Thông tin tóm tắt về đề tài Chiến lược quảng bá mặt hàng thổ cẩm ở Sơn La

Ngày nay, quảng bá sản phẩm và thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng trong kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nhất là đối với những mặt hàng truyền thống như thổ cẩm. Định hướng cách thức quảng bá sao cho phù hợp với từng loại hình sản phẩm, từng đối tượng khách hàng là vấn đề sống còn cho việc quảng bá sản phẩm của mỗi doanh nghiệp, địa phương.

Tên đề tài: Chiến lược quảng bá hàng thổ cẩm ở Sơn La

Sinh viên thực hiện:
1. Hứa Thị Thanh
2. Ngô Thị Khánh An
Lớp: K52 – ĐHQTKD – Khoa: Kinh tế

Mục đích của đề tài

Về mặt lý luận: Làm rõ cơ sở lý luận về chiến lược quảng bá sản phẩm.

Về mặt thực tiễn: Khảo sát, đánh giá thực trạng chiến lược quảng bá mặt hàng thổ cẩm ở Sơn La.

Từ đó xây dựng những chiến lược quảng bá cho mặt hàng thổ cẩm ở Sơn La và xác định điều kiện để thực hiện thành công chiến lược quảng bá đã đề ra, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và xoá đói giảm nghèo tại Sơn La.

Tóm tắt đề tài

Sơn La một tỉnh vùng cao thuộc khu vực miền núi phía Bắc, sau gần 20 năm đổi mới kinh tế đất nước ta nói chung Sơn La nói riêng cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ta được nâng lên rõ rệt. Kinh tế ở khu vực nông thôn cũng như miền núi đã chuyển hướng theo đà CNH – HĐH.

Sơn La là một tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc, kinh tế của tỉnh sau những năm đổi mới tuy có tốc độ tăng trưởng khá cao so với cả nước, nhưng chưa vững chắc, chất lượng chưa cao, hiệu quả và khả năng cạnh tranh thấp. Đến nay, kinh tế của Sơn La về cơ bản vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ, cơ cấu sản xuất và cơ cấu kinh tế còn đơn điệu, lạc hậu năng suất lao động thấp. Đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nền kinh tế còn mang nặng tính tự nhiên, tự cung tự cấp hay nói một cách khác thị trường “trống” còn rất lớn.

Khoảng cách chênh lệch về mức sống, trình độ dân trí, trình độ văn hóa giữa các vùng đô thị, vùng gần trục giao thông với vùng cao, vùng sâu, vùng xa không những không thu hẹp mà ngày càng tăng lên. Ngành nghề chủ yếu và phổ biến ở Sơn La là nghề dệt hàng thổ cẩm thủ công bán lấy tiền làm thu nhập cho bản thân và gia đình người dân Sơn La.

Ngày nay, kinh tế thị trường đã phát triển, thổ cẩm đã có mặt trên thị trường, thậm chí nó còn được người tiêu dùng ở các thành phố lớn yêu thích. Tuy nhiên, không phải lúc nào người tiêu dùng ở thành phố cũng có thể mua được thổ cẩm của những người dân tộc, đặc biệt là của người Thái Sơn La. Thổ cẩm của người Thái Sơn La với những hoạ tiết hoa văn phong phú, nhã nhặn đã chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Nhưng hiện nay, Sơn La chưa có được những làng chuyên dệt thổ cẩm. Do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát nên nhiều sản phẩm tạo ra không phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Nếu có chiến lược hành động và phát triển cụ thể và đúng đắn sẽ tạo được việc làm và thu nhập ổn đinh cho người làm nghề, góp phần thúc đẩy kinh tế, dân trí,….Giữ được nghề dệt thổ cẩm là giữ được những nét văn hoá cổ truyền của người Thái. Nếu biết kết hợp giữa tính dân tộc và tính hiện đại thì nghề dệt thổ cẩm ở Sơn La sẽ tạo được những mặt hàng kinh tế cao, có giá trị trên thị trường. Người Thái Sơn La tự hào vì có sản phẩm thổ cẩm. Qua bao đời nay đã chứng tỏ một điều thổ cẩm là thứ không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Thái. Nó là biểu tượng của văn hoá Thái. Tuy mặt hàng có những nét đặc trưng, độc đáo nhưng không phải ai cũng biết và hiểu về điều đó. Thách thức đặt ra là làm thế nào để nhiều người biết đến mặt hàng thổ cẩm Sơn La, từ đó sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng thổ cẩm giúp người dân Sơn La có thu nhập và xóa đói giảm nghèo.

Vì vậy, nghiên cứu về vấn đề tìm đường đi mới cho nghề làm thổ cẩm ở Sơn La đang là yêu cầu bức xúc cả về lý luận và thực tiễn. Xuất phát từ tình hình thực tế đó nhóm tác giả đã lựa chọn đề tài: “Chiến lược quảng bá hàng thổ cẩm ở Sơn La” làm đề tài nghiên cứu cấp trường.

Ngày nay, quảng bá sản phẩm và thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng trong kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nhất là đối với những mặt hàng truyền thống như thổ cẩm. Định hướng cách thức quảng bá sao cho phù hợp với từng loại hình sản phẩm, từng đối tượng khách hàng là vấn đề sống còn cho việc quảng bá sản phẩm của mỗi doanh nghiệp, địa phương. Thực tế cho thấy việc áp dụng các chiến lược quảng bá vào bán hàng sản phẩm thổ cẩm Sơn La còn yếu, do kinh nghiệm và trình độ của các chủ thể kinh doanh còn non nớt và không đồng đều trong khi thị trường cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt, sự xuất hiện của các sản phẩm thay thế mặt hàng truyền thống; sự ảnh hưởng của lối sống phương Tây là cho những giá trị văn hóa nói chung và những sản phẩm truyền thống như thổ cẩm nói riêng ngày càng trở nên mờ nhạt và dần mai một. Nếu không có những chiến lược quảng bá đúng đắn thì sản phẩm thổ cẩm sẽ dần bị lãng quên và chỉ còn được trưng bày trong bảo tàng. Vì vậy việc hoạch định xây dựng và áp dụng chiến lược quảng bá hàng thổ cẩm ở Sơn La trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra cho các cơ quan chức năng và các cơ sở kinh doanh là làm thế nào để áp dụng các chiến lược phù hợp với điều kiện của cơ sở mình để mang lại thành công, giúp cho mặt hàng thổ cẩm được nhiều người biết đến, yêu thích và sử dụng nó. Khi nhận thức được được các yêu cầu đòi hỏi này sẽ giúp các cơ sở cũng như cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế độc đáo của cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng những chiến lược quảng bá phù hợp nhất.

Để thực hiện các chiến lược quảng bá hàng thổ cẩm tại Sơn La, trước hết các cơ sở kinh doanh cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản về chất lượng sản phẩm, hình thức mẫu mã sản phẩm, tránh tình trạng ” treo đầu dê, bán thịt chó”. Đội ngũ nhân viên bán hàng cần có trình độ giao tiếp, ngoại ngữ, thái độ thân thiện cởi mở; giá cả một sản phẩm phải đúng với giá trị thực của nó. Khi quyết định áp dựng chiến lược quảng bá nào thì cần nghiên cứu xem các nguồn lực hiện có của cơ sở mình như thế nào?, thực trạng trên thị trường đã áp dụng những chiến lược đó chưa?, hiệu quả mang lại như thế nào?. Các cơ sở kinh doanh phải ý thức được rằng việc áp dụng các chiến lược quảng bá hàng thổ cẩm không chỉ là để tạo ra lợi nhuận cho cơ sở mình, tăng sức cạnh tranh với đối thủ mà còn là cầu nối gián tiếp quảng bá nền văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc Sơn La đến với khách hàng.

Việc quảng bá sản phẩm hàng thổ cẩm Sơn La cũng không chỉ là việc của các cơ sở kinh doanh phải thực hiện, mà đó còn là trách nhiệm đương nhiên của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Vì vậy, các tổ chức này cần tạo điều kiện thuận lợi nhất, đưa ra những chính sách hỗ trợ, thành lập một hiệp hội làng nghề thổ cẩm ở Sơn La để bảo vệ quyền lợi cũng như thắt chặt nghĩa vụ của các cơ sở kinh doanh thổ cẩm, tăng sức cạnh tranh với các cơ sở ngoại tỉnh và các mặt hàng thay thế.

Qua nghiên cứu cho thấy, Sơn La là một thị trường tiêu thụ tiềm năng về mặt hàng thổ cẩm do cơ cấu dân số với dân tộc Thái chiếm hơn nửa tổng số dân trong tỉnh; mặt khác Sơn La là một địa phương có tiềm năng du lịch khá cao vì vậy cần có những chiến lược quảng bá hàng thổ cẩm để mặt hàng truyền thống này được đi xa hơn phạm vi của tỉnh.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của giảng viên hướng dẫn thầy giáo Hoàng Xuân Trọng, sự giúp đỡ về kinh phí của phòng khoa học- công nghệ của trường đại học Tây Bắc nhóm chúng tôi đã hoàn thành đề tài “ Chiến lược quảng bá hàng thổ cẩm ở Sơn La” với những nội dung trong khuôn khổ định hướng đề tài đã được duyệt. Chúng tôi hi vọng đây là sự khởi đầu của những nghiên cứu tiếp theo để ý tưởng phát triển và áp dụng các chiến lược quảng bá hàng thổ cẩm ở Sơn La được đi vào thực tế và đạt hiệu quả. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp của những bên hữu quan để tài được hoàn thiện hơn.

Nhóm sinh viên nghiên cứu