Admin2

Lễ công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ quản lý nhiệm kỳ 2014 – 2019

Chiều ngày 04/9/2014, Trường Đại học Tây Bắc trang trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cho 02 đồng chí Trưởng Khoa Kinh tế và Khoa Lý luận Chính trị nhiệm kỳ 2014 – 2019.

Đ/c Lò Văn Nét - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ công bố Quyết định bổ nhiệm cán bộ quản lý

Đ/c Lò Văn Nét – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ công bố Quyết định bổ nhiệm cán bộ quản lý

Tới dự lễ công bố có NGƯT.TS. Nguyễn Văn Bao – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cùng các đồng chí trong BCH Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Thường vụ công đoàn, Thường vụ Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Trưởng, Phó các Phòng, Ban, Khoa, đơn vị trực thuộc và toàn thể công chức, viên chức của 2 đơn vị có cán bộ được bổ nhiệm.

Mở đầu buổi Lễ, ông Lò Văn Nét – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ công bố Quyết định bổ nhiệm và bổ nhiệm lại:

1. Quyết định số 781/QĐ-ĐHTB-TCCB ngày 29/8/2014 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc bổ nhiệm có thời hạn bà Lê Thị Hương – Tiến sĩ Triết học, Trưởng bộ môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và Phương pháp dạy học giữ chức vụ Trưởng khoa Lý luận Chính trị, nhiệm kỳ 2014 – 2019.

2. Quyết định số 782/QĐ-ĐHTB-TCCB ngày 29/8/2014 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc bổ nhiệm lại có thời hạn bà Nguyễn Thị Lan Anh – Thạc sĩ Tài chính Ngân hàng giữ chức vụ Trưởng khoa Kinh tế, nhiệm kỳ 2014 – 2019.

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bao trao quyết định, tặng hoa chúc mừng 2 đồng chí Trưởng khoa mới được bổ nhiệm.

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bao trao quyết định, tặng hoa chúc mừng 2 đồng chí Trưởng khoa mới được bổ nhiệm.

Phát biểu tại buổi Lễ NGƯT.TS. Nguyễn Văn Bao – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường chúc mừng và ghi nhận sự cố gắng phấn đấu của 2 đồng chí mới được bổ nhiệm và bày tỏ sự tin tưởng trên cương vị công tác mới các cán bộ được bổ nhiệm phát huy tinh thần, trách nhiệm, nhanh chóng tiếp cận, nắm vững công việc mới, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị và lãnh đạo đơn vị từng bước phát triển, đóng góp hơn nữa vào công tác quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Tây Bắc.

Thay mặt cán bộ được bổ nhiệm, TS. Lê Thị Hương – Trưởng Khoa Lý luận Chính trị bày tỏ niềm xúc động và cảm ơn Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã quan tâm, tin tưởng giao nhiệm vụ mới và xin hứa sẽ phát huy khả năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Nhà trường ngày càng vững mạnh./.

Nguồn: utb.edu.vn

Chuẩn đầu ra ngành Quản trị kinh doanh

CHUẨN ĐẦU RA NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 760/QĐ-ĐHTB-ĐT ngày 10/12/2010 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc)

1. Tên ngành đào tạo: Quản trị kinh doanh (Business Administration)

2. Trình độ đào tạo: Đại học

3. Yêu cầu về kiến thức

3.1 Kiến thức tổng quát

– Được trang bị kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như các kiến thức cơ bản về pháp luật hiện hành để có thể nhận thức và quán triệt chủ trương, chính sách của Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội.

– Có kiến thức cơ bản trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên để tiếp thu kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và khả năng học tập nâng cao trình độ.

3.2 Kiến thức chuyên môn

– Nhận biết được các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin; áp dụng được đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác và cuộc sống.

– Vận dụng được các kiến thức cơ bản về ngoại ngữ và khoa học tự nhiên, tin học vào học tập các môn chuyên ngành và công tác.

– Có kiến thức nhất định về pháp luật và thuế trong kinh doanh, marketing, tài chính doanh nghiệp, dây truyền sản xuất công nghệ.

– Phân tích, đánh giá được môi trường kinh doanh của một doanh nghiệp.

– Giải thích được hành vi doanh nghiệp, hành vi người tiêu dùng, hành vi của người sản xuất và các yếu tố chi phối các hành vi đó trong công tác kinh doanh.

– Phân tích được vai trò then chốt của nguồn nhân lực và quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.

– Vận dụng các kiến thức về tuyển dụng, đào tạo, đánh giá thành viên trong thực tế công tác.

– Biết ra các quyết định về tiêu dùng, sản xuất…đúng đắn.

– Tổ chức quản lý và xây dựng bộ máy, mô hình phương pháp quản trị các yếu tố sản xuất (Lao động, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, vốn và công nghệ) của một doanh nghiệp dựa trên các đặc điểm, chức năng cơ bản của quản trị doanh nghiệp với sự phối hợp hoạt động của các yếu tố và chi phí thấp.

– Dự báo được các vấn đề thường nảy sinh trong quá trình vận hành sản xuất của một doanh nghiệp để xây dựng các phương án phòng ngừa.

– Vận dụng được các nghiệp vụ quản trị tài chính đối với một doanh nghiệp nhằm xem xét, phân tích tình huống quản trị, đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đúng pháp luật và an toàn về mặt tài chính.

– Vận dụng được những kiến thức cơ bản và nâng cao về marketing – mix như chính sách giá, chính sách sản phẩm, chính sách phân phối và quảng cáo nhằm tạo sự thành công trong kinh doanh.

– Đảm bảo cho sinh viên có khả năng phân tích, ra quyết định ở tầm chiến lược nhằm phát triển doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh luôn thay đổi; nắm vững những nguyên tắc và kỹ năng thực hành.

4. Yêu cầu về kỹ năng

4.1. Kỹ năng cứng

– Phân tích được nguyên nhân của các hiện tượng kinh tế để đưa ra các quyết định đúng đắn;

– Thành thạo quy trình vận hành Doanh nghiệp từ đó sẵn sàng tham gia và phối hợp vào các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh;

– Kiểm tra, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất trong Doanh nghiệp;

– Lập được kế hoạch quản lý các yếu tố sản xuất trong doanh nghiệp như: Vốn, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, lao động, nhà xưởng; tổ chức các đơn vị, cá nhân thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra;

– Tư vấn thiết kế được bộ máy quản lý doanh nghiệp phù hợp với từng lĩnh vực kinh doanh.

4.2. Kỹ năng mềm

– Kỹ năng văn phòng: Sử dụng thành thạo các phần mềm văn phòng thông dụng như: Word, Excel, PowerPoint; biết khai thác thông tin trên mạng internet.

– Kỹ năng trình bày và giao tiếp: Có khả năng giao tiếp, giao dịch với các đối tượng khác nhau, có khả năng thuyết trình;

– Kỹ năng làm việc: Có khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm; khả năng xây dựng và phát triển mối quan hệ với tập thể;

– Kỹ năng nghiên cứu: Có khả năng tự học tập nâng cao kiến thức phục vụ công tác;

– Kỹ năng quản lý về lĩnh vực tài chính;

– Sử dụng được các chính sách Marketing – Mix nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ;

– Xây dựng thương hiệu, đăng ký thương hiệu và quản lý bảo vệ thương hiệu trong quá trình kinh doanh đúng pháp luật;

– Định giá được sản phẩm, tổ chức được hệ thống kênh phân phối phù hợp cho từng loại sản phẩm, quảng cáo tiếp thị sản phẩm và xúc tiến bán hàng;

– Thu thập thông tin, điều tra thị trường, xử lý thông tin, …qua đó đánh giá và phân tích nhằm phát hiện được các cơ hội cũng như thách thức tiềm ẩn mà Doanh nghiệp đang và sẽ gặp phải.

5. Thái độ

– Chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

– Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và sức khoẻ tốt.

– Có tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng và tác phong chuyên nghiệp.

– Cởi mở, thân tình, tôn trọng nhân cách đồng nghiệp, khách hàng

– Có tinh thần học hỏi, có ý chí không ngừng nâng cao kiến thức và rèn luyện bản thân.

– Có phương pháp làm việc và tư duy khoa học, biết cách giải quyết hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn nghề nghiệp.

– Có trách nhiệm cao trong công việc, có đạo đức trong kinh doanh và các hoạt động kinh tế trong xã hội hiện đại.

– Có ý chí cầu tiến, vươn lên trong công việc và hoàn thiện bản thân để trở thành chủ doanh nghiệp trong tương lai.

6. Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp

*) Đối tượng chính của người lao động:

– Bộ phận quản trị trong các doanh nghiệp như: Phòng Tài chính, Nhân sự, Marketing, Sản xuất, Kinh doanh. Các bộ phận quản lý và quản lý kinh tế tại các cơ quan quản lý nhà nước

– Cán bộ quản lý hoặc nhân viên kinh doanh trong doanh nghiệp Nhà nước hoặc tư nhân.

– Chủ doanh nghiệp độc lập

– Khả năng nghiên cứu, tự học các lĩnh vực liên quan đến chuyên môn nghề nghiệp.

*) Mô tả công việc chính

– Tìm hiểu doanh nghiệp; thu thập thông tin thị trường; thực hiện các chương trình marketing.

– Quản lý và thực hiện các chương trình truyền thông của công ty.

– Xây dựng quản lý và phát triển thương hiệu của công ty.

– Trực tiếp thực hiện hoạt động bán hàng dự án trực tiếp của công ty.

– Giám sát hoạt động bán hàng của công ty tại các kênh đại lý.

– Chăm sóc khách hàng.

– Thực hiện phối hợp với các phòng ban/phân xưởng.

– Quản lý bộ phận .

– Phát triển thị trường kinh doanh.

– Liên hệ quảng cáo cho doanh nghiệp về sản phẩm và thương hiệu.

– Quan hệ công chúng thông qua các chương trình tài trợ, Giao lưu.

– Thực hiện các nhiệm vụ mà nhà quản trị cấp cao giao cho.

– Nắm bắt tình hình cạnh tranh tại khu vực thị trường của doanh nghiệp.

*) Vị trí làm việc: Làm việc tại tất cả các loại hình doanh nghiệp. Các bộ phận quản lý kinh tế tại các cơ quan nhà nước.

*) Công cụ lao động tối thiểu: Văn bản, tài liệu của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp quản lý trực tiếp.

7. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường

– Có khả năng tự học tập, nghiên cứu khoa học theo đúng chuyên ngành đào tạo.

– Nâng cao trình độ sau đại học các chuyên ngành kinh tế và quản trị kinh doanh.

– Có thể tự tạo lập doanh nghiệp và tìm kiến cơ hội kinh doanh riêng cho bản thân.

– Có thể trở thành cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về Quản trị kinh doanh tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo.

8. Các chương trình, tài liệu, chuẩn quốc tế tham khảo

Chương trình đào tạo và tài liệu chuyên ngành tham khảo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh và một số trường Đại học Kinh tế khác.

Khoa Kinh tế – Đại học Tây Bắc

Chuẩn đầu ra ngành Kế toán

CHUẨN ĐẦU RA NGÀNH KẾ TOÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 760/QĐ-ĐHTB-ĐT ngày 10/12/2010 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc)

1. Tên ngành đào tạo: Kế toán (Accounting)

2. Trình độ đào tạo: Đại học

3. Yêu cầu về kiến thức

3.1 Kiến thức tổng quát

– Được trang bị kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như các kiến thức cơ bản về pháp luật hiện hành để có thể nhận thức và quán triệt chủ trương, chính sách của Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội.

– Có kiến thức cơ bản trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên để tiếp thu kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và khả năng học tập nâng cao trình độ.

3.2 Kiến thức chuyên môn

– Có kiến thức nền tảng về các lĩnh vực kinh tế – xã hội và kiến thức cơ sở ngành Kế toán như tài chính – tiền tệ, tín dụng – ngân hàng, thống kê kinh tế trong nền kinh tế thị trường, làm nền tảng để nghiên cứu các nghiệp vụ chuyên sâu của ngành kế toán.

– Có kiến thức về Luật Kế toán, Luật Kiểm toán, Chuẩn mực kế toán, Chuẩn mực kiểm toán, Chế độ kế toán doanh nghiệp và Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, các Quyết định, Thông tư hướng dẫn về lĩnh vực tài chính, kế toán. Đồng thời có kiến thức sâu về các Luật thuế cơ bản và các văn bản hướng dẫn về các Luật thuế hiện hành…. để tổ chức thực hiện công tác kế toán phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh, hoạt động của đơn vị.

– Có kiến thức chuyên sâu để tổ chức thực hiện công tác kế toán tại các loại hình đơn vị (Doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các đơn vị hành chính sự nghiệp….), cụ thể là thực hiện hạch toán kế toán trong các đơn vị như: Kế toán vốn bằng tiền; nguyên vật liệu; tài sản cố định; lương và các khoản trích theo lương; thuế; các khoản thanh toán; giá thành; tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá; đầu tư tài chính; xác định kết quả kinh doanh, phân phối lợi nhuận và lập báo cáo tài chính, báo cáo thuế, kế toán nguồn kinh phí, quỹ, các khoản thu chi….

– Có kiến thức cơ bản về phân tích và quản trị tài chính như có khả năng nhận diện chi phí, phân tích thông tin, lập kế hoạch, thiết kế thông tin thành các báo cáo quản trị… phục vụ cho việc ra quyết định, từ đó ứng dụng đánh giá được tình hình tài chính của doanh nghiệp.

4. Yêu cầu về kỹ năng

4.1 Kỹ năng cứng

– Kỹ năng tổ chức công tác kế toán bao gồm tổ chức bộ máy kế toán, tổ chức hệ thống chứng từ, hệ thống tài khoản, hệ thống sổ kế toán, hệ thống báo cáo kế toán tài chính và kế toán quản trị tại các loại hình doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và các tổ chức Kinh tế xã hội khác.

– Có kỹ năng lập và phân tích một số Báo cáo kế toán quản trị cơ bản như: Lập dự toán, dự báo về doanh thu, chi phí, lợi nhuận theo đơn vị/vùng/mặt hàng/…; Lập Báo cáo kết quả kinh doanh theo cách ứng xử của chi phí, Báo cáo bộ phận… để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong quá trình ra quyết định.

– Có khả năng lập các báo cáo thuế hàng tháng và quyết toán thuế năm (Thuế giá trị gia tăng; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế thu nhập cá nhân, Thuế xuất nhập khẩu,…).

– Thẩm định hiệu quả tài chính về dự án đầu tư;

– Sử dụng thành thạo ít nhất một phần mềm kế toán thông dụng phổ biến trên thị trường hiện nay.

4.2 Kỹ năng mềm

– Kỹ năng văn phòng: sử dụng thành thạo vi tính văn phòng để soạn thảo các văn bản, hợp đồng, xử lý số liệu trên máy tính.

– Kỹ năng trình bày và giao tiếp: Có khả năng giao tiếp, giao dịch với các đối tượng khác nhau, có khả năng thuyết trình.

– Kỹ năng làm việc: có khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm; khả năng xây dựng và phát triển mối quan hệ với tập thể.

– Kỹ năng nghiên cứu: có khả năng tự học tập nâng cao kiến thức phục vụ công tác.

– Kỹ năng quản lý về lĩnh vực tài chính kế toán.

– Nhanh nhạy trong việc nắm bắt, xử lý, giải quyết các vấn đề, các tình huống phát sinh trong thực tế về tài chính kế toán.

5. Yêu cầu về thái độ

– Chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

– Tuân thủ đạo đức về nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, tính cẩn thận, chính xác trong công việc.

– Ý thức được sự cần thiết phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ, luôn tự rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, sáng tạo trong công việc.

– Cầu tiến và sẵn sàng làm việc trong môi trường áp lực công việc cao.

– Có ý thức tổ chức kỷ luật lao động và tôn trọng nội qui của cơ quan, doanh nghiệp;

– Ý thức cộng đồng và tác phong công nghiệp, trách nhiệm công dân.

– Có tinh thần hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp.

6. Vị trí làm việc sau khi ra trường

– Có thể đảm nhận chức danh Kế toán viên phụ trách các phần hành kế toán tại các đơn vị, các tổ chức kinh tế – xã hội (doanh nghiệp, tổ chức tài chính, đơn vị sự nghiệp).

– Có thể là các nhân viên kế toán, kiểm toán tại các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán.

– Trợ lý tài chính trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng.

– Làm việc trong các phòng, ban trong doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội…

7. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường

– Có khả năng phát triển thành kế toán tổng hợp, kế toán trưởng trong tương lai.

– Có thể tự tạo lập doanh nghiệp và tìm kiến cơ hội kinh doanh riêng cho bản thân.

– Có thể trở thành cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về kế toán, kiểm toán tại các cơ sở đào tạo..

– Có khả năng tiếp tục học tập và nghiên cứu chuyên môn ở trình độ thạc sỹ và tiến sỹ.

8. Các chương trình, tài liệu, chuẩn quốc tế tham khảo

Chương trình đào tạo và tài liệu chuyên ngành tham khảo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Học viện Tài chính kế toán Hà Nội và một số trường Đại học Kinh tế khác.

Khoa Kinh tế – Đại học Tây Bắc

Vài nét về chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng

Hiện nay, Tài chính – Ngân hàng đang là chuyên ngành được khá nhiều thí sinh và các bậc phụ huynh quan tâm lựa chọn. Tuy nhiên để hiểu hết về chuyên ngành này không phải là điều đơn giản bởi đây là một ngành khá rộng, liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ trong nền kinh tế nên nó có rất nhiều chuyên ngành hẹp khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu đào tạo của từng trường.

Trường Đại học Tây Bắc hiện đang đào tạo chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng thông qua liên kết với trường Đại học Kinh tế quốc dân. Sinh viên chuyên ngành này sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính, bảo hiểm, cơ quan tài chính. Với vị trí và công việc có thể là nhân viên phòng giao dịch, phòng tín dụng, phòng phân tích rủi ro, phòng quan hệ khách hàng… hoặc có thể trở thành các chuyên gia phân tích và định hướng các chiến lược, chính sách tiền tệ trong nền kinh tế…

Vấn đề lưu chuyển tiền tệ giống như sự lưu thông của huyết mạch trong cơ thể bởi nó có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động cho toàn bộ hệ thống tài chính hiện tại và tương lai. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam với xu hướng mở cửa hội nhập thì những ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài như khủng hoảng tài chính thế giới là điều không tránh khỏi. Do vậy, triển vọng công việc cho chuyên ngành này là rất lớn. Những cử nhân chuyên ngành này được mệnh danh là “phù thủy đồng vàng” bởi một điều rất đơn giản đây là ngành đang được quan tâm nhất hiện nay, một ngành năng động, có khả năng thăng tiến cao và ngay cái tên của nó thôi đã khiến nhiều người phải choáng ngợp. Tuy nhiên, để trở thành “phù thủy đồng vàng” thực sự không dễ dàng.

Đối với ngành đào tạo nào cũng vậy, để có thể học tập, nghiên cứu và làm việc hiệu quả đòi hỏi người học cần có những tố chất nhất định. Đây là chuyên ngành có sức cạnh tranh cao nhưng sức ép và mức độ đào thải cũng không kém, do đó để có một tương lai tốt đẹp với ngành này, bạn cần phải có niềm đam mê và ham thích làm việc với các lĩnh vực liên quan đến tiền. Yếu tố thứ hai cần phải có là sự sáng tạo. Nếu như kiếm tiền là một trò chơi của hàng triệu, hàng tỷ những cái đầu đầy toan tính thì kết quả của trò chơi lại phụ thuộc rất nhiều vào “phép màu” sáng tạo của “phù thủy”. Mỗi người đều có khả năng tư duy và những ý tưởng khác nhau, chúng ta nên phát huy hết những ý tưởng sáng tạo ấy. Bên cạnh đó, yếu tố năng động cũng khá quan trọng, ngoài việc tiếp thu những kiến thức về chuyên môn ở trường, sinh viên cần phải trang bị thêm các các kỹ năng khác như khả năng phân tích tài chính, giao tiếp với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng,… Do đó nếu có tính năng động thì người học sẽ có nhiều hứa hẹn hơn với ngành này.

Để thành công trong bất kì một lĩnh vực nào cũng đòi hỏi người học phải có sự say mê, ham học hỏi và lòng yêu nghề. Như nhà văn nổi tiếng Trung Quốc đã từng nói: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.

Chúc các bạn sinh viên chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng sẽ gặt hái được nhiều thành công trên bước đường tương lai của mình!

Tác giả: GV. Đào Thị Vân Anh – Bộ môn Kinh tế