Kinh nghiệm học tốt năm thứ nhất
Hầu hết các bạn sinh viên năm đầu mới vào trường đều bỡ ngỡ và chưa có phương pháp học tập đúng đắn, do đó kết quả học tập của 1 số bạn cũng chưa thực sự cao. Vì vậy mình muốn chia sẻ với các bạn về phương pháp học tập trong năm đầu của mình để các bạn có thể tiếp cận môi trường học mới 1 cách dễ nhất.
Khi mới vào trường, việc đầu tiên mình làm là tìm hiểu về 1 số nội quy, quy định và cách tính điểm… của nhà trường. Từ đó, mình có thể xác định được mục tiêu mà mình đề ra là dễ thực hiện hay khó thực hiện, và để thực hiện được nó thì mình phải làm những điều gì. Sau khi đã xác định được nó thì mình đã đề ra các phương pháp học tập cho mình như sau:
I.Đối với môn tính toán
Vì thời gian của mình vào ban ngày không có nhiều nên mình tập trung học chủ yếu là vào buổi tối và đêm. Trước khi làm bài tập thì mình thường đọc lại bài đã học, ghi hết công thức ra 1 tờ giấy để nếu có không nhớ thì có thể xem, không cần phải mở lại sách làm tốn thời gian, và nhớ lại những gì thầy cô đã giảng trên lớp. Sau khi đã nhớ và hiểu được bản chất thì mình bắt tay vào làm bài. Vì mình không thích bị căng thẳng trong khi học nên mình thường “ vừa học vừa chơi”. Đối với mình, nếu căng thẳng thì học cũng không thể nhớ được và hiểu được, lại tốn thời gian, hại sức khỏe… nên mình thường tránh việc đó bằng cách là mình nghe nhạc trong khi làm bài tập. Mình thường mở nhạc Âu Mĩ hay nhạc không lời ra nghe. Đối với nhạc Âu Mĩ thì mình chọn những bài mà mình không thể hát theo hay không hiểu lời để nghe, như thế mình sẽ không bị nhạc làm sao lãng trong khi đang suy nghĩ mà giai điệu lại giúp cho mình cảm thấy thư thái đầu óc hơn. Còn đối với nhạc không lời thì mình hay chọn loại nhạc Ba-rốc để nghe, vì nhạc Ba-rốc giúp chúng ta tập trung cao và làm tăng chỉ số IQ nên nghe loại nhạc đó để học là rất tốt. Trong những lúc học môn tính toán thì mình thường tránh xa điện thoại, ti vi, laptop… đó là những thứ mà làm mình mất tập trung và làm gián đoạn tư duy của mình.
Để nhớ các công thức thì trước hết mình phải tìm hiểu tại sao lại có công thức này và nó dùng để tính trong những bài toán như thế nào. Tiếp đó thì mình ghi vào mỗi mảnh giấy nhớ từ 1 dến 3 công thức sau đó mình dán mảnh giấy nhớ đó vào những đồ dùng mình hay động đến như: tủ quần áo, ti vi… như vậy, mỗi khi mở tủ hay ti vi thì mình nhìn vào mảnh giấy và đọc nó 1 lần và để tâm đến nó. Từ đó, mình đã tạo cho mình 1 thói quen và mình đã nhớ công thức đó rất dễ dàng. Còn 1 cách nữa đó là mình sử dụng trí tưởng tượng của mình để vẽ lên các sơ đồ, mô hình minh họa hay các con vật mà mình yêu thích, trong đó kèm theo cả các công thức. Như vậy, chỉ cần nhớ đến hình vẽ nào là mình có thể liên tưởng ngay ra được công thức bao gồm trong nó.
II. Đối với môn học thuộc
Năm đầu là năm có các môn chung hầu hết là các môn học thuộc. Và hầu hết các môn đó đều trìu tượng, khó hiểu, khó học thuộc. Để học các môn đó thì mình không hề học thuộc 1 cách máy móc mà mình đọc để hiểu vấn đề trong đó. Nói là nó khó hiểu, trìu tượng nhưng suy cho cùng thì hầu hết các môn đó đều xoay quanh các vấn đề chính trị của xã hội, hay về lịch sử hình thành của 1 môn học nào đó. Phương pháp của mình học các môn đó là:
– Mình luôn nghĩ các môn đó không có gì khó và môn nào cũng có 1 chút thú vị riêng của nó. Và cuối kỳ thì mình luôn nghĩ tích cực là mình sẽ qua môn đó. Vì nếu như nghĩ theo hướng tiêu cực thì chúng ta sẽ cho rằng chúng ta không thể qua được, và ý nghĩ đó đã tác động rất mạnh đến ý chí của chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy đề khó hơn, không chịu suy nghĩ và kết quả không tốt cũng đổ tại cho môn đấy khó hay là tại số phận…
– Mình thường đọc giáo trình trước khi đến lớp, mặc dù còn 1 số chỗ không hiểu nhưng hôm sau học mình sẽ tiếp thu bài nhanh hơn và hiểu kỹ hơn, còn những chỗ chưa hiểu thì mình được giải đáp bởi các thầy cô và bạn bè.
– Điều quan trọng của mình để học được môn này là: các thuật ngữ. Khi mình đã hiểu được tất cả các thuật ngữ trong bài thì mình có thể hiểu bài 1 cách dễ dàng. Mình thường có thói quen hình dung, mường tượng ra những gì mình đọc được, đọc đến đâu thì mình hình dung đến đó (đây là khi mình đọc trước bài) và mình hình dung theo những gì mình hiểu. Sau đó, khi đã nghe thầy cô giảng thì bài học đó sẽ được tái hiện lại trong đầu mình thành 1 câu truyện. Ví dụ như, học thuyết tiến hóa của Dacuyn. Mình đã hình dung ra ông ta nghiên cứu trong 1 phòng thí nghiệm nhỏ, mặc áo trắng, quần đùi, ông miệt mài nghiên cứu ngày đêm và khi ông phát hiện ra học thuyết tiến hóa thì ông đã nhảy và hét lên vì vui sướng, nước mắt chảy dàn dụa… Trong phương pháp hình dung này thì mình luôn cố gắng nghĩ ra những câu truyện buồn cười nhất có thể để gắn với các sự kiện, nhân vật đó sao cho phù hợp. Như vậy mình sẽ nhớ được lâu hơn rất nhiều khi nghĩ đến câu truyện buồn cười đó.
– Mình học nhưng không phải học dàn trải, mình thường gạch ra những ý chính, ý quan trọng và đáng nhớ trong bài. Sau đó mình sẽ triển khai các ý phụ theo cách diễn đạt của mình. Tuy nhiên, có bao nhiêu ý phụ trong ý chính đó thì mình cũng phải nhớ được bằng cách vẽ sơ đồ cây và khi viết thì nhớ lại sơ đồ đó để viết.
– Khi học những môn học thuộc thì mình hay học những lúc yên tĩnh, không có ai làm phiền, lúc đó mình có thể tập trung cao độ. Tuy nhiên mình không thường xuyên học các môn học này quá lâu. Mình thường học khoảng 2h rồi mình thư giãn từ 20-30 phút. Như thế mình sẽ không bị căng thẳng và kiến thức sẽ được mình tiếp thu nhanh hơn mà không phải cố nhét nó vào đầu.
III. Đối với môn ngoại ngữ
Môn ngoại ngữ là môn mình nghĩ là rất quan trọng trong trường học, khi ra xin việc và cả khi làm việc. Bất kỳ 1 công việc nào thì mình nghĩ cũng cần phải biết ngoại ngữ. Vì thế nên mình tập trung vào học môn này nhiều nhất. Khi học môn học này thì mình rất thích thú, mình cảm thấy nó là 1 thứ ngôn ngữ dễ hơn tiếng việt rất nhiều. Để tạo hứng thú cho môn học này thì mình thường nghĩ đến cảnh 1 ngày nào đó mình sẽ được ra nước ngoài, được nói chuyện với người nước ngoài như chính tiếng mẹ đẻ của mình vậy, khi đó thì hứng thú của mình với môn học này tăng lên rất nhiều.
Để học tốt môn học này thì mình phải rèn luyện được 4 kỹ năng chính là: nghe, nói, đọc, viết. Ngoài 4 kỹ năng chính thì mình nghĩ 1 yếu tố nữa cũng quan trọng không kém phần quan trọng đó là: vốn từ vựng của mình. Nếu không có vốn từ vựng thì mình không thể rèn luyện 4 kỹ năng nói trên.
Mình thường được mọi người khuyên là: nếu muốn tăng vốn từ vựng thì đọc báo, đọc truyện bằng tiếng anh hay mỗi ngày hãy viết ra 10 từ mới để học… nhưng những cách đó không có kết quả với mình. Mình không thực sự hứng thú khi đọc báo hay đọc truyện, còn viết ra 10 từ tiếng anh thì cách này rất nhàm chán, kể cả mình có học được nhưng sẽ quên rất nhanh. Vì thế thay vì phải học 1 cách nhàm chán thì mình chọn cách nghe nhạc, nghe những bài hát tiếng anh có cả lời dịch và lời tiếng anh. Mình không chỉ nghe mà còn hát theo bài hát đó. Cách này đã giúp mình rèn luyện được kỹ năng nghe, nói rất nhiều, vốn từ vựng và ngữ pháp của mình cũng đã rất tiến bộ. Mặc dù lúc đầu phát âm của mình không chuẩn nhưng khi hát theo, chỉ cần bắt chước họ thì mình cũng đã phát âm chuẩn hơn và dần dần phát âm của mình cũng tiến bộ lên nhiều. Đó là cách học mà mình thấy hiệu quả nhất, vì mình không bị bắt buộc phải học 1 cách dập khuôn, mà đó là sở thích của mình, nó tạo cho mình hừng thú và cảm giác như không phải là mình đang học mà là mình đang thư giãn. Qua đó mình cũng thuộc được khá nhiều bài hát tiếng anh. Tuy nhiên, khi mình bắt đầu học theo phương pháp này thì mình bắt đầu với các bài hát có giai điệu chậm, dễ nghe, dễ hát và sau đó tăng dần độ khó của nó lên.
Đó là phương pháp rèn luyện kỹ năng nghe, nói, và tăng vốn từ vựng. Còn sau đây là phương pháp để rèn luyện kỹ năng viết, đọc của mình. Mình thường luyện tập kỹ năng này khi mình lên trang mạng xã hội Facebook. Trên đó, mình đã tham gia vào rất nhiều trang dành cho những người học tiếng anh. Thường ngày thì họ luôn gửi những bài viết, những câu truyện ngắn bằng tiếng anh, đăng những bài về ngữ pháp và từ vựng để cho các thành viên trong nhóm học. Ngoài ra thì mình còn kết bạn với rất nhiều người nước ngoài và nói chuyện với họ bằng tiếng anh hay nói chuyện qua ứng dụng Skype. Qua đó, kỹ năng đọc, viết, nghe của mình được cải thiện nhiều. Hơn nữa, vì các bạn người nước ngoài đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới nên không phải ai cũng nói tiếng anh giỏi. Vì vậy, khi nói chuyện với họ không phải lúc nào họ cũng đúng, mình có thể giúp họ chỉnh sửa những lỗi sai đó và họ cũng giúp mình rất nhiều khi phát hiện các lỗi sai của mình. Như vậy, mình sẽ nhớ lâu hơn và nó sẽ dần dần thành thói quen, khi nói hay viết thì mình có phản xạ nhanh hơn mà không cần suy nghĩ nhiều về ngữ pháp của mình, dần dần như thế thì mình có thể nói tiếng anh 1 cách trôi chảy.
Khi mình đã rèn luyện được các kỹ năng trên thì khi vào phòng thi mình cũng không cảm thấy run sợ hay lo lắng gì cả.
IV. Để học 1 cách tập trung nhất
Để học 1 cách có hiệu quả nhất thì mỗi lần học mình chỉ kéo dài 2h đồng hồ. Sau mỗi lần học thì mình nghỉ giảo lao từ 15-20 phút, đôi khi quá căng thẳng thì là 20-30 phút. Mình không học 1 môn kéo dài mà mình chuyển sang học môn khác. Ví dụ: 2h học kinh tế vĩ mô sau khi nghỉ 15-20 phút thì mình chuyển sang học hạch toán kế toán. Làm như thế thì mình sẽ không bị nhàm chán với môn học đó.
Mình dùng đèn học vàng vì ánh sáng trắng sẽ làm cho chúng ta nhức đầu khi học
Học tại nhiệt độ thấp hơn sẽ làm cho mình tỉnh táo hơn.
Trong khi học mình tránh xa các đồ như tivi, điện tử, điện thoại…
Mình không ăn những thứ như: thịt bò, đường, bánh ngọt… đại loại là những đồ ngọt thì không nên ăn trước khi học vì lượng đường trong nó sẽ làm cho mình dễ mất tập trung.
V. Đối với các môn thi trắc nghiệm
Khi làm bài trắc nghiệm thì mình thường áp dụng 1 số kỹ thuật để loại trừ trong đề thi trắc nghiệm như sau:
– Đọc kỹ đề
– Đưa ra câu trả lời trước khi xem xét các lựa chọn trả lời
– Đọc hết tất cả các lựa chọn
– Nếu không chắc chắn thì sử dụng phương pháp loại trừ
+ Đầu tiên là loại trừ những lựa chọn sai rõ ràng
+ Loại trừ lựa chọn sai chút ít. Đây là lựa chọn có vẻ đúng nhưng có 1 hay 2 từ làm cho nó sai đi
+ Loại trừ lựa chọn vốn dĩ đúng nhưng không liên quan đên câu hỏi
+ Loại trừ lựa chọn rất khác biệt so với lựa chọn khác. Lựa chọn này thường sai
+ Nếu có 2 lựa chọn rất giống nhau thì 1 trong 2 lựa chọn thường đúng
+ Nếu có 2 lựa chọn đối nghịch nhau thì 1 trong 2 lựa chọn thường đúng
VI. Những điều nên làm khi đi thi
Khi đi thi để tránh bị áp lực thì mình hay thực hiện những điều sau:
– Đến sớm trước khi thi để tư tưởng của mình thoải mái, và không hề vội vã hay run sợ vì bị mất thời gian thi
– Không học vào ngày thi. Nếu mình học trước khi đi thi thì lúc vào thi mình rất dễ bị nhầm lẫn giữa các phần kiến thức với nhau
– Mình luôn nghĩ theo chiều hướng tích cực rằng mình sẽ làm được. Lúc đó tâm trạng của mình sẽ rất thoải mái, không bị áp lực và lúc đó là lúc mình làm bài thi có hiệu quả nhất
– Đọc lướt qua đề
– Nhìn đồng hồ khi cần thiết và phân chia thời gian hợp lý để làm bài, nếu có thể thì nên dự phòng thời gian ít nhất là 15 phút để xem lại bài
– Trả lời dễ trước khó sau
– Không lãng phí thời gian cho 1 câu hỏi quá quen thuộc ( nhưng cũng không được chủ quan), không đi quá đà. Chỉ viết vừa đủ
Không trả lời được cũng không bỏ qua. Dù không biết đúng hay sai nhưng vẫn phải làm, không được để trống.
PHẠM THỊ KHÁNH LY
K53 ĐH KẾ TOÁN