VẬN DỤNG MARKETING ĐỊA PHƯƠNG TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG LÒNG HỒ THUỶ ĐIỆN SƠN LA

Tóm tắt

Marketing địa phương ngày nay được chính quyền các tỉnh, thành phố ở Việt Nam vận dụng tạo dựng hình ảnh thân thiện, ấn tượng nhằm thu hút các nhà đầu tư, du khách, nhà kinh doanh và nguồn nhân lực có kỹ năng đến góp phần phát triển kinh tế địa phương. Nhóm tác giả đã nghiên cứu cơ sở lý luận về marketing địa phương với phát triển du lịch bền vững, đánh giá tiềm năng du lịch tự nhiên và kinh tế – xã hội, xác định những cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu chính của du lịch vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Từ đó, hoạch định một số nội dung dựa trên các yếu tố địa phương như: marketing đặc trưng hấp dẫn, marketing cơ sở hạ tầng, marketing hình ảnh địa phương và marketing con người; khuyến nghị với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư nhằm triển khai hiệu quả một số giải pháp marketing địa phương trong phát triển du lịch bền vững lòng hồ thủy điện Sơn La.

Từ khoá: marketing địa phương; du lịch bền vững; lòng hồ thuỷ điện Sơn La.

 

  1. Đặt vấn đề

Nhà máy thuỷ điện Sơn La có công suất lớn nhất Đông Nam Á, Cầu Pá Uôn được chứng nhận kỷ lục có trụ cầu cao nhất Việt Nam – Đó là những ấn tượng về vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Nơi đây có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa rất đa dạng, là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, những tài nguyên đó sẽ mãi tồn tại ở dạng tiềm năng nếu không có sự chủ động khai thác của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Bên cạnh những tiềm năng và lợi thế, du lịch vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La cũng bị tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, mùa mưa và mùa khô ảnh hưởng đến mực nước của hồ thuỷ điện. Vì vậy, để phát triển du lịch bền vững vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La, cần nghiên cứu vận dụng các trường phái lý thuyết phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, lý thuyết về marketing địa phương góp phần giải quyết bài toán phát triển bền vững – phát huy tích cực của du lịch và hạn chế tác động tiêu cực của du lịch thông qua việc tiếp cận theo cơ chế thị trường, xuất phát từ nghiên cứu cơ hội thách thức bên ngoài kết hợp với điểm mạnh và nguồn lực của địa phương vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La.

  1. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

2.1. Marketing địa phương với phát triển du lịch bền vững

2.1.1. Khái niệm và nội dung marketing địa phương

Marketing địa phương với phát triển du lịch bền vững là một quy trình mang tính quản trị và xã hội, theo đó, chính quyền và các bên tham gia hoạt động du lịch dành được những gì họ muốn và cần thông qua việc tạo dựng và trao đổi giá trị với thị trường mục tiêu ở hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch của các thế hệ tương lai trên cơ sở phát triển dung hoà giữa kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường. Trong đó, chính quyền là chủ thể chính hoạch định và triển khai kế hoạch marketing địa phương.

Chính quyền địa phương sử dụng marketing địa phương như một hoạt động chức năng để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Theo Philip Kotler (1993), nội dung chính của marketing địa phương được hoạch định và triển khai dựa vào 4 nhóm yếu tố gồm: đặc trưng hấp dẫn, cơ sở hạ tầng, hình ảnh địa phương và con người  [3], [4].

Marketing những đặc trưng hấp dẫn dựa vào những tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa nổi bật so với các địa phương khác như di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di sản văn hoá, công trình nhân tạo, đặc biệt là những tài nguyên du lịch đã được các tổ chức có uy tín công nhận, chứng nhận hoặc đạt được giải thưởng, lập được con số kỷ lục. Thị trường mục tiêu là nhóm khách du lịch thuần tuý.

Marketing cơ sở hạ tầng sử dụng lợi thế về sự hiện đại và tiện lợi của mạng lưới giao thông, thông tin liên lạc, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí phục vụ du lịch. Thị trường mục tiêu ưu tiên là nhóm khách du lịch kết hợp tham dự sự kiện, hội nghị và hội thảo.

 

Marketing hình ảnh địa phương và chất lượng sống dựa trên những cảm nhận tích cực của du khách về địa phương như hình ảnh mạnh mẽ, có giá trị, độc đáo và khác biệt. Thị trường mục tiêu là nhóm khách hàng có nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng hồi phục sức khoẻ hoặc nhóm khách du lịch dài ngày.

Marketing con người khai thác tài nguyên là những nhân vật nổi tiếng, những lãnh đạo tận tâm, nhân tài, người có tinh thần kinh doanh, sự thân thiện của dân cư địa phương. Thị trường mục tiêu là nhóm du khách nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử và văn hoá địa phương.

2.1.2. Nguyên tắc và mô hình phát triển du lịch bền vững

Bramwell & Lane (1993) và WCED (1987) đã đưa ra 4 nguyên tắc phát triển bền vững: (1) đề ra chiến lược và kế hoạch toàn diện; (2) bảo tồn quá trình sinh thái cần thiết; (3) bảo vệ di sản nhân văn và đa dạng sinh học; và (4) phát triển và duy trì trong thời gian dài. Sau đó, UNWTO (2004) đã kế thừa và phát biểu mạnh mẽ thành 3 nguyên tắc sau đây.

Du lịch bền vững cần phải:

(1) Sử dụng tối ưu tài nguyên môi trường như một thành phần cốt lõi trong phát triển du lịch, duy trì quá trình sinh thái cần thiết và giúp bảo tồn di sản tự nhiên và đa dạng sinh học.

(2) Tôn trọng văn hoá – xã hội đích thực của cộng đồng bản địa, bảo tồn di sản văn hoá và những giá trị truyền thống, và góp phần hiểu biết giao thoa văn hoá và cảm thông.

(3) Đảm bảo hoạt động kinh tế lâu dài, mang lại những lợi ích kinh tế – xã hội cho các bên liên quan được phân phối công bằng, tạo việc làm ổn định và những cơ hội thu nhập và DV xã hội cho cộng đồng, và góp phần giảm nghèo.

Mô hình phát triển du lịch bền vững gồm 3 thành phần chính: (1) Bên cầu: du khách; (2) Bên cung: chính quyền địa phương, doanh nghiệp và dân cư địa phương; (3) Sản phẩm chủ lực: được tạo dựng từ nguồn lực thiên nhiên, nguồn lực văn hóa và nguồn lực hỗ trợ. Địa phương cần chủ động tạo ra chuỗi giá trị du lịch với sự tham gia của chính quyền, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư vào tất cả các bước tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng nhằm cung cấp cho du khách những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao thoả mãn cao độ nhu cầu khách hàng, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư  [1].

 

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Bài nghiên cứu dựa trên các dữ liệu thứ cấp như các công trình nghiên cứu đã công bố của tác giả trong và ngoài nước, các báo cáo, quy hoạch du lịch liên quan đến vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Qua đó, đã hình thành khung lí thuyết để nghiên cứu thực tiễn, là cơ sở cho việc phân tích, đánh giá thực trạng marketing địa phương với phát triển du lịch bền vững.

Nghiên cứu cũng dựa trên 03 chuyến đi khảo sát thực địa tại vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, tham vấn ý kiến 05 chuyên gia đang làm việc tại cơ quan quản lý du lịch như Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La, Trung tâm Thông tin và xúc tiến Du lịch, Giám đốc Doanh nghiệp và Hợp tác xã về du lịch. Sau đó tiến hành thảo luận nhóm tập trung gồm 06 giảng viên và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch để xác định cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu chính của du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Đây là các phương pháp quan trọng để điều chỉnh khung lí luận marketing địa phương phù hợp với thực tế, đánh giá, so sánh, vận dụng lí thuyết giải quyết vấn đề trong thực tiễn, đồng thời tham vấn được những quan điểm, cách nhìn nhận về thực trạng du lịch vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La.

  1. Kết quả nghiên cứu

3.1. Đánh giá tiềm năng du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La

Vùng lòng hồ Sơn La được hình thành bởi công trình thủy điện Sơn La. Hồ có chiều dài là 175 km từ thị trấn Ít Ong – Mường La – Sơn La đến Mường Lay – Điện Biên, chiều rộng nhất khoảng 1,5 km, diện tích hồ chứa rộng 224 km2 tạo nên một không gian rộng lớn khí hậu trong lành. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mặt nước trong xanh, các hang động, ngọn núi, đảo lớn nhỏ nhấp nhô được ví như “Hạ Long trên núi” [5]. Các tài nguyên nhân văn  nổi bật là đền Nàng Han, đền Linh Sơn Thủy Từ, nhà máy thủy điện Sơn La có công suất lớn nhất Đông Nam Á, Cầu Pá Uôn được chứng nhận kỷ lục có trụ cầu cao nhất Việt Nam, nhà trưng bày các hiện vật lòng hồ thủy điện Sơn La, hang Co Noong; trong vùng có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống là Thái chiếm đa số với 79,8%, dân tộc Kinh chiếm 3,74%, dân tộc H’Mông chiếm 4,55%, dân tộc Khơ Mú chiếm 2,65%, các dân tộc khác chiếm 4,68% (La Ha, Kháng, Mường) với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc [7]. Những nét đặc trưng và giá trị về cảnh quan, mặt nước, sinh thái hồ rất phù hợp để khai thác để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hoá cộng đồng, thể thao, nghỉ dưỡng hồ, du lịch cuối tuần.

Kinh tế – xã hội của vùng đã có những bước phát triển trong thời gian qua tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Ngành nông, lâm nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính tại khu vực, thu hút khoảng 80% lao động; cơ cấu kinh tế đang có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng, giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp; sự hình thành vùng lòng hồ tạo nên phương thức sinh kế mới là nuôi cá lồng mang lại thu nhập cho người dân. Các hoạt động văn hoá không ngừng phát triển. Tại các làng, bản các lễ hội tổ chức đã thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân trên địa bàn đến tham gia, trong đó nổi bật là lễ hội đua thuyền huyện Quỳnh Nhai đã thu hút hàng ngàn người đến xem. Hiện nay, huyện Mường La có 106 nhà văn hóa, 187 đội văn nghệ, huyện Quỳnh Nhai có 116 nhà văn hóa với 179 đội văn nghệ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và khách du lịch. Các cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật khác như điện nước, thông tin liên lạc, internet, đường giao thông liên bản, bến thuyền, phương tiện vận chuyển đường bộ đường thủy… đảm bảo thuận lợi cho du lịch phát triển. [6]

3.2. Thực trạng mô hình du lịch tại vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La

Trong thời gian qua, chính quyền Sơn La đã mời Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khảo sát, đánh giá và lập quy hoạch. Sau đó, năm 2014 Tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành Quyết định số 3244/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 về Kế hoạch triển khai thực hiện “Quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong quy hoạch định hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ lực là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng nhằm khai thác thế mạnh vùng lòng hồ. Cơ sở hạ tầng được chính quyền đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên chuyển biến tích cực hệ thống bến thuyền, đường bê tông liên bản, liên xã thuận lợi cho phát triển du lịch. Hằng năm, huyện Quỳnh Nhai tổ chức sự kiện lễ hội đua thuyền vào ngày mùng 10 Tết âm lịch thu hút được số lượng lớn người dân và du khách; năm 2018 đã tổ chức tuần văn hoá, thể thao và du lịch thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, công tác quảng bá du lịch và đào tạo nguồn nhân lực chưa được chú trọng đúng mức, chưa dành kinh phí hàng năm cho các khoá đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch cho người dân.

Doanh nghiệp trong ngành chủ yếu kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, vận chuyển đường bộ. Về cung ứng dịch vụ lữ hành và vận chuyển trên lòng hồ thì chỉ có 03 đơn vị là HXT Thuỷ sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, Trung tâm lữ hành du lịch – Công ty Cổ phần Cơ khí Sơn La và Công ty Cổ phần dịch vụ và vận tải đường sông Sơn La. Trong đó, HTX Thuỷ sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai tổ chức khá chuyên nghiệp, có tour tuyến cụ thể, có hướng dẫn viên, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho du khách trên thuyền, trên đảo, ven hồ, khai thác sản phẩm du lịch sinh thái lòng hồ và du lịch cộng đồng thăm bản Bon và bản Bó Ban… 2 đơn vị còn lại chủ yếu thực hiện dịch vụ vận chuyển hành khách.

Cộng đồng người dân đã bước đầu hưởng ứng tham gia hoạt động du lịch; phục vụ ăn uống, biểu diễn văn nghệ, lưu trú tại nhà, chuyển chở du khách bằng thuyền nhỏ; chế biến tôm cá Sông Đà thành các sản phẩm sấy khô bán cho khách du lịch. Sự thân thiện và những dịch vụ nhỏ của người dân địa phương cũng đã góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho du khách. Tuy nhiên, hàng hoá lưu niệm phục vụ du lịch còn đơn điệu, chưa có nhiều hàng hoá đặc biệt để du khách mua về khi đi du lịch. Vấn đề vệ sinh và bảo vệ môi trường của một số bản ven hồ cần tiếp tục được tuyên truyền và cải thiện để không ảnh hưởng đến chất lượng dòng sông và tài nguyên du lịch.

Như vậy, mô hình du lịch trong thực tế đã có sự tham gia của chính quyền, doanh nghiệp và người dân để phục vụ nhu cầu du khách, đã có sự liên kết giữa 3 bên trong khai thác hoạt động du lịch. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng doanh nghiệp du lịch còn rất thiếu so với tiềm năng to lớn của cả vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch chưa có giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị để thoả mãn tốt nhất nhu cầu khách hàng và chưa khuyến khích được khách du lịch chi tiêu cho sản phẩm, dịch vụ tại địa phương. Người dân địa phương còn bị động trong cung ứng các sản phẩm, hàng lưu niệm, dịch vụ nhỏ, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái có phần hạn chế.

3.3. Đánh giá chung về cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu của du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La

Thông qua phỏng vấn sâu và tiếp nhận ý kiến đánh giá của các chuyên gia du lịch và tiến hành thảo luận nhóm tập trung, bài nghiên cứu tổng hợp những cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu chính của du lịch Sơn La vào bảng ma trận TOWS (bảng 1).

Đây là cách tiếp cận phải đồng thời sử dụng tiếp cận marketing (cơ hội thị trường bên ngoài) và tiếp cận chiến lược (nguồn lực bên trong) để giải quyết những vấn đề trước mắt, từng bước đạt được những mục tiêu lâu dài. Từ đó, là cơ sở quan trọng để chính quyền Sơn La tận dụng những cơ hội thị trường, vượt qua thách thức bằng việc sử dụng những lợi thế nguồn lực và điểm mạnh của du lịch Sơn La.

Kết quả nghiên cứu đánh giá thực trạng du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La được sắp xếp theo tầm quan trọng: 4 cơ hội và 4 thách thức chính, 4 điểm mạnh và 4 điểm yếu chính (Bảng 1). Việc kết hợp 4 ô trong bảng ma trận TOWS để hoạch định các nội dung marketing địa phương theo nguyên tắc: khai thác cơ hội thị trường bằng cách sử dụng những điểm mạnh cốt lõi của địa phương hoặc bằng cách khắc phục những điểm yếu; vượt qua thách thức bằng những điểm mạnh cốt lõi của địa phương hoặc bằng cách khắc phục những điểm yếu.

Bảng 1: Bảng tổng hợp cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu du lịch lòng hồ

Cơ hội (O-Opportunities) Thách thức (T-Threats)
(1) Đặc trưng hấp dẫn: xu hướng và nhu cầu du lịch sinh thái, văn hoá cộng đồng tăng lên là cơ hội khai thác đặc trưng hấp dẫn thành sản phẩm.

(2) Cơ sở hạ tầng: thuộc cung đường du lịch Tây Bắc, vị trí địa lý thuận tiện kết nối bằng đường thuỷ, đường bộ với Hoà Bình, Mộc Châu, Lai Châu, Điện Biên, Sapa-Lào Cai, Mù Cang Chải-Yên Bái.

(3) Hình ảnh địa phương: sự quan tâm của các tổ chức quốc tế và chính sách dân tộc của nước ta làm hình ảnh về du lịch sinh thái, cộng đồng nâng cao.

(4) Con người: trình độ văn hoá được nâng lên làm con người địa phương chủ động tiếp cận khai thác khoa học công nghệ, tri thức mới, nhận thức về du lịch tăng lên.

(1) Đặc trưng hấp dẫn: thủy điện gây xáo trộn môi trường và đời sống của các dân tộc, ô nhiễm và suy thoái môi trường, tài nguyên du lịch đang bị huỷ hoại.

(2) Cơ sở hạ tầng: Ảnh hưởng của mùa mưa lũ, nước lòng hồ dâng cao, gây khó khăn cho tàu thuyền đi lại, cách xa các thị trường lớn của cả nước, không nằm trên các tuyến du lịch chính.

(3) Hình ảnh địa phương: Hội nhập văn hoá, quá trình hiện đại hoá, đô thị hoá dẫn đến làm mất bản sắc cũ (văn hoá, kiến trúc), bị mất dần những giá trị văn hoá.

(4) Con người: Bản sắc văn hóa có dấu hiệu bị mai một, các bài múa, nghi lễ truyền thống chưa truyền lại được cho thế hệ sau, nghề truyền thống bị quên lãng.

Điểm mạnh (S-Strengths) Điểm yếu (W-Weakness)
(1) Đặc trưng hấp dẫn: lòng hồ rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hoá dân tộc độc đáo, công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á

(2) Cơ sở hạ tầng: Nhà nước đã đầu tư bến thuyền ở đầu cầu Pá Uôn, bến gội đầu, xây dựng đền Linh Sơn Thuỷ từ, đền Nàng Han, hệ thống viễn thông, internet đã hoàn thiện.

(3) Hình ảnh địa phương: sinh thái mặt nước lòng hồ gắn với cuộc sống ngư dân, cá sạch lòng hồ Sông Đà.

(4) Con người: sự thân thiện của ngư dân đồng bào Thái, sự tích Nàng Han

(1) Đặc trưng hấp dẫn: sản phẩm du lịch còn đơn điệu và chưa hoàn thiện

(2) Cơ sở hạ tầng: hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, chưa được cứng hóa hết, đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa, phương tiện tàu thuyền chưa đạt chuẩn phục vụ khách

(3) Hình ảnh địa phương: ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nguồn nước chưa đảm bảo, chưa tạo ấn tượng tích cực và mạnh mẽ về điểm đến thực sự sạch và dịch vụ tốt.

(4) Con người: Nguồn nhân lực du lịch còn mỏng thiếu kỹ năng, cán bộ quản lý còn yếu, không có chuyên môn sâu về du lịch.

(Nguồn: tổng hợp từ phỏng vấn chuyên gia và thảo luận nhóm tập trung)

Sự kết hợp giữa các ô trong ma trận TOWS hình thành các phương án chiến lược như sau: chiến lược SO theo đuổi những cơ hội phù hợp với điểm mạnh của địa phương; chiến lược WO vượt qua điểm yếu để tận dụng tốt cơ hội; chiến lược ST xác định cách sử dụng lợi thế, điểm mạnh để giảm thiểu rủi ro do môi trường bên ngoài gây ra; chiến lược WT thiết lập kế hoạch “phòng thủ” để tránh cho những điểm yếu bị tác động nặng nề hơn từ môi trường bên ngoài. Việc kết hợp O1-S1, W1-O1, S1-T1, W1-T1 tạo thành chiến lược marketing đặc trưng hấp dẫn; kết hợp O4-S4, W4-O4, S4-T4, W4-T4 tạo thành chiến lược marketing con người; kết hợp O3-S3, W3-O3, S3-T3, W3-T3 tạo thành chiến lược marketing hình ảnh địa phương; và kết hợp kết hợp O2-S2, W2-O2, S2-T2, W2-T2 tạo thành chiến lược marketing cơ sở hạ tầng. Sau đây là một số nội dung cụ thể nhằm thực hiện thành công 4 chiến lược trên, góp phần vận dụng marketing địa phương trong phát triển du lịch bền vững.

3.4. Hoạch định một số nội dung marketing địa phương

Dựa vào phân tích, đánh giá những cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu của du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La và các phương án chiến lược nêu trên, nhóm tác giả đề xuất một số nội dung theo thứ tự ưu tiên là: marketing đặc trưng hấp dẫn, marketing con người, marketing hình ảnh địa phương và marketing cơ sở hạ tầng.

3.4.1. Marketing đặc trưng hấp dẫn

Với những điểm mạnh đặc trưng của lòng hồ, mặt nước, cảnh quan tự nhiên thì thị trường mục tiêu là những du khách có xu hướng và nhu cầu du lịch sinh thái yêu thích vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên, thích tìm hiểu văn hoá cộng đồng. Xây dựng sản phẩm đa dạng tránh đơn điệu: du lịch thăm quan nhà máy thuỷ điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, cảnh quan mặt nước lòng hồ, các đảo lớn nhỏ, cây cầu Pá Uôn, trải nghiệm tìm hiểu văn hoá dân tộc thái trắng, thái đen tại các bản làng, tìm hiểu văn hoá lòng hồ tại nhà trưng bày các hiện vật của lòng hồ thuỷ điện Sơn La, du lịch tâm linh, lễ hội đua thuyền hàng năm. Công tác truyền thông: quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng internet, giới thiệu đến các doanh nghiệp lữ hành và du khách tiềm năng về một lòng hồ trên núi rộng lớn đẹp tự nhiên còn hoang sơ hoàn toàn khác biệt so với du lịch Lào Cai, Điện Biên, Mộc Châu.

3.4.2. Marketing con người

Với điểm mạnh là sự thân thiện và nét văn hóa dân tộc đặc sắc, thị trường mục tiêu phù hợp là nhóm du khách có nhu cầu về du lịch trách nhiệm, nghiên cứu văn hoá và con người bản địa. Xây dựng sản phẩm du lịch có sự hướng dẫn của người dân bản địa, thăm quan và nghỉ tại nhà người dân, tham gia các hoạt động của người dân để thực hiện sinh kế và làm kinh tế địa phương phát triển, gắn với các hoạt động từ thiện, có trách nhiệm với xã hội để giúp người dân giảm nghèo bền vững; khai thác du lịch tâm linh dựa trên truyền thuyết về Nàng Han; tìm hiểu sự hy sinh mất mát của những hộ dân phải chia tay quê hương để di dân tái định cư đến nơi ở mới; phát triển nghề truyền thống như thổ cẩm, đan lát, làm nhạc cụ dân tộc. Truyền thông, quảng bá điểm đến với sự thân thiện, cực kỳ hiếu khách của người dân, nơi mà du khách hoàn toàn hoà nhập vào cuộc sống hàng ngày, trải nghiệm cuộc sống sinh kế của đồng bào dân tộc thái.

3.4.3. Marketing hình ảnh địa phương và chất lượng sống

Với hình ảnh đặc trưng về cuộc sống người ngư dân lòng hồ thì thị trường mục tiêu là đối tượng du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí, nhu cầu ẩm thực cá sạch Sông Đà. Tạo các sản phẩm du lịch trải nghiệm cuộc sống của ngư dân vào cuối tuần, xây dựng các khu du lịch sinh thái ven mặt hồ tại bản Bó Ban, bản Bon, bản Hua Trai, lòng hồ xã Chiềng Lao, cung cấp dịch vụ du lịch thể thao, chèo thuyền, tắm suối khoáng nước nóng, đồng thời thưởng thức các món ăn dân tộc được chế biến từ thực phẩm, cá sạch địa phương hướng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Truyền thông, quảng bá thông điệp về một điểm đến an toàn, thanh bình, trong lành, cuộc sống hạnh phúc; đồng thời tuyên truyền cho người dân và du khách giữ gìn vệ sinh môi trường, không thải rác ra môi trường tự nhiên và mặt hồ, tuyên truyền giữ gìn nét văn hoá truyền thống nhằm khắc phục điểm yếu hiện tại.

3.4.4. Marketing cơ sở hạ tầng

Với cơ hội, điểm mạnh về vị trí địa lý có khả năng kết nối điểm đến khác thì thị trường mục tiêu là những du khách trải nghiệm cung đường du lịch Tây Bắc, nhóm du khách đến Sa Pa, Mù Cang Chải, Mộc Châu. Tạo các sản phẩm liên kết tour, liên kết vùng với Hoà Bình, Mộc Châu, Lào Cai, Yên Bái, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư những du thuyền đạt chuẩn phục vụ khách đảm bảo an toàn trên sông, bảo vệ môi trường nguồn nước, đưa Nghị quyết số 22 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La về hỗ trợ bản du lịch cộng đồng vào thực tiễn du lịch như hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh công cộng, hệ thống xử lý rác thải, bảng biển chỉ dẫn, hỗ trợ cải tạo nhà thành homestay, đồng thời lồng ghép chương trình nông thôn mới, chương trình 135 để từng bước nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Truyền thông về một điểm đến đã có những cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng so với trước đây, đảm bảo những điều kiện cơ bản để du khách yên tâm đến thăm quan du lịch.

  1. Kết luận và khuyến nghị

Vận dụng marketing địa phương trong phát triển du lịch bền vững vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La cần có sự định vị hình ảnh ấn tượng gắn với những con số kỷ lục như công trình thuỷ điện Sơn La có công suất lớn nhất Đông Nam Á, cầu Pá Uôn được chứng nhận kỷ lục cầu có cột trụ cao nhất Việt Nam, các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng trải nghiệm cuộc sống ngư dân và văn hoá dân gian truyền thống gắn với lịch sử con sông Đà nổi tiếng thuộc vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Để nội dung marketing địa phương được triển khai hiệu quả, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, bộ máy chính quyền bản cần chủ động hội nhập, chủ động lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội lồng ghép. Chính quyền tỉnh Sơn La, huyện Quỳnh Nhai, Mường La tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng du lịch thành sản phẩm đặc thù vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La, tổ chức các sự kiện lớn hàng năm để thu hút du khách, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và du khách chung tay bảo vệ môi trường tự nhiên, mặt nước lòng hồ, thực hiện tốt du lịch có trách nhiệm. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở lưu trú, nhà hàng thực hiện tiêu chuẩn du lịch bền vững và cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn. Đề xuất thành lập Ban quản lý khu du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La trực thuộc UBND tỉnh để chuyên trách xây dựng, triển khai, giám sát, điều chỉnh kế hoạch marketing địa phương nhằm phát triển du lịch bền vững vùng lòng hồ.

Thứ hai, các doanh nghiệp và hợp tác xã kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn nhà nghỉ, homestay, hãng vận chuyển cần thiết kế sản phẩm du lịch bền vững dựa trên khai thác thế mạnh vùng lòng hồ, đồng thời chia sẻ lợi ích kinh tế với địa phương, tôn trọng văn hoá bản địa và bảo vệ môi trường, nguồn nước, sử dụng các phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị thân thiện với thiên nhiên, sử dụng năng lượng mặt trời. Hiệp hội du lịch tỉnh Sơn La đóng vai trò kết nối các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ lại với nhau tạo thành chuỗi giá trị du lịch mang lại sự hài lòng tốt nhất cho du khách.

Thứ ba, cộng đồng dân cư bản địa cùng chung tay giữ gìn nét văn hoá truyền thống, giữ gìn và bảo vệ vệ sinh môi trường, hợp tác và chia sẻ lợi ích kinh tế trong cộng đồng, chủ động lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội lồng ghép, trong đó có hoạt động khai thác du lịch có sự tham gia của người dân và đại diện các tổ chức, đoàn thể trong làng bản; mỗi bản du lịch cộng đồng cần xây dựng hương ước về hoạt động khai thác dịch vụ du lịch, nội qui và quy chế hướng dẫn hành vi cho du khách và hành vi ứng xử của người dân địa phương./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  • Nguyễn Kỳ Anh, Nguyễn Việt Quốc (2012), Xây dựng mô hình phát triển du lịch bền vững thành phố Đà Nẵng, Tạp chí Kinh tế Xã hội Đà Nẵng
  • Bramwell, B Lane (1993), Sustainable Tourism: An Evolving Global Approach, Journal of sustainable tourism, 1993.
  • Philip Kotler (1993), Marketing Places, The Free Press.
  • Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (2004), Giáo trình marketing địa phương (Marketing Asian Places).
  • UBND tỉnh Sơn La (2014), Quyết định về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển DL tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  • UBND tỉnh Sơn La (2014), Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
  • Viện Dân tộc học, Viện KHXH Việt Nam (2012), Nghiên cứu tiềm năng du lịch sinh thái và nhân văn huyện Quỳnh Nhai, Đề tài NCKH tỉnh Sơn La.
  • UNWTO (2004), The United Nations World Tourism Organization for sustainable tourism initiatives.
  • WCED (1987), The Report of the World Commission on Environment and Development, The Brundtland Commission.

Tác giả: Đặng Trung Kiên