NGHIÊN CỨU CÁC TRƯỜNG HỢP KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG CỦA THANH NIÊN DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI SƠN LA
Tóm tắt
Bài viết đề cập đến hoạt động khởi nghiệp của ba trường hợp cựu sinh viên Trường Đại học Tây Bắc: Hợp tác xã Thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Sơn La và G.A.D. Các đơn vị, cá nhân này đều khởi nghiệp tại địa bàn tỉnh Sơn La và các thành viên hầu hết là người các dân tộc Thái, Mông. Với những hiểu biết đã được tích lũy trong thời gian học tập tại Trường và trải nghiệm thực tế, cùng với ý chí và hoài bão khởi nghiệp, các thanh niên dân tộc đã bước đầu thu được những thành công. Bài viết đánh giá, phân tích nguyên nhân thành công, những khó khăn thách thức của các mô hình khởi nghiệp này. Từ đó đề xuất một số giải pháp khuyến nghị liên kết nhà trường – doanh nghiệp – cộng đồng nhằm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công tại khu vực Tây Bắc.
Từ khoá: Khởi nghiệp; dân tộc thiểu số; Sơn La; liên kết.
- MỞ ĐẦU
Tại Việt Nam, từ năm 2003 Chương trình khởi nghiệp quốc gia do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được khởi xướng và được xem là tiên phong trong việc đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp. Qua gần 15 năm hoạt động, Chương trình đã thu hút hàng vạn lượt bạn trẻ với khoảng 3.800 dự án có giá trị thực tiễn được hình thành, có nhiều dự án đã triển khai hiệu quả trong thực tế. Năm 2016 được xác định là năm quốc gia khởi nghiệp, đây là dấu mốc quan trọng để khởi nghiệp trở thành một phong trào và chủ đề nóng hổi trong giới trẻ Việt Nam. Hàng loạt sự kiện liên quan được tổ chức, nhiều trung tâm đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp cũng như các vườn ươm doanh nghiệp được thành lập tại các tỉnh, thành phố lớn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang từng bước trưởng thành và chuyển biến từ chất lượng sản phẩm dịch vụ tới tầm nhìn. Hoạt động khởi nghiệp đã trở thành một nhu cầu xã hội, với sự hỗ trợ, hưởng ứng tích cực của Nhà nước và cộng đồng. Để đáp ứng được nhu cầu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hình thành Đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp” được thực hiện từ 2017 – 2020, với mục tiêu đến năm 2020, công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp được thực hiện tại 100 % các trường đại học, cao đẳng; 100 dự án khởi nghiệp đầu tiên của sinh viên sẽ được thẩm định, phê duyệt và hỗ trợ; 30 % ý tưởng khởi nghiệp sẽ được kết nối với các doanh nghiệp hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm. Khái toán kinh phí cho Đề án là 239,2 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, ngân sách xã hội hóa và nguốn vốn ODA.
Tại các vùng khó khăn, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, hoạt động khởi nghiệp cũng được quan tâm. Tháng 5.2017, tại Hà Nội, Uỷ ban Dân tộc phối hợp với Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Diễn đàn phát triển dân tộc với chủ đề “Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp” với sự tham dự của hơn 300 đại biểu gồm các cơ quan quản lý, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp và các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc phát triển đội ngũ các doanh nhân là người dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất và năng lực cần thiết là một trong những nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục.
Sơn La và các tỉnh Tây Bắc hiện đang là khu vực còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên khu vực này cũng có tiềm năng lớn về phát triển nông lâm nghiệp, du lịch sinh thái cộng đồng và tiềm năng này cần được khai thác hiệu quả hơn thông qua các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sự vận dụng khoa học công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học.
Trường Đại học Tây Bắc – một trường đại học đóng tại một khu vực có vị trí địa lý – chính trị quan trọng của quốc gia. Là một trường đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thực hiện các dịch vụ kinh tế – kỹ thuật để góp phần phát triển kinh tế xã hội của khu vực Tây Bắc và quốc gia. Trường hiện có 6.704 sinh viên, học viên, trong đó khoảng 80% là thanh niên dân tộc thiểu số. Các sinh viên đã và đang học tập tại Trường là nguồn nhân lực tiềm năng cho sự phát triển bền vững của khu vực. Để phát huy tiềm năng đó theo hướng hỗ trợ kết nối khởi nghiệp, chúng tôi thực hiện nghiên cứu các mô hình khởi nghiệp của các cựu sinh viên dân tộc thiểu số của Trường, xác định vai trò của trường đại học đối với hoạt động khởi nghiệp và đề xuất các giải pháp tăng cường liên kết nhà trường – doanh nghiệp – cộng đồng.
- KHUNG LÍ LUẬN
Hiện nay, có nhiều định nghĩa vể khởi nghiệp. Khởi nghiệp có thể được hiểu là khởi đầu một sự nghiệp mới. Khởi nghiệp là khởi sự một doanh nghiệp. Khởi nghiệp cũng có thể được hiểu là tự tạo việc làm và thu nhập cho những người xung quanh. Trong Đề án 844 của Chính phủ về việc hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được ban hành ngày 18/5/2016 thì khởi nghiệp cần gắn với đổi mới sáng tạo. “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” là cụm từ thể hiện đúng nghĩa của từ “start-ups” trong tiếng Anh (trong bài viết này những cụm từ về chỉ các tổ chức như: hợp tác xã (HTX), công ty, doanh nghiệp và cá nhân khởi nghiệp các tác giả có sử dụng chung một thuật ngữ là Startup)
Trên thế giới đã có nhiều quốc gia khởi nghiệp thành công như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, Singapore… có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công vượt bậc trở thành doanh nghiệp có giá trị hàng tỷ đô la sau nhiều vòng gọi vốn. Các Startup trên thế giới thường được hình thành, vận hành theo quy trình chung 3 bước là:
(1) Bước hình thành Startup – Thành lập một nhóm cộng tác để cùng phát triển ý tưởng;
(2) Bước phát triển Startup – Tổ chức huy động, kêu gọi nguồn vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng hoặc doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm;
(3) Bước kết thúc Startup – Bán doanh nghiệp khởi nghiệp cho công ty hoặc doanh nghiệp lớn hơn.
Đã có khá nhiều tài liệu, bài viết quốc tế nghiên cứu về khởi nghiệp và yếu tố thành công khi khởi nghiệp. Các tài liệu khởi nghiệp điển hình là Khởi nghiệp tinh gọn (Ries, 2015), Kinh điển về Khởi nghiệp (Aulet, 2016). Tại Việt Nam, theo Ngô Công Trường (2016) thì mô hình Startup bao gồm 7 yếu tố tạo nên sự thành công của các start-up: Giải pháp (Solution), Tiếp thị (Marketing), Vùng hoạt động (Area), Nguồn lực (Resource), Dịch vụ vân chuyển (Transportation), Sự khác biệt (Unique) và Lợi nhuận – giá cả – qui trình (Profit – Price – Process).
Theo các học giả Van Gelderen, Thurik, Bosma (2015), có 8 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến thành công của khởi nghiệp gồm:
(1) Đặc điểm cá nhân người khởi nghiệp;
(2) nguồn vốn con người (giáo dục, kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệp quản lý);
(3) Động lực;
(4) Quy trình khởi nghiệp;
(5) Môi trường tài chính;
(6) Mạng lưới đối tác;
(7) Hệ sinh thái khởi nghiệp; và
(8) Loại hình doanh nghiệp.
Trong đó, mạng lưới đối tác và hệ sinh thái khởi nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, bao gồm vấn đề liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp – cộng đồng. Các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực và ươm tạo, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp cho thế hệ trẻ. Đây được coi là những “cái nôi” nuôi dưỡng và tạo tiền đề cho các Startup đi vào thực tiễn (Isis innovation – 2014).
- PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1 Mục đích nghiên cứu, phương pháp thu thập, xử lí thông tin
Dựa vào bối cảnh thực tiễn địa phương và kế thừa kết quả nghiên cứu của các học giả Van Gelderen, Thurik, Bosma (2015), nhóm tác giả xây dựng khung nghiên cứu gồm 3 nhóm yếu tố quyết định đến thành công của hoạt động khởi nghiệp như sau:
(1) Đặc điểm cá nhân, Động lực, Nguồn vốn con người, Tài chính | ||
Khởi nghiệp thành công |
||
(2) Quy trình khởi nghiệp, Loại hình doanh nghiệp | ||
(3) Mạng lưới đối tác, Hệ sinh thái khởi nghiệp |
Hình 1. Khung nghiên cứu yếu tố quyết định thành công khởi nghiệp
Thông tin được thu thập và phân tích theo khung này. Trong quá trình nghiên cứu nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát và phỏng vấn các đối tượng được nghiên cứu tại 3 cơ sở khởi nghiệp. Nội dung phỏng vấn sâu tập trung vào tình hình sản xuất kinh doanh, những thành tựu chính, nguyên nhân thành công, những khó khăn thách thức đối với các Startups. Chúng tôi cũng khảo sát ý kiến của 10 giảng viên Trường Đại học Tây Bắc tham gia hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, với các nội dung về các kết quả thành công, điểm yếu, điểm mạnh của sinh viên trong học tập và các kiến nghị, đề xuất đối với Nhà trường về hỗ trợ khởi nghiệp thành công.
Kết quả nghiên cứu thực tiễn là cơ sở quan trọng đề xuất các giải pháp tăng cường liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp phát triển thành công và bền vững.
3.2 Mẫu nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu điển hình đối với 03 cựu sinh viên dân tộc Thái, dân tộc Mông đã tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc và hiện đang khởi nghiệp tại Sơn La, gồm 3 Startups: HTX Thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Sơn La, cựu sinh viên G.A.D.
3.2.1. Startup về thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai
Địa chỉ: Thị trấn Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
Startup về thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai có 12 thành viên là người dân tộc Thái hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng chế biến thủy sản và dịch vụ du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La. Người sáng lập startup này là L.V.P cựu sinh viên K52 lớp Cao đẳng Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tây Bắc. Ý tưởng thành lập Startup này được L.V.P cùng các bạn đồng nghiệp phát triển dựa trên tiềm năng của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La về du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản. Sau khi đập thủy điện Sơn La xây dựng xong và Nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, diện tích vùng lòng hồ ngập nước tại khu vực Sơn La là 250 km2. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương, với đa số là đồng bào dân tộc Thái. Từ 1 nhóm khởi nghiệp đến thời điểm hiện tại đã thành lập được HTX du lịch đầu tiên trên lòng hồ thủy điện Sơn La, tổ chức được hơn 170 tour du lịch lòng hồ với doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng, đưa ra thị trường sản phẩm Cá tép dầu sông Đà với số lượng 300 kg, doanh thu 60 triệu đồng, tạo ra thu nhập cho các thành viên hợp tác xã và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lái thuyền và 5 nhân công làm sản phẩm Cá tép dầu. Hiện tại Startup đã xây dựng được 76 bè nuôi cá tại vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và chuẩn bị thả cá.
Hiện nay L.V.P đã đầu tư 3 thuyền du lịch đơn giản, mỗi thuyền có thể chở tối đa 20 người. Trường hợp khách đông hơn thì liên kết với hộ dân có thuyền công suất lớn hơn. Chúng tôi dùng từ “đơn giản” vì đây là các thuyền sắt, có mái che, rèm che, phao bơi và có thể tổ chức bữa ăn cho du khách nhưng chưa có ghế ngồi cố định, nhà vệ sinh trên thuyền.
Du khách đến tham quan du lịch quanh năm, nhưng đông nhất là các dịp nghỉ lễ 30.4; 1.5; 2.9; đặc biệt là dịp có Lễ hội đua thuyền dịp Tết Nguyên Đán. Hành trình của các tour du lịch thông thường là xuất phát từ thị trấn Quỳnh Nhai mới được xây dựng sau khi khu vực thị trấn cũ ngập nước do đập Thủy điện Sơn La được hoàn thành. Du khách tới Đền Nàng Han, cách thị trấn khoảng 3 km. Đây là đền thờ mới được xây dựng, tưởng nhớ công lao của một vị nữ tướng đã chỉ huy đồng bào dân tộc tại khu vực Than Uyên (Lai Châu), Quỳnh Nhai (Sơn La) đánh đuổi giặc phương Bắc xâm lược. Rời đền Nàng Han, du khách đi qua cầu Pá Uôn nối hai bờ sông Đà, được coi là cây cầu có trụ cao nhất ở Việt Nam. Du khách đi thuyền từ bến chân cầu Pá Uôn, ngược dòng sông Đà khoảng 2 giờ tới Cột mốc đánh dấu trung tâm thị trấn Quỳnh Nhai cũ. Hai giờ trên thuyền là thời gian du khách được thưởng thức phong cảnh hùng vĩ với các ngọn núi, rừng cây, nương rẫy, các đảo nhỏ mới hình thành giữa trời mây, nắng gió, sông nước vùng lòng hồ. Cột mốc đánh dấu trung tâm thị trấn Quỳnh Nhai cũ là một kiến trúc đơn giản nhưng đẹp, du khách có thể đi lên đỉnh Cột mốc qua các bậc thang xây cuốn tròn để phóng tầm mắt ra xa, chụp ảnh kỷ niệm. Về mùa hè, khu đất nơi xây dựng Cột mốc có những thảm cỏ mọc tự nhiên xanh rì bên bờ sông Đà tạo ra một khung cảnh hấp dẫn. Du khách có thể ăn trưa tại đây hoặc lên thuyền, thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái: thịt bò khô, pa pỉng tộp (cá nhồi gia vị nướng), canh bon (canh nấu từ cây bon – một loài cây bản địa), xôi nếp, chẩm chéo (một loại đồ chấm làm từ lá mùi tàu giã nhỏ với tỏi, gừng, bột canh)…Du khách hầu hết là khách trong nước. Khi có du khách nước ngoài thì Startup phối hợp với một sinh viên Khoa Ngoại ngữ của Trường Đại học Tây Bắc để phối hợp hướng dẫn và phiên dịch. Trong thời gian tới Startup của L.V.P sẽ tập trung phát triển du lịch cộng đồng và chú trọng phát triển tour du lịch 2 ngày 1 đêm. Ngoài ra HTX sẽ đưa vào nuôi một số loại cá đặc sản để phục vụ nhu cầu của du khách, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đầu tư du thuyền để phục vụ khách tham quan với chất lượng tốt hơn, xây dựng nhà hàng nổi ngay trên bè nuôi cá đã có để phục vụ nhu cầu ăn uống cho khách tham quan.
3.1.2. Trường hợp cựu sinh viên người Mông G. A. D.
Địa chỉ: bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
- A. D. nguyên sinh viên K52 Đại học Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tây Bắc. Năm 2015, G. A. D. đã tham gia Chương trình thực tập sinh tại Israel theo thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Tây Bắc và Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp và xây dựng OLECO (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và về nước tháng 8.2016. Được tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian trải nghiệm tại Israel – một quốc gia giữa vùng đất nhiều thách thức về đất đai, khô hạn, chiến tranh nhưng đã có những thành công vượt trội trong công nghệ và nông nghiệp, G. A. D. rất ấn tượng và quyết tâm học hỏi, áp dụng những hiểu biết đã học được tại quê nhà.
Bản Rừng Thông có 78 hộ người Mông sinh sống. Nguồn nước ở đây phụ thuộc nhiều vào tự nhiên: nước mưa, nước suối. Một số hộ có nước giếng khoan nhưng về mùa khô cũng cạn nước. Nguồn nước của bản về mùa khô là một hồ nước có diện tích khoảng 7500 m2, nhưng về mùa này diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp nhiều. Tình trạng mất rừng do canh tác ngô có thể quan sát rõ ngay từ trong bản khi nhìn lên các ngọn núi. Cây rừng không còn trên những triền đất dốc, gây tình trạng lớp đất bề bị xói mòn và lớp đá đang nhô lên, khả năng giữ nước của đất đai giảm sút nhiều do mất đi thảm cây rừng. Do trồng ngô trên đất dốc lẫn đá sỏi nên không thể làm cỏ bằng các phương tiện, công cụ sử dụng trên đất bằng nên nông dân dùng thuốc hóa học để diệt cỏ.
Về mùa khô hầu như bản không trồng được rau, trừ loại cải Mèo đã thích nghi. Dân bản lấy rau từ rừng tự nhiên, kể cả hoa Ban cũng được làm rau ăn, nhưng rừng tự nhiên đã thu hẹp. G.A.D đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích đất 3000 m2 để trồng một số loại rau lấy giống từ Israel: fennel (G.A.D gọi là củ hồi), bắp cải, cà chua bi. G.A.D cho biết các giống cây này có tính chịu hạn cao, ít sâu bệnh, đỡ tốn công chăm sóc và năng suất cũng ổn. Fennel được trồng hữu cơ. Sản phẩm là rau củ quả thương phẩm hoặc cây giống. G.A.D đã bán 80 cây giống cà chua bi, 300 cây giống fennel. Rau củ quả thì bán cho khách hàng tại thành phố Sơn La, thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn, Sơn La) hoặc nếu khách hàng ở Hà Nội, Điện Biên đặt đủ số lượng thì G.A.D gửi xe khách. G.A.D có một mạng lưới khách hàng thường xuyên khoảng 17 hộ gia đình. Phương thức giao dịch online (facebook) được G.A.D sử dụng thường xuyên. Việc tiêu thụ có lúc cũng khó khăn, ví dụ vụ bắp cải vừa qua, giá rau rẻ và tiêu thụ bị đình trệ, nhưng do giống bắp cải nhập từ Israel có sức chống chịu cao nên có thê để tại ruộng và thu hoạch dần. Tổng thu các sản phẩm sau gần một năm làm việc khoảng 40 triệu, nhưng G.A.D cho biết chưa có lãi do phải chi phí đầu tư.
G.A.D làm một nhà lưới đơn giản ngay trước nhà ở có diện tích khoảng 200 m2, khung tre và có lắp các đường ống tưới nhỏ giọt để trồng cà chua bi, ươm cây giống. G.A.D cũng lắp đặt một đường ống khoảng 2 km từ hồ về bản và máy bơm để bán nước sinh hoạt cho các hộ có nhu cầu.
Khi cây trồng có sâu bệnh thì G.A.D chụp ảnh gửi qua mail cho các chuyên gia Israel tại thành phố Beersheval, nơi G.A.D đã thực tập để xin tư vấn. G.A.D cũng có một số liên hệ với giảng viên Khoa Nông – Lâm, Trường Đại học Tây Bắc. G.A.D sử dụng một số chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hoặc tự làm chế phẩm từ tỏi, ớt để phun cho cây.
Đáng chú ý là bản Rừng Thông hiện tại được đầu tư của Doanh nghiệp Đức Thảo từ thành phố Hồ Chí Minh để trồng giống bí Cô Tiên, triển khai tại 15 hộ dân với tổng diện tích khoảng 16 ha, bắt đầu trồng từ tháng 4.2017. Viện Nghiên cứu Rau Quả tư vấn kỹ thuật. Doanh nghiệp đầu tư giống, đối với hộ khó khăn thì đầu tư cả phân bón. Doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, thu mua sản phẩm vơi giá thấp nhất là 3.000 đồng/1kg quả bí. Hợp tác giữa Doanh nghiệp Đức Thảo với các hộ dân bản Rừng Thông được ông Bí thư Chi bộ Đảng của bản kết nối thông qua HTX Chiềng Sung (huyện Mai Sơn, Sơn La).
Về việc canh tác ngô trên đất dốc là hoạt động sản xuất không bền vững, gây tác hại môi trường, G.A.D có ý tưởng thay thế cây ngô bằng trồng cỏ chăn nuôi hoặc trồng chuối. Theo chúng tôi, việc trồng cỏ trên các triền đất dốc là tương đối khả thi và bền vững, vì nếu với một số giống cỏ đã thích nghi có thể sinh trưởng tốt trên đất bạc màu, thoái hóa, hạn chế rửa trôi đất và cung cấp một lượng thức ăn chăn nuôi đáng kể cho trâu, bò, dê. Từ bản Rừng Thông ra thị trấn Hát Lót trên Quốc lộ 6 khoảng 15 km, không quá xa để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Vấn đề sử dụng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng với liều lượng quá mức đang gây nhiều tác hại cho sức khỏe cộng đồng, nhưng nhiều người do nhận thức hoặc vì lợi nhuận mà bất chấp giá trị đạo đức vẫn sử dụng bừa bãi. Khi được hỏi về đạo đức nghề nghiệp, G.A.D chia sẻ: ở Israel, luật pháp rất nghiêm minh, mọi người đều phải tuân thủ nên không có lỗ hổng cho những người làm không tốt. Trong tương lai Startup sẽ tiếp tục liên kết với hộ dân trong bản để tích tụ đất từ các xã viên, mở rộng quy mô sản xuất. Nếu được vay vốn, G.A.D sẽ xây dựng nhà kho, hoàn thiện và mở rộng hệ thống tưới nhỏ giọt, xây bể chứa nước.
3.1.3. Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Sơn La
Địa chỉ: xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
Người sáng lập Startup là V.V.B, dân tộc Thái, nguyên sinh viên lớp Nông học K47, Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Tây Bắc. Khởi nghiệp với một diện tích đất khoảng 2000 m2 thuê tại xã Chiềng Ban và hoài bão của ba sinh viên tốt nghiệp Khoa Nông – Lâm, hiện tại là Công ty đứng đầu về nuôi trồng nấm ăn của tỉnh Sơn La với 3 xưởng sản xuất, chủ động tự phân lập và sản xuất giống nấm sò (Oyster mushroom, còn gọi là nấm bào ngư) và mộc nhĩ (nấm mèo); cung cấp sản phẩm cho tỉnh Sơn La (12 huyện/Thành phố), các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội. Cơ chất chủ yếu để nuôi trồng nấm ăn của Công ty là lõi ngô (cùi ngô) được nghiền nhỏ và xử lý theo quy trình kỹ thuật phù hợp. Lõi ngô là loại phế thải khá phổ biến ở Sơn La do việc trồng ngô ở đây phát triển mạnh khoảng 20 năm gần đây. Lõi ngô chủ yếu được tận dụng đốt để sấy nông sản.
Mỗi một xưởng nuôi trồng nấm ăn đều có lò hấp khử trùng vật liệu, buồng cấy giống nấm, khu vực ươm để sợi nấm phát triển và khu chăm sóc thu sinh khối. Đa số các vật liệu để xây dựng nhà xưởng dễ kiếm tại địa phương, giá thành chi phí không đắt.
Startup này đã giải quyết việc làm cho 47 người lao động có bằng thạc sỹ, cử nhân, cao đẳng và lao động phổ thông với mức lương từ 3.500.000 đến 7.000.000 đồng. Startup có 1 hợp tác xã trực thuộc sản xuất kinh doanh rau củ an toàn gồm: 2 nông trại sản xuất diện tích gần 4 ha; Hệ thống cửa hàng gồm: 2 ở thành phố, 1 ở huyện Mường La, 1 ở huyện Quỳnh Nhai. Công ty liên kết với một số nhà hàng ăn tại thành phố Sơn La để tiêu thụ sản phẩm và cũng sử dụng phương thức bán hàng online. Trong thời gian tới, Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp sẽ nuôi trồng loại nấm có giá trị kinh tế cao như linh chi, đồng thời hoàn thiện qui trình sản xuất và nâng cấp cơ sở hạ tầng và các nhà xưởng nuôi trồng và chế biến, nghiên cứu. Áp dụng công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ nấm, kết nối vào chuỗi sản xuất rau củ quả an toàn của tỉnh Sơn La.
4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÌNH LUẬN
4.2.1 Đặc điểm cá nhân người khởi nghiệp, động lực, nguồn vốn con người (giáo dục, kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệp quản lý) và tài chính
Về cơ bản cả 3 startup đều có một đặc điểm chung đó là những người sáng lập đều là những người có ý chí vươn lên, cố gắng và hoài bão, tinh thần vượt qua thách thức khó khăn để khẳng định năng lực bản thân của các thanh niên khởi nghiệp. Theo V.V.B, nguyên nhân của thành công là: “Phát hiện được những nguyên nhân khó khăn mình gặp phải rồi giải quyết triệt để; biết lắng nghe, nhìn nhận và đặc biệt phải đoàn có kết nội bộ cao”.
G.A.D luôn mong muốn giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trong bản Rừng Thông cải thiện cuộc sống với những hiểu biết mà cựu sinh viên này đã tích lũy được trong quá trình học tập tại Nhà trường và tu nghiệp tại Israel. Sự tâm huyết của G.A.D thể hiện qua những công việc cụ thể tại nông trại, qua cách trả lời khi chúng tôi đến khảo sát và khi được các phóng viên báo, đài phỏng vấn.
V.V.B luôn nuôi dưỡng ý chí khởi nghiệp, khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương ngay khi được học về những kiến thức về nông nghiệp và kinh doanh trong trường Đại học.
Về ý tưởng khởi nghiệp: các thanh niên khởi nghiệp biết lựa chọn hướng đi và các sản phẩm phù hợp với điều kiện, thế mạnh của địa phương và nhu cầu thị trường. Thực phẩm an toàn: rau, nấm ăn, cá…mà các đơn vị khởi nghiệp cung cấp hiện tại đang tiêu thụ tốt trên thị trường Sơn La và các tỉnh khác, phù hợp với quan tâm của người tiêu dùng. Thời gian gần đây, nhu cầu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tăng cao tại Sơn La và khu vực Tây Bắc. Startup về du lịch sinh thái Quỳnh Nhai đã khai thác được lợi thế mặt nước vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La và các tài nguyên du lịch: cầu Pá Uôn, đến thờ Nàng Han, Cột mốc đánh dấu trung tâm thị trấn Quỳnh Nhai cũ, cảnh quanh tự nhiên xung quanh vùng lòng hồ, văn hóa ẩm thực, lễ hội đua thuyền để hình thành các tour du lịch là một lựa chọn hợp lý để thực hiện ý tưởng kinh doanh.
Điểm sáng tạo của cựu sinh viên G.A.D là đã vận dụng linh hoạt các kỹ thuật học hỏi được từ nền nông nghiệp công nghệ cao của Israel vào điều kiện thực tiễn của một bản đồng bào Mông còn nghèo và lạc hậu, đất đai bị thoái hóa và thiếu nước vào mùa mưa. Việc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, xây dựng nhà lưới với các vật liệu dễ kiếm tại địa phương, trồng thử nghiệm các giống cây nhập từ Israel có chất lượng cao, chịu hạn tốt đã tạo ra những thành công ban đầu. Ý tưởng của G.A.D về trồng cỏ chăn nuôi trên các sườn núi đã bị xói mòn bởi canh tác ngô cũng là một sự vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tiễn địa phương.
Việc sử dụng lõi ngô là phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại Sơn La để làm vật liệu nuôi trồng nấm ăn là một sáng tạo của V.V.B và đồng nghiệp: vừa tạo ra nguồn thực phẩm an toàn có giá trị dinh dưỡng cao, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường. Ý tưởng này được xuất phát từ các nghiên cứu, dự án của trường đại học mà V.V.B trong quá trình học đại học được tiếp xúc và tham gia.
Về tài chính: cả 3 trường hợp khởi nghiệp đều sử dụng vốn tự có, tính đến thời điểm hiện tại chưa tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi nào. G.A.D bắt đầu từ 80 triệu đồng tiền vốn tích lũy được từ những năm tháng tu nghiệp tại Isarel. L.V.P khởi đầu từ hai bàn tay trắng với số vốn 0 đồng, sau khi có khách du lịch nhờ quảng bá dịch vụ du lịch trên Facebook L.V.P thuê thuyền của người dân để trở khách du lịch sinh thái lòng hồ, dần dần tích lũy tài chính, đến nay đã thu hút được 03 chủ thuyền góp thuyền vào hợp tác xã và 40 lồng cá với tổng giá trị tài sản khoảng 600 triệu đồng. V.V.B huy động nguồn vốn góp từ các thành viên sáng lập để thuê đất và xây dựng 01 lò sấy và 01 xưởng chế biến đầu tiên, đến nay hệ thống 3 nhà xưởng, các lò hấp và tài sản có giá trị khoảng 2 tỷ đồng. Thực tiễn cả 3 trường hợp đều cho rằng khó vay vốn ngân hàng thương mại bởi lãi suất khá cao và yêu cầu cần tài sản thế chấp, vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách cũng khó tiếp cận do tuổi đời còn trẻ chưa có uy tín như những người ở trong các tổ chức đoàn thể như hội cựu chiến binh, hội phụ nữ. Vì vấn đề tài chính như vậy nên cả 3 startup đều cho rằng rất khó để mở rộng quy mô và tăng trưởng nhanh chóng.
4.2.2 Quy trình khởi nghiệp, loại hình doanh nghiệp
* Quy trình khởi nghiệp
Các doanh nhân này đã thực hiện khá tốt qui trình khởi nghiệp tinh gọn gồm: xây dựng (biến ý tưởng thành sản phẩm) – đo lường (lắng nghe ý kiến khách hàng) – học hỏi (điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu). Quy trình khởi nghiệp đó được hình thành qua các giai đoạn mà các nhóm cựa sinh viên đã từng được tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Trường Đại học Tây Bắc tổ chức. Thời gian rèn luyện trưởng thành gồm 3 giai đoạn được giới thiệu trong mục 4.2.3.
* Loại hình doanh nghiệp
L.V.P đã thành lập HTX và G.A.D cũng sẽ chọn loại hình HTX để phù hợp với mục đích và lĩnh vực kinh doanh. G.A.D cho rằng cần phải tích tụ đất đai rộng và liền thửa của các xã viên để hướng đến cơ giới hóa và sử dụng máy móc công nghệ tiến hành sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả theo qui mô. L.V.P cho rằng loại hình HTX sẽ nhận được nhiều ưu đãi do chính sách phát triển thủy sản và du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La của tỉnh, mặt khác các xã viên có thể đóng góp thuyền hiện có để chuyên trở du khách. Còn V.V.B chọn loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần bởi lẽ muốn gắn quyền lợi và trách nhiệm của từng thành viên, đồng thời công ty có thể huy động được vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng, thêm nữa V.V.B cho rằng loại hình công ty cổ phần sẽ dễ dàng hợp tác trong việc xây dựng thương hiệu và tạo niềm tin cho khách hàng.
4.2.3 Mạng lưới đối tác và hệ sinh thái khởi nghiệp
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của cộng đồng
Đảng và Nhà nước đã có các chủ trương, chính sách và hành động thiết thực từ Trung ương đến nhiều địa phương. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Chính phủ ban hành năm 2016 đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Trong cuộc hội kiến với Tổng thống Israel Reuven R.Rivlin đến thăm Việt Nam từ 19.3 đến 25.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết “Chúng tôi muốn học hỏi mô hình quốc gia khởi nghiệp của Israel”. Trong nhiều tổ chức, chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành, phải kể đến Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ Mekong – Việt Nam – Đông Nam Á (SIMVA), Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan), Dự án đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (IPP), Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP). Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số – chính sách, thực tiễn và các mô hình hợp tác” tại Hà Nội tháng 4.2017, Diễn đàn “Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp” tháng 5.2017 để thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đối tác công – tư quốc tế, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các nhà khoa học nhằm hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp dân tộc thiểu số phát huy nội lực, tiếp cận được với các chính sách và nguồn lực xã hội, nâng cao năng lực khởi nghiệp, phát triển sinh kế bền vững.
Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Trường Đại học Tây Bắc dành được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Sơn La, lãnh đạo Nhà trường và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan. Đoàn Thanh niên Trường là tổ chức nòng cốt được Nhà trường giao cho đóng vai trò chính trong các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Góp phần tạo nên vòng lặp thông tin phản hồi tích cực, bắt đầu từ việc tuyên truyền những hình mẫu thành công trong cộng đồng, tạo khát khao học tập về khởi nghiệp cho sinh viên, hình thành các nhóm khởi nghiệp hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, nhà trường luôn hỗ trợ các nhóm khởi nghiệm, kết quả là tạo ra các tấm gương thành công trở thành những tấm gương để tuyên truyền.
Các thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp cho biết sự thành công ban đầu của họ, trước hết là được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh Sơn La và chính quyền, nhân dân địa phương và gia đình. Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp (trong đó bao gồm cả nuôi thủy sản) và du lịch, coi đây là các hướng đi chính để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tỉnh Sơn La cũng có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển các sản phẩm nông nghiệp và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Vai trò của trường đại học
Thời gian qua, Trường Đại học Tây Bắc đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới đào tạo và nghiên cứu khoa học. Với phương châm “Vững lý thuyết, giỏi thực hành, nhanh vào thực tiễn”, Trường góp phần bồi đắp các hiểu biết, kỹ năng và ươm tạo những ý tưởng khởi nghiệp cho các thế hệ sinh viên. Trường đã thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật, với các nguồn ngân sách trong nước và quốc tế.
Để hỗ trợ các sinh viên và thanh niên khởi nghiệp trường đã tổ chức các cuộc thi và có các hoạt động tư vấn cho từng giai đoạn. Ví dụ đây các hoạt động để phát triển phong trào khởi nghiệp trong thời gian vừa qua:
Giai đoạn 1: Đăng ký ý tưởng kinh doanh. Các nhóm dự thi viết ngắn gọn về tên ý tưởng, tính độc đáo sáng tạo và tính khả thi của ý tưởng. Kết quả giai đoạn 1 đã thu hút được 103 ý tưởng của 103 nhóm sinh viên. Khoa có số lượng tham gia nhiều nhất là Nông Lâm với 32 ý tưởng, Kinh tế: 15 ý tưởng, Sinh Hoá: 15, Ngữ văn: 22 ý tưởng, Thể dục Thể thao: 1, Tiểu học Mầm non: 1, Lý luận Chính trị: 7, Sử Địa: 7, Toán Lý Tin: 2.
Số lượng và cơ cấu lĩnh vực khởi nghiệp do các nhóm sinh viên đề xuất cho thấy ý tưởng lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất (42,7%), sau đó đến nông lâm nghiệp (21,4%), du lịch (13,6%). Ngoài ra ý còn có một số lĩnh vực khác: Chăn nuôi: 10,7%; Tiểu thủ công nghiệp: 9,7% và công nghệ thông tin thấp nhất: 1,9%.
Giai đoạn 2: Hướng dẫn viết dự án kinh doanh và tư vấn hoàn thiện kế hoạch kinh doanh. 10 nhóm có ý tưởng thuyết phục nhất được lựa chọn và hướng dẫn viết dự án. Câu lạc bộ tổ chức nhóm tư vấn gồm các giảng viên giúp các nhóm hoàn thiện kế hoạch biến ý tưởng thành hiện thực. Sau khi 10 nhóm nộp bài dự thi, Câu lạc bộ sẽ tổ chức để 10 nhóm báo cáo kế hoạch và chọn ra 6 nhóm vào vòng chung kết cấp Trường. Cả 10 dự án được chọn sẽ tiếp tục hoàn thiện, có thể được triển khai thử nghiệm trong thực tế từ tháng 6 – tháng 9, tháng 10 sẽ gửi dự thi vòng chung kết quốc gia do VCCI tổ chức.
Giai đoạn 3: Tiếp tục cố vấn, góp ý cho 6 nhóm hoàn thiện dự án kinh doanh và chuẩn bị bài thuyết trình trong vòng chung kết cấp Trường, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6.2017. Tại vòng chung kết, Câu lạc bộ sẽ mời Ban Giám khảo là đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Sơn La, Tỉnh Đoàn Sơn La và đại diện Lãnh đạo Nhà trường.
Nhằm hỗ trợ quy trình khởi nghiệp, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Tây Bắc cũng đã tổ chức “Seminar Khởi nghiệp và Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học”. Có sáu báo cáo được trình bày tại Seminar này, liên quan đến những ý tưởng khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học của các Liên chi đoàn các khoa: Nông Lâm, Sinh Hóa, Toán – Lý – Tin, Kinh tế; báo cáo về khởi nghiệp và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; Viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh và Chương trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Đáng chú ý là của mô hình Công ty Thực hành khởi nghiệp do Khoa Kinh tế thành lập dựa trên những kết quả thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường. Mô hình Công ty tiến hành kinh doanh thực phẩm an toàn, sau một thời gian hoạt động đã xác định được những khó khăn về nguồn cung cấp, khách hàng, đối thủ cạnh tranh và vị trí (mặt bằng) của mô hình Công ty; từ đó đề xuất các giải pháp về phát triển thị trường, định hướng chiến lược và lựa chọn địa điểm kinh doanh. Các sinh viên tham gia mô hình Công ty này đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm thiết thực.
Ý tưởng nuôi trồng nấm ăn trên phế thải cây ngô được nhóm nghiên cứu gồm các giảng viên, sinh viên Khoa Nông Lâm của Trường thực hiện từ hơn 10 năm trước, và năm 2006 đã giành được Giải thưởng, tài trợ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thông qua cuộc thi Ngày Sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Day 2006). Hướng nghiên cứu, ứng dụng nuôi trồng nấm ăn trên phế thải cây ngô tại Trường Đại học Tây Bắc được duy trì từ đó đến nay với các dự án tài trợ của Quỹ Xã hội dân sự (Ngân hàng Thế giới), Ngân hàng SHB, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Dự án hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trường Đại học Tây Bắc, các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường. V.V.B và các sinh viên Khoa Nông Lâm được tìm hiểu, tham gia các đề tài, dự án liên quan và ý tưởng khởi nghiệp với Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Sơn La cũng xuất phát từ đó. L.V.P cùng nhóm khởi nghiệp cũng được tham gia khảo sát và thực hiện đề nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch bền vững lòng hồ thủy điện Sơn La”, qua đó thu nhận được nhiều kiến thức quản lý và hoàn hiện mô hình kinh doanh hiện tại. Khoa Kinh tế với chương trình đào tạo cũng chú trọng gắn kết với thực tiễn địa phương và hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Một trong những thành công của các Startups, theo G.A.D:
“Nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ các thầy cô Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Bắc. Bản thân cá nhân tôi luôn tìm tòi học hỏi vận dụng những kiến thức học được cùng kinh nghiệm thực tiễn từ Israel, nhận được những hỗ trợ giải đáp kỹ thuật từ các thầy cô bên Israel”.
Trường Đại học Tây Bắc hiện đã có những hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ kỹ thuật với một một số doanh nghiệp như Công ty OLECO, Greenfeed Việt Nam, Greenfarm (Mộc Châu, Sơn La)… Những hợp tác này hỗ trợ tích cực cho các sinh viên thực hành, thực tập, nhận học bổng của doanh nghiệp, cơ hội việc làm.
Sự quan tâm, tư vấn, kết nối của Nhà trường với các sinh viên sau khi tốt nghiệp, tham gia thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sơn La cũng là yếu tố góp phần thành công.
Các đối tác quan trọng
Trường Đại học Tây Bắc cũng đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc khảo sát nhu cầu khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số tại một số địa phương của tỉnh Sơn La và tại Diễn đàn “Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp” vừa qua, Trường đã ký Thỏa thuận hợp tác với Tổ Công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về nghiên cứu kết nối hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp. Các cựu sinh viên G.A.D, L.V P. cùng các thanh niên dân tộc thiểu số đã tham gia Diễn đàn này, trưng bày sản phẩm, trình bày ý kiến và đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người tham gia Diễn đàn.
Nhà trường đã phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La tổ chức thành công “Diễn đàn khởi nghiệp Tây Bắc” ngày 29.10.2016 dành cho hơn 1.000 sinh viên và thanh niên Sơn La và Điện Biên. Lãnh đạo VCCI, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cũng tham dự Diễn đàn này và đã tham gia phát động cuộc thi khởi nghiệp do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp – VCCI tổ chức. Sau đó Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp với 200 thành viên được Đoàn Trường thành lập, đã trực tiếp triển khai rộng rãi Cuộc thi đến từng thành viên và từng liên chi đoàn trực thuộc đoàn trường.
Những khó khăn và thách thức
Theo L.V.P, startup về thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai chưa kết nối được với các doanh nghiệp lữ hành trong nước, các doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế; Kinh nghiệm quản lý còn yếu. Sản phẩm chưa tiêu thụ được ở các thị trường tiềm năng. Tính chuyên nghiệp của các hướng dẫn viên du lịch cần được hoàn thiện hơn. Các hướng dẫn viên du lịch cũng cần học tiếng Anh để có thể giao tiếp với du khách nước ngoài.
G.A.D gặp những khó khăn về liên kết với các đối tác tiêu thụ sản phẩm, giá cả thị trường không ổn định, thiếu nguồn giống chất lượng và giá thể ươm phù hợp, chưa tiếp cận được các gói vay ưu đãi cho khởi nghiệp nông nghiệp, thiếu vốn để phát triển quy mô và áp dụng phương tiện, công nghệ hiện đại, thiếu nhân lực.
Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Sơn La V.V.B cho biết: “Khó khăn sẽ được giải quyết tốt hơn khi các kiến nghị được Nhà nước và các đối tác liên quan như Trường Đại học Tây Bắc, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… có hỗ trợ cụ thể”. Đây là vấn đề về hợp tác giữa các bên liên quan.
Bên cạnh các khó khăn về nguồn vốn, nhân lực, thị trường, đối tác… như các tổ chức khởi nghiệp đề cập, chúng tôi cho rằng sự cạnh tranh trên thị trường cũng là một khó khăn đối với các đơn vị thuộc loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ Công ty Cơ khí Sơn La COXAMA cũng triển khai hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái vùng lòng hồ thủy điện tại Quỳnh Nhai với đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng bến bãi, tàu thuyền, trồng cây trên các đảo nổi.
4.3. Đề xuất các giải pháp đối với trường đại học và các cơ sở đào tạo khác tại khu vực Tây Bắc trong các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp
Xác định nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực theo hướng giúp cho người học có thể lập nghiệp, khởi nghiệp; từ đó các nhà trường có thể đổi mới chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo định hướng sát với thực tiễn. Đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Từ các kết quả đề tài nghiên cứu khoa học của trường, lựa chọn chủ đề phù hợp viết dự án khởi nghiệp để thương mại hoá kết quả nghiên cứu. Tại khu vực Tây Bắc, cần chú trọng đến các nghiên cứu tạo lập sinh kế bền vững thông qua việc phát triển các sản phẩm địa phương: các giống vật nuôi, cây trồng bản địa, cây dược liệu, mật ong, đồ thủ công; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thử nghiệm các giống mới; nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tại Sơn La đã có Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, có vùng lòng hồ thủy điện Sồng Đà và nhiều tài nguyên du lịch giàu tiềm năng khác, bao gồm cả tài nguyên tự nhiên và văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các tài nguyên này quý giá cần được các startups phát huy, khai thác một cách hợp lý để gặt hái thành công hơn nữa.
Nhà trường cần xác lập được mối quan hệ hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể chia sẻ, tư vấn cho nhà trường về nhu cầu tuyển dụng lao động, các yêu cầu về phẩm chất và năng lực, lĩnh vực chuyên môn của nhân lực họ muốn tuyển dụng. Nhà trường có thể đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp, mời các doanh nhân đến giảng bài, seminar; nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Nhà trường có thể tổ chức các sự kiện gặp gỡ doanh nhân, giao lưu, chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm khởi nghiệp, các trò chơi mô phỏng kinh doanh, học hỏi các mô hình khởi nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và công nghệ thông tin. Kết nối với các quỹ đầu tư, vườm ươm khởi nghiệp. Hướng đến thành lập Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ khởi nghiệp hoặc vườn ươm khởi nghiệp có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tư cách pháp lý để thuận lợi trong việc kết nối với các đơn vị, tổ chức thực hiện các hoạt động khởi nghiệp, đồng thời hoàn thiện quy trình hỗ trợ khởi nghiệp cho đối tượng là sinh viên trong trường nói riêng và thanh niên các tỉnh Tây Bắc nói chung. Tiếp tục quan tâm đồng hành với các doanh nghiệp khởi nghiệp, cố vấn, đào tạo về các chiến lược trong sản xuất, qui trình kỹ thuật, quản lý và marketing.
Nhà trường cũng rất cần chú trọng giáo dục cho người học về đạo đức nghề nghiệp. Điều này là nền tảng cho sự phát triển bền vững của các startups.
Các cơ sở giáo dục ở miền núi cần chú trọng thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp của Nhà nước và các tổ chức khác, đặc biệt là các chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc.
- KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Qua nghiên cứu một số trường hợp khởi nghiệp tại tỉnh Sơn La cho thấy, yếu tố thành công mang tính khách quan gồm: chính sách phát triển của Nhà nước, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức khởi nghiệp, sự ươm mầm khởi nghiệp của nhà trường, sự ủng hộ của cộng đồng địa phương; yếu tố thành công mang tính chất chủ quan thuộc về những người chủ khởi nghiệp gồm: hoài bão, đam mê, ý chí, nghị lực và ý tưởng khởi nghiệp. Để hoạt động khởi nghiệp được lan tỏa mạnh mẽ và hiệu quả, bền vững, chúng tôi có một số khuyến nghị sau.
5.1. Đối với Nhà nước và chính quyền địa phương
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ trung ương đến địa phương, thúc đẩy phát triển các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vay vốn thông qua chương trình ưu đãi của Ngân hàng chính sách, các quỹ đầu tư. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kết nối các startups với các đối tác, gián tiếp quảng bá sản phẩm khởi nghiệp tới các khách hàng, đồng thời tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định và có khả năng tiêu thụ sản lượng lớn.
5.2. Về phía doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp
Phối hợp tổ chức kết nối startups với các doanh nghiệp đối tác, hỗ trợ liên kết để đưa ra sản phẩm mới và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tổ chức giao lưu học hỏi, tham quan các mô hình tiêu biểu trong và ngoài tỉnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ quảng bá sản phẩm khởi nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổng hợp những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp khởi nghiệp để tham mưu, tư vấn cho Nhà nước xây dựng, bổ sung, sửa đổi những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.
Tăng cường hợp tác với nhà trường trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tuyển dụng, hỗ trợ học bổng cho sinh viên.
5.3. Về phía cộng đồng
Nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận ủng hộ của cộng đồng địa phương thông qua đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương những tấm gương khởi nghiệp thành công, mở các lớp tập huấn chuyên đề về quy trình quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Phân chia lợi ích, qui định trách nhiệm rõ ràng của từng thành viên của tổ chức khởi nghiệp. Từ đó, giúp cho các thành viên đơn vị khởi nghiệp đồng lòng thực hiện mục tiêu đã đề ra. Hợp tác với doanh nghiệp, nhà trường thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp diễn ra tại địa phương. Có ý kiến phản hồi với Nhà nước về khó khăn vướng mắc trong hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là những điều kiện đặc trưng khác biệt về văn hóa và các điểm đặc thù của địa phương và vùng miền./.
Tài liệu tham khảo
Ries, E. (2015). Khởi nghiệp tinh gọn. Nhà xuất bản Thời Đại.
Aulet, B. (2016). Kinh điển về khởi nghiệp. Nhà xuất bản Lao động.
Isis innovation (2014). How to set up a successful university startup incubator.
Universities Australia (2017). Startup smarts: universities and the startup economy.
Van Gelderen,M., Thurik,R., Bosma, N. (2005). Success and Rish Factors in the pre-startup Phase. Small Business Economics, 24: 365–380.
Ngô Công Trường.(2016). Mô hình khởi nghiệp thông minh. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trường Đại học Tây Bắc.(2017). Kỷ yếu hội thảo “Khởi nghiệp và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học”.