Các chỉ số khá cao là tăng trưởng doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp vào thu ngân sách nội địa, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước. Tỉnh cũng có doanh nghiệp lọt vào Top 1000 đóng thuế thu nhập cao nhất cả nước. Năm 2023, tăng trưởng doanh nghiệp giảm, nhưng giảm thấp hơn nhiều tỉnh trong cả nước và vùng. GRDP và thu ngân sách của tỉnh giảm sút khá sâu, chủ yếu là do nguyên nhân khách quan và đặc thù. Trong khi các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng thì sản lượng điện lại giảm sâu (trên 22%), do thiếu nguồn nước phát điện. Điện năng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP và thu ngân sách trên địa bàn, khi giảm sút đã làm giảm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh. Dưới đây là một số chỉ tiêu cơ bản thể hiện tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La với vùng Trung du miền núi phía Bắc và cả nước.
Bảng 1 – Tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa
trên địa bàn tỉnh Sơn La
TT | Chỉ tiêu | ĐV tính | Cả nước |
Vùng |
Sơn La | Thứ hạng | ||
Trong
cả nước |
Trong vùng | |||||||
I | DN đang hoạt động (2023) | DN | 921.372 | 42.350 | 2.189 | 56 | 8 | |
1 | Tăng trưởng | % | 5,05 | 4,9 | 0,07 | 58 | 12 | |
2 | Mật độ DN/1000 dân/1000 LLLĐ | 9,2/19,7 | 1,7/3,9 | 62 | 12 | |||
II | DN có kết quả SXKD (2022) | 735.455 | 31.742 | 1.752 | 54 | 7 | ||
1 | Tỷ lệ DN có lãi | % | 44,6 | 49,5 | 61,3 | 10 | 6 | |
2 | Tỷ lệ DN lỗ | % | 46,9 | 41,3 | 30,4 | 53 | 9 | |
III | Chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2023 | Rất tốt, Tốt, Khá, Trung bình, Thấp | Khá, Trung bình, Thấp | Trung
bình |
46 | 9 | ||
IV | Năm 2023 | |||||||
1 | DN tăng thêm (theo đăng ký) | 63.100 | 3.357 | 170 | – | 7 | ||
2 | Tăng trưởng (2023/2022) | % | -46 | -33 | -14 | – | 5 | |
3 | Tăng trưởng kinh tế | % | 5,05 | 4,9 | 0,70 | 58 | 12 | |
4 | Thu nội địa (2023/2022) | % | -0,3 | -1,45 | -6,0 | 41 | 8 | |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Nếu năm 2004 chỉ có 202 doanh nghiệp, thì đến tháng 8/2024 toàn tỉnh có 3.667 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 77.080 tỷ đồng; hàng năm, đóng góp khoảng 35% GRDP, trên 60% số thu ngân sách trên địa bàn.
Với sự đồng hành, hỗ trợ, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Sơn La đã không ngừng lớn mạnh, đa dạng lĩnh vực hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp; chủ động tiếp cận, vận dụng hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và phát triển. Đến nay, tỉnh Sơn La có 3.667 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 77.080 tỷ đồng. Hằng năm, khối doanh nghiệp đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách của địa phương và tạo việc làm cho hàng chục nghìn người lao động, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đồng hành, chung tay cùng với tỉnh và cộng đồng xã hội trong công tác phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, khắc phục thiên tai, khôi phục phát triển KT-XH của tỉnh. Các doanh nghiệp đã có đóng góp lớn về tài chính cho công tác an sinh xã hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Trong đó, nổi bật là hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo ở các xã biên giới có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng; ủng hộ Quỹ khuyến học -khuyến tài với tổng số tiền 13 tỷ đồng; ủng hộ vào Quỹ phòng, chống Covid-19 của tỉnh 6,8 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng cầu treo, trường học, mua trâu, bò giống hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn và ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lũ khoảng 20 tỷ đồng…, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 14,8% năm 2023 và dự kiến đến hết năm 2024 giảm còn trên 11,1%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đa số doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 97%, vốn sản xuất kinh doanh thấp, chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Tỷ trọng doanh nghiệp trong các nhóm ngành còn mất cân đối, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ; đa số các doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững. Một số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thấp, lỗ kinh doanh, nợ thuế và bảo hiểm xã hội. Các doanh nhân còn hạn chế về chuyển đổi số, kiến thức pháp luật, năng lực quản trị… chưa xuất hiện nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có thương hiệu, các doanh nghiệp xuất khẩu; doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế còn thiếu.
Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp. Nghị quyết số 09-NQ-TW ngày 9/12/2011 về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” tiếp tục nhấn mạnh:“Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Thời gian qua, cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có sự chuyển dịch phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có nhiều dự án đầu tư lớn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh, đưa tỉnh nhà trở thành điểm sáng kinh tế và phát triển nông nghiệp tại khu vực miền núi phía Bắc. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Sơn La có trên 4.000 doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GRDP và trên 80% thu ngân sách tỉnh.
Tài liệu tham khảo
- Bộ kế hoạch và đầu tư (2024), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2024, Nhà xuất bản Thống kê.
- Tổng cục thống kê (2024), Niên giám thống kê năm 2023, truy cập tại https://www.gso.gov.vn/default/2024/06/nien-giam-thong-ke-2023/, truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2024.
- 3. Tổng cục Thống kê (2024), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024 của cả nước, truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-muoi-mot-va-11-thang-nam-2024/, truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2024.
- Cục Thống kê tỉnh Sơn La (2024), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng tỉnh Sơn La, truy cập tại https://cucthongkesonla.gso.gov.vn/tin-tuc/19, truy cập ngày 02 tháng 01 năm 2025.