NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN KINH DOANH TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH ĐIỆN BIÊN

Trong cơ chế kinh tế thị trư­ờng mở cửa, hội nhập quốc tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn kinh doanh nên việc sử dụng các nguồn vốn đã huy động được là đặc biệt quan trọng. Thế mà, việc sử dụng các nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Điện Biên nói riêng trong thời gian qua lại chưa thực sự có hiệu quả. Vì thế các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điên Biên cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh để phát triển bền vững trong cơ chế thị trường.

  1. Thực trạng sử dụng vốn kinh doanh và những nguyên nhân

* Các vấn đề lý luận

            Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về hiệu quả. Nhiều nhà quản trị quan niệm hiệu quả được xác định bởi tỉ số giữa kết quả đạt được và chi phí bỏ ra để đạt được kết quả đó.

Hiệu quả sử dụng vốn là hiệu quả kinh doanh lĩnh vực hoạt động, đó là lĩnh vực sử dụng vốn. Giữa hiệu quả kinh doanh tổng hợp và hiệu quả sử dụng vốn có mối quan hệ biện chứng: hiệu quả kinh doanh tổng hợp là kết quả tổng hợp của hiệu quả sử dụng các nguồn lực, trong đó có hiệu quả sử dụng vốn. Hiệu quả sử dụng vốn là điều kiện tiền đề góp phần tạo ra hiệu quả kinh doanh tổng hợp.

Để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên cần chu ý các chỉ tiêu chủ yếu sau:

– Doanh lợi của toàn bộ vốn kinh doanh: Chỉ tiêu này cho biết có bao nhiêu đồng lợi nhuận được tạo ra khi bỏ ra một đồng vốn kinh doanh.

– Số vòng quay của tổng vốn kinh doanh: Chỉ tiêu này cho biết một đồng vốn kinh doanh mà doanh nghiệp đem vào  kinh doanh quay được mấy vòng trong kỳ

– Sức sản xuất của một đồng vốn cố định: Chỉ tiêu này phản ánh một đồng vốn cố định đem lại mấy đồng doanh thu.

– Sức sinh lời của một đồng vốn cố định: Chỉ tiêu này cho biết một đồng lợi nhuận được tạo ra cần hao phí bao nhiêu đồng vốn cố định

– Số vòng luân chuyển vốn lưu động: Chỉ tiêu này cho biết vốn lưu động quay được mấy vòng trong kỳ tính toán.

– Sức sinh lời của một đồng vốn lưu động: Chỉ tiêu này cho biết một đồng vốn lưu động tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận.

* Thực trạng sử dụng vốn kinh doanh trong các doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên:

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp trong ấn phẩm kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Điện Biên giai đoạn 2009 – 2011 do Cục thống kê Điên Biên công bố năm 2012 thì tính đến hết ngày 1/1/2012 Điện Biên có 740 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động với quy mô vốn nằm ở nhiều mức khác nhau nhưng có thể nói hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Điện Biên có quy mô vốn nhỏ chủ yếu nằm trong khoảng từ 1 đến 5 tỷ đồng. Cụ thể trong năm 2012 có số liệu sau:

* Từ dưới 1 tỷ đồng chiếm 12,4%.

* Từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng chiếm 45,5%.

* Từ 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng chiếm 18,9%.

* Từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng chiếm 23,2%.

Theo cách chia của Cục Thống kê Điện Biên thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên chia có 03 lĩnh vực là: Nông – Lâm – Thủy sản, Công nghiệp – Xây dựng, Thương mại – Dịch vụ do đó tác giả sử dụng cách chia này để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp

– Các doanh nghiệp Nông – Lâm – Thủy sản

+ Doanh lợi của toàn bộ vốn kinh doanh: Mức doanh lợi tổng vốn kinh doanh trung bình 5 năm của các doanh nghiệp này là 0,29%/năm kém hơn trung bình cả nước 22,3 lần.

+ Số vòng quay của tổng vốn kinh doanh: Số vòng quay của tổng vốn kinh doanh trung bình 5 năm là 0,2138 vòng/năm kém hơn trung bình cả nước 2,4 lần.

+ Sức sản xuất của một đồng vốn cố định: Sức sản xuất vốn cố định trung bình trong 5 năm là: 0,266 đồng kém hơn cả nước 28,1 lần.

+ Sức sinh lời của một đồng vốn cố định: Mức sinh lời trung bình của một đồng vốn cố định trong 5 năm là 0,0037 đồng kém hơn cả nước 26,2 lần.

+ Số vòng luân chuyển vốn lưu động: Số vòng quay trung bình trong 5 năm của một đồng vốn lưu động trong các doanh nghiệp là 1,071 vòng/năm kém hơn cả nước 1,41 lần.

+ Sức sinh lời của một đồng vốn lưu động: Mức sinh lời của một đồng vốn lưu động trong 5 năm là 0,0147 đồng kém hơn trung bình cả nước 13,1 lần.

– Các doanh nghiệp Công nghiệp – Xây dựng

+ Doanh lợi của toàn bộ vốn kinh doanh: Mức doanh lợi của tổng vốn kinh doanh trung bình 5 năm của các doanh nghiệp là 2,188%/năm kém hơn trung bình cả nước 2,1 lần.

+ Số vòng quay của tổng vốn kinh doanh: Số vòng quay tổng vốn kinh doanh trung bình 5 năm là 1,0612 vòng/năm cao hơn hơn trung bình cả nước.

+ Sức sản xuất của một đồng vốn cố định: Sức sản xuất trung bình của một đồng vốn cố định trong trong 5 năm là 1,829 đồng kém hơn trung bình cả nước 1,1 lần.

+ Sức sinh lời của một đồng vốn cố định: Mức sinh lời trung bình của một đồng vốn cố định trong 5 năm là 0,0378 đồng kém hơn trung bình cả nước là 2,48 lần.

+ Số vòng luân chuyển vốn lưu động: Số vòng quay trung bình của một đồng vốn lưu động trong 5 năm là 2,525 vòng/năm cao hơn trung bình cả nước 1,4 lần.

+ Sức sinh lời của một đồng vốn lưu động: Mức sinh lời của một đồng vốn lưu động trong 5 năm là 0,052 đồng kém hơn trung bình cả nước 1,67 lần.

– Các doanh nghiệp Thương mại – Dịch vụ

+ Doanh lợi của toàn bộ vốn kinh doanh: Doanh lợi của tổng vốn kinh doanh trung bình 5 năm là 1,11%/năm kém hơn trung bình cả nước 1,6 lần.

+ Số vòng quay của tổng vốn kinh doanh: Số vòng quay tổng vốn kinh doanh trung bình là 1,16 vòng/năm cao hơn trung bình cả nước.

+ Sức sản xuất của một đồng vốn cố định: Sức sản xuất trung bình của một đồng vốn cố định trong 5 năm là 3,794 đồng cao hơn trung bình cả nước là 1,37 lần.

+ Sức sinh lời của một đồng vốn cố định: Mức sinh lời trung bình của một đồng vốn cố định trong 5 năm là 0,0364 đồng kém hơn trung bình cả nước 1,45 lần.

+ Số vòng luân chuyển vốn lưu động: Số vòng quay trung bình của một đồng vốn lưu động trong 5 năm là 1,674 vòng/năm cao hơn trung bình cả nước 1,16 lần.

+ Sức sinh lời của một đồng vốn lưu động: Mức sinh lời của một đồng vốn lưu động trong 5 năm là 0,0162 đồng kém hơn trung bình cả nước là 1,69 lần.

Như vậy, khi phân tích thực trạng sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên bằng các chỉ tiêu đánh giá và so sánh với trung bình của cả nước ta có thể khẳng định các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên sử dụng không có hiệu quả nguồn vốn kinh doanh của mình.

* Thực trạng này là do một số nguyên nhân sau:

Cơ cấu vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Điện Biên là không hợp lý. Trong lĩnh vực Nông – Lâm – Thủy sản tỷ lệ đầu tư cho vốn cố định quá cao gần 80% dẫn đến không tận dụng hết công suất của các tài sản, tăng chi phí sản xuất trong khi vốn lưu động chỉ có 20% điều này làm cho các doanh nghiệp khó có khả năng tận dụng các cơ hội kinh doanh. Trong lĩnh vực Công nghiệp và Xây dựng thì vốn đầu tư cho tài sản cố định thấp chỉ chiếm gần 57% dẫn tới thiếu máy móc không làm tăng được năng suất làm doanh thu và lợi nhuận giảm. Trong lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ tỷ lệ đầu tư cho vốn lưu động quá cao chiếm gần 70% trong khi vốn cố định chiếm hơn 30% điều này làm cho các doanh nghiệp khó có khả năng cao năng suất và chất lượng do sự áp dụng khoa học kỹ thuật ít.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Điện Biên hiện nay, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang sử dụng máy móc, thiết bị còn lạc hậu 76% máy móc, dây chuyền công nghệ được sản xuất từ những năm 1950 – 1960, 73% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% số thiết bị là đồ tân trang… Tóm lại, máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ có 10% hiện đại, 40% trung bình và 50% là lạc hậu và rất lạc hậu, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2%, việc đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chi phí khoảng 0,2% – 0,3% tổng doanh thu. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp không tiết kiệm được nguyên vật liệu, chi phí bảo trì, bảo dưỡng lớn, không nâng cao được năng suất dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn nói chung và vốn cố định nói riêng không cao.

Trình độ lao động quản lý và lao động trực tiếp sản xuất ra sản phẩm tại các doanh nghiệp là không cao. Theo báo cáo của Cục thống kê Điện Biên về trình độ chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên thì trong tổng số 740 doanh nghiệp có 30,1% chủ doanh nghiệp có trình độ đại học và cao đẳng, 35,8% chủ doanh nghiệp có trình độ trung cấp, 23,5% chủ doanh nghiệp có trình độ sơ cấp và 10,6% chủ doanh nghiệp chưa qua đào tạo. Thực trạng này dẫn đến các phương án sản xuất kinh doanh sẽ không thực sự hữu hiệu, việc bố trí các khâu, các giai đoạn sản xuất không thực sự khoa học, việc xác định nhu cầu vốn kinh doanh, bố trí cơ cấu vốn không hợp lý, vốn trong quá trình thanh toán bị chiếm dụng, …và sẽ gây lãng phí về nhân lực, vốn, nguyên vật liệu, …

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đã hướng công việc kinh doanh của mình theo thị trường. Tuy nhiên, lối kinh doanh nhỏ lẻ, truyền thống, chộp giật, manh mún, thiếu cái nhìn dài hạn vẫn còn ăn sâu trong tâm trí chủ các doanh nghiệp. Điều này được chứng minh các sản phẩm của các doanh nghiệp tỉnh Điện Biên chủ yếu là tiêu thụ trong tỉnh, người tiêu dùng cả nước rất ít biết đến các thương hiệu tại Điện Biên, chưa có một sản phẩm Công nghiệp – Dịch vụ nào được xây dựng thương hiệu một cách bài bản

Là một tỉnh miền núi phía Bắc, lại nằm ở điểm cuối cùng của quốc lộ 6 nên việc giao lưu vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Quá trình vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu từ Điện Biên đi các tỉnh và từ các tỉnh Điện Biên chủ yếu là qua quốc lộ 6, tại tỉnh chưa có tuyến đường sắt đi qua, không vận chuyển được bằng đường thủy, đường hàng không chỉ dành để phục vụ hành khách nên chi phí vận chuyển hàng hóa khá cao, ngoài ra do đường núi quanh co, nhiều đèo dốc lên rủi ro cho việc vận chuyển lớn vấn đề này cũng làm tăng chi phí của các doanh nghiệp.

  1. Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên.

* Điều chỉnh lại cơ cấu vốn giữa vốn cố định và vốn lưu động trong các ngành kinh doanh

Các doanh nghiệp nên xem xét cần tiến hành thanh lý, nhượng bán tài sản cố định không cần dùng hoặc đã khấu hao hết để thu hội vốn nhằm tái đầu tư vào tài sản cố định bổ xung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho việc cất giữ bảo quản tài sản cố định đó. Những loại tài sản nào doanh nghiệp bắt buộc phải mua thì sẽ tiến hành đầu tư để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.

Với những tài sản nào cần thiết nhưng có tính mùa vụ các doanh nghiệp có thể tính đến phương án đi thuê nhằm tiết kiệm vốn đầu tư mà vẫn đem lại hiệu quả.

Các doanh nghiệp phải thường xuyên đánh giá và đánh giá lại tài sản cố định. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả thường xuyên biến đổi, hiện tượng hao mòn vô hình thường xuyên xảy ra. Việc thường xuyên đánh giá và đánh giá lại tài sản giúp cho các doanh nghiệp xác định mức khấu hao và thời gian khấu hao hợp lý để thu hồi vốn, xử lý kịp thời những tài sản cố định bị mất giá để chống sự thất thoát vốn.

Các doanh nghiệp nên lập kế hoạch đầu tư phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế. Thực tế cho thấy trong một vài năm vừa qua tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa Điện Biên có một số tài sản cố định được đầu tư vượt so với nhu cầu sử dụng từ đó làm cho hiệu quả sử dụng của tài sản cố định bị giảm, hàm lượng vốn cố định trong mỗi đồng doanh thu tăng lên điều này đã ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, gây nên hiện tượng lãng phí vốn cố định.

* Đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp

Tổ chức thường xuyên các hội chợ công nghệ và thiết bị địa phương, kể cả các sàn giao dịch công nghệ điện tử để phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu kết nối cung cầu về công nghệ. Nên có các hình thức hỗ trợ, như hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh vốn vay giúp doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn miền núi. Hỗ trợ tổ chức đào tạo ngắn hạn cho lãnh đạo doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao về quản trị công nghệ.

Các doanh nghiệp phải đầu tư một cách đồng bộ, công suất hoạt động máy lớn, số giờ máy và số ca của máy được hoạt động một cách triệt để, phải có trách nhiệm bảo quản, bảo dưỡng máy móc tốt, định mức khấu hao đúng đắn. Đối với những công nghệ cũ, lỗi thời, đã khấu hao hết các doanh nghiệp nên thanh lý để đầu tư vào các máy móc khác.

* Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và chất lượng đội ngũ lao động

Như đã phân tích ở phần thực trạng trình độ cán bộ quản lý ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa Điện Biên khá thấp, số cán bộ đã được qua đào tạo, số cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực kinh doanh ít điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần sử dụng kết hợp nhiều phương pháp đào tạo trong đó có phương pháp tự đào tạo nghĩa là các công nhân sẽ tự đào tạo cho nhau để hoàn thành công việc, doanh nghiệp chỉ giám sát, phân tổ, nhóm và đưa ra chỉ tiêu. Ngoài ra các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nghiệp vụ quản lý, trình độ của các cán bộ quản lý cấp thấp những người này có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nên để cho nhóm đối tượng này đi đào tạo các lớp ngắn hạn chuyên sâu về: năng lực quản lý tổ chức, quản trị công nghệ, …

* Xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp

Trung tâm xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công thương của tỉnh nên tích cực tổ chức các hội chợ thương mại để giới thiệu các sản phẩm cho người tiêu dùng biết từ đó thúc đẩy việc tiêu thụ của người tiêu dùng.

Ngoài sự hỗ trợ về mặt cơ chế của Nhà nước, muốn khẳng định chỗ đứng trên thị trường, nhất thiết các doanh nghiệp phải xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm hàng hóa cho riêng mình. Tỉnh Điện Biên có gạo khá nổi tiếng, giống như một số mặt hàng chè Tân Cương, vải Thanh Hà, rượu Vang Đà Lạt… Gạo Điện Biên khá quen thuộc với người tiêu dùng tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, thủ đô Hà Nội… Xây dựng, phát triển thương hiệu gạo Điện Biên là việc làm cấp thiết hiện nay.

* Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí

Tỉnh Điện Biên cần có chính sách ưu tiên nguồn vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường giao thông từ khu vực trung tâm tới các cặp cửa khẩu chính, phụ. Hiện nay, tuyến đường tới các cặp cửa khẩu chưa thực sự được thông thương, nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân 2 nước buôn bán trao đổi hàng hóa cả mùa khô và mùa mưa. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại bị hạn chế.

Nâng cấp, cải tạo tuyến đường quốc lộ 6 nếu cần khắc phục hoặc sửa chữa thì tỉnh nên kiến nghị ngay với Trung ương để kịp thời sử lý. Cần làm thêm nhiều đường lánh nạn trên đèo Pha Đin.

            Tích cực liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để đầu tư xây dựng nhà máy sử lý nước đặc biệt là các dự án của ngân hàng thế giới (WB), dự án JACA của Nhật để đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của dân và sản xuất của các doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ hiện đại, triển khai tự động hoá trong khai thác, chấp nhận và tin học hoá các công đoạn bưu chính, phát triển kinh doanh từ các dịch vụ mới, dịch vụ lai ghép, dịch vụ tài chính dựa trên mạng bưu chính điện tử.

Là các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn của một tỉnh miền núi nhưng ở đây cũng có nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác do đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn có thể từng bước khẳng định hơn nữa vị thế của mình trên thị trường trong nước cũng như bắt kịp vòng xoáy hội nhập quốc tế và việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là một vấn đề rất cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh doanh.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Nguyễn Thành Độ và Nguyễn Ngọc Huyền (2006), Giáo trình quản trị kinh doanh, Nhà xuất bản Đại Học Kinh Tế Quốc Dân.
  2. Đặng Công Thức (2012), “Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Điện Biên” Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

TS. Đặng Công Thức