THỰC TRẠNG DU LỊCH LÒNG HỒ THUỶ ĐIỆN THÁC BÀ, HOÀ BÌNH, NA HANG VÀ KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN CHO DU LỊCH LÒNG HỒ THUỶ ĐIỆN SƠN LA
Tóm tắt
Bài viết đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng và thực trạng hoạt động du lịch của 3 lòng hồ thuỷ điện Thác Bà, Hòa Bình và Na Hang. Nghiên cứu cho thấy, du lịch lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình đang phát triển tốt nhất, sau đó đến du lịch lòng hồ Na Hang và cuối cùng là du lịch lòng hồ Thác Bà mặc dù đây là lòng hồ được hình thành lâu năm nhất. Nhóm tác giả tiến hành đánh giá chung về hiện trạng du lịch lòng hồ trên núi với 3 ưu điểm và 5 tồn tại hạn chế và nguyên nhân. Từ đó, bài viết kết luận và rút ra 04 bài học kinh nghiệm để phát triển du lịch bền vững vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội các vùng dân cư vùng lòng hồ thuỷ điện.
Từ khoá: chiến lược marketing địa phương; du lịch bền vững; lòng hồ thuỷ điện Sơn La.
MỞ ĐẦU
Vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La hình thành sau lòng hồ thuỷ điện Thác Bà, Hoà Bình, Na Hang. Để khai thác và phát triển du lịch bền vững tại vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La thì bên cạnh việc tìm hiểu, đánh giá tiềm năng và thực trạng của vùng thì cần thiết phải nghiên cứu bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch đặc trưng vùng lòng hồ tại một số vùng lòng hồ khác có điều kiện tương đồng với Sơn La như: du lịch hồ thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà – Yên Bái, Na Hang – Tuyên Quang. Phương pháp nghiên cứu được nhóm tác giả sử dụng là là tiến hành khảo sát thực địa tại 3 vùng lòng hồ thuỷ điện, phỏng vấn nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đồng thời thu thập thông tin dữ liệu thứ cấp của các cơ quan quản lý về thực trạng hoạt động du lịch, cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ phát triển du lịch, sự tham gia hoạt động du lịch của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
NỘI DUNG
- Khái quát chung về thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Na Hang
* Nhà máy thuỷ điện Thác Bà – Yên Bái
Nhà máy thuỷ điện Thác Bà với công suất 124 MW được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1971. Hồ Thác Bà được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn tất năm 1970 làm nghẽn dòng sông Chảy và tạo ra hồ. Diện tích vùng hồ: 23.400 ha, diện tích mặt nước: 19.050 ha, dài: 80 km, mực nước dao động từ 46 m đến 58 m, chứa được 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có một hệ thống sông ngòi lớn như: ngòi Hành, ngòi Cát đổ về, làm tăng lượng phù sa lớn và các loài sinh vật phong phú cho hồ. Hồ Thác Bà thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình (Yên Bái). Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hồ là nguồn cung cấp nước cho nhà máy Nhà máy thủy điện Thác Bà (nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam) thuộc tỉnh Yên Bái. Hồ nằm cách Hà Nội 160 km theo quốc lộ 2 hoặc quốc lộ 32 về phía Tây Bắc.
* Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình
Nhà máy được xây dựng từ năm 1979 – 1994 với 8 tổ máy đạt công suất 1.920 MW. Với chiều dài 70 km, nằm trải rộng trên địa bàn 17 xã ở 5 huyện, thành phố là: huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và thành phố Hoà Bình. Được hình thành sau khi có công trình thuỷ điện Hoà Bình, trên hồ chỗ rộng nhất 1- 2 km, sâu từ 80 – 110 m. Hồ có dung tích trên 9 tỷ m3 nước. Hồ Hòa Bình có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng du lịch trung tâm phía Bắc của đất nước, liền kề với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
* Nhà máy thuỷ điện Na Hang – Tuyên Quang
Nhà máy thuỷ điện Na Hang – Tuyên Quang với công suất 342 MW được xây dựng từ năm 2002 đến năm 2007. Sau khi hoàn thành, Hồ thủy điện Tuyên Quang trở thành một vùng non nước hữu tình rộng hơn 8.000 ha mặt nước, với 99 ngọn núi hùng vĩ.
- Tiềm năng và thực trạng hoạt động du lịch tại 3 lòng hồ thuỷ điện
* Du lịch lòng hồ thuỷ điện Thác Bà
Tài nguyên du lịch tự nhiên: Hồ Thác Bà có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thảm thực vật phong phú. Trong lòng hồ có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động có giá trị cảnh quan và tâm linh. Không chỉ là thắng cảnh, hồ còn góp phần rất lớn vào việc bảo vệ và cải tạo môi trường làm cho mùa hè nhiệt độ giảm từ 1 đến 2 °C, tăng độ ẩm vào mùa khô lên 20% và lượng mưa từ 1.700 đến 2.000 mm, tạo điều kiện cho thảm thực vật xanh tốt. Các dãy núi đá vôi đã tạo ra một hệ thống hang động rất đẹp trên hồ. Động Thủy Tiên, nằm trong lòng núi đá dài khoảng 100 m với những nhũ đá lấp lánh khi được chiếu sáng tạo ra muôn hình vạn trạng. Động Xuân Long nằm ẩn trong núi đá. Núi Cao Biền là dãy núi lớn và dài nhất của thắng cảnh hồ Thác Bà, có thể đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt ngắm cảnh hồ chìm trong sương với vẻ đẹp lung linh huyền ảo.
Tài nguyên du lịch nhân văn: khu vực làng ven hồ Thác Bà là nơi hội tụ các giá trị về di tích lịch sử, bản làng văn hóa dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan.., Nhiều lễ hội đặc sắc thường diễn ra như: Lễ hội mừng cơm mới của người Tày tổ chức vào ngày 9 tháng 10 âm lịch khi tiết trời sang thu, mùa thu hoạch lúa nếp đến, mùi thơm lan tỏa khắp bản làng. Trong đêm trăng sáng, lễ hội tưng bừng, trai gái hẹn hò nhau cùng giã cốm, rồi từng cặp nhảy múa với trang phục rất độc đáo. Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao với các điệu múa miêu tả cuộc sống của cộng đồng, như cấy lúa, làm nương với hình thức mang đậm nét dân gian. Khu vực hồ thuộc huyện Lục Yên lại có nhiều di tích lịch sử đền Đại Cại, hang Ma mút, chùa São, núi Vua Áo Đen.
* Du lịch lòng hồ thuỷ điện Hoà BìnhHoạt động du lịch: Trên vùng hồ hiện nay đã có 20 tàu chở khách du lịch do tư nhân làm chủ hoạt động thường xuyên, có công ty vận tải đường sông chuyên trở khách cố định theo tuyến. Những ngày mùa đông, trời rét lượng khách du lịch đến đây ít nhưng mỗi tháng cũng có từ 25-20 đoàn khách thăm quan lòng hồ. Còn những ngày mùa hè thì đông hơn. Sau khi đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đi vào hoạt động thì lượng khách du lịch đến thăm quan giảm đi. Du khách trong nước thì thường đến thăm quan khu vực nhà máy thuỷ điện Thác Bà, đền Thác bà, đền Thác Ông và động Thuỷ Tiên, còn du khách nước ngoài ít đến thăm quan các đền chùa trên hồ mà thường chỉ đến nhà máy thuỷ điện Thác Bà, động Thuỷ Tiên và khu du lịch sinh thái Ngòi Tu, họ thường nghỉ lại ở các làng ven hồ qua đêm. Khu vực mặt đập thuỷ điện dành cho khách thăm quan được tổ chức bài bản, sạch sẽ gồm khu bán vé, khu vệ sinh, khu dịch vụ thương mại và hàng lưu niệm. Tuy nhiên hiện nay, nơi đây chưa có nét chấm phá về văn hoá, cũng như các loại hình dịch vụ đi kèm du lịch đặc trưng vùng, đặc biệt là dịch vụ du lịch còn hạn chế, ngoài ẩm thực, còn thiếu các loại hình giải trí, địa điểm giải trí, thiếu hướng dẫn viên du lịch có trình độ, kinh nghiệm, hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch, quảng bá du lịch hồ Thác Bà còn khiêm tốn, không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên.
Tài nguyên du lịch tự nhiên: thiên nhiên đa dạng, phong phú với địa hình bị chia cắt bởi nhiều ngòi, khe, suối… Trong hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích 157,5 ha. Phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, hai bên hồ là những cánh rừng núi ngút ngàn, thơ mộng, hấp dẫn du khác phù hợp với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp, nghỉ dưỡng cuối tuần.
Tài nguyên du lịch nhân văn: Nhiều điểm thăm quan tâm linh, văn hoá, du lịch nổi tiếng như Đền Bờ, động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên… Lễ hội Đền Bờ được tổ chức mỗi năm một lần, diễn ra từ mùng 7 tháng giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn không phải riêng của người Mường Hòa Bình mà còn có sự tham gia của nhiều dân tộc anh em trong và ngoài tỉnh, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tới thăm quan và làm lễ. Cách không xa là động Thác Bờ nằm ở sườn núi phía bắc trong dẫy núi Chúa bên bờ hồ Hòa Bình, thuộc xóm Bưng, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc). Xung quanh lòng hồ chứa đựng hàng trăm đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước mệnh mông, trong đó, nhiều đảo đã được đầu tư cải tạo thành các khu du lịch hấp dẫn với những nét đặc trưng riêng như: đảo Dừa, đảo Bè Bạn, đảo Cối Xay Gió… Ngoài vẻ đẹp tự nhiên vùng hồ, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng do chính người dân trên đảo nuôi, trồng và chế biến theo cách thức, gia vị truyền thống riêng của người dân bản địa như: cá hun khói, rau rừng đồ chấm lòng cá, thịt lợn nướng…
Hoạt động du lịch: Tăng trưởng bình quân về số lượt khách đến Hồ Hòa Bình giai đoạn 2010 – 2016 tăng 11%, năm 2016 đạt 403.000 lượt, trong đó khách Quốc tế chiếm 11%, khách nội địa chiếm 89%. Năm 2016 tổng thu từ du lịch của khu du lịch Hồ Hòa Bình đạt 67.700 triệu đồng, trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt 6.782 triệu đồng, tổng thu từ khách nội địa đạt 60.918 triệu đồng. Qua đó, cho thấy khách du lịch trong nước vẫn là nguồn thu chính tại khu du lịch Hồ Hòa Bình. Tính đến hết năm 2016, khu du lịch Hồ Hòa Bình đã có 05 cơ sở lưu trú, trong đó có 03 nhà nghỉ với 24 buồng và 02 cơ sở khác với 15 buồng, chưa có khách sạn. Như vậy có thể thấy, số lượng và chất lượng cơ sở lưu trú tại khu vực này chưa đủ đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, do vậy trong thời gian tới cần chú trọng đầu tư để phù hợp với tiêu chí khu du lịch Quốc gia cũng như xu hướng phát triển của du lịch Hòa Bình. Đến năm 2016, tổng số lao động du lịch tại KDL Hồ Hòa Bình 394 người, trong đó lao động trực tiếp chiếm 81%, lao động gián tiếp chiếm 19%. Hệ thống tàu thuyền chở khách rất nhiều và đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, được tổ chức thành các tổ, sắp xếp chạy theo ca, theo tour tuyến linh hoạt, có một công ty cổ phần đứng ra quản lý bến thuyền. Hiện nay, khu du lịch Hồ Hòa Bình vẫn chưa có ban quản lý riêng, do vậy, công tác tuyên truyền quảng bá thương hiệu du lịch chưa đủ sức mạnh, chưa huy động được sức mạnh xã hội hoá tham gia giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương, các đơn vị, cá nhân chưa nhiệt tình, hưởng ứng thực hiện chương trình hành động du lịch. Vấn đề vệ sinh, xử lý rác thải ở bến thuyền lên xuống chưa đảm bảo, mặt nước nhiều rác và chai lọ do du khách vứt xuống là vấn đề cần quan tâm giải quyết triệt để.
* Du lịch lòng hồ thuỷ điện Na Hang
Tài nguyên du lịch tự nhiên: Thiên nhiên đã ban tặng cho Na Hang nhiều tài nguyên quý báu, đặc biệt là tài nguyên rừng. Rừng chiếm 84,62% diện tích tự nhiên toàn huyện, có giá trị về kinh tế, có ý nghĩa quan trọng việc phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Những cánh rừng nguyên sinh của Na Hang có cây nghiến nghìn năm tuổi và loài Voọc mũi hếch được ghi trong Sách đỏ thế giới. Thác nước đổ như mái tóc buông xuống rừng cây đại ngàn, tạo thành bức tranh tuyệt mỹ. Từ đoạn hợp lưu sông giữa Gâm với sông Năng, lại là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ, bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước thật lung linh kỳ vĩ. Những thác Tin Tát, Đén Luông, Đén Lang đầy thơ mộng.
Tài nguyên du lịch nhân văn: Na Hang được biết đến là vùng đất của 12 dân tộc cùng sinh sống, với những điệu hát then, hát lượn của dân tộc Tày, hát sli của dân tộc Nùng, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu… ngân nga làm say đắm lòng người. Chân núi Pắc Tạ có đền thờ vị thiếp của Tướng quân Trần Nhật Duật. Hang Phia Vài là hang người Việt cổ, nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá trên dưới 10.000 năm.
Hoạt động du lịch: năm 2015 Nà Hang đã thu hút 125.000 lượt du khách, trong đó khách quốc tế 285 lượt người và khách trong nước 124.715 lượt, tăng 18,82% so với năm 2014. Tổng số khách lưu trú tại huyện đạt 25.384 lượt người, nâng doanh thu từ hoạt động lưu trú đạt gần 2,6 tỷ đồng. Bên cạnh việc hình thành một số tour tuyến du lịch đường thuỷ quan trọng như: Nà Hang – Song Long, Nà Hang – Bắc Mê (Hà Giang), Nà Hang – Ba Bể (Bắc Kạn)… việc đưa vào khai thác các tuyến du lịch đường bộ như tham quan Rừng đặc dụng Tát Kẻ – Bản Bung. Các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ cũng được hình thành từ 4 năm trở lại đây. Đi du thuyền trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, du khách sẽ được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Cũng nhằm phát huy giá trị văn hóa và tạo sự hấp dẫn thu hút du khách, Ban quản lý du lịch sinh thái Na Hang đang phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai xây dựng các điểm du lịch làng văn hóa Nà Tông ở xã Thượng Lâm; Bản Phiêng Bung ở xã Năng Khả; Bản Lục ở xã Đà Vị. Nà Hang đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch: Tổ chức lễ hội Lồng tông tại nhiều địa phương (thị trấn Nà Hang, xã Thượng Lâm), tổ chức thành công Hội chợ Thương mại – Du lịch và Tuần Văn hoá – Du lịch “Hồ trên núi”… Đặc biệt, đây là năm công bố quần thể 10 di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia tại Nà Hang và hũ rượu ngô men lá của Nà Hang được công bố lập kỷ lục hũ rượu ngô lớn nhất Việt Nam. Na Hang hiện có 10 cơ sở lưu trú là nhà nghỉ, khách sạn với gần 200 phòng nghỉ và hơn 300 giường nghỉ. Cùng với việc đầu tư vào xây dựng các cơ sở lưu trú để phục vụ khách du lịch, các doanh nghiệp, hộ làm du lịch còn đầu tư mua 120 tàu, thuyền vừa phục vụ du khách, vừa làm phương tiện vận chuyển người và hàng hóa trong khu vực hồ thủy điện. Có thể nói, nhận thức về du lịch của người dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn như Công ty du lịch Nga Viên, doanh nghiệp Thắng Linh… đều tập trung vào phát triển các dịch vụ mà du khách cần như dịch vụ ăn uống, tàu thuyền du lịch và các sản phẩm ẩm thực làm quà tặng.
- Đánh giá chung về du lịch của 3 lòng hồ thuỷ điện
* Ưu điểm
Một là, hấp dẫn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn mang đặc trưng riêng có của du lịch hồ trên núi đáp ứng nhu cầu và xu hướng du lịch sinh thái tự nhiên và du lịch văn hoá cộng đồng. Cảnh quan sinh thái mặt hồ đẹp, xung quanh là núi non, các đảo lớn nhỏ, hang động, suối khoáng nóng, thác nước, gắn với nền văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các bản làng ven hồ.
Hai là, đã có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch. Nhà nước đóng vai trò định hướng phát triển, quy hoạch, tạo cơ chế chính sách, tổ chức các sự kiện lớn và tuyên truyền cho cả vùng; doanh nghiệp và dân cư là những người làm trực tiếp, đầu tư xây dựng sản phẩm và dịch vụ, trong đó doanh nghiệp có quy mô lớn tạo nên những đột phá, còn người dân địa phương rất thân thiện và cung ứng các dịch vụ qui mô nhỏ, dịch vụ homestay, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn, biểu diễn văn nghệ, hàng lưu niệm. Vùng lòng hồ nào có Ban quản lý chuyên trách thì hoạt động du lịch phát triển tốt hơn.
Ba là, cơ sở hạ tầng về đường giao thông, phương tiện vận chuyển, tàu thuyền, cơ sở lưu trú, nhà hàng đã từng bước nâng cao tương đối phát triển đáp ứng nhu cầu cơ bản của du khách; hệ thống thông liên lạc, điện nước đảm bảo; khả năng tiếp cận điểm đến thuận lợi hơn, thời gian di chuyển nhanh hơn do chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng được quan tâm đầu tư.
* Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Một là, vấn đề an toàn cho du khách khi đi thuyền trên lòng hồ và giao thông thuỷ. Còn nhiều tàu thuyền chưa được trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu hộ; ảnh hưởng của mưa gió gây nên những con sóng lớn làm thuyền chòng chành có nguy cơ bị lật thuyền, chưa có những chỉ báo những vùng hồ nguy hiểm, xoáy lớn.
Thứ hai, vệ sinh môi trường mặt hồ, ven hồ và lòng hồ chưa đảm bảo. Người dân và du khách còn vứt rác bừa bãi trên mặt hồ, bến thuyền, tạo nên những lắng đọng lòng hồ, vừa ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch vừa làm ô nhiễm môi trường sinh thái tự nhiên. Nguyên nhân là chính quyền địa phương tuyên truyền chưa đủ mạnh, chưa có các qui định và chế tài xử lý những vi phạm của doanh nghiệp, người dân và du khách.
Thứ ba, ảnh hưởng rõ rệt bởi tính thời vụ, khoảng thời gian khai thác du lịch không thực hiện tốt quanh năm. Vào mùa mưa, tàu thuyền đi lại khó khăn do nước lớn, sóng to; mùa khô thì mực nước giảm xuống diện tích lòng hồ bị thu hẹp, cảnh quan thiên nhiên không đẹp. Thời gian du lịch đẹp nhất là từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm.
Thứ tư, tiện nghi dịch vụ điểm đến và chất lượng dịch vụ chưa tốt, còn thiếu thốn những loại hình dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp và người dân kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát nên các tiện nghi và dịch vụ được đầu tư với qui mô nhỏ, nguồn nhân lực du lịch đa phần không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, do vậy khó có thể thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần.
Thứ năm, sự liên kết giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Cộng đồng dân cư chưa thật sự chặt chẽ và đồng bộ, quy hoạch chính sách của nhà nước chưa được doanh nghiệp và dân cưu địa phương triển khai mạnh mẽ và thực hiện đúng hướng. Nguyên nhân là cấp chính quyền trung gian ở huyện, xã, bản làng còn vướng bận nhiều vấn đề phát triển kinh tế xã hội khác nên việc tập trung chỉ đạo phát triển du lịch còn ít, mặt khác chưa có những nghiên cứu, đánh giá, tổng kết và xây dựng những mô hình du lịch bền vững thành công để nhân rộng cho các vùng du lịch lòng hồ.
- KẾT LUẬN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Thông qua quá trình khảo sát thực địa tại 3 vùng lòng hồ thuỷ điện cho thấy hoạt động du lịch vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình là phát triển tốt nhất với mô hình du lịch có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương. Hoạt động du lịch vùng lòng hồ thuỷ điện Thác Bà trong thời gian gần đây có sự giảm sút, một mặt do đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đã hoàn thành đi vào hoạt động, các du khách đến Lào Cai không qua hồ Thác Bà nữa, mặt khác do định hướng đầu tư phát triển du lịch chưa được triển khai mạnh mẽ. Còn hoạt động du lịch tại vùng lòng hồ thuỷ điện Na Hang – Tuyên Quang đang trên đà phát triển với tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn đặc trưng, đồng thời mô hình du lịch có ban quản lý khu du lịch riêng trực thuộc tỉnh uỷ, có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp quy mô lớn và có sự tham gia của cộng đồng người dân địa phương. Từ đó, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm để phát triển du lịch bền vững vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La như sau:
Thứ nhất, vai trò của cơ quan quản lý chuyên trách về du lịch lòng hồ rất quan trọng. Để du lịch lòng hồ phát triển bền vững đạt được đồng thời các mục tiêu về kinh tế, văn hoá xã hội, môi trường và an ninh thì cần thiết thành lập một Ban quản lý khu du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La, định kỳ tổ chức các sự kiện nổi bật để thu hút số lượng lớn du khách.
Thứ hai, khai thác các lợi thế của du lịch hồ trên núi thành sản phẩm đặc trưng về du lịch thái và du lịch cộng đồng, tạo sản phẩm đa dạng có nhiều sự lựa chọn cho du khách voà các thời điểm đúng vụ và trái vụ; đảm bảo an toàn cho du khách bằng hệ thống phao và nhân viên cứu hộ, tuyên truyền nâng cao ý thức doanh nghiệp, người dân và du khách về du lịch trách nhiệm với môi trường, không xả rác trên mặt hồ, ven bờ.
Thứ ba, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để xây dựng và nâng cao cơ sở hạ tầng, dịch vụ và tiện nghi điểm đến vùng lòng hồ thông qua các dự án kêu gọi đầu tư, kèm theo chính sách khuyến khích đầu tư đặc thù; thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ trong tỉnh và trong nước, thu hút các nhà đầu tư lớn tập đoàn quốc tế.
Thứ tư, thực hiện tốt liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư nhằm kích cầu du lịch, đồng thời xây dựng mô hình du lịch bền vững có sự tham gia của các nhà nghiên cứu và các tổ chức du lịch trách nhiệm. Để thực hiện tốt mối liên kết này cần dựa trên cơ sở phân chia hài hoà lợi ích kinh tế, quyền lợi và trách nhiệm với văn hoá xã hội, với môi trường sinh thái tự nhiên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Na Hang (2014, 2015), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác và phương hướng, nhiệm vụ công tác.
- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Yên Bái, Tổng kết hoạt hoạt động du lịch năm 2014, 2015.
- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoà Bình, Báo cáo kết quả hoạt động du lịch năm 2010 đến năm 2016.
- Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 1528/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.
Người viết: Hoàng Xuân Trọng, Nguyễn Hoàng Yến