Hang Xu

Bộ môn Kinh tế tổ chức thành công sinh hoạt chuyên đề lần 3 – tháng 11

Chiều ngày 27.11.2014, tại văn phòng Khoa Kinh tế đã diễn ra buổi sinh hoạt chuyên đề “ Thực trạng hoạt động của các Doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2009- 2013” do bộ môn Kinh tế tổ chức. Tham dự buổi sinh hoạt có đ/ c Đặng Công Thức- trưởng bộ môn Kinh tế cùng các giảng viên trong bộ môn Kinh tế.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, báo cáo chính, Đ/c Mai Nguyễn Phương Dung đã trình bày báo cáo “Thực trạng hoạt động của các Doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2009- 2013” trong đó trình bày những nội dung chủ yếu như: khái niệm doanh nghiệp nhà nước, đặc điểm, cách phân loại các doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là làm rõ thực trạng hoạt động của các các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2009-2013, cụ thể như: số lượng các doanh nghiệp giảm dần, hiệu quả hoạt động thấp, khả năng cạnh tranh kém, trình độ kĩ thuật, công nghệ lạc hậu, tình trạng tham nhũng, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước… từ đó đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Có thể nói, những nội dung mà báo cáo chính nêu ra đã phần nào khắc họa nên bức tranh toàn cảnh về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, thực sự rất hấp dẫn và thu hút người nghe, hơn thế nữa cũng là cơ hội để các giảng viên trong bộ môn cập nhập, bổ sung thêm các kiến thức, thông tin thực tế, phục vụ cho quá trình lên lớp.
Đóng góp cho báo cáo của đ/c Mai Nguyễn Phương Dung, đ/c Tòng Phương Trang trình bày báo cáo “Những vấn đề lý luận chung về doanh nghiệp nhà nước”, đ/c Đỗ Thu Hiền trình bày báo cáo” Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2009- 2013” đ/c Lò Huyền Trang trình bày báo cáo” Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam”…Về cơ bản, những báo cáo này đã mở thêm các hướng nghiên cứu mới, đóng góp thêm những nội dung mới cho báo cáo chính của đ/c Mai Nguyễn Phương Dung, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi chuyên môn, không chỉ là giữa các báo cáo viên với nhau mà còn với tất cả các giảng viên tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề. Ngoài ra, các giảng viên tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề còn tiến hành đóng góp ý kiến sôi nổi, tích cực cho các báo cáo trình bày ở trên.

20141127_141039

Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề, đ/c Đặng Công Thức đã tổng kết lại các nội dung chính của buổi sinh hoạt, yêu cầu các giảng viên tiếp tục nghiên cứu, cập nhập thông tin về các vấn đề xoay quanh loại hình doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phải luôn giữ thái độ tích cực học hỏi, trao đổi thẳng thắn, sôi nổi, để buổi sinh hoạt chuyên đề thực sự là cơ hội cho các giảng viên nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

Mai Nguyễn Phương Dung

Bộ môn Kinh tế tổ chức thành công sinh hoạt chuyên môn tháng 11 – Lần 2

Ngày 6/11/2014 tại Văn phòng Trung tâm Đào tạo và Dịch vụ Kinh tế, Bộ môn Kinh tế đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với 3 nội dung lớn: Đóng góp cho các bài báo gửi đăng trên Thông tin Khoa học và công nghệ  số 2 năm 2014; thông qua kết quả kiểm tra Giáo án; Kế hoạch thi giáo viên dạy giỏi bộ môn Kinh tế năm học 2014 – 2015.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Công Thức, Bộ môn đã tiến hành họp đóng góp ý kiến cho 8 bài báo của các đồng chí trong Bộ môn sẽ gửi đăng trên Thông tin Khoa học và công nghệ  số 2 năm 2014. Kết quả sau 3 tiếng làm việc nghiêm túc, 8 bài báo của các tác giả đã được các đồng chí trong Bộ môn đóng góp ý kiến về mặt nội dung và hình thức để có hướng chỉnh sửa bài báo của mình một cách tốt nhất với các nội dung được đề nghị chỉnh sửa như sau: Tên bài báo, phạm vi nghiên cứu, bổ sung số liệu cần thiết, …

WP_20141106_008

Nội dung thứ hai, Đồng chí Đặng Công Thức đã thông qua kết quả kiểm tra Giáo án của các đồng chí trong Bộ môn với kết quả 3/19 giáo án chưa đạt yêu cầu. 3 giáo án trên đã nhận được đóng góp ý kiến của người kiểm tra với các nội dung cần chỉnh sửa như sau: Bổ sung tài liệu tham khảo cho mỗi chương; Phân bổ thời gian cụ thể cho từng chương; Cập nhật các nội dung mới.

Cuối cùng, Bộ môn đã họp bàn kế hoạch tổ chức cuộc thi Giáo viên dạy giỏi Bộ môn Kinh tế năm học 2014 – 2015 với nội dung cơ bản như sau: thống nhất thời gian tổ chức, cách thức tổ chức cuộc thi; giao cho đồng chí Đặng Huyền Trang và đồng chí Mai Nguyễn Phương Dung xây dựng Kế hoạch chi tiết tổ chức cuộc thi.

Lò Thị Huyền Trang

Bộ môn Kinh tế tổ chức thành công sinh hoạt chuyên đề tháng 11 – Lần 2

Ngày 13/11/2014, tại văn phòng khoa, bộ môn Kinh tế đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với chủ đề: “ Quản lý thuế ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ” do Đ/c Lò Thị Huyền Trang báo cáo chính.

Mở đầu buổi sinh hoạt, đ/c Đặng Công Thức – Trưởng bộ môn Kinh tế giới thiệu sơ bộ về nội dung buổi sinh hoạt. Tiếp đó Đ/c Lò Thị Huyền Trang trình bày nội dung phần nghiên cứu về tổng quan lý luận về thuế ( thuế và các chỉ tiêu đánh giá một hệ thống thuế tốt ) và tập trung sâu vào phần Thực trạng quản lý thuế ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đ/c nhấn mạnh: hiện nay tại Việt Nam đã tăng tỷ trọng nguồn thu từ thuế tiêu dùng và thuế trực thu, tuy nhiên nguồn thu từ thuế đánh vào thương mại quốc tế lại có xu hướng giảm mà nguyên nhân chính là xuất phát từ các khâu: đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế, xử lý hoàn thuế, xử lý thu nợ, kiểm tra và thanh tra người nộp thuế.

10718222_540345786096801_1079572669_o

Sau khi báo cáo chính trình bày các kết quả nghiên cứu đã diễn ra sự trao đổi sôi nổi giữa các thành viên trong bộ môn xoay quanh thực trạng và giải pháp nhằm hoàn chỉnh hệ thống thuế hiệu quả nhất tại Việt Nam.

Phần chia sẻ của Đ/c Phan Nam Giang bao gồm nội dung chính sau:

– Nếu báo cáo chính phân tích được sâu sắc, rõ ràng sự khác biệt của hệ thống thuế tại Việt Nam trong giai đoạn trước khi hội nhập và sau khi hội nhập kinh tế quốc tế sẽ thấy được tổng thể bức tranh về hệ thống thuế và các “điểm khuyết” cần xoáy sâu.

– Số liệu khá đa dạng và phong phú nhưng cần cập nhật thêm nhiều số liệu mới để kết quả nghiên cứu có tính thuyết phục hơn.

Tiếp đó là các ý kiến đóng góp của các Đ/c trong bộ môn để kết quả nghiên cứu của báo cáo chính được hoàn thiện hơn nữa:

– Tổng quan về thuế: Các tiêu chí để đánh giá một hệ thống quản lý thuế tốt; Các nhân tố tác động đến quản lý thuế; Cấu trúc thuế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. ( Đ/c Nguyễn Hồng Nhung )

– Thực trạng quản lý thuế ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế: Hệ thống bộ máy quản lý thuế; Thực trạng cơ sở pháp lý cho quản lý thuế; Thực trạng nội dung quản lý thuế ( Đ/c  Đặng Công Thức )

Đánh giá thực trạng quản lý thuế ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập ( những kết quả và hạn chế, nguyên nhân của hạn chế). Giải pháp hoàn thiện quản lý thuế ở Việt Nam. ( Đ/c Mai Nguyễn Phương Dung ).

Sau hơn 4h trao đổi sôi nổi, Đ/c Đặng Công Thức đã tổng kết lại các kết quả đạt được của buổi sinh hoạt chuyên môn. Đồng thời Đ/c cũng khích lệ toàn bộ giảng viên trong bộ môn luôn phát huy trí sáng tạo để nâng cao nghiệp vụ và chúc các buổi sinh hoạt chuyên môn kế tiếp thành công tốt đẹp.

Đỗ Thị Thu Hiền

Tập thể cán bộ, giảng viên khoa Kinh tế năm học 2014 – 2015

Kỳ thị và phân biệt đối xử đang là rào cản đối với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

HIV/AIDS là mối hiểm họa đối với tính mạng con người, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Thời gian qua, nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai thực hiện, song hiện nay vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV lại đang là rào cản chính đối với các hoạt động dự phòng, chăm sóc cũng như tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của người nhiễm HIV/AIDS.

Qua các số liệu của nghiên cứu về chỉ số đánh giá mức độ kỳ thị với người nhiễm HIV ở Việt Nam do Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam thực hiện cho thấy, người nhiễm HIV đang phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử và đây không chỉ là thách thức đối với riêng người nhiễm HIV, khi dịch HIV/AIDS đang ở giai đoạn tập trung, chủ yếu lây truyền ở nhóm tiêm chích ma túy, nam tình dục đồng giới và phụ nữ mại dâm.

Do bị kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc, những người nhiễm HIV bị rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc buộc phải thay đổi công việc thường xuyên, phải thay đổi nơi ở hoặc không thuê được nhà ở, phải vật lộn để bảo đảm kế sinh nhai cho bản thân. Nghiên cứu của Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam cũng cho thấy, có khoảng 3% người nhiễm HIV và 4% trẻ em là con của người nhiễm HIV đã bị từ chối không được đi học. Ngoài ra, sự kỳ thị và phân biệt đối xử còn xảy ra ở các cơ sở phi chính quy, ở gia đình, cộng đồng, bạn bè và hàng xóm, như bị vợ, chồng bỏ rơi hoặc người thân trong gia đình ruồng rẫy, bị cộng đồng xã hội tẩy chay, mất công ăn việc làm và tài sản; bị đuổi học, bị từ chối khám sức khỏe tại các cơ sở y tế, thiếu sự chăm sóc và hỗ trợ, thậm chí bị bạo hành. Chưa kể đến việc phải đối mặt với nguy cơ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, hoặc sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử có thể dẫn tới hậu quả là số lượng người đi xét nghiệm tự nguyện ít đi, ít bộc lộ tình trạng nhiễm HIV của mình với người khác, ít thực hiện những hành vi bảo vệ và tiếp cận các dịch vụ điều trị, chăm sóc, hỗ trợ.

Với các hình thức kỳ thị phổ biến như xì xào, bàn tán, xúc phạm, nhục mạ, thậm chí bị bạo hành về thân thể. Do vậy mà người nhiễm HIV đã cố tình che giấu không tiết lộ tình trạng nhiễm HIV của mình ra ngoài phạm vi gia đình, đặc biệt có tỷ lệ đáng kể người nhiễm HIV không cho chồng, vợ hoặc bạn tình biết họ bị nhiễm HIV. Có thể thấy, sự kỳ thị đối với các hành vi liên quan đến HIV và AIDS có tác động rất lớn đến người nhiễm HIV, có thể khiến họ cảm thấy không an toàn trong xã hội, hình thành tâm lý bị cách ly, cô lập và tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi xuất hiện sự tự kỳ thị của chính bản thân người nhiễm HIV.

Tình đến 31/12/2012, vả nước có 208.886 người nhiễm HIV còn sống được báo cáo, trong đó có 59.839 người ở giai đoạn AIDS, lũy tích tử vong do HIV/AIDS là 62.184 người, chưa kể đến những người không được báo cáo hoặc không biết về tình trạng nhiễm HIV của mình, nhưng đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu định lượng nào ghi nhận và đưa vào phân tích các hình thức và mức độ khác nhau về kỳ thị và phân biệt đối xử mà người nhiễm HIV gặp phải, cũng như thay đổi trong xu hướng và theo thời gian, dù một số hành vi kỳ thị đã được đưa vào các tài liệu nói về HIV/AIDS.

Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động dự phòng, chăm sóc cũng như tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của người nhiễm HIV/AIDS. Để chống sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS hiệu quả hơn và có thể cải thiện cuộc sống của người nhiễm HIV ngày càng tốt hơn, thời gian tới cần nỗ lực hơn nữa để bảo đảm tính bảo mật của người nhiễm HIV trong quá trình từ xét nghiệm đến điều trị, đặc biệt là tại các cơ sở y tế và dịch vụ xã hội. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu nhằm đưa ra các quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền của người nhiễm HIV, cùng với đó là nỗ lực hơn nữa để bảo đảm việc tuân thủ và triển khai thực hiện các chính sách liên quan.

Mặt khác, cũng cần có cơ chế để hỗ trợ chính những người nhiễm HIV/AIDS trong việc tìm kiếm trợ giúp pháp lý để giải quyết các vi phạm về quyền của họ như khi bị buộc thôi việc, bị cản trở không được khám chữa bệnh hoặc học tập vì lý do nhiễm HIV.

Ngoài ra, việc giáo dục và huy động sự tham gia của cộng đồng và xã hội cũng rất quan trọng, vì đa số trường hợp kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV bắt nguồn từ trong cộng đồng. Trong đó, giáo dục cần bao gồm cả nâng cao nhận thức về HIV, hành vi nguy cơ để giảm bớt sự lo lắng và sợ hãi của cộng đồng, bởi đây đang là nguyên nhân dẫn tới sự kỳ thị của họ đối với HIV/AIDS. Thúc đẩy để cộng đồng và xã hội tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, với các biện pháp cụ thể nhằm giúp người nhiễm HIV xây dựng lòng tự tin, giảm kỳ thị và học về các quy định luật pháp liên quan về chống kỳ thị và phân biệt đối xử.

Lê Thị Hiệp

Sưu tầm

Xây dựng ý thức và thói quen chấp hành luật giao thông đường bộ của sinh viên khoa kinh tế – những khó khăn và biện pháp

1. Đánh giá thực trạng giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường hiện nay 

Hiện nay trên đường có rất nhiều loại phương tiện giao thông. Nếu chúng ta không thực hiện đúng qui định của pháp luật an toàn giao thông thì có thể gây tai nạn cho mình và người khác.

Hằng ngày, thực trạng tai nạn giao thông với những con số, hình ảnh, bài viết, phóng sự…làm chúng ta phải giật mình. Mỗi năm trong cả nước có hàng ngàn gia đình mất đi người thân hay phải mang theo tàn tật suốt đời không còn khả năng lao động,…

Ở trường ta hiện nay đang diễn ra một thực trạng là phần lớn học sinh tham gia giao thông còn ý thức chưa cao như phóng nhanh, vượt ẩu, đi bộ và băng qua đường không đúng qui định, chạy xe đạp dàn hàng hai, ba, thậm chí là năm, sáu trên đường gây cản trở giao thông… Nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ khi đi qua các nút giao thông có đèn tín hiệu…

Những khó khăn, trở ngại.

+ Nhà trường chưa có biện pháp hiệu quả để giáo dục các học sinh – sinh viên

+ Một nhóm đối tượng khác biết luật pháp, hiểu pháp luật, được đào tạo bài bản nhưng vẫn cố tình vi phạm pháp luật. Biết mình sai, họ vẫn cố cãi nhằm “gỡ gạc” tội của mình. Thậm chí, có kẻ còn chống đối với lực lượng chức năng, chửi thề; liều lĩnh và mất nhân cách.

+ Người thi hành công vụ còn mỏng, trang thiết bị và điều kiện còn hạn chế, phần khác, chế tài xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) chưa mang tính răn đe, một số cán bộ còn bỏ qua lỗi của người vi phạm…khiến họ “nhờn” luật.

2. Những biện pháp có hiệu quả nhằm xây dựng ý thức và thói quen tốt khi tham gia giao thông của sinh viên

– Trước hết, mỗi bản thân con người tham gia giao thông hãy tự giác cẩn thận khi tham gia giao thông

–  Xây dựng quy chế phối hợp với Công an cùng cấp; phối hợp giữa nhà trường với các cấp chính quyền ở địa phương để triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, TTATGT trường học.

– Trang bị kiến thức an toàn giao thông cho sinh viên. Nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ cho học sinh, sinh viên

– Tăng cường công tác giáo dục đảm bảo ATGT thông qua tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về đảm bảo TTATGT, Tuyên truyền lưu động Luật Giao thông đường bộ, trang bị 100 bảng tin ATGT tại các trường học, đồng thời kết hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm…có những hành động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về TTATGT trong học sinh các cấp.
Về các biện pháp cụ thể, chúng ta có thể chỉ đạo các trường xây dựng “cổng trường an toàn”, ngoài ra còn xây dựng “cổng trường 5 không, 3 có” và đưa việc chấp hành Luật Giao thông Đường bộ làm một tiêu chí để đánh giá đạo đức của học sinh, cũng như một tiêu chí để đánh giá thi đua của nhà trường như: tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông Đường bộ và có những chế tài thích hợp trong việc đánh giá, nhận xét cuối năm về hạnh kiểm, đạo đức.

– Xây dựng văn hóa giao thông trong văn hóa học đường nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) một cách bền vững, nên chăng, chúng ta phải bắt đầu xây dựng một môi trường VHGT lành mạnh với những tiêu chuẩn, mô hình cụ thể để tạo nên thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông.

Văn hóa giao thông (VHGT) biểu hiện dưới nhiều khía cạnh, trong đó, người tham gia giao thông tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, nghiêm túc chịu phạt nếu sai phạm, ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm là thái độ có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng xã hội.

+ Tôn trọng pháp luật: Xây dựng VHGT là phải tập trung nâng cao ý thức, thay đổi suy nghĩ của người tham gia giao thông cần phải tôn trọng pháp luật.

+Trách nhiệm cộng đồng: Điều 32, Luật Giao thông đường bộ quy định: người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường, có cầu vượt, có hầm dành cho người đi bộ. Ở những nơi không có các điều kiện này, người đi bộ khi qua đường phải tự chịu trách nhiệm về an toàn cho mình.

– Công tác phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong việc giáo dục an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên.

+ Các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục phải thường xuyên có nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy an toàn giao thông trong trường học; lấy thái độ, hành vi về thực hiện an toàn giao thông của học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá rèn luyện, xếp loại.

+ Kịp thời nhắc nhở sinh viên chấp hành các quy định về ATGT cũng như điều tiết, sắp xếp khu vực dừng, đỗ xe hợp lý, tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

+ Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường trung học phổ thông chỉ đạo quyết liệt không để xảy ra tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đến trường.

+ Phối hợp giữa lực lượng Công an tỉnh với ngành Giáo dục – Đào tạo trong công tác đảm bảo TTATGT thường xuyên được quan tâm, góp phần nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên, giáo viên, học sinh,  sinh viên lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT.

+ Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền, vận động, sau đó sẽ tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ.

Thiết nghĩ, các biện pháp nêu trên nếu được thực hiện đồng bộ thì sẽ tạo được một phong trào thi đua mạnh mẽ trong ngành Giáo dục và sẽ đạt được những kết quả tốt trong việc đảm bảo TTATGT trong học sinh, sinh viên nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Lê Thị Hiệp

Sưu tầm