Tiềm năng phát triển các loại hình du lịch xanh tại Sơn La

Tầm quan trọng của du lịch xanh

Du lịch xanh (green tourism) là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hoá, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Trong những năm qua, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới và ngày càng thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với những người có nhu cầu tham quan du lịch và nghỉ ngơi. Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hoá cộng đồng, sự phát triển du lịch xanh đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng người dân địa phương, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa nơi có các khu bảo tồn tự nhiên và các cảnh quan hấp dẫn.

Có thể khẳng định rằng du lịch xanh là chìa khóa vàng để phát triển du lịch bền vững. Du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm là những cách gọi khác nhau nhưng có ý nghĩa gần giống nhau trong cách thức tham quan nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và văn hóa địa phương. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tận dụng thế mạnh biển và rừng núi của mình để đưa ra những sản phẩm du lịch xanh như tham quan các khu bảo tồn, ngắm chim, cùng sống với người dân địa phương, tham quan bằng xe đạp, trồng cây, lặn biển ngắm san hô và cá, thưởng thức cây và hoa, thám hiểm rừng, chinh phục thác nước,… Khi tham gia các tour du lịch này, khách du lịch được khuyến khích hòa nhập với thiên nhiên, giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương mà không gây bất cứ tác động gì đến môi trường.

Phát triển du lịch xanh tại một số quốc gia và Việt Nam

Thái Lan là quốc gia dẫn đầu trong khu vực về những ý tưởng làm du lịch xanh nổi tiếng với chiến dịch 7 Green Tourism đã nâng cao nhận thức, hiểu biết về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia du lịch, từ các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi đến khách du lịch. Trước sự tăng lên nhanh chóng của số lượt khách du lịch, Thái Lan đã đổi mới phát triển du lịch là không tập trung vào việc tăng số lượng du khách nữa mà tập trung vào việc làm sao để du khách ở lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. Việc tăng số lượng du khách sẽ có một nguy cơ tiềm ẩn khiến cho môi trường chịu nhiều tác động xấu. Còn Singapore thực hiện phương châm làm du lịch xanh không chỉ là đưa ra những sản phẩm du lịch dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có mà còn có thể là sáng tạo ra màu xanh này. Mặc dù không phải là một quốc gia giàu tài nguyên nhưng họ tạo ra màu xanh cho mình bằng cách trồng cây xanh khắp nơi, thậm chí trồng cả cây xanh nhân tạo. Vườn cây Garden By the Bay của Singapore đã tạo được các “siêu cây” cao từ 22-50 mét, có khả năng tổng hợp năng lượng mặt trời, nhận nước mưa, lọc không khí và có hệ thống quang điện để chuyển ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện. Vườn cây này khai trương vào tháng 6-2012 và có thể đón 5 triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Tại Việt Nam, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định rõ: Tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch có thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương, nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch. Thực hiện chiến lược đó, để gìn giữ nét đẹp cổ kính cho đất Cố đô, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng một số điểm đến xanh như làng cổ Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, khám phá Tam Giang… Khách đến làng cổ Phước Tích phải gửi xe ở khu vực bên ngoài và đi bộ tham quan, tìm hiểu về làng; khách muốn khám phá Tam Giang phải đi xe đạp, trồng một cây xanh. Tỉnh cũng đang xây dựng dự án cải tạo sông Ngự Hà, hệ thống ao hồ trong Kinh thành, giải tỏa dân cư trên Thượng Thành, giảm mật độ dân số khu vực Thành Nội… góp phần xây dựng môi trường du lịch bền vững. Ngành du lịch Bà rịa – Vũng tàu cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường cảnh quan, kết hợp giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường tại các doanh du lịch nhằm lan tỏa ra cộng đồng ý thức làm du lịch có trách nhiệm. Từ đó góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong khối kinh doanh du lịch; nhiều khu du lịch, khách sạn đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, phân loại rác thải trước khi thải ra môi trường, trồng mới hệ thống cây xanh, sân vườn, tạo môi trường trong lành, cảnh quan sạch đẹp, phục vụ du khách.

Tiềm năng phát triển du lịch xanh ở Sơn La

Sơn La là một tỉnh miền núi Tây Bắc rất giàu tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch xanh, đang sở hữu những tài nguyên thiên nhiên và nhân văn hấp dẫn với 37 di tích lịch sử cách mạng, 36 di tích khảo cổ học, 14 di tích danh thắng, 3 di tích kiến trúc nghệ thuật. Nhà ngục Sơn La, Kỳ đài Thuận Châu, cứ điểm Nà Sản, công trình thủy điện Sơn La với lòng hồ được ví như Hạ Long trên núi, Cao nguyên Mộc Châu, Ngọc Chiến (quanh năm khí hậu mát mẻ như Đà Lạt)… Sơn La cũng nổi tiếng với văn hoá của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Nhiều làng, bản dân tộc còn giữ được nhiều giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống, được xem như là tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị. Có những làng bản dân tộc có đủ điều kiện để phát triển mô hình du lịch xanh gắn với xóa đói giảm nghèo như bản Áng, Chiềng Xôm, Chiềng Khoang, Co Mạ,… Du khách đến Sơn La còn được hoà mình vào nền văn hoá nghệ thuật và nếp sống nhân văn, thưởng thức các món ăn dân tộc, tham gia các lễ hội như lễ hội hoa ban, xên bản, xên mường, cầu mưa, gieo hạt, mừng cơm mới…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh rất quan tâm đến phát triển du lịch đã có chiến lược phát triển du lịch Sơn La đến năm 2020 tầm nhìn 2030; thành lập Hiệp Hội du lịch Sơn La; xây dựng Đề án phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La giai đoạn 2012-2020; Đề án phát triển dịch vụ du lịch Sơn La giai đoạn 2012-2020; Tổ chức xúc tiến và quảng bá về du lịch như chương trình qua miền Tây Bắc, ngày hội Tết độc lập hàng năm tại Mộc Châu; động lữ hành có nhiều tiến bộ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các công ty lữ hành trên địa bàn cả nước đến Sơn La khảo sát, điều tra xây dựng chương trình tour du lịch.

Định hướng phát triển các loại hình du lịch xanh tại Sơn La

Sơn La là một tỉnh miền núi rất phù hợp để phát triển các loại hình du lịch xanh không chỉ thoả mãn du khách bằng những thắng cảnh hùng vĩ, khí hậu trong lành, mà còn bằng tính đa dạng văn hoá cao của các cộng đồng dân tộc ít người, có thể phát triển các loại hình du lịch xanh sau đây.

Du lịch làng bản: Các làng bản dân tộc ít người như người Thái, người H’Mông ở Sơn La có thể được tổ chức thành các điểm du lịch nhỏ. Sức hút của du lịch làng bản xuất phát từ những đặc điểm sau: Cảnh quan đẹp và sạch; Nghề thủ công truyền thống; Lịch sử của vùng; Kiến trúc; Món ăn; Nghệ thuật và âm nhạc; Lối sống; Ngôn ngữ; Trang phục dân tộc. Du lịch làng bản thường đem lại nhiều thu nhập hơn cho nhân dân địa phương thông qua sự tham gia rộng rãi của họ vào dịch vụ du lịch. Du lịch đi bộ ngắm cảnh, leo núi, mạo hiểm: Đi bộ, leo núi, ngủ lán trại để được sống trong thiên nhiên có thể trở thành một hình thức du lịch phổ biến ở Sơn La. Nhiều nhóm du khách mong muốn trải nghiệm những hành trình nguy hiểm (leo vách đá, ngủ rừng…) để tìm cảm giác mạnh. Du lịch nghỉ mát: Tại Sơn La có những vùng có khí hậu mát lành như Cao Nguyên Mộc Châu, Du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến. Khách du lịch đến đây chủ yếu có mục đích nghỉ dưỡng. Du lịch lữ hành: Các tour du lịch kết hợp với các phương tiện đi xe, đi bộ, đi thuyền (du lịch lòng hồ Thuỷ điện Sơn La), thậm chí cưỡi ngựa, cưỡi trâu kết hợp các mục tiêu ngắm cảnh, nghỉ mát, thăm làng bản… Thế mạnh của du lịch xanh miền núi chủ yếu được tạo ra từ sự biệt lập của các vùng này đối với các nền văn minh đô thị và công nghiệp hoá, khiến cho hầu như mọi thứ ở miền núi xa xôi đều trở nên có sức hấp dẫn với du khách phần lớn là dân cư đô thị.

Sơn La là một địa phương có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch xanh là thực sự cần thiết và đây cũng nên là định hướng lâu dài cho du lịch Sơn La nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà ngày càng mạnh mẽ và bền vững trong điều kiện đầy biến động của môi trường và hội nhập quốc tế hiện nay./.

Người Viết: Trương Thị Luân