Kỳ thị và phân biệt đối xử đang là rào cản đối với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
HIV/AIDS là mối hiểm họa đối với tính mạng con người, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Thời gian qua, nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai thực hiện, song hiện nay vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV lại đang là rào cản chính đối với các hoạt động dự phòng, chăm sóc cũng như tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của người nhiễm HIV/AIDS.
Qua các số liệu của nghiên cứu về chỉ số đánh giá mức độ kỳ thị với người nhiễm HIV ở Việt Nam do Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam thực hiện cho thấy, người nhiễm HIV đang phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử và đây không chỉ là thách thức đối với riêng người nhiễm HIV, khi dịch HIV/AIDS đang ở giai đoạn tập trung, chủ yếu lây truyền ở nhóm tiêm chích ma túy, nam tình dục đồng giới và phụ nữ mại dâm.
Do bị kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc, những người nhiễm HIV bị rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc buộc phải thay đổi công việc thường xuyên, phải thay đổi nơi ở hoặc không thuê được nhà ở, phải vật lộn để bảo đảm kế sinh nhai cho bản thân. Nghiên cứu của Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam cũng cho thấy, có khoảng 3% người nhiễm HIV và 4% trẻ em là con của người nhiễm HIV đã bị từ chối không được đi học. Ngoài ra, sự kỳ thị và phân biệt đối xử còn xảy ra ở các cơ sở phi chính quy, ở gia đình, cộng đồng, bạn bè và hàng xóm, như bị vợ, chồng bỏ rơi hoặc người thân trong gia đình ruồng rẫy, bị cộng đồng xã hội tẩy chay, mất công ăn việc làm và tài sản; bị đuổi học, bị từ chối khám sức khỏe tại các cơ sở y tế, thiếu sự chăm sóc và hỗ trợ, thậm chí bị bạo hành. Chưa kể đến việc phải đối mặt với nguy cơ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, hoặc sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử có thể dẫn tới hậu quả là số lượng người đi xét nghiệm tự nguyện ít đi, ít bộc lộ tình trạng nhiễm HIV của mình với người khác, ít thực hiện những hành vi bảo vệ và tiếp cận các dịch vụ điều trị, chăm sóc, hỗ trợ.
Với các hình thức kỳ thị phổ biến như xì xào, bàn tán, xúc phạm, nhục mạ, thậm chí bị bạo hành về thân thể. Do vậy mà người nhiễm HIV đã cố tình che giấu không tiết lộ tình trạng nhiễm HIV của mình ra ngoài phạm vi gia đình, đặc biệt có tỷ lệ đáng kể người nhiễm HIV không cho chồng, vợ hoặc bạn tình biết họ bị nhiễm HIV. Có thể thấy, sự kỳ thị đối với các hành vi liên quan đến HIV và AIDS có tác động rất lớn đến người nhiễm HIV, có thể khiến họ cảm thấy không an toàn trong xã hội, hình thành tâm lý bị cách ly, cô lập và tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi xuất hiện sự tự kỳ thị của chính bản thân người nhiễm HIV.
Tình đến 31/12/2012, vả nước có 208.886 người nhiễm HIV còn sống được báo cáo, trong đó có 59.839 người ở giai đoạn AIDS, lũy tích tử vong do HIV/AIDS là 62.184 người, chưa kể đến những người không được báo cáo hoặc không biết về tình trạng nhiễm HIV của mình, nhưng đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu định lượng nào ghi nhận và đưa vào phân tích các hình thức và mức độ khác nhau về kỳ thị và phân biệt đối xử mà người nhiễm HIV gặp phải, cũng như thay đổi trong xu hướng và theo thời gian, dù một số hành vi kỳ thị đã được đưa vào các tài liệu nói về HIV/AIDS.
Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động dự phòng, chăm sóc cũng như tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của người nhiễm HIV/AIDS. Để chống sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS hiệu quả hơn và có thể cải thiện cuộc sống của người nhiễm HIV ngày càng tốt hơn, thời gian tới cần nỗ lực hơn nữa để bảo đảm tính bảo mật của người nhiễm HIV trong quá trình từ xét nghiệm đến điều trị, đặc biệt là tại các cơ sở y tế và dịch vụ xã hội. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu nhằm đưa ra các quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền của người nhiễm HIV, cùng với đó là nỗ lực hơn nữa để bảo đảm việc tuân thủ và triển khai thực hiện các chính sách liên quan.
Mặt khác, cũng cần có cơ chế để hỗ trợ chính những người nhiễm HIV/AIDS trong việc tìm kiếm trợ giúp pháp lý để giải quyết các vi phạm về quyền của họ như khi bị buộc thôi việc, bị cản trở không được khám chữa bệnh hoặc học tập vì lý do nhiễm HIV.
Ngoài ra, việc giáo dục và huy động sự tham gia của cộng đồng và xã hội cũng rất quan trọng, vì đa số trường hợp kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV bắt nguồn từ trong cộng đồng. Trong đó, giáo dục cần bao gồm cả nâng cao nhận thức về HIV, hành vi nguy cơ để giảm bớt sự lo lắng và sợ hãi của cộng đồng, bởi đây đang là nguyên nhân dẫn tới sự kỳ thị của họ đối với HIV/AIDS. Thúc đẩy để cộng đồng và xã hội tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, với các biện pháp cụ thể nhằm giúp người nhiễm HIV xây dựng lòng tự tin, giảm kỳ thị và học về các quy định luật pháp liên quan về chống kỳ thị và phân biệt đối xử.
Lê Thị Hiệp
Sưu tầm