MỘT SỐ KINH NGHIỆM MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO

MỘT SỐ KINH NGHIỆM MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO

Người viết tham luận: Đặng Công Thức

Kính thưa đoàn chủ tịch

Kính thưa quý vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể giảng viên Khoa Kinh tế

Trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục, cùng với xu hướng cạnh tranh trong công tác đào tạo đại học thì công tác mở ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội trên cơ sở tận dụng lợi thế của cơ sở đào tạo đang được đặc biệt quan tâm. Trường Đại học Tây Bắc không nằm ngoài xu thế đó, trong cuối năm 2017 đầu năm 2018 công tác mở ngành đào tạo được Ban giám hiệu, phòng chức năng và các khoa chuyên môn được đẩy mạnh và có những kết quả cụ thể. Khoa kinh tế đã mở thêm được một chuyên ngành đào tạo du lịch – lữ hành, sắp tới tiếp tục làm hồ sơ mở ngành đào tạo tài chính ngân hàng và kinh tế nông nghiệp.

Bản thân cá nhân tôi, trong quá trình tìm hiểu có một số vấn đề về mở ngành đào tạo để tham luận như sau:

Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 23/10/2017. Thông tư mới này thay thế các quy định về mở ngành đào tạo trình độ ĐH tại Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo Thông tư, các cơ sở đào tạo muốn được mở ngành đào tạo trình độ đại học phải bảo đảm các điều kiện nhất định. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định cho phép mở ngành đào tạo khi cơ sở đào tạo bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 2 của Thông tư này. Việc cho phép mở ngành đào tạo trong những trường hợp đặc biệt để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc trong những lĩnh vực đào tạo đặc thù do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định.

Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo.

Tên ngành đăng ký đào tạo phải có trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định.

Trường hợp ngành đăng ký đào tạo chưa có trong Danh mục đào tạo (gọi là ngành mới) thì cơ sở đào tạo phải làm rõ: Luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới này; thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới kèm theo ít nhất 2 chương trình đào tạo tham khảo của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng hoặc cho phép thực hiện và cấp văn bằng (trừ các ngành chỉ có đào tạo ở Việt Nam hoặc các ngành liên quan đến an ninh, quốc phòng).

Đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu phải bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện đào tạo trình độ ĐH của các ngành khác đang đào tạo. Trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ (TS) cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội.

Có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ (ThS) trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó ít nhất 1 TS và 4 ThS, hoặc 2 TS và 2 ThS cùng ngành đăng ký đào tạo; trừ các ngành riêng biệt (có quy định cụ thể).

Chương trình đào tạo của ngành đăng ký phải bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp và đáp ứng yêu cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác.

Cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập theo yêu cầu của ngành đăng ký đào tạo trình độ đại học.

Sau khi xác định đủ đủ các điều kiện mở ngành trình độ đại học quy định, thủ trưởng đơn vị có nhu cầu mở ngành mới sẽ lập hồ sơ theo quy định giử cơ quan có thẩm quyền.

Hội đồng thẩm định việc mở ngành mới sẽ kiểm tra, đánh giá chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định và kết luận về chương trình đào tạo; đồng thời, căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế của cơ sở đào tạo đã được xác nhận để đánh giá và kết luận cơ sở đào tạo có đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo theo quy định hiện hành hay không./.