Hoạt động nghiên cứu khoa học

Seminar Bộ môn Quản trị kinh doanh: góc nhìn đa chiều về kinh doanh lưu trú và du lịch cộng đồng

Phạm Thị Vân Anh – Bộ môn Quản trị kinh doanh

Năm học 2019 – 2020 là năm tuyển sinh thứ hai của Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành – chuyên ngành Bộ môn Quản trị kinh doanh phụ trách. Đây là một chuyên ngành mới, rất hấp dẫn, đòi hỏi giảng viên phải tìm hiểu nhiều kiến thức mới cũng như kinh nghiệm thực tế. Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ môn đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động kết nối cộng đồng, đồng thời tổ chức nhiều buổi seminar nhằm tạo cơ hội cho các giảng viên trao đổi, thảo luận, học hỏi lẫn nhau, nâng cao trình độ chuyên môn gắn với chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Điển hình như ngày 25 tháng 11 năm 2019 vừa qua, Bộ môn đã tổ chức thành công seminar bàn về nhiều khía cạnh liên quan đến chủ đề kinh doanh lưu trú và du lịch cộng đồng. Buổi seminar có sự tham dự của TS Hoàng Xuân Trọng – Trưởng khoa Kinh tế, Ths Đặng Trung Kiên – Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh, cùng đông đủ các đồng chí là giảng viên của Bộ môn QTKD.

Sau khi nghe các đồng chí Báo cáo viên trình bày các báo cáo, các đồng chí tham dự cuộc họp đã thảo luận rất sôi nổi và đưa ra các nhận xét.

Cụ thể, đối với báo cáo của đồng chí Trương Thị Luân: Với nhiều lợi thế như khí hậu cao nguyên mát mẻ, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực phong phú, người dân thân thiện… mà những năm gần đây, huyện Mộc Châu – tỉnh Sơn La luôn là điểm đến hấp dẫn nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, lượng khách đến không đều trong năm mà thường đi theo mùa, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng các dịch vụ – nhất là dịch vụ lưu trú và sự lãng phí một số nguồn tài nguyên. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để thu hút khách du lịch đến với Mộc Châu vào tất cả các tháng trong năm, từ đó xoá bỏ tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ tại cao nguyên? Bộ môn thảo luận và đưa ra giải pháp làm thế nào để thu hút, kéo khách du lịch về huyện Mộc Châu, đặc biệt là về các khách sạn; homestay trong những tháng trái vụ (từ tháng 5 đến tháng 9).

            Báo cáo của đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương đề cập đến những kỹ năng và kiến thức của người dân địa phương trong phục vụ khách lưu trú, nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng. Các đồng chí trong Bộ môn đã thảo luận và chỉ ra những hạn chế về kỹ năng và kiến thức của người dân về vấn đề này, từ đó đề xuất hướng tiếp cận kết nối, hỗ trợ phục vụ cộng đồng trong thời gian tới.

            Tiếp theo, đồng chí Đỗ Thu Hằng đã chỉ ra những vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường trong kinh doanh lưu trú tại nhà dân. Bộ môn đã thảo luận và chỉ ra những hạn chế, bất cập liên quan đến vấn đề này, qua đó định hướng cho Câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện phát triển du lịch văn hóa tiếp cận hỗ trợ một số cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn thành phố.

              Báo cáo của đồng chí Lê Thị Hiệp đã nêu bật những vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn trong kinh doan lưu trú. Bộ môn đã thảo luận và định hướng việc hỗ trợ hộ kinh doanh lưu trú trong mở sổ theo dõi, báo cáo với cơ quan an ninh thôn bản về các đối tượng khách.

              Một trong những nội dung mà nhiều đồng chí quan tâm là kỹ năng thuyết minh, hướng dẫn viên tại điểm trong kinh doanh du lịch cộng đồng. Phần nội dung này, đồng chí Phạm Thị Vân Anh đã báo cáo tổng quan và các đồng chí trong Bộ môn đã chỉ ra những hạn chế của người dân trong lĩnh vực này, đề xuất hướng kết nối hỗ trợ cộng đồng trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến việc đưa sinh viên ngành du lịch đi thực hành rèn nghề kết hợp hỗ trợ người dân địa phương nâng cao những kỹ thuyết minh, hướng dẫn viên tại điểm trong kinh doanh du lịch cộng đồng.

              Báo cáo tiếp theo là của đồng chí Lã Thị Bích Ngọc, bàn về những vấn đề liên quan đến quản lý tài chính trong kinh doanh du lịch cộng đồng. Bộ môn cũng đã thảo luận và đề xuất một số hướng tập huấn hỗ trợ người dân kinh doanh du lịch cộng đồng nâng cao kiến về quản lý tài chính.

              Cuối cùng, đồng chí Hoàng Xuân Trọng bàn và trao đổi những kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng và hoạt động kinh doanh lưu trú tại nhà dân. Báo cáo đã chỉ rõ được thế nào là du lịch cộng đồng và hoạt động kinh doanh lưu trú tại nhà dân, sự khác biệt của loại hình kinh doanh này so với các loại hình kinh doanh lưu trú khác. Buổi seminar kéo dài liên tục trong 3 tiếng với sự trao đổi, thảo luận rất tập trung, nghiêm túc. Nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ, nhiều kiến thức mới của các đồng chí tham gia được trao đổi, bổ sung cho nhau. Hi vọng, sự nhiệt huyết, hăng hái tìm tòi, tinh thần ham học hỏi của các đồng chí trong Bộ môn sẽ tiếp tục phát huy trong các seminar tiếp theo, để các buổi sinh hoạt seminar thực sự là ngày bội thu kiến thức mới của Bộ môn.