Vận dụng marketing quan hệ trong thu hút tuyển sinh: Nghiên cứu tại trường Đại học Tây Bắc

Bùi Minh Thảo, Hoàng Xuân Trọng

Trường Đại học Tây Bắc

Mở đầu

Ngày nay, marketing quan hệ là một hoạt động chức năng rất cần thiết đối với Trường Đại học. Marketing quan hệ là sự phát triển chuyên sâu của Marketing trong việc thu hút và duy trì người học. Thực tiễn cho thấy Trường Đại học nào có chiến lược Marketing để lại ấn tượng mạnh trong lòng người học hiện tại và tương lai thì sẽ thu hút được nhiều sinh viên (SV) đến học tập và nghiên cứu. Mặc dù vậy, những nghiên cứu và vận dụng marketing quan hệ vẫn chưa được các Trường quan tâm đúng mức. Tại Trường Đại học Tây Bắc, cũng giống như các Trường khác đang gặp vấn đề khó khăn trong tuyển sinh, số lượng sinh viên vào học tại Trường có chiều hướng giảm sút trong 3 năm qua. Vì vậy, việc nghiên cứu và vận dụng marketing quan hệ trong quảng bá tuyển sinh là cần thiết và góp phần giải quyết vấn đề nêu trên.

  1. Cơ sở lý thuyết

1.1. Bản chất của Marketing quan hệ

Có nhiều quan điểm về marketing quan hệ. Theo Gummesson (1994), marketing quan hệ nhằm xác định, tạo, lưu và cải thiện quan hệ với cả khách hàng và các cổ đông bằng sự tin tưởng. Theo Fontenot và Hymon (2004), marketing quan hệ có tác dụng giữ chân khách hàng và mở rộng sự thích ứng hoặc nỗ lực để củng cố sự thích ứng này với họ. Theo Shelbay và cộng sự (2006) cho rằng “Marketing quan hệ là sự hiểu biết và quản lý mối quan hệ giữa khách hàng và nhà cung cấp”. Các quan điểm trên đều nói lên rằng marketing quan hệ là sự hiểu biết và quản lý mối quan hệ giữa khách hàng và nhà cung cấp nhằm xác định, tạo, lưu, cải thiện quan hệ với khách hàng thông qua sự tin tưởng. Marketing quan hệ có tác dụng giữ chân khách hàng và mở rộng sự thích ứng hoặc nỗ lực để củng cố sự thích ứng với công ty của họ. Vậy bản chất của marketing quan hệ chính là sự hợp tác của hai bên để đôi bên cùng có lợi, hai bên cùng làm việc sẽ hiệu quả hơn mỗi bên tự làm.

Phân biệt Marketing quan hệ và Marketing truyền thống:

Bảng 1: Phân biệt Marketing quan hệ và Marketing truyền thống

Marketing quan hệ Marketing truyền thống
Định hướng đến duy trì khách hàng Định hướng đến doanh số bán hàng
Chủ động liên lạc với khách hàng Khách hàng chủ động liên lạc
Tập trung vào giá trị khách hàng nhận được Tập trung vào tính năng sản phẩm
Lợi ích dài hạn Lợi ích ngắn hạn
Nhấn mạnh vào việc nâng cao dịch vụ khách hàng Ít nhấn mạnh vào dịch vụ khách hàng
Quan tâm đến chất lượng nhân viên tất cả các bộ phận Chỉ quan tâm đến chất lượng nhân viên sản xuất

(Nguồn: Koi-Akrofi và cộng sự, 2013)

1.2. Các mối quan hệ trong marketing

* Mối quan hệ giữa trường và các em học sinh trung học phổ thông (THPT)

Học sinh (HS) THPT nằm trong độ tuổi từ 15 tới 18 tuổi. Sau khi tốt nghiệp hệ giáo dục này, HS phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia và bước vào cánh cửa Đại học, Cao đẳng. Vì vậy, nhóm tuổi này đặc biệt là ở 18 tuổi thì đây chính là các sinh viên tiềm năng của mỗi Trường Đại học. Nhà trường thiết lập được mối quan hệ tin cậy với nhóm đối tượng này sẽ mang lại cơ hội để các em đăng ký vào học tập và nghiên cứu.

* Mối quan hệ giữa trường và sinh viên hiện tại.

SV là người học tập tại các trường đại họccao đẳng. Ở đó họ được truyền đạt kiến thức bài bản về một ngành nghề, chuẩn bị cho công việc sau này của họ. Họ được xã hội công nhận qua những bằng cấp đạt được trong quá trình học. Trong suốt quá trình học tập tại trường, nhà trường và SV luôn luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau thông qua các dịch vụ giáo dục.

* Mối quan hệ giữa trường và cựu sinh viên

Cựu SV là các SV đã tốt nghiệp, hoặc đã từng theo học tại một trường đại học, cao đẳng. Khi các cá nhân này liên kết lại với nhau họ sẽ trở thành một tổ chức được gọi là Hội Cựu SV của nhà trường. Hội Cựu SV hoạt động nhằm tạo lợi ích tập thể và giúp các cựu SV duy trì kết nối với trường đại học và các SV tốt nghiệp cùng khóa.

* Mối quan hệ giữa trường và sở giáo dục

Sở Giáo dục và Đào tạo là tên gọi chung của cơ quan chủ quản giáo dục tại địa phương. Thuộc Ủy ban Nhân dân cấp Tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có trường Trung học phổ thông; trường Phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có cấp học Trung học phổ thông; trường Phổ thông Dân tộc nội trú có cấp trung học phổ thông; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp; Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Đây là các cơ quan, tổ chức chứa đựng nhu cầu sẽ tham gia vào các trường Đại học khi có nhu cầu học tập ở cấp bậc cao hơn.

* Mối quan hệ giữa trường và các trường THPT

Khi đã xác định được các vị khách hàng tiềm năng của mỗi Trường Đại học hay Cao đẳng chính là nhóm độ tuổi đang tham gia theo học tại bậc THPT thì một mối quan hệ không thể thiếu được chính là mối quan hệ giữa trường và các trường THPT lân cận. Đây chính là môi trường cung cấp nguồn khách hàng cho các trường Đại học.

* Mối quan hệ giữa trường và báo chí, truyền thông

Cùng với cuộc cách mạng 4.0 thì sự phát triển của báo chí, truyền thông trong giới trẻ nói riêng luôn luôn gần gũi, có mặt ở mọi lúc mọi nơi mỗi khi cần.Vì vậy, đây là một công cụ vô cùng hữu ích giúp cho Trường đại học có thể quảng bá, truyền đạt thông tin một cách nhanh chóng và rộng rãi. Giáo dục cũng chính là một loại hình “dịch vụ”. Bên cạnh yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu thì yếu tố tiếp thị hình ảnh đang ngày càng được coi trọng. Với nhiệm vụ phát triển thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động marketing hiệu quả, các trường đại học  có thể thực hiện các chiến lược phát triển qua các kênh truyền thông. Để thực hiện tốt được điều này thì cần phải có một nền tảng vững chắc về chất lượng giáo dục của chính trường đó. Đó sẽ là yếu tố hàng đầu tạo nên một chiến lược truyền thông thành công.

* Mối quan hệ giữa trường và doanh nghiệp

Vấn đề việc làm luôn luôn là mục tiêu quan  trọng cần được định hướng từ rất sớm để có thể giải quyết được tình trạng thất nghiệp sau ĐH. Sẽ thật hấp dẫn nếu như các cơ hội việc làm trong tương lai dành cho các sinh viên luôn luôn được đảm bảo một cách chắc chắn thông qua các cam kết hợp tác giữa nhà trường với các DN. Việc liên kết chặt chẽ hơn giữa các trường ĐH, cao đẳng với DN sẽ giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, nhóm tác giả lựa chọn nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà trường với HS THPT đặc biệt là các em HS lớp 12. Vì HS THPT là đối tượng SV tiềm năng có nhu cầu học đại học cao nên chúng em hướng tới nghiên cứu mong muốn tại trường đại học của các em HS THPT.

Phương pháp nghiên cứu: sử dụng phương pháp sơ cấp là sử dụng phiếu điều tra để điều tra đối tượng là HS THPT nhằm lấy ý kiến đánh giá về trường Đại học Tây Bắc (ĐHTB).

Nội dung nghiên cứu: Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu mong muốn tham gia hoạt động hướng đạo (đi sâu vào nghiên cứu bước 1, bước 2 của các bước thực hiên Marketing quan hệ) do trường Đại học tổ chức, phương thức duy trì thông tin liên lạc với các trường Đại học, các hoạt động cụ thể giúp trường Đại học trở nên uy tín, tin tưởng và tạo được cam kết đối với HS. Cuối cùng là các em HS có quan tâm đến trường ĐHTB hay không.

  1. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Mô tả mẫu nghiên cứu

Trong số 96 phiếu được phỏng vấn tổng số phiếu thu về được là 96 phiếu. Như vậy, 100% khách hàng đều sẵn lòng giúp đỡ.

Bảng 2: Thông tin chung về các mẫu nghiên cứu

Thông tin chung N % Tổng mẫu
Giới tính N = 96
Nam 54 56.25
Nữ 42 43.75
Dân tộc N = 96
Kinh 48 50
Khác 48 50
Lớp mấy N = 96
Lớp 11 2 2.08
Lớp 12 94 97.92
Trường THPT N = 96
Tô Hiệu 26 27.08
Chu Văn An 9 9.38
Chuyên Sơn La 17 17.71
Nội trú Tỉnh 8 8.33
Nguyễn Du 25 26.04
Chiềng Sinh 11 11.46

(Nguồn: Điều tra khảo sát và thực hiện của nhóm nghiên cứu)

Tổng số người tham gia nghiên cứu là 96, trong đó có 54 người là nam tương đương với 56.25% là nam giới, 42 người là nữ ứng với con số là 43.75% nữ giới. Sự chênh lệch về giới tính của các mẫu nghiên cứu cũng không quá lớn và không làm ảnh hưởng tới kết quả của nghiên cứu này. Về thành phần dân tộc, 50% là dân tộc Kinh và 50% còn lại là thuộc các dân tộc khác như Thái, H’Mông, ….Đây là một điều hoàn toàn ngẫu nhiên sau khi các phiếu điều tra được thu thập lại để tổng hợp kết quả. Có thể nói, sự cân bằng giữa dân tộc Kinh và dân tộc khác của những người tham gia phỏng vấn sẽ đem lại cái nhìn khách quan cho các nội dung liên quan đến đề tài nghiên cứu này. Trong số 96 người được phỏng vấn, có đến 94 phiếu thuộc về HS lớp 12 chiếm 97.92% tổng số phiếu được hỏi. Một tỷ lệ rất nhỏ đó là 2.08% thuộc về 2 phiếu của HS lớp 11. Trường học của các bạn HS tham gia phỏng vẫn cuộc khảo sát thông tin được lựa chọn ngẫu nhiên là HS thuộc 6 trường THPT tham gia chương trình “Ngày hội việc làm và hướng nghiệp năm 2018” được tổ chức tại trường ĐHTB.

Trường chiếm 26 phiếu tương ứng với 27.08% chiếm tỉ trọng lớn nhất đó là trường THPT Tô Hiệu, 25 phiếu ứng với 26.04% ở vị trí thứ 2 thuộc về trường THPT Nguyễn Du, 17 phiếu ứng với 17.71% từ trường THPT Chuyên Sơn La, 11 phiếu của trường THPT Chiềng Sinhứng với 11.46% , trường THPT Chu Văn An có 9 phiếu ứng với 9.38%, còn lại 8 phiếu tương ứng với 8.33% có tỷ lệ được phỏng vấn nhỏ nhất là từ trường THPT Nội Trú Tỉnh.

3.2. Kết quả và thảo luận

Câu hỏi 1: Bạn muốn tham gia những sự kiện nào do trường Đại học tổ chức?

Mục đích: dựa trên bước 2, những hoạt động hướng tới SV tiềm năng được nhóm nghiên cứu đưa ra ở chương 1 từ đó tìm hiểu mong muốn của HS THPT đối với trường Đại học để lấy cơ sở tạo dựng mối quan hệ thân thiết giữa trường Đại học và HS, SV.

Như vậy, lựa chọn có tỷ lệ cao nhất mà các bạn được phỏng vấn yêu thích mong muốn trường Đại học tổ chức đó là Thể Thao có tỷ lệ lựa chọn là 72.92%, tiếp theo là hoạt động Văn nghệ với tỷ lệ chọn là 44.79%. Bên cạnh đó, hoạt động ít được lựa chọn nhất lại là Đến trường học của bạn tư vấn về nghề nghiệp và tuyển sinh có đến 82.29% không chọn.

Câu hỏi 2: Bạn muốn duy trì thông tin, liên lạc với các trường Đại học theo cách thức nào?

Mục đích: dựa trên bước thứ 3 (khởi đâu mối quan hệ) của các bước thực hiện Marketing quan hệ thì các cách thức liên hệ này chính là các kênh để thiết lập mối quan hệ giữa HS, SV và trường Đại học.

Từ các số liệu trên, ta có thể nhìn thấy ngay Facebook chính là công cụ liên lạc cũng như giao tiếp tốt nhất với các em HS khi được 87/96 em lựa chọn. Phương thức gửi thư qua đường bưu điện chỉ có 3 em trong số 96 em lựa chọn, có thể thấy gửi thư qua đường bưu điện khá mất thời gian, thông tin đến nơi có thể bị chậm trễ hơn nữa hiện nay Internet đang phát triển mạnh, tốc độ cập nhập dữ liệu qua Internet cũng rất nhanh nên các em đã không còn muốn nhận thông tin qua thư nữa.

Câu hỏi 3: Theo bạn, trường Đại học nên làm hoạt động cụ thể gì để bạn trở nên thân thiết và tin tưởng hơn?

Mục đích: dựa trên bước 4 là Nuôi dưỡng và Phát triển mối quan hệ thì các câu trả lời này sẽ giúp trường Đại học có thêm thông tin, nguyện vọng của HS từ đó có các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy mối quan hệ với HS một cách tốt nhất có thể.

Với 95 câu trả lời được tổng hợp lại như sau: Có tới 33/95 ý kiến cho rằng trường Đại học nên tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, tương tác trực tiếp với HS, SV như: Ngoại khóa, văn nghệ, thể thao giao lưu với các trường THPT; Gặp mặt trực tiếp giữa SV đại học và HS phổ thông để kết nối và tìm hiểu thêm về trường; Tổ chức tham quan vui chơi tại trường; Tham quan trường, trải nghiệm thực tế nhà trường như tổ chức trại hè; Tổ chức các buổi tâm sự; Tổ chức hội thi nhân ngày 26/3.

Qua đó ta có thể thấy được các bạn HS hiên nay rất năng động và có nhiều mong muốn trường Đại học sẽ tổ chức thêm các buổi ngoại khóa giúp các em có cơ hội tìm hiểu thêm về phương thức và ngành nghề đào tạo của nhà trường. Đây cũng là ý kiến của số đông các em HS nên trường có thể xem xét để mở nhiều hoạt động tạo sự tương tác giữa trường và HS, SV.

Thông qua ý kiến của các em HS, để trường Đại học trở nên thân thiết và tin tưởng với HS, SV thì đa số các em đều có ý kiến là trường nên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn nghệ, thể thao nhằm tạo sự tương tác và gắn bó giữa nhà trường và SV.

Câu hỏi 4: Bạn có quan tâm thông tin tuyển sinh của Trường ĐHTB không?

Mục đích: dựa trên bước 5 (thu hoạch) của các bước thực hiện Marketing quan hệ ở chương 1, câu hỏi này chính là để hỗ trợ ra quyết định có quan tâm và theo học tại trường ĐHTB hay không. Đây là câu trả lời quan trọng để trường có thể có biện pháp liên lạc, hỗ trợ các em HS lựa chọn ngành học, làm hồ sơ và nhập học vào trường.

Có 56/96 người quan tâm đến thông tin tuyển sinh của trường ĐHTB và đã để lại phương thức liên lạc như số điện thoại hay email, con số này chiếm 58.33% trên tổng số 100% phiếu khảo sát. Còn 40/96 người lại không quan tâm đến trường và muốn học ở trường khác. Với một số lý do chính như sau: Thích đi học xa nhà (Học ở Hà Nội) có đến 10 em đưa ra lý do này, có thể từ hai nguyên nhân. Thứ nhất là ở bản thân các em HS còn đang học tập tại môi trường THPT và có nguyện vọng học theo các bạn trong lớp, chưa thực sự hiểu rõ về các ngành và các trường Đại học dưới Hà Nội. Nguyên nhân thứ hai là do trường ĐHTB chưa tạo được sức hút đối với các em HS trong địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh Sơn La nói chung, nhà trường nên có những hoạt động tích cực hơn nữa nhằm giao lưu với các em HS để các em có thể hiểu rõ hơn về trường, giúp trường thu hút được SV trong địa bàn tỉnh; Với 7 em HS cho rằng ĐHTB không có nghành em muốn học cho thấy trường nên quan tâm hơn về các nghành học cũng như nguyện vọng của các em HS từ đó có thể mở những ngành học có đông HS yêu thích để thu hút thêm SV cho trường cũng như mở rộng đa dạng hóa các ngành nghề có thể đào tạo; Có 4 em đã xác định được nghề nghiệp và trường muốn học từ trước, các em muốn học trường nghệ thuật, học trường Đại học Thể dục thể thao, học trường y, học báo chí.

Có thể thấy trong 96 em HS THPT được hỏi thì có hơn một nửa số em quan tâm đến trường ĐHTB. Đây là một thông tin lạc quan và đáng vui mừng vì trường đã được các em quan tâm và muốn theo học. Trường nên chủ động liên lạc với các em qua số điện thoại hoặc email vì đây sẽ là số lượng SV tiềm năng, đáng tin cậy sẽ trở thành SV trường ĐHTB trong tương lai.

  1. Một số giải pháp xây dựng mạng lưới mối quan hệ phục vụ công tác quảng bá tuyển sinh

4.1. Phát triển mối quan hệ giữa trường và các em học sinh trung học phổ thông

Đây được xác định là mối quan hệ trọng điểm trong nghiên cứu của nhóm tác giả, với đối tượng là HS các trường THPT hiện nay nhà trường đã có các đoàn cán bộ – giáo viên đến các trường THPT trên địa bàn và các tỉnh lân cận để tư vấn tuyển sinh, phát tờ rơi nhưng chưa có làm phiếu điều tra để khảo sát về nhu cầu mong muốn của các bạn HS có quan tâm về trường ĐHTB hay không. Vậy nên dẫn đến công việc đó chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Hiện nay nhà trường chỉ đang thực hiện công tác tuyển sinh chú yếu ở phòng đào tạo mà nên mở rộng đến các khoa, phòng ban để nắm bắt sát những mong muốn của giảng viên và SV về như cầu nghành nghề, phương pháp giảng dạy. Nhà trường đã phối hợp cùng các trường THPT trên địa bàn tổ chức ngày hội tuyển sinh, song như vậy là chưa đủ thu hút sự quan tâm của các em nên tổ chức thêm các buổi thăm quan, cắm trại hay tình nguyện để các em được tham gia trải nghiệm thực sự cuộc sống SV mà tương lai các em sẽ trải qua.

4.2. Chăm sóc mối quan hệ giữa nhà trường và sinh viên hiện tại

Đây là những khách hàng hiện tại của nhà trường cũng là khách hàng tương lai nếu môi trường học tập chuyên nghiệp năng động thì chính những bạn SV hiện tại sẽ có ý định quay lại trường học lên cao học. Đây cũng chính là những khách hàng đánh giá dịch vụ giáo dục sau khi theo học tại trường. SV đang tham gia học tập tại nhà trường chủ yếu là SV dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn lại sống xa nhà, hiện nay nhà trường đã có các chính sách hỗ trợ như trợ cấp, học bổng… Tận dụng lợi thế sẵn có như ký túc xá của nhà trường với cơ sở vật chất khanh trang sạch đẹp, an ninh tốt, gần các khu vui chơi thể thao, sinh hoạt của nhà trường, với thế mạnh đó để làm tăng sự gắn kết cải thiện mối quan hệ giữa nhà trường và SV thì nên có các chính sách ưu tiên giảm giá phòng cho các SV là dân tộc thiểu số. Khi lòng tin tưởng và thiện cảm sự quan tâm giữa nhà trường và SV ngày càng lớn mạnh thì đồng nghĩa với sự uy tín, tín nhiệm của nhà trường ngày một cao hơn.

4.3. Thành lập hội cựu sinh viên và mối quan hệ giữa nhà trường và cựu sinh viên

Đây được xem như thành công của sự giáo dục đào tạo của nhà trường, hiện nay có rất nhiều cựu SV của nhà trường đang làm việc, đảm nhận các vị trí quan trọng trong các cơ quan ban ngành của huyện, thành phố Sơn La và các tỉnh lân cận. Đó là một kênh truyền thông hiệu quả về danh tiếng của trường ĐHTB, đồng thời cũng mang lại nhiều cơ hội cũng như kinh nghiệm đến cho các SV mới tốt nghiệp. Tuy nhiên hiện nay nhà trường chưa tận dụng triệt để mối quan hệ này, nên thành lập Hội Cựu SV để có thể cùng đồng hành cùng nhà trường tương tác với các bạn SV, tư vấn về học tập, tham gia các hoạt động tình nguyện, trao đổi kiến thức, ủng hộ về mọi mặt với các hoạt động của trường.

4.4. Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và sở giáo dục

Là cơ quan chủ quản về quản lý giáo dục đào tạo tai địa phương việc tạo dựng mối quan hệ mật thiết với sở giáo dục sẽ giúp cho nhà trường có thêm thông tin, các chính sách của địa phương về công tác tuyển sinh hàng năm thì công tác tuyển sinh của nhà trường sẽ được mở rộng, là cầu nối giữa nhà trường và các HS trong khu vực có mong muốn đăng ký vào trường. Thông qua các buổi tọa đàm, trao đổi do sở tổ chức thì nhà trường cũng có thể giới thiệu thêm về các nghành nghề đào tạo của trường đến các hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn.

4.5. Thúc đẩy mối quan hệ giữa nhà trường và báo chí, truyền thông

Khi xã hội hiện nay ngày một phát triển thì báo chí, truyền thông là những kênh thông tin gần gũi dễ tiếp cận đến mọi đối tượng nhất sẽ là chiến dịch quảng bá rộng rãi hơn so với việc tiếp thị trực tiếp cũng tiết kiệm được thời gian và nhân lực cho nhà trường. Đây là một kênh truyền thông đáng tin cậy tạo được lòng tin đối vói người xem, các nhà báo, đài tuyền hình sẽ giúp nhà trường đưa tin về thông báo tuyển sinh và các hoạt động giảng dạy, thi đua, văn nghệ, thể dục thể thao của nhà trường. Giúp cho người đọc xem phần nào hiểu thêm về một số hoạt động cơ bản của nhà trường.

4.6. Thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường và các trường trung học phổ thông

Khi xác định các HS THPT là khách hàng tiềm năng của nhà trường thì việc xây dựng mối quan hệ với các trường THPT là không thể thiếu. Công tác tuyển sinh, tuy là nhiệm vụ của nhà trường, song nếu cứ dựa vào nguồn nhân lực của nhà trường thì chưa đủ mà chúng ta phải biết tranh thủ các lực lượng bên ngoài. Một mặt họ vừa là những người hàng ngày trực tiếp với các đối tượng HS và các bậc phụ huynh, mặt khác tiếng nói của họ sẽ có tác động khá mạnh mẽ đến sự quyết định lựa chọn con đường học tập của các HS hay các bậc phụ huynh sau khi con em họ tốt nghiệp THPT. Vì vậy nhà trường cần phối hợp với các trung tâm trong việc thông báo tuyển sinh, thu nhận hồ sơ cho nhà trường.

4.7. Duy trì mối quan hệ với các doanh nghiệp tại địa phương

Quan tâm và tìm hiểu một cách bài bản và có chiến lược về nhu cầu của SV, từ đó điều chỉnh lại chương trình đào tạo các nghề sát với thực tế, tránh tình trạng các cơ quan, doanh nghiệp phải đào tạo lại SV sau khi tuyển dụng, đồng thời bổ sung các môn tự chọn phù hợp nhằm tăng cường kỹ năng mềm cho người học có khả năng thích ứng kịp thời và biến động của nghề nghiệp. Nhà trường cũng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp để họ cùng tham gia hỗ trợ tuyển sinh; tham gia xây dựng chương trình, giáo trình; tham gia đánh giá kết quả học tập của HS khi tốt nghiệp và điều quan trọng là họ sẵn sàng tiếp nhận những HS của nhà trường sau khi tốt nghiệp vào làm việc trong doanh nghiệp. Làm được điều này thì uy tín và thương  hiệu của trường ngày càng được nâng lên và từ đó góp phần tích cực trong công tác tư vấn tuyển sinh trong thời gian tới.

  1. Kết luận

Marketing quan hệ góp phần thu hút sinh viên và duy trì sự ủng hộ tích cực đối với Trường Đại học trong hiện tại và tươgn lại. Thực hiện tốt marketing quan hệ là một chiến lược marketing có tác dụng cao trong tạo lập và cải thiện lòng trung thành của khách hàng đối với đơn vị và đã được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, chứng tỏ tính hiệu quả của chiến lược này. Từ đó hỗ trợ công tác tuyển sinh đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả và bền vững của một Trường Đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay./.

Tài liệu tham khảo

[1] GS.TS. Trần Minh Đạo, Giáo trình Marketing căn bản, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, 2012.

[2] Justin Beneke and Gert Human, Student recruitment marketing in South Africa–
An exploratory study into the adoption of a relationship orientation
, African Journal of Business Management, 2010.

[3] Koi-Akrofi, Godfred Yaw., Koi-Akrofi, Joyce, Welbeck, Jonathan N.O. 2013, Relationship Marketing Tactics and Customer Loyalty, Asian Journal of Business Management 5(1): 77-92.