Sinh viên nghiên cứu khoa học – Góc nhìn từ giảng viên

Vấn đề nghiên cứu khoa học là một hoạt động trọng tâm của sinh viên trường Kinh tế nói riêng và các trường đại học cao đẳng nói chung.
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế thế giới, hội nhập về giáo dục và đào tạo, xây dựng và phát triển phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên khoa Kinh tế là một yêu cầu bức thiết nâng cao chất lượng đào tạo và giáo dục, nâng cao tính tự chủ sáng tạo và năng động, một tố chất rất cần thiết nhưng lại rất hạn chế trong trình độ sinh viên Việt Nam hiện nay.
Nghiên cứu khoa học từ sinh viên trong các trường đại học hiện nay có thể nói là một chủ đề mang tính tiềm năng nhưng còn nhiều điều hạn chế. Tính tiềm năng ở chỗ sinh viên là một lực lượng trẻ, đầy nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, có thời gian và một trí sáng tạo không ngừng được phát triển dưới mái trường đại học. Vấn đề còn hạn chế ở đây là do sinh viên chưa nhận thức được những lợi ích nào từ nghiên cứu khoa học mà sinh viên đạt được khi phải chi phí bằng những tiềm năng nói trên để lao vào nghiên cứu trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Chính vì vậy chúng ta cần thảo luận vấn đề làm thế nào hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học có hiệu quả? Đây là câu hỏi mà không ít giảng viên hiện nay còn đang cố gắng giải đáp. Từ vấn đề này chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh của nó: mục đích nghiên cứu khoa học của sinh viên là gì? Vai trò hướng dẫn của giảng viên thể hiện ra sao? và phương pháp nghiên cứu nào cần thiết tối thiểu khi nghiên cứu khoa học?

Mục đích nghiên cứu khoa học
Mục đích nghiên cứu khoa học của sinh viên dưới mái trường đại học thường lại được hiểu quá nhiều nghĩa. Những nước đã phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Úc . . . thì xem sinh viên đóng vai trò là những trợ lý nghiên cứu (Research Assistance – RA) cho các giảng viên có đề tài nghiên cứu, sinh viên làm điều này thì mới chập chững học hỏi kinh nghiệm từ những người thầy nhưng lại không mong đợi một giải thưởng to lớn nào cả. Tuy nhiên kinh nghiệm làm RA sẽ làm cho sinh viên có một bề dày kinh nghiệm để có khả năng độc lập nghiên cứu sau này.
Cũng có những nơi xem nghiên cứu khoa học đơn thuần là để sinh viên nắm vững những tri thức hiện có liên quan đến thực tiễn và lý thuyết môn mình đang học. Nói cách khác, nghiên cứu kiểu này sinh viên bắt tay vào một case study và nghiên cứu nó bằng tất cả những thông tin từ vô số nguồn khác nhau nhằm giải quyết vấn đề nêu ra từ tình huống. Fulbright, một trong những chương trình liên kết, là một chương trình kiểu mẫu thực hiện kiểu nghiên cứu này, trong hầu hết các môn học đều có những case study liên quan đến bài giảng, sinh viên sẽ tuỳ theo chủ đề mà tìm những thông tin cập nhật nhất để giải quyết. Kết quả nghiên cứu sẽ làm cho sinh viên nắm chắc bài giảng và tự tin hơn về những gì trong thực tế mà nhiều khi chính giảng viên cũng cần học hỏi.
Cũng có những nơi, đặc biệt là các trường đại học Việt Nam lại rất tôn vinh các kết quả nghiên cứu khoa học từ sinh viên, hàng năm đều có những giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp Bộ, giải thưởng nhà nghiên cứu trẻ, giải thưởng Eureka… Cách tuyển chọn từ cơ sở cho đến cấp cao nhất, như vậy là có rất nhiều sinh viên xứng đáng được giải thưởng. Tuy nhiên kết quả mang lại là lợi ích sẽ nằm ở đâu? Lợi ích đầu tiên là khuyến khích được sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, lợi ích thứ hai là tạo ra một phong trào sôi động từ những sinh viên trẻ và từ đó làm cho trường đại học có sinh khí nghiên cứu. Tuy nhiên, điều quan trọng là phong trào lại không thành một thói quen thường xuyên và kết quả nghiên cứu nhiều khi không giúp ích nhiều cho chính những môn học mà sinh viên đang theo đuổi và chuyên ngành mà sinh viên hướng nghiệp. Ví dụ sinh viên chuyên ngành “Tài chính ngân hàng” lại nghiên cứu về WTO, ODA…
Điểm lại có ba mục đích nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nghiên cứu khoa học có thể làm RA cho giảng viên trong trường đại học, hoặc nghiên cứu khoa học dạng case study nhằm góp phần làm rõ cho các nội dung của từng chủ đề của môn học, và sau cùng là nghiên cứu khoa học dưới dạng phong trào. Trong Khoa Kinh tế chúng ta hiện nay các sinh viên nghiên cứu mới đang dừng lại ở mục đích thứ ba.
Lợi ích từ nghiên cứu khoa học
– Bằng việc tham gia nghiên cứu khoa học các sinh viên sẽ phát hiện những vấn đề cần phải giải quyết trên cơ sở các mấu chốt, vấn đề nghiên cứu của đề tài. Không ít hay nhiều, khi sinh viên tham gia nghiên cứu, một mặt chính sinh viên đã tự trang bị cho mình những kiến thức về phương pháp luận, mặt khác đó là những hoài bão có thể giúp ích cho địa phương và đất nước sau này.
– Học phải đi đôi với hành, phương châm đó được các trường đại học – cao đẳng chuyên nghiệp quán triệt và thể hiện bằng nhiều chủ trương kết hợp giữa trang bị kiến thức trên lớp và tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu. Thực tế nghiên cứu cho thấy, việc nghiên cứu trong sinh viên không chỉ nâng cao năng lực nghiên cứu mà còn giúp sinh viên lấp đầy dần những lổ hổng kiến thức từ các thầy cô hướng dẫn. Chính điều này làm cho sinh viên kiên trì hơn trên con đường nghiên cứu còn nhiều khó khăn trở ngại.
– Và một lợi ích khác mà người sinh viên có được là các điểm cộng và điểm thưởng vào kết quả học tập cuối năm, điểm rèn luyện tuỳ vào thành tích nghiên cứu đạt được, theo quy định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo và của BGH trường Đại học Tây Bắc. Đông thời sinh viên làm NCKH có cơ hội nhận được các giải thường sinh viên NCKH của Khoa, Trường và các cấp khác.
Tóm lại, việc NCKH trong sinh viên có hai lợi ích to lớn: một là lợi ích của chính các sinh viên thực hiện về tinh thần, kiến thức và vật chất; một mặt góp phần vào việc đề xuất, hoạch định chủ trương chính sách phát triển của nước nhà. Kết quả nghiên cứu không chỉ ghi nhận sự trưởng thành của đội ngũ nghiên cứu mà còn nâng cao vai trò, vị trí sinh viên trong nhà trường và xã hội, là điểm ngắm của các tổ chức kinh tế-xã hội nhằm tạo nguôn nhân lực cho mình qua những học bổng hỗ trợ. Đó cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy sinh viên tích cực nghiên cứu khoa học.
Giảng viên hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học
Vai trò giảng viên trong quá trình dìu dắt sinh viên theo kinh nghiệm cá nhân rất có hiệu quả với hai điều kiện cần. Đầu tiên chính giảng viên phải có những đề tài đang nghiên cứu, chỉ có như vậy mới tạo cơ hội cho sinh viên cùng tham gia với những mảng nhỏ của đề tài lớn, giảng viên và sinh viên sẽ làm việc theo kiểu team work (đôi khi còn gọi là research team), có nghĩa là giảng viên truyền đạt những kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực mình đang nghiên cứu và đồng thời vạch ra hướng đi để sinh viên đi đúng hướng. Thể hiện sự trao đổi từ hai phía, có nghĩa là sinh viên không chỉ thụ động chờ sự hướng dẫn thuần tuý từ giảng viên mà còn phải nêu những ý tưởng mình khám phá được trong quá trình cùng nghiên cứu với giảng viên. Cách học thời phổ thông và cách giảng dạy độc thoại, có thể nói đã tạo ra một sức ỳ không nhỏ trong quá trình sinh viên nghiên cứu với giảng viên.
Điều kiện cần thứ hai là giảng viên phải có phương pháp nghiên cứu rõ ràng, chuẩn mực. Những phương pháp truyền thống như phân tích, tổng hợp, thống kê thứ cấp đã không làm nổi bật những đóng góp mới từ việc nghiên cứu. Lĩnh vực phương pháp nghiên cứu trước hết giảng viên nên làm chủ rồi sau đó mới truyền đạt cho sinh viên để họ có cơ sở nghiên cứu. Đó là phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Phương pháp nghiên cứu khoa học sẽ giúp chúng ta các bước trình bày vấn đề nghiên cứu sau khi tổng quan các đề tài nghiên cứu đã thực hiện, các phương pháp giải quyết vấn đề nghiên cứu và cách gợi ý chính sách.
Phương pháp nghiên cứu
Hai loại phương pháp liên quan đến phương pháp luận nghiên cứu khoa học cần triển khai trong trường đại học, trước hết là giảng viên sau đó là sinh viên. Dĩ nhiên trường và khoa chúng ta đã và đang thực hiện giảng dạy hai phương pháp này, nhưng vấn đề ở chỗ là sự liên kết của nó với quá trình nghiên cứu, hay nói khác đi là sự ứng dụng trong thực nghiệm. Lĩnh vực quản trị thì nên đi sâu vào các phương pháp nghiên cứu thị trường, còn lĩnh vực kinh tế thì nên đi vào các môn học kinh tế lượng và các công cụ định lượng khác. Có thể nói một cách đơn giản là giảng viên vừa phải am hiểu các vấn đề liên quan đến thị trường và các công cụ nghiên cứu thị trường, nếu người dạy marketing lại không biết rõ về thị trường thì sinh viên sẽ không biết ứng dụng hiệu quả cho tình huống nghiên cứu trong thực tế. Giảng viên dạy kinh tế lượng phải hiểu biết sâu về kinh tế vi mô và vĩ mô, thì từ đó mới có sự kết hợp tốt giữa các vấn đề kinh tế và định lượng chúng. Đây là điểm nhức đầu của các giảng viên khi chấm các đề tài nghiên cứu sinh viên ,vì đa số các đề tài chỉ dừng lại ở số liệu thứ cấp và thống kê mô tả mà rất ít đề tài định lượng được.
Kết luận: Nghiên cứu khoa học là một công việc không dễ dàng. Nhưng với kiến thức sâu sắc và niềm đam mê cộng với một môi trường học tập và nghiên cứu thuận lợi, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng nghiên cứu khoa học trong sinh viên Khoa Kinh tế, trường Đại học Tây Bắc sẽ gặt hái những kết quả tốt đẹp.
ThS. Đoàn Thanh Hải