NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ DU LỊCH SINH THÁI Ở SƠN LA
Tóm tắt
Vùng Tây Bắc có vị trí quan trọng trong cả nước, được biết đến với sự nổi danh về lịch sử, tự nhiên và văn hoá dân gian đặc sắc. Tây Bắc có “Sáng ngàn năm lịch sử Điện Biên”, “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát“, có vẻ đẹp tự nhiên “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”, những dãy núi cao tạo nên cảnh quan hùng vĩ như dãy núi Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan, Sa Pa – thành phố trong sương, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Cao Nguyên Mộc Châu xanh mát… làm cho con người ai đã đến là mến, đã đi là nhớ “Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”. Tây Bắc với 33 dân tộc anh em đã tạo nên một vùng đậm đặc văn hoá của những dân tộc, nổi bật như dân tộc Thái, H’Mông… Đây là những tài nguyên vô giá để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, văn hoá và giảm nghèo. Giữ gìn lịch sử, văn hoá, tự nhiên cho Tây Bắc là giữ sự trong lành cho vùng hạ lưu sông Đà, thủ đô Hà Nội và vùng châu thổ Sông Hồng.
Sơn La hội tụ đầy đủ về các mặt lịch sử, tự nhiên và văn hoá của vùng Tây Bắc. Sơn La được ví như cái tâm quạt nối với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình để hình thành một vòng cung trong hành trình du lịch qua miền Tây Bắc, không những thế mà còn có vị trí thuận lợi kết nối du lịch với 8 tỉnh bắc Lào, vừa là điểm đến vừa là điểm dừng chân trong vùng du lịch. Đến với Sơn La không chỉ đến nhà tù Sơn La nổi tiếng thời Pháp thuộc, với những điệu múa xoè, với thuỷ điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, cầu Pá Uôn cao nhất Việt Nam, cao nguyên Mộc Châu, mà còn đến với những cảnh quan tự nhiên hấp dẫn như khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, hệ thống hang động kỳ thú, thác nước hùng vĩ, các hồ thuỷ điện và thung lũng mầu mỡ, các mỏ nước khoáng nóng… Đây là những nguồn tài nguyên du lịch sinh thái có giá trị đặc biệt quan trọng của tỉnh Sơn La.
Qua nghiên cứu, bài viết làm rõ tiềm năng và thực trạng, những giá trị đặc trưng của du lịch sinh thái ở Sơn La trong liên kết tạo chuỗi giá trị du lịch cho vùng Tây Bắc. Các sản phẩm du lịch sinh thái có thể phát triển thành thương hiệu gắn với rừng đặc dụng Xuân Nha – Mộc Châu, rừng Pa Cốp – Vân Hồ, rừng Noong Cốp – Phù Yên, sinh thái mặt nước với nhiều đảo lớn nhỏ ở lòng hồ thuỷ điện Sơn La… Bài viết cũng đề xuất một số giải pháp phát triển sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù ở Sơn La, tour du lịch liên kết vùng, sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương nhằm phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững.
- Tiềm năng du lịch sinh thái ở Sơn La
Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Sơn La có tiềm năng rất lớn cho kinh tế văn hoá xã hội, trong đó có tiềm năng về du lịch sinh thái (DLST). Mặc dù có nhiều tài nguyên cho loại hình DLST nhưng Sơn La đã xác định tập trung đầu tư phát triển DLST tại 02 khu du lịch (DL) có những lợi thế và điều kiện thuận lợi nhất là khu DL quốc gia Mộc Châu và khu DL vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La.
1.1. Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
Mộc Châu đã trở thành một thương hiệu gắn với hình ảnh một cao nguyên với khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ, say đắm lòng người với những đồi chè, đồng cỏ xanh ngát rộng quá tầm mắt, những vườn mận hoa trắng, những ngọn núi hùng vĩ, bốn mùa mây phủ, những bản làng ẩn hiện trong sương sớm. Ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2050/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Điều này là minh chứng, khẳng định về những giá trị đặc biệt ở tầm quốc gia của Mộc Châu từ góc độ DL.
Về vị trí địa lý: Mộc Châu là cửa ngõ quan trọng kết nối Sơn La và các tỉnh vùng Tây Bắc với Hà Nội và khu vực đồng bằng sông Hồng trên tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 6, đường thủy trên sông Đà, đồng thời có khả năng kết nối với các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng thông qua cửa khẩu Lóng Sập. So với các khu vực có điều kiện tương đồng như Sa Pa, Đà Lạt… vùng Mộc Châu là khu vực gần Hà Nội nhất.
Về khí hậu: Vùng Mộc Châu nằm ở độ cao trung bình hơn 1.000 m cùng với lượng mưa tương đối lớn (hơn 1.500 mm/năm) lại nằm giữa sông Đà ở phía Đông Bắc và sông Mã ở phía Tây Nam có tác dụng như hai hệ thống điều hòa không khí tự nhiên làm cho nhiệt độ trung bình hàng năm của Mộc Châu là 18,5 độ C. Đây là vùng có khí hậu rất lý tưởng với nhiệt độ trung bình thấp hơn so với các tỉnh lân cận và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ để phát triển DL nghỉ dưỡng. Khí hậu là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng. Ở Việt Nam các khu vực có điều kiện khí hậu ôn hòa, mát mẻ như Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo, Bà Nà, Ba Vì… đều được lựa chọn để phát triển thành các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng.
Về tài nguyên rừng: Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha có vị trí tại xã Chiềng Xuân, Tân Xuân, Xuân Nha huyện Vân Hồ và xã Chiềng Sơn huyện Mộc Châu, diện tích 18.267,5 ha. Cách thị trấn Mộc Châu khoảng 40 km về phía Nam, nơi đây có nhiều rừng nguyên sinh và nhiều thú quý hiếm như hổ, gấu… là điều kiện thuận lợi cho phát triển DLST. Khu rừng Pa Cốp nằm trên địa bàn xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ là khu du lịch sinh thái khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái của khu vực. Khu rừng thông Bản Áng thuộc xã Đông Sang huyện Mộc Châu, có diện tích 43 ha, là khu đồi thông già có quan cảnh đẹp trên những đồi bát úp thấp. Nơi đây rất gần thị trấn Mộc Châu, đường giao thông thuận tiện nên rất thích hợp cho loại hình DLST kết hợp cắm trại, picnic.
Về tài nguyên hệ sinh thái nông nghiệp: nổi bật là các đồi chè, vườn cây ăn quả ôn đới và hoa mận hoa cải. Hình ảnh về những đồi chè xanh bát ngát ở Mộc Châu đã trở nên quen thuộc với khách DL trong nước. Chè là loại cây đặc trưng của cao nguyên Mộc Châu. Không chỉ là một loại cây trồng đặc sản, Chè còn là sự kết tinh của truyền thống văn hóa nông nghiệp ở Mộc Châu và được coi là một trong những đặc sản quý nhất của cao nguyên Mộc Châu tạo thành không gian cảnh quan sinh thái lấy chủ đề là cảnh quan đồi chè, ngắm cảnh thưởng thức chè, thể nghiệm nét đẹp của phong cảnh tự nhiên và nhân tạo. Khu vườn cây ăn quả ôn đới: Nổi bật là thung lũng 100 ha mận hậu, khu vực Nà Ka, Tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu. Du khách có thể tham quan vườn quả, trải nghiệm thu hái quả chín, lao động chăm sóc vườn quả. Các đồi hoa cải, hoa mận, đồi cỏ có thể được quy hoạch theo hình thức công viên hoa chuyên đề phục vụ nhu cầu thăm quan ngắm cảnh, chụp ảnh của du khách.
Ngoài ra, với tài nguyên dòng Sông Đà, từ Mộc Châu xuống thẳng cảng sông Vạn Yên, nơi xuất phát tuyến DL sông Đà, đi du thuyền khách DL được tham quan nhiều cảnh đẹp trên tuyến này, tuyến này có thể kéo dài đến thuỷ điện Sơn La hoặc xuôi xuống thủy điện Hoà Bình. Hoặc du khách có thể xuất phát từ tuyến DL lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình lên Mộc Châu theo tuyến đường thuỷ này.
Như vậy, với vị trí địa lý thuận lợi gần thủ đô Hà Nội, khí hậu mát mẻ được ví như “Đà Lạt” của miền Bắc, tài nguyên rừng nguyên sinh đa dạng về thực vật và động vật, hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng, khu DL quốc gia Mộc Châu rất thuận lợi phát triển mạnh loại hình DLST kết hợp nghỉ dưỡng, thể theo đi bộ, khám phá rừng nguyên sinh, trải nghiệm nông nghiệp hái chè, chế biến chè, thưởng thức hương vị chè, thăm quan, tìm hiểu quy trình sản xuất chè; chăm sóc cây ăn quả và hái quả.
1.2. Khu du lịch vùng lòng hồ Thuỷ điện Sơn La
Vùng lòng hồ Sơn La được hình thành bởi công trình thủy điện Sơn La, hiện đang là thuỷ điện có công suất 2.400 MW lớn nhất Đông Nam Á. Hồ có chiều dài là 175 km từ thị trấn Ít Ong – Mường La – Sơn La đến Mường Lay – Điện Biên, chiều rộng nhất khoảng 1,5 km, diện tích hồ chứa 224 km2. Tại địa phận tỉnh Sơn La, bắt đầu từ bản Pênh – thượng lưu đập thủy điện Sơn La thuộc địa phận xã Ít Ong huyện Mường La đến hết huyện Quỳnh Nhai có chiều dài 88,5 km đi qua địa phận 15 xã và 3 huyện (Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai).
Bên cạnh là nguồn tài nguyên nước quý giá cho cả quốc gia, hồ Sơn La còn trở thành tài nguyên DL tự nhiên mới có giá trị rất lớn. Ngoài các giá trị về cảnh quan, sinh thái của mặt nước, các đảo nhỏ như “Hạ Long của Tây Bắc” hồ Sơn La còn là nơi có môi trường trong lành và cung cấp nguồn lợi thủy sản cho dân sinh và DL. Địa hình khu vực khá đặc biệt với các dãy núi cao, sông suối,… với địa hình Karst phổ biến tạo nên nhiều cảnh quan hấp dẫn với các hang động tự nhiên đẹp có giá trị thu hút khách du lịch; là cơ sở để hình thành và phát triển du lịch sinh thái tham quan kết hợp du lịch thể thao mạo hiểm như leo núi, thể thao dưới nước là đặc trưng riêng của khu vực Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La cần được phát huy, tạo ra sản phẩm DLST khác biệt so với điểm du lịch lân cận như Mù Cang Chải, Sapa, Điện Biên.
Hệ sinh thái tự nhiên phong phú: Khu vực huyện Mường La và huyện Quỳnh Nhai có diện tích rừng khá lớn với một quần thể sinh học đa dạng: Các loài thực vật quý hiếm như nghiến, lát, tre, trúc, cây dược liệu,… hệ động vật có các loài linh trưởng, các loài bò sát như trăn, rắn và hàng nghìn loài côn trùng, tập trung khu bảo tồn thiên nhiên Mường La. Với hệ sinh thái đa dạng có giá trị phục vụ phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, lòng hồ thủy điện có các loài thủy sinh phong phú, với hàng trăm loài cá sinh sống như cá chiên, lăng, chép, nheo, tôm,… có giá trị về kinh tế, đồng thời tạo giá trị ẩm thực địa phương thu hút du khách.
Cảnh quan đặc trưng: Cảnh quan lòng hồ thủy điện với mặt nước mênh mông trong và xanh, cảnh quan thiên nhiên với những cánh rừng, dãy núi đá vôi sừng sững cao ngất hai bên bờ, in bóng xuống mặt hồ tạo nên cảnh quan hùng vĩ, bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ vùng Tây Bắc. Nổi bật là cảnh quan lòng hồ khu vực huyện Quỳnh Nhai nằm trải dài trên địa phận các xã từ thị trấn Quỳnh Nhai sang tiếp giáp tỉnh Điện Biên. Cảnh quan lòng hồ có tiềm năng lớn, khai thác tạo sản phẩm du lịch đặc trưng khác với các khu du lịch khác: Du lịch tham quan, du lịch sinh thái lòng hồ,… Cảnh quan núi cao với các cánh rừng nơi có những bản làng dân tộc còn bảo tồn được nhiều giá trị truyền thống. Tạo nên vùng cảnh quan đặc sắc, nguyên sơ, yên ả của vùng núi, là một trong những nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt, tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng. Ngoài ra, cảnh quan khu vực còn đặc biệt bởi có các đảo, bán đảo nhỏ liên tiếp nối liền nhau trên mặt nước, tạo ra cảnh quan sinh động, các hang động tự nhiên đa dạng hình thù dưới các dãy núi đá vôi hai bên bờ lòng hồ, tạo nên nét riêng cho du lịch Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Vị trí địa lý và không gian DL: Khu DL vùng lòng hồ thủy điện Sơn La phân thành 2 không gian chính. Không gian du lịch huyện Mường La nằm gần thành phố Sơn La, tiếp cận thuận lợi với quốc lộ 32 (kết nối các điểm du lịch: Mù Cang Chải, Thác Bà) và khu du lịch Mộc Châu. Không gian du lịch huyện Quỳnh Nhai có tiềm năng du lịch đặc trưng là cảnh quan mặt nước, đồi núi, rừng cây và đặc biệt giá trị văn hóa dân tộc Thái nổi trội, tiếp cận thuận lợi với tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai (theo quốc lộ 279, quốc lộ 6B) kết nối các điểm du lịch nổi tiếng: Sapa, Điện Biên; tiếp cận với thành phố Sơn La (qua quốc lộ 6, quốc lộ 6B). Hai không gian du lịch kết nối với nhau bằng tuyến đường thủy theo lòng hồ thủy điện, với 2 trung tâm dừng chân, đón tiếp khách du lịch tại thị trấn Ít Ong và thị trấn Quỳnh Nhai.
Từ các tiềm năng trên, khu DL lòng hồ thuỷ điện Sơn La có thể phát triển loại hình DLST gắn với tham quan lòng hồ thủy điện: Tham quan, ngắm cảnh quan thiên nhiên mặt nước, cảnh quan đồi núi, rừng hai bên hồ, với các đảo, bán đảo trên mặt nước bằng du thuyền, với các điểm dừng chân trên tuyến tại các bến thuyền du lịch: Mường Trai, Nậm Giôn, Bản Dáng, Chiềng Bằng, Pá Uôn, Mường Chiên và kết nối tham quan lòng hồ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Lai Châu, khu du lịch quốc gia Mộc Châu và thành phố Sơn La; Tham quan các khu nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ, kết hợp thưởng thức ẩm thực, tham gia hoạt động trải nghiệm: Đánh bắt cá, chế biến các món ăn; Tham gia các hoạt động trên hồ: Câu cá, chèo thuyền; Thưởng thức ẩm thực địa phương trong các nhà hàng nổi trên lòng hồ; Tổ chức biểu diễn nghệ thuật các dân tộc phục vụ du khách sau khi thưởng thức ẩm thực, tạo thành tour du lịch hấp dẫn du khách; Tổ chức hoạt động cắm trại, dã ngoại cho du khách trên các đảo, bán đảo nhỏ trên mặt nước; Các tour du lịch nghiên cứu sinh thái tại khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La, tại các khu vực rừng núi, tại các khu vực sông suối, lòng hồ; Tại các điểm du lịch, du khách được trải nghiệm bằng chính sự quan sát của mình và bằng diễn giải môi trường bởi các hướng dẫn viên có trình độ về các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và giá trị cảnh quan đặc sắc.
1.3. Các tài nguyên du lịch sinh thái khác
Bên cạnh các tài nguyên DLST tại 02 khu du lịch trên, Sơn La còn có khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa – Bắc Yên, rừng đặc dụng Sốp Cộp, rừng thông Noong Cốp – Phù Yên. Các khu rừng này có sự đa dạng và phong phú về các hệ sinh thái với tính đa dạng sinh học tương đối cao. Đây là những tài nguyên cho DLST gắn với nghiên cứu, khám phá động thực vật quý hiếm và nghỉ dưỡng trong môi trường sinh thái trong lành.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Xùa nằm trên địa bàn 4 xã; Tà Xùa, Háng Đồng (huyện Bắc Yên), và Mường Thải, Suối Tọ (huyện Phù Yên), tỉnh Sơn La với tổng diện tích là 17.650 ha, nằm ở sườn Đông Nam của dãy Hoàng Liên Sơn, địa hình cao dốc, mức độ chia cắt mạnh, có nhiều đỉnh cao trên 2.000 m dọc theo dãy Phu Sa Phìn, cao nhất là đỉnh Phu Chiêm Sơn, có độ cao 2.765 m, là khu hệ sinh thái rừng kín thường xanh núi cao vùng Tây Bắc, có giá trị bảo tồn nguồn gen và nghiên cứu khoa học, bởi còn lưu trữ được nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Rừng thông Noong Cốp – Phù Yên nằm ở độ cao 1.023 mét so với mặt nước biển, nhiệt độ quanh năm ở ngưỡng 21-22 độ C, có diện tích hơn 1.300 ha, với hàng vạn cây thông trên 30 năm tuổi, đây được coi là lá phổi xanh và là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của huyện Phù Yên.
Khu rừng đặc dụng Sốp Cộp có tổng diện tích tự nhiên 18.709 ha. Đây là khu vực bao gồm nhiều dãy núi cao, dốc, địa hình chia cắt phức tạp, hiểm trở đã tạo ra các hệ sinh thái vô cùng phong phú và độc đáo. Khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao về thảm thực vật, khu hệ thực vật và động vật. Ở đây còn bảo tồn được mẫu rừng tương đối nguyên sinh là kiểu rừng kín thường xanh á nhiệt đới ẩm tiêu biểu cho vùng Tây Bắc nước ta. Đã thống kê được 640 loài thực vật bậc cao có mạch, 362 loài động vật có xương sống ở cạn. Trong số đó, có 37 loài thực vật, 48 loài động quý hiếm đang bị đe doạ ở mức quốc gia và toàn cầu. Đặc biệt, tại đây đã phát hiện 01 loài ếch lưỡng cư hoàn toàn mới đã công bố trên tạp chí quốc tế, là đóng góp mới cho khoa học thế giới qua nghiên cứu của TS. Phạm Văn Anh – giảng viên trường Đại học Tây Bắc.
- Sự cần thiết phát triển du lịch sinh thái ở Sơn La
Để phát triển du lịch bền vững, mỗi địa phương cần phải phát triển hài hoà giữa 4 lĩnh vực kinh tế, tài nguyên môi trường, văn hoá xã hội và chính trị. Sơn La cũng như Tây Bắc chỉ phát triển DLST thì mới giải quyết được bài toán phát triển bền vững bởi vì những lý do sau đây.
Thứ nhất, phát triển DLST giúp người dân hiểu biết giá trị của sinh thái Tây Bắc làm họ tham gia bảo vệ tài nguyên và môi trường. Khi thu hút được du khách đến tham gia loại hình DLST và khi du khách ngưỡng mộ những cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, giá trị sinh thái thì người dân sẽ tự hào về nơi mình sinh sống. Từ đó họ sẽ nâng cao nhận thức và chủ động bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên sông nước.
Thứ hai, phát triển DLST giúp kinh tế người dân phát triển, hạn chế việc phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy. Hoạt động DLST dựa vào cộng đồng mang lại nguồn thu nhập cho người dân bản địa từ việc họ tham gia làm hướng dẫn viên, người dẫn đường, hoặc cung ứng các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, sản xuất và bán hàng lưu niệm cho du khách. Khi DLST phát triển mang lại lợi ích kinh tế đảm bảo đời sống thì người dân sẽ hạn chế việc phá rừng huỷ hoại môi trường sinh thái và sự đa dạng sinh học.
Thứ ba, phát triển DLST sẽ giúp bảo vệ các lòng hồ thuỷ điện để nước sạch, không gây lắng đọng lòng hồ, nuôi cá theo qui hoạch. Với sự tham gia vào cuộc của Nhà nước, nhà khoa học, nhà kinh doanh và người dân trong phát triển DLST sẽ tạo nên một cơ chế phối hợp giữa các bên, những qui định được làm và không được làm trong hoạt động DLST nhằm bảo vệ môi trường và nguồn nước lòng hồ thuỷ điện Sơn La.
Thứ tư, phát triển DLST để gắn kết cộng đồng, liên kết vùng, làm người dân Sơn La Tây Bắc đoàn kết, gắn kết với cộng đồng dân cư cả nước, giao lưu quốc tế. Lợi ích của DLST góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư địa phương trong khai thác, phát triển DL vì lợi ích chung. Mặt khác, du khách đến từ các nơi khác của đất nước và du khách quốc tế giúp người dân tăng cường giao lưu, học hỏi để phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, bảo vệ môi trường tại chính địa phương nơi mình đang sinh sống.
- Thực trạng và thách thức du lịch sinh thái ở Sơn La
3.1. Một số kết quả của hoạt động du lịch chung
Những năm qua, ngành DL Sơn La đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh, chính trị tại tỉnh Sơn La.
Trong giai đoạn 2008 – 2015, lượng khách DL đến Sơn La tăng liên tục, từ 335 nghìn lượt (năm 2008) lên đến gần 1,6 triệu lượt khách (năm 2015). Cuối năm 2008, thị xã Sơn La trở thành thành phố Sơn La đã góp phần làm tăng lượng khách lên gần gấp đôi vào năm 2009 (hình 1).
Hình 1: Số lượt khách đến Sơn La năm 2008 – 2015 (ĐVT: nghìn người)
(Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và DL tỉnh Sơn La)
Từ năm 2011 đến 2014, lượng khách đi trong ngày không lưu trú tại Sơn La tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt là lượng khách năm 2012 tăng gấp đôi năm 2011. Đó là do hiệu ứng của chương trình “Qua miền Tây Bắc” kết hợp ngày hội văn hoá các dân tộc được tổ chức tại Mộc Châu vào năm 2011. Khách DL theo cung đường Tây Bắc chỉ đi qua Sơn La mà không lưu lại qua đêm.
Mặc dù lượng khách từ năm 2008 đến năm 2015 tăng gấp 5 lần nhưng không ổn định: năm 2011 lượt khách giảm so với năm 2010; lượng khách chững lại, tăng chậm trong các năm 2012 – 2013 và năm 2014 – 2015.
Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng lượt khách giai đoạn 2008 – 2015 là 23,9%. Có thể thấy rằng tốc độ tăng trưởng mỗi năm không đồng đều, thể hiện sự chưa bền vững trong tăng trưởng lượng khách, có năm thì rất cao (66,9% năm 2012), có năm thì rất thấp (3,2% năm 2013; 4,2% năm 2015).
Về cơ cấu khách, khách quốc tế đến Sơn La đạt thấp hơn rất nhiều so với khách nội địa. Tỷ lệ 7,8% năm 2008; tỷ lệ 2,3% năm 2015. Trong khi khách nội địa tăng khá nhanh thì khách quốc tế tăng chậm và tỷ lệ % trong tổng cơ cấu khách giảm xuống.
Khách quốc tế chiếm tỷ lệ thấp trong tổng lượt khách và tăng không ổn định qua các năm. Từ năm 2008 đến năm 2013, tăng từ 26 nghìn lượt lên 43 nghìn lượt, sau đó giảm xuống 39 nghìn lượt năm 2014 và 37 nghìn lượt vào năm 2015. Đó là do hành vi DL của khách quốc tế có những đặc trưng như họ tin và hành động theo thông tin truyền miệng và theo sổ tay DL được biên tập lại từ trải nghiệm của những người đã từng đến. Vì vậy những khách hàng tiềm năng sẽ không đến những nơi mà SP DL bị những người đi trước đánh giá là không hấp dẫn và thú vị.
Mức chi tiêu bình quân/ ngày năm 2015 như sau: Khách quốc tế có lưu trú khoảng 45 USD (945.000 đồng) và khách nội địa khoảng 420.000 đồng. Mức chi tiêu trên thấp hơn mặt bằng chung cả nước (400.000 – 600.000 đồng và 75 USD). Khách quốc tế trong ngày chi 6 USD và khoảng 105.000 đồng với khách nội địa.
Thời gian lưu trú bình quân của khách DL tăng dần, khách quốc tế năm 2008 là 1,1 ngày, năm 2014 là 1,78 ngày; khách nội địa tương ứng từ 1 ngày lên 1,62 ngày. Tuy nhiên, thời gian lưu trú như vậy còn rất ngắn so với những địa phương có hoạt động DL phát triển với thời gian lưu trú từ 2,5-3 ngày.
* Doanh thu DL Sơn La và cơ cấu chi tiêu
Doanh thu DL bao gồm doanh thu về lưu trú, lữ hành và dịch vụ DL khác. Doanh thu DL năm 2008 đạt 169 tỷ đồng tăng lên đến 645 tỷ đồng năm 2015 (hơn gấp 3 lần). Trong đó, ấn tượng là từ năm 2011 đến năm 2012, doanh thu tăng gấp 2,5 lần. Tuy nhiên, doanh thu từ năm 2013 đến 2015 tăng chậm (hình 2).
Hình 2: Doanh thu DL Sơn La giai đoạn 2008 – 2015 (ĐVT: tỷ đồng)
(Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và DL tỉnh Sơn La)
Trong giai đoạn 2008-2015, lượt khách DL tăng 5 lần, doanh thu tăng 3 lần, cho thấy doanh thu DL tăng không tương xứng với lượt khách. Nghĩa là DL Sơn La đang bỏ lỡ cơ hội tăng doanh thu từ du khách đã đến Sơn La.
Trong cơ cấu doanh thu thì doanh thu lưu trú và ăn uống chiếm tỷ lệ lớn, còn doanh thu từ dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp. Thu từ ăn uống chiếm khoảng 50%, từ dịch vụ lưu trú chiếm khoảng 42%, từ các dịch vụ khác chiếm khoảng 8%. Các năm gần đây có sự thay đổi nhưng không đáng kể. Đó là do Sơn La chưa tạo được những hàng hoá và dịch vụ đủ sức lôi cuốn và hấp dẫn khách DL mua sắm và tiêu dùng.
Đóng góp từ doanh thu DL so với GDP toàn tỉnh năm 2014 chỉ đạt khoảng 1%. Mặc dù doanh thu DL tăng lên từng năm nhưng đóng góp vào GDP toàn tỉnh còn rất thấp so với 10% của DL toàn cầu và chưa bằng một nửa so với 2,38% (mục tiêu đề ra của DL Sơn La vào năm 2020).
Những số liệu nêu trên cho thấy mặc dù số lượt khách, doanh thu DL, số ngày lưu trú, chi tiêu DL có tăng lên theo mỗi năm nhưng đây chỉ là những biểu hiện về mặt số lượng, còn về mặt cơ cấu, chất lượng thì chưa thể hiện được tính ổn định và bền vững, có những thời điểm tăng trưởng “nóng” (66,9% vào năm 2012).
* Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ DL
Cơ sở lưu trú: Theo quá trình phát triển, hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ cũng được nâng cấp, xây mới. Tốc độ tăng trưởng trung bình về buồng lưu trú giai đoạn 2008 – 2015 đạt 5%/năm. Tính đến 20/12/2015, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 150 cơ sở lưu trú DL với 24 Khách sạn (trong đó có: 01 khách sạn 3 sao; 12 khách sạn 2 sao và 11 khách sạn 1 sao); 118 Nhà nghỉ DL và 08 Homestay. Trong đó có gần 1.900 buồng, với 3.350 giường. Đến giữa năm 2016, khách sạn Mường Thanh tại Mộc Châu với 170 phòng nghỉ và các dịch vụ tiện ích đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Tuy nhiên số lượng còn thấp so với mục tiêu là 4.600 buồng vào năm 2020. Số buồng có sự tăng lên theo từng năm nhưng công suất sử dụng buồng chưa khai thác tối đa, trung bình khoảng 63% (bảng 1).
Bảng 1: Cơ sở lưu trú DL tại Sơn La giai đoạn 2008 -2015
Chỉ tiêu | Năm 2008 | Năm 2009 | Năm 2010 | Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 |
Cơ sở lưu trú | 90 | 97 | 103 | 108 | 110 | 113 | 135 | 150 |
Buồng | 1.370 | 1.380 | 1.430 | 1.505 | 1.572 | 1.600 | 1.800 | 1900 |
Công suất buồng (%) | 53,1 | 53,5 | 60 | 58 | 61 | 65 | 62 | 63 |
(Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và DL tỉnh Sơn La)
Đó là do đặc thù của ngành DL phụ thuộc vào yếu tố thời vụ và điều kiện tự nhiên, khí hậu. Mặt khác, DL Sơn La chưa có những chương trình kích cầu DL, điều tiết cầu DL trong cả năm. Chương trình đó cần có sự tham gia của các kinh doanh lữ hành DL và các nhà cung ứng dịch vụ DL trên địa bàn Sơn La.
Các cơ sở kinh doanh ăn uống: Phát triển nhanh về số lượng và quy mô, từng bước đáp ứng nhu cầu của khách DL. Các quán cafe, nhà hàng Á Âu, quán ăn về đặc sản, món ăn dân tộc sử dụng thực phẩm địa phương, hải sản đã xuất hiện rất nhiều dọc trục quốc lộ 6 và tập trung ở thị trấn Mộc Châu, thành phố Sơn La. Đó là do loại hình kinh doanh này dễ thực hiện và có lợi nhuận cao nên có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cần được chú trọng và kiểm tra thường xuyên.
Các hãng vận chuyển, taxi: hiện nay giao thông Sơn La là đường bộ, phương tiện vận chuyển là ô tô tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Các tuyến xe hai chiều từ Hà Nội – Sơn La liên tục 30 phút có một chuyến, có xe chạy ban ngày, ban đêm. Đã có thêm các tuyến từ Sơn La đi thẳng một số tỉnh như Lào Cai, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng… với nhiều thời điểm khác nhau trong ngày để du khách lựa chọn. Giao thông nội tỉnh có các tuyến xe buýt, có 06 hãng Taxi là Sao Xanh, Sơn La, Hương Sen, Nhất Sơn, 8787 và Sao Việt, có loại hình xe ôm. Về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, đi lại của du khách đến Sơn La.
Các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác: đã có một số khu thể thao, công viên chủ đề, bể bơi hiện đại, phòng tập thể hình, thẩm mỹ và cơ sở vui chơi giải trí. Tuy nhiên, đa phần vẫn ở mức độ quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
* Nguồn nhân lực DL
Về số lượng: cùng với việc gia tăng số lượng cơ sở lưu trú và số buồng, lao động ngành DL trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua tăng nhanh về số lượng, năm 2015 số lượng tăng gấp đôi so với năm 2010. Trong đó lao động trực tiếp chiếm khoảng 80%, lao động gián tiếp chiếm 20%.
Số lượng hướng dẫn viên và thuyết minh viên có số lượng rất ít so với sự phát triển chung của DL Sơn La. Nguyên nhân là số sinh viên xuống Hà Nội học về DL quay lại Sơn La làm việc rất ít. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có Trường Cao Đẳng Sơn La đào tạo ngành DL, có mở các lớp ngắn hạn đào tạo về hướng dẫn viên nhưng không tuyển sinh được do nhận thức của các bạn trẻ đối với nghề DL còn hạn chế và không muốn học trình độ cao đẳng, chỉ muốn học trình độ đại học.
Về chất lượng: Trong tổng số lao động DL trên, lao động đã qua đào tạo các lớp sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học chiếm khoảng 54%, chưa qua đào tạo chiếm 46%. Trình độ đại học, cao đẳng có tỷ lệ đạt chưa cao so với tổng lao động. Trình độ sơ cấp và trung cấp chiếm phần đa số. Lực lượng lao động phổ thông trong DL đang được sử dụng nhiều, người có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ còn rất ít. Sơn La chưa có những chính sách mạnh mẽ để thu hút được nguồn lực lao động trong lĩnh vực có chất lượng, có trình độ cao đến sinh sống và làm việc.
* Cơ sở kinh doanh lữ hành DL
Hiện nay, Sơn La mới có 7 đơn vị kinh doanh về lữ hành DL. Tại Mộc Châu có Công ty cổ phần DL Pha Luông tại Mộc Châu. Tại thành phố Sơn La gồm có: Công ty DL khách sạn công đoàn, Công ty khách sạn DL Sơn La, Công ty cổ phần cơ khí Sơn La (có Trung tâm lữ hành DL), và 03 khách sạn có bộ phận lữ hành DL là khách sạn Hương Sen, khách sạn Sao Xanh và khách sạn Hà Nội. Trong đó, chỉ có 03 đơn vị có hoạt động DL thường xuyên là: Công ty cơ khí Sơn La, Công ty khách sạn DL Sơn La và Công ty DL Pha Luông. Số lượng cơ sở kinh doanh lữ hành DL như vậy là rất ít và có quy mô nhỏ. Chính quyền Sơn La cần xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư DL đột phá để Sơn La có nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành DL hơn. Bởi lẽ, doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế và phát triển DL, đã thể hiện trong quan điểm và quy hoạch phát triển DL, không chỉ ở Sơn La mà ở cấp quốc gia.
3.2. Thực trạng du lịch sinh thái ở Sơn La
Theo nghiên cứu của trường Đại học Tây Bắc năm 2015 đối với 356 du khách đến Sơn La: khách đến Sơn La với mục đích công vụ (công tác, đi họp, kinh doanh) chiếm 45,5%; mục đích tham quan chiếm 37,4%; các mục đích và loại hình khác từ cao xuống thấp là: thăm thân nhân 13,8%; nghỉ dưỡng 7%; học tập nghiên cứu 6,2%; thể thao 4,5%; mạo hiểm 2,5%; sinh thái 1,7% và khác là 14,6%. Số liệu du khách đến Sơn La với mục đích công vụ, tham quan là phù hợp với thực tế. Du khách đến Sơn La do tự tìm hiểu và khám phá những điểm hấp dẫn của DL Sơn La chứ không phải do những chào hàng hấp dẫn và quảng bá xúc tiến DL (Bảng 2).
Số khách đến Sơn La vì mục đích DL mạo hiểm, sinh thái chiếm tỷ lệ thấp chưa tương xứng và phù hợp với tiềm năng sẵn có, điều này có thể do Sơn La chưa tạo ra những sản phẩm DL mạo hiểm, DL sinh thái chưa đủ hấp dẫn và chưa đủ sức cạnh tranh so với những địa phương khác trong khu vực Tây Bắc và cả nước.
Chỉ tiêu | Cơ cấu (%) | Chỉ tiêu | Cơ cấu (%) |
Giới tính | Trình độ học vấn | ||
Nam | 61,8 | Dưới cử nhân | 27.0 |
Nữ | 38,2 | Cử nhân | 59.0 |
Độ tuổi | Thạc sĩ | 10.1 | |
16 – 25 | 15.7 | Tiến sĩ | 3.9 |
26 – 45 | 69.4 | Trên Tiến sĩ | 0 |
46 – 60 | 14.9 | Nghề nghiệp | |
> 60 | 0 | Kinh doanh | 29.2 |
Thu nhập bình quân/tháng (triệu đồng) | Công chức | 31.2 | |
Dưới 5 | 24.2 | Công nhân | 5.9 |
5 đến dưới 10 | 43.8 | Sinh viên | 6.2 |
10 đến 15 | 15.7 | Nghỉ hưu | 8 |
Trên 15 | 16.3 | Khác | 26.7 |
Số lần đi DL Sơn La | Hình thức tổ chức chuyến đi | ||
Lần đầu | 41.0 | Tự tổ chức | 60.7 |
Lần 2 | 16.6 | Hãng lữ hành | 14.9 |
Lần 3 | 6.2 | Khác | 24.4 |
Trên 3 lần | 36.2 | Hình thức đi | |
Mục đích và loại hình DL | Cá nhân | 16.3 | |
Tham quan | 37.4% | Theo đoàn | 55.3 |
Nghỉ dưỡng | 7.0% | Nhóm gia đình | 13.5 |
Thể thao | 4.5% | Nhóm bạn bè | 14.9 |
Công vụ (kinh doanh, hội họp) | 45.5% | Khác | 0 |
Thăm thân | 13.8% | Mức chi tiêu bình quân/ chuyến đi (triệu đồng) | |
Mạo hiểm | 2.5% | Dưới 3 | 34.6 |
Học tập, nghiên cứu | 6.2% | Từ 3 – dưới 5 | 38.5 |
Sinh thái | 1.7% | Từ 5 – dưới 10 | 21.9 |
Khác | 14.6% | Trên 10 | 5.1 |
Thời gian lưu lại Sơn La | Phương tiện đến Sơn La | ||
< = 1 | 23.3 | Xe khách | 35.7 |
2 ngày 1 đêm | 47.5 | Ô tô riêng | 41.9 |
3 ngày 2 đêm | 15.4 | Xe máy | 2.5 |
Trên 3 ngày | 13.8 | Khác | 19.9 |
Nguồn thông tin ảnh hưởng đến quyết định chọn Sơn La làm điểm đến | Lựa chọn về nơi lưu trú
|
||
Người quen | 48.0% | Khách sạn 3 sao | 27.8 |
Công ty DL/ VP đại diện | 5.9% | Khách sạn 2 sao | 30.1 |
Hội chợ DL | 0.8% | Khách sạn 1 sao | 0 |
Internet | 13.5% | Nhà dân | 16.3 |
Truyền hình | 15.4% | Nhà nghỉ | 13.8 |
Bài viết, sách, tập gấp, băng đĩa | 7.6% | Lều trại | 0 |
Khác | 28.1% | Khác | 12.1 |
(Nguồn: Trích số liệu điều tra từ luận án NCS – giảng viên trường Đại học Tây Bắc)
Một số hoạt động nổi bật về phát triển sản phẩm DLST của Sơn La giai đoạn từ năm 2013 – 2015: Xây dựng sản phẩm, mô hình tham quan DL gắn với các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như thăm quan rau hoa chất lượng cao; thăm quan những cánh đồng hoa cải; tham quan DL và dịch vụ hái quả tại thung lũng mận Nà Ka 100 ha; DL trải nghiệm nông nghiệp, tắm trà, tắm sữa; tổ chức phát động phong trào trồng hoa, tạo các tuyến đường, tuyến phố có hoa ban trắng mang đậm bản sắc văn hóa Tây Bắc.
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã bước đầu hình thành tuyến du lịch theo đường thủy từ bến Bản Két (thị trấn Ít Ong) – bến thuyền Pá Uôn (huyện Quỳnh Nhai) với các điểm du lịch chính trên tuyến: Tham quan cảnh quan lòng hồ, nhà máy thủy điện Sơn La, suối nước nóng Hua Ít, cầu Pá Uôn, đền Linh Sơn Thủy Từ – đền Nàng Han.
Hợp tác liên kết phát triển DL đã phát huy hiệu quả với chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu và Điện Biên được khởi xướng từ năm 2008 nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch trên vòng cung Tây Bắc. Chương trình được hỗ trợ bởi tổ chức EU. Trong những năm qua du lịch Tây Bắc nói chung và du lịch Sơn La nói riêng đã có nhiều khởi sắc, lượng du khách ngày càng tăng. Trong đó, khu DL quốc gia Mộc Châu và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La cũng được quảng bá điểm đến hấp dẫn.
Bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyên môn hóa cao, góp phần nâng dần chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về du lịch. Du lịch đã nhận được sự quan tâm đầu tư từ Nhà nước, đồng thời hoạt động đầu tư được thực hiện theo đúng bài bản, tạo thuận lợi lớn cho nhà đầu tư.
Đã bắt đầu thu hút được các nhà đầu tư nghiên cứu tìm hiểu để tiến hành đầu tư. Đây là một trong những thành công không nhỏ từ những nỗ lực đầu tư phát triển du lịch của Mộc Châu và vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La trong thời gian qua.
3.3. Những tồn tại, khó khăn và thách thức với phát triển du lịch sinh thái
* Những tồn tại, khó khăn và thách thức:
DLST ở Sơn La chưa trở thành một loại hình DL hấp dẫn với du khách do đó khách du lịch đi DLST đến Sơn La còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh. Thu nhập từ hoạt động du lịch thấp, chưa tạo thành động lực thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, thương mại khác phát triển.
Sản phẩm DLST tại Sơn La còn đơn điệu, chưa tạo được thương hiệu, chưa hấp dẫn. Du khách hiện tại chủ yếu là du lịch tham quan đồi chè, ngắm cảnh quan, thăm Công trình nhà máy thủy điện Sơn La, tắm khoáng nước nóng tại thị trấn Ít Ong và bản Lướt xã Ngọc Chiến, tham quan làng bản các dân tộc,… Chưa khai thác được các tiềm năng du lịch hấp dẫn để hình thành hệ thống các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có giá trị cao.
Trong khi khu DL quốc gia Mộc Châu đang tương đối phát triển thì tại hoạt động khu DL lòng hồ thuỷ điện Sơn La là tự phát và còn rất hoang sơ. Tại khu vực này chưa có công ty lữ hành đăng ký hoạt động, việc tổ chức hoạt động du lịch thành tour hiệu quả chưa cao, du khách chủ yếu là tự do tham quan, tìm hiểu. Dịch vụ ăn uống, mua sắm nghèo nàn, chỉ có một số cửa hàng, nhà hàng bán các sản phẩm địa phương nhưng với quy mô nhỏ. Hệ thống các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chưa phát triển, hệ thống sản phẩm du lịch, dịch vụ còn nghèo nàn, đơn điệu. Hệ thống dịch vụ phụ trợ chất lượng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nhu cầu của khách du lịch.
Hoạt động đầu tư hạ tầng cơ sở bắt đầu cho thấy sự thiếu đồng bộ trong quá trình triển khai đặc biệt là khu vực trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu. Giao thông từ thị trấn Ít Ong vào xã Ngọc Chiến chưa thuận lợi, nhất là vào mùa mưa, các điểm tham quan trên tuyến chưa được đầu tư nên hiện hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Chủ yếu thu hút du khách đi “phượt”. Khu vực Quỳnh Nhai mới chỉ là điểm dừng chân với thời gian ngắn trên tuyến du lịch từ Sapa – Điện Biên qua quốc lộ 279.
Quản lý nhà nước về du lịch: Hiện nay du lịch Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La chưa có Ban quản lý. Các hoạt động du lịch diễn ra tại khu vực chịu sự quản lý của UBND huyện, trong đó phòng Văn hóa và Thông tin, các phòng ban khác là cơ quan chuyên môn giúp UBND huyện trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện. Mối quan hệ giữa các chủ thể trong bộ máy quản lý nhà nước về du lịch còn thiếu chặt chẽ do đó, hiệu quả chưa cao.
* Một số nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, các sản phẩm DLST hiện nay chủ yếu phát triển tự phát trên cơ sở khai thác một số giá trị về thắng cảnh, di tích lịch sử… các sản phẩm có hàm lượng giá trị và dịch vụ cao hầu như chưa phát triển một phần cũng do chưa thu hút được các nguồn lực và các thành phần trong xã hội đầu tư phát triển. Tình trạng chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao còn liên quan đến sự hạn chế về nguồn nhân lực du lịch, theo đó còn thiếu về số lượng và rất hạn chế về chất lượng. Ngoài ra chưa có nhiều công trình khoa học nghiên cứu sâu về những giá trị sinh thái và môi trường mang lại sự thoả mãn cho du khách theo góc độ phát triển DLST.
Thứ hai, DLST Sơn La chưa được đầu tư tương xứng để phát triển thành một loại hình DL hấp dẫn khách du lịch đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Trong những năm qua, hoạt động đầu tư phát triển du lịch nói chung và phát triển DLST nói riêng chưa thu hút được các nguồn lực và các thành phần trong xã hội tham gia để tạo thành sức bật nâng tầm cho du lịch Sơn La. Bên cạnh đó khả năng thu hút các nhà đầu tư cũng như những nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch của Sơn La trong thời gian qua cũng còn thấp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực DL tại Sơn La còn rất ít ỏi do cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào ngành DL chưa thực sự đủ sức hấp dẫn.
Thứ ba, phát triển DLST thời gian qua còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành du lịch với các ban ngành có liên quan, giữa du lịch với chính quyền địa phương và các đối tác có liên quan khác, đặc biệt là với các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Sự liên kết giữa các điểm DL, các doanh nghiệp Sơn La với các doanh nghiệp lữ hành trong toàn quốc còn chưa chặt chẽ trong mối quan hệ cộng sinh. Mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa 4 bên: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân địa phương chưa được chú trọng và phát huy sức mạnh của mỗi bên.
Thứ tư, cho đến nay Sơn La chưa tạo dựng được thương hiệu du lịch của mình trên thị trường du lịch trong và ngoài nước. Hạn chế này là do công tác xúc tiến quảng bá mở rộng thị trường du lịch của Sơn La chưa được quan tâm đúng mức. Các hoạt động xúc tiến quảng bá mới được tổ chức ở phạm vi hạn hẹp, trong nước, hầu như chưa quan tâm đến việc xúc tiến quảng bá ở thị trường nước ngoài.
Tiềm năng phát triển DLST ở Sơn La rất lớn và đã có các quy hoạch tổng thể, quy hoạch các khu DL, nhưng với thực trạng hiện nay, ngành DL Sơn La cần phải thực hiện những công việc ưu tiên gì để thúc đẩy phát triển DLST bền vững ở Sơn La?
- Một số giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái ở Sơn La
4.1. Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù
Mặc dù Sơn La có rất nhiều tài nguyên tiềm năng cho phát triển DLST nhưng thời gian tới, ngành DL Sơn La cần ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển thành công 03 sản phẩm DLST đặc thù sau:
Sản phẩm DLST gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha – Mộc Châu: khai thác và quảng bá những giá trị sinh thái đặc biệt mà các nhà khoa học đã nghiên cứu và chưa nghiên cứu để thu hút du khách đến thăm quan, chiêm ngưỡng, nghiên cứu và khám phá. Để tạo sức thu hút lớn, chính quyền và ban quản lý khu bảo tồn cần xây dựng bộ sưu tập và khu trưng bày một số loài thực vật, động vật quý hiếm đã được nghiên cứu và công bố.
Sản phẩm DLST gắn với trải nghiệm nông nghiệp tại Mộc Châu: thăm quan và trải nghiệm quy trình trồng, chăm sóc chè, hái chè, chế biến và thưởng thức chè; thăm quan, chăm sóc cây ăn quả, hái quả, tiếp tục duy trì sự kiện ngày hội hái quả hàng năm tại thung lũng mận hậu Nà Ka.
Sản phẩm DLST gắn với cảnh quan mặt nước và khung cảnh thiên nhiên tại vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La: ngắm cảnh quan sông nước, núi cao, hang động, đảo nhỏ, trải nghiệm cuộc sống ngư dân sông đà kết hợp nghỉ dưỡng ven hồ.
4.2. Thiết kế các tour tuyến liên kết du lịch vùng Tây Bắc
Để khai thác các sản phẩm DLST đặc thù đã nêu trên, các tour tuyến DL cần được chú trọng thực hiện như sau: Xây dựng sản phẩm DL theo tour, tuyến DL tạo cho khách những trải nghiệm mới với mục tiêu nâng thời gian lưu trú của khách tại Sơn La; Liên kết các doanh nghiệp lữ hành, đưa sản phẩm DLST đặc thù của Sơn La vào chương trình tour đến Sơn La và tour DL cung đường Tây Bắc: Quảng bá các tour DLST đã được thiết kế rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho các khách hàng tiềm năng để họ đăng ký đi tour của doanh nghiệp lữ hành hoặc tự tổ chức đi theo nhóm hoặc gia đình.
Liên kết với Mai Châu – Hoà Bình: Tour DLST, văn hóa, nghỉ dưỡng gắn với tuyến Hà Nội – Hoà Bình – Mộc Châu – Hà Nội.
Liên kết với Phú Thọ: Tour DL nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa gắn với tuyến Hà Nội – Phú Thọ – Phù Yên – Bắc Yên – Mộc Châu – Hà Nội.
Liên kết với Yên Bái: Tour DLST văn hóa gắn với tuyến DL Hà Nội – Mù Cang Chải – Trạm Tấu (Yên Bái) – Ngọc Chiến – Thủy Điện – Sơn La – Mộc Châu – Hà Nội.
Liên kết với Lào Cai: Tuyến du lịch theo quốc lộ 279: Thành phố Sơn La – Thuận Châu – Quỳnh Nhai – Lai Châu – Lào Cai.
Liên kết với Điện Biên, Lai Châu: Tuyến du lịch theo quốc lộ 6 kết nối Mộc Châu với Sơn La – Điện Biên – Lai Châu (ở phía Tây Bắc) và Hòa Bình – Hà Nội (ở phía Đông Nam). Tour DLST văn hóa gắn với chương trình DL qua miền Tây Bắc: Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lào Cai – Phú Thọ – Hà Nội.
Liên kết tuyến DL trên sông – tour DLST trên Sông Đà: tuyến du lịch hình thành trên sông Đà khai thác tiềm năng du lịch sông nước dọc theo sông Đà, theo tuyến thuỷ điện Hoà Bình – thuỷ điện Sơn La – Thuỷ điện Lai Châu.
Ngoài ra, cần chú trọng tour DLST quốc tế: Hà Nội – Sơn La – Bắc Lào – Hà Nội. Đây là tuyến du lịch nối Mộc Châu với Lào thông qua cửa khẩu Lóng Sập theo quốc lộ 43. Tuyến xuất phát từ thị trấn Mộc Châu qua cửa khẩu Lóng Sập và kết nối với các điểm du lịch chính ở Lào như chiến khu Sầm Nưa, cố đô Luông Pra Băng, cánh đồng chum, huyện Viêng Xay (Tỉnh Hủa Phăn – nước CHDCND Lào – Khu di tích lịch sử của cách mạng Lào)… Tuyến du lịch Hà Nội – Mộc Châu – Lào – Thái Lan.
4.3. Phát huy vai trò quản lý của Nhà nước và tăng cường hợp tác công tư
Để phát triển DLST bền vững, tăng cường hợp tác giữa khối cơ quan công quyền và khối tư nhân thì cần phải liên kết chặt chẽ giữa 4 bên: Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà kinh doanh – Cộng đồng dân cư địa phương. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất định hướng, ban hành cơ chế, quản lý, kiểm soát quá trình phát triển DLST nhằm đạt được lợi ích kinh tế cho các bên tham gia, bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thồng, đảm bảo an ninh chính trị.
Về phía Nhà nước: tiếp tục phát huy vai trò của Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu; thành lập Ban quản lý Khu DL vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La; ban hành cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu DL, đặc biệt khuyến khích thành lập các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ DL để khai thác các sản phẩm, tour DLST đặc thù của Sơn La. Về phía doanh nghiệp kinh doanh DL: chủ động liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh DL lữ hành tại các tỉnh lân cận và trong cả nước để giới thiệu và đưa sản phẩm DLST vào trong các tờ rơi, tờ gấp, chương trình tour DL vùng Tây Bắc đến với khách hàng ngay từ đầu. Về phía nhà khoa học: đề xuất và nghiên cứu những đề tài khoa học liên quan đến phát hiện và khai thác giá trị tài nguyên rừng, tài nguyên sinh thái, tài nguyên mặt nước… để phục vụ phát triển DLST ở Sơn La, chú trọng địa chỉ ứng dụng và khả năng thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu tài nguyên và hệ sinh thái của địa phương. Về phía người dân địa phương: tham gia bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái nơi mình sinh sống, tích cực tham gia các hoạt động DLST như làm hướng dẫn viên, sản xuất hàng thủ công lưu niệm, dịch vụ ẩm thực, lưu trú cho du khách; liên kết từng hộ dân, cá nhân lại thành hợp tác xã hoặc tổ sản xuất, tổ cung cấp dịch vụ để phát huy sức mạnh và bổ sung cho nhau những kiến thức, kinh nghiệm phát triển DLST.
Thực hiện được tốt sự liên kết giữa 4 bên sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp về trí tuệ, sức lực, sự đoàn kết, các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực DL và phát triển DLST theo hướng bền vững./.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Trọng Dũng (2011), Phát triển du lịch sinh thái bền vững ở Tây Bắc Việt Nam trên phương diện đánh giá điều kiện tự nhiên, NXB Đại học Thái Nguyên.
- Sở Văn hoá, Thể thao và DL tỉnh Sơn La, Báo cáo tổng kết hoạt động DL từ năm 2008 đến năm 2015.
- Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
- UBND tỉnh Sơn La (2014), Quyết định về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển DL tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- UBND tỉnh Sơn La (2014), Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Người viết: Nguyễn Văn Bao, Hoàng Xuân Trọng