ĐỊNH GIÁ TRONG HOẠT ĐỘNG SÁP NHẬP, HỢP NHẤT DOANH NGHIỆP

Với sự bùng nổ của cơ chế thị trường, hoạt động sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp diễn ra ngày càng nhiều. Trong khi còn nhiều vấn đề cần bàn đến như: vấn đề lợi ích nhóm, tác động xã hội như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động…thì vấn đề định giá doanh nghiệp đang được nhắc đến như một yếu tố cốt lõi để đánh giá hiệu quả của hoạt động hợp nhất, sáp nhập nhất là với những doanh nghiệp nhà nước. Bài viết sau sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn các phương pháp định giá doanh nghiệp.

GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP VÀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP

Giá trị doanh nghiệp là giá trị hiện tại các khoản thu nhập từ kết quả hoạt động kinh doanh (HĐKD) của doanh nghiệp trong tương lai và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Giá trị doanh nghiệp chịu tác động bởi nhiều yếu tố cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp

Các nhân tố bên ngoài: Các nhân tố này không thuộc phạm vi kiểm soát của chính doanh nghiệp và chịu tác động bởi bối cảnh kinh tế xã hội của quốc gia và những quy định của Nhà nước, bao gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tình hình lạm phát, lãi suất tín dụng, hoạt động của TTCK, …tất cả các nhân tố này đều tác động đến tỷ lệ hoàn vốn, thu nhập dự kiến, tỷ suất rủi ro,… và do đó ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp.

Các nhân tố bên trong: Đây là các nhân tố nằm trong khả năng kiểm soát của chính doanh nghiệp, bao gồm:

Hiện trạng tài sản cố định (TSCĐ)

Thường TSCĐ có thời gian sử dụng dài, giá trị lớn. Hiện trạng TSCĐ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động SXKD của doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp.

Giá trị thương hiệu của doanh nghiệp

Thương hiệu là một tài sản vô hình đặc biệt, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người tiêu dùng, nhà đầu tư góp phần tạo ra giá trị cho cổ đông.

Một thương hiệu có giá trị sẽ giúp doanh nghiệp không những duy trì được những khách hàng cũ mà còn giúp có thêm những khách hàng mới. Dễ dàng mở rộng kênh phân phối, mở rộng thương hiệu. Đây cũng là yếu tố dè chừng các đối thủ cạnh tranh mà vẫn duy trì một chính sách giá cao hợp lý.

– Giá trị thương hiệu là chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra đầu tư để có được thương hiệu. Thường được tính qua các chi phí Makettinh. Còn được là “Giá thành”  (Cost) thương hiệu

–  Giá trị thương hiệu là giá trị có được khi sử dụng thương hiệu có thể bán và thu được bao nhiêu tiền. Đây là “Giá bán” (Price) của thương hiệu. Thông thường “Giá bán – Price” của thương hiệu được tính qua thu nhập có được do phí bản quyền thương hiệu mà doanh nghiệp sở hữu thương hiệu thu được qua các hoạt động nhượng quyền thương mại.

– Xác định xem thương hiệu đã mang lại cho doanh nghiệp khoản thu nhập là bao nhiêu trong quá khứ sẽ còn mang lại bao nhiêu thu nhập trong tuơng lai. Người ta gọi đó là “Giá trị” (Value) của thương hiệu. Như vậy giá trị thương hiệu là thu nhập mà thương hiệu có thể mang về cho doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu.

          Trình độ quản lý

Doanh nghiệp có một đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, được sự hỗ trợ tích cực của bộ máy điều hành năng động sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và ngược lại.

Loại hình kinh doanh

Một loại hình kinh doanh có tỷ suất sinh lợi cao, ổn định và đang có xu hướng phát triển, mở rộng thì sẽ được quan tâm hơn và sẽ có cơ hội nâng cao giá trị lớn hơn. Ngược lại, các doanh nghiệp ở những ngành nghề kinh doanh đang có xu hướng co lại, tỷ suất lợi nhuận thấp và rủi ro cao thì giá trị cũng bị giảm đi.

Vị trí địa lý

Một vị trí địa lý thuận lợi, phù hợp với ngành nghề kinh doanh, gần các trung tâm buôn bán, gần mặt đường lớn, thuận tiện trong vận chuyển thì doanh nghiệp sẽ có rất nhiều thuận lợi khi quan hệ giao dịch với khách hàng, nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình…Vị trí địa lý tốt sẽ là một lợi thế của doanh nghiệp và chắc chắn sẽ làm cho giá trị của doanh nghiệp cao hơn giá trị sổ sách rất nhiều.

Các báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Thông qua các báo cáo, có thể đánh giá được khả năng tạo ra tiền, sự biến động tài sản thuần của doanh nghiệp, khả năng dự đoán dòng tiền, cơ cấu tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp, phân tích kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…từ đó nhìn thấy giá trị của doanh nghiệp tại thời điểm định giá.

PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ THƯƠNG HIỆU BẰNG PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN

Để xác định giá trị thương hiệu, người định giá cần xác định 2 bước quan trọng như sau:

Bước 1: Sử dụng phương pháp hay kỹ thuật định giá tách phần thu nhập do thương hiệu mang lại trong tổng thu nhập của doanh nghiệp (trong quá khứ cũng như trong tương lai).

+ Phân khúc thị trường

Thương hiệu có ảnh hưởng khác nhau ở các phân khúc, nên việc tính toán phải được thực hiện ở từng phân khúc riêng và tổng giá trị của các phân khúc sẽ hợp thành tổng giá trị của thương hiệu.

+ Phân tích tài chính

Xác định và dự báo doanh thu, cũng như lợi nhuận kiếm được từ tài sản vô hình có được nhờ thương hiệu cho những phân khúc đã được xác định, bằng cách lấy tổng doanh thu của doanh nghiệp trừ đi chi phí sản xuất, chi phí hoạt động, thuế và các loại chi phí khác.

+  Phân tích nhu cầu

Đo lường sự ảnh hưởng của thương hiệu đến nhu cầu của khách hàng ngay tại điểm mua hàng, từ đó ta xác định được tỷ lệ % đóng góp của thu nhập vô hình có được nhờ thương hiệu, thường gọi là chỉ số “Vai trò của thương hiệu” (Role of Brand Index).

Chỉ số này được tính bằng cách xác định những xu hướng nhu cầu khác nhau về sản phẩm có gắn thương hiệu, sau đó xác định mức độ mà mỗi xu hướng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thương hiệu. Nói cách khác, chỉ số này đại diện cho phần trăm (%) tài sản vô hình được tạo ra bởi thương hiệu hay thương hiệu đóng góp bao nhiêu % trong lợi nhuận kiếm được từ tài sản vô hình.

Thu nhập của thương hiệu = Vai trò của thương hiệu x Thu nhập vô hình.

Đây được xem là bước phức tạp nhất trong quá trình định giá thương hiệu.

+ Xác định “Sức mạnh thương hiệu” (Brand Power Score) và “Lãi suất chiết khấu” Sức mạnh của thương hiệu dựa vào 7 yếu tố các thang điểm như sau:

Yếu tố Điểm tối đa
Tính dẫn đầu (brand leadership) 25
Tính ổn định (stability) 15
Thị trường (Market) 10
Địa lý (Geography) 25
Xu hướng thương hiệu (trend) 10
Hoạt động hỗ trợ (brand support) 10
Bảo hộ thương hiệu (protection) 5
Tổng cộng (Sức mạnh thương hiệu) 100

 (Theo Interbrand)

Điểm “sức mạnh thương hiệu” được tính bằng tổng điểm của 7 yếu tố trên. Tuy nhiên, tùy vào từng ngành, lĩnh vực kinh doanh khác nhau mà các tiêu chí này sẽ có sự linh động, khi cần thiết mỗi tiêu chí này có thể phân tích thành những tiêu chí thành phần khác nhau. “Chỉ số sức mạnh thương hiệu” thể hiện độ ổn định của khả năng sinh lời của thương hiệu, độ ổn định của chính thương hiệu.

Lãi suất chiết khấu là lãi suất phản ánh độ rủi ro của thu nhập kỳ vọng trong tương lai có được nhờ thương hiệu.

Việc xác định “Lãi suất chiết khấu” dựa vào phương trình đường thẳng với trục tung để thể hiện giá trị này và trục hoành thể hiện điểm “Sức mạnh thương hiệu”. Điểm “Sức mạnh thương hiệu” càng cao thì tỷ lệ “lãi suất chiết khấu” càng nhỏ.

 +Xác định giá trị thương hiệu (Brand Value Calculation)

Giá trị thương hiệu chính là giá trị hiện tại (NPV) của các dòng tiền do thương hiệu tạo ra, trong đó tỷ lệ chiết khấu được xác định bởi chỉ số sức mạnh của thương hiệu. Giá trị hiện tại không chỉ rút ra ở thời điểm dự đoán mà còn ở thời điểm xa hơn nữa để có thể phản ánh khả năng tạo ra nguồn thu nhập liên tục trong tương lai của thương hiệu.

Bước 2: Định giá thương hiệu như định giá một tài sản (vô hình) khi đã biết dòng thu nhập do thương hiệu mang lại.