Những yếu tố làm nên thương hiệu du lịch mạnh của thành phố Sơn La

Hoàng Xuân Trọng – Khoa Kinh tế

Thành phố Sơn La có 12 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 7 phường và 5 xã), diện tích đất tự nhiên 324,93 km2, dân số trên 100 nghìn người; có vị trí địa lý, giao thông, thiên nhiên và lịch sử thuận lợi cho phát triển du lịch. Gần đây, thành phố Sơn La có nhiều sự kiện như khánh thành công viên 26/10 và khởi công tổ hợp vui chơi giải trí và khách sạn năm sao Hồ Sanh; cải tạo khu nhà nổi với hai đài phun nước vòng tròn tượng trưng cho vòng xòe các dân tộc Sơn La, trưng bày các sản phẩm địa phương; bộ mặt đô thị được chỉnh trang đẹp đẽ. Đặc biệt là hội thảo “Chung tay xây dựng phát triển sản phẩm du lịch thành phố Sơn La” ngày 25/10/2014 do UBND thành phố và Hiệp hội du lịch Sơn La tổ chức với sự tham dự của gần 100 đại biểu và 22 bài viết tham luận, đáng tiếc là trong đó không có bài viết nào về xây dựng thương hiệu du lịch mạnh và nhất quán của thành phố Sơn La. Những thế mạnh và sự kiện nêu trên vẫn chưa tạo dựng được một thương hiệu du lịch mạnh. Bài viết này sẽ bàn luận về những yếu tố nào làm nên một thương hiệu du lịch mạnh của thành phố Sơn La.

Các thương hiệu du lịch mạnh có 2 điểm giống nhau là ý tưởng và tính kiên định. Ý Tưởng: đằng sau mỗi thương hiệu là một ý tưởng hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm và trung thành của du khách bằng cách đáp ứng những nhu cầu chưa được thoả mãn của họ. Tính kiên định: mục đích và những giá trị cốt lõi được giữ nguyên cho dù chiến lược và chiến thuật du lịch có bị sửa lại thường xuyên để tận dụng lợi thế từ các thay đổi lớn, bất ngờ của môi trường kinh tế và hội nhập quốc tế.

Có 4 yếu tố cơ bản làm nên một thương hiệu du lịch mạnh, đó là: đảm bảo tính nhất quán khi chuyển tải “Lời hứa thương hiệu”, Sản phẩm và các quy trình tối ưu, Định vị đặc biệt và kinh nghiệm hiểu biết về khách hàng, Sự kết nối các cam kết bên trong và bên ngoài. Chúng ta sẽ xem xét cụ thể sau đây.

Thứ nhất, đảm bảo tính nhất quán khi chuyển tải “lời hứa thương hiệu”. Vừa qua, thành phố Hạ Long bắt đầu chiến dịch “Nụ cười Hạ Long” với biểu tượng nụ cười trên nền Vịnh Hạ Long với sự tham gia tuyên truyền của 9 vị lãnh đạo tỉnh, tổ chức cuộc thi ảnh “Nụ cười Hạ Long”. Thành phố Sơn La chọn biểu tượng là hoa ban, được gọi tên là thành phố Hoa Ban, có những bài hát về thành phố trẻ, thành phố Hoa Ban. Tuy nhiên, thành phố chưa có một chiến dịch quảng bá rộng khắp và nhất quán về thương hiệu “Thành phố Hoa Ban”. Một thương hiệu du lịch mạnh truyền tải lời hứa tới du khách, khuyến khích du khách đến với điểm du lịch.Tất cả những trải nghiệm của du khách trong quá trình đánh giá, thử, mua và chấp nhận chính là sự xác minh lời hứa của thương hiệu. Nếu chúng ta không kiên định duy trì hình ảnh thành phố Hoa Ban và không có những chiến dịch quảng bá thường xuyên, lặp đi lặp lại một cách nhất quán hình ảnh thương hiệu thì sẽ có nguy cơ bị phai nhạt và biến mất khỏi tâm trí của du khách hiện tại và tiềm năng. Thậm chí trong nhận thức của du khách, hình ảnh thành phố Hoa Ban, lễ hội Hoa Ban Sơn La sẽ thuộc về địa phương khác (thành phố Điện Biên cũng đã tổ chức Lễ hội Hoa Ban khoe sắc với quy mô lớn vào tháng 3/2014).

Thứ hai, sản phẩm du lịch đặc trưng. Thương hiệu du lịch mạnh được biết tới về nguồn gốc của giá trị thương hiệu. Để thu hút du khách và duy trì được lòng trung thành của họ, các thương hiệu phải đưa tới du khách các sản phẩm/dịch vụ đặc trưng hơn những thương hiệu khác. Thành phố Sơn La có thể tổ chức lễ hội Khau Cả kết hợp với lễ hội Hoa Ban kéo dài suốt 3 tháng (khai mạc vào 7/3 hàng năm) để thu hút du khách. Bài học tổ chức lễ hội Hoa Ban cùng bài học Đại lễ cầu siêu ngày 24-25/7/2014 vừa qua là tiền đề cho tính khả thi của Lễ hội Khau Cả.

Thứ ba, định vị đặc biệt và kinh nghiệm hiểu biết về khách hàng. Với những đặc trưng của sản phẩm du lịch, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch Sơn La cùng nỗ lực chuyển tải tới các du khách có nhu cầu và cho phép du khách thử nghiệm sản phẩm/dịch vụ du lịch thông qua các loại hình du lịch cộng đồng, làng bản, du lịch trải nghiệm…

Thứ tư, sự kết nối các cam kết bên trong và bên ngoài. Các nhà quản lý du lịch luôn tập trung các chiến lược hướng tới du khách. Để thực hiện được điều này, trước hết nhân viên du lịch và cộng đồng người dân địa phương phải hiểu rõ và có cam kết mạnh mẽ  thực hiện giá trị cốt lõi của thương hiệu, sẽ giúp thực hiện tốt cam kết với du khách. Chiến dịch “Nụ cười Hạ Long” được triển khai rộng rãi, mạnh mẽ từ lãnh đạo tỉnh đến mỗi người dân Hạ Long đều luôn nở nụ cười thân thiện. Sự kết hợp giữa các trải nghiệm đối với cộng đồng dân cư địa phương và du khách thắt chặt thêm độ trung thành đối với thương hiệu.

Như vậy để xây dựng nên một thương hiệu du lịch mạnh của thành phố Sơn La thì cần thể hiện được chính thương hiệu. Đây là một công việc quan trọng nhất trong xây dựng thương hiệu. Các công tác truyền thông và hành động riêng lẻ phải kết hợp được với mục đích và giá trị cốt lõi, cho thấy được bản chất của thương hiệu tạo thành một chương trình quảng bá có tính hệ thống, xuyên suốt và nhất quán. Hiểu được điểm gốc cơ bản của giá trị thương hiệu đồng thời bảo vệ và xây dựng dựa trên điều đó. Liên tục tìm kiếm điều làm cho thương hiệu thể hiện được tính duy nhất. Các nhà quản lý về du lịch phải quyết định cái gì cần thay đổi và không cần thay đổi một cách dứt khoát thì mới góp phần làm nên một thương hiệu du lịch mạnh mẽ và nhất quán của thành phố Sơn La./.