Hoạt động nghiên cứu khoa học

Những yếu tố làm nên thương hiệu du lịch mạnh của thành phố Sơn La

Hoàng Xuân Trọng – Khoa Kinh tế

Thành phố Sơn La có 12 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 7 phường và 5 xã), diện tích đất tự nhiên 324,93 km2, dân số trên 100 nghìn người; có vị trí địa lý, giao thông, thiên nhiên và lịch sử thuận lợi cho phát triển du lịch. Gần đây, thành phố Sơn La có nhiều sự kiện như khánh thành công viên 26/10 và khởi công tổ hợp vui chơi giải trí và khách sạn năm sao Hồ Sanh; cải tạo khu nhà nổi với hai đài phun nước vòng tròn tượng trưng cho vòng xòe các dân tộc Sơn La, trưng bày các sản phẩm địa phương; bộ mặt đô thị được chỉnh trang đẹp đẽ. Đặc biệt là hội thảo “Chung tay xây dựng phát triển sản phẩm du lịch thành phố Sơn La” ngày 25/10/2014 do UBND thành phố và Hiệp hội du lịch Sơn La tổ chức với sự tham dự của gần 100 đại biểu và 22 bài viết tham luận, đáng tiếc là trong đó không có bài viết nào về xây dựng thương hiệu du lịch mạnh và nhất quán của thành phố Sơn La. Những thế mạnh và sự kiện nêu trên vẫn chưa tạo dựng được một thương hiệu du lịch mạnh. Bài viết này sẽ bàn luận về những yếu tố nào làm nên một thương hiệu du lịch mạnh của thành phố Sơn La.

Các thương hiệu du lịch mạnh có 2 điểm giống nhau là ý tưởng và tính kiên định. Ý Tưởng: đằng sau mỗi thương hiệu là một ý tưởng hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm và trung thành của du khách bằng cách đáp ứng những nhu cầu chưa được thoả mãn của họ. Tính kiên định: mục đích và những giá trị cốt lõi được giữ nguyên cho dù chiến lược và chiến thuật du lịch có bị sửa lại thường xuyên để tận dụng lợi thế từ các thay đổi lớn, bất ngờ của môi trường kinh tế và hội nhập quốc tế.

Có 4 yếu tố cơ bản làm nên một thương hiệu du lịch mạnh, đó là: đảm bảo tính nhất quán khi chuyển tải “Lời hứa thương hiệu”, Sản phẩm và các quy trình tối ưu, Định vị đặc biệt và kinh nghiệm hiểu biết về khách hàng, Sự kết nối các cam kết bên trong và bên ngoài. Chúng ta sẽ xem xét cụ thể sau đây.

Thứ nhất, đảm bảo tính nhất quán khi chuyển tải “lời hứa thương hiệu”. Vừa qua, thành phố Hạ Long bắt đầu chiến dịch “Nụ cười Hạ Long” với biểu tượng nụ cười trên nền Vịnh Hạ Long với sự tham gia tuyên truyền của 9 vị lãnh đạo tỉnh, tổ chức cuộc thi ảnh “Nụ cười Hạ Long”. Thành phố Sơn La chọn biểu tượng là hoa ban, được gọi tên là thành phố Hoa Ban, có những bài hát về thành phố trẻ, thành phố Hoa Ban. Tuy nhiên, thành phố chưa có một chiến dịch quảng bá rộng khắp và nhất quán về thương hiệu “Thành phố Hoa Ban”. Một thương hiệu du lịch mạnh truyền tải lời hứa tới du khách, khuyến khích du khách đến với điểm du lịch.Tất cả những trải nghiệm của du khách trong quá trình đánh giá, thử, mua và chấp nhận chính là sự xác minh lời hứa của thương hiệu. Nếu chúng ta không kiên định duy trì hình ảnh thành phố Hoa Ban và không có những chiến dịch quảng bá thường xuyên, lặp đi lặp lại một cách nhất quán hình ảnh thương hiệu thì sẽ có nguy cơ bị phai nhạt và biến mất khỏi tâm trí của du khách hiện tại và tiềm năng. Thậm chí trong nhận thức của du khách, hình ảnh thành phố Hoa Ban, lễ hội Hoa Ban Sơn La sẽ thuộc về địa phương khác (thành phố Điện Biên cũng đã tổ chức Lễ hội Hoa Ban khoe sắc với quy mô lớn vào tháng 3/2014).

Thứ hai, sản phẩm du lịch đặc trưng. Thương hiệu du lịch mạnh được biết tới về nguồn gốc của giá trị thương hiệu. Để thu hút du khách và duy trì được lòng trung thành của họ, các thương hiệu phải đưa tới du khách các sản phẩm/dịch vụ đặc trưng hơn những thương hiệu khác. Thành phố Sơn La có thể tổ chức lễ hội Khau Cả kết hợp với lễ hội Hoa Ban kéo dài suốt 3 tháng (khai mạc vào 7/3 hàng năm) để thu hút du khách. Bài học tổ chức lễ hội Hoa Ban cùng bài học Đại lễ cầu siêu ngày 24-25/7/2014 vừa qua là tiền đề cho tính khả thi của Lễ hội Khau Cả.

Thứ ba, định vị đặc biệt và kinh nghiệm hiểu biết về khách hàng. Với những đặc trưng của sản phẩm du lịch, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch Sơn La cùng nỗ lực chuyển tải tới các du khách có nhu cầu và cho phép du khách thử nghiệm sản phẩm/dịch vụ du lịch thông qua các loại hình du lịch cộng đồng, làng bản, du lịch trải nghiệm…

Thứ tư, sự kết nối các cam kết bên trong và bên ngoài. Các nhà quản lý du lịch luôn tập trung các chiến lược hướng tới du khách. Để thực hiện được điều này, trước hết nhân viên du lịch và cộng đồng người dân địa phương phải hiểu rõ và có cam kết mạnh mẽ  thực hiện giá trị cốt lõi của thương hiệu, sẽ giúp thực hiện tốt cam kết với du khách. Chiến dịch “Nụ cười Hạ Long” được triển khai rộng rãi, mạnh mẽ từ lãnh đạo tỉnh đến mỗi người dân Hạ Long đều luôn nở nụ cười thân thiện. Sự kết hợp giữa các trải nghiệm đối với cộng đồng dân cư địa phương và du khách thắt chặt thêm độ trung thành đối với thương hiệu.

Như vậy để xây dựng nên một thương hiệu du lịch mạnh của thành phố Sơn La thì cần thể hiện được chính thương hiệu. Đây là một công việc quan trọng nhất trong xây dựng thương hiệu. Các công tác truyền thông và hành động riêng lẻ phải kết hợp được với mục đích và giá trị cốt lõi, cho thấy được bản chất của thương hiệu tạo thành một chương trình quảng bá có tính hệ thống, xuyên suốt và nhất quán. Hiểu được điểm gốc cơ bản của giá trị thương hiệu đồng thời bảo vệ và xây dựng dựa trên điều đó. Liên tục tìm kiếm điều làm cho thương hiệu thể hiện được tính duy nhất. Các nhà quản lý về du lịch phải quyết định cái gì cần thay đổi và không cần thay đổi một cách dứt khoát thì mới góp phần làm nên một thương hiệu du lịch mạnh mẽ và nhất quán của thành phố Sơn La./.

Vận dụng marketing quan hệ trong thu hút tuyển sinh: Nghiên cứu tại trường Đại học Tây Bắc

Bùi Minh Thảo, Hoàng Xuân Trọng

Trường Đại học Tây Bắc

Mở đầu

Ngày nay, marketing quan hệ là một hoạt động chức năng rất cần thiết đối với Trường Đại học. Marketing quan hệ là sự phát triển chuyên sâu của Marketing trong việc thu hút và duy trì người học. Thực tiễn cho thấy Trường Đại học nào có chiến lược Marketing để lại ấn tượng mạnh trong lòng người học hiện tại và tương lai thì sẽ thu hút được nhiều sinh viên (SV) đến học tập và nghiên cứu. Mặc dù vậy, những nghiên cứu và vận dụng marketing quan hệ vẫn chưa được các Trường quan tâm đúng mức. Tại Trường Đại học Tây Bắc, cũng giống như các Trường khác đang gặp vấn đề khó khăn trong tuyển sinh, số lượng sinh viên vào học tại Trường có chiều hướng giảm sút trong 3 năm qua. Vì vậy, việc nghiên cứu và vận dụng marketing quan hệ trong quảng bá tuyển sinh là cần thiết và góp phần giải quyết vấn đề nêu trên.

  1. Cơ sở lý thuyết

1.1. Bản chất của Marketing quan hệ

Có nhiều quan điểm về marketing quan hệ. Theo Gummesson (1994), marketing quan hệ nhằm xác định, tạo, lưu và cải thiện quan hệ với cả khách hàng và các cổ đông bằng sự tin tưởng. Theo Fontenot và Hymon (2004), marketing quan hệ có tác dụng giữ chân khách hàng và mở rộng sự thích ứng hoặc nỗ lực để củng cố sự thích ứng này với họ. Theo Shelbay và cộng sự (2006) cho rằng “Marketing quan hệ là sự hiểu biết và quản lý mối quan hệ giữa khách hàng và nhà cung cấp”. Các quan điểm trên đều nói lên rằng marketing quan hệ là sự hiểu biết và quản lý mối quan hệ giữa khách hàng và nhà cung cấp nhằm xác định, tạo, lưu, cải thiện quan hệ với khách hàng thông qua sự tin tưởng. Marketing quan hệ có tác dụng giữ chân khách hàng và mở rộng sự thích ứng hoặc nỗ lực để củng cố sự thích ứng với công ty của họ. Vậy bản chất của marketing quan hệ chính là sự hợp tác của hai bên để đôi bên cùng có lợi, hai bên cùng làm việc sẽ hiệu quả hơn mỗi bên tự làm.

Phân biệt Marketing quan hệ và Marketing truyền thống:

Bảng 1: Phân biệt Marketing quan hệ và Marketing truyền thống

Marketing quan hệ Marketing truyền thống
Định hướng đến duy trì khách hàng Định hướng đến doanh số bán hàng
Chủ động liên lạc với khách hàng Khách hàng chủ động liên lạc
Tập trung vào giá trị khách hàng nhận được Tập trung vào tính năng sản phẩm
Lợi ích dài hạn Lợi ích ngắn hạn
Nhấn mạnh vào việc nâng cao dịch vụ khách hàng Ít nhấn mạnh vào dịch vụ khách hàng
Quan tâm đến chất lượng nhân viên tất cả các bộ phận Chỉ quan tâm đến chất lượng nhân viên sản xuất

(Nguồn: Koi-Akrofi và cộng sự, 2013)

1.2. Các mối quan hệ trong marketing

* Mối quan hệ giữa trường và các em học sinh trung học phổ thông (THPT)

Học sinh (HS) THPT nằm trong độ tuổi từ 15 tới 18 tuổi. Sau khi tốt nghiệp hệ giáo dục này, HS phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia và bước vào cánh cửa Đại học, Cao đẳng. Vì vậy, nhóm tuổi này đặc biệt là ở 18 tuổi thì đây chính là các sinh viên tiềm năng của mỗi Trường Đại học. Nhà trường thiết lập được mối quan hệ tin cậy với nhóm đối tượng này sẽ mang lại cơ hội để các em đăng ký vào học tập và nghiên cứu.

* Mối quan hệ giữa trường và sinh viên hiện tại.

SV là người học tập tại các trường đại họccao đẳng. Ở đó họ được truyền đạt kiến thức bài bản về một ngành nghề, chuẩn bị cho công việc sau này của họ. Họ được xã hội công nhận qua những bằng cấp đạt được trong quá trình học. Trong suốt quá trình học tập tại trường, nhà trường và SV luôn luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau thông qua các dịch vụ giáo dục.

* Mối quan hệ giữa trường và cựu sinh viên

Cựu SV là các SV đã tốt nghiệp, hoặc đã từng theo học tại một trường đại học, cao đẳng. Khi các cá nhân này liên kết lại với nhau họ sẽ trở thành một tổ chức được gọi là Hội Cựu SV của nhà trường. Hội Cựu SV hoạt động nhằm tạo lợi ích tập thể và giúp các cựu SV duy trì kết nối với trường đại học và các SV tốt nghiệp cùng khóa.

* Mối quan hệ giữa trường và sở giáo dục

Sở Giáo dục và Đào tạo là tên gọi chung của cơ quan chủ quản giáo dục tại địa phương. Thuộc Ủy ban Nhân dân cấp Tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có trường Trung học phổ thông; trường Phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có cấp học Trung học phổ thông; trường Phổ thông Dân tộc nội trú có cấp trung học phổ thông; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp; Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Đây là các cơ quan, tổ chức chứa đựng nhu cầu sẽ tham gia vào các trường Đại học khi có nhu cầu học tập ở cấp bậc cao hơn.

* Mối quan hệ giữa trường và các trường THPT

Khi đã xác định được các vị khách hàng tiềm năng của mỗi Trường Đại học hay Cao đẳng chính là nhóm độ tuổi đang tham gia theo học tại bậc THPT thì một mối quan hệ không thể thiếu được chính là mối quan hệ giữa trường và các trường THPT lân cận. Đây chính là môi trường cung cấp nguồn khách hàng cho các trường Đại học.

* Mối quan hệ giữa trường và báo chí, truyền thông

Cùng với cuộc cách mạng 4.0 thì sự phát triển của báo chí, truyền thông trong giới trẻ nói riêng luôn luôn gần gũi, có mặt ở mọi lúc mọi nơi mỗi khi cần.Vì vậy, đây là một công cụ vô cùng hữu ích giúp cho Trường đại học có thể quảng bá, truyền đạt thông tin một cách nhanh chóng và rộng rãi. Giáo dục cũng chính là một loại hình “dịch vụ”. Bên cạnh yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu thì yếu tố tiếp thị hình ảnh đang ngày càng được coi trọng. Với nhiệm vụ phát triển thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động marketing hiệu quả, các trường đại học  có thể thực hiện các chiến lược phát triển qua các kênh truyền thông. Để thực hiện tốt được điều này thì cần phải có một nền tảng vững chắc về chất lượng giáo dục của chính trường đó. Đó sẽ là yếu tố hàng đầu tạo nên một chiến lược truyền thông thành công.

* Mối quan hệ giữa trường và doanh nghiệp

Vấn đề việc làm luôn luôn là mục tiêu quan  trọng cần được định hướng từ rất sớm để có thể giải quyết được tình trạng thất nghiệp sau ĐH. Sẽ thật hấp dẫn nếu như các cơ hội việc làm trong tương lai dành cho các sinh viên luôn luôn được đảm bảo một cách chắc chắn thông qua các cam kết hợp tác giữa nhà trường với các DN. Việc liên kết chặt chẽ hơn giữa các trường ĐH, cao đẳng với DN sẽ giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, nhóm tác giả lựa chọn nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà trường với HS THPT đặc biệt là các em HS lớp 12. Vì HS THPT là đối tượng SV tiềm năng có nhu cầu học đại học cao nên chúng em hướng tới nghiên cứu mong muốn tại trường đại học của các em HS THPT.

Phương pháp nghiên cứu: sử dụng phương pháp sơ cấp là sử dụng phiếu điều tra để điều tra đối tượng là HS THPT nhằm lấy ý kiến đánh giá về trường Đại học Tây Bắc (ĐHTB).

Nội dung nghiên cứu: Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu mong muốn tham gia hoạt động hướng đạo (đi sâu vào nghiên cứu bước 1, bước 2 của các bước thực hiên Marketing quan hệ) do trường Đại học tổ chức, phương thức duy trì thông tin liên lạc với các trường Đại học, các hoạt động cụ thể giúp trường Đại học trở nên uy tín, tin tưởng và tạo được cam kết đối với HS. Cuối cùng là các em HS có quan tâm đến trường ĐHTB hay không.

  1. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Mô tả mẫu nghiên cứu

Trong số 96 phiếu được phỏng vấn tổng số phiếu thu về được là 96 phiếu. Như vậy, 100% khách hàng đều sẵn lòng giúp đỡ.

Bảng 2: Thông tin chung về các mẫu nghiên cứu

Thông tin chung N % Tổng mẫu
Giới tính N = 96
Nam 54 56.25
Nữ 42 43.75
Dân tộc N = 96
Kinh 48 50
Khác 48 50
Lớp mấy N = 96
Lớp 11 2 2.08
Lớp 12 94 97.92
Trường THPT N = 96
Tô Hiệu 26 27.08
Chu Văn An 9 9.38
Chuyên Sơn La 17 17.71
Nội trú Tỉnh 8 8.33
Nguyễn Du 25 26.04
Chiềng Sinh 11 11.46

(Nguồn: Điều tra khảo sát và thực hiện của nhóm nghiên cứu)

Tổng số người tham gia nghiên cứu là 96, trong đó có 54 người là nam tương đương với 56.25% là nam giới, 42 người là nữ ứng với con số là 43.75% nữ giới. Sự chênh lệch về giới tính của các mẫu nghiên cứu cũng không quá lớn và không làm ảnh hưởng tới kết quả của nghiên cứu này. Về thành phần dân tộc, 50% là dân tộc Kinh và 50% còn lại là thuộc các dân tộc khác như Thái, H’Mông, ….Đây là một điều hoàn toàn ngẫu nhiên sau khi các phiếu điều tra được thu thập lại để tổng hợp kết quả. Có thể nói, sự cân bằng giữa dân tộc Kinh và dân tộc khác của những người tham gia phỏng vấn sẽ đem lại cái nhìn khách quan cho các nội dung liên quan đến đề tài nghiên cứu này. Trong số 96 người được phỏng vấn, có đến 94 phiếu thuộc về HS lớp 12 chiếm 97.92% tổng số phiếu được hỏi. Một tỷ lệ rất nhỏ đó là 2.08% thuộc về 2 phiếu của HS lớp 11. Trường học của các bạn HS tham gia phỏng vẫn cuộc khảo sát thông tin được lựa chọn ngẫu nhiên là HS thuộc 6 trường THPT tham gia chương trình “Ngày hội việc làm và hướng nghiệp năm 2018” được tổ chức tại trường ĐHTB.

Trường chiếm 26 phiếu tương ứng với 27.08% chiếm tỉ trọng lớn nhất đó là trường THPT Tô Hiệu, 25 phiếu ứng với 26.04% ở vị trí thứ 2 thuộc về trường THPT Nguyễn Du, 17 phiếu ứng với 17.71% từ trường THPT Chuyên Sơn La, 11 phiếu của trường THPT Chiềng Sinhứng với 11.46% , trường THPT Chu Văn An có 9 phiếu ứng với 9.38%, còn lại 8 phiếu tương ứng với 8.33% có tỷ lệ được phỏng vấn nhỏ nhất là từ trường THPT Nội Trú Tỉnh.

3.2. Kết quả và thảo luận

Câu hỏi 1: Bạn muốn tham gia những sự kiện nào do trường Đại học tổ chức?

Mục đích: dựa trên bước 2, những hoạt động hướng tới SV tiềm năng được nhóm nghiên cứu đưa ra ở chương 1 từ đó tìm hiểu mong muốn của HS THPT đối với trường Đại học để lấy cơ sở tạo dựng mối quan hệ thân thiết giữa trường Đại học và HS, SV.

Như vậy, lựa chọn có tỷ lệ cao nhất mà các bạn được phỏng vấn yêu thích mong muốn trường Đại học tổ chức đó là Thể Thao có tỷ lệ lựa chọn là 72.92%, tiếp theo là hoạt động Văn nghệ với tỷ lệ chọn là 44.79%. Bên cạnh đó, hoạt động ít được lựa chọn nhất lại là Đến trường học của bạn tư vấn về nghề nghiệp và tuyển sinh có đến 82.29% không chọn.

Câu hỏi 2: Bạn muốn duy trì thông tin, liên lạc với các trường Đại học theo cách thức nào?

Mục đích: dựa trên bước thứ 3 (khởi đâu mối quan hệ) của các bước thực hiện Marketing quan hệ thì các cách thức liên hệ này chính là các kênh để thiết lập mối quan hệ giữa HS, SV và trường Đại học.

Từ các số liệu trên, ta có thể nhìn thấy ngay Facebook chính là công cụ liên lạc cũng như giao tiếp tốt nhất với các em HS khi được 87/96 em lựa chọn. Phương thức gửi thư qua đường bưu điện chỉ có 3 em trong số 96 em lựa chọn, có thể thấy gửi thư qua đường bưu điện khá mất thời gian, thông tin đến nơi có thể bị chậm trễ hơn nữa hiện nay Internet đang phát triển mạnh, tốc độ cập nhập dữ liệu qua Internet cũng rất nhanh nên các em đã không còn muốn nhận thông tin qua thư nữa.

Câu hỏi 3: Theo bạn, trường Đại học nên làm hoạt động cụ thể gì để bạn trở nên thân thiết và tin tưởng hơn?

Mục đích: dựa trên bước 4 là Nuôi dưỡng và Phát triển mối quan hệ thì các câu trả lời này sẽ giúp trường Đại học có thêm thông tin, nguyện vọng của HS từ đó có các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy mối quan hệ với HS một cách tốt nhất có thể.

Với 95 câu trả lời được tổng hợp lại như sau: Có tới 33/95 ý kiến cho rằng trường Đại học nên tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, tương tác trực tiếp với HS, SV như: Ngoại khóa, văn nghệ, thể thao giao lưu với các trường THPT; Gặp mặt trực tiếp giữa SV đại học và HS phổ thông để kết nối và tìm hiểu thêm về trường; Tổ chức tham quan vui chơi tại trường; Tham quan trường, trải nghiệm thực tế nhà trường như tổ chức trại hè; Tổ chức các buổi tâm sự; Tổ chức hội thi nhân ngày 26/3.

Qua đó ta có thể thấy được các bạn HS hiên nay rất năng động và có nhiều mong muốn trường Đại học sẽ tổ chức thêm các buổi ngoại khóa giúp các em có cơ hội tìm hiểu thêm về phương thức và ngành nghề đào tạo của nhà trường. Đây cũng là ý kiến của số đông các em HS nên trường có thể xem xét để mở nhiều hoạt động tạo sự tương tác giữa trường và HS, SV.

Thông qua ý kiến của các em HS, để trường Đại học trở nên thân thiết và tin tưởng với HS, SV thì đa số các em đều có ý kiến là trường nên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn nghệ, thể thao nhằm tạo sự tương tác và gắn bó giữa nhà trường và SV.

Câu hỏi 4: Bạn có quan tâm thông tin tuyển sinh của Trường ĐHTB không?

Mục đích: dựa trên bước 5 (thu hoạch) của các bước thực hiện Marketing quan hệ ở chương 1, câu hỏi này chính là để hỗ trợ ra quyết định có quan tâm và theo học tại trường ĐHTB hay không. Đây là câu trả lời quan trọng để trường có thể có biện pháp liên lạc, hỗ trợ các em HS lựa chọn ngành học, làm hồ sơ và nhập học vào trường.

Có 56/96 người quan tâm đến thông tin tuyển sinh của trường ĐHTB và đã để lại phương thức liên lạc như số điện thoại hay email, con số này chiếm 58.33% trên tổng số 100% phiếu khảo sát. Còn 40/96 người lại không quan tâm đến trường và muốn học ở trường khác. Với một số lý do chính như sau: Thích đi học xa nhà (Học ở Hà Nội) có đến 10 em đưa ra lý do này, có thể từ hai nguyên nhân. Thứ nhất là ở bản thân các em HS còn đang học tập tại môi trường THPT và có nguyện vọng học theo các bạn trong lớp, chưa thực sự hiểu rõ về các ngành và các trường Đại học dưới Hà Nội. Nguyên nhân thứ hai là do trường ĐHTB chưa tạo được sức hút đối với các em HS trong địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh Sơn La nói chung, nhà trường nên có những hoạt động tích cực hơn nữa nhằm giao lưu với các em HS để các em có thể hiểu rõ hơn về trường, giúp trường thu hút được SV trong địa bàn tỉnh; Với 7 em HS cho rằng ĐHTB không có nghành em muốn học cho thấy trường nên quan tâm hơn về các nghành học cũng như nguyện vọng của các em HS từ đó có thể mở những ngành học có đông HS yêu thích để thu hút thêm SV cho trường cũng như mở rộng đa dạng hóa các ngành nghề có thể đào tạo; Có 4 em đã xác định được nghề nghiệp và trường muốn học từ trước, các em muốn học trường nghệ thuật, học trường Đại học Thể dục thể thao, học trường y, học báo chí.

Có thể thấy trong 96 em HS THPT được hỏi thì có hơn một nửa số em quan tâm đến trường ĐHTB. Đây là một thông tin lạc quan và đáng vui mừng vì trường đã được các em quan tâm và muốn theo học. Trường nên chủ động liên lạc với các em qua số điện thoại hoặc email vì đây sẽ là số lượng SV tiềm năng, đáng tin cậy sẽ trở thành SV trường ĐHTB trong tương lai.

  1. Một số giải pháp xây dựng mạng lưới mối quan hệ phục vụ công tác quảng bá tuyển sinh

4.1. Phát triển mối quan hệ giữa trường và các em học sinh trung học phổ thông

Đây được xác định là mối quan hệ trọng điểm trong nghiên cứu của nhóm tác giả, với đối tượng là HS các trường THPT hiện nay nhà trường đã có các đoàn cán bộ – giáo viên đến các trường THPT trên địa bàn và các tỉnh lân cận để tư vấn tuyển sinh, phát tờ rơi nhưng chưa có làm phiếu điều tra để khảo sát về nhu cầu mong muốn của các bạn HS có quan tâm về trường ĐHTB hay không. Vậy nên dẫn đến công việc đó chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Hiện nay nhà trường chỉ đang thực hiện công tác tuyển sinh chú yếu ở phòng đào tạo mà nên mở rộng đến các khoa, phòng ban để nắm bắt sát những mong muốn của giảng viên và SV về như cầu nghành nghề, phương pháp giảng dạy. Nhà trường đã phối hợp cùng các trường THPT trên địa bàn tổ chức ngày hội tuyển sinh, song như vậy là chưa đủ thu hút sự quan tâm của các em nên tổ chức thêm các buổi thăm quan, cắm trại hay tình nguyện để các em được tham gia trải nghiệm thực sự cuộc sống SV mà tương lai các em sẽ trải qua.

4.2. Chăm sóc mối quan hệ giữa nhà trường và sinh viên hiện tại

Đây là những khách hàng hiện tại của nhà trường cũng là khách hàng tương lai nếu môi trường học tập chuyên nghiệp năng động thì chính những bạn SV hiện tại sẽ có ý định quay lại trường học lên cao học. Đây cũng chính là những khách hàng đánh giá dịch vụ giáo dục sau khi theo học tại trường. SV đang tham gia học tập tại nhà trường chủ yếu là SV dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn lại sống xa nhà, hiện nay nhà trường đã có các chính sách hỗ trợ như trợ cấp, học bổng… Tận dụng lợi thế sẵn có như ký túc xá của nhà trường với cơ sở vật chất khanh trang sạch đẹp, an ninh tốt, gần các khu vui chơi thể thao, sinh hoạt của nhà trường, với thế mạnh đó để làm tăng sự gắn kết cải thiện mối quan hệ giữa nhà trường và SV thì nên có các chính sách ưu tiên giảm giá phòng cho các SV là dân tộc thiểu số. Khi lòng tin tưởng và thiện cảm sự quan tâm giữa nhà trường và SV ngày càng lớn mạnh thì đồng nghĩa với sự uy tín, tín nhiệm của nhà trường ngày một cao hơn.

4.3. Thành lập hội cựu sinh viên và mối quan hệ giữa nhà trường và cựu sinh viên

Đây được xem như thành công của sự giáo dục đào tạo của nhà trường, hiện nay có rất nhiều cựu SV của nhà trường đang làm việc, đảm nhận các vị trí quan trọng trong các cơ quan ban ngành của huyện, thành phố Sơn La và các tỉnh lân cận. Đó là một kênh truyền thông hiệu quả về danh tiếng của trường ĐHTB, đồng thời cũng mang lại nhiều cơ hội cũng như kinh nghiệm đến cho các SV mới tốt nghiệp. Tuy nhiên hiện nay nhà trường chưa tận dụng triệt để mối quan hệ này, nên thành lập Hội Cựu SV để có thể cùng đồng hành cùng nhà trường tương tác với các bạn SV, tư vấn về học tập, tham gia các hoạt động tình nguyện, trao đổi kiến thức, ủng hộ về mọi mặt với các hoạt động của trường.

4.4. Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và sở giáo dục

Là cơ quan chủ quản về quản lý giáo dục đào tạo tai địa phương việc tạo dựng mối quan hệ mật thiết với sở giáo dục sẽ giúp cho nhà trường có thêm thông tin, các chính sách của địa phương về công tác tuyển sinh hàng năm thì công tác tuyển sinh của nhà trường sẽ được mở rộng, là cầu nối giữa nhà trường và các HS trong khu vực có mong muốn đăng ký vào trường. Thông qua các buổi tọa đàm, trao đổi do sở tổ chức thì nhà trường cũng có thể giới thiệu thêm về các nghành nghề đào tạo của trường đến các hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn.

4.5. Thúc đẩy mối quan hệ giữa nhà trường và báo chí, truyền thông

Khi xã hội hiện nay ngày một phát triển thì báo chí, truyền thông là những kênh thông tin gần gũi dễ tiếp cận đến mọi đối tượng nhất sẽ là chiến dịch quảng bá rộng rãi hơn so với việc tiếp thị trực tiếp cũng tiết kiệm được thời gian và nhân lực cho nhà trường. Đây là một kênh truyền thông đáng tin cậy tạo được lòng tin đối vói người xem, các nhà báo, đài tuyền hình sẽ giúp nhà trường đưa tin về thông báo tuyển sinh và các hoạt động giảng dạy, thi đua, văn nghệ, thể dục thể thao của nhà trường. Giúp cho người đọc xem phần nào hiểu thêm về một số hoạt động cơ bản của nhà trường.

4.6. Thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường và các trường trung học phổ thông

Khi xác định các HS THPT là khách hàng tiềm năng của nhà trường thì việc xây dựng mối quan hệ với các trường THPT là không thể thiếu. Công tác tuyển sinh, tuy là nhiệm vụ của nhà trường, song nếu cứ dựa vào nguồn nhân lực của nhà trường thì chưa đủ mà chúng ta phải biết tranh thủ các lực lượng bên ngoài. Một mặt họ vừa là những người hàng ngày trực tiếp với các đối tượng HS và các bậc phụ huynh, mặt khác tiếng nói của họ sẽ có tác động khá mạnh mẽ đến sự quyết định lựa chọn con đường học tập của các HS hay các bậc phụ huynh sau khi con em họ tốt nghiệp THPT. Vì vậy nhà trường cần phối hợp với các trung tâm trong việc thông báo tuyển sinh, thu nhận hồ sơ cho nhà trường.

4.7. Duy trì mối quan hệ với các doanh nghiệp tại địa phương

Quan tâm và tìm hiểu một cách bài bản và có chiến lược về nhu cầu của SV, từ đó điều chỉnh lại chương trình đào tạo các nghề sát với thực tế, tránh tình trạng các cơ quan, doanh nghiệp phải đào tạo lại SV sau khi tuyển dụng, đồng thời bổ sung các môn tự chọn phù hợp nhằm tăng cường kỹ năng mềm cho người học có khả năng thích ứng kịp thời và biến động của nghề nghiệp. Nhà trường cũng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp để họ cùng tham gia hỗ trợ tuyển sinh; tham gia xây dựng chương trình, giáo trình; tham gia đánh giá kết quả học tập của HS khi tốt nghiệp và điều quan trọng là họ sẵn sàng tiếp nhận những HS của nhà trường sau khi tốt nghiệp vào làm việc trong doanh nghiệp. Làm được điều này thì uy tín và thương  hiệu của trường ngày càng được nâng lên và từ đó góp phần tích cực trong công tác tư vấn tuyển sinh trong thời gian tới.

  1. Kết luận

Marketing quan hệ góp phần thu hút sinh viên và duy trì sự ủng hộ tích cực đối với Trường Đại học trong hiện tại và tươgn lại. Thực hiện tốt marketing quan hệ là một chiến lược marketing có tác dụng cao trong tạo lập và cải thiện lòng trung thành của khách hàng đối với đơn vị và đã được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, chứng tỏ tính hiệu quả của chiến lược này. Từ đó hỗ trợ công tác tuyển sinh đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả và bền vững của một Trường Đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay./.

Tài liệu tham khảo

[1] GS.TS. Trần Minh Đạo, Giáo trình Marketing căn bản, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, 2012.

[2] Justin Beneke and Gert Human, Student recruitment marketing in South Africa–
An exploratory study into the adoption of a relationship orientation
, African Journal of Business Management, 2010.

[3] Koi-Akrofi, Godfred Yaw., Koi-Akrofi, Joyce, Welbeck, Jonathan N.O. 2013, Relationship Marketing Tactics and Customer Loyalty, Asian Journal of Business Management 5(1): 77-92.

 

KHÁI QUÁT ĐIỂM MỚI VÀ GIỚI THIỆU 1 SỐ QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH BÀY BCTC Ở DOANH NGHIỆP SIÊU NHỎ THEO THÔNG TƯ 133/2016/TT-BTC

Ths. Nguyễn Thị Phương Thảo

 Khái quát những điểm mới của Thông tư 133/2016/TT/BTC ngày 26/8/2016 – Chế độ kế toán dành cho DNNV

Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ban hành theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC đến nay đã được 10 năm, hiện đã bộc lộ một số hạn chế và cần phải thay đổi. Ngày 26 tháng 8 năm 2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 133/2016/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC. Chế độ kế toán cho DNNV lần này dựa trên nền của Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và được sửa đổi, điều chỉnh cho đơn giản hơn. Ngoài ra, còn có phần hướng dẫn riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ theo hướng đơn giản nhất có thể, có hướng dẫn cho doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục (khi rơi vào tình trạng ngừng hoạt động do giải thể, phá sản…). Có thể nói, Chế độ kế toán cho DNNV lần này có nhiều đổi mới mà một trong những tư tưởng chính là lấy doanh nghiệp, đối tượng áp dụng làm trung tâm, ưu tiên mục đích quản trị doanh nghiệp hơn mục đích quản lý Nhà nước. Chế độ kế toán cho DNNV ban hành theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC, có hiệu lực từ 01/01/2017 được coi như tiếp tục sự đổi mới của Thông tư 200/2014/TT-BTC, Chế độ kế toán SME lần này mang tính cởi mở, linh hoạt cao, đưa ra nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp, như:

– Chế độ kế toán chủ yếu quy định đến TK cấp 1, chỉ một số ít TK chi tiết đến cấp 2, mỗi tài khoản chỉ phản ánh một nội dung chứ không có riêng TK ngắn hạn, dài hạn. Doanh nghiệp được tự chi tiết và theo dõi ngắn hạn, dài hạn hoặc mở các tài khoản chi tiết theo yêu cầu quản lý của mình;

– Dỡ bỏ toàn bộ sự bắt buộc đối với chứng từ và sổ kế toán. SME sẽ được tự xây dựng hệ thống chứng từ và sổ kế toán để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành phù hợp với đặc thù hoạt động của mình miễn là đáp ứng được các yêu cầu của Luật kế toán;

– Chế độ kế toán chỉ quy định về nguyên tắc kế toán mà không quy định chi tiết các bút toán. Bằng cách vận dụng nguyên tắc kế toán, SME sẽ được tự quyết định các bút toán ghi sổ sao cho phù hợp nhất với quy trình luân chuyển chứng từ và thói quen của mình miễn là trình bày BCTC đúng quy định. Đối với các SME không thể tự vận dụng nguyên tắc kế toán để ghi sổ (lập bút toán định khoản) thì có thể tham khảo các sách hướng dẫn nghiệp vụ;

– SME được tự lựa chọn đồng tiền ghi sổ kế toán khi đáp ứng được các tiêu chí Chế độ quy định;

– SME được tự quyết định ghi hoặc không ghi doanh thu từ các giao dịch nội bộ mà không phụ thuộc chứng từ xuất ra là hóa đơn GTGT hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ;

– Được tự quy định cho đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận khoản vốn nhận từ doanh nghiệp là nợ phải trả hoặc vốn chủ sở hữu;

– Được lựa chọn biểu mẫu BCTC theo tính thanh khoản giảm dần hoặc phân biệt ngắn hạn, dài hạn theo truyền thống…

Ngoài ra, các quy định còn tách biệt kế toán và thuế, hướng đến phục vụ nhu cầu quản trị, điều hành doanh nghiệp.

Tách biệt kỹ thuật ghi chép trên sổ kế toán và kỹ thuật trình bày BCTC giúp sản phẩm cuối cùng của kế toán là thông tin được công bố trên BCTC  trung thực, minh bạch và được trình bày nhất quán.

Hướng đến việc coi trọng bản chất hơn hình thức và tên gọi giao dịch qua đó sẽ giúp dễ tiếp cận Chế độ kế toán hơn thông qua nắm được nguyên tắc kế toán, bản chất giao dịch và vận dụng nguyên tắc kế toán phù hợp với từng giao dịch. Toàn bộ Chế độ tài khoản chỉ đưa ra nguyên tắc và kết cấu tài khoản, không hướng dẫn từng nghiệp vụ cụ thể. Kế toán sẽ căn cứ vào bản chất nghiepj vụ để tự định khoản tại đơn vị.

 Tiếp cận gần hơn thông lệ và Chuẩn mực quốc tế: Chế độ kế toán SME đã đưa vào một số nội dung mang tính thông lệ thế giới như ghi nhận doanh thu tương ứng với nghĩa vụ thực hiện, đánh giá tổn thất khoản cho vay và bất động sản đầu tư, phân loại chứng khoán kinh doanh và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn…

  1. Một số quy định về trình bày BCTC ở Doanh nghiệp siêu nhỏ

Theo đánh giá của các bộ ngành chức năng thì DNNV vẫn là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Trong số đó,  DN siêu nhỏ chiếm tới 68,7% tổng số doanh nghiệp (GSO, 2012). Tuy nhiên, nếu như chúng ta vẫn nói rằng DNNV là bộ phận “dễ bị tổn thương nhất” trong nền kinh tế thì qua số liệu thống kê năm 2015 có thể khẳng định thêm  DN siêu nhỏ là bộ phận “dễ bị tổn thương nhất” trong khối DNNV. Nhiều số liệu cho thấy các điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp siêu nhỏ không thuận lợi bằng các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn và đang rất cần những hỗ trợ về mặt pháp lý để thông tin kế toán trở thành một công cụ hữu hiệu hơn, đáp ứng nhu cầu quản trị doanh nghiệp tốt hơn. Sau đây, xin giới thiệu một số nội dung cơ bản (có kèm theo bình luận) về trình bày BCTC ở DN siêu nhỏ trong TT 133:

2.1. Hệ thống BC bắt buộc có thay đổi

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG. Điều 71. Hệ thống báo cáo tài chính

  1. Hệ thống báo cáo tài chính năm bắt buộc áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ bao gồm:
– Báo cáo tình hình tài chính Mẫu số B01 – DNSN
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B02 – DNSN
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính Mẫu số B09 – DNSN
  • Tên gọi: BC tình hình tài chính (thay cho BCĐKT, vẫn không cần BC lưu chuyển tiền tệ, bỏ QĐ: BCTC nộp cho cơ quan thuế phải bổ sung BCĐ tài khoản)

2.2. Nhiều nội dung mới được bổ sung so với QĐ 48, đầy đủ hơn về trình bày BCTC, phù hợp với thông lệ quốc tế (trích).

Điều 72. Yêu cầu đối với thông tin trình bày trong Báo cáo tài chính

  1. Thông tin trình bày trên báo cáo tài chính phải đầy đủ, khách quan, không có sai sót để phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 73. Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục

Điều 74. Nguyên tắc lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục

  1. Khi lập và trình bày Báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải xem xét giả định về sự hoạt động liên tục. Doanh nghiệp bị coi là không hoạt động liên tục nếu hết thời hạn hoạt động mà không có hồ sơ xin gia hạn hoạt động, bị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động (phải có văn bản cụ thể gửi cơ quan có thẩm quyền) trong vòng không quá 12 tháng kể từ thời điểm lập Báo cáo tài chính. Đối với doanh nghiệp có chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường hơn 12 tháng thì không quá một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường.
  2. Trong một số trường hợp sau doanh nghiệp vẫn được coi là hoạt động liên tục:

– Việc thay đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, thay đổi loại hình doanh nghiệp, ví dụ chuyển một công ty TNHH thành công ty cổ phần hoặc ngược lại;

– Việc chuyển một đơn vị có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập thành một đơn vị không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc hoặc ngược lại (ví dụ chuyển một công ty con thành một chi nhánh hoặc ngược lại) vẫn được coi là hoạt động liên tục.

> Hiện nay, nhiều DN siêu nhỏ thành lập nhưng không hoạt động, không đáp ứng giả định hđ liên tục. Quy định này phù hợp với thực trạng nền kinh tế VN

Điều 75. Nguyên tắc lập và trình bày báo cáo tài chính khi thay đổi kỳ kế toán

Khi thay đổi kỳ kế toán, ví dụ đổi kỳ kế toán từ năm dương lịch sang kỳ kế toán khác năm dương lịch, doanh nghiệp phải tiến hành khóa sổ kế toán, lập Báo cáo tài chính.

Ví dụ: Doanh nghiệp có kỳ kế toán năm 2014 theo năm dương lịch. Năm 2015, doanh nghiệp chuyển sang áp dụng kỳ kế toán năm bắt đầu từ 1/4 năm trước đến 31/3 năm sau thì doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính cho giai đoạn từ 1/1/2015 đến 31/3/2015.

Ví dụ: Tiếp theo ví dụ trên, khi trình bày cột “Kỳ trước” trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bắt đầu từ ngày 1/4/2015 và kết thúc ngày 31/3/2016, doanh nghiệp phải trình bày số liệu của giai đoạn từ 1/4/2014 đến 31/3/2015.

  • BTC đang khuyến khích DN thay đổi kỳ kế toán cho phù hợp với chu kỳ kinh doanh và giảm gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước. QĐ này được cho là phù hợp.

Điều 76. Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo tài chính khi chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu doanh nghiệp

Điều 77. Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo tài chính khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp

  1. Đơn vị kế toán bị chia, bị tách, hợp nhất thành đơn vị kế toán mới phải thực hiện các công việc kế toán theo quy định của Luật kế toán. Đơn vị kế toán mới thực hiện công việc kế toán cho kỳ kế toán đầu tiên theo nguyên tắc sau:

– Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của đơn vị kế toán bị chia, bị tách, hợp nhất chuyển sang được ghi nhận là số phát sinh của đơn vị kế toán mới.

– Đối với Báo cáo tình hình tài chính: Cột “Số đầu năm” của đơn vị kế toán mới không có số liệu và phải trình bày rõ vấn đề này trong thuyết minh báo cáo tài chính.

– Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Chỉ trình bày số liệu kể từ thời điểm bị chia, bị tách, hợp nhất đến cuối kỳ báo cáo vào cột “Kỳ này”. Cột “Kỳ trước” không có số liệu và phải trình bày rõ vấn đề này trong thuyết minh báo cáo tài chính.

  1. Khi sáp nhập đơn vị kế toán thì đơn vị kế toán nhận sáp nhập phải thực hiện các công việc kế toán theo quy định của Luật kế toán. Đơn vị kế toán nhận sáp nhập thực hiện công việc kế toán theo nguyên tắc:

– Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán của đơn vị kế toán bị sáp nhập được ghi nhận là số phát sinh trong kỳ của đơn vị nhận sáp nhập. Số dư đầu kỳ của đơn vị kế toán nhận sáp nhập vẫn giữ nguyên.

– Đối với Báo cáo tình hình tài chính: Toàn bộ tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của đơn vị kế toán bị sáp nhập chuyển sang được tổng hợp và trình bày trong cột “Số cuối năm” của đơn vị kế toán nhận sáp nhập. Cột “Số đầu năm” của đơn vị kế toán nhận sáp nhập vẫn giữ nguyên.

– Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Toàn bộ số liệu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của đơn vị bị sáp nhập được tổng hợp trong cột “Kỳ này” của đơn vị nhận sáp nhập và phải thuyết minh trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

Điều 78. Đồng tiền sử dụng để lập báo cáo tài chính khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam

Điều 79. Nguyên tắc lập Báo cáo tài chính khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán

Điều 80. Trách nhiệm, thời hạn lập và gửi báo cáo tài chính

  1. Trách nhiệm, thời hạn lập và gửi báo cáo tài chính:
  2. a) Tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lập và gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính cho các cơ quan có liên quan theo quy định.
  3. b) Ngoài việc lập báo cáo tài chính năm, các doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính hàng tháng, quý để phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

> Thay đổi so với QĐ 48: Công ty TNHH, công ty cổ phần và các hợp tác xã:  90 ngày. Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh:30 ngày.

  1. Nơi nhận báo cáo tài chính năm được quy định như sau:

Các doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính năm cho cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan Thống kê.

Các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì ngoài việc nộp Báo cáo tài chính năm cho các cơ quan theo quy định (Cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thống kê) còn phải nộp Báo cáo tài chính năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu > Bổ sung so với QĐ 48

2.3. Giới thiệu QĐ về BÁO CÁO TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH

Đơn vị báo cáo: …………………

Địa chỉ: ……………………………

Mẫu số B01 – DNSN
(Ban hành theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính)

 

BÁO CÁO TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH

Tại ngày … tháng… năm …

Đơn vị tính: ……….

CHỈ TIÊU Mã số Thuyết minh Số cuối năm Số đầu năm
1 2 3 4 5
TÀI SẢN        
1. Tiền và các khoản tương đương tiền

2. Các khoản đầu tư

3. Các khoản phải thu

4. Hàng tồn kho

5. Giá trị còn lại của TSCĐ và BĐSĐT

6. Tài sản khác

110

120

130

140

150

160

     
TỔNG CỘNG TÀI SẢN (200=110+120+130+140+150+160) 200      
NGUỒN VỐN        
I. Nợ phải trả

1. Phải trả người bán

2. Người mua trả tiền trước

3. Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước

4. Phải trả người lao động

5. Phải trả nợ vay

6. Phải trả khác

II. Vốn chủ sở hữu

1. Vốn đầu tư của chủ sở hữu

2. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

3. Các khoản mục khác thuộc vốn chủ sở hữu

300

310

320

330

340

350

360

400

410

420

430

     
TỔNG CỘNG NGUỒN VỐN
(500=300+400)
500      

 

NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, họ tên)
KẾ TOÁN TRƯỞNG
(Ký, họ tên)
Lập, ngày … tháng … năm …
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký, họ tên, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Những chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày nhưng không được đánh lại “Mã số” chỉ tiêu.

(2) Số liệu trong các chỉ tiêu có dấu (*) được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

(3) Đối với doanh nghiệp có kỳ kế toán năm là năm dương lịch (X) thì “Số cuối năm” có thể ghi là “31.12.X”; “Số đầu năm” có thể ghi là “01.01.X”.

(4) Đối với trường hợp thuê dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng thì phải ghi rõ số Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, tên đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán.

Điều 82. Nội dung và phương pháp lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp siêu nhỏ

  1. Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu của Báo cáo tình hình tài chính (Mẫu số B01 – DNSN)

1.1. Tài sản

– Tiền và các khoản tương đương tiền (Mã số 110)

Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và các khoản tương đương tiền hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư Nợ của các TK 111, 112, số dư Nợ chi tiết của TK 1281 (chi tiết các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng) và TK 1288 (chi tiết các khoản đủ tiêu chuẩn phân loại là tương đương tiền).

Các khoản tương đương tiền có thể bao gồm: Kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng…

Các khoản trước đây được phân loại là tương đương tiền nhưng quá hạn chưa thu hồi được phải chuyển sang trình bày tại các chỉ tiêu khác, phù hợp với nội dung của từng khoản mục.

– Các khoản đầu tư (Mã số 120)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị của các khoản đầu tư tài chính (sau khi đã trừ đi các khoản dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính), bao gồm: Chứng khoán kinh doanh, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Các khoản đầu tư tài chính được phản ánh trong chỉ tiêu này không bao gồm các khoản đầu tư đã được trình bày trong chỉ tiêu “Tiền và các khoản tương đương tiền” (Mã số 110) và các khoản phải thu về cho vay đã được trình bày trong chỉ tiêu “Các khoản phải thu” (Mã số 130).

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của các TK 121, 228 và TK 128 (sau khi đã trừ đi các khoản đầu tư tài chính đã được phân loại là tương đương tiền và các khoản phải thu về cho vay) trừ đi số dư Có các TK 2291, 2292.

– Các khoản phải thu (Mã số 130)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị của các khoản phải thu tại thời điểm báo cáo (sau khi trừ đi dự phòng phải thu khó đòi), như: Phải thu của khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ, phải thu về cho vay, phải thu khác, tài sản thiếu chờ xử lý, tạm ứng, ký cược, ký quỹ, …

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào tổng số dư Nợ chi tiết theo từng đối tượng công nợ của các TK 131, 136, 138, 141, 334, 338, 1288 (chi tiết cho vay), 331 (chi tiết trả trước cho người bán) sau khi trừ đi số dư Có TK 2293.

– Hàng tồn kho (Mã số 140)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị hiện có các loại hàng tồn kho dự trữ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (sau khi trừ đi dự phòng giảm giá hàng tồn kho) tại thời điểm báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của các TK 151, 152, 153, 154, 155, 156, 157 sau khi trừ đi số dư Có của TK 2294.

– Giá trị còn lại của TSCĐ và BĐSĐT (Mã số 150)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại (nguyên giá trừ giá trị hao mòn lũy kế) của các loại tài sản cố định và BĐSĐT tại thời điểm báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư Nợ của các TK 211, 217 sau khi đã trừ đi giá trị hao mòn lũy kế của các loại TSCĐ và BĐSĐT (số dư Có TK 214).

– Tài sản khác (Mã số 160)

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các tài sản khác ngoài các tài sản đã được phản ánh tại các Mã số 110, 120, 130, 140, 150 nêu trên như thuế GTGT được khấu trừ, chi phí trả trước, thuế và các khoản phải thu của Nhà nước, chi phí xây dựng cơ bản dở dang, …

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ các TK 133, 241, 242, 333, …

– Tổng cộng tài sản (Mã số 200)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng trị giá tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo.

Mã số 200 = Mã số 110 + Mã số 120 + Mã số 130 + Mã số 140 + Mã số 150 + Mã số 160.

1.2. Nợ phải trả (Mã số 300)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ số nợ phải trả tại thời điểm báo cáo.

Mã số 300 = Mã số 310 + Mã số 320 + Mã số 330 + Mã số 340 + Mã số 350 + Mã số 360

– Phải trả người bán (Mã số 310)

Chỉ tiêu này phản ánh số tiền còn phải trả cho người bán.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào tổng số dư Có chi tiết của TK 331.

– Người mua trả tiền trước (Mã số 320)

Chỉ tiêu này phản ánh số tiền người mua ứng trước để mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định, bất động sản đầu tư và doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp tại thời điểm báo cáo (không bao gồm các khoản doanh thu nhận trước). Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của TK 131 mở chi tiết cho từng khách hàng.

– Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (Mã số 330)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng các khoản doanh nghiệp còn phải nộp Nhà nước tại thời điểm báo cáo, bao gồm cả các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào tổng số dư Có chi tiết của TK 333.

– Phải trả người lao động (Mã số 340)

Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh nghiệp còn phải trả cho người lao động tại thời điểm báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của TK 334.

– Phải trả nợ vay (Mã số 350)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá trị các khoản doanh nghiệp đi vay, nợ thuê tài chính còn nợ các ngân hàng, tổ chức, công ty tài chính và các đối tượng khác.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của TK 341.

– Phải trả khác (Mã số 360)

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các khoản phải trả khác ngoài các khoản nợ phải trả đã được phản ánh tại các Mã số 310, 320, 330, 340, 350 nêu trên như: Chi phí phải trả, phải trả nội bộ, nhận cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược, dự phòng phải trả, doanh thu chưa thực hiện, tài sản thừa chờ giải quyết, quỹ khen thưởng phúc lợi, quỹ phát triển khoa học công nghệ, phải trả, phải nộp khác, …

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có các TK 1388, 335, 336, 338, 352, 353, 356.

1.3. Vốn chủ sở hữu (Mã số 400)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh các khoản vốn kinh doanh thuộc sở hữu của cổ đông, thành viên góp vốn, như: Vốn đầu tư của chủ sở hữu, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chênh lệch tỷ giá hối đoái, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối…

Mã số 400 = Mã số 410 + Mã số 420 + Mã số 430

– Vốn đầu tư của chủ sở hữu (Mã số 410)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số vốn đã thực góp của các chủ sở hữu và thặng dư vốn cổ phần, vốn khác (nếu có) của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của TK 411.

– Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (Mã số 420)

Chỉ tiêu này phản ánh số lãi (hoặc lỗ) sau thuế chưa phân phối tại thời điểm báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của TK 421. Trường hợp TK 421 có số dư Nợ thì số liệu chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

– Các khoản mục khác thuộc vốn chủ sở hữu (Mã số 430)

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các khoản mục khác thuộc vốn chủ sở hữu ngoài các khoản đã được phản ánh tại các Mã số 410, 420 nêu trên. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (…).

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có TK 418 sau khi trừ đi số dư Nợ TK 419.

– Tổng cộng nguồn vốn (Mã số 500)

Phản ánh tổng số các nguồn vốn hình thành tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo.

Mã số 500 = Mã số 300 + Mã số 400.

Chỉ tiêu “Tổng cộng Tài sản Mã số 200” = Chỉ tiêu “Tổng cộng Nguồn vốn Mã số 500”

2.4. Giới thiệu QĐ về BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

Đơn vị báo cáo: …………………

Địa chỉ: ……………………………

Mẫu số B02 – DNSN
(Ban hành theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính)

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

Năm …

Đơn vị tính: ……….

CHỈ TIÊU Mã số Thuyết minh Năm nay Năm trước
1 2 3 4 5
1. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 01      
2. Giá vốn hàng bán 02      
3. Chi phí quản lý kinh doanh 03      
4. Lãi/lỗ hoạt động tài chính và hoạt động khác 04      
5. Lợi nhuận kế toán trước thuế (05=01-02-03+04) 05      
6. Chi phí thuế TNDN 06      
7. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp
(07=05-06)
07      
  NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, họ tên)
KẾ TOÁN TRƯỞNG
(Ký, họ tên)
Lập, ngày … tháng … năm …
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký, họ tên, đóng dấu)
 

Ghi chú:

Đối với trường hợp thuê dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng thì phải ghi rõ số Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, tên đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán.

 

– Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 01)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ sau khi đã trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này không bao gồm các loại thuế gián thu phát sinh khi bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Số liệu của chỉ tiêu này được căn cứ vào số phát sinh bên Nợ TK 511 đối ứng với bên Có TK 911.

– Giá vốn hàng bán (Mã số 02)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá vốn của hàng hóa, BĐSĐT, giá vốn của thành phẩm đã bán, khối lượng dịch vụ đã cung cấp, các chi phí được tính vào giá vốn sau khi trừ đi các khoản ghi giảm giá vốn hàng bán trong kỳ báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là lũy kế số phát sinh bên Có của TK 632 đối ứng bên Nợ của TK 911.

– Chi phí quản lý kinh doanh (Mã số 03)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng chi phí quản lý kinh doanh phát sinh trong kỳ báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng số phát sinh bên Có của TK 642, đối ứng với bên Nợ của TK 911.

– Lãi/lỗ hoạt động tài chính và hoạt động khác (Mã số 04)

Chỉ tiêu này phản ánh số lãi hoặc lỗ phát sinh từ hoạt động tài chính và hoạt động khác trong kỳ báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số chênh lệch giữa tổng số phát sinh bên Có TK 515, 711 (sau khi trừ các khoản điều chỉnh giảm doanh thu hoạt động tài chính, thu nhập khác) với tổng số phát sinh bên Nợ TK 635, 811 (sau khi trừ các khoản điều chỉnh giảm chi phí tài chính, chi phí khác).

Trường hợp lỗ thì chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

– Lợi nhuận kế toán trước thuế (Mã số 05)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng lợi nhuận kế toán trước thuế thực hiện trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp trước khi trừ đi chi phí thuế TNDN.

Trường hợp lỗ thì chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

Mã số 05 = Mã số 01 – Mã số 02 – Mã số 03 + Mã số 04.

– Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (Mã số 06)

Chỉ tiêu này phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào tổng số phát sinh bên Có TK 821 đối ứng với bên Nợ TK 911 hoặc căn cứ vào số phát sinh bên Nợ TK 821 đối ứng với bên Có TK 911 trong kỳ báo cáo.

– Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (Mã số 07)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số lợi nhuận thuần (hoặc lỗ) sau thuế TNDN từ các hoạt động của doanh nghiệp (sau khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp) phát sinh trong năm báo cáo.

Trường hợp lỗ thì chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

Mã số 07 = Mã số 05 – Mã số 06.

LÀM RÕ MỐI LIÊN HỆ GIỮA THỰC HÀNH KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT VỚI CÁC HỌC PHẦN KHÁC NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY VÀ HỌC

  1. Khái quát về vị trí môn học và sự cần thiết làm rõ mối liên hệ với các học phần liên quan

Trong khung chương trình đào tạo, các học phần có mối liên hệ qua lại với nhau, bổ trợ lẫn nhau nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng cho người học. Để khai thác triệt để những kiến thức, kỹ năng người học đã trau dồi được từ các học phần trước, tích lũy những nền tảng cần thiết cho những học phần sau mà vẫn đảm bảo mục tiêu môn học về nhận thức, kỹ năng, thái độ đòi hỏi giảng viên cần nắm bắt được cấu trúc cơ bản của những học phần có liên quan, liên hệ và gợi nhớ những nội dung người học đã được tiếp thu từ những học phần trước, biết cách giao nhiệm vụ, đặt câu hỏi phù hợp. Việc này giúp giảng viên có thêm thời gian cho những nội dung khác, làm bài giảng phong phú hơn, sinh viên nhận thấy cấu trúc hợp lý, sự bổ trợ nhịp nhàng giữa các học phần từ đó có ý thức hơn trong quá trình học, không “học gạo”, “học để thi” dồn dập vào cuối kỳ.

Chương trình đào tạo kế toán một cách khái quát có thể được chia thành 3 nhóm học phần chuyên ngành, bao gồm: (1) nhóm học phần lý thuyết: cung cấp lý thuyết cơ bản, chủ yếu giảng dạy theo chế độ kế toán hiện hành, sinh viên tích lũy những quy tắc kế toán để có thể định khoản được trong những tình huống tương tự theo hướng dẫn của Bộ tài chính. (2) nhóm học phần thực hành kế toán : giúp sinh viên thực hành làm kế toán ở các loại hình đơn vị bằng công cụ excel. (3) nhóm học phần kế toán máy: giúp sinh viên thực hành làm kế toán ở các loại hình đơn vị bằng công cụ phần mềm kế toán.

Về tính ứng dụng của 3 nhóm học phần trên thì theo đánh giá của tác giả, nhóm học phần (2) và (3) có nhiều ý nghĩa thực tiễn hơn, trực tiếp giúp sinh viên nắm được quy trình hạch toán, thực hành các công việc của kế toán, dần hình thành kỹ năng và cảm quan nghề nghiệp. Qua các học phần này, sinh viên có điều kiện ôn lại và vận dụng kiến thức của nhóm học phần (1) một cách sinh động và cảm thấy sự thiết thực của việc học các học phần lý thuyết.

Trong nhóm các học phần thực hành kế toán thì Thực hành kế toán doanh nghiệp sản xuất là môn học sinh viên được tiếp cận sớm nhất, nội dung có thể nói là khá phức tạp (ngoài những yêu cầu tương tự các môn học khác thì còn có yêu cầu cốt lõi là tính được giá thành) và dung lượng khá dài. Đây có thể nói là môn học nền tảng cho nhóm các học phần thực hành. Việc dạy và học học môn này có ý nghĩa to lớn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và tiến độ các học phần thực hành sau.

Qua xem xét cấu trúc, nội dung của các học phần trong chương trình đào tạo và kinh nghiệm giảng dạy của bản thân, tác giả cho rằng những học phần liên quan nhiều nhất đến môn học bao gồm: Kế toán tài chính doanh nghiệp 1, Tổ chức hạch toán kế toán (học trước), Kế toán máy doanh nghiệp (học sau).

Báo cáo này sẽ làm rõ mối liên hệ giữa các học phần này với Thực hành kế toán doanh nghiệp sản xuất, gợi ý những nội dung có thể liên hệ, giao nhiệm vụ cho sinh viên trong quá trình giảng dạy, giảm thời lượng lên lớp, tăng tinh thần tự học của sinh viên.

  1. Mối liên hệ giữa Thực hành kế toán doanh nghiệp sản xuất với Kế toán tài chính doanh nghiệp 1, Tổ chức hạch toán kế toán Kế toán máy

Đây là 2 học phần sinh viên đã được tích lũy trước khi học Thực hành kế toán doanh nghiệp sản xuất. Những nội dung của 2 học phần này vận dụng sang môn thực hành có thể nói là nhiều nhất, liên tục nhất và cũng là quan trọng nhất. Tác giả xin gợi ý một số nội dung chính nên nhắc lại, gợi nhớ hoặc giao nhiệm vụ về nhà cho sinh viên để tăng hiệu quả dạy và học.

Bảng 1 – Mối liên hệ giữa Thực hành kế toán DNSX với các học phần khác

STT Thực hành

KT DNSX

Mối liên hệ

KTTCDN 1

Mối liên hệ

Tổ chức HTKT

Mối liên hệ

Kế toán máy

1 Giới thiệu khát quát về Chính sách kế toán của Công ty TNHH Sơn Việt – Yêu cầu sinh viên tự chủ động xem lại những chính sách kế toán mà doanh nghiệp áp dụng – Yêu cầu sinh viên xe lại hình thức ghi sổ Nhật ký chung, trình tự, các sổ và phương pháp ghi từng sổ – Liên hệ với công việc tạo cơ sở dữ liệu
2 Thực hành phân loại, kiểm tra, sắp xếp chứng từ.

Lập Phiếu định khoản

– Liên hệ với PP tính giá XK Bình quân cả ký dự trữ khi thực hành Phiếu XK – Yêu cầu đọc quy định về chứng từ

– Làm rõ ý nghĩa của Phiếu định khoản. Cách sử dụng PĐK

– Nhắc lại quy trình luân chuyển 1 số chứng từ: PT, PC, PNK, PXK

– Các quy định liên quan hóa đơn

– Thực hành kiểm tra chứng từ khi thực hành Phiếu XK, Phiếu NK (có ghi đơn giá xuất, nhập)

– Nhấn mạnh đây là khâu quan trọng nhất khi làm kế toán bằng phần mềm.

– Lựa chọn phần mềm có giao diện tương ứng với chứng từ tăng tốc độ nhập liệu

3 Ghi sổ Nhật ký chung – Yêu cầu xem lại công thức và cách phân bổ chi phí bảo quản nguyên vật liệu

– Xem lại cách định khoản 1 số nghiệp vụ

– Xem lại phân loại và cách ghi Sổ đối ứng dạng cột và đối ứng dạng dòng.

-So sánh sự khác biệt mẫu sổ NKC

– Sự thống nhất số hiệu tài khoản chi tiết, cách tra danh mục để xác định tài khoản khi định khoản

 

– Ưu điểm của PMKT: định khoản tự động, lọc tài khoản đối ứng…

– PMKT mã hóa tự động các đối tượng.

– Khai báo danh mục tương ứng với việc mở sổ chi tiết

4 Kế toán chi tiết vật tư: Bảng kê nhập, xuất kho, BC NXT – Yêu cầu sinh viên xem lại cách tính giá xuất kho theo phương pháp bình quân cả kỳ dự trữ -Nhắc lại phương pháp thẻ song song. Ý nghĩa từng bảng kê, trình tự và phương pháp lập từng chỉ tiêu trong bảng.

– Cách đối chiếu giữa kế toán tổng hợp và chi tiết vật tư

-PMKT không cần đối chiếu giữa tổng hợp và chi tiết.

5 Kế toán chi tiết tiền lương – Yêu cầu xem lại chế độ tiền lương và BHXH hiện hành – Phân biệt 2 chứng từ: bảng tính lương và bảng phân bổ tiền lương.

– Đọc chứng từ để định khoản

– Cách đối chiếu giữa kế toán chi tiết và tổng hợp

– Chú ý khai báo nhân viên và thông tin về tiền lương

– Nắm được quy trình hạch toán lương để biết cách kiểm tra số liệu, điều chỉnh khi cần

6 Kế toán chi tiết TSCĐ – Đọc chế độ quản lý và trích khấu hao TSCĐ

– Phương pháp tính khấu hao đường thẳng

– Cách lập Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ

– Cách đọc chứng từ để định khoản

– Cách đối chiếu giữa kế toán chi tiết và tổng hợp

– Lưu ý khai báo TSCĐ đầu kỳ
7 Kế toán phân bổ chi phí – Xem lại chế độ kế toán ghi nhận và phân bổ chi phí trả trước   – Khai báo chi phí trả trước đầu kỳ
8 Kế toán giá thành – Trình tự kế toán tính giá thành

– Cách xác định giá trị SPDD, cách tính giá thành.

– Phương pháp phân bổ chi phí nhân công trực tiếp, chi phí SXC theo chi phí NVL chính > Trình tự tính các chỉ tiêu trên Bảng tính giá thành

– Liên hệ với tổ chức hạch toán kế toán chi phí và giá thành sản phẩm đối tượng tập hợp chi phí chính là đối tượng tính giá thành.

– Cách đọc chứng từ để định khoản

– Cách đối chiếu giữa kế toán tổng hợp và chi tiết vật tư

– Liên hệ với khai báo các đối tượng tập hợp chi phí, đối tượng tính giá.

– Phương pháp tính thì được tự động hóa nên quy trình bị che lấp, khó liên hệ.

9 Kế toán tổng hợp ghi sổ các BT cuối tháng – Lý thuyết các BT cuối tháng, kết chuyển, xác định kết quả. – Ít liên hệ – Ít liên hệ. Do được tự động.
10 Kế toán lập BCTC – Ý nghĩa, kết cấu, phương pháp lập BCTC – Ít liên hệ. Chủ yếu là phần Báo cáo chi tiết có mối liên hệ chặt chẽ. – Ít liên hệ. Do được tự động.
11 Kế toán ghi, in Sổ Cái… – Ít liên hệ. Chủ yếu là phương pháp ghi tài khoản chữ T. – Liên hệ chặt chẽ với nội dung mở sổ, kết cấu, cách ghi sổ.

– Trình tự ghi sổ trong các hình thức sổ. Từ đó lập luận suy ra công thức, hàm sẽ sử dụng.

– Ít liên hệ. Do được tự động.
12 Kiểm tra, đối chiếu kế toán – Liên quan các cân đối kế toán – Đối chiếu giữa tổng hợp và chi tiết, đảm bảo các cân đối kế toán – Ít liên quan. Do khi dùng PMKT không cần đối chiếu giữa tổng hợp và chi tiết.

(Nguồn: Tác giả tự tổng hợp)

  1. Mối liên hệ giữa Thực hành kế toán doanh nghiệp sản xuất với các học phần khác

Ngoài 3 học phần trên, Thực hành kế toán sản xuất còn có mối liên hệ với một số học phần khác trong chương trình đào tạo.

– Lý thuyết hạch toán kế toán: Đây là học phần cơ sở ngành liên quan đến hầu hết các môn chuyên ngành. Trong quá trình thực hành, giáo viên cần nhắc lại một số nguyên lý cơ bản, vận dụng kiến thức tin học để sử dụng nguyên lý kế toán đó trong tính toán.

Ví dụ:

Cách tính số dư cuối kỳ trong lý thuyết: SDCK = SDĐK + PS tăng – PS giảm

Cách tính số dư cuối kỳ trong Thực hành: = max (Dư Nợ + PS Nợ – Dư Có – PS Có)

  • Cần liên hệ 2 nội dung này với nhau, tại sao lại có sự khác biệt trong cách tính, tại sao lại dùng hàm max?

Khi đó, SV sẽ hiểu bản chất vấn đề, nhớ lâu hơn và vận dụng trong những tình huống khác linh hoạt. Tránh tình trạng học thuộc công thức.

– Tài chính doanh nghiệp: Các học phần lý thuyết về kế toán không giới thiệu cách lập BC lưu chuyển tiền tệ, nhưng sinh viên lại được học ở học phần Tài chính doanh nghiệp. Cần giới thiệu kết cấu, ý nghĩa và hướng dẫn phương pháp lập trước khi hướng dẫn thực hành trên excel.

– Thực hành kế toán DNTM: 2 học phần này được học song song. GV có thể liên kết những nội dung nào SV đã được học trước ở môn kia, để tiết kiệm thời gian trên lớp, tăng cường nội dung tự học ở nhà.

– Tin học ứng dụng: đây là học phần cung cấp công cụ cho SV. Đáng nhẽ sẽ có vai trò bổ trợ  rất tốt trong thực hành, nhưng rất tiếc lại được học ở kỳ sau khi đã học Thực hành DNSX và Thực hành DNTM. Vì vậy khi giảng 2 học phần này GV khá vất vả vì gần như giới thiệu từ đầu về các hàm, các thao tác trong excel.

  1. Kết luận và kiến nghị

Các học phần có tác dụng bổ trợ lẫn nhau, vì vậy để giảng dạy tốt học phần thực hành trong điều kiện thời gian có hạn, giáo viên cần liên hệ được với những nội dung ở những học phần khác. Những học phần có mối liên hệ nhiều nhất là: Tổ chức HTKT, Kế toán TCDN 1, kế toán máy DN.

Qua quá trình giảng dạy, tác giả có một số kiến nghị như sau để nâng cao chất lượng dạy và học môn thực hành:

– Điều chỉnh cho SV học Tin học ứng dụng trước các học phần thực hành.

– Ở học phần Lý thuyết hạch toán kế toán, nên giới thiệu và cho sinh viên lập Bảng cân đối số phát sinh trước khi lập BCĐKT. Qua nội dung này, sinh viên cũng được hiểu hơn về các cân đối kế toán đã được học ở những chương trước trong học phần Lý thuyết HTKT. Hiểu hơn và vận dụng tốt hơn tính tự kiểm tra của thông tin kế toán.

– Khi học những môn khác ở nội dung lập BCĐKT, BCKQKD nên định hướng sinh viên cách lập theo  mẫu quy định (hiện đang dạy theo cách sắp xếp các chỉ tiêu theo cách sắp xếp hệ thống tài khoản: tiền mặt, TGNH, NVL, Thành phẩm…cách sắp xếp này không thể hiện được tính khái quát và tổng hợp của BCTC).

– Cân đối trình tự học học phần Tài chính doanh nghiệp trong chương trình đào tạo.

Khi đó, hiệu quả bổ trợ giữa các học phần sẽ được nâng lên. Trên thực tế, những học phần có tác dụng bổ trợ nếu học sau Thực hành kế toán DNSX vẫn có tác dụng với những môn thực hành khác nhưng như vậy thì tính chất bổ trợ chưa được khai thác triệt để. Thực hành KTSX là môn tiên phong trong phân hệ các môn thực hành, nội dung cũng khó và dài nếu liên hệ được với những môn khác thì hiệu quả dạy và học sẽ được cải thiện, đồng thời có tác động tích cực tới việc giảng dạy các môn thực hành sau này.

ThS Nguyễn Thị Phương Thảo

SO SÁNH CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM (VAS) VÀ CHUẨN MỰC KẾ TOÁN QUÔC TẾ (IAS) VỀ CÁC NỘI DUNG: IAS – QUY ĐỊNH CHUNG VÀ VAS 01 – CHUẨN MỰC CHUNG; IAS 01 VÀ VAS 21 – TRÌNH BÀY BCTC

Điểm so sánh IAS VAS
IAS – Quy định chung và VAS – Chuẩn mực chung
1. Việc áp dụng các quy định chung của IAS/IFRS

 

– Các quy định chung không xây dựng thành một chuẩn mực.

– Trong một số trường hợp, khi có sự xung đột giữa các chuẩn mực cụ thể và quy định chung thì thực hiện theo các chuẩn mực cụ thể.

 

– Các quy định chung được xây dựng thành một chuẩn mực.

– Trường hợp có sự xung đột giữa các chuẩn mực cụ thể và chuẩn mực chung thì áp dụng theo chuẩn mực cụ thể. Trường hợp chuẩn mực kế toán cụ thể chưa quy định thì thực hiện theo Chuẩn mực chung.

2) Mục đích của báo cáo tài chính – Báo cáo tài chính được lập nhằm cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và các thay đổi trong tình hình tài chính của doanh nghiệp, giúp cho những người đọc báo cáo tài chính đưa ra các quyết định phù hợp. – Không đề cập vấn đề này.
3) Các yêu cầu cơ bản đối với thông tin tài chính – Theo nguyên tắc bản chất quan trọng hơn hình thức, các thông tin tài chính cần được trình bày đúng với thưc tế về hiện trạng, bản chất, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế phát sinh. – Tương tự

 

4) Tình hình tài chính – Các yếu tố liên quan trực tiếp đến việc xác định và đánh giá tình hình tài chính là Tài sản, Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu. – Tương tự

 

5) Tình hình kinh doanh – Lợi nhuận là thước đo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các yếu tố liên quan trực tiếp đến việc xác định lợi nhuận là Doanh thu và Chi phí.

– Việc ghi nhận thu nhập và chi phí theo đó phản ánh lợi nhuận của doanh nghiệp, phụ thuộc một phần vào các khái niệm về vốn và duy trì vốn do doanh nghiệp sử dụng khi lập báo cáo tài chính. Thu nhập và chi phí được trình bày trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để cung cấp thông tin phục vụ quá trình đưa ra các quyết định kinh tế phù hợp.

– Tương tự

 

 

 

– Không đề cập vấn đề này.

6) Thu nhập và chi phí – Khái niệm thu nhập bao gồm doanh thu và thu nhập khác.

+ Doanh thu phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường. + Thu nhập khác bao gồm các thu nhập phát sinh từ các hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu.

– Chi phí bao gồm các khoản lỗ và các chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường và các chi phí ngoài các chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường.

– Việc đánh giá lại và trình bày lại số dư Tài sản và Công nợ sẽ ảnh hưởng đễn sự tăng hay giảm của vốn chủ sở hữu nếu các tăng, giảm này thoả mãn khái niệm về thu nhập và chi phí. Theo một số khái niệm cụ thể về duy trì vốn, các thay đổi này sẽ được đưa vào vốn chủ sở hữu như một khoản điều chỉnh duy trì vốn hoặc đánh giá lại.

– Tương tự

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

– Không đề cập vấn đề này.

7) Ghi nhận các yếu tố cơ bản của báo cáo tài chính – Quy định chung chưa đưa ra một số phương pháp ghi nhận có thể sử dụng ở các mức độ khác nhau và sử dụng kết hợp trong báo cáo tài chính, bao gồm:

+  Giá gốc

+ Giá đích danh

+ Giá trị có thể thực hiện được

+ Giá trị hiện tại

– Việc ghi nhận phải căn cứ vào giá gốc và giá trị có thể thực hiện được.
8)Khái niệm về vốn và duy trì vốn – Quy định chung đưa ra hai khái niệm về vốn đó là khái niệm về mặt tài chính và khái niệm về mặt vật chất. Hai khái niệm này dẫn đến sự khác nhau khi xác định lợi nhuận do có sự khác nhau trong việc xử lý ảnh hưởng của những thay đổi về giá của các tài sản và các khoản công nợ của doanh nghiệp. – Không đề cập vấn đề này.
IAS 1 và VAS 21 – Trình bày Báo cáo tài chính
1)Hệ thống Báo cáo tài chính – Hệ thống Báo cáo tài chính của doanh nghiệp gồm:

+ Bảng cân đối kế toán;

+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;

+ Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và

+ Các thuyết minh Báo cáo tài chính, bao gồm thuyết minh về các chính sách kế toán chủ yếu và các thuyết minh khác.

– Hệ thống Báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm:

+ Bảng cân đối kế toán;

+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, và

+ Thuyết minh báo cáo tài chính.

(Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu được trình bày ở thuyết minh báo cáo tài chính)

2) Trình bày trung thực, hợp lý và phù hợp với chuẩn mực

 

– Báo cáo tài chính phải trình bày một cách trung thực và hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp. Việc áp dụng các chuẩn mực, trong mọi trường hợp, nhằm đảm bảo việc trình bày trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính.

– Tính linh hoạt trong việc áp dụng các chuẩn mực.

 

– Tương tự

 

 

 

 

 

 

 

– Tính bắt buộc trong việc áp dụng các chuẩn mực, các chính sách và qui định

3)Các nguyên tắc cơ bản trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính – Các nguyên tắc cơ bản trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính, bao gồm:

+ Hoạt động liên tục

+ Cơ sở dồn tích

+ Nhất quán

+ Trọng yếu

+ Bù trừ: Các khoản mục tài sản và nợ phải trả, thu nhập và chi phí trình bày trên báo cáo tài chính không được bù trừ, trù khi một chuẩn mực kế toán khác qui định hoặc cho phép bù trừ.

+ Có thể so sánh: Các thông tin bằng số liệu trong báo cáo tài chính nhằm để so sánh giữa các kỳ kế toán phải được trình bày tương ứng với các thông tin bằng số liệu trong báo cáo tài chính của các kỳ trước

– Tương tự
4) Trường hợp không áp dụng các yêu cầu – Trong một số trường hợp đặc biệt, cho phép việc không áp dụng các yêu cầu chung nhằm đảm báo báo cáo tài chính được trình bày trung thực và hợp lý, khi Ban Giám đốc doanh nghiệp thấy rằng việc tuân thủ theo các quy định chung sẽ làm sai lệch báo cáo tài chính. Tuy nhiên, việc không áp dụng theo các qui định chung cần được trình bày. – Không đề cập vấn đề này. Trong thực tế, các doanh nghiệp phải được sự đồng ý của Bộ tài chính về việc áp dụng các chính sách kế toán có sự khác biệt so với các chuẩn mực.
5) Kỳ báo cáo

 

– Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải được lập ít nhất cho kỳ kế toán năm. Trường hợp đặc biệt, một doanh nghiệp có thể thay đổi ngày kết thúc kỳ kế toán năm dẫn đến việc lập báo cáo tài chính cho một niên độ kế toán có thể dài hơn hoặc ngắn hơn một năm dương lịch và việc thay đổi này cần được thuyết minh.

– Có thể lập báo cáo tài chính cho giai đoạn 52 tuần vì yêu cầu thực tế nếu báo cao tài chính không có những khác biệt trọng yếu so với báo cáo tài chính lập cho kỳ kế toán năm.

-Tương tự

 

 

 

 

 

 

 

 

– Việc lập báo cáo tài chính cho một niên độ kế toán không được vượt quá 15 tháng.

6) Phân biệt tài sản, nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn

 

– Doanh nghiệp có thể lựa chon việc trình bày hoặc không trình bày riêng biệt các tài sản và nợ phải trả thành ngắn hạn và dài hạn. Trường hợp doanh nghiệp không trình bày riêng biệt các tài sản và công nợ ngắn hạn và dài hạn, thì các tài sản và nợ phải trả phải được trình bày thứ tự theo tính thanh khoản giảm dần. – Tài sản, nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn phải được trình bày thành các khoản mục riêng biệt trên Bảng cân đối kế toán. Trường hợp doanh nghiệp không thể phân biệt được tài sản và nợ phải trả do đặc thù của hoạt động thì tài sản và nợ phải trả phải được trình bày thứ tự theo tính thanh khoản giảm dần.
7) Ngày đáo hạn của các tài sản và công nợ – Doanh nghiệp cần trình bày ngày đáo hạn của cả tài sản và công nợ để đánh giá tính thanh khoản và khả năng thanh toán của doanh nghiệp – Không đề cập vấn đề này
8) Mẫu biểu Bảng cân đối kế toán

 

– Không đưa ra Bảng cân đối kế toán mẫu.

 

 

 

– Việc điều chỉnh các khoản mục trình bày trên bảng cân đối kế toán có thể bao gồm:

+ Các khoản mục hàng dọc được đưa thêm vào khi một chuẩn mực kế toán khác yêu cầu phải trình bày riêng biệt trên Bảng cân đối kế toán hoặc khi quy mô, tính chất hoặc chức năng của một yếu tố thông tin đòi hỏi phải trình bày riêng biệt nhằm phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp.

+ Cách thức trình bày và xắp xếp theo thứ tự các yếu tố thông tin có thể được sửa đổi theo tính chất và đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp nhằm cung cấp những thông tin cần thiết cho việc nắm bắt được tình hình tài chính tổng quan của doanh nghiệp.

– Bảng cân đối kế toán được lập phù hợp với các quy định trong văn bản hướng dẫn thực hiện chuẩn mực này

– Tương tự

9) Trình bày báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

 

– Doanh nghiệp cần trình bày Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo chức năng của chi phí. Trường hợp do tính chất của ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp không thể trình bày các yếu tố thông tin trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo chức năng của chi phí thì được trình bày theo bản chất của chi phí.

– Các thông tin phải được trình bày hoặc trong Báo cáo kết quả kinh doanh hoặc trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

– Tương tự
10) Cổ tức

 

– Doanh nghiệp phải trình bày giá trị của cổ tức trên mỗi cổ phần đã được đề nghị hoặc đã được công bố trong kỳ của báo cáo tài chính.

– Thông tin này có thể trình bày trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hoặc trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

-Tương tự

 

 

 

– Thông tin này cần phải được trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

11) Thay đổi nguồn vốn chủ sở hữu

 

– Doanh nghiệp phải trình bày những thông tin phản ánh sự thay đổi nguồn vốn chủ sở hữu:

+ Lãi hoặc lỗ thuần của niên độ;

+ Từng khoản mục thu nhập và chi phí, lãi hoặc lỗ được hạch toán trực tiếp vào nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định của các chuẩn mực kế toán khác và số tổng công các khoản mục này;

+ Tác động luỹ kế của những thay đổi trong chính sách kế toán và những sửa chữa sai sót cơ bản được đề cập trong phần các phương pháp hạch toán quy định trong Chuẩn mực “Lãi, lỗ thuần trong kỳ, các sai sót cơ bản và các thay đổi trong chính sách kế toán”;

+ Các nghiệp vụ giao dịch về vốn với các chủ sở hữu và việc phân phối lợi nhuận cho các chủ sở hữu;

+ Số dư của khoản mục lãi, lỗ luỹ kế vào thời điểm đầu niên độ và cuối niên độ và những biến động trong niên độ, và;

+ Đối chiếu giữa giá trị ghi sổ của mỗi loại vốn góp, thặng dư vốn cổ phần, các khoản dự trữ vào đầu niên độ và cuối niên độ và trình bày riêng biệt từng sự biến động.

– Thông tin này có thể trình bày trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hoặc trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

– Tương tự

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

– Thông tin này phải được trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

ThS Nguyễn Thị Phương Thảo

ĐIỂM MỚI TRONG XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HÓA ĐƠN QUY ĐỊNH TRONG THÔNG TƯ 176/2016/TT-BTC VÀ MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA NĐ 41/2018/NĐ-CP NGÀY 12/3/2018 VỀ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KẾ TOÁN

  1. So sánh Thông tư 176/2016/TT-BTCsửa đổi Thông tư 10/2014/TT-BTC về việc xử lý vi phạm hành chính về hóa đơn

Bộ tài Chính đã ban hành Thông tư 176/2016/TT-BTC  sửa đổi Thông tư 10/2014/TT-BTC  về việc xử lý vi phạm hành chính về hóa đơn được áp dụng kể từ ngày 15/12/2016. Thông tư 176 có một số điểm mới như sau:

Khoản mục sửa đổi Nội dung sửa đổi Thông tư 176/2016 Thông tư 10/2014
Khoản 1điều 7 – Hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng
Điểm b2, khoản 1 điều 7 –  Bên đặt in và bên nhận in hóa đơn không ký các phụ lục hợp đồng sổ sung khác. Phạt tiền ở mức tối thiểu của khung tiền phạt là 500.000 đồng b.2) Phạt tiền ở mức tối thiểu của khung tiền phạt là 2.000.000 đồng
Khoản 2a điều 7 –  Đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp không đủ điều kiện in hóa đơn 2a. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng Trước không có quy định về điểm nay
Khoản 6 điều 7 Khắc phục hậu quả:–  Đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp không đủ điều kiện đặt in hóa đơn Phạt tiền từ: 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng Không quy định
Khoản  a điều 10 –  Nộp thông báo điều chỉnh thông tin phát hành  hóa đơn khi thay đổi địa điểm sau 10 ngày–  Sử dụng hóa đơn đã phát hành nhưng chưa đến ngày sử dụng Phạt tiền từ :500.000 đồng đến  1.500.000 đồng Tối thiểu 2.000.000
Khoản c điều 10 –  Lập thông báo phát hành không có đầy đủ nội dung  theo quy định–   Không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn–   Nộp thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn khi thay đổi địa điểm kinh doanh sau 20 ngày bắt đầu sử dụng HĐ tại địa chỉ mới Phạt từ: 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng Chưa quy định
Khoản 3 điều 11 –  Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) nhưng khách hàng chưa nhận được hoá đơn khi hoá đơn chưa đến thời gian lưu trữ hoặc hóa đơn đã lập theo bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ; trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền. Không bị phạt Phạt tiền từ10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
Khoản 1 điều 12 –   Đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) để hạch toán kế toán, kê khai thuế và thanh toán vốn ngân sách; trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền.

–   Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng), người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hợp đồng, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có một tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt cảnh cáo.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Khoản 1, khoản 2 và bổ sung khoản 4 vào Điều 13 như sau: –  Lập sai hoặc không đầy đủ nội dung thông báo hoặc báo cáo  trừ thông báo phát  hành Phạt tiền từ 200.000 đồng 1.000.000 đồng.Doanh nghiệp tự phát hiện sai sót lập báo cáo thay thế gửi cơ quan thuế trước khi có quyết định kiểm tra không  bị phạt Phạt tiền từ 200.000 đồng 1.000.000 đồng.Ngoài bị phạt tiền doanh nghiệp phải gửi lại thông báo
Khoản  2 điều 13 –  Nộp chậm thông báo, báo cáo thuế Phạt cảnh cáo (1-10 ngày) Phạt cảnh cáo (1-5 ngày)

Phạt cảnh cáo  (6-10) nếu có tình tiết giảm nhẹ

Khoản 4 điều 13 –   Biện pháp khắc khắc phục hậu quả Tổ chức, cá nhân vi phạm khoản 1 Điều này phải lập và gửi lại cơ quan thuế thông báo, báo cáo đúng quy định.”

Trích Điều 13. Hành vi quy định về lập, gửi thông báo và báo cáo (trừ thông báo phát hành hóa đơn) cho cơ quan thuế

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn, theo quy định.

Ngoài bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân phải lập và gửi lại cơ quan thuế các thông báo, báo cáo đúng quy định. Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện sai sót và lập lại thông báo, báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trong thời hạn quy định nộp thông báo, báo cáo thì không bị xử phạt.

Không quy định

 

  1. Môt số điểm mới Nghị dịnh 41/ NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán chưa được quy định trong các văn bản trước đây

Kế toán là một trong những nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cách mạng 4.0 và hội nhập kinh tế thế giời. Để phù hợp với bối cảnh, nhiều hành vi lần đầu tiên được đưa ra trong Nghị định 41 để xử phạt hành chính. Cụ thể:

Điều 7. Xử phạt hành vi vi phạm quy định chung về pháp luật kế toán

  1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
  2. a) Áp dụng sai quy định về chữ viết; chữ số trong kế toán;
  3. b) Áp dụng sai quy định về đơn vị tiền tệ trong kế toán;
  4. c) Áp dụng sai quy định về kỳ kế toán;
  5. d) Áp dụng sai chế độ kế toán mà đơn vị thuộc đối tượng áp dụng.
  6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền.

Điều 13. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về sao chụp, niêm phong tài liệu kế toán

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  1. Không thành lập Hội đồng và không lập “Biên bản để xác định các tài liệu kế toán không thể sao chụp được” theo quy định.
  2. Tài liệu kế toán sao chụp không có đầy đủ chữ ký, đóng dấu (nếu có) của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
  3. Tạm giữ, tịch thu hoặc niêm phong tài liệu kế toán không đúng thẩm quyền quy định.
  4. Không cung cấp tài liệu kế toán cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện tạm giữ, tịch thu, niêm phong

Ngoài ra, còn một số nội dung sau cũng lần đầu tiên được đề cập:

Mục 2. HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ THI CHỨNG CHỈ KẾ TOÁN VIÊN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC CHO KẾ TOÁN VIÊN HÀNH NGHỀ, NGƯỜI ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ DỊCH VỤ KẾ TOÁN

Điều 19. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hồ sơ dự thi Chứng chỉ kế toán viên

Điều 20. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về cập nhật kiến thức cho kế toán viên hành nghề và người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán

Mục 3. HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HÀNH NGHỀ DỊCH VỤ KẾ TOÁN

Điều 21. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Chứng chỉ kế toán viên, Chứng chỉ kiểm toán viên

Điều 23. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán

Mục 4. HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ KẾ TOÁN

Điều 24. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

Điều 25. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

Điều 26. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán

Điều 27. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo quản, lưu trữ hồ sơ dịch vụ kế toán

Điều 28. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán

Mục 5. HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ CUNG CẤP, SỬ DỤNG DỊCH VỤ KẾ TOÁN QUA BIÊN GIỚI

Điều 29. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới

Điều 30. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới

Điều 31. Xử phạt hành vi vi phạm về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài khi cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam

Điều 32. Xử phạt hành vi vi phạm về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán khi liên danh với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài để cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam

Mục 6. HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ THÔNG BÁO, BÁO CÁO

Điều 33. Xử phạt hành vi vi phạm về nghĩa vụ thông báo, báo cáo của hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán

Điều 34. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ thông báo, báo cáo của kế toán viên hành nghề

Mục 7. HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ KẾ TOÁN

Điều 35. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán

 

NHỮNG THAY ĐỔI TRONG QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY KẾ TOÁN VÀ NGƯỜI LÀM KẾ TOÁN TRONG LUẬT KẾ TOÁN 2015

 

Luật Kế toán 2015 và

NGHỊ ĐỊNH 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016

Quy định chi tiết một số điều Luật Kế toán 2015

Luật kế toán 2003 và NĐ 129/NĐ-CP  hướng dẫn thi hành

Luật kế toán 2003

Đánh giá
Điều 18. Tổ chức bộ máy kế toán

1. Đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán đảm bảo các quy định của Luật kế toán, số lượng người làm kế toán tùy theo quy mô hoạt động, yêu cầu quản lý, chức năng nhiệm vụ hoặc biên chế của đơn vị. Đơn vị kế toán có thể bố trí người làm kế toán kiêm nhiệm các công việc khác mà pháp Luật về kế toán không nghiêm cấm.

2. Việc tổ chức bộ máy kế toán tại các đơn vị kế toán do cơ quan có thẩm quyền thành lập đơn vị quyết định. Trường hợp tổ chức, đơn vị không có cơ quan có thẩm quyền thành lập thì do người đại diện theo pháp Luật của đơn vị quyết định.

Việc tổ chức bộ máy và công tác kế toán của các đơn vị cấp dưới không phải là đơn vị kế toán hoặc đơn vị trực thuộc không phải là đơn vị kế toán do người đại diện theo pháp Luật của đơn vị kế toán quyết định. Các đơn vị trong lĩnh vực kế toán nhà nước không được bố trí kế toán trưởng, phụ trách kế toán ở các đơn vị không phải là đơn vị kế toán.

Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán phải bao gồm thông tin tài chính của các đơn vị cấp dưới và đơn vị trực thuộc.

3. Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp tổ chức bộ máy kế toán để kế toán thu, chi ngân sách nhà nước phù hợp với tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ được giao.

4. Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước tổ chức công tác kế toán theo đơn vị dự toán ngân sách. Trường hợp đơn vị kế toán ở cấp tỉnh không có đơn vị dự toán trực thuộc vừa là đơn vị dự toán cấp trên vừa là đơn vị sử dụng ngân sách và đơn vị kế toán ở cấp huyện vừa là đơn vị dự toán cấp trên vừa là đơn vị sử dụng ngân sách thì được bố trí chung một bộ máy kế toán để thực hiện toàn bộ công tác kế toán của đơn vị.

5. Người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kế toán là người đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc các học viện ở trong và ngoài nước; người có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật kiểm toán độc lập; người có chứng chỉ kế toán viên theo quy định của Luật kế toán; người có chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận.

6. Đối với người đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm là kế toán trưởng của đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước và đã có thời gian thực tế làm kế toán trưởng trong các đơn vị này từ 10 năm trở lên tính đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì vẫn được xem xét, bổ nhiệm làm kế toán trưởng của đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước nếu đủ các Điều kiện khác theo quy định đối với kế toán trưởng mà không bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán như quy định tại khoản 5 Điều này.

7. Đối với người không có bằng tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán nhưng đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch kế toán viên, kế toán viên chính tại các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 thì vẫn tiếp tục được làm kế toán nhưng không được bổ nhiệm làm kế toán trưởng cho đến khi đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, Điều kiện của kế toán trưởng theo quy định đối với kế toán trưởng, trừ những người vẫn được làm kế toán trưởng quy định tại khoản 6 Điều này.

 

 

Quy ®Þnh T­¬ng tù

 

 

 

 

§iÒu 49. Tr¸ch nhiÖm cña ng­êi ®¹i diÖn theo ph¸p luËt cña ®¬n vÞ kÕ to¸n

1. Tæ chøc bé m¸y kÕ to¸n, bè trÝ ng­êi lµm kÕ to¸n, ng­êi lµm kÕ to¸n tr­ëng theo ®óng tiªu chuÈn, ®iÒu kiÖn quy ®̃nh t¹i LuËt nµy.

2. QuyÕt ®̃nh thuª lµm kÕ to¸n, thuª lµm kÕ to¸n tr­ëng.

3. Tæ chøc vµ chØ ®¹o thùc hiÖn c«ng t¸c kÕ to¸n trong ®¬n vÞ kÕ to¸n theo quy ®̃nh cña ph¸p luËt vÒ kÕ to¸n vµ chÞu tr¸ch nhiÖm vÒ hËu qu¶ do nh÷ng sai tr¸i mµ m×nh g©y ra.

 

 

 

 

 

 

§iÒu 50. Tiªu chuÈn, quyÒn vµ tr¸ch nhiÖm cña ng­êi lµm kÕ to¸n

1. Ng­êi lµm kÕ to¸n ph¶i cã c¸c tiªu chuÈn sau ®©y:

a) Cã phÈm chÊt ®¹o ®øc ngh̉ề nghiÖp, trung thùc, liªm khiÕt, cã ý thøc chÊp hµnh ph¸p luËt;

b) Cã tr×nh ®é chuyªn m«n, nghiÖp vô vÒ kÕ to¸n.

2. Ng­êi lµm kÕ to¸n cã quyÒn ®éc lËp vÒ chuyªn m«n, nghiÖp vô kÕ to¸n.

3. Ng­êi lµm kÕ to¸n cã tr¸ch nhiÖm tu©n thñ c¸c quy ®̃nh cña ph¸p luËt vÒ kÕ to¸n, thùc hiÖn c¸c c«ng viÖc ®­îc ph©n c«ng vµ ch̃u tr¸ch nhiÖm vÒ chuyªn m«n, nghiÖp vô cña m×nh. Khi thay ®æi ng­êi lµm kÕ to¸n, ng­êi lµm kÕ to¸n cò ph¶i că tr¸ch nhiÖm bµn giao c«ng viÖc kÕ to¸n vµ tµi liÖu kÕ to¸n cho ng­êi lµm kÕ to¸n míi. Ng­êi lµm kÕ to¸n cò ph¶i ch̃u tr¸ch nhiÖm vÒ c«ng viÖc kÕ to¸n trong thêi gian m×nh lµm kÕ to¸n.

 

 

 

 

 

 

 

LuËt kÕ to¸n 2003  mäi néi dung tõ: tæ chøc, bè trÝ ng­êi lµm kÕ to¸n hay thuª, chØ ®¹o thùc hiÖn c«ng t¸c kÕ to¸n ë ®¬n vÞ lµ thuéc tr¸ch nhiÖm ng­êi ®¹i diÖn tr­íc ph¸p luËt.

Nh­ng LuËt kÕ to¸n 2015 cô thÓ h¬n quy ®Þnh trªn trong c¸c lo¹i ®¬n vÞ: cÊp trªn, cÊp d­íi, nhµ n­íc, sù nghiÖp. §Æc biÖt lµ lÜnh vùc nhµ n­íc cã nhiÒu quy ®Þnh cô thÓ, râ rµng h¬n, chÆt chÏ h¬n > quan t©m h¬n ®Õn viÖc qu¶n lý, tr¸nh thÊt tho¸t NSNN.

 

 

 

Quy định  mới rõ hơn về trình độ người làm kế toán.

Cụ thể các trường hợp phù hợp với thực tiễn khi áp dụng văn bản mới

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Điều 19. Những người không được làm kế toán

1. Các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 52 Luật kế toán.

1. Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.

2. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp Luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Người đang làm quản lý, Điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

§iÒu 51. Nh÷ng ng­êi kh«ng ®­îc lµm to¸n

1. Ng­êi ch­a thµnh niªn; ng­êi bÞ h¹n chÕ hoÆc mÊt n¨ng lùc hµnh vi d©n sù; ng­êi ®ang ph¶i ®­a vµo c¬ së gi¸o dôc, c¬ së ch÷a bÖnh hoÆc bÞ qu¶n chÕ hµnh chÝnh.

2. Ng­êi ®ang bÞ cÊm hµnh nghÒ cÊm lµm kÕto¸n theo b¶n ¸n hoÆc quyÕt ®Þnh cña Tßa ¸n; ng­êi ®ang bÞ truy cøu tr¸ch nhiÖm h×nh sù; ng­êi ®ang ph¶i chÊp hµnh h×nh ph¹t tï hoÆc ®· bÞ kÕt  ¸n vÒ mét trong c¸c téi vÒ inh tÕ, vÒ chøc vô liªn quan ®Õn tµi chÝnh, kÕ to¸n mµ ch­a ®­îc xãa ¸n.

3. Bè, mÑ, vî, chång, con, anh, chÞ, em ruét cña ng­êi cã tr¸ch nhiÖm qu¶n lý ®iÒu hµnh ®¬n vÞ kÕ to¸n, kÓ c¶ kÕ to¸n tr­ëng trong cïng mét ®¬n vÞ kÕ to¸n lµ doanh nghiÖp nhµ n­íc, c«ng ty cæ phÇn, hîp t¸c x·, c¬ quan nhµ n­íc, ®¬n vÞ sù nghiÖp, tæ chøc cã sö dông kinh phÝ ng©n s¸ch nhµ n­íc, ®¬n ṽ sù nghiÖp, tæ chøc kh«ng sö dông kinh phÝ ng©n s¸ch nhµ n­íc.

4. Thñ kho, thñ quü, ng­êi mua, b¸n tµi s¶n trong cïng mét ®¬n vÞ kÕ to¸n lµ doanh nghiÖp nhµ n­íc, c«ng ty cæ phÇn, hîp t¸c x·, c¬ quan nhµ n­íc, ®¬n vÞ sù nghiÖp, tæ chøc cã sö dông kinh phÝ ng©n s¸ch nhµ n­íc, ®¬n ṽ sù nghiÖp, tæ chøc kh«ng sö dông kinh phÝ ng©n s¸ch nhµ n­íc.

Quy ®Þnh míi, ®èi t­îng më réng h¬n ®Õn th©n nh©n cña c¶ gi¸m ®èc, phã gi¸m ®èc, kÕ to¸n tr­ëng. Nh­ng më h¬n víi DNTN, nh÷ng DN kh«ng sö dông kinh phÝ NSNN
Điều 53. Kế toán trưởng

1. Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của đơn vị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán.

2. Kế toán trưởng của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ ngoài nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này còn có nhiệm vụ giúp người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán giám sát tài chính tại đơn vị kế toán.

3. Kế toán trưởng chịu sự lãnh đạo của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; trường hợp có đơn vị kế toán cấp trên thì đồng thời chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của kế toán trưởng của đơn vị kế toán cấp trên về chuyên môn, nghiệp vụ.

4. Trường hợp đơn vị kế toán cử người phụ trách kế toán thay kế toán trưởng thì người phụ trách kế toán phải có các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này và phải thực hiện trách nhiệm và quyền quy định cho kế toán trưởng quy định tại Điều 55 của Luật này.

Điều 55. Trách nhiệm và quyền của kế toán trưởng

1. Kế toán trưởng có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán;

b) Tổ chức điều hành bộ máy kế toán theo quy định của Luật này;

c) Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.

2. Kế toán trưởng có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.

3. Kế toán trưởng của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, ngoài các quyền quy định tại khoản 2 Điều này còn có các quyền sau đây:

a) Có ý kiến bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán về việc tuyển dụng, thuyên chuyển, tăng lương, khen thưởng, kỷ luật người làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ;

b) Yêu cầu các bộ phận liên quan trong đơn vị kế toán cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu liên quan đến công việc kế toán và giám sát tài chính của kế toán trưởng;

c) Bảo lưu ý kiến chuyên môn bằng văn bản khi có ý kiến khác với ý kiến của người ra quyết định;

d) Báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị; trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.

Điều 20.  ND 174 Kế toán trưởng, phụ trách kế toán

1. Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.

2. Phụ trách kế toán:

a) Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.

b) Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.

3. Thời hạn bổ nhiệm kế toán trưởng của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước, thời hạn bổ nhiệm phụ trách kế toán của các đơn vị quy định tại điểm a khoản 2 Điều này là 5 năm sau đó phải thực hiện các quy trình về bổ nhiệm lại kế toán trưởng, phụ trách kế toán.

4. Khi thay đổi kế toán trưởng, phụ trách kế toán, người đại diện theo pháp Luật của đơn vị kế toán hoặc người quản lý, Điều hành đơn vị kế toán phải tổ chức bàn giao công việc và tài liệu kế toán giữa kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ và kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới, đồng thời thông báo cho các bộ phận có liên quan trong đơn vị và cho các cơ quan nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch biết họ tên và mẫu chữ ký của kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới chịu trách nhiệm về công việc kế toán của mình kể từ ngày nhận bàn giao công việc. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ vẫn phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình phụ trách.

5. Bộ Nội vụ hướng dẫn phụ cấp trách nhiệm công việc, thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế kế toán trưởng và phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước.

§iÒu 52. KÕ to¸n tr­ëng

1. KÕ to¸n tr­ëng cã nhiÖm vô tæ chøc thùc hiÖn c«ng t¸c kÕ to¸n trong ®¬n vÞ kÕ to¸n theo quy ®Þnh t¹i §iÒu 5 cña LuËt nµy.

2. KÕ to¸n tr­ëng cña c¬ quan nhµ n­íc, ®¬n vÞ sù nghiÖp, tæ chøc cã sö dông kinh phÝ ng©n s¸ch nhµ n­íc, ®¬n vÞ sù nghiÖp, tæ chøc kh«ng sö dông kinh phÝ ng©n s¸ch nhµ n­íc vµ doanh nghiÖp nhµ n­íc ngoµi nhiÖm vô quy ®Þnh t¹i kho¶n 1 §iÒu nµy cßn cã nhiÖm vô gióp ng­êi ®¹i diÖn theo ph¸p luËt cña ®¬n vÞ kÕ to¸n gi¸m s¸t tµi chÝnh t¹i ®¬n vÞ kÕ to¸n.

3. KÕ to¸n tr­ëng chÞu sù l·nh ®¹o cña ng­êi ®¹i diÖn theo ph¸p luËt cña ®¬n vÞ kÕ  to¸n; tr­êng hîp cã ®¬n vÞ kÕ to¸n cÊp trªn th× ®ång thêi chịu sù chØ ®¹o vµ kiÓm tra cña kÕ to¸n tr­ëng cÊp trªn vÒ chuyªn m«n, nghiÖp vô.

4. Tr­êng hîp ®¬n vÞ kÕ  to¸n cö ng­êi phô tr¸ch kÕ to¸n thay kÕ to¸n tr­ëng th× ng­êi phô tr¸ch kÕ to¸n ph¶i cã c¸c tiªu chuÈn quy ®̃nh t¹i kho¶n 1 §iÒu 50 cña LuËt nµy vµ ph¶i thùc hiÖn nhiÖm vô, tr¸ch nhiÖm vµ quyÒn quy ®Þnh cho kÕ to¸n tr­ëng.

 

 

T­¬ng tù.

 

Quy ®Þnh vÒ KTT trong ®¬n vÞ sö dông NSNN kh«ng ghi râ 50% vèn NN.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Điều 21. Tiêu chuẩn và Điều kiện của kế toán trưởng, phụ trách kế toán

1. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán phải có các tiêu chuẩn quy định tại điểm a, c, d khoản 1 Điều 54 Luật kế toán và không thuộc các trường hợp không được làm kế toán theo quy định tại Điều 19 Nghị định này. Bộ Tài chính quy định về việc tổ chức, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kế toán trưởng.

2. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên, bao gồm:

a) Cơ quan có nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước các cấp;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Quốc hội, cơ quan khác của nhà nước ở trung ương và các đơn vị kế toán trực thuộc các cơ quan này;

c) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương; các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc các cơ quan này;

đ) Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh;

e) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp trung ương, cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước;

g) Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia;

h) Đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện;

i) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp Luật Việt Nam trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều này;

k) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn Điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên;

l) Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

3. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, bao gồm:

a) Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có tổ chức bộ máy kế toán (trừ các đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện);

b) Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp huyện, cơ quan của tỉnh đặt tại cấp huyện;

c) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp huyện có sử dụng ngân sách nhà nước;

d) Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước trừ các trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 Điều này;

đ) Đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn;

e) Đơn vị sự nghiệp công lập ngoài các đơn vị quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

g) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp Luật Việt Nam không có vốn nhà nước, có vốn Điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng;

h) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn Điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng.

4. Đối với các tổ chức, đơn vị khác ngoài các đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của kế toán trưởng, phụ trách kế toán do người đại diện theo pháp Luật của đơn vị quyết định phù hợp với quy định của Luật kế toán và các quy định khác của pháp Luật liên quan.

5. Đối với kế toán trưởng, phụ trách kế toán của công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước hoặc là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn Điều lệ phải có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 05 năm.

6. Tiêu chuẩn, Điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ của kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.

§iÒu 53 LuËt kÕ to¸n. Tiªu chuÈn vµ ®ỉu kiÖn cña kÕ to¸n tr­ëng

1. KÕ to¸n tr­ëng ph¶i cã c¸c tiªu chuÈn sau ®©y:

a) C¸c tiªu chuÈn quy ®̃nh t¹i kho¶n 1 §ỉu 50 cña LuËt nµy;

b) Cã chuyªn m«n, nghiÖp vô vÒ kÕ to¸n tõ  bËc trung cÊp trë lªn;

c) Thêi gian c«ng t¸c thùc tÕ vÒ kÕ o¸n Ýt nhÊt lµ hai n¨m ®èi víi ng­êi cã  chuyªn m«n, nghiÖp vô vÒ to¸n tõ tr×nh ®é ®¹i häc trë lªn vµ thêi gian c«ng t¸c thùc tÕ vÒ to¸n Ýt nhÊt lµ ba n¨m ®èi víi ng­êi cã chuyªn m«n, nghiÖp vô vÒ kÕ to¸n bËc trung cÊp.

2. Ng­êi lµm kÕ to¸n tr­ëng ph¶i că chøng chØ qua líp båi d­́ng kÕ to¸n tr­ëng.

3. ChÝnh phñ quy ®̃nh cô thÓ tiªu chuÈn vµ ®iÒu kiÖn cña kÕ to¸n tr­ëng phï hîp víi tõng lo¹i ®¬n vÞ kÕ to¸n.

 

Quy ®Þnh kh¸c nhau víi nh÷ng lo¹i ®¬n vÞ kh¸c nhau, tr×nh ®é tèi thiÓu víi kÕ to¸n tr­ëng còng kh¸c nhau.
Điều 22. Thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán

1. Đơn vị kế toán trong lĩnh vực kinh doanh; tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước và đơn vị kế toán khác quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định

( 1. Đơn vị kế toán trong lĩnh vực kinh doanh bao gồm doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp Luật Việt Nam; chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; ban quản lý dự án, đơn vị khác có tư cách pháp nhân do doanh nghiệp thành lập.

2. Đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước bao gồm cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp (Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan hải quan); đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn; cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; ban quản lý dự án có tư cách pháp nhân do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thành lập; cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; các tổ chức được nhà nước cấp vốn để tổ chức hoạt động theo mục tiêu chính trị – xã hội cụ thể.) được thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để làm kế toán hoặc làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán. Tổ chức đơn vị sự nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước có thể thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để làm kế toán hoặc làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán do người đại diện theo pháp Luật của đơn vị quyết định.

2. Đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán khi cử người làm dịch vụ kế toán cho khách hàng phải đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 51, Điều 56, Điều 58 Luật kế toán và không thuộc các trường hợp không được làm kế toán hoặc không được cung cấp dịch vụ kế toán quy định tại Điều 19 và Điều 25 Nghị định này.

3. Đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán khi cử người làm dịch vụ kế toán trưởng, phụ trách kế toán cho khách hàng phải đảm bảo quy định tại Điều 56, 58 Luật kế toán, Điều 21 Nghị định này và không thuộc các trường hợp không được làm kế toán hoặc không được cung cấp dịch vụ kế toán quy định tại Điều 19 và Điều 25 Nghị định này.

4. Người được thuê làm dịch vụ kế toán có quyền và trách nhiệm của người làm kế toán quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 51 Luật kế toán. Người được thuê dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán có quyền và trách nhiệm của kế toán trưởng quy định tại Điều 55 Luật kế toán.

5. Người đại diện theo pháp Luật của đơn vị kế toán phải chịu trách nhiệm về việc thuê dịch vụ làm kế toán, thuê dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán

Điu 39. Thuª làm kế tãan, thuª làm kế to¸n trưởng

Căn cứ khoản 1 Điều 56 của Luật Kế to¸n, việc thuª làm kế to¸n, thuª  làm kế to¸n trưởng được quy định như sau:

1. Đơn vị kế to¸n được thuª doanh nghiệp dịch vụ kế to¸n hoặc người cã đăng ký kinh doanh dịch vụ kế to¸n làm kế to¸n hoặc làm kế toan trưởng.

2. Người được thuª làm kế to¸n, thuª làm kế to¸n trưởng phải đảm bảo những tiªu chuẩn nghề nghiệp quy định tại c¸c Điều 51, 55, 56 và Điều 57 của Luật Kế to¸n.

3. Người được thuª làm kế to¸n trưởng phải cã đủ c¸c điều kiện:

a) Cã chứng chỉ hành nghề kế toán theo quy định tại Điều 57 của Luật Kế toán;

b) Cã chứng chỉ bồi dưỡng kế tãan trưởng theo quy định của Bộ Tài chính;

c) Cã đăng ký kinh doanh dịch vụ kế to¸n hoặc cã đăng ký hành nghề kế to¸n trong doanh nghiệp dịch vụ kế to¸n

4. Người được thuª làm kế to¸n cã tr¸ch nhiệm và quyền của người làm kế to¸n quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 50 của Luật Kế toán. Người được thuê làm kế toán trưởng có trách nhiệm và quyền của kế toán trưởng quy định tại Điều 54 của Luật Kế to¸n.

5. Người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế to¸n phải chịu trách nhiệm về việc thuê làm kế to¸n, thuª làm kế to¸n trưởng.

 

Giíi h¹n ®èi t­îng thuª lµm kÕ to¸n, kÕ to¸n tr­ëng.

Thuª hay kh«ng thuª th× quyÒn vµ tr¸ch nhiÖm, tiªu chuÈn cña kÕ to¸n, kÕ to¸n tr­ëng lµ nh­ nhau. Kh«ng cÇn thiÕt ph¶I quy ®Þnh l¹i nh­ trong nghÞ ®Þnh cò

Điều 23. Kế toán đối với văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, hộ kinh doanh và tổ hợp tác, nhà thầu nước ngoài

1. Việc bố trí người làm kế toán của văn phòng đại diện doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và hộ kinh doanh, tổ hợp tác do trưởng văn phòng đại diện, người đại diện hộ kinh doanh hoặc tổ hợp tác quyết định.

2. Văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và hộ kinh doanh, tổ hợp tác được vận dụng chế độ kế toán doanh nghiệp để mở sổ kế toán phục vụ việc theo dõi, ghi chép và xác định nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước.

3. Nhà thầu nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc cư trú tại Việt Nam mà cơ sở thường trú hoặc cư trú này không phải là đơn vị độc lập có tư cách pháp nhân thì cơ sở thường trú hoặc cư trú này được lựa chọn áp dụng đầy đủ hoặc một số nội dung của Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với đặc điểm hoạt động, yêu cầu quản lý của mình và phải thông báo cho cơ quan thuế theo quy định.

Trường hợp nhà thầu lựa chọn áp dụng đầy đủ Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam thì phải thực hiện nhất quán cho cả niên độ kế toán.

Kh«ng cã quy ®Þnh

ThS Nguyễn Thị Phương Thảo