Chuỗi giá trị nông sản sạch là nền tảng bền vững để phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp

Nguyễn Hồng Nhung

Gần đây, du lịch nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho nhiều địa phương, doanh nghiệp. Sự tham gia trực tiếp của nông dân đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam năm 2016, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo mới, đặc biệt là hạ tầng, tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các làng nghề nông lâm ngư nghiệp truyền thống ở nước ta. Ngược lại, du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ vừa nhanh vừa bền vững do không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.


Chuỗi giá trị nông sản hình thành dựa trên sự gắn kết giữa các tác nhân có chức năng sản xuất – tiêu thụ – kinh doanh (trực tiếp) bao gồm các hộ gia đình trong hợp tác xã nuôi trồng nông lâm thủy sản, người tiêu dùng cuối cùng, các doanh nghiệp cung cấp các yếu tố sản xuất đầu vào cho sản xuất và kinh doanh mặt hàng nông sản.

Hiện nay, một số tour du lịch cộng đồng gắn với vùng trung du, vùng núi phía Bắc đã trở thành “thương hiệu” của vùng như tour trải nghiệm, thăm quan nông trường Mộc Châu; tour du lịch ngắm ruộng bậc thang, thăm quan bản làng tại Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu…

Tại miền Trung, du khách trong nước và quốc tế cũng rất thích những sản phẩm du lịch trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở Hội An (Quảng Nam): làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng rau An Mỹ, làng chài Cù Lao Chàm, làng bắp Cẩm Nam…

Không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, việc phát triển du lịch cũng tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.

Có thể thấy, nông nghiệp tự nhiên, nông sản sạch, nông sản an toàn và hiệu quả kinh tế đang được người tiêu dùng ưu tiên hàng đầu. Trong đó, sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch đang là hướng đi bền vững được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân áp dụng nhằm gia tăng lợi ích kinh tế.

Một số mô hình phát triển chuỗi nông nghiệp gắn du lịch cộng đồng hiệu quả

Theo các chuyên gia, phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là hướng đi phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của vùng miền. Xuất hiện nhiều mô hình phát triển hiệu quả ở nhiều địa phương, như:

Bình Thuận hiện đang phát triển loại hình du lịch chuỗi nông nghiệp sạch như: lúa, bắp, nho, cây chôm chôm, đặc biệt là cây thanh long. Tận dụng lợi thế vốn có, từ cuối năm 2019, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận đã đưa vào hoạt động mô hình tour du lịch cộng đồng “Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long” cùng người dân tại huyện Hàm Thuận Nam – nơi “thủ phủ thanh long” của Bình Thuận. Dù mới hình thành trong thời gian ngắn nhưng loại hình này bước đầu đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo đó, việc tham quan vườn thanh long là sản phẩm mới nằm trong chuỗi phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp của ngành du lịch tỉnh Bình Thuận. Thông qua đó, khách du lịch được trải nghiệm từ khâu sản xuất, gieo trồng, đến tự tay thu hoạch, chế biến sản phẩm, đóng gói quà tặng và hoặc vận chuyển đến các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn. Sản phẩm du lịch trải nghiệm quy trình sản xuất giúp khách du lịch hào hứng, đồng thời, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha tại huyện Bắc Bình; du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp sạch trên các đảo, xung quanh hồ thủy điện, thủy lợi tại các huyện vùng cao như Tuy Phong, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc…Hiện nay, Bình Thuận đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn với chuỗi sản xuất nông nghiệp, coi đây là một hướng đi mới và bền vững cho ngành du lịch, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Hay như Đắk Lắk, tỉnh này cũng xác định tập trung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh từ điều kiện tự nhiên đến văn hóa bản địa đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Tại Đắk Lắk, một số mô hình phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp sạch đã thu hút được khách du lịch như làng nai Cư Êbur, làng thỏ Ea Tu, cà phê chồn Kiên Cường,…khách du lịch được trải nghiệm đầy đủ quy trình từ sản xuất, thu hoạch đến rang và xay cà phê nguyên chất, đóng gói trà, túi lọc, và tham gia vận chuyển tiêu thụ đến các cửa hàng dịch vụ trên địa bàn.

Một ví dụ điển hình tại Sơn La, một tỉnh miền núi phía Tây Bắc có khí hậu đa dạng, là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao. Với nguồn tài nguyên du lịch sinh thái phong phú, đồng lúa, rau màu, rượu, mật ong, cây ăn quả ôn đới dài ngày như (cà phê, chè..) có ưu thế ở Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu là những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung ở Quỳnh Nhai, Mường La… Ngoài ra, Sơn La cũng có nguồn tài nguyên về du lịch độc đáo như: Lòng hồ thủy điện Sơn La, Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Nhà máy thủy điện Sơn La… Đây là những lợi thế để Sơn La phát triển du lịch gắn với nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Từ những mô hình du lịch hộ gia đình cho đến mô hình trang trại, trồng cây ăn quả… tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã cho thấy du lịch gắn với chuỗi nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho cá nhân gia đình và địa phương. Khách du lịch được tự tay thu hoạch mật ong, vắt sữa bò, thu hái mận, cam quýt, hái cà phê, đến ướp thịt gác bếp… và được chế biến trực tiếp các sản phẩm thô, làm mứt, làm sữa chua,… đến khâu đóng bao bì thành phẩm. Chính sự tham gia trực tiếp của người dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo ra nên sự phong phú hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời mang lại một nguồn thu nhập cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy, đây được coi là một phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt tại những cộng đồng khó khăn, tạo thêm nguồn sinh kế ổn định cải thiện đời sống nhân dân, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn.

Đáng chú ý, phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng thời gian qua đã được Hà Nội quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tốt. Đây là một trong những hướng đi mới của nông nghiệp thành phố nhằm nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập của người dân vùng nông thôn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, việc phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch nhằm phục vụ nhu cầu khám phá của du khách và hứa hẹn giúp nâng cao giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố. Hiện nay, sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề ở Hà Nội chủ yếu khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ du lịch học đường, du lịch cuối tuần. Điển hình như tour tham quan mùa lúa chín tại Đường Lâm; du lịch nông nghiệp kết hợp tham quan làng cổ Đường Lâm; du lịch nông trại; du lịch trải nghiệm rau hữu cơ, làng chè, rau rừng tự nhiên và đa dạng sinh học… Nhiều du khách mong muốn được tham quan trải nghiệm ở các khu trang trại, vườn trại, du lịch sinh thái… gắn với tìm hiểu giá trị văn hóa của từng địa phương giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm đem lại thu ổn định cho người dân vùng nông thôn. Cùng với đó, tại Hà Nội hiện có hơn 10 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Mặt khác,  Hà Nội đã công nhận khoảng 15 điểm, khu du lịch cấp thành phố, trong đó có điểm du lịch làng gốm Bát Tràng, làng sinh vật cảnh Hồng Vân, khảm trai Chuyên Mỹ, may Vân Từ. Du khách đến với làng nghề sẽ được tham quan cảnh quan đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ; được trực tiếp làm thử một vài công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động…

Giải pháp phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để xây dựng du lịch cộng đồng gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản hiệu quả phải có mô hình quản lý phù hợp, dựa trên quy mô, đặc tính văn hóa, đặc trưng của tỉnh; đặc biệt phải mang lại lợi ích cho người địa phương, để người địa phương tham gia vào công tác quản lý du lịch cộng đồng; trao quyền rộng hơn cho cộng đồng tham gia vào công tác xây dựng đề án và quy hoạch du lịch cộng đồng.

Thêm nữa, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cần đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của môi trường đối với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp để tạo sức hút đối với du khách trong nước, quốc tế và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Để kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa du lịch nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản mới cần sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp, trong đó chú trọng vào các hoạt động du lịch nông nghiệp sạch, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên; xác định hướng đi chủ đạo là phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách…

Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực khi gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để đẩy mạnh mô hình sản xuất và nâng cao hiệu quả hơn nữa thì việc gìn giữ và khôi phục những giá trị văn hóa cổ truyền qua đó cung cấp thêm những trải nghiệm độc đáo cho các du khách thì cần phải có sự liên kết, phối hợp trao đổi giữa đơn vị lữ hành, nhà đầu tư, nhà nước nhằm mục đích nhân rộng những mô hình hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ, phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái cho người dân các địa phương theo thế mạnh của từng vùng.

Du lịch cộng đồng – nông nghiệp là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, nó không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn  bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Về phát triển sản phẩm chủ lực, các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm để quy hoạch vùng chuyên canh có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội thuận lợi, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ cần thiết, thuận tiện về giao thông để gắn kết với thị trường chính. Xác định các khâu giá trị chính cho mặt hàng nông sản, ưu tiên các doanh nghiệp địa phương làm đầu tàu của mỗi ngành hàng, kết nối với các doanh nghiệp chế biến, phân phối lớn và/hoặc thị trường mục tiêu. Nhà nước cần làm cầu nối cho doanh nghiệp và tổ chức nông dân địa phương với thị trường hoặc các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ lớn thông qua việc cung cấp thông tin thị trường, môi giới thị trường, môi giới đầu tư. Nhà nước phối hợp với doanh nghiệp lớn, Viện nghiên cứu hoặc Hiệp hội để chuyển giao công nghệ hiện đại, phù hợp cho doanh nghiệp địa phương và nông dân; hoặc phát triển vườn ươm đổi mới sáng tạo nông nghiệp cho doanh nghiệp hoặc tổ nhóm nông dân địa phương. Đổi mới công tác khuyến nông, tham gia vào quá trình này với vai trò là tác nhân môi giới công nghệ.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp, tập trung vào các khâu giống, quy trình sản xuất, chế biến, quản lý chuỗi giá trị. Có chính sách đặc biệt ưu đãi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ. Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật. Tăng cường kiểm soát quản lý vùng trồng, vùng nuôi và vùng khai thác, đẩy mạnh thực hiện đánh mã số vùng trồng. Xây dựng hệ thống giám sát đánh giá vùng nuôi nhằm luôn đảm bảo các yêu cầu của thị trường, nhất là các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu ngày càng cao.

Thu hút đầu tư doanh nghiệp hình thành các cơ sở chế biến công nghệ cao, khép kín tại vùng chuyên canh chính, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần để tăng hiệu quả kết nối sản xuất – thị trường, giúp làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và phát triển thị trường: tăng cường năng lực thông tin, dự báo, cảnh báo, đàm phán, xử lý tranh chấp, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại đối với thị trường trong và ngoài nước.

Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại; phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư tư nhân, thúc đẩy các mô hình PPP, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng. Đổi mới quản lý nhà nước: kiện toàn hệ thống quản lý ngành dọc; phân cấp, tăng tính chủ động của địa phương; xã hội hóa dịch vụ công và các đơn vị sự nghiệp công lập…