THỰC TRẠNG VÀ HƯỚNG ĐI MỚI CHO NGÀNH DU LỊCH HUYỆN BẮC HÀ TỈNH LÀO CAI
THỰC TRẠNG VÀ HƯỚNG ĐI MỚI CHO NGÀNH DU LỊCH HUYỆN BẮC HÀ TỈNH LÀO CAI
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa, xã hội ở các nước. Về mặt kinh tế, du lịch đã trở thành một trong những ngành quan trọng của nhiều nước công nghiệp phát triển. Mạng lưới du lịch đã được thiết lập ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các lợi ích kinh tế mang lại từ du lịch là điều không thể phủ nhận, thông qua việc tiêu dùng của du khách đối với các sản phẩm của du lịch. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của ngành du lịch, trong những năm qua, Việt Nam nói chung và huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai nói riêng đã có những chính sách ưu tiên nhất định cho phát triển ngành này. Tuy nhiên, mức đầu tư cho du lịch chưa được quan tâm đúng mức, chưa xứng với tiềm năng vốn có của nó. Vậy giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn trên? Trong bài viết này, tác giả bước đầu chỉ ra thực trạng và một số giải pháp trong việc thúc đẩy ngành du lịch huyện Bắc Hà phát triển mạnh trong thời gian tới.
2. Nội dung
2.1. Tiềm năng và thực trạng du lịch Bắc Hà
Bắc Hà là huyện vùng cao tỉnh Lào Cai. Người địa phương (người Tày, Nùng) gọi là Pạc Ha (nghĩa là trăm bó gianh). Thời Pháp thuộc, các dịch giả người Pháp gọi là Pakha. Bắc Hà cũng như các huyện, thị khác có một quá trình lịch sử phát triển lâu dài. Bắc Hà cùng với Sa Pa, thành phố Lào Cai được xem là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh. Hàng năm lượng khách du lịch đến Bắc Hà nằm trong tốp 3 điểm du lịch hàng đầu của Lào Cai, đón khoảng trên 100.000 lượt khách du lịch.
Bắc Hà có nhiều tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên để có thể thúc đẩy du lịch phát triển. Bắc Hà còn nhiều trang sử đấu tranh oanh liệt chống giặc ngoại xâm tiềm ẩn trong các di tích còn tồn tại đến nay như: Thành cổ Trung Đô (xã Bảo Nhai) do chúa Bầu Vũ Văn Uyên cùng con cháu xây dựng những thập kỷ 30 đầu thế kỷ XVI để bảo vệ vùng căn cứ sông Chảy, là hậu cứ chống nhà Mạc bảo vệ biên cương . Căn cứ thủ lĩnh Giàng Chẩn Mìn và Giàng Chẩn Hùng ở Lao Dìn Phàng, Tà Chải, Trung Đô đánh tan giặc Hán cờ vàng cùng bọn tướng phỉ Sần Dìn Pao khi chúng đem quân đánh chiếm Bắc Hà tháng 4 năm 1872. Đánh bại âm mưu xâm chiếm Bắc Hà của bọn thực dân Pháp năm 1886. Phối hợp với cánh quân Cờ Đen phục kích ở dốc Trung Đô đánh tan một đại đội lính Pháp khi chúng tấn công lên Bắc Hà năm 1891; Căn cứ Triệu Tiến Tiên ở bản Cái, Nghĩa Đô tiến về Trúc Lâu (châu Lục Yên) làm cứ điểm chỉ huy phong trào kháng pháp ở hai tỉnh Lào Cai – Yên Bái đã từng được phong làm “quốc vương”. Ông đã tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và tổ chức cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược tháng 10 năm 1914; di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ Hoàng A Tưởng ở thị trấn được xây dựng năm 1914 và hoàn thành năm 1921. Tuy đã trải qua 80 năm tồn tại cùng thời gian, phủ bao lớp rêu phong cổ kính nhưng vẫn đứng uy nghi nổi trội giữa khu dân cư đông đúc, phố xá tấp nập, là một di sản văn hoá góp phần tìm hiểu kiến trúc, lịch sử xã hội vùng dân tộc miền núi thời phong kiến Việt Nam đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia.
Bên cạnh các di tích lịch sử – văn hoá , Bắc Hà còn nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú như: núi Cô Tiên không chỉ đẹp về cảnh quan môi trường mà còn chức đựng nhiều truyền thuyết dân gian. Hang Tiên ở Bảo Nhai với nhiều thắng cảnh đẹp kỳ vĩ có rừng nguyên sinh, những nhũ đá muôn hình vạn trạng, những chú voi, đại bàng, bồn tắm thiên nhiên, những hang lớn như mê cung huyền ảo, những rào luỹ đá, những tháp cổ to nhỏ, những đảo nắng đầy hoa thơm cỏ lạ, những truyền thuyết về miếu Ba cô có huyền bí thiêng liêng … mời bạn đi du lịch trên sông Nậm Chảy.
Đặc biệt, cùng với mận tam hoa Bắc Hà còn có rượu ngô bản Phố trong vắt thơm ngon. Có chợ văn hoá nơi gặp gỡ của biết bao tình duyên đôi lứa thấp thỏm đợi chờ và bịn rịn chai tay – nơi đây bán dủ các loại hoa thơm cỏ ngọt; trang phục thổ cẩm các dân tộc Mông, Dao với nhiều loại hình hoa văn rực rỡ. Có văn hoá ẩm thực với món ăn Thắng cố nghi ngút rượu nồng cùng với phở chua đầy hương vị rừng núi. Có các lễ hội Lồng Tồng cầu mưa với điệu múa xoè uyển chuyển của người Tày – Tà Chải, Na Hổi; là những vốn văn hoá đặc sắc góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Nổi danh với nhiều danh thắng, cảnh đẹp mang đậm nét tự nhiên và lịch sử. Bắc Hà còn có khí hậu ôn hòa quanh năm mát mẻ. Là nơi hội tụ của những sắc màu dân tộc, của những nét văn hóa truyền thống của 14 dân tộc anh em cùng sinh sống chan hòa, đùm bọc, yêu thương nhau.
2.2. Những khó khăn và thách thức
Tuy tiềm năng, thế mạnh là thế, nhưng có thể thấy du lịch Bắc Hà vẫn chưa tạo được sức bật, chưa phát huy được hết các giá trị sẵn có, du lịch Bắc Hà vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng thế mạnh của mình.
Tỉ lệ khách đến lưu lại cũng khá thấp, chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng lượng khách đến. Hoạt động quảng bá, xúc tiến còn nhỏ lẻ. Tuyến, điểm du lịch dù hấp dẫn nhưng vẫn chưa thu hút được khách du lịch. Cơ sở lưu trú, chất lượng dịch vụ còn thấp; nguồn nhân lực du lịch vẫn còn thiếu và nhiều hạn chế về chất lượng chuyên môn. Các di tích lịch sử bị xuống cấp theo thời gian, những trò chơi như đua thuyền, đua ngựa chỉ thu hút khách đến xem từ một đến hai lần.
Về chủ quan, huyện chưa có những chính sách nhất quán, đồng bộ giữa các ngành, các địa phương trong việc đầu tư xây dựng, thu hút các nguồn ngân sách phục vụ cho du lịch; còn thiếu những kế hoạch dài hơi để thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, bền vững. Việc xã hội hóa du lịch, nhất là phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái chưa được quan tâm đầu tư đúng với tiềm năng. Trước thực trạng như vậy, bài toán đặt ra cho ngành du lịch Bắc Hà trong giai đoạn tới là làm thế nào để tăng sức hút, thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến với Bắc Hà, phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường.
2.3. Những hướng đi mới cho du lịch Bắc Hà
Để giải được bài toán này, trước tiên phải đạt được sự đồng thuận, vào cuộc tích cực của cả chính quyền và người dân địa phương, cũng như cần sự quan tâm, hỗ trợ về chuyên môn của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, xây dựng quy hoạch du lịch trên địa bàn huyện với những nhiệm vụ chủ yếu tập trung vào việc phân vùng, xác định tuyến, điểm du lịch; xác định, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Bắc Hà; Thứ hai, đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực; Thứ ba, gìn giữ các danh lam thắng cảnh, cách di tích lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc. Thứ tư, bằng nhiều biện pháp khác nhau tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Bắc Hà đến với du khách trong và ngoài nước.
Trước tiên, nói đến Bắc Hà là sẽ nghĩ đến CHỢ. Chợ văn hóa Bắc Hà từ lâu đã rất nổi tiếng, là một địa chỉ hấp dẫn. Tuy nhiên, để chợ Bắc Hà thực sự là một chợ văn hóa vùng cao với cái “hồn” riêng, độc đáo, thu hút hơn thì cần phải nghiên cứu cấu trúc lại chợ, xác định các loại mặt hàng, các khu vực bán hàng. Chợ sẽ chỉ bán các mặt hàng nông thổ sản, hàng thủ công truyền thống của đồng bào, kiên quyết không cho các mặt hàng như thổ cẩm từ Trung Quốc bày bán lẫn lộn. Cấu trúc chợ có thể gồm các khu bán hàng nông thổ sản, khu ẩm thực, khu đồ thủ công truyền thống, thổ cẩm, khu bán các loại nhạc cụ của các dân tộc và trình diễn sinh hoạt văn hóa, khu chợ trâu, ngựa, gia súc…Cũng cần phải quan tâm đến vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay hầu hết du khách khi đến Bắc Hà là với mục đích tham quan, mua sắm ở chợ phiên ngày chủ nhật, ngoài ra hầu như không có nhiều hoạt động khác để níu chân du khách. Vậy cần phải làm gì để thu hút khách đến từ ngày hôm trước và lưu lại đến chủ nhật để đi chợ? Muốn như vậy sẽ cần phải có các sản phẩm du lịch trong ngày thứ 7, có thể như tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ vào buổi tối, có các tour tham quan du lịch cộng đồng trong ngày, tham quan rừng cây nguyên sinh, hang động…Việc phát triển du lịch cộng đồng ở Bắc Hà cũng cần phải nghiên cứu kỹ, không thực hiện ồ ạt mà cần phải lựa chọn xây dựng những điểm tham quan du lịch nổi bật, đặc trưng nhất. Loại hình du lịch sinh thái, khám phá cũng có thể khai thác rất tốt ở Bắc Hà với các sản phẩm du lịch tham quan sông Chảy, tham quan rừng gỗ nghiến cổ thụ Cốc Ly, di tích quốc gia hang động Thiên Long…Từ lâu, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà đã là một “thương hiệu” độc đáo được du khách trong và ngoài nước biết đến khá nhiều. Thời gian tổ chức giải thường thu hút hàng vạn du khách, số du khách trong mấy ngày này chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng du khách đến Bắc Hà trong năm. Tuy nhiên, huyện cũng cần nghiên cứu, thay đổi phương thức tổ chức để làm sao giải hấp dẫn hơn, thu hút hơn, biến giải đua ngựa Bắc Hà trở thành một “ngày hội ngựa” thực sự. Để cải thiện năng lực đón khách, việc đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, tuyến, điểm là những vấn đề cần phải nhanh chóng triển khai thực hiện. Bên cạnh các nguồn lực của địa phương, đầu tư của tỉnh, huyện cần phải tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp làm du lịch; có cơ chế chính sách phối kết hợp với doanh nghiệp trong việc vừa khai thác vừa tái đầu tư cho du lịch một cách hiệu quả. Công tác quảng bá, xúc tiến cũng phải được đẩy mạnh, xây dựng thành kế hoạch dài hơi, thành chiến lược cụ thể. Và trước hết, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng vẫn phải là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu.
3. Kết luận
Khai thác, phát triển du lịch mới đang ở những bước “chập chững” đầu tiên, dù có nhiều khó khăn nhưng đó cũng được xem là một thuận lợi không nhỏ cho Bắc Hà trong việc thực hiện quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển du lịch của huyện. Bắc Hà phải tập trung phát triển du lịch theo hướng bền vững, kết hợp hài hòa giữa việc bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa truyền thống, để di sản văn hóa thực sự trở thành tài sản du lịch; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch, tăng lượng khách và thời gian lưu trú của khách, nâng cao mức doanh thu xã hội từ du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, xóa đói giảm nghèo đưa Bắc Hà thành một trị trấn du lịch sầm uất xứng danh với cái tên “ cao nguyên trắng” vùng Tây Bắc.
Họ và tên: Hoàng Mai Loan
Sinh viên lớp: K52 ĐH Kế toán A