Chuyên mục chính

Giao hữu bóng chuyền chào mừng ngày thành lập hội LHPN Việt Nam

Vào lúc 16 giờ chiều nay tại sân thể dục thể thao, Công đoàn Trường Đại học Tây Bắc đã tổ chức lễ khai mạc và thi đấu giao hữu bóng chuyền nữ giữa các Công đoàn bộ phận trong trường.

Tham dự giải năm nay có các đội đến từ các đơn vị: khoa Kinh tế, khoa TDTT, khoa Sinh-Hóa, bộ phận Văn phòng, khoa Nông Lâm, khoa Toán-Lí-Tin, khoa Ngữ Văn, khoa Tiểu học-Mầm non, khoa Ngoại Ngữ.

IMG_3465

Các đội tham dự giải bóng chuyền chào mừng ngày 20/10

Đội hình của khoa Kinh tế năm nay có thêm nhiều gương mặt mới lần đầu tiên tham gia thi đấu, tuy nhiên với năng khiếu của bản thân cộng với chế độ tập luyện khoa học hứa hẹn sẽ mang lại cho khán giả cũng như các đội bạn những bất ngờ lớn.

Đội hình thi đấu của Khoa Kinh tế

Đội hình thi đấu của Khoa Kinh tế

Trong lượt trận đầu tiên gặp Khoa Sinh-Hóa, với tinh thần quyết thắng trong trận ra quân cộng với sự cổ vũ nhiệt tình của một lượng lớn khán giả, đội bóng chuyền nữ khoa chúng ta đã giành chiến thắng thuyết phục trước Khoa Sinh-Hóa với tỷ số 2-0.Trong lượt trận tiếp theo gặp bộ phận Văn phòng với sự nỗ lực luyện tập của các nữ cầu thủ, chúng ta hè một hoàn toàn có quyền hy vọng về một kết quả tốt nhất. Chúc các cầu thủ của chúng ta sẽ có một kết quả như ý.

Nam Giang

Đại hội công đoàn bộ phận khoa Kinh tế

Chiều ngày 02/10/2013 tại văn phòng khoa Kinh tế, Đại học Tây Bắc đã diễn ra Đại hội Công đoàn bộ phận khoa Kinh tế nhiệm kỳ 2013-2015. Đại hội có sự tham dự của đại diện Chi ủy chi bộ, Ban chủ nhiệm khoa cùng toàn thể Công đoàn viên khoa Kinh tế.

Chiều ngày 02/10/2013 tại văn phòng khoa Kinh tế, Đại học Tây Bắc đã diễn ra Đại hội Công đoàn bộ phận khoa Kinh tế nhiệm kỳ 2013-2015. Đại hội có sự tham dự của đại diện Chi ủy chi bộ, Ban chủ nhiệm khoa cùng toàn thể Công đoàn viên khoa Kinh tế.

Toàn thể đại hội

Đại hội đã nghe Báo cáo tổng kết hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2011-201, dự thảo phương hướng nhiệm vụ công đoàn nhiệm kì 2013-2015 và bản tự kiểm điểm của Ban chấp hành Công đoàn nhiệm kỳ 2011-2013. Trong nhiệm kì vừa qua, Công đoàn Khoa Kinh tế đã nỗ lực cố gắng để hoàn thành tốt những nhiệm vụ đã đặt ra. Có được những thành tích này trước hết nhờ vào sự chỉ đạo thường xuyên của Công đoàn Đại học Tây Bắc, những chủ trương đúng đắn của Chi bộ, sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ trong mọi lĩnh vực giữa Ban chủ nhiệm khoa, Ban chấp hành Công đoàn và Ban chấp hành Chi đoàn. Đặc biệt, ý thức tự giác, ý thức tổ chức kỉ luật của các đồng chí công đoàn viên trong khoa đã góp phần không nhỏ trong những thành công này.

BCH Công đoàn nhiệm kỳ 2011-2013 báo cáo tổng kết nhiệm kỳ

Cũng tại đại hội, ThS. Nguyễn Thị Lan Anh, bí thư chi bộ, trưởng khoa Kinh tế đã có ý kiến phát biểu thể hiện sự quan tâm của chi bộ và ban chủ nhiệm khoa với công tác công đoàn, biểu dương những thành tích đã đạt được của Công đoàn khoa trong nhiệm kì qua và chỉ đạo những công việc Công đoàn khoa sẽ phải thực hiện trong nhiệm kỳ tới.

Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban chấp hành Công đoàn nhiệm kì 2013-2015 gồm 3 đồng chí. Ban Chấp hành Công đoàn nhiệm kì mới sẽ nỗ lực phấn đấu nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn, góp phần vào sự phát triển của Khoa Kinh tế nói riêng, Đại học Tây bắc nói chung.

Tặng hoa Ban chấp hành mới

Chia tay các đồng chí trong Ban chấp hành nhiệm kỳ 2011-2013

Sinh viên nghiên cứu khoa học – Góc nhìn từ giảng viên

Vấn đề nghiên cứu khoa học là một hoạt động trọng tâm của sinh viên trường Kinh tế nói riêng và các trường đại học cao đẳng nói chung.
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế thế giới, hội nhập về giáo dục và đào tạo, xây dựng và phát triển phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên khoa Kinh tế là một yêu cầu bức thiết nâng cao chất lượng đào tạo và giáo dục, nâng cao tính tự chủ sáng tạo và năng động, một tố chất rất cần thiết nhưng lại rất hạn chế trong trình độ sinh viên Việt Nam hiện nay.
Nghiên cứu khoa học từ sinh viên trong các trường đại học hiện nay có thể nói là một chủ đề mang tính tiềm năng nhưng còn nhiều điều hạn chế. Tính tiềm năng ở chỗ sinh viên là một lực lượng trẻ, đầy nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, có thời gian và một trí sáng tạo không ngừng được phát triển dưới mái trường đại học. Vấn đề còn hạn chế ở đây là do sinh viên chưa nhận thức được những lợi ích nào từ nghiên cứu khoa học mà sinh viên đạt được khi phải chi phí bằng những tiềm năng nói trên để lao vào nghiên cứu trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Chính vì vậy chúng ta cần thảo luận vấn đề làm thế nào hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học có hiệu quả? Đây là câu hỏi mà không ít giảng viên hiện nay còn đang cố gắng giải đáp. Từ vấn đề này chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh của nó: mục đích nghiên cứu khoa học của sinh viên là gì? Vai trò hướng dẫn của giảng viên thể hiện ra sao? và phương pháp nghiên cứu nào cần thiết tối thiểu khi nghiên cứu khoa học?

Mục đích nghiên cứu khoa học
Mục đích nghiên cứu khoa học của sinh viên dưới mái trường đại học thường lại được hiểu quá nhiều nghĩa. Những nước đã phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Úc . . . thì xem sinh viên đóng vai trò là những trợ lý nghiên cứu (Research Assistance – RA) cho các giảng viên có đề tài nghiên cứu, sinh viên làm điều này thì mới chập chững học hỏi kinh nghiệm từ những người thầy nhưng lại không mong đợi một giải thưởng to lớn nào cả. Tuy nhiên kinh nghiệm làm RA sẽ làm cho sinh viên có một bề dày kinh nghiệm để có khả năng độc lập nghiên cứu sau này.
Cũng có những nơi xem nghiên cứu khoa học đơn thuần là để sinh viên nắm vững những tri thức hiện có liên quan đến thực tiễn và lý thuyết môn mình đang học. Nói cách khác, nghiên cứu kiểu này sinh viên bắt tay vào một case study và nghiên cứu nó bằng tất cả những thông tin từ vô số nguồn khác nhau nhằm giải quyết vấn đề nêu ra từ tình huống. Fulbright, một trong những chương trình liên kết, là một chương trình kiểu mẫu thực hiện kiểu nghiên cứu này, trong hầu hết các môn học đều có những case study liên quan đến bài giảng, sinh viên sẽ tuỳ theo chủ đề mà tìm những thông tin cập nhật nhất để giải quyết. Kết quả nghiên cứu sẽ làm cho sinh viên nắm chắc bài giảng và tự tin hơn về những gì trong thực tế mà nhiều khi chính giảng viên cũng cần học hỏi.
Cũng có những nơi, đặc biệt là các trường đại học Việt Nam lại rất tôn vinh các kết quả nghiên cứu khoa học từ sinh viên, hàng năm đều có những giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp Bộ, giải thưởng nhà nghiên cứu trẻ, giải thưởng Eureka… Cách tuyển chọn từ cơ sở cho đến cấp cao nhất, như vậy là có rất nhiều sinh viên xứng đáng được giải thưởng. Tuy nhiên kết quả mang lại là lợi ích sẽ nằm ở đâu? Lợi ích đầu tiên là khuyến khích được sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, lợi ích thứ hai là tạo ra một phong trào sôi động từ những sinh viên trẻ và từ đó làm cho trường đại học có sinh khí nghiên cứu. Tuy nhiên, điều quan trọng là phong trào lại không thành một thói quen thường xuyên và kết quả nghiên cứu nhiều khi không giúp ích nhiều cho chính những môn học mà sinh viên đang theo đuổi và chuyên ngành mà sinh viên hướng nghiệp. Ví dụ sinh viên chuyên ngành “Tài chính ngân hàng” lại nghiên cứu về WTO, ODA…
Điểm lại có ba mục đích nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nghiên cứu khoa học có thể làm RA cho giảng viên trong trường đại học, hoặc nghiên cứu khoa học dạng case study nhằm góp phần làm rõ cho các nội dung của từng chủ đề của môn học, và sau cùng là nghiên cứu khoa học dưới dạng phong trào. Trong Khoa Kinh tế chúng ta hiện nay các sinh viên nghiên cứu mới đang dừng lại ở mục đích thứ ba.
Lợi ích từ nghiên cứu khoa học
– Bằng việc tham gia nghiên cứu khoa học các sinh viên sẽ phát hiện những vấn đề cần phải giải quyết trên cơ sở các mấu chốt, vấn đề nghiên cứu của đề tài. Không ít hay nhiều, khi sinh viên tham gia nghiên cứu, một mặt chính sinh viên đã tự trang bị cho mình những kiến thức về phương pháp luận, mặt khác đó là những hoài bão có thể giúp ích cho địa phương và đất nước sau này.
– Học phải đi đôi với hành, phương châm đó được các trường đại học – cao đẳng chuyên nghiệp quán triệt và thể hiện bằng nhiều chủ trương kết hợp giữa trang bị kiến thức trên lớp và tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu. Thực tế nghiên cứu cho thấy, việc nghiên cứu trong sinh viên không chỉ nâng cao năng lực nghiên cứu mà còn giúp sinh viên lấp đầy dần những lổ hổng kiến thức từ các thầy cô hướng dẫn. Chính điều này làm cho sinh viên kiên trì hơn trên con đường nghiên cứu còn nhiều khó khăn trở ngại.
– Và một lợi ích khác mà người sinh viên có được là các điểm cộng và điểm thưởng vào kết quả học tập cuối năm, điểm rèn luyện tuỳ vào thành tích nghiên cứu đạt được, theo quy định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo và của BGH trường Đại học Tây Bắc. Đông thời sinh viên làm NCKH có cơ hội nhận được các giải thường sinh viên NCKH của Khoa, Trường và các cấp khác.
Tóm lại, việc NCKH trong sinh viên có hai lợi ích to lớn: một là lợi ích của chính các sinh viên thực hiện về tinh thần, kiến thức và vật chất; một mặt góp phần vào việc đề xuất, hoạch định chủ trương chính sách phát triển của nước nhà. Kết quả nghiên cứu không chỉ ghi nhận sự trưởng thành của đội ngũ nghiên cứu mà còn nâng cao vai trò, vị trí sinh viên trong nhà trường và xã hội, là điểm ngắm của các tổ chức kinh tế-xã hội nhằm tạo nguôn nhân lực cho mình qua những học bổng hỗ trợ. Đó cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy sinh viên tích cực nghiên cứu khoa học.
Giảng viên hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học
Vai trò giảng viên trong quá trình dìu dắt sinh viên theo kinh nghiệm cá nhân rất có hiệu quả với hai điều kiện cần. Đầu tiên chính giảng viên phải có những đề tài đang nghiên cứu, chỉ có như vậy mới tạo cơ hội cho sinh viên cùng tham gia với những mảng nhỏ của đề tài lớn, giảng viên và sinh viên sẽ làm việc theo kiểu team work (đôi khi còn gọi là research team), có nghĩa là giảng viên truyền đạt những kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực mình đang nghiên cứu và đồng thời vạch ra hướng đi để sinh viên đi đúng hướng. Thể hiện sự trao đổi từ hai phía, có nghĩa là sinh viên không chỉ thụ động chờ sự hướng dẫn thuần tuý từ giảng viên mà còn phải nêu những ý tưởng mình khám phá được trong quá trình cùng nghiên cứu với giảng viên. Cách học thời phổ thông và cách giảng dạy độc thoại, có thể nói đã tạo ra một sức ỳ không nhỏ trong quá trình sinh viên nghiên cứu với giảng viên.
Điều kiện cần thứ hai là giảng viên phải có phương pháp nghiên cứu rõ ràng, chuẩn mực. Những phương pháp truyền thống như phân tích, tổng hợp, thống kê thứ cấp đã không làm nổi bật những đóng góp mới từ việc nghiên cứu. Lĩnh vực phương pháp nghiên cứu trước hết giảng viên nên làm chủ rồi sau đó mới truyền đạt cho sinh viên để họ có cơ sở nghiên cứu. Đó là phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Phương pháp nghiên cứu khoa học sẽ giúp chúng ta các bước trình bày vấn đề nghiên cứu sau khi tổng quan các đề tài nghiên cứu đã thực hiện, các phương pháp giải quyết vấn đề nghiên cứu và cách gợi ý chính sách.
Phương pháp nghiên cứu
Hai loại phương pháp liên quan đến phương pháp luận nghiên cứu khoa học cần triển khai trong trường đại học, trước hết là giảng viên sau đó là sinh viên. Dĩ nhiên trường và khoa chúng ta đã và đang thực hiện giảng dạy hai phương pháp này, nhưng vấn đề ở chỗ là sự liên kết của nó với quá trình nghiên cứu, hay nói khác đi là sự ứng dụng trong thực nghiệm. Lĩnh vực quản trị thì nên đi sâu vào các phương pháp nghiên cứu thị trường, còn lĩnh vực kinh tế thì nên đi vào các môn học kinh tế lượng và các công cụ định lượng khác. Có thể nói một cách đơn giản là giảng viên vừa phải am hiểu các vấn đề liên quan đến thị trường và các công cụ nghiên cứu thị trường, nếu người dạy marketing lại không biết rõ về thị trường thì sinh viên sẽ không biết ứng dụng hiệu quả cho tình huống nghiên cứu trong thực tế. Giảng viên dạy kinh tế lượng phải hiểu biết sâu về kinh tế vi mô và vĩ mô, thì từ đó mới có sự kết hợp tốt giữa các vấn đề kinh tế và định lượng chúng. Đây là điểm nhức đầu của các giảng viên khi chấm các đề tài nghiên cứu sinh viên ,vì đa số các đề tài chỉ dừng lại ở số liệu thứ cấp và thống kê mô tả mà rất ít đề tài định lượng được.
Kết luận: Nghiên cứu khoa học là một công việc không dễ dàng. Nhưng với kiến thức sâu sắc và niềm đam mê cộng với một môi trường học tập và nghiên cứu thuận lợi, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng nghiên cứu khoa học trong sinh viên Khoa Kinh tế, trường Đại học Tây Bắc sẽ gặt hái những kết quả tốt đẹp.
ThS. Đoàn Thanh Hải

BCH công đoàn qua các nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ 2013-2015

Đ/C Hoàng Xuân Trọng: Chủ tịch công đoàn
Đ/C Đặng Huyền Trang: Phó chủ tịch công đoàn
Đ/C Nguyễn Thị Phương Thảo: Uỷ viên

Nhiệm kỳ 2011-2013

Đ/C Nguyễn Thị Mai Phương: Chủ tịch công đoàn
Đ/C Hoàng Xuân Trọng: Phó chủ tịch công đoàn
Đ/C Nguyễn Anh Ngọc: Uỷ viên

Chi bộ Khoa Kinh tế tổ chức kết nạp Đảng viên mới

Ngày 08 tháng 08 năm 2014, tại văn phòng Khoa Kinh tế, Chi bộ Khoa Kinh tế đã tổ chức buổi Lễ Kết nạp Đảng viên mới cho đoàn viên ưu tú là đồng chí Nguyễn Hồng Nhung.

Trong năm 2014, Chi bộ khoa Kinh tế thuộc Đảng bộ trường Đại học Tây Bắc luôn chú trọng lãnh đạo và chỉ đạo công tác Xây dựng Đảng, trong đó có công tác phát triển Đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ nhằm phát huy hơn nữa trí tuệ, năng lực và phẩm chất đạo đức của các thế hệ kế cận, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng Tổ Quốc và xây dựng khoa Kinh tế, trường Đại học Tây Bắc ngày càng lớn mạnh. Ngày 08 tháng 08 năm 2014, tại văn phòng Khoa Kinh tế, Chi bộ Khoa Kinh tế đã tổ chức buổi Lễ Kết nạp Đảng viên mới cho đoàn viên ưu tú là đồng chí Nguyễn Hồng Nhung. Đến dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh – Bí thư Chi bộ Khoa Kinh tế cùng toàn thể các đồng chí Đảng viên thuộc Chi bộ Khoa Kinh tế, các đoàn viên ưu tú thuộc Chi đoàn Giảng viên cán bộ Khoa Kinh tế.

Đ/c Nguyễn Thị Lan Anh – Bí thư Chi bộ Khoa Kinh tế trao Quyết định kết nạp Đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Hồng Nhung

Đ/c Nguyễn Thị Lan Anh – Bí thư Chi bộ Khoa Kinh tế trao Quyết định kết nạp Đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Hồng Nhung

Buổi lễ kết nạp đã diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục kết nạp Đảng viên mới một cách trang trọng và đầy ý nghĩa. Trong không khí trang trọng của buổi lễ, Đảng viên mới tuyên thệ nguyện trung thành với lý tưởng và mục tiêu Cách mạng của Đảng, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của người Đảng viên, đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đảng, xứng đáng là Đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam.Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh đã chúc mừng và căn dặn Đảng viên mới kết nạp về những trách nhiệm của bản thân khi đã trở thành một Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời phải cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt mọi công việc với lập trường, tinh thần bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn rèn luyện và học tập hơn nữa trong công tác chuyên môn.

20140808_090527

Các đồng chí trong Chi bộ Khoa Kinh tế chúc mừng Đảng viên mới kết nạp Nguyễn Hồng Nhung

Suy nghĩ của một tân Đảng viên

Thấm thoát đã 4 năm trôi qua, mới ngày nào bước chân còn bỡ ngỡ trước giảng đường Khoa Kinh Tế, trường Đại học Tây Bắc nay tôi đã là một sinh viên năm cuối, sắp sửa tốt nghiệp rời trường bước vào cuộc sống mới, học tập và phấn đấu trong một môi trường mới, rộng lớn hơn.

Những ngày tháng qua đối với tôi thật ý nghĩa. Tôi đã lớn lên, trưởng thành rất nhiều sau 4 năm học tập, rèn luyện và phấn đấu trong tập thể lớp K51 ĐH Tài Chính – Ngân Hàng thuộc Khoa Kinh Tế trường ĐH Tây Bắc. Bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của tôi chính là được vinh dự đứng trong hàng ngũ những người con ưu tú của Đảng CSVN. Ngày ấy là ngày 25/6/2014, tôi không bao giờ có thể quên dấu mốc quan trọng ấy. Trở thành một Đảng viên trẻ, với tôi luôn là niềm tự hào và hạnh phúc lớn lao.

Đảng viên Bùi Hoàng Nguyên trong buổi Lễ Kết nạp

Đảng viên Bùi Hoàng Nguyên trong buổi Lễ Kết nạp

Bản thân tôi đã thực sự nỗ lực, bền bỉ phấn đấu không ngừng tong suốt 4 năm qua. Nhưng có được vinh dự này tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm giúp đỡ, sự chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo trong khoa, trường, đặc biệt là các thầy cô giáo trong Ban chi ủy chi bộ Khoa Kinh Tế. Sự ủng hộ nhiệt thành của các bạn trong tập thể lớp, chi đoàn K51 ĐH Tài Chính – Ngân Hàng. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là một vinh dự lớn, quá trình phấn đấu để vào Đảng đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều và sống có trách nhiệm hơn. Với trách nhiệm của người đảng viên trẻ, tôi nhận thấy mình phải cố gắng, cống hiến nhiều hơn nữa. Cống hiến ở đây không phải là cái gì đó thật to lớn, mà đó là sự cố gắng, nỗ lực hết mình, sự tâm huyết nhiệt tình trong công việc sau khi ra trường, là sự hết lòng giúp đỡ mọi người, là lối sống giản dị, hòa đồng, là sự tu dưỡng rèn luyện không ngừng của bản thân.

Sau này dù có đi đâu, ở đâu hay công tác ở bất kỳ vị trí nào, tôi tin rằng mình sẽ đủ tự tin hoàn thành mọi công việc được giao phó, thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của một người Đảng viên.

Bùi Hoàng Nguyên

Tôi trở thành Đảng viên mới

Ngày tôi được kết nạp Đảng, tôi gọi đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình. Trở thành một “đảng viên trẻ” như cách các thầy cô vẫn gọi đem đến cho tôi niềm tự hào, hạnh phúc lớn lao.

Tôi là sinh viên năm thứ ba khoa Kinh tế. Tôi vừa được kết nạp Đảng, được vinh dự trở thành một đảng viên. Tôi không đến với Đảng vì những gì quá cao siêu, vì dù ở đâu, vị trí nào, tôi nghĩ mình vẫn phải làm việc và cố gắng làm việc tốt. Nhưng được đứng vào hàng ngũ của Đảng, không chỉ là mục tiêu phấn đấu, mà hơn thế, trong quá trình phấn đấu, tôi đã trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn.

Được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng là ước mơ của nhiều sinh viên. Tiếp xúc với nhiều bạn trong khoa tôi thấy có rất nhiều bạn sinh viên có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới từ một nước nghèo nàn, lạc hậu đã vươn lên. Vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Thành công ấy khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và thanh niên nói chung, sinh viên nói riêng nhận thức được điều đó. Đây là yếu tố số một khiến thế hệ trẻ có cơ sở đặt niềm tin và mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Để trở thành đảng viên, ngoài việc động lực phấn đấu đúng đắn, tư cách đạo đức tốt, sinh viên phải có thành tích học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, được nhà trường, khoa và tập thể sinh viên đánh giá cao. Điều kiện để được kết nạp Đảng trong sinh viên dù khá cao, nhưng với sức trẻ, lòng nhiệt tình, nhiều sinh viên không ngừng phấn đấu và rèn luyện.

Ngày tôi được kết nạp Đảng, tôi gọi đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình. Trở thành một “đảng viên trẻ” như cách các thầy cô vẫn gọi đem đến cho tôi niềm tự hào, hạnh phúc lớn lao. Có được niềm vui đó, không chỉ là sự cố gắng của riêng bản thân, mà còn ở sự dìu dắt, dạy bảo của thầy cô trong khoa. Trong gần 4 năm học tại khoa Kinh tế, tôi đã học tập được rất nhiều điều. Ngoài kiến thức chuyên môn, tôi còn học tập ở các thầy, các cô những nhân cách thật tốt. Những nhân cách ấy sẽ giúp tôi hoàn thiện bản thân mình và trưởng thành hơn trong tương lai. Ngoài tình cảm thầy trò, tôi còn nhận thấy ở thầy, cô tình cảm như của những người cha, người mẹ, dìu dắt tôi trên đường đời, như những người anh, người chị chia sẻ cùng tôi nỗi buồn, niềm vui. Hạnh phúc đó, không phải ai cũng may mắn có được.

Đồng chí Nguyễn Phụng Anh và các đảng viên trong chi bộ Khoa Kinh tế

Đồng chí Nguyễn Phụng Anh và các đảng viên trong chi bộ Khoa Kinh tế

Trở thành đảng viên là vinh dự, tự hào nhưng trên hết là trách nhiệm. Trách nhiệm tiếp tục cống hiến để xứng đáng với những gì mà thầy cô, bạn bè đã tin tưởng. Cống hiến, không phải là cái gì đó quá cao siêu, mà trước hết chỉ đơn giản là phải hết sức cố gắng trong học tập và công tác ở lớp, ở khoa, là giúp đỡ bạn bè cùng học tốt.

Tôi nhớ trong cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm, khi được kết nạp vào Đảng, dòng đầu tiên của ngày hôm đó chị viết: “Cái cảm giác rõ nét nhất của ngày hôm nay là: Phải phấn đấu để sống xứng đáng với cái tên “một người cộng sản”. Vâng, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, người đảng viên, người cộng sản luôn luôn thực hiện đúng mục tiêu lý tưởng của Đảng, lấy ngọn cờ của Đảng làm mục tiêu, là ngọn đuốc dẫn đường, là hi sinh vì sự nghiệp cách mạng. Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng…”. Chính những ngọn lửa đó đã truyền sức mạnh để thế hệ trẻ như chúng tôi được thắp sáng, thôi thúc nhân lên nhằm vươn tới, cống hiến nhiều hơn nữa sức trẻ của mình cho đất nước!

Nguyễn Phụng Anh

K52 – ĐH Tài chính ngân hàng

Thông báo của Ban chi uỷ Chi bộ Khoa Kinh tế về lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng của Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc

Căn cứ theo Quyết định số 1123-QĐ/ĐU ngày 29 tháng 05 năm 2014 của Ban chấp hành đảng ủy về Tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Ban chi ủy Chi bộ Khoa Kinh tế thông báo lịch, danh sách quần chúng ưu tú thuộc chi bộ Khoa Kinh tế tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng như sau:

ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC                                 ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Chi bộ Khoa Kinh tế                                                                            ***

                                                                                 Sơn La, ngày 05 tháng 6 năm 2014

THÔNG BÁO

của Ban chi ủy Chi bộ Khoa Kinh tế về lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng của Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc

Căn cứ theo Quyết định số 1123-QĐ/ĐU ngày 29 tháng 05 năm 2014 của Ban chấp hành đảng ủy về Tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Ban chi ủy Chi bộ Khoa Kinh tế thông báo lịch, danh sách quần chúng ưu tú thuộc chi bộ Khoa Kinh tế tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng như sau:

1. Thời gian tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng từ ngày 25/6 đến 30/6/2014

2. Danh sách các quần chúng ưu tú thuộc Chi bộ Khoa Kinh tế tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng ( gồm 31 đồng chí):

Nơi nhận:

– BCH Liên chi đoàn;                                                                      T/M Ban chi ủy

– Website của Khoa;                                                                            BÍ THƯ

– Lưu chi bộ.                                                                              Nguyễn Thị Lan Anh