Tổng quan về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp

ThS. Đào Thị Vân Anh

Tóm tắt

Nghiên cứu về quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp được xem xét với 3 lý thuyết cơ bản: lý thuyết thể chế và môi trường đầu tư, lý thuyết người đại diện và lý thuyết marketing địa phương. Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu được nhiều nhà nghiên cứu vận dụng hiện nay là phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính. Mỗi phương pháp đều mang những ưu điểm và hạn chế riêng, sự kết hợp của cả 2 phương pháp sẽ giúp nhà nghiên cứu tận dụng được lợi thế của cả 2 phương pháp.

Từ khóa: Quyết định đầu tư, quyết định đầu tư tài sản, lý thuyết, phương pháp nghiên cứu định tính, phương pháp nghiên cứu định lượng.

Abstract

Research on investment decisions of business is studied with three basic theories: theory of institutional and investment environment, representative theory, and local marketing theory. Nowaday, the main research methods used by many researchers are quantitative and qualitative research methods. Each method has its own advantages and disadvantages, the combination of both methods will help researchers to take advantage of both methods.

Keyword: Investment decisions, asset investment decisions, theory, qualitative research method, quantitative research method.

 

  1. Đặt vấn đề

Quyết định đầu tư của doanh nghiệp đã từng là đề tài nghiên cứu của nhiều tác giả cả trong và ngoài nước với các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, rất ít các nghiên cứu lựa chọn quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp làm chủ đề nghiên cứu chính để xem xét trên cả khía cạnh mức độ và cơ cấu đầu tư tài sản. Trong khi đó, những nghiên cứu này lại chưa chỉ rõ về các lý thuyết áp dụng và các phương pháp nghiên cứu hợp lý. Lý thuyết nghiên cứu rất quan trọng bởi nó đóng vai trò như những chuẩn mực cơ bản để tác giả có căn cứ xem xét và nhìn nhận vấn đề nghiên cứu trên nhiều khía cạnh khác nhau. Các phương pháp nghiên cứu hợp lý sẽ giúp nhà nghiên cứu tiếp cận đúng đối tượng nghiên cứu, có được phương tiện thu thập, xử lý cũng như phân tích dữ liệu nhằm làm sáng tỏ vấn đề được nghiên cứu. Do đó, tổng quan nghiên cứu về các lý thuyết áp dụng và phương pháp nghiên cứu về các quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp là thực sự cần thiết.

  1. Nội dung

2.1. Khái niệm đầu tư tài sản của doanh nghiệp

Khi nhìn nhận theo Bernard Guerien (2007) hay quan điểm của Zvi Bodie và cộng sự  (2013) có thể thấy rằng đầu tư là hoạt động khiến doanh nghiệp phải hy sinh một phần nguồn lực mà phần nguồn lực đó vốn có thể dùng để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng ở hiện tại đồng thời làm gia tăng quy mô tài sản của doanh nghiệp nhằm mục đích mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai.

Theo Renata Paksiova and Zuzana Kubascikova (2015), tài sản là các nguồn lực kinh tế phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ và dự kiến sẽ dẫn đến sự gia tăng lợi ích kinh tế trong tương lai. Trong đó, lợi ích kinh tế có nghĩa là khả năng đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào dòng tiền và các khoản tương đương tiền.

Đối với các doanh nghiệp, tài sản vừa đóng vai trò là tư liệu lao động, vừa đóng vai trò là đối tượng lao động nên có thể xem như là nguồn lực kinh tế của doanh nghiệp, được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tài sản được hình thành từ các hoạt động mua/bán, cho/tặng… đã diễn ra trong quá khứ với hy vọng sẽ mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai. Do đó, sẽ là hợp lý khi cho rằng: Tài sản là các nguồn lực kinh tế phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ với hy vọng mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai.

          Trong doanh nghiệp, tài sản bao gồm cả tư liệu sản xuất, đối tượng lao động và nhân công phục vụ cho sản xuất. Do vậy, việc gia tăng quỹ tư liệu sản xuất cũng đồng nghĩa với việc gia tăng quy mô tài sản trong doanh nghiệp. Khi đó, đầu tư tài sản của doanh nghiệp được hiểu là hy sinh các nguồn lực ở hiện tại để hình thành nên tài sản phục vụ cho quá trình sản xuất nhằm mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai. Do đó, quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp cả trong ngắn và dài hạn.

2.2. Lý thuyết quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp

2.2.1. Lý thuyết về thể chế và môi trường đầu tư

Các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về quyết định đầu tư đều cho rằng mỗi quốc gia đều tạo ra một môi trường thể chế độc đáo riêng bao gồm cả thể chế chính thức và phi chính thức (North, 1990; Kogut, 1991). Môi trường thể chế chính thức bao gồm luật, quy định, chính sách hay các thủ tục được quy định bởi nhà nước, các cơ quan hay chính quyền địa phương trong khi môi trường thể chế không chính thức bao gồm các quy tắc ứng xử, niềm tin, phong tục tập quán, văn hóa,… Các môi trường thể chế chính thức và phi chính thức cùng xác định môi trường kinh doanh của một quốc gia (Kostova, 1997; Ragland et al, 2015). Mỗi doanh nghiệp đều hoạt động trong một môi trường kinh doanh nhất định và đều chịu sự tác động bởi cả thể chế chính thức và phi chính thức. Vì vậy, mỗi quyết định đầu tư nói chung và quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp nói riêng đều chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố trong cả 2 thể chế này và đều là các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp.

2.2.2. Lý thuyết marketing địa phương (marketing vùng)

Khái niệm marketing địa phương tại Việt Nam không còn mới mẻ bởi thực tế cho thấy ngày càng nhiều khu vực, địa phương vận dụng kiến thức marketing vào quảng bá hình ảnh của địa phương và đã thu được những thành công nhất định, tạo nên sự phát triển bền vững cho địa phương. Marketing địa phương là tập hợp các chương trình, hoạt động do địa phương tổ chức và thực hiện nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế, xã hội, tạo cho địa phương những đặc trưng nổi bật mang tính nhân tạo thay vì những yếu tố tự nhiên sẵn có. Kotler (2002) đã từng khẳng định rằng sự phát triển của các địa phương về tương lai sẽ không phụ thuộc vào vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên mà phụ thuộc vào chuyên môn, kỹ năng đóng góp, phẩm chất của con người và tổ chức tại địa phương. Kết quả thực hiện các chương trình, hoạt động này phụ thuộc vào các cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại đó, đặc biệt là hệ thống lãnh đạo chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và triển khai thông qua các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, mỗi địa phương sẽ có những kế hoạch và chiến lược riêng để tạo nên những đặc trưng khác biệt. Và chính bởi những đặc trưng của mỗi địa phương, mỗi khu vực là khác nhau sẽ tạo nên sức hấp dẫn khác nhau đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

Một môi trường kinh doanh càng hiệu quả với các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư hợp lý sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư càng nhiều. Nói cách khác, quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp cũng có thể phụ thuộc vào các nhân tố thuộc về marketing địa phương, đó là các chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư, kế hoạch và định hướng phát triển của địa phương, cơ sở hạ tầng và công nghệ hay trình độ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương,… Trên cơ sở đó, tác giả kỳ vọng sẽ nghiên cứu được những tác động cụ thể của các nhân tố này đến quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2.2.3. Lý thuyết người đại diện

Theo Jense (1986), khi có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát trong doanh nghiệp, vấn đề xung đột lợi ích thường xảy ra giữa nhà quản lý (người kiểm soát doanh nghiệp) với cổ đông (chủ sở hữu doanh nghiệp) vì tình trạng bất cân xứng thông tin. Nhà quản lý có nhiều thông tin hơn về tình hình doanh nghiệp nên họ có thể sẽ dùng quyền quản lý để trục lợi cho bản thân thay vì điều hành doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu tối đa hóa giá trị tài sản của chủ sở hữu (Fama & Jensen, 1983).

Bên cạnh đó, khi quyền sở hữu và quyền kiểm soát trong doanh nghiệp trùng khớp, tức có nghĩa các doanh nghiệp được quản lý bởi chính cổ đông thì xung đột lợi ích lại có thể xảy ra giữa các cổ đông nội bộ, nhóm kiểm soát hoặc cổ đông tham gia quản lý và cổ đông bên ngoài không tham gia quản lý (Jensen và Meckling, 1976). Hơn nữa, vấn đề xung đột này cũng có thể tồn tại trong mối quan hệ giữa nhà quản lý và các chủ nợ (Jensen và Meckling, 1976; Lyandres và Zhdanov, 2003).

Nếu nhìn nhận trên góc độ quản trị doanh nghiệp thì những xung đột này mang lại cho doanh nghiệp kết quả không mong muốn. Lý thuyết người đại diện cho thấy rằng các nhà quản lý của doanh nghiệp thường không cẩn thận với tiền của người khác như với tiền của chính họ (Letza và cộng sự, 2004). Các doanh nghiệp có cơ cấu quản trị yếu hơn thường phải đối mặt với nhiều vấn đề về lý thuyết đại diện hơn và người quản lý của các doanh nghiệp đó có thể có được nhiều lợi ích riêng hơn (Core và cộng sự, 1999). Bởi khi đã có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý trong doanh nghiệp, hệ thống quản trị yếu kém, kiểm soát nội bộ không chặt chẽ thì vấn đề tư lợi cho cá nhân rất dễ xảy ra. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người còn quá thấp so với các quốc gia khác, chỉ ở mức 53,5 triệu đồng trong năm 2017 (Tổng cục thống kê, 2018) thì tình trạng tư lợi cá nhân rất dễ có thể xảy ra.

Năm 1976, Jensen và Meckling đã từng chỉ rõ đối với các doanh nghiệp tư nhân, lý thuyết đại diện xảy ra với quản trị doanh nghiệp có thể làm cản trở việc ra quyết định tối ưu của doanh nghiệp (Holmstrom, 1989; Francis và cộng sự, 2011; Quttainah và cộng sự 2013; Hasan và Song, 2014; Hasan và cộng sự, 2014). Xét trong mối liên hệ với quyết định đầu tư tài sản của các DNNVV, tác giả cho rằng có thể tồn tại lý thuyết người đại diện khi doanh nghiệp đầu tư tài sản quá ít hoặc quá mức. Tình trạng này xảy ra khi doanh nghiệp thiếu dự án đầu tư và cơ hội tăng trưởng nhưng nhà quản trị không thực sự nỗ lực trong việc tìm kiếm. Cũng có thể xảy ra khi doanh nghiệp có nhiều cơ hội tăng trưởng và nhà quản lý có thể sẵn sàng đầu tư tài sản mà bỏ qua khả năng sinh lời của tài sản hay hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Mặt khác, tình trạng đầu tư quá mức cũng có thể được tạo ra bởi sự tự tin quá mức của nhà quản lý. Có thể họ điều hành doanh nghiệp vì mục tiêu tối đa hóa giá trị cho các cổ đông nhưng lại đánh giá quá cao khả năng, lạc quan quá mức về tiềm năng hoạt động của doanh nghiệp nên sẵn sàng đầu tư vào các dự án không thực sự có giá trị hiện tại ròng dương (Stein, 2001). Do đó, khi xem xét đến các quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp, việc nhìn nhận trên góc độ lý thuyết người đại diện là thực sự cần thiết.

2.3. Tổng quan về phương pháp nghiên cứu quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp

Quyết định đầu tư của doanh nghiệp là chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu với nhiều phương pháp khác nhau. Mỗi phương pháp nghiên cứu đều có đặc trưng riêng, có ưu điểm và hạn chế riêng. Nhưng tựu chung lại, các tác giả chủ yếu nghiên cứu theo 2 phương pháp chính là phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính. Cụ thể:

* Phương pháp nghiên cứu định lượng:

Năm 1985, sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, Alam và Stafford đã tiến hành hai cuộc khảo sát tại 587 doanh nghiệp với những ưu đãi về thuế đối với chính sách đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất tại Mĩ. Kết quả nghiên cứu từ các mô hình kinh tế lượng cho thấy rõ ràng rằng các khoản giảm thuế hay chính sách hỗ trợ thuế không phải là nhân tố quan trọng trong các chính sách đầu tư của doanh nghiệp. Các quyết định đầu tư của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn bởi doanh thu, lợi nhuận và xu hướng kinh tế chung.

Năm 2000, Budina và cộng sự đã sử dụng dữ liệu 1.003 doanh nghiệp tại Bulgaria từ năm 1993 đến năm 1996 để chỉ ra rằng hệ số của biến vốn tự có là có ý nghĩa đối với quyết định đầu tư của doanh nghiệp bằng phương pháp nghiên cứu định lượng. Bằng cách sử dụng số lượng lao động để đo lường quy mô, tác giả đã phân loại các doanh nghiệp được nghiên cứu thành 2 loại là doanh nghiệp lớn và nhỏ. Kết quả phân tích cho thấy hệ số của biến số vốn tự có là dương và có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp nhỏ trong khi hệ số này không có ý nghĩa đối với doanh nghiệp lớn.

Với mẫu nghiên cứu 137 công ty sản xuất được niêm yết trên thị trường chứng khoán của Indonesia từ năm 2006 đến năm 2010, Erkaningrum (2013) đã phát triển mô hình nghiên cứu và đề xuất các giả thuyết có liên quan đến mối quan hệ giữa các chỉ tiêu kinh tế như quyền sở hữu nội bộ, chính sách cổ tức, chính sách nợ, quyết định đầu tư và rủi ro kinh doanh. Các giả thuyết nghiên cứu được tác giả kiểm định bằng mô hình ước lượng 3 giai đoạn tối thiểu (3 SLS). Kết quả phân tích phương trình đầu tư cho thấy quyền sở hữu nội bộ và rủi ro kinh doanh có ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư của doanh nghiệp, trong khi lợi nhuận và tăng trưởng doanh thu lại có ảnh hưởng tích cực.

Với việc thể hiện qua các số liệu thống kê và toán học, kết quả nghiên cứu từ phương pháp định lượng thường có độ tin cây cao và khả năng thuyết phục lớn hơn phương pháp định tính. Tuy nhiên, phương pháp này lại đòi hỏi nhà nghiên cứu phải đầu tư nhiều hơn, tốn kém nhiều cả về thời gian và chi phí trong quá trình nghiên cứu. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu lại phụ thuộc lớn vào các phương pháp chọn mẫu và thu thập dữ liệu, do đó các nhà nghiên cứu cũng cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn ngay từ giai đoạn thu thập dữ liệu.

* Phương pháp nghiên cứu định tính:

Năm 1996, John Child và Yuan Lu đã xem xét quá trình ra quyết định đầu tư tại 6 doanh nghiệp Trung Quốc trong suốt quá trình cải cách kinh tế, các doanh nghiệp phát triển hướng tới một thị trường với vai trò quan trọng của nhà nước. Nghiên cứu thực tế cho thấy tồn tại một ranh giới giữa sự kiểm soát quan liêu và các yếu tố thị trường. Các nhà quản lý doanh nghiệp liên tục đề xuất đầu tư để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong khi các cơ quan chính quyền lại nắm quyền phê duyệt và quyền quyết định cuối cùng. Điều đó đồng nghĩa với các quyết định đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào các cơ quan có thẩm quyền.

Mở rộng phạm vi nghiên cứu với các tình huống ra quyết định đầu tư đa dạng hơn John Child và Yuan Lu (1996), Carr và cộng sự (2010) cũng tiếp cận các quyết định đầu tư chiến lược theo phương pháp nghiên cứu tình huống. Trên cơ sở các tình huống nghiên cứu được từ các tài liệu trước đó, nhóm tác giả đã khảo sát sự khác biệt trong thực tiễn của quá trình ra quyết định đầu tư chiến lược thông qua 14 tình huống nghiên cứu tại các doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản trong các lĩnh vực kinh doanh ổn định và năng động. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả đã cho thấy những khác biệt trong các quyết định đầu tư chiến lược đáng kể đồng thời nhấn mạnh đến việc cân nhắc các chiến lược, kế hoạch tài chính, tính trọn vẹn, tính nghiêm ngặt trong phân tích tài chính của doanh nghiệp.

Gần đây nhất năm 2016, một nghiên cứu trong lĩnh vực kế toán được thực hiện bằng các cuộc phỏng vấn tập trung với 21 nhà quản lý địa phương để hiểu được kinh nghiệm về kế toán quản trị cho việc ra quyết định đầu tư dưới sự không chắc chắn. Nghiên cứu tập trung vào các quy trình được các nhà quản lý ra quyết định đầu tư chiến lược trong một môi trường nhiều bất ổn ở Ai Cập thời hậu chiến. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự không chắc chắn về xã hội, chính trị và kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với các kỹ thuật thẩm định đầu tư vốn được sử dụng trong việc ra quyết định đầu tư chiến lược.

Thay vì các kết quả nghiên cứu được chứng minh qua các số liệu từ mô hình toán học, nghiên cứu định tính sử dụng quan điểm diễn giải, dùng thuyết diễn giải để giải thích vấn đề, theo đó các nhà nghiên cứu tiếp cận vấn đề bằng sự lập luận và giải thích. Chất lượng và kết quả nghiên cứu theo phương pháp này không chỉ phụ thuộc vào khả năng tư duy, trình độ lập luận của nhà nghiên cứu mà còn phụ thuộc vào khả năng tiếp cận, phỏng vấn các chuyên gia và thu thập dữ liệu thứ cấp.

* Tại Việt Nam:

Các đề tài nghiên cứu về quyết định đầu tư của doanh nghiệp còn khá hạn chế, tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây đều được thực hiện với sự kết hợp cả 2 phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính. Trong đó, phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức được thực hiện với phương pháp định lượng. Cụ thể:

Năm 2008, với đề tài nghiên cứu cấp tỉnh tại Kiên Giang, Lê Khương Ninh và cộng sự đã từng lựa chọn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Kiên Giang để nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Bằng nghiên cứu này, nhóm tác giả đã hồi quy mô hình với biến phụ thuộc là quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Biến số này được đo lường bằng giá trị đầu tư năm 2004 chia cho giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp trong năm đó và nhân với 100% để biểu diễn tỷ lệ phần trăm của lượng đầu tư so với giá trị tài sản cố định. Tuy nhiên, sẽ là hợp lý hơn nếu các giá trị đầu tư của các doanh nghiệp trong năm 2004 được đo lường theo các giá trị trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp để tránh tình trạng che dấu thông tin của doanh nghiệp khi phỏng vấn. Bởi về nguyên tắc, hoạt động đầu tư thực chất cũng là hoạt động sử dụng vốn và trong quá trình sử dụng vốn thì tài sản sẽ được hình thành, do đó khi doanh nghiệp đầu tư thì các số liệu tài sản trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp chắc chắn sẽ thay đổi.

Năm 2011, để nghiên cứu về các quyết định đầu tư của doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang trong năm 2010, Lê Bảo Lâm và Lê Văn Hưởng đã sử dụng mô hình hồi quy Binary logistic với biến phụ thuộc là quyết định đầu tư của doanh nghiệp ở dạng nhị phân – mô hình logarit có 2 giá trị: 1 là doanh nghiệp có đầu tư và 0 là doanh nghiệp không đầu tư. Tuy nhiên, dạng mô hình này chỉ giúp tác giả xác định được doanh nghiệp có đầu tư hoặc không đầu tư mà không đo lường được quy mô những như cơ cấu đầu tư của doanh nghiệp.

Mỗi phương pháp nghiên cứu đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Nghiên cứu định tính dễ dàng sử dụng nhưng rất khó để thuyết phục bởi kết quả nghiên cứu còn phụ thuộc vào trình độ, năng lực, tư duy, khả năng quan sát và sự chủ quan của nhà nghiên cứu. Trong khi nghiên cứu định lượng đòi hỏi kỹ thuật sử dụng các mô hình kinh tế lượng để đo lường các đối tượng nghiên cứu, do đó kết quả nghiên cứu được thể hiện bằng các con số cụ thể nên dễ thuyết phục hơn nhưng quá trình thực hiện lại tốn kém nhiều thời gian và nhà nghiên cứu khó có thể kiểm soát được chất lượng dữ liệu điều tra. Để lựa chọn phương pháp nghiên cứu thích hợp cần phụ thuộc vào các câu hỏi nghiên cứu, vào kỹ năng hay thế mạnh của nhà nghiên cứu và đặc biệt là khả năng thu thập dữ liệu của nhà nghiên cứu. Đặc biệt, khi nghiên cứu về các quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp cũng vậy, nhà nghiên cứu cũng có thể sử dụng kết hợp cả 2 phương pháp để tận dụng được những lợi thế của mỗi phương pháp nghiên cứu nói trên.

  1. Kết luận

Đầu tư tài sản của doanh nghiệp là hy sinh các nguồn lực ở hiện tại để hình thành nên tài sản phục vụ cho quá trình sản xuất nhằm mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai. Do đó, quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp cả trong ngắn và dài hạn.

Khi nghiên cứu về quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp trên khía cạnh quy mô và cơ cấu đầu tư tài sản, các nhà nghiên cứu cần vận dụng 3 lý thuyết cơ bản: lý thuyết thể chế và môi trường đầu tư, lý thuyết marketing địa phương và lý thuyết người đại diện. Lý thuyết thể chế và môi trường đầu tư giúp nhà nghiên cứu xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp trong cả môi trường thể chế chính thức và phi chính thức. Lý thuyết người đại diện giúp nhà nghiên cứu xem xét vấn đề mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và nhà quản lý trong quá trình ra quyết định đầu tư tài sản của doanh nghiệp khi doanh nghiệp có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý. Ngoài ra, lý thuyết về marketing địa phương đặt các quyết định đầu tư của doanh nghiệp trong bối cảnh thực tế địa phương với sự hỗ trợ và các quy định của chính quyền địa phương khi doanh nghiệp ra quyết định.

Trong nghiên cứu khoa học, rất nhiều các phương pháp nghiên cứu được sử dụng, tuy nhiên, các phương pháp sử dụng phổ biến nhất hiện nay là phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Mỗi phương pháp nghiên cứu đều có những ưu điểm và hạn chế riêng đòi hỏi nhà nghiên cứu cần phải biết vận dụng và lựa chọn phương pháp thích hợp phụ thuộc vào các câu hỏi nghiên cứu, khả năng tư duy, thế mạnh cũng như khả năng thu thập dữ liệu của nhà nghiên cứu. Một nghiên cứu với sự kết hợp của cả phương pháp định tính và định lượng sẽ giúp cho nhà nghiên cứu tận dụng được lợi thế của cả hai phương pháp này.

______________

Tài liệu tham khảo

  1. Carr, C., Kolehmainen, K., và F. Mitchell, (2010), Strategic investment decision making practices: A contextual approach. Management Accounting Research 21 (3): 167–184.
  2. Child JohnYuan Lu, (1996), Institutional constraints on economic reform: The case of investment decisions in China, Organization Science; LinthicumVol. 7, Iss. 1,  (Jan/Feb 1996): 60-77.
  3. Erkaningrum (2013), Interactions among insider ownership, dividend policy, debt policy, investment decision, and business risk, Indri F. Journal of Indonesian Economy and Business : JIEB; YogyakartaVol. 28, Iss. 1
  4. Moataz Moamen et. al. ( ), Accounting for strategic investment decision-making under extreme uncertainty,
  5. Ragland Charles B., Brouthers Lance Eliot, Widmier Scott M., (2015), Institutional theory and international market selection for direct selling,Marketing Intelligence & Planning, BradfordVol. 33, Iss. 4,  (2015): 538-555.
  6. Zvi Bodie, Alex Kane và Alan J. Marcus, Investment, Hardcover, 2013, 10th Edition.