Một số kinh nghiệm giảng dạy học phần thực hành kế toán doanh nghiệp xây lắp tại Trường Đại học Tây Bắc
MỘT SỐ KINH NGHIỆM GIẢNG DẠY HỌC PHẦN THỰC HÀNH KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP XÂY LẮP TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC
ThS. Lê Phương Hảo
Bộ môn Kế toán, Khoa Kinh tế
Tóm tắt: Bài viết nhấn mạnh sự khác biệt về mặt lý thuyết giữa hai học phần Kế toán tài chính doanh nghiệp 1 (Kế toán DN sản xuất) và Kế toán tài chính doanh nghiệp 3 (Kế toán DN xây lắp). Từ đó, giúp phân biệt được thực hành ở hai học phần Thực hành kế toán DN sản xuất và Thực hành kế toán DN xây lắp khác nhau như thế nào? Ứng dụng vào phần thực hành kế toán DN xây lắp thành thạo, hiểu sâu và kỹ hơn nội dung bài giảng và bài học đối với giảng viên và sinh viên. Đây là tài liệu giảng dạy và học tập rất hữu ích cho giảng viên và sinh viên chuyên ngành kế toán, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Bắc hiện nay.
- Đặt vấn đề
Sau hai khóa giảng dạy chính quy học phần Thực hành kế toán DN xây lắp cho K53, 54 ĐH Kế toán và tính đến thời điểm hiện tại chỉ có một mình cá nhân tôi giảng dạy các học phần: Kế toán tài chính DN 1 (học phần điều kiện tiên quyết của học phần Thực hành kế toán DN sản xuất), Kế toán tài chính DN 3 (học phần điều kiện tiên quyết của học phần Thực hành kế toán DN xây lắp), Thực hành kế toán DN sản xuất và Thực hành kế toán DN xây lắp nên tôi đưa ra một số kinh nghiệm hữu ích khi giảng dạy học phần Thực hành kế toán DN xây lắp và cũng là cẩm nang giúp các em sinh viên học tập tốt học phần này.
- Nội dung
Cần phân biệt DN xây lắp khác với DN sản xuất, đặc biệt nhấn mạnh sự khác biệt ở phần lý thuyết và thực hành như sau:
* Về lý thuyết:
– Các khoản trích theo lương (gồm BHXH, BHYT, BHTN và KPCĐ) của bộ phận công nhân trực tiếp xây lắp, nhân viên điều khiển máy thi công, nhân viên quản lý tổ, đội xây lắp hạch toán vào Nợ TK 627/Có TK 338 (do nhân công thuê ngoài, hợp đồng ngắn hạn không trích các khoản theo lương)
– Tiền ăn ca của bộ phận công nhân trực tiếp xây lắp, nhân viên điều khiển máy thi công, nhân viên quản lý tổ, đội xây lắp hạch toán vào Nợ TK 627/Có TK 334 (sau đó phân bổ chi phí cho các công trình)
– Thêm chi phí sử dụng máy thi công trong trường hợp DN sử dụng hỗn hợp vừa làm thủ công, vừa làm bằng máy. Do vậy trong phần thực hành sẽ phải kẻ thêm 1 cột chi phí sử dụng máy thi công trong bảng tính giá thành, thêm TK 623 trong danh mục TK, Bảng cân đối số phát sinh,… Nếu DN sử dụng hoàn toàn bằng máy thì không sử dụng TK 623 để hạch toán.
– TK 154 có 4 TK chi tiết đó là:
+ 1541: Xây lắp
+ 1542: Sản phẩm khác
+ 1543: Dịch vụ
+ 1544: Chi phí bảo hành xây lắp
– Phương pháp kế toán hàng tồn kho chỉ áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên do đặc điểm vật tư trong DN xây lắp không nhiều chủng loại, tần xuất nhập xuất không nhiều, quản lý chặt chẽ tài sản, tài sản có giá trị lớn…
– Chi phí sửa chữa bảo hành công trình, thường đơn vị phải dự tính 1 khoản phải trả vào bên Nợ TK 627/Có TK 352
– Để tăng trách nhiệm của DN xây lắp với chủ đầu tư thì DN xây lắp thực hiện nghĩa vụ bảo hành và nghĩa vụ của DN xây lắp kết thúc khi hết thời hạn bảo hành và thông thường đvị chủ đầu tư giữ lại 1 tỷ lệ nhất định khi thanh toán. Thông thường chủ đầu tư giữ lại từ 5-10% giá trị công trình theo thỏa thuận giữa nhà thầu và chủ đầu tư thì số tiền bảo hành được để dư Nợ TK 131 (chi tiết chủ đầu tư), còn nếu đơn vị chuyển tiền vào Ngân hàng (ký quỹ bảo hành), kế toán định khoản: Nợ TK 244/Có TK 131 (chi tiết chủ đầu tư), 111, 112.
– Đa số có các nghiệp vụ xuất thẳng vật tư vào công trình nên trong phần tính giá thành sẽ kẻ thêm 1 cột chi phí nguyên vật liệu xuất thẳng.
– Sản phẩm trong xây dựng cơ bản được tiêu thụ theo tiêu thức đặc biệt, thị trường tác động bị hạn chế là sản phẩm không bày bán trên thị trường, người mua hàng đã chỉ định sẵn, sản phẩm (công trình, hạng mục công trình,…) trong xây dựng cơ bản hầu hết không nhập kho mà bàn giao đưa vào sử dụng. Do vậy, không phải lập bảng kê Nhập – Xuất – Tồn thành phẩm trong phần thực hành.
– Thêm bộ phận giám sát thi công công trình, kế toán định khoản Nợ TK 627/Có TK 334, 338,…
– Sản phẩm trong xây dựng cơ bản thường có giá trị rất lớn, thời gian xây dựng kéo dài. Đặc điểm này quy định là trong xây dựng phải tiến hành khảo sát thiết kế lập dự toán trước cho từng công trình. Do vậy, khi xuất kho vật tư phải căn cứ vào dự toán để xác định chứng từ này sử dụng công trình nào.
– Sản phẩm trong xây dựng cơ bản thường mang tính đơn chiếc, đặc điểm này sẽ quy định về kế toán và xác định đối tượng hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành.
+ Giá xuất kho công trình theo giá thực tế đích danh
+ Phương pháp tính giá thành theo phương pháp giản đơn
+ Phương pháp đánh giá SP dở dang theo giá dự toán, tính theo kế hoạch, định mức.
– Hạch toán khoán gọn trong xây lắp có 2 trường hợp:
+ Đơn vị nhận khoán không tổ chức bộ máy kế toán riêng, việc hạch toán chỉ diễn ra ở đơn vị giao khoán và sử dụng TK 1413 (phải được mở chi tiết cho từng đơn vị nhận khoán) để theo dõi tạm ứng chi phí xây lắp giao khoán với từng đơn vị nhận khoán.
+ Đơn vị nhận khoán có tổ chức bộ máy kế toán riêng: Đơn vị giao khoán sử dụng TK 1362 – Phải thu về khối lượng xây lắp giao khoán nội bộ và Đơn vị nhận khoán sử dụng TK 3362 – Phải thu về khối lượng xây lắp nhận khoán nội bộ để hạch toán.
* Về thực hành:
– Trong Bảng tính giá thành có thêm cột chi phí nguyên vật liệu xuất thẳng, chi phí sử dụng máy thi công (chi phí sử dụng máy thi công nên phân bổ cho các công trình theo số giờ máy thực hiện thực tế, từ đó yêu cầu sinh viên lập Bảng xác nhận khối lượng giờ máy thực hiện cho các công trình sẽ phù hợp hơn khi phân bổ theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp).
– Không phải lập Bảng kê nhập – xuất – tồn thành phẩm bởi các công trình hoàn thành không nhập kho mà đưa vào nghiệm thu và bàn giao cho các chủ đầu tư.
– Phải lập Bảng thanh toán lương cho bộ phận giám sát thi công vì phát sinh bộ phận giám sát thi công công trình, hạch toán vào chi phí sản xuất chung.
– Tính giá vốn cho công trình hoàn thành bàn giao trong môn thực hành kế toán DN xây lắp theo phương pháp thực tế đích danh, vì đặc điểm sản phẩm trong DN xây lắp mang tính đơn chiếc.
– Phải hạch toán chi phí bảo hành công trình vì chủ đầu tư giữ lại 1 tỷ lệ nhất định khi thanh toán, thông thường từ 5-10% giá trị công trình.
– Lập Bảng thanh toán lương cho bộ phận lao động trực tiếp căn cứ vào Bảng chấm công.
- Kết luận
Phân biệt về mặt lý thuyết và thực hành chi tiết đến từng phần, từng nội dung của học phần Thực hành kế toán DN xây lắp. Đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp cho các đồng chí giảng dạy và giúp cho sinh viên ứng dụng vào thực hành thành thạo, hiểu đúng bản chất, giải thích tốt các câu hỏi đúng, sai trong học phần Thực hành kế toán DN xây lắp của Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Bắc./.
Tài liệu tham khảo
- Thông tư 200/2014 của Bộ Tài chính.
- Giáo trình kế toán tài chính trong doanh nghiệp, PGS.TS Đặng Thị Loan, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.