Kinh nghiệm học theo nhóm hiệu quả

Kinh nghiệm học nhóm do bạn Tòng Thị Hường sinh viên lớp k50 Đại học Quản Trị kinh doanh chia sẻ.

Minh họa
Chia sẻ kinh nghiệm học nhóm hiệu quả

Kính thưa: các quý vị đại biểu, thưa các thầy cô, thưa các bạn sinh viên khoa kinh tế.

Tôi xin tự giới thiệu tôi là Tòng Thị Hường sinh viên lớp k50 Đại học Quản Trị kinh doanh, tôi rất vinh dự được tham gia buổi hội nghị học tốt hôm nay. Đến với buổi hội nghị, tôi xin được đóng góp một số kinh nghiệm học nhóm của tôi.

Các bạn sinh viên thân mến! chắc hẳn nhiều bạn đã từng học nhóm? Vậy các bạn đã thấy việc học nhóm của mình đã đạt hiệu quả chưa? Tôi dám chắc rằng nhiều bạn ở đây không thích học nhóm vì cho rằng việc học nhóm không có hiệu quả, chỉ tốn thời gian cho những buổi nói chuyện phiếm mà thôi hay đơn thuần là những bất đồng trong nhóm sẽ khiến bạn nản trí với việc học nhóm.

Trước đây tôi cũng đã từng có cái nhìn như vậy về học nhóm. Trong những buổi học nhóm hầu như không thu hoạch được gì, phần lớn thời gian chúng tôi chỉ nói chuyện và nếu có thảo luận thì thường có sự bất đồng và chỉ có một người độc tôn đưa ra ý kiến mà không chịu lắng nghe ý kiến của các thành viên khác. Điều đó làm tôi cảm thấy chán nản và không mới hào hứng trong những buổi học nhóm.

Cho đến gần đây khi chuẩn bị thi học phần kỳ 4 tôi mới lấy lại được niềm tin và cảm hứng của việc nhóm, đó là nhờ sự giúp đỡ của một người bạn. Người bạn đó đã đề nghị với tôi về việc học nhóm lúc đâù tôi còn thấy ngần ngại, vì những suy nghĩ về những buổi học nhóm không hiệu quả vẫn tồn tại trong tiềm thức của tôi. Nhưng cuối cùng tôi đã quyết định thử thách một lần nữa xem sao. Ngoài những gì tự học ra, mỗi ngày chúng tôi giành một buổi để cùng học với nhau, trao đổi với nhau về các nội dung lý thuyết và cùng nhau làm các bài tập, càng học tôi lại càng cảm thấy thú vị hơn vì tôi có thể tiếp thu được lượng kiến thức mà nếu như tôi tự học tôi sẽ không làm được điều đó nhanh như vậy. Kết quả hai chúng tôi đạt trong kỳ thi vượt ngoài sự mong đợi của hai chúng tôi, chúng tôi đã được xếp loại giỏi trong học kỳ 4 trong khi đó tôi chỉ mong đạt được khá trong kỳ đó mà thôi vì tôi nghĩ rằng với lực học của mình để đạt loại giỏi là một thử thách rất khó khăn. Nhưng chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những suy nghĩ đó. Và tôi muốn gửi lời cảm ơn tới bạn Phương Anh – người bạn đã giúp tôi trong học tập, đã cho tôi thấy được lợi ích từ việc học nhóm.

Từ những kinh nghiệm bản thân và những gì được đọc từ sách báo, trên Internet tôi muốn được chia sẻ với các bạn để góp một phần nhỏ nào đó giúp các bạn có thể học nhóm một cách hiệu quả hơn.Điều đầu tiên mà các bạn phải làm đó là bạn phải có suy nghĩ nghiêm túc cho việc học nhóm khi đó bạn sẽ có ý thức và nghị lực hơn trong việc học nhóm.

Tiếp theo bạn cần làm một công việc rất quan trọng đó là chọn nhóm. Công đoạn chọn nhóm rất quan trọng vì vậy bạn phải có sự lựa chọn kỹ lưỡng và cẩn thận. Theo tôi để một nhóm làm việc có hiệu quả thì số thành viên nên giới hạn trong khoảng từ 2 đến 4 thành viên, tốt nhất là 2 hoặc 3 người. Không nên có quá nhiều thành viên trong một nhóm vì khi đó sẽ khó khăn trong việc thống nhất ý kiến và có thể gây hỗn loạn. Bạn nên chọn thành viên của nhóm có tính cách phù hợp với bạn để trong quá trình học tập sẽ hạn chế được các bất đồng khó giải quyết gây ảnh hưởng đến quá trình làm việc của nhóm. Trong một nhóm không nên lựa chọn những thành viên có lực học trung bình ngang nhau vì vậy trong nhóm luôn đòi hỏi phải có một người học nhỉnh hơn để có thể hướng dẫn các bạn học tập một cách có hiệu quả hơn.

Công việc tiếp theo mà bạn cần làm đó là chọn địa điểm học nhóm, bạn phải chọn một không gian yên tĩnh đủ để các bạn có thể thảo luận, bàn bạc một cách thoải mái mà không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, một số địa điểm bạn có thể lưu ý tới như: phòng riêng của bạn trong nhóm, giảng đường,…Tiếp theo các bạn có thể bầu nhóm trưởng hoặc các bạn sẽ tự phân chia công việc cho nhau, cách nào bạn các bạn cảm thấy phù hợp với nhóm thì bạn sẽ lựa chọn, điều quan trọng là các bạn phải phân chia công việc cho nhau một cách hợp lý. Mỗi thành viên trong nhóm phải có trách nhiệm chuẩn bị nội dung được giao, tránh tình trạng ỉ lại cho thành viên khác.

Trong các buổi học nhóm, mỗi thành viên phải tự đưa ra ý kiến để cả nhóm bàn bạc, thảo luận, đóng góp bổ sung, đối với các môn xã hội bạn các bạn nên trao đổi với nhau nhiều hơn điều này sẽ giúp các bạn hiểu bài và nhớ được bài lâu hơn, với các môn tự nhiên các bạn nên đưa ra những phương pháp giải bài tập dễ hiểu để các thành viên trong nhóm có thể làm được, đối với bài toán khó bạn nào học tốt hơn sẽ hướng dẫn các bạn trong nhóm cách làm sau đó mỗi bạn sẽ tự làm và so sánh, đối chiếu các kết quả với nhau, bạn nào chưa hiểu bài thì nên hỏi ngay để các bạn khác hướng dẫn cụ thể hơn. Mỗi bạn trong nhóm có trách nhiệm chia sẻ những kiến thức mình có được cho các thành viên khác để làm cho buổi học có ý nghĩa hơn. Ngoài nội dung môn học, trong giờ giải lao các bạn nên trao đổi với nhau những kiến thức xã hội đang diễn ra xung quanh chúng ta để tạo bầu không khí thư giãn, tạo hứng khởi cho các buổi học nhóm, nhưng không được quá sa đà vào những câu chuyện phiếm.

Muốn việc học nhóm đạt hiệu quả đòi ý thức tự giác của mỗi thành viên là rất cao, nếu các bạn đảm bảo được nguyên tắc này thì việc học nhóm sẽ giúp các bạn tiến bộ trong học tập cũng như đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

Trên đây là những chia sẻ của tôi với các bạn, tôi hy vọng rằng mỗi bạn sẽ xây dựng được cho mình một nhóm học hiệu quả.

Cuối cùng tôi xin gửi lời chúc sức khỏe tới các vị đại biểu, các thầy cô giáo và các bạn sinh viên. Chúc các bạn sinh viên đạt được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Chúc buổi hội nghị hôm nay thành công tốt đẹp./.

SV: Tòng Thị Hường – Lớp k50 Đại học Quản Trị kinh doanh