Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc vận dụng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La

1.Đặt vấn đề

Có thể nói kế toán quản trị là một bộ phận của hệ thống thông tin quản trị trong các tổ chức mà nhà quản trị dựa vào đó để hoạch định và kiểm soát hoạt động của tổ chức. Nó có vai trò quan trọng cho các tổ chức xây dựng các dự toán, hoạch định chính sách và kiểm soát mọi hoạt động của đơn vị. Bất kể khi quyết định lựa chọn một phương án tối ưu nào của nhà quản trị, bao giờ cũng quan tâm đến hiệu quả kinh tế của phương án mang lại, vì vậy kế toán quản trị phải tìm cách tối ưu hóa mối quan hệ giữa chi phí và lợi ích của phương án lựa chọn. Do đó hệ thống kế toán quản trị chi phí có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về chi phí trong các doanh nghiệp. Kế toán quản trị chi phí luôn luôn tồn tại trong mỗi tổ chức, tuy nhiên tác dụng cung cấp thông tin cho các đối tượng khác nhau sẽ khác nhau, tuỳ thuộc vào việc xây dựng và khai thác hệ thống kế toán chi phí đó. Các doanh nghiệp ở các nước phát triển trên thế giới đã xây dựng hệ thống kế toán quản trị chi phí hiện đại, cung cấp thông tin hữu ích cho cho các nhà quản trị nội bộ để trợ giúp họ trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch. Trợ giúp nhà quản trị trong việc điều hành và kiểm soát hoạt động của tổ chức; Thúc đẩy các nhà quản trị đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp; Đo lường hiệu quả hoạt động của các nhà quản lý và các bộ phận, đơn vị trực thuộc trong doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp xây lắp kế toán quản trị chi phí lại càng có vai trò quan trọng hơn cả. Bởi so với các ngành sản xuất khác, XDCB có những đặc điểm kinh tế kỹ thuật đặc trưng, được thể hiện rất rõ ở sản phẩm xây lắp và quá trình sáng tạo ra sản phẩm của ngành. Mặt khác, hoạt động xây lắp thường tiến hành ngoài trời nên chịu ảnh hưởng của điều kiện thiên nhiên, thời tiết. Đặc điểm này làm cho công tác quản lý, sử dụng, hạch toán tài sản, vật tư rất phức tạp, dễ bị mất mát, hư hỏng làm tăng chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, chu kì sản xuất của đơn vị xây lắp thường rất dài, nó phụ thuộc quy mô và tính chất phức tạp về kỹ thuật của từng công trình. Quá trình thi công được chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn thi công lại chia thành nhiều công việc khác nhau, các công việc chủ yếu diễn ra ngoài trời chịu tác động rất lớn của các nhân tố môi trường do vậy không thể tránh khỏi các rủi ro, làm phát sinh chi phí. Chính vì vậy thông tin về kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp các nhà quản trị kiểm soát chi phí để vừa có thể tiết kiệm được chi phí và hạ giá thành xây lắp.

Tuy nhiên với các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn thành phố Sơn La thì kế toán quản trị chi phí vẫn còn khá mới mẻ và việc đánh giá thực trạng áp dụng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp là thực sự cần thiết.  Do đó bài viết này sẽ đưa ra những phân tích và đánh giá về thực trạng áp dụng mô hình kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La.

2. Đánh giá thực trạng áp dụng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La

Trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La qua điều tra thực tế và sàng lọc tác giả nhận thấy chỉ có 33 doanh nghiệp xây lắp là hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên sau khi thực hiện khảo sát sơ bộ nhóm tác giả nhận thấy  việc tích phiếu  tại một số doanh nghiệp không đạt yêu cầu đề ra Chính vì vậy mà nhóm tác giả đã quyết định chọn ra 5 doanh nghiệp lớn đại diện cho các tiêu thức: loại hình doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp lớn, vốn chủ sở hữu lớn, có hoạt động xây lắp diễn ra thường xuyên và doanh nghiệp hoạt động liên tục để thực hiện điều tra khảo sát

Bảng 1: Các doanh nghiệp thuộc mẫu nghiên cứu

Tên doanh nghiệp Địa chỉ Vốn CSH

(triệu đồng)

Doanh thu

(triệu đồng)

Lợi nhuận

(triệu đồng)

Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hương Tổ 1, Phường Tô Hiệu, TP Sơn La 70.278 34.078 166
Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm La Tổ 4, Phường Quyết Thắng, TP Sơn La 560.974 132.746 27.007
Công ty TNHH XD kinh doanh tổng hợp Tổ 2, Phường Quyết Thắng, TP Sơn La 90.070 56.647 69
Công ty Cổ phẩn Quỳnh Ngọc Bản Bó, Phường Chiềng An, TP Sơn La 122.224 70.710 590
Công ty TNHH đầu tư XD Hoàng Chung Tổ 9, Phường Chiềng Lề, TP Sơn La 79.307 35.590 416

(Nguồn thống kê từ phiếu khảo sát)

Theo kết quả khảo sát có thể đánh giá về thực trạng áp dụng kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Sơn La như sau:

Về phân loại chi phí: 100% doanh nghiệp đều phân loại chi phí theo chức năng của chi phí gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công và chi phí sản xuất chung.

Về xây lắp định mức chi phí và lập dự toán chi phí trong các doanh nghiệp: 100% doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La thực hiện xây dựng định mức chi phí trước khi thực hiện công trình theo từng loại chi phí cho các công trình. Tuy nhiên việc lập dự toán chưa chi tiết và gắn với nhu cầu thông tin của nhà quản trị doanh nghiệp nên phần lớn các doanh nghiệp xây lắp (80%) đều chưa coi lập dự toán là một công cụ quản lý kinh tế.

Về kế toán chi phí cho các đối tượng chịu chi phí: tại các doanh nghiệp thuộc mẫu ngẫu nhiên nghiên cứu đối tượng tập hợp chi phí là công trình, hạng mục công trình, và tập hợp chi phí theo phương pháp trự tiếp và phương pháp gián tiếp (chi phí phát sinh liên quan đến 1 công trình, hạng mục công trình thì tập hợp cho công trình, hạng mục công trình ấy; các chi phí phát sinh liên quan đến nhiều công trình, hạng mục công trình thì tập hợp chi phí sau đó phân bổ theo tiêu thức chi phí nguyên vật liệu chính)

Theo nghiên cứu, hầu hết các doanh nghiệp thuộc mẫu ngẫu nhiên tỏ ra hài lòng với hệ thống quản trị chi phí của mình, với hệ thống kế toán chi phí này đảm bảo thông tin lập báo cáo tài chính cũng như cung cấp thông tin cho nhà quản trị doanh nghiệp, ngoại trừ công ty Cổ phần Quỳnh Ngọc muốn có thể xây lắp được bộ phận kế toán quản trị trong doanh nghiệp. Như vậy cũng đã có một số nhà quản trị nhận thấy tầm quan trọng của kế toán quản trị chi phí trong hệ thống kế toán của doanh nghiệp.

Với những kết quả nghiên cứu trên mẫu về hệ thống kế toán chi phí của doanh nghiệp ở trên có thể đưa ra nhận xét:

* Ưu điểm:

– Đã tiến hành phân loại chi phí theo nội dung, chức năng của chi phí. Việc phân loại sắp xếp chi phí của doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin của kế toán tài chính về xác định các khoản chi phí để xác định giá thành, xác định giá trị sản phẩm dở dang cũng như lập báo cáo

– Đã tổ chức bộ máy kế toán theo hình thức tập trung, có sự phân công rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm

– Đã tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm xây lắp theo công trình, hạng mục công trình, giúp tính giá được thực hiện đơn giản với độ chính xác cao.

* Hạn chế

– Doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn đầy đủ về vai trò, sự cần hiết của kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp do bộ máy quản trị chưa được chú trọng.

– Chưa quan tâm đến phân tách các loại chi phí khác như phân loại theo mức độ hoạt động (chi phí cố định, chi phí biến đổi) điều này gây khó khăn cho nhà quản trị khi ra quyết định

– Các doanh nghiệp trên mẫu chưa khai thác mạnh vai trò của dự toán chi phí, chưa sử dụng dự toán chi phí như một công cụ quản lý kinh tế giúp doanh nghiệp hoạch định cụ thể kế hoạch hoạt động và đánh giá trách nhiệm của quản lý các cấp của doanh nghiệp.

– Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Sơn La hiện tại đều chưa tiến hành đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chi tiết theo công trình, thị trường hay bộ phận

– Các doanh nghiệp chưa tiến hành phân tích thông tin chi phí phục vụ việc ra quyết định mà chỉ so sánh giữa giá thành thực tế và giá thành trúng thầu, việc ra quyết đinh ngắn hạn hay dài hạn chỉ chủ yếu dựa vào thông tin của kế toán tài chính mà không phải của hệ thống kế toán quản trị.

3. Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng mô hình kế toán quản trị chi phí trên địa bàn thành phố Sơn La

Thứ nhất, về tổ chức bộ máy kế toán quản trị: Tùy theo quy mô của mình mà doanh nghiệp có thể chọn mô hình kế toán quản trị cho phù hợp, mô hình nên được sử dụng nhiều nhất là hình thức kết hợp. Với hình thức này, các doanh nghiệp sẽ bố trí kế toán viên theo dõi phần hành kế toán nào thì sẽ thực hiện cả kế toán tài chính và kế toán quản trị phần hành đó,  kế toán trưởng sẽ chịu trách nhiệm chung về toàn bộ công tác kế toán trong doanh nghiệp từ việc tổ chức xây lắp bộ máy kế toán, lưu chuyển chứng từ, vận dụng tài khoản, hệ thống báo cáo… nhằm cung cấp thông tin cho nhà quản trị. Kế toán quản trị không sử dụng chế độ kế toán riêng, tách rời với kế toán tài chính mà sử dụng các tài khoản chi tiết, hệ thống sổ kế toán và báo cáo kế toán kết hợp chung trong một hệ thống thống nhất với kế toán tài chính. Bộ phận kế toán quản trị chi phí sử dụng báo cáo bộ phận để cung cấp thông tin cho nội bộ doanh nghiệp, bộ phận kế toán tài chính sử dụng hệ thống báo cáo tài chính để cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp. Thực chất, kế toán tài chính và kế toán quản trị đều nghiên cứu sự biến động của chi phí và kết quả của hoạt động vì vậy việc tổ chức mô hình kết hợp sẽ tiết kiệm được chi phí trong hạch toán kế toán, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm hiệu quả.

Về chứng từ và tài khoản kế toán: Đối với các doanh nghiệp đã xây lắp định mức chi phí khoa học và hợp lý nên thiết kế thêm những chứng từ phản ánh những biến động vượt định mức về vật tư, lao động (có thể thiết kế thêm những dấu hiệu riêng) để kế toán chú ý đến những chứng từ này, tìm hiểu nguyên nhân và nếu cần thiết thấy phù hợp nhằm sử dụng tiết kiệm vật tư, nhân công… trong quá trình thi công.

Về phân loại chi phí:Các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn Thành phố Sơn La cần vận dụng phương pháp phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí. Việc phân loại này sẽ góp phần cho các nhà quản trị doanh nghiệp hiểu đúng bản chất sự vận động của các yếu tố chi phí, từ đó góp phần kiểm soát các khoản chi theo các tính chất biến phí và định phí; Xây lắp báo cáo kết quả kinh doanh theo cách ứng xử chi phí, theo các bộ phận nhằm phân tích và đánh giá hiệu quả của từng bộ phận để đưa ra quyết định điều hành mọi hoạt động; Phân tích mối quan hệ giữa chi phí, doanh thu và lợi nhuận, từ đó đưa ra các quyết định trong kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu cho doanh nghiệp.

Về xây lắp, quản lý, sử dụng hệ thống định mức chi phí, lập dự toán chi phí :

Các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn Thành phố Sơn La cần xây lắp hệ thống định mức chi phí phù hợp với thực tế đơn vị. Cụ thể cần bổ sung một số định mức:

Định mức vật tư tiêu hao: Các doanh nghiệp cần bổ sung định mức vật tư tiêu hao trong khâu thi công và khâu vận chuyển vật tư.

Định mức chi phí nhân công trực tiếp: Trên cơ sở định mức do Nhà nước ban hành, các doanh nghiệp nên xây lắp định mức chi phí nhân công trực tiếp tương ứng với từng bậc thợ, từng loại thợ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng công trình, thời gian và địa điểm thi công.

Định mức chi phí ca máy: Các doanh nghiệp cần phải xây lắp bảng đơn giá ca máy cho từng máy thi công cụ thể. Đối với máy thi công thuê ngoài, đơn giá thuê cần điều chỉnh sát với giá thị trường.

Về việc xác định giá thành sản phẩm và phân tích thông tin chi phí thích hợp để ra quyết định kinh doanh:

– Xác định giá dự thầu:

Để xác định giá dự thầu, các doanh nghiệp cần lập bảng dự toán chi phí theo phương pháp trực tiếp. Giá dự thầu có thể được quyết định linh động trong khoảng từ biến phí (gồm cả thuế GTGT) đến giá trị dự toán sau thuế tùy thuộc vào doanh nghiệp có đang hoạt động trong điều kiện năng lực sản xuất nhàn rỗi, hoạt động trong điều kiện khó khăn, hoạt động trong điều kiện cạnh tranh đấu thầu hay không.

Vấn đề là doanh nghiệp phải xác định một chính sách giá phù hợp để từ đó có thể đảm bảo các khả năng lợi nhuận dự kiến là cao nhất, thấp nhất hoặc trung bình nhưng vẫn có khả năng trúng thầu.

– Về phân tích đánh giá hiệu quả của các bộ phận :

Trong các doanh nghiệp xây lắp khi có tổ chức các đội thi công xây lắp các công trình, hạng mục công trình. Vì vậy, các nhà quản trị cần xem xét và phân tích để đưa ra quyết định có nên tiếp tục hay thu hẹp hay chấm dứt hoạt động của đội thi công đó nhằm đảm bảo lợi nhuận và mức độ an toàn cho doanh nghiệp là cao nhất. Khi đưa ra quyết định này, nhà quản trị doanh nghiệp cần phải phân tích dựa trên cơ sở khoa học là: Lợi nhuận của các đội thi công (công trình, hạng mục công trình) tạo ra cho doanh nghiệp; Mối quan hệ giữa chi phí cố định trực tiếp và chi phí cố định chung của từng đội thi công (công trình, hạng mục công trình) đối với doanh nghiệp; Tác động của doanh thu của từng bộ phận (công trình, hạng mục công trình) với nhau ảnh hưởng tới doanh thu chung của doanh nghiệp.

Về hệ thống báo cáo quản trị:

Các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La cần quan tâm trong việc xây lắp hoàn thiện hệ thống báo cáo kế toán quản trị phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin cho quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên để có thể thực hiện được các giải pháp trên tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:

Về phía Nhà nước và các cơ quan chức năng:

– Nhà nước cần có những quy định mang tính hướng dẫn, định hướng tổ chức kế toán quản trị đối với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xây lắp nói riêng.

– Nhà nước cần có những chế tài xử phạt trong trường hợp cạnh tranh thiếu lành mạnh để các doanh nghiêp xây lắp bình đẳng tham gia đấu thầu.

– Bộ tài chính cần ban hành nội dung kế toán quản trị cho từng ngành cụ thể và thống nhất thành chuẩn mực tương tự như kế toán tài chính để những người làm kế toán hiểu một cách đầy đủ về hệ thống kế toán tại đơn vị.

Về phía các Doanh nghiệp:

– Đối với cán bộ kế toán: Cần nâng cao nhận thức và trình độ quản lý cho các nhà quản trị doanh nghiệp để nâng cao khả năng ra quyết định trong quá trình cạnh tranh và hội nhập. Đào tạo, cử nhân viên kế toán tham gia học các khóa về kế toán quản trị để đảm bảo trình độ kiến thức kế toán tài chính và kế toán quản trị, có khả năng sáng tạo, vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học vào thực tế, có sự kết hợp chặt chẽ với các bộ phận phòng ban khác.

– Về bộ máy kế toán: Cần tổ chức bộ máy kế toán quản trị phù hợp với đặc điểm và yêu cầu cung cấp thông tin quản trị của doanh nghiệp, và phải chú trọng đến tính bảo mật của thông tin kế toán quản trị.

4. Kết luận

Có thể nói trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới hiện nay, đã mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp song bên cạnh đó cũng không ít các thách thức mới. Nó đòi hỏi các doanh nghiệp xây lắp nói chung và các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn Thành phố Sơn La nói riêng, muốn tồn tại và phát triển phải có hệ thống thông tin kịp thời, chính xác, phục vụ cho việc điều hành, quản lý và ra các quyết định sản xuất kinh doanh. Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của ngành xây lắp, công tác quản lý chặt chẽ các yếu tố chi phí nhằm tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xây lắp luôn là những yêu cầu cấp thiết. các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La cần đẩy mạnh ứng dụng kế toán quản trị chi phí trong hệ thống kế toán của đơn vị để tiết kiệm và sử dụng chi phí một cách có hiệu quả, là cơ sở hạ giá thành sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Ths.Lê Thị Thanh Nhàn

Dương Thị Minh Huyền – Nguyễn Thị Phượng – K56B ĐHKT