Truong Luan

DU LỊCH CỘNG ĐỒNG SƠN LA THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẮM PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TỈNH SƠN LA

 

Có thể nói du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch mới ở Việt Nam, nó không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế và xã hội cho cộng đồng mà còn góp phần vào công tác bảo tồn các nét văn hóa bản địa và giữ gìn cảnh quan tự nhiên của các địa phương và các vùng miền.

Khái niệm du lịch cộng đồng bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, mặc dù xuất hiện rất nhiều cách nhìn nhận và hiểu biết khác nhau về khái niệm này nó tùy thuộc vào tác giả, khu vực địa lý hay do các nghiên cứu/dự án cụ thể. Song định nghĩa phổ biến về du lịch cộng đồng là:

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại cho du khách những trải nghiệm về bản sắc cộng đồng địa phương, trong đó cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, được hưởng lợi ích kinh tế – xã hội từ hoạt động du lịch và có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường, bản sắc văn hóa của cộng đồng”

Từ khái niệm trên có thể thống nhất và hiểu du lịch cộng đồng là loại hình du lịch bền vững dựa vào cộng đồng địa phương. Du lịch cộng đồng là một cách tiếp cận nhằm tạo ra lợi nhuận cao nhất cho người dân địa phương, những người sử dụng du lịch như một công cụ tạo nguồn lợi kinh tế. Du khách phải trả tiền khi họ đến tham quan khu vực và khoản tiền này được sử dụng để bảo vệ các di sản văn hoá và thiên nhiên và giúp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đó.

Du lich cộng đồng có nhiều tác động tích cực trong đó phần lớn các tác động hình thành và phát huy tác dụng theo hướng đáp ứng các nguyên tắc phát triển bền vững đó là mang lại các lợi ích xã hội, môi trường và kinh tế. Cụ thể:

Du lịch cộng đồng góp phần nâng cao thu nhập cho các cộng đồng địa phương đặc biệt là vùng sâu vùng xa nơi nghèo đói được thấy rõ rệt.

Thứ hai, du lịch cộng đồng thúc đẩy sự công bằng trong phát triển du lịch với việc mang lại cho cộng đồng toàn bộ những lợi ích từ việc cung cấp các dịch vụ du lịch và cơ sở hạ tầng.

Thứ ba, các doanh nghiệp du lịch cộng đồng tạo ra các cơ hội việc làm cho các địa phương. Du lịch cộng đồng góp phần làm thay đổi cơ cấu việc làm địa phương và cải thiện lao động ở các địa phương và giảm di cư lao động từ nông thôn ra đô thị.

Thứ tư, du lịch cộng đồng góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa và truyền thống kể cả bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Du lịch cộng đồng tạo ra các cơ hội để giao lưu văn hóa và kinh tế giữa Việt Nam và các nước khác. Đây chính là nhân tố quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy các cơ hội phát triển kinh tế ở các vùng nghèo.

Sơn La là một tỉnh có diện tích lớn, địa hình chia cắt mạnh, quỹ đất nông nghiệp rất hạn chế. Hoạt động kinh tế chủ yếu của tỉnh Sơn La là nông – lâm nghiệp, lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển nên đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Để nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, cần phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ. Một trong những hướng quan trọng để phát triển kinh tế dịch vụ là phát triển du lịch trên cơ sở khai thác và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng như: bản sắc văn hóa và phong tục tập quán độc đáo của 12 dân tộc anh em, hệ thống di tích lịch sử, lễ hội phong phú, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn … nhưng những tiềm năng đó chưa được khai thác hiệu quả để phát triển du lịch.

Do vậy bài viết này đề cập đến thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại Tỉnh Sơn La trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay cũng như đưa ra một số giải pháp góp phần phát triển hoạt động du lịch cộng đồng tại Tỉnh Sơn La.

* Thực trạng phát triển du lịch tỉnh Sơn La

Sơn La là tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc Việt Nam, phía Bắc giáp Yên Bái, Lai Châu; phía Đông giáp Phú Thọ và Hoà Bình; phía Nam giáp Thanh Hoá và Lào; phía Tây giáp Điện Biên. Diện tích 14.125 km2, địa hình phong phú đa dạng bao gồm chủ yếu là núi cao và các cao nguyên, trải dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Đơn vị hành chính của tỉnh bao gồm 1 thành phố và 11 huyện.

Du lịch Sơn La có manh nha phát triển từ cuối những năm của thập kỷ 90 và đến nay đã đạt được các kết quả kinh tế đáng khích lệ. Lượng khách đến thăm Sơn La tăng đáng kể trong những năm gần đây:

Năm 2011, Sơn La đón 410.000 du khách (trong đó có 37.500 lượt khách quốc tế), tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt 230 tỷ đồng. Năm 2012, Sơn La đón 1.115.000 lượt khách (trong đó có 42.000 lượt khách quốc tế, 493.000 lượt khách nội địa, 580.000 lượt khách đi về trong ngày), doanh thu dịch vụ du lịch đạt 501,7 tỷ đồng. Năm 2013 lượng khách du lịch đến Sơn La đạt 1.215.000 lượt (trong đó có 43.000 lượt khách quốc tế, 615.000 lượt khách đi và về trong ngày), tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt 601,75 tỷ đồng. Năm 2015, tỉnh Sơn La đón 1.597.000 lượt khách du lịch (Trong đó: đón 37.000 lượt khách quốc tế; 790.000 lượt khách đến trong ngày và 807.000 lượt khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú du lịch), tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 645 tỷ đồng.

Hiện tại, Du lịch Sơn La được đánh giá ở một góc độ tích cực hơn, không chỉ là điểm dừng chân cho du khách trong chương trình du lịch Hà Nội – Điện Biên Phủ. Các đoàn khách ngủ đêm tại một trong những khách sạn lớn của Sơn La, tham quan các thắng cảnh, các bản du lịch cộng đồng tại Mộc Châu, hay các di tích lịch sử tại thành phố Sơn La, các công trình kiến trúc, du lịch văn hóa tại các vùng phụ cận.

Cùng với sự gia tăng của khách du lịch, các cơ sở lưu trú của Sơn La phát triển với hệ thống nhà nghỉ, khách sạn. Sự phát triển này đã bước đầu giải quyết nhu cầu ăn nghỉ của khách du lịch. Đến hết tháng 12 năm 2012 trên địa bàn Tỉnh Sơn La có 110 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 1572, công suất sử dụng phòng đạt 63%, trong đó có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao. Và tính đến 20/12/2015, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 150 cơ sở lưu trú du lịch với: 24 Khách sạn (trong đó có: 01 khách sạn 3 sao; 12 khách sạn 2 sao và 11 khách sạn 1 sao); 118 Nhà nghỉ Du lịch và 08 Homestay. Trong đó có gần 1900 buồng, với 3350 giường. Các dịch vụ trong các cơ sở lưu trú đang được bổ sung, chất lượng phục vụ tốt hơn.

* Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Sơn La

Từ năm 2004, tổ chức SNV đã hỗ trợ hoạt động phát triển du lịch tại địa bàn tỉnh Sơn La thông qua việc cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và nâng cao năng lực cho Sở Thương mại và Du lịch trong việc: xây dựng đề xuất tuyến du lịch và chương trình phát triển du lịch cộng đồng; nâng cao nhận thức, tăng cường sự hiểu biết và kỹ năng xác định, lựa chọn các điểm du lịch cộng đồng tiềm năng được khảo sát.

Từ năm 2007 Tổ chức phát triển Hà Lan – SNV đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai chương trình tư vấn kỹ thuật cho tỉnh Sơn La lựa chọn và xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp tại xã Chiềng Yên thuộc huyện Mộc Châu nhằm nâng cao kiến thức cho cộng đồng về tổ chức và quản lý du lịch cộng đồng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương thông qua hoạt động du lịch cộng đồng. Tổ chức SNV đã tư vấn cho cộng đồng: xây dựng cơ chế quản lý du lịch cộng đồng và cơ chế chia sẻ thu nhập từ du lịch cho người dân, đặc biệt là người nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch, hỗ trợ đào tạo các kỹ năng phục vụ cơ bản, xây dựng và phát hành tập gấp giới thiệu điểm đến…

Căn cứ Quyết định 993/QĐ-UBND ngày 29/4/2010 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt Dự án hỗ trợ xây dựng 04 bản du lịch cộng đồng trong 2 năm 2011 và 2012 tại huyện Mộc Châu và thành phố Sơn La.  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ 4 bản du lịch cộng đồng giai đoạn I năm 2011 – 2012 (Bản Nà Bai – xã Chiềng Yên – nay thuộc Huyện Vân Hồ; Bản Áng – Thị trấn Mộc Châu, Bản Bó, bản Hụm – Thành phố Sơn La). Giai đoạn II năm 2012 Dự án hỗ trợ 04 bản du lịch cộng đồng tiếp tục được triển khai với 3 chương trình lớn: Hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho hoạt động du lịch cộng đồng; Hỗ trợ khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với dịch vụ du lịch. Với mục tiêu ban đầu nhằm nâng cao nhận thức, năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác du lịch ở các huyện, thành phố và các xã, phường, bản, tại thành phố Sơn La và huyện Mộc Châu. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã, bản trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ  môi trường, tăng nguồn thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong bản.

Từ năm 2011 đến cuối năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Sơn La đã tiến hành triển khai các hoạt động của dự án như:

Tổ chức hội nghị hình thành cơ cấu tổ chức, quản lý hoạt động du lịch cộng đồng của 4 bản: Kết quả đã thành lập được 04 Ban chỉ đạo phát triển du lịch cộng đồng của 4 xã, có quy chế hoạt động rõ ràng; thành lập 4 Ban quản lý du lịch cộng đồng của bản, hoạt động theo quy chế của ban; Bản có quy ước hoạt động du lịch cộng đồng chi tiết.

Tổ chức các lớp tập huấn: thông tin về Luật du lịch, các chủ trương chính sách của nhà nước về phát triển du lịch; Kỹ năng đón tiếp khách; phục vụ buồng; công tác chăm sóc y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm; chế biến món ăn, đồ uống; kỹ năng hướng dẫn du lịch; Công tác phòng chống HIV/AIDS…Kết quả, mỗi bản có 30 bà con đã được tập huấn các kiến thức trên, ngoài việc tập huấn về lý thuyết, bà con còn được hướng dẫn triển khai thực tế các kỹ năng như: Thuyết minh, hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ nấu ăn, nghiệp vụ dọn buồng.

Hỗ trợ các trang thiết bị cho Ban quản lý Du lịch cộng đồng 4 bản, Xây dựng hệ thống biển báo, Hỗ trợ dọn vệ sinh chỉnh trang đường làng, ngõ xóm…  Hỗ trợ cơ sở vật chất cho hoạt động du lịch: Mỗi bản có ít nhất 5 nhà nghỉ (Nhà dân đón khách nghỉ qua đêm) đủ điều kiện đón khách du lịch; 4 nhà văn hoá bản được chỉnh trang, bổ sung trang thiết bị nội thất với các văn hoá phẩm, vật dụng, đồ lưu niệm được trưng bày, hỗ trợ nhà vệ sinh, thùng rác, biển báo được xây dựng; Đường trong thôn, đường mòn đến các điểm du lịch được bảo dưỡng và dọn vệ sinh thường xuyên;

Hỗ trợ khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với dịch vụ du lịch: Sưu tầm các lời ca điệu múa truyền thống; Trang thiết bị phục vụ sưu tầm (Máy quay phim, máy ghi âm); Tổ chức biên kịch, đạo diễn và luyện tập; Biên tập ra đĩa CD, lời hát, điệu nhạc truyền thống: Mỗi bản được phục dựng 10 tiết mục văn nghệ để phục vụ khách du lịch; 4 đĩa CD, 4 đĩa DVD lời các bài hát và giai điệu nhạc truyền thống để lưu giữ, bảo tồn; 1 bộ dụng cụ âm nhạc; 10 bộ trang phục truyền thống; Sản xuất được hàng lưu niệm bán cho khách.

Tuyên truyền quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng: Làm tập gấp, tờ rơi giới thiệu về sản phẩm du lịch cộng đồng của 4 bản bao gồm: Biên soạn, thiết kế và in phát hành 4.000 tờ rơi, tập gấp giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng 4 bản; Làm 2 phóng sự giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng trên đài truyền hình Tỉnh và Trung ương.

Năm 2015 Ban chỉ đạo phát triển du lịch Sơn La tiếp tục thực hiện triển khai thực hiện giai đoạn II của đề án để xây dựng bản du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh có hiệu quả góp phần vào phát triển kinh tế xã hội bền vững. Với mục đích Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các bản còn gặp khó khăn về dường xá nhưng có cảnh quan môi trường đẹp, môi trường thân thiện mến khách. Kêu gọi và thu hút đầu tư vào các bản trọng điểm của các huyện như: Mường La; Mai Sơn; Quỳnh Nhai; Vân Hồ và tập trung trong các lĩnh vực lưu trú, vui chơi, mua sắm, ẩm thực…nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đi kèm, thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách. Đẩy mạnh xã hội hóa, có các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào du lịch cộng đồng tại Sơn La. Cụ thể như sau:

Triển khai tiếp tục dự án đường giao thông phát triển du lịch cộng đồng xã Chiềng Yên, Vân Hồ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2439/QĐ-UBND ngày 25/10/2011 với tổng mức đầu tư là 44.617 triệu đồng, năm 2014 dự án đã được giao 1.120 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương tại Quyết định số 174/QĐ-UBND ngày 23/01/2014. Đến thời điểm hiện tại giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đã giao.

Phối hợp với Ban quản lý dự án ADB tổ chức khảo sát, xây dựng báo cáo đề xuất danh mục dự án cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn huyện Mộc Châu trình hỗ trợ đầu tư từ nguồn phát triển hạ tầng du lịch của Dự án Giai đoạn IV, tiểu vùng Sông Mê Kông, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư dự án tuyến đường du lịch nối từ quốc lộ 43 đi Tân Lập; Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Sao Đỏ trung tâm hành chính huyện Vân Hồ; Khu du lịch cộng đồng Chiềng Yên.

Thẩm định hồ sơ về đất đai, môi trường đối với các dự án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La như: Dự án phát triển Làng thanh niên lập nghiệp Púng Bánh, Sốp Cộp; các dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ; các dự án phát triển khu du lịch, cụm du lịch huyện Mộc Châu, Mường La, Quỳnh Nhai, và Thành phố Sơn La.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và tham quan thác Dải Yếm tại Bản Vặt xã Mường Sang: Nhà đầu tư đã xây dựng mới tuyến đường từ Quốc lộ 43, xuống chân thác với tổng số vốn khoảng 600 triệu đồng. Hiện nhà đầu tư đang dừng triển khai các bước tiếp theo của dự án, dự kiến tiến hành đầu tư xây dựng vào năm 2015 (theo Công văn số 23 ngày 22/4/2014 của Công ty TNHH tập đoàn Đông Dương).

Khai thác phát huy các di sản văn hóa, trong đó  điển hình là các di tích lịch sử, văn hóa; phát triển nghề truyền thống; xây dựng mô hình bản du lịch cộng đồng; bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, tiêu biểu (văn hóa dân tộc Thái, dân tộc Mông, dân tộc Dao, tạo sự độc đáo, thu hút khách du lịch;

Xây dựng sản phẩm, mô hình tham quan du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như: Mô hình thăm quan rau hoa chất lượng cao cao; thăm quan những cánh đồng hoa cải; tham quan hoa tam giác mạch; tham quan du lịch và dịch vụ hái quả tại thung lũng mận Nà Ka 100 ha; du lịch trải nghiệm nông nghiệp, tắm trà, tắm lá thuốc; tổ chức phát động phong trào trồng hoa, tạo các tuyến đường, tuyến phố có hoa ban trắng mang đậm bản sắc văn hóa Tây Bắc.

Năm 2015, tổ chức khảo sát bản văn hoá dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La đánh giá điểm du lịch cộng đồng tại: bản Hùn, xã Chiềng Cọ; bản Hụm, xã Chiềng Xôm. Năm 2016, tỉnh Sơn La sẽ triển khai xây dựng dự án hỗ trợ xây dựng bản du lịch cộng đồng kiểu mẫu.

Tham gia đoàn khảo sát của dự án EU về đánh giá điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng tại huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Quỳnh Nhai từ ngày 26-30/5/2015.Tư vấn hỗ trợ Công ty CP và du lịch Thiên Đường Á Châu khảo sát du lịch cộng đồng tại xã Ngọc Chiến  huyện Mường La chuẩn bị tổ chức đoàn Famtrip lên Sơn La.

Triển khai các đề tài về “Nghiên cứu nội dung và giải pháp xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn văn hóa, giảm nghèo và bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La; Đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Sơn La; đề tài “nghiên cứu tiềm năng du lịch sinh thái và nhân văn huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La” …

Tổ chức kiểm tra công tác phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, áp dụng một số gợi ý tiêu chuẩn bản du lịch cộng đồng của dự án EU

*  Kết quả việc triển khai du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La

Việc triển khai du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La từ năm 2011 – 2015 đạt được những kết quả nhất định, đó là:

Trung bình đón được trên 16.000 lượt khách/năm. Doanh thu và thu nhập từ dịch vụ và du lịch tại cộng đồng đạt 4.000 triệu đồng/năm; Tốc độ tăng doanh thu và thu nhập từ dịch vụ du lịch của cộng đồng xã hội tại điểm triển khai trung bình trên 20%.

Nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bền vững cho 90% lao động trong vùng có phát triển Du lịch cộng đồng. Nâng cao nhận thức và trình độ quản lý du lịch cộng đồng cho 100% cán bộ quản lý cấp xã và các thành viên ban quản lý du lịch cộng đồng.

Qua triển khai thực hiện dự án nhận thức của nhân dân tại các bản thuộc dự án được nâng lên kéo theo một số bản vệ tinh cũng phát triển và tham gia hoạt động du lịch tại bản. Thông qua chương trình dự án số hộ được trang bị đủ điều kiện về đón tiếp khách cụ thể như: Bản Bó Chiềng An thành phố Sơn La có 05 hộ; bản Hụm Chiềng Xôm thành phố Sơn La 05 hộ; bản Áng xã Đông Sang huyện Mộc Châu có 05 hộ; bản Nà Bai xã Chiềng Yên huyện Vân Hồ có 05 hộ; Tổng số hộ trong dự án hỗ trợ của 4 bản là 20 hộ. Tuy nhiên từ nhận thức của nhân dân các bản có nhiều hộ tự bỏ kinh phí tham gia làm nhà nghỉ tại nhà cụ thể: bản Áng xã Đông Sang 17 hộ; bản Nà Bai xã Chiềng Yên 12 hộ; Bản Bó Chiềng An 10 hộ; bản Hụm 6 hộ; tổng số hộ tham gia là 45. Các bản đều đã thành lập đội văn nghệ riêng và được tập huấn nâng cao về các điệu múa, bài hát truyền thống và duy trì hoạt động thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Thu hút được 30% lao động của thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động và chuyển dịch khoảng 20% thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch.

Năm 2015 Các công ty kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động lữ hành, đưa nhiều đoàn khách trong tỉnh đi thăm quan và đón các đoàn khách đến thăm quan tại Sơn La. Với tổng số trên 1000 lượt khách.

Năm 2015, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 1800 người. Trong đó, qua đào tạo khoảng 55%.

Tóm lại, nhằm khai thác có hiệu quả các tài nguyên du lịch, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại các bản văn hoá để tạo thêm nguồn thu nhập góp phần xoá đói giảm nghèo. Với việc áp dụng phát triển mô hình du lịch cộng đồng trong thời gian vừa qua ngành du lịch Sơn La đã tích cực triển khai các hoạt động và bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định: Hình thành và phát triển loại hình du lịch mới, bổ sung điểm du lịch, dịch vụ du lịch trong chương trình du lịch Tây Bắc, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, góp phần nâng cao vị thế của du lịch Sơn La trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại trong hoạt động du lịch cộng đồng như:

Công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng còn hạn chế; Môi trường có nguy cơ bị ô nhiễm; Bản sắc văn hoá truyền thống đang có dấu hiệu bị mai một; Tài nguyên thiên nhiên sẽ bị xâm hại do những lợi nhuận từ du lịch; Công tác vệ sinh thôn, bản bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên còn yếu. Không có thùng đựng rác, không có nơi đổ rác quy định … Môi trường xã hội thay đổi, khi phát triển du lịch cộng đồng nếu không được quản lý tốt sẽ làm gia tăng tệ nạn xã hội.

Lợi ích từ hoạt động du lịch chưa được phân bổ hài hoà, hợp lý giữa người dân ở khu vực thị trấn và người dân ở các làng bản. Chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch còn thấp đặc biệt là người dân ở các thôn, bản đang tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng.

Các bản du lịch cộng đồng cũng đã có khách du lịch đến thăm quan, người dân cũng đã có doanh thu thông qua một số dịch vụ như múa hát, phục vụ ăn uống nhưng chưa đáng kể. Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng hiện nay tại các điểm này chưa rõ, chưa có tổ chức, chưa có nghiệp vụ phục vụ du lịch và tiến triển còn chậm, chất lượng còn chưa đạt được như mong muốn do các nguyên nhân chính như sau: Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật ở bản còn quá sơ sài chưa đảm bảo tiêu chuẩn, như: Chưa có hệ thống nước sạch; Bản có nhà cửa đẹp nhưng tập quán sinh hoạt đặc thù như nuôi động vật gần nhà (trâu, bò dưới gầm sàn) gây mất vệ sinh, đun nấu trực tiếp trong nhà, nếp sinh hoạt bề bộn . Vì vậy những bản này cần được hỗ trợ xây dựng quy chế, ban quản lý, các tiêu chí về du lịch về vệ sinh môi trường và các kỹ năng cho cộng đồng để đón tiếp khách.

Năng lực làm du lịch của người dân ở thôn, bản còn ở mức thấp, những kiến thức cơ bản trong hoạt động du lịch chưa được đào tạo nên kỹ năng làm du lịch còn yếu dẫn đến chất lượng, sản phẩm dịch vụ nghèo nàn, không tạo nên được sự hấp dẫn để thu hút khách. Sản phẩm du lịch ở cộng đồng đã được hình thành, nhưng do chưa đẩy mạnh được công tác tuyên truyền quảng bá tiếp thị sản phẩm, nên thu hút lượng khách đến cộng đồng tham quan du lịch chưa nhiều so với tiềm năng sẵn có.

* Một số giải pháp nhằm phát triển mô hình du lịch cộng đồng Tỉnh Sơn La

Thứ nhất, về cơ chế chính sách: nhằm phát huy tối đa tiềm năng du lịch cộng đồng và vận hành hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch cộng đồng như: nâng cấp cơ sở hạ tầng: đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, khôi phục, phát triển các nghề thủ công truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu, nghề đan lát  … phục vụ phát triển du lịch; Xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng và có chất lượng của bản du lịch cộng đồng ; Quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để khách du lịch trong và ngoài nước biết đến du lịch cộng đồng Sơn La; Bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về du lịch cho cộng đồng; Bảo tồn, phát huy những đặc trưng văn hóa của địa phương; Tôn tạo và bảo vệ cảnh quan môi trường tại khu vực bản. Có chính sách hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm du lịch của địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình kinh doanh lưu trú tại gia ở  bản du lịch cộng đồng như: thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký khách lưu trú … Tăng cường sự lãnh đạo cuả Đảng ủy, chính quyền các cấp địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng, coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương; coi phát triển du lịch cộng đồng là loại hình phát triển kinh tế bền vững.

Thứ hai, về nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch phát triển du lịch cộng đồng: Du lịch là một trong những ngành kinh tế dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế cao, vì thế để có thể thu hút được nhiều du khách đến tham quan thì chất lượng các loại hình dịch vụ cần phải đảm bảo và không ngừng nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách tại địa phương như : dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ hướng dẫn tham quan, dịch vụ bán hàng lưu niệm, dịch vụ vui chơi giải trí,…

Thứ ba, về phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng các sản phẩm du lịch của Sơn La hiện nay hầu như chưa đáp ứng được thị hiếu và mong muốn của khách du lịch. Sản phẩm du lịch cộng đồng là nhân tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và là biện pháp quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả. Vì vậy cần có những giải pháp đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm như : Đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp; Khuyến khích người dân chế biến những loại rượu từ men lá cây của địa phương, rượu ngô, rượu sơn tra … Hỗ trợ người dân địa phương tham gia sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch: đồ thổ cẩm (túi, áo, mũ, khăn, gối…); đồ mây tre đan: bàn, ghế, cung, nỏ, ếp, gùi, giá đựng … thân thiện với môi trường.

Thứ tư, Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền nhận thức phát triển du lịch cộng đồng  tới các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong các bản về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng giúp phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan môi trường và phát huy khả năng của nhân dân trong phát triển kinh tế gắn với du lịch. Tăng cường các nguồn vốn đầu tư, gắn kết các chương trình, các nguồn vốn để tập trung xây dựng bản theo định hướng nông thôn mới nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, cảnh quan tự nhiên, gắn với công tác bảo vệ môi trường cộng đồng làng bản.

Thứ năm, về phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường công tác đào tạo tại chỗ cho nhân dân các bản về các kỹ năng trong phát triển du lịch, phát huy khả năng của Ban quản lý các bản trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với lợi ích của các hộ kinh doanh với lợi ích của cộng đồng trong bản. Tập trung nguồn vốn đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho từng bản, thường xuyên tổ chức cho nhân dân tham gia học tập kinh nghiệm tho hướng chỉ việc tại các tỉnh có sự phát triển du lịch cộng đồng có vị trí địa lý giống với Sơn La. Tăng cường nguồn kinh phí cho công tác đào tạo hướng dẫn các kỹ năng trong phát triển du lịch tới người dân tại các bản.

Thứ sáu, về quảng bá thu hút thị trường. Hỗ trợ cho các huyện, xã, phường, bản thực hiện tốt công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh các bản du lịch cộng tới các công ty, hãng lữ hành trong và ngoài nước. Tập trung nguồn kinh phí cho việc xây dựng tập gấp, tờ rơi quảng bá tại các Hội trợ triển lãm trong và ngoài nước; Cung cấp thông tin cho các chương trình quảng cáo của các đài phát thanh truyền hình trong và ngoài tỉnh, xây dựng các tập phim, đĩa CD, DVD tư liệu về cuộc sống, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan môi trường, các nét văn hóa, ẩm thực truyền thống của các bản du lịch cộng đồng nhằm thu hút sự quan tâm của du khách.

Ngoài ra việc đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch cộng đồng cũng được coi là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công tại các bản triển khai mô hình du lịch cộng đồng

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tỉnh ủy Sơn La, Nghị Quyết về phát triển du lịch Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 số 19 – NQ/TU ngày 01/4/2013.
  2. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Quyết định về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sơn La về phát triển du lịch Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 số 1489/QĐ- UBND ngày 16/7/2013.
  3. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Quy hoạch phát triển du lịch Sơn La giai đoạn giai đoạn 2007-2015 và định hướng đến 2020 (Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 26/3/2008 của UBND tỉnh Sơn La).
  4. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Sở Văn hóa thể thao và du lịch, báo cáo kết quả triển khai dự án hỗ trợ 04 bản du lịch cộng đồng giai đoạn I tại thành phố Sơn La và huyện Mộc Châu, tháng 7/2014
  5. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Ban chỉ đạo phát triển du lịch, Số: 09/BC-BCĐPTDL, Báo cáo kết quả công tác năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016
  6. Nguyễn Văn Đính; Trần Thị Minh Hòa, Giáo trình kinh tế du lịch, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2008.
  7. Nguyễn Văn Lưu (2006), Phát triển du lịch cộng đồng trong nền kinh tế thị trường, Tạp chí du lịch số 10/2006.
  8. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La giai đoạn 2007 – 2015 và định hướng đến 2020, Sơn La 2007.
  9. Đề tài cấp tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình bản du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Chiềng Yên (Mộc Châu) và xã Mường Do (Phù Yên) – Tỉnh Sơn La, Nguyễn Đình Phong, Sở Thương mại và Du lịch Sơn La, 2007 – 2008.
  10. Đề tài cấp tỉnh: Nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa các dân tộc phục vụ phát triển du lịch huyện Mộc Châu, TS. Nguyễn Anh Cường, Đại học Văn hóa Hà Nội, 2008 – 2009.
  11. Đề tài cấp tỉnh: Nghiên cứu tiềm năng du lịch sinh thái và nhân văn huyện Quỳnh Nhai, Viện Dân tộc học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2011 – 2012.
  12. Sở Thương mại và Du lịch Sơn La, Đề án Điều tra, khảo sát thị trường du lịch sinh thái cộng đồng tỉnh Sơn La số 25/ĐA – STMDL ngày 08 tháng 11 năm 2006.
  13. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La, Dự án Hỗ trợ 4 bản du lịch cộng đồng giai đoạn 1 trên địa bàn tỉnh Sơn La.
  14. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La, Báo cáo về việc thực luật Di sản văn hóa – năm 2013

Th.S. Lê Thị Thanh Nhàn

Trường Đại học Tây Bắc