Truong Luan

BỘ MÔN KẾ TOÁN TỔ CHỨC SEMINAR THÁNG 01/20120

Nguyễn Thị Phương Thảo

Seminar là hoạt động thường kỳ của bộ môn nhằm năng cao chất lượng
chuyên môn cho giảng viên. Tháng 01/2020, tại văn phòng khoa Kinh tế, bộ môn
Kế toán đã tổ chức Seminar với sự tham gia của các giảng viên là Thạc sĩ, Tiến sĩ
chuyên ngành kế toán. Có 03 báo cáo đã được trình bày và nhận được rất nhiều các
ý kiến bàn luận sôi nổi.
TS. Nguyễn Thị Phương Thảo trình bày báo cáo “ Giới thiệu và bàn luận về
IFRS 15 – Chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế số 15 doanh thu từ hợp đồng
với khách hàng”. Báo cáo gồm 04 nội dung chính:

  • Sơ bộ về sự phát triển của các Chuẩn mực kế toán liên quan đến doanh thu
  • Khái quát về IFRS 15
  • Giới thiệu nội dung Xác định hợp đồng trong việc Ghi nhận doanh thu quy
    định trong IFRS 15
  • Một số bàn luận về IFRS 15
    Thông qua báo cáo, các thành viên tham gia có cơ hội hiểu hơn về IFRS 15.
    Từ các vấn đề IFRS 15 gợi mở bàn luận các vấn đề liên quan đến sự sẵn sàng của
    giảng viên, các cơ sở giáo dục đại học trong lộ trình áp dụng IFRS, những thay đổi
    cần thiết về phương pháp giảng dạy, những bước chuẩn bị cần thiết để đưa IFRS
    vào giảng dạy trong trường ĐHTB.
    Ths. Đỗ Thị Minh Tâm trình bày báo cáo “Thông tư 70/TT/2019/TT-BTC –
    Điểm mới trong Chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã”. Báo cáo giới thiệu các
    nội dung cơ bản của Thông tư 70 về: chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế
    toán, báo cáo kế toán. Trong quá trình thảo luận, các thành viên đã so sánh sự khác
    biệt với Chế độ kế toán ngân sách xã phường theo Quyết định 94/2005/QĐ-BTC,
    đưa ra những định hướng trong hướng dẫn thực tập đối với những sinh viên năm
    cuối đi thực tập ở các đơn vị xã phường vào khoảng thời gian tháng 2, 3 năm 2020,
    khi Thông tư mới vừa có hiệu lực.

Ths. Đoàn Thanh Hải trình bày báo cáo “Kế toán quản trị chi phí với việc
tăng cường kiểm soát chi phí trong doanh nghiệp”. Báo cáo phân tích bản chất của
kế toán quản trị chi phí. Xác định vai trò của kế toán quản trị chi phí trong các giai
đoạn lập kế hoạch, trong giai đoạn tổ chức thực hiện, giai đoạn kiểm tra và đánh
giá, giai đoạn ra quyết định. Báo cáo cũng làm rõ mỗi quan hệ giữa kế toán quản trị
chi phí với việc tăng cường kiểm soát chi phí.
Seminar tháng 01/2020 của bộ môn kế toán đã diễn ra nghiêm túc, sối nổi và
hiệu quả. Nhiều ý kiến bàn luận được đưa ra, cho thấy những góc nhìn khác nhau
về các vấn đề có liên quan.

Seminar Bộ môn Quản trị kinh doanh: Một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành cho cán bộ cấp xã

Lã Thị Bích Ngọc – Bộ môn Quản trị kinh doanh

Nhiệm vụ kết nối cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với các khoa, bộ môn của Trường Đại học Tây Bắc nói chung và của cán bộ giảng viên nói riêng. Đối với bộ môn Quản trị kinh doanh của Khoa Kinh tế, trường Đại học Tây Bắc thì đây được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2019 – 2020 và thời gian tới. Chính vì vậy, bộ môn đã tổ chức nhiều hoạt động, nhiều chương trình và những buổi seminar nhằm trao đổi, thảo luận những vấn đề, nội dung liên quan đến kết nối cộng đồng, gắn với chương trình của ngành Quản trị kinh doanh. Một trong những nội dung về quản trị mà bộ môn quan tâm cũng như xét thấy có thể triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La đó chính là việc nâng cao các kỹ năng quản trị cho đội ngũ lãnh đạo tại địa phương. Ngày 26/12/2019 vừa qua, Bộ môn đã tổ chức thành công buổi seminar nhằm thảo luận về nội dung một số kỹ năng lãnh đao, quản lý điều hành cho cán bộ cấp xã. Buổi seminar có sự tham dự của TS Hoàng Xuân Trọng – Trưởng khoa Kinh tế, Ths Đặng Trung Kiên – Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh, cùng đông đủ các đồng chí là giảng viên của Bộ môn QTKD.

            Buổi seminar rất ý nghĩa và có chất lượng chuyên môn với các báo cáo và ý kiến thảo luận của các đồng chí trong bộ môn. Cụ thể có 8 báo cáo của các đồng chí trong bộ môn với những nội dung cơ bản như sau:

            – Đồng chí Lã Thị Bích Ngọc báo cáo một số thuận lợi, khó khăn trong giảng dạy dự án hỗ trợ kết nối cộng đồng theo chương trình 135. Báo cáo đề cập 2 vấn đề, thứ nhất tổng quan về chương trình 135; thứ hai đề cập đến việc giảng dạy một số kỹ năng như lãnh đạo, quản lý, điều hành cho cán bộ cấp xã. Các đồng chí trong Bộ môn đã thảo luận và đưa ra ý kiến về phương pháp giảng dạy đặc trưng dành cho cán bộ cấp xã, bổ sung nội dung kỹ năng quan hệ, thiết kế thêm cẩm nang dành cho cán bộ cấp xã, từ đó nghiên cứu để phát triển bài giảng tới các đối tượng cán bộ cấp xã ở tỉnh Sơn La và khu vực Tây Bắc.

– Báo cáo của đồng chí Trương Thị Luân đề cập đến đánh giá thực trạng công tác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trong báo cáo nhấn mạnh về những tiềm năng, thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản  như khí hậu; vùng lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, thực trạng công tác nuôi trồng thủy sản còn nhiều hạn chế trong các vấn đề về tuyên truyền; quy hoạch…

– Báo cáo của đồng chí Vũ Quang Hưng đề cập đến cơ hội và thách thức về động lực kinh doanh của nữ chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trong báo cáo đã trình bày vai trò quan trọng của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xã hội. Báo cão cũng chỉ ra doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng tăng về số lượng nhanh hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các DNNVV. Từ kết quả nghiên cứu thực tế, báo cáo đưa ra một số kết luận và khuyến nghị trong phát triển đội ngũ nữ chủ DNNVV. Đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế của nghiên cứu dựa trên cơ sở định tính và với mẫu quan sát là nhỏ là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu trong tương lai với phạm vi, quy mô mẫu lớn hơn và tiến hành kiểm định bằng phương pháp định lượng.

– Báo cáo của đồng chí Lê Thị Hiệp đề cập đến phương pháp OTP trong điều hành quá trình sản xuất tối ưu. Theo đó, báo cáo đã trình bày khái quát về phương pháp OPT là một phương pháp điều hành quá trình sản xuất do Eliyahu Goldratt và đồng nghiệp phát minh vào năm 1978 tại Mỹ; trình bày bảy nguyên tắc của phương pháp, từ đó nêu rõ phương châm hành động của phương pháp là tổng những tối ưu cục bộ không bằng tối ưu của cả hệ thống. Trong đó, tối ưu toàn bộ là đạt mục tiêu giao nộp sản phẩm cho khách hàng đúng kỳ hạn với chất lượng đảm bảo và chi phí kinh doanh thấp nhất.

– Báo cáo của đồng chí Đỗ Thu Hằng đánh giá những thuận lợi và khó khăn của sinh viên ngành quản trị kinh doanh trong quá trình thực tập, rèn nghề. Trong báo cáo cũng đã chỉ ra những số liệu thống kê về nhóm khó khăn trong thực hành, thực tập; trong thiết lập các mối quan hệ xã hội và từ phía bản thân sinh viên. Từ đó đi sâu phân tích thảo luận và chỉ ró quá trình đi rèn nghề, thực tập của sinh viên ngành Quản trị kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn, từ trong quá trình rèn nghề, thực tập đến việc thiết lập mối quan hệ với các đối tượng hữu quan lẫn cả những khó khăn trong bản thân của mỗi sinh viên.

– Báo cáo của đồng chí Đặng Trung Kiên trình bày về việc vận dụng lý thuyết ra quyết định trong một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một nội dung trong học phần ứng dụng phương pháp tối ưu trong kinh doanh của ngành quản trị kinh doanh.

– Báo cáo của đồng chí Phạm Thị Vân Anh đề cập đến một số vấn đề về kỹ năng thuyết trình đối với sinh viên ngành quản trị kinh doanh. Trong báo cáo trình bày về sự cần thiết của việc rèn luyện kỹ năng thuyết trình cho sinh viên; các biện pháp thưc hiện; một số kiến nghị và các hoạt động trao đổi trong bộ môn.

– Báo cáo của đồng chí Đặng Thị Huyền Mi đề cập đến việc cải thiện thu nhập của người nông dân thông qua tái thiết nông nghiệp tổng hợp khu vực đồi núi vùng Tây Bắc. Trong báo cáo đã giới thiệu sơ lược về dự án Jica Grassroot, những hoạt động thực tế của nhóm nghiên cứu đã tham gia khảo sát các cửa hàng bán rau củ quả sạch trên địa bàn và tổng hợp kết quả đạt được. Trên cơ sở đó nhóm nghiên cứu đưa ra những kết luận để bộ môn cùng thảo luận như vấn đề cửa hàng có diện tích còn nhỏ; thu nhập từ rau/khoai ở mức trung bình khá từ 2 đến dưới 6 triệu đồng/tháng chiếm đến 70%. Các cửa hàng thường lựa chọn thời điểm mua hàng vào sáng sớm. Các cửa hàng thường lấy thông tin giá cả từ chợ làm căn cứ trao đổi, mua hàng, không căn cứ vào chất lượng hàng nhiều để đưa ra mức giá mua. Hầu hết các cửa hàng bán hàng cho hộ gia đình, dân cư quanh vùng và bán tại chỗ, số ít là bán cho các cửa hàng khác. Buổi seminar kéo dài liên tục trong 3 tiếng với sự trao đổi, thảo luận rất tập trung, nghiêm túc. Nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ, nhiều kiến thức mới của các đồng chí tham gia được trao đổi, bổ sung cho nhau. Có thể nói đây là một buổi sinh hoạt chuyên môn thành công của bộ môn Quản trị kinh doanh. Cùng với sự nhiệt huyết, tinh thần tích cực học hỏi chia sẻ của các thành viên, mong rằng thời gian tới bộ môn sẽ có thêm nhiều buổi seminar ý nghĩa hơn thế.

Seminar Bộ môn Quản trị kinh doanh: góc nhìn đa chiều về kinh doanh lưu trú và du lịch cộng đồng

Phạm Thị Vân Anh – Bộ môn Quản trị kinh doanh

Năm học 2019 – 2020 là năm tuyển sinh thứ hai của Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành – chuyên ngành Bộ môn Quản trị kinh doanh phụ trách. Đây là một chuyên ngành mới, rất hấp dẫn, đòi hỏi giảng viên phải tìm hiểu nhiều kiến thức mới cũng như kinh nghiệm thực tế. Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ môn đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động kết nối cộng đồng, đồng thời tổ chức nhiều buổi seminar nhằm tạo cơ hội cho các giảng viên trao đổi, thảo luận, học hỏi lẫn nhau, nâng cao trình độ chuyên môn gắn với chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Điển hình như ngày 25 tháng 11 năm 2019 vừa qua, Bộ môn đã tổ chức thành công seminar bàn về nhiều khía cạnh liên quan đến chủ đề kinh doanh lưu trú và du lịch cộng đồng. Buổi seminar có sự tham dự của TS Hoàng Xuân Trọng – Trưởng khoa Kinh tế, Ths Đặng Trung Kiên – Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh, cùng đông đủ các đồng chí là giảng viên của Bộ môn QTKD.

Sau khi nghe các đồng chí Báo cáo viên trình bày các báo cáo, các đồng chí tham dự cuộc họp đã thảo luận rất sôi nổi và đưa ra các nhận xét.

Cụ thể, đối với báo cáo của đồng chí Trương Thị Luân: Với nhiều lợi thế như khí hậu cao nguyên mát mẻ, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực phong phú, người dân thân thiện… mà những năm gần đây, huyện Mộc Châu – tỉnh Sơn La luôn là điểm đến hấp dẫn nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, lượng khách đến không đều trong năm mà thường đi theo mùa, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng các dịch vụ – nhất là dịch vụ lưu trú và sự lãng phí một số nguồn tài nguyên. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để thu hút khách du lịch đến với Mộc Châu vào tất cả các tháng trong năm, từ đó xoá bỏ tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ tại cao nguyên? Bộ môn thảo luận và đưa ra giải pháp làm thế nào để thu hút, kéo khách du lịch về huyện Mộc Châu, đặc biệt là về các khách sạn; homestay trong những tháng trái vụ (từ tháng 5 đến tháng 9).

            Báo cáo của đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương đề cập đến những kỹ năng và kiến thức của người dân địa phương trong phục vụ khách lưu trú, nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng. Các đồng chí trong Bộ môn đã thảo luận và chỉ ra những hạn chế về kỹ năng và kiến thức của người dân về vấn đề này, từ đó đề xuất hướng tiếp cận kết nối, hỗ trợ phục vụ cộng đồng trong thời gian tới.

            Tiếp theo, đồng chí Đỗ Thu Hằng đã chỉ ra những vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường trong kinh doanh lưu trú tại nhà dân. Bộ môn đã thảo luận và chỉ ra những hạn chế, bất cập liên quan đến vấn đề này, qua đó định hướng cho Câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện phát triển du lịch văn hóa tiếp cận hỗ trợ một số cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn thành phố.

              Báo cáo của đồng chí Lê Thị Hiệp đã nêu bật những vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn trong kinh doan lưu trú. Bộ môn đã thảo luận và định hướng việc hỗ trợ hộ kinh doanh lưu trú trong mở sổ theo dõi, báo cáo với cơ quan an ninh thôn bản về các đối tượng khách.

              Một trong những nội dung mà nhiều đồng chí quan tâm là kỹ năng thuyết minh, hướng dẫn viên tại điểm trong kinh doanh du lịch cộng đồng. Phần nội dung này, đồng chí Phạm Thị Vân Anh đã báo cáo tổng quan và các đồng chí trong Bộ môn đã chỉ ra những hạn chế của người dân trong lĩnh vực này, đề xuất hướng kết nối hỗ trợ cộng đồng trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến việc đưa sinh viên ngành du lịch đi thực hành rèn nghề kết hợp hỗ trợ người dân địa phương nâng cao những kỹ thuyết minh, hướng dẫn viên tại điểm trong kinh doanh du lịch cộng đồng.

              Báo cáo tiếp theo là của đồng chí Lã Thị Bích Ngọc, bàn về những vấn đề liên quan đến quản lý tài chính trong kinh doanh du lịch cộng đồng. Bộ môn cũng đã thảo luận và đề xuất một số hướng tập huấn hỗ trợ người dân kinh doanh du lịch cộng đồng nâng cao kiến về quản lý tài chính.

              Cuối cùng, đồng chí Hoàng Xuân Trọng bàn và trao đổi những kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng và hoạt động kinh doanh lưu trú tại nhà dân. Báo cáo đã chỉ rõ được thế nào là du lịch cộng đồng và hoạt động kinh doanh lưu trú tại nhà dân, sự khác biệt của loại hình kinh doanh này so với các loại hình kinh doanh lưu trú khác. Buổi seminar kéo dài liên tục trong 3 tiếng với sự trao đổi, thảo luận rất tập trung, nghiêm túc. Nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ, nhiều kiến thức mới của các đồng chí tham gia được trao đổi, bổ sung cho nhau. Hi vọng, sự nhiệt huyết, hăng hái tìm tòi, tinh thần ham học hỏi của các đồng chí trong Bộ môn sẽ tiếp tục phát huy trong các seminar tiếp theo, để các buổi sinh hoạt seminar thực sự là ngày bội thu kiến thức mới của Bộ môn.