Chuyên mục chính

Cảm nhận của cựu sinh viên khoa Kinh tế

Trong cuộc sống của mỗi con người sẽ có những lựa chọn là đúng đắn nhưng cũng có những lựa chọn sẽ khiến bản thân tiếc nuối. Tuy nhiên có một sự lựa chọn mà bản thân tôi sẽ không bao giờ thấy tiếc nuối trong cuộc đời mình là học tập và rèn luyện tại “Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc”

Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Điện Biên miền Tây Bắc tổ quốc, trong suốt những năm học cấp 2 rồi cấp 3 tại quê nhà tôi luôn mong muốn được góp phần xây dựng quê hương Tây Bắc ngày một giàu đẹp, phồn vinh, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tỉnh miền núi với các tỉnh miền xuôi, chính vì mong muốn đó khi tốt nghiệp cấp 3 tôi đã chọn cho mình con đường học đại học tại ngôi Trường Đại học Tây Bắc – Khoa Kinh tế.

Chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghĩ rằng “đại học” là con đường duy nhất đưa chúng ta đến một tương lại tươi sáng hơn phải không? Chính bản thân tôi cũng từng có suy nghĩ như vậy, nhưng sau khi vào học tại trường “Đại học Tây Bắc” thì suy nghĩ đó dần dần đã không còn xuất hiện trong đầu tôi nữa, thay vào đó tôi dần hiểu ra được “đại học không phải là con đường duy nhất đưa chúng ta đến thành công, mà nó chỉ là con đường tắt, con đường đi nhanh nhất để đưa chúng ta tiến lại gần ước mơ của mình mà thôi, còn tương lai của bạn ra sao, thì phải xem hiện tại bạn như thế nào, bạn có  đủ bản lĩnh để đạt được tương lai mà bạn muốn hay không mà thôi”.

Được học tập và rèn luyện dưới mái trường Đại học Tây Bắc tôi không chỉ tiếp thu được những kiến thức bổ ích phục vụ cho công việc hiện tại của tôi mà nơi đây còn giúp tôi trưởng thành hơn trong cả suy nghĩ và cách sống của mình. Nơi đây gắn bó với tôi là những buổi chiều tự học trên thư viện nhà trường, những buổi tối cùng bạn bè trò chuyện trao đổi bài tập, cùng nhau tranh luận cùng nhau chia sẻ kiến thức của mình. Là những lúc căng thẳng được ra sân kí túc chơi với nhau vài trận cầu, đánh vài séc bóng chuyền… hay cùng nhau ngồi ghế đá sân trường hít hà mùi hoa ngọc lan thoang thoảng, cùng nhau chụp hình với hoa ban trắng, hoa điệp vàng thì mọi căng thẳng mệt mỏi đều được xua tan. Nhớ những trại hè, những câu lạc bộ học tốt, câu lạc bộ nghiên cứu khoa học đã cùng với tôi trải qua suốt bốn năm của quãng đời sinh viên đáng nhớ, để giờ đây khi bước chân ra xã hội tôi đã có đủ tự tin để chinh phục con đường khó khăn phía trước.

Một trong những lí do tôi chọn Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc để học tập là vì:

Một là:  Trường nằm ở khu vực Tây Bắc nên hiểu được rõ đặc điểm của vùng về điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội của các tỉnh phía Tây Bắc,  trường đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu cho khu vực phía Tây Bắc. Vì vậy việc học tập ở đây sẽ giúp sinh viên sau khi ra trường dễ áp dụng vào thực tiễn hơn.

Hai là: Mặc dù lớp học tập hợp nhiều sinh viên đến từ các tỉnh thành khác nhau, nhưng mọi người đều cởi mở, hòa đồng, thân thiết với nhau. Ngoài những giờ học, chúng tôi thường tham gia những buổi ngoại khóa do Nhà trường và Khoa tổ chức với nhiều chủ đề khác nhau vừa vui chơi vừa bổ ích.

Ba là: Đội ngũ giảng viên giỏi, nhiệt huyết và yêu nghề yêu trò. Giảng viên luôn nỗ lực hết mình để truyền đạt kiến thức đến cho sinh viên với phương châm Vững lí thuyết giỏi thực hành nhanh đi vào thực tiễn, dạy cho sinh viên những bài học thực tế, đưa ra những ví dụ xác thực khiến sinh viên thực sự cảm thấy hứng thú. Không chỉ dừng lại ở đấy, Khoa thường xuyên có những môn học được đi thực tế khiến cho sinh viên hiểu rõ hơn về công việc và ngành học của mình. Hơn nữa, thầy cô luôn gần gũi động viên kịp thời nếu sinh viên có biểu hiện không tốt, cùng tháo gỡ để sinh viên ngày một tiến bộ hơn.

Bốn là: Đó là sự quan tâm của Ban lãnh đạo nhà trường tới việc học tập và rèn luyện của sinh viên . Những cuộc điều tra được tiến hành đều đặn để lấy ý kiến đóng góp của sinh viên về những gì làm được và chưa được của nhà trường để tìm hiểu những mong muốn và nguyện vọng về môi trường học tập của sinh viên. Chính sự tận tình và thân thiện của Ban lãnh đạo cùng các thầy cô đã khiến cho sinh viên có môi trường học tập thật thoải mái và hữu ích.

Hiện nay, sau khi tốt nghiệp tôi đang công tác tại Phòng Quan hệ khách hàng của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, với những kiến thức và kĩ năng tôi được rèn luyện ở đại học tôi đã từng bước hoàn thành tốt công việc của mình, ngày một vững chắc hơn về chuyên môn, được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp tín nhiệm, ba năm liên tiếp tôi được khen thưởng Lao động xuất sắc và Cá nhân bán lẻ xuất sắc nhất chi nhánh. Trong công việc tôi luôn chỉn chu, cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhất công việc của mình, luôn đặt ra mục tiêu để bản thân phấn đấu đạt được. Với bản thân mình tôi luôn tin rằng mình đã lựa chọn con đường đúng đắn, phù hợp nhất với bản thân mình. Tôi cũng mong các bạn, các em sẽ có những lựa chọn đúng đắn như tôi để học tập, rèn luyện và trưởng thành.

Thùy Linh – LienvietPostbank Sơn La

Khoa Kinh tế đẩy mạnh hoạt động giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực và hòa nhập

Lò Thị Huyền Trang

Hiện nay phương pháp dạy học tích cực và hòa nhập đã khá phổ biến trên thế giới. Nhằm đảm bảo việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại và bền vững Trường đại học Tây Bắc đã tạo điều kiện để giảng viên toàn trường nói chung, giảng viên khoa Kinh tế nói riêng được tham gia Chương trình tập huấn nhân rộng phương pháp dạy học tích cực và hòa nhập (ILO3) thuộc chương trình Aus4Skills.

Sau 2 đợt tập huấn đã giúp cho các giảng viên được tham gia tập huấn thực hiện nhuần nhuyễn phương pháp dạy học tích cực và hòa nhập, từ đó lan tỏa cho các giảng viên trong Khoa. Các giảng viên có cơ hội trao đổi phương pháp chuyên môn và phương pháp giảng dạy nhiều hơn góp phần nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy.

Về phía sinh viên, nhận thấy có những phản hồi rất tích cực: Sinh viên hào hứng hơn trong lớp học không còn cảm thấy mệt mỏi với những giờ học kéo dài, các bạn sinh viên tham gia học tập đồng đều hơn giảm được hiện tượng có một số bạn không tích cực tham gia vào hoạt động trong lớp.

Các phương pháp GS. Nicholas Howart tập huấn được các giảng viên Khoa Kinh tế vận dụng một cách linh hoạt sao cho phù hợp với trình độ, văn hóa của sinh viên trong Khoa.

Với những kết quả hiện tại đã đạt được cho thấy Nhà trường, Khoa đang đi đúng hướng trong việc nhân rộng phương pháp dạy học tích cực và hòa nhập. Tuy nhiên, không tránh khỏi những khó khăn trong việc áp dụng phương pháp mới vào thực tế, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của Nhà trường, Khoa và toàn bộ giảng viên, sinh viên để xây dựng một môi trường dạy – học thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

HỘI NGHỊ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC KHOA KINH TẾ NĂM HỌC 2019 – 2020

Vào 8h00 ngày 13/9/2019, Khoa Kinh Tế đã long trọng tổ chức hội nghị Cán bộ, Công chức, Viên chức năm học 2019 – 2020.

Chủ trì hội nghị gồm có TS. Hoàng Xuân Trọng – Trưởng khoa và Đ/c Đỗ Thị Minh Tâm – Phó chủ tịch Công đoàn bộ phận. Thành phần tham dự hội nghị bao gồm: Ban chủ nhiệm khoa Kinh Tế; BCH Công đoàn Bộ phận; BCH Liên chi đoàn; Trưởng, phó các Bộ môn cùng toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức khoa Kinh Tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Hoàng Xuân Trọng – Trưởng khoa Kinh Tế chỉ rõ Hội nghị có nhiều mục đích và nội dung quan trọng: Đóng góp cho bản tổng kết và kế hoạch của Nhà Trường; Tổng kết và bàn giao công việc giữa hai nhiệm kỳ; Tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2018-2019; Triển khai kế hoạch hoạt động nhiệm kỳ 2019-2024 và biện pháp thực hiện kế hoạch năm học 2019-2020.

Về Tổng kết và bàn giao nhiệm kỳ, TS. Nguyễn Thị Lan Anh – Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng khoa Kinh Tế nhiệm kì 2009-2019 đã nêu ra những nhiệm vụ đã hoàn thành và thành tích đã đạt được của Khoa, nổi bật là 03 lần được nhận danh hiệu tập thể lao động Xuất sắc của Nhà Trường, 01 bằng khen của Đảng bộ tỉnh Sơn La, 03 bằng khen của UBND tỉnh. Bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn một số hạn chế, công việc chưa thực hiện tốt đặc biệt là công tác đào tạo và hỗ trợ sinh viên của khoa. Sau khi hoàn thiện bàn giao công việc cho Trưởng khoa nhiệm kì 2019-2024, TS Nguyễn Thị Lan Anh cũng không quên gửi lời cảm ơn đến các cán bộ, công chức, viên chức trong Khoa đã cùng phấn đấu để xây dựng Khoa Kinh Tế với nhiều thành tích đáng ghi nhận và lời chúc Khoa Kinh tế sẽ ngày càng gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

Tại hội nghị, TS.Đặng Công Thức – Phó trưởng khoa báo cáo Tổng kết năm học 2018-2019 với những thành tích đã đạt được đáng ghi nhận cùng một số hạn chế còn tồn tại. TS.Hoàng Xuân Trọng đưa ra Kế hoạch và Phương hướng năm học 2019-2020 và Kế hoạch 5 năm với nhiều nhiệm vụ cần thực hiện và các giải pháp cụ thể đối với từng  lĩnh vực, công tác.

Đến với phần tham luận, để bổ sung đầy đủ cho các bản báo cáo và phương hướng có 03 văn bản tham luận: Biện pháp nâng cao công tác CVHT của TS. Vũ Thị Sen – Trưởng bộ môn Kế toán; Biện pháp hỗ trợ sinh viên yếu và sinh viên Lào – Ths. Đặng Thị Huyền Mi – Bí thư Liên chi đoàn, Ths.Lò Thị Huyền Trang –Bí thư chi đoàn GVCB  với tham luận về Phương pháp giảng dạy mới hiện đại. Cả ba bản tham luận đều chứa đựng nhiều tâm huyết, sáng kiến và kinh nghiệm đã tích lũy được của ba GV trong khoa. Tiếp đó là phần tham luận tự do sôi nổi với 5 ý kiến đóng góp, đề xuất cũng như giải pháp cho các công tác của khoa để hoàn thành tốt phương hướng đề ra và nhiệm vụ trong năm học mới.

Về Báo cáo tổng kết và phương hướng hoạt động công đoàn, Đ/c Đỗ Thị Minh Tâm  đã nêu ra những công việc đã hoàn thành và chưa hoàn thành được của công đoàn.

Về công tác khen thưởng, BCN Khoa Kinh tế đã khen ngợi 3 đồng chí CBGV có thành tích suất sắc trong năm học 2018-2019, bao gồm: Đ/c Đỗ Thị Minh Tâm, Đ/c Đào Thị Vân Anh và Đ/c Đặng Trung Kiên để tuyên dương cũng như khích lệ sự nỗ lực phấn đấu của các cá nhân CBGV trong Khoa.

Sau hơn 3 giờ đồng hồ nghiêm túc làm việc, Hội nghị đã diễn ra thành công với các bản báo cáo tổng kết, đánh giá chi tiết, đồng thời triển khai được các biện pháp, phương hướng thực hiện kế hoạch cho năm học 2019-2020 và đặc biệt là Hội nghị cũng chứng kiến việc ký kết giao ước thi đua năm học mới giữa BCN Khoa và BCH Công đoàn bộ phận.

Khánh Linh – CLB Truyền thông Khoa Kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

 

Xác định xuất xứ hàng hóa hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định CPTPP

Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2018/TT-BT đã hướng dẫn cụ thể về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thông tư số 62/2019/TT-BTC quy định, để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định CPTPP, người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu một trong các loại chứng từ sau: Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do người xuất khẩu hoặc người sản xuất phát hành (chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa): 01 bản chính; Hoặc chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu: 01 bản chính.

Trường hợp chưa kê khai để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu, để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, người khai hải quan có trách nhiệm khai rõ xuất xứ hàng hóa và khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan; Khai bổ sung và nộp 01 bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Theo Thông tư số 62/2019/TT-BTC, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải có đủ các thông tin tối thiểu sau: Người xuất khẩu hoặc người sản xuất; Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người chứng nhận; Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người xuất khẩu nếu người xuất khẩu không phải người chứng nhận; Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người sản xuất nếu người sản xuất không phải người chứng nhận hay người xuất khẩu hoặc nếu có nhiều hơn một người sản xuất; Tên, địa chỉ, địa chỉ email và số điện thoại của người nhập khẩu (nếu có thông tin về người nhập khẩu); Mô tả và mã số HS của hàng hóa; Tiêu chí xuất xứ; Thời hạn; Ngày tháng năm và chữ ký được ủy quyền.

Đồng thời, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được cấp ở dạng văn bản giấy hoặc bản điện tử. Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không sử dụng tiếng Anh, người khai hải quan phải dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch.

Trường hợp một nước thành viên Hiệp định CPTPP thông báo chỉ áp dụng chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc người xuất khẩu, người sản xuất được phê duyệt tự chứng nhận xuất xứ, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ thông tin thông báo của nước thành viên xuất khẩu, Tổng cục Hải quan thông báo cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc áp dụng các hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ nêu trên, danh sách cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nước thành viên xuất khẩu, danh sách người xuất khẩu, người sản xuất được phê duyệt và các thông tin liên quan khác (nếu có).

Cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong trường hợp hoá đơn thương mại được phát hành bởi một nước không phải là thành viên. Trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một nước không phải là thành viên, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải phát hành tách biệt với hóa đơn thương mại đó.

Cơ quan hải quan từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với 05 trường hợp sau:

Một là, xác định hàng hóa nhập khẩu không đủ điều kiện để áp dụng ưu đãi thuế quan theo quy định;

Hai là, khi tiến hành xác minh mà không nhận được đầy đủ thông tin để xác định hàng hóa có xuất xứ theo quy định.

Ba là, quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày Tổng cục Hải quan gửi yêu cầu xác minh nhưng người xuất khẩu hoặc người sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không trả lời đề nghị xác minh hoặc không cung cấp thông tin xác minh theo quy định.

Bốn là, quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tổng cục Hải quan đề nghị tiến hành xác minh trực tiếp tại nước xuất khẩu nhưng người xuất khẩu hoặc người sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không gửi văn bản trả lời chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu kiểm tra.

Năm là, trường hợp có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu nhưng người khai hải quan không khai số tham chiếu, ngày cấp hoặc trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu nhưng người khai hải quan không khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu theo quy định; Trường hợp người khai hải quan khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng khai bổ sung và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa quá thời hạn.

Thông tư số 62/2019/TT-BTC nêu rõ, trước khi ra quyết định từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Hải quan thông báo nội dung kết quả xác minh cho người nhập khẩu, người xuất khẩu hoặc người sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cung cấp thông tin xác minh. Người xuất khẩu hoặc người sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cung cấp, bổ sung thêm thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong thời gian tối đa 90 ngày kể từ ngày Tổng cục Hải quan gửi thông báo.

Trường hợp từ chối áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, cơ quan hải quan thông báo lý do bằng văn bản cho người nhập khẩu biết.

Theo Tạp chí Tài chính

Chính sách tài chính trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Theo các chuyên gia kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế là một quá trình phức tạp, phạm vi rộng, chi phí thực hiện lớn. Đây cũng là hai nội dung có mối quan hệ đan xen, phụ thuộc lẫn nhau và chịu sự chi phối của nhiều chính sách khác nhau, trong đó không thể thiếu vai trò của chính sách tài chính.

Đối với mọi nền kinh tế, chính sách tài chính có vai trò quan trọng và vị trí đặc biệt trong thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội. Tại Việt Nam, qua kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính luôn được chú trọng.

Các chủ trương, định hướng đề ra trong nhiều chiến lược, kế hoạch phát triển trung và dài hạn của đất nước đều rất coi trọng vai trò của tài chính trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực trong xã hội, chuyển tải các nguồn lực tài chính quốc gia phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó có mục tiêu, định hướng về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, chính sách tài chính vẫn chưa phát huy được hiệu quả trong việc hình thành các cơ chế tạo động lực để thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế, cơ cấu lại ngành, lĩnh vực theo định hướng ưu tiên. Vẫn còn tình trạng các chính sách ưu đãi tài chính bị dàn trải, gây lãng phí nguồn lực, không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.

Trong bối cảnh đó, theo TS. Trương Bá Tuấn, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Việt Nam cần đẩy mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế về tài chính; kiên định với các mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn nền tài chính công, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho quá trình đổi mới tăng trưởng.

Trong đó, ngoài việc tập trung thực hiện có hiệu quả vai trò kiến tạo xây dựng hệ thống động lực để hỗ trợ cho thị trường huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính, Nhà nước cần chủ động điều chỉnh thể chế về tài chính để thích ứng với cuộc CMCN 4.0 trên cơ sở gắn với 3 trụ cột chính, đó là: Áp dụng hiệu quả, chủ động các thành quả của CMCN 4.0; Khai thác, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính để thúc đẩy sự phát triển các yếu tố của CMCN 4.0, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; Khắc phục có hiệu quả khoảng trống chính sách do xuất hiện các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin (kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử…) với quy mô ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả huy động, phát triển các nguồn lực để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung tiếp tục thực hiện tổng thể việc cải cách hệ thống thuế, xây dựng một hệ thống thuế “thân thiện với tăng trưởng”. Thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu… Tiếp tục rà soát các chính sách ưu đãi về thuế đảm bảo việc thực hiện có chọn lọc, gắn với định hướng phát triển ngành, lĩnh vực…

Tiếp tục củng cố và tái cấu trúc hệ thống tài chính, đảm bảo sự phát triển hài hòa. Tập trung phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, đẩy mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, đưa thị trường chứng khoán thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước, cải cách căn bản phương thức quản lý để đảm bảo phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực ngân sach nhà nước, phát huy vai trò là “nguồn vốn mồi” trong việc thu hút các nguồn lực xã hội.

Nghiên cứu đổi mới cơ chế phân cấp và mối quan hệ tài khóa giữa các cấp ngân sách, chủ động có giải pháp để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp năm 2013 trên giác độ thu và chi ngân sách nhà nước, đảm bảo ngân sách trung ương tiếp cận đẩy đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước theo phân định.

TS. Trương Bá Tuấn cũng cho rằng, cần đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống tài chính để hỗ trợ hiệu quả quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài chính, ngân hàng thống nhất, tin cậy, minh bạch và phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và phân tích dự báo.

Đồng thời, chuyên gia này cũng cho rằng, cần thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, từng bước tạo “không gian tài khóa” đủ rộng để có thể đối phó với các biến động bất lợi trong và ngoài nước. Quản lý chặt chẽ sự gia tăng của nợ công, đảm bảo việc vay nợ cần phải đặt trong mối tương quan chung với kế hoạch và khả năng trả nợ, với chi phí vay nợ và mức độ rủi ro hợp lí. Quản lý hiệu quả các nguồn gốc gây ra rủi ro tài khóa, đảm bảo các khoản nợ dự phòng, kể cả các khoản nợ dự phòng theo cam kết…

Theo Tạp chí Tài chính