Một số giải pháp tăng cường thực tế, thực tập cho sinh viên ngành kế toán tại đơn vị sử dụng lao động

Căn cứ vào định hướng sửa đổi chương trình đào tạo của Trường Đại học Tây Bắc đối với các ngành của khoa Kinh tế nói chung, ngành Kế toán nói riêng theo định hướng “đào tạo ứng dụng”. Vấn đề này đã nhận được sự ủng hộ rất cao của các cựu sinh viên, người sử dụng lao động trong buổi hội thảo chỉnh sửa chương trình đào tạo của Khoa Kinh tế tổ chức tháng 8/2018 vừa qua. Điều này cho thấy định hướng đào tạo theo hướng “ứng dụng” đã xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của người học và người sử dụng lao động hiện nay đối với chương trình đào tạo của nhà trường.

Đối với ngành Kế toán “giải pháp tăng cường thực tế, thực tập cho sinh viên tại đơn vị sử dụng lao động” sẽ giúp hiện thực hóa được một trong các mục tiêu sửa đổi chương trình đào tạo ngành kế toán hiện nay là “tăng cường trang bị kĩ năng nghề nghiệp từ thực tế, thực hành cho người học”, giúp người học hình thành nên kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo hiện nay. Cụ thể, một số giải pháp được đề xuất như sau:

Thứ nhất, về chương trình đạo tạo: Bộ môn Kế toán đã thực hiện chỉ đạo của Khoa và Nhà trường trong chủ chương sửa đổi chương trình đào tạo ngành kế toán áp dụng từ K59 trở đi với sự tăng cường khối lượng học phần thực tế, thực tập tại đơn vị sử dụng lao động từ 1 học phần thực tập chuyên môn cuối khóa, 5 tín chỉ trong chương trình cũ thành 5 học phần tương đương với 18 tín chỉ trong chương trình được sửa đổi hiện nay. Ngoài ra, không chỉ các học phần tại các đơn vị sử dụng lao động, mà trong tất cả các học phần chuyên ngành kế toán giảng dạy trên lớp, việc chỉnh sửa đề cương chi tiết đã tiếp tục thực hiện chỉ đạo trên thông qua việc tăng cường các kĩ năng nghề nghiệp cho người học từ thực tế vào từng học phần giảng dạy trên lớp ở mức cao nhất có thể.

Thứ hai, cần tăng cường thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động để phối hợp thực hiện được đưa sinh viên đến đơn vị thực tập. Do đó, Khoa Kinh tế và Bộ môn Kế toán cần xây dựng kế hoạch tìm và đặt mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đơn vị sử dụng lao động sẵn sàng tiếp nhận sinh viên đến đơn vị thực tập tại bộ phận phòng kế toán để sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế, thực hành nghề nghiệp tại các đơn vị này. Để thực hiện được giải pháp này, cần sự cho phép và tham gia từ phía nhà trường với tư cách ký kết hợp đồng hợp tác giữa Trường Đại học Tây Bắc (trong đó giao trực tiếp thực hiện phối hợp, hợp tác là Khoa Kinh tế) với các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc.

Giải pháp này đối với các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Quản trị du lịch và lữ hành trong khoa thì thuận lợi hơn (chẳng hạn như, trong buổi Hội thảo về chỉnh sửa chương trình đạo tạo của khoa Kinh tế vừa qua, một số đơn vị sử dụng lao động như Vietel, Mobiphone, Bảo hiểm BIC… sẵn sàng tiếp nhận sinh viên đến đơn vị thực tập trong khâu bán hàng, tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường…),  nhưng đối với ngành kế toán để thực hiện rộng rãi cho mọi sinh viên được tiếp cận thực hành, thực tế liên quan đến công việc kế toán tại các đơn vị là khó khăn hơn do yêu cầu tính bảo mật thông tin. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Ban chủ khoa Kinh tế và Bộ môn Kế toán thời gian qua bước đầu đã kết quả nhất định thông qua việc đạt được thỏa ước gửi sinh viên ngành kế toán đến thực tập, rèn nghề tại Công ty Tư vấn Giải pháp Quản lý Miền Bắc là công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính, dịch vụ kế toán và các dịch vụ phần mềm quản lý (trong đó có phần mềm kế toán) cho các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc. Với sự cam kết của Công ty sẽ hỗ trợ thêm đào tạo kĩ năng nghề nghiệp và kĩ năng làm việc cần thiết khác cho sinh viên tham gia đợt thực tập tại Công ty. Đồng thời, Công ty có thế tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường hoặc giữ lại những sinh viên làm việc tốt tuyển dụng tại Công ty. Với những hoạt động ban đầu trong thực hiện giải pháp này cho thấy mục tiêu đào tạo của ngành kế toán đề ra trong chương trình là tăng cường thực hành nghề nghiệp và tiếp cận thực tế là có thể đạt được.

Thứ ba, về phía giảng viên: Cần tăng cường tự học, tự nghiên cứu, tích cực tham gia tìm hiểu công việc kế toán thực tế để có kiến thức, kĩ năng thực tiễn đưa vào bài giảng trong từng học phần thông qua các tình huống, các bài tập mô phỏng…

Ngoài ra, các giảng viên ngành kế toán có thể tham gia làm dịch vụ kế toán và tư vấn tài chính cho các doanh nghiệp và tổ chức. Từ đó, đưa sinh viên tham gia cùng để cả giảng viên và người học được tiếp cận thực tế. Đây là cách mà giảng viên và sinh viên được tiếp cận thực tế thuận lợi hơn cả, có tác động tốt đến người học thông qua công việc kế toán thực tế. Tuy nhiên, đây là công việc dịch vụ nên sẽ mất nhiều thời gian, cần có tính trách nhiệm cao, người làm dịch vụ liên quan đến vấn đề pháp lý, nên cần sự đồng lòng nhất trí, phối hợp, tổ chức thực hiện tốt giữa tất cả các giảng viên trong ngành và Ban chủ nhiệm khoa thì mới có thể thực hiện được.

Thứ tư, về phía người học: Người học phải thực sự chủ động tiếp nhận kiến thức, kĩ năng được trang bị từ chương trình đào tạo thông qua sự hướng dẫn, giảng dạy của giảng viên trong từng học phần. Đặc biệt, đối với nghề kế toán là nghề tiếp cận thực tế là khó khăn, không thuận lợi so với các ngành kinh tế khác, do đó cần sự chủ động tiếp cận nghề nghiệp từ thực tiễn đơn vị sử dụng lao động dựa trên mối quan hệ cá nhân của người học. Vì vậy, để tăng cường thực tế, thực hành nghề nghiệp, tích lũy trang bị kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp thì mỗi người học cần chủ động liên hệ đơn vị thực tập, chủ động tìm hiểu thực tế công việc kế toán từ các đơn vị có thể tiếp cận được, hoặc tham gia làm việc bán thời gian đối với những công việc có liên quan đến nghề nghiệp kế toán…

Thứ năm, cần tăng cường tổ chức các buổi giao lưu nói chuyện giữa nhà tuyển dụng, người sử dụng lao động với sinh viên về thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và công việc, nghề nghiệp kế toán. Thông qua các buổi nói chuyện, người học sẽ thấy được yêu cầu, vị trí công việc mà người học phải đáp ứng để được tuyển dụng là gì, thực tế ngành nghề cần người học phải có kiến thức, kĩ năng gì? Làm thế nào để trở thành người làm việc thành công? Những buổi nói chuyện như vậy sẽ có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, nhận thức, thái độ của người học, có tác dụng truyền cảm hứng, yêu ngành nghề để người học có động lực phấn đấu, tự giác nỗ lực rèn luyện tích lũy kiến thức và kĩ năng trong quá trình đào tạo. Tuy nhiên, muốn thực hiện được giải pháp này thì cần thực hiện tốt được giải pháp thứ 2 là tăng cường kết nối và thiết lập được các mối quan hệ với các nhà tuyển dụng, các đơn vị sử dụng lao động để họ sẵn sàng tham gia vào hoạt động đào tạo của nhà trường thông qua việc sẵn sàng hợp tác trở thành diễn giả đối với sinh viên khi được mời giao lưu nói chuyện với người học. Thực tế, giải pháp này đã được Khoa Kinh tế từng bước thực hiện và đã có tác dụng thiết thực như mục tiêu đề ra trên đây, đó là buổi mời cựu sinh viên, nhà tuyển sụng giao lưu nói chuyện trong chương trình “Tư vấn hướng nghiệp” hoặc buổi mời trực tiếp những người có kinh nghiệm chuyên môn thực tế lâu năm nói chuyện về nghề nghiệp kế toán với sinh viên chuyên ngành mà Khoa tổ chức trong đầu tháng 10 – tháng 11/2018 vừa qua.

Trên đây là một số ý kiến đề xuất giải pháp về “tăng cường thực tế, thực tập cho sinh viên ngành kế toán tại đơn vị sử dụng lao động” nhằm hướng tới thực hiện thành công chương trình đào tạo ngành kế toán sửa đổi theo định hướng “đào tạo ứng dụng” vừa được Nhà trường phê duyệt ban hành bắt đầu áp dụng từ năm học 2018 – 2019.

TS. Vũ Thị Sen