
Hang Xu
Thực trạng đầu tư tài sản của doanh nghiệp nhỏ và vừa tiểu vùng Tây Bắc
ThS. Đào Thị Vân Anh
Tóm tắt:
Dữ liệu phân tích của 564 DNNVV được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên tại 4 tỉnh vùng Tây Bắc với các tiêu thức phân loại về thời gian, ngành nghề kinh doanh và loại hình doanh nghiệp (DN) đã cho thấy rằng quy mô đầu tư tài sản của các DNNVV trong khu vực đang có xu hướng mở rộng qua các năm. Tỷ lệ nợ phải trả bình quân hàng năm luôn ở mức cao 60% cho thấy hầu hết các DN đều sử dụng nợ vay để đầu tư là chủ yếu. Cơ cấu đầu tư không có sự biến động nhiều qua các năm nhưng đa số các DN đều tập trung đầu tư nhiều vào tài sản ngắn hạn (TSNH).
Từ khóa: đầu tư tài sản, tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tây Bắc
- Giới thiệu
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiểu vùng Tây Bắc đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực. Tính riêng trong năm 2015, các DNNVV đóng góp gần 45% GDP với 30,02% tổng kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách gần 27% tổng thu ngân sách của khu vực. Để có được những thành quả đó, các doanh nghiệp này đã phải đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng như thiếu vốn để đầu tư, đổi mới tài sản dài hạn (TSDH), năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm về marketing và đầu tư. Trong số những khó khăn đó, thiếu nguồn tài chính và thiếu kinh nghiệm trong các quyết định đầu tư tài sản là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất. Đầu tư tài sản không hiệu quả có thể gây ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Ngược lại, đầu tư tài sản có hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn và gia tăng lợi nhuận. Để đánh giá được một cách chính xác hiệu quả đầu tư của các DNNVV hiện nay, tác giả tiến hành nghiên cứu về thực trạng đầu tư tài sản của các DNNVV để làm cơ sở đánh giá.
- Phạm vi nghiên cứu
Bài viết sử dụng dữ liệu là báo cáo tài chính của 564 DNNVV tại 4 tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc bao gồm: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình (theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp DNNVV) trong giai đoạn 2012 – 2015 với phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên để nghiên cứu.
Với mỗi quốc gia, mỗi tổ chức kinh tế và ở Việt Nam trong những thời kỳ khác nhau thì tiêu thức phân loại DNNVV được sử dụng là khác nhau. Tuy nhiên, do bài viết sử dụng bộ dữ liệu của DNNVV tại tiểu vùng Tây Bắc trong giai đoạn năm 2012 – 2015, trong giai đoạn này hầu hết các nghiên cứu đều đang áp dụng theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP để phân loại quy mô DN nên tác giả cũng sử dụng các tiêu chí được quy định tại Nghị định này làm căn cứ để phân loại các DNNVV tiểu vùng Tây Bắc.
- Phương pháp nghiên cứu
Để nghiên cứu được thực trạng đầu tư tài sản của các DNNVV tiểu vùng Tây Bắc, tác giả sử dụng các phương pháp cơ bản như sau:
* Phương pháp thống kê
Trên cơ sở Báo cáo tài chính của các DN được thu thập từ dữ liệu khảo sát của Cục thống kê các tỉnh vùng Tây Bắc, tác giả tiến hành chọn lọc các dữ liệu cần thiết liên quan đến đầu tư tài sản của doanh nghiệp như: Tổng tài sản, tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, nợ phải trả, lợi nhuận sau thuế, doanh thu thuần và một số chỉ tiêu khác. Căn cứ vào đó, tác giả thống kê lại các chỉ tiêu theo từng DN trong từng năm để hình thành nên bộ dữ liệu dưới dạng bảng với 564 DN trong thời gian 4 năm từ năm 2012 đến năm 2015.
* Phương pháp phân tích
Sử dụng các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng tài sản của DN, tác giả tiến hành phân tích với mục tiêu đánh giá thực trạng đầu tư tài sản của các DNNVV tiểu vùng Tây Bắc trên nhiều góc độ: theo năm hoạt động, theo loại hình DN, theo ngành nghề kinh doanh.
- Kết quả nghiên cứu
4.1 Đặc điểm các DNNVV tại tiểu vùng Tây Bắc
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã thu thập Báo cáo tài chính của 564 DNNVV được phân bố tại 4 tỉnh làm dữ liệu nghiên cứu. Trong đó, số lượng các DNNVV thu thập tại các tỉnh được thống kê lại như sau:
Bảng 1. Thống kê số lượng DNNVV năm 2015 được nghiên cứu tại các tỉnh
Tỉnh | DNNVV tiểu vùng Tây Bắc năm 2015 | DNNVV tiểu vùng Tây Bắc được nghiên cứu | ||
Số lượng (DN) | Tỷ lệ (%) | Số lượng (DN) | Tỷ lệ (%) | |
Lai Châu | 642 | 16,19 | 80 | 14,18 |
Điện Biên | 798 | 20,13 | 118 | 20,92 |
Sơn La | 1.038 | 26,18 | 171 | 30,32 |
Hòa Bình | 1.487 | 37,5 | 195 | 34,57 |
Tổng | 3.965 | 100 | 564 | 100 |
(Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục thống kê, 2016 và dữ liệu nghiên cứu)
Là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi do tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, giao thông vận tải thuận tiện hơn so với các tỉnh khác nên số lượng DNNVV tại tỉnh Hòa Bình nhiều hơn so với các tỉnh khác (số lượng DNNVV chiếm 37,5% tổng DNNVV của cả vùng). Ngược lại, là địa phương có địa hình đồi núi bị chia cắt nhiều, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, lại là tỉnh mới được chia tách với tỉnh Điện Biên và phân định lại địa giới hành chính nên số lượng DNNVV của tỉnh Lai Châu ở mức thấp nhất trong khu vực (chiếm 16,19% tổng DNNVV của cả vùng).
Trên cơ sở những đặc điểm của tổng thể, tác giả đã lựa chọn thu thập dữ liệu các DNNVV được phân bố tại cả 4 tỉnh, trong đó số lượng DN được thu thập tại tỉnh Hòa Bình là lớn nhất 195 DN chiếm 34,57% trong mẫu nghiên cứu. Số lượng DN được thu thập tại tỉnh Lai Châu là ít nhất với 80 DN chiếm 14,18% tổng số DN được nghiên cứu. Như vậy, tỷ lệ và quy mô các DN tại các địa phương trong mẫu nghiên cứu có thể đảm bảo được sự tương đồng trong tổng thể.
4.2. Thực trạng đầu tư tài sản của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiểu vùng Tây Bắc
Hiện nay, trong các báo cáo và dữ liệu thống kê của Tổng cục thống kê và Cục thống kê các tỉnh vùng Tây Bắc chưa có dữ liệu tổng hợp liên quan đến vấn đề tăng/giảm quy mô đầu tư tài sản (đầu tư tài sản nhiều hay ít), sự thay đổi trong cơ cấu và hiệu quả đầu tư tài sản của các DNNVV tại các địa phương này. Vì vậy, thực trạng đầu tư TS của các DNNVV tiểu vùng Tây Bắc được tác giả tổng hợp lại với 564 DNNVV trong mẫu nghiên cứu.
4.2.1. Thực trạng đầu tư tài sản của DNNVV tiểu vùng Tây Bắc qua các năm
Bảng 2. Đầu tư tài sản hàng năm của DNNVV tiểu vùng Tây Bắc
Chỉ tiêu | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 |
TS (tr.đ) | 12.774,998 | 14.596,74 | 15.668,52 | 16.978,196 |
TSNH (tr.đ) | 8.590,832 | 10.059,806 | 10.673,401 | 11.594,007 |
TSDH (tr.đ) | 4.199,398 | 4.535,332 | 4.995,119 | 5.384,189 |
TSDH/TTS | 32,872 | 31,071 | 31,880 | 31,712 |
Nợ phải trả (tr.đ) | 7.751,853 | 8.880,457 | 9.344,288 | 10.160,116 |
Nợ/TTS | 60,680 | 60,839 | 59,637 | 59,842 |
VCSH (tr.đ) | 5.091,981 | 5.743,503 | 6.357,367 | 6.818,079 |
(Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra DN hàng năm của Cục thống kê các tỉnh Tây Bắc)
Các số liệu trong bảng 2 đều được tính bình quân số học của từng chỉ tiêu theo từng năm. Chỉ tiêu TS tăng theo thời gian cho thấy quy mô sxkd bình quân của các DN tăng qua các năm cho thấy các DN đều có xu hướng mở rộng quy mô hoạt động sxkd trong những năm gần đây cả về quy mô tài sản, các loại tài sản, quy mô nợ vay và vốn chủ sở hữu. Cơ cấu TSDH trong tổng TS hàng năm luôn ở mức thấp và không có sự biến động nhiều qua các năm, thường xuyên duy trì ở mức 31-32% cho thấy các DN chủ yếu đầu tư vào TSNH nhiều hơn. Tỷ trọng nợ trong tổng nguồn vốn hàng năm luôn được duy trì ở mức trên 50% và cũng không biến động nhiều qua các năm cho thấy các DN đều đầu tư bằng nguồn vốn vay nhiều hơn nguồn vốn chủ sở hữu, đồng nghĩa với gia tăng rủi ro trong kinh doanh.
Bảng 3. Thống kê số lượng DNNVV Tây Bắc đầu tư TS hàng năm
Năm | DN đầu tư TS tăng | DN đầu tư TS giảm và không đổi | DN tăng TSDH/TTS | DN giảm, không đổi TSDH/TTS | ||||
Số DNNVV (DN) | Tỷ trọng (%) | Số DNNVV (DN) | Tỷ trọng (%) | Số DNNVV (DN) | Tỷ trọng (%) | Số DNNVV (DN) | Tỷ trọng (%) | |
2013 | 392 | 69,5 | 172 | 30,5 | 219 | 38,83 | 345 | 61,17 |
2014 | 359 | 63,65 | 205 | 36,35 | 235 | 41,67 | 329 | 58,33 |
2015 | 348 | 61,7 | 216 | 38,3 | 228 | 40,43 | 336 | 59,57 |
(Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra DN hàng năm của Cục thống kê các tỉnh Tây Bắc)
Từ bảng tổng hợp 3 cho thấy, mặc dù số lượng các DN tăng đầu tư TS qua các năm ngày càng ít hơn nhưng nhìn chung, đa số các DNNVV tiểu vùng Tây Bắc đều có xu hướng đầu tư thêm TS qua các năm, biểu hiện là có đến gần 70% các DN được nghiên cứu đều tăng quy mô TS trong năm 2013, tỷ lệ này giảm dần qua các năm gần đây nhưng vẫn chiếm trên 60% các DN trong mẫu nghiên cứu và chỉ có 38,3% các DN không hoặc giảm đầu tư TS trong năm 2015. Mặc dù đa số các DN tăng quy mô đầu tư tài sản, nhưng số DN có tỷ lệ TSDH/TTS tăng chỉ chiếm 38% đến 42% trong tổng số DN được nghiên cứu. Điều đó có nghĩa rằng, ngày càng có ít DN đầu tư thêm TSDH và đa số các DN có xu hướng sử dụng ít TSDH hơn hoặc không thay đổi cơ cấu các loại TS trong DN.
4.2.2. Thực trạng đầu tư TS của DNNVV tiểu vùng Tây Bắc phân loại theo loại hình DN
Từ bảng số liệu cho thấy các DN thuộc loại hình công ty cổ phần có quy mô sxkd bình quân là lớn nhất, các DN thuộc loại hình công ty TNHH có quy mô sxkd bình quân nhỏ nhất nhưng không chênh lệch nhiều so với DN tư nhân. Chỉ tiêu Tổng tàn sản bình quân của các loại hình DN đều tăng qua các năm một lần nữa khẳng định rằng các DN đều có xu hướng mở rộng quy mô sxkd trong những năm gần đây. Tương tự như quy mô sxkd bình quân, quy mô TSDH bình quân hàng năm của các DN đều gia tăng trong những năm gần đây. Các DN loại hình công ty cổ phần có quy mô sxkd lớn nhất và cũng đầu tư nhiều TSDH nhất, biểu hiện là quy mô TSDH của loại hình DN này qua các năm luôn cao hơn so với các loại hình DN khác. Trong khi đó, mặc dù quy mô sxkd bình quân cao hơn loại hình công ty TNHH nhưng các DN tư nhân vẫn đầu tư ít TSDH nhất.
Tỷ trọng TSDH trong tổng TS bình quân của các DN đều dưới 50% cho thấy các DN chủ yếu đầu tư TSNH. Kết quả này đồng nhất với kết quả trên phân loại theo quy mô DN. Công ty TNHH có quy mô đầu tư sxkd hàng năm thấp nhất nhưng tỷ trọng TSDH trong tổng TS bình quân lại cao nhất so với các loại hình DN khác.
Tỷ trọng nợ trong tổng nguồn vốn của các DN đều trên 50% cho thấy các DN đều sử dụng nợ vay nhiều hơn vốn chủ sở hữu. Kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với kết quả phân loại theo quy mô DN. Điều này chứng tỏ các công ty vẫn đang tiếp tục mở rộng quy mô DN dựa trên khả năng huy động nợ, đặc biệt là DN tư nhân. Nếu không có năng lực quản lý tài sản và quản lý chi phí thì việc sử dụng nợ để đầu tư tài sản lại gây tác dụng ngược tới khả năng sinh lời của DN.
Bảng 5. Đầu tư tài sản hàng năm của DNNVV tiểu vùng Tây Bắc phân loại theo hình thức pháp lý
Chỉ tiêu | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | ||||||||
Công ty Cổ phần | DN tư nhân | Công ty TNHH | Công ty Cổ phần | DN tư nhân | Công ty TNHH | Công ty Cổ phần | DN tư nhân | Công ty TNHH | Công ty Cổ phần | DN tư nhân | Công ty TNHH | |
TS (tr.đ) | 16.980,02 | 11.729,72 | 10.777,76 | 19.851,39 | 12.733,75 | 12.686,85 | 21.411,35 | 13.772,99 | 13.442,67 | 22.897,01 | 15.136,19 | 14.574,12 |
TSNH (tr.đ) | 11.814,22 | 8.291,23 | 6.578,49 | 13.982,14 | 9.085,82 | 8.223,51 | 14.668,22 | 9.843,37 | 8.643,54 | 15.511,96 | 10.798,36 | 9.585,06 |
TSDH (tr.đ) | 5.244,55 | 3.438,49 | 4.199,27 | 5.869,25 | 3.643,55 | 4.463,34 | 6.743,13 | 3.929,62 | 4.799,13 | 7.385,06 | 4.337,83 | 4.989,07 |
TSDH/TTS (%) | 30,89 | 29,31 | 38,96 | 29,57 | 28,61 | 35,18 | 31,49 | 28,53 | 35,7 | 32,25 | 28,66 | 34,23 |
Nợ phải trả (tr.đ) | 10.104,8 | 7.820,96 | 5.981,53 | 12.408,37 | 8.176,56 | 7.055,77 | 12.750,56 | 8.778,87 | 7.480,58 | 13.578,13 | 9.705,72 | 8.171,23 |
Nợ/TTS (%) | 59,51 | 66,68 | 55,5 | 62,51 | 64,21 | 55,62 | 59,55 | 63,74 | 55,65 | 59,3 | 64,12 | 56,07 |
VCSH (tr.đ) | 6.942,58 | 3.984,69 | 4.854,05 | 7.443,02 | 4.628,3 | 5.631,08 | 8.746,37 | 4.994,12 | 5.997,88 | 9.318,89 | 5.430,47 | 6.402,9 |
(Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra DN hàng năm của Cục thống kê các tỉnh vùng Tây Bắc)
4.2.3. Thực trạng đầu tư TS của DNNVV tiểu vùng Tây Bắc phân loại theo ngành kinh doanh
Số lượng các DN ngành Công nghiệp và xây dựng là rất lớn, chiếm trên 50% số DN được nghiên cứu, quy mô sxkd bình quân của các DN trong ngành này là lớn nhất và có xu hướng tăng trong những năm gần đây nhưng tỷ trọng TSDH lại thấp nhất cho thấy các DN ngành Công nghiệp và xây dựng không đầu tư quá nhiều vào các loại TSDH, kết quả này đã được giải thích ở trên. Tuy nhiên, dù không đầu tư để sở hữu TSDH nhưng bản chất đây vẫn là loại hình doanh nghiệp sxkd có chu kỳ lớn hơn các ngành khác, chậm thu hồi tổng vốn đầu tư. Dù tỷ trọng TSDH là thấp nhất, các DN không đầu tư TSDH nhưng vẫn hoạt động dựa trên nguồn vốn vay nhiều nhất (tỷ trọng nợ/TTS cao nhất) đồng nghĩa với khả năng tự chủ về tài chính của các DN này là thấp nhất.
Tỷ trọng TSDH của các DN ngành Thương mại và dịch vụ chỉ duy trì ở mức 44%-46% và không có sự biến động nhiều qua các năm. Mặc dù là ngành có quy mô sxkd bình quân thấp nhất nhưng tỷ trọng TSDH lại cao hơn so với các ngành khác và quy mô sxkd cũng như quy mô TSDH vẫn đang tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây. Tương tự như các ngành khác, các DN ngành Thương mại và dịch vụ cũng đã tận dụng lợi thế của đòn bẩy kinh doanh để đầu tư nhiều hơn. Mặc dù tỷ trọng TSDH cao nhất nhưng tỷ trọng nợ của nhóm DN này lại thấp nhất đồng nghĩa với các DN đầu tư TSDH bằng nguồn vốn chủ sở hữu nhiều hơn so với các ngành khác nên các DN tự chủ về tài chính hơn.
Bảng 6. Đầu tư TS hàng năm của DNNVV tiểu vùng Tây Bắc phân loại theo ngành kinh doanh
Chỉ tiêu | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | ||||||||
Nông lâm nghiệp và thủy sản | Thương mại – Dịch vụ | Công nghiệp và xây dựng | Nông lâm nghiệp và thủy sản | Thương mại – Dịch vụ | Công nghiệp và xây dựng | Nông lâm nghiệp và thủy sản | Thương mại – Dịch vụ | Công nghiệp và xây dựng | Nông lâm nghiệp và thủy sản | Thương mại – Dịch vụ | Công nghiệp và xây dựng | |
TS (tr.đ) | 12.513,68 | 9.578,751 | 14.867,62 | 13.900,64 | 10.554,89 | 17.327,743 | 15.796,885 | 11.804,232 | 17.987,07 | 17.390,21 | 12.860,839 | 19.500,35 |
TSNH (tr.đ) | 7.871,415 | 5.311,616 | 10.831,53 | 8.415,577 | 5.916,033 | 13.075,371 | 9.482,913 | 6.386,863 | 13.577,54 | 10.653,25 | 7.114,746 | 14.659,81 |
TSDH (tr.đ) | 4.642,268 | 4.294,800 | 4.036,094 | 5.485,059 | 4.638,854 | 4.249,382 | 6.313,973 | 5.417,370 | 4.409,536 | 6.736,966 | 5.746,093 | 4.840,547 |
TSDH/TTS | 37,098 | 44,837 | 27,147 | 39,459 | 43,950 | 24,524 | 39,970 | 45,893 | 24,515 | 38,740 | 44,679 | 24,823 |
Nợ phải trả (tr.đ) | 7.248,043 | 5.331,145 | 9.394,455 | 8.175,007 | 5.972,302 | 10.883,236 | 9.132,812 | 6.538,165 | 11.108,72 | 10.382,42 | 7.217,394 | 11.979,46 |
Nợ/TTS | 57,921 | 55,656 | 63,187 | 58,810 | 56,583 | 62,808 | 57,814 | 55,388 | 61,759 | 59,703 | 56,119 | 61,432 |
VCSH (tr.đ) | 5.266,555 | 4.330,905 | 5.535,379 | 5.725,632 | 4.613,690 | 6.465,938 | 6.664,074 | 5.334,530 | 6.878,358 | 7.007,788 | 5.643,445 | 7.520,895 |
(Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra DN hàng năm của Cục thống kê các tỉnh vùng Tây Bắc)
- Kết luận
Như vậy, đa số các DNNVV tiểu vùng Tây Bắc hoạt động dưới 2 loại hình DNTN và công ty TNHH, trong đó chủ yếu là các DN ngành Công nghiệp và xây dựng với quy mô sản xuất kinh doanh đều có xu hướng mở rộng qua các năm. Nhìn chung, các DN đều sử dụng nợ vay nhiều hơn sử dụng vốn chủ sở hữu, sử dụng nợ vay để đầu tư tài sản. Quy mô TSNH và TSDH được sử dụng đều gia tăng theo thời gian nhưng các DN đều tập trung đầu tư nhiều vào TSNH là loại TS có tính thanh khoản cao hơn.
Với việc mở rộng quy mô đầu tư TS qua các năm nhưng chỉ tập trung vào các loại TSNH cho thấy rằng mọi nỗ lực khai thác và sử dụng TS sau khi đã đầu tư của DN chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn, các DN chỉ đang cố gắng khắc phục tình hình hiện tại mà chưa tính đến tương lai dài hạn. Trong khi hiệu suất sử dụng TSDH của các DN tương đối cao thì cơ cấu TSDH chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong đầu tư TS đồng nghĩa với DN đang đánh mất đi khả năng sinh lời của các loại TSDH. Do vậy, trong thời gian tới, các DN nên thay đổi cơ cấu đầu tư TS để khai thác và tận dụng được lợi thế của các loại TSDH.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Baneijee B., (2010), Financial Policy and Management Accounting. Eight Edition, Prentice – Hall of India Learning Private Limited, New Delhi.
- Bao H., (2010), A Study on Leverage and Firm Investment: Chinese Evidence, Royal Institute of Technology, pp. 1-46. Retrieved August 15, 20121.
- Báo cáo điều tra doanh nghiệp năm 2013, 2014, 2015, 2016 của Cục thống kê các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình.
- Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ban hành ngày 30 tháng 6 năm 2009.
- Tổng cục thống kê, (2016), Kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2010 – 2014, Nhà xuất bản Thống kê.
Kinh nghiệm quản trị rủi ro tín dụng của Ngân hàng ANZ và một số bài học kinh nghiệm cho các ngân hàng Việt Nam
Phan Nam Giang
Quản trị rủi ro tín dụng là quá trình xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách quản trị và kinh doanh tín dụng nhằm tối đa hóa lợi nhuận trong giới hạn rủi ro có thể chấp nhận. Nội dung của quản trị rủi ro tín dụng bao gồm: nhận biết rủi ro tín dụng, phân tích đánh giá rủi ro tín dụng, ứng phó rủi ro tín dụng và kiểm soát rủi ro tín dụng. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm quản trị rủi ro tín dụng hiện nay đang được ANZ – một ngân hàng thương mại lớn trên thế giới, tuân thủ nghiêm ngặt Hiệp ước Basel trong quản trị rủi ro tín dụng, từ đó đưa ra các bài học kinh nghiệm trong quản trị rủi ro tín dụng cho hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Quản trị rủi ro tín dụng tại ANZ
Ngân hàng ANZ của Australia là một trong những ngân hàng hàng đầu của Australia, với tài sản trị giá 507 tỷ USD vào năm 2009 và có hơn 30.000 nhân viên trên khắp các châu lục. Đặc điểm công tác quản trị rủi ro tín dụng (QTRRTD) của ANZ có một số điểm nhấn đáng lưu ý như:
– Đo lường rủi ro định lượng: Do đã xây dựng được hệ thống dữ liệu tích hợp, tập trung nên ANZ có thể áp dụng mô hình đo lường tín dụng nội bộ và mô hình RAROC.
+ Mô hình đo lường tín dụng nội bộ: ANZ áp dụng mô hình này theo quy trình chung theo quy định của Basel II. Tuy nhiên, ANZ đánh giá tiêu chí xác suất không trả được nợ như là một tiêu chí chủ chốt để xem mức độ tin cậy của người vay trong quá trình xếp hạng khách hàng. Hệ thống xếp hạng tín dụng của ANZ được thiết kế tham khảo tổ chức đánh giá mức tín nhiệm Standard & Poor và tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt của Basel II.
+ Mô hình KAROC: Ngân hàng ANZ áp dụng phương pháp KAROC và xem đây là phương pháp tính hiệu quả khoản vay. Theo ANZ, phương pháp KAROC đảm bảo rằng một khoản vay chỉ được thông qua khi và chỉ khi khoản vay đem lại giá trị cho cổ đông. Nếu RAROC của khoản vay thấp hơn ROE thì khoản vay sẽ từ chối, tuy nhiên nếu lớn hơn sẽ được thông qua.
– Tổ chức quản trị rủi ro tập trung: ANZ đo lường rủi ro theo mô hình tổ chức quản trị rủi ro tập trung, cụ thể:
Thứ nhất, mọi quyết định về chiến lược quản trị rủi ro của ANZ tập trung ở Hội đồng quản trị.
Thứ hai, để đảm bảo quyết định tín dụng được chặt chẽ và rõ ràng, cấu trúc của hoạt động quản trị rủi ro ở ANZ chia làm 3 bộ phận: Bộ phận kinh doanh và quan hệ khách hàng, Bộ phận Quản trị rủi ro, Bộ phận quản trị nợ
Thứ ba, đối với các khoản vay lớn thì quyết định cuối cùng được đưa ra bởi Ủy ban quản trị rủi ro và hội đồng quản trị rủi ro.
– Kiểm soát RRTD kép: ANZ hoạt động trong một thị trường tài chính phát triển qua nhiều thập kỷ, do đó toàn bộ hoạt động tín dụng của ngân hàng đều được giám sát chặt chẽ qua các cổ đông và thị trường. Điều này góp phần làm tăng tính minh bạch và công khai về thông tin của ANZ.
Ngoài ra, ANZ còn chú trọng xây dựng một hệ thống kiểm soát tín dụng nội bộ toàn diện trong đó có:
(i) Hệ thống cảnh báo các dấu hiệu bất thường của các khoản tín dụng được nghiên cứu và đi vào hoạt động để có thể khắc phục kịp thời tránh tổn thất xảy ra;
(ii) Hoạt động “kiểm tra thử khủng hoảng” được thực hiện định kỳ hoặc tại những thời điểm nền kinh tế có dấu hiệu bất ổn, để lượng hóa rủi ro chính xác trong từng thời kỳ và có biện pháp phòng chống, dự phòng rủi rọ, chính sách giá phù hợp;
(iii) Hoạt động kiểm toán nội bộ với phương thức kiểm tra bất ngờ đang được duy trì một cách rất hiệu quả đảm bảo tính tuân thủ tuyệt đối trong hệ thống.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quản trị rủi ro tín dụng ở ANZ, bài học kinh nghiệm rút ra cho các NHTM Việt Nam có thể đề cập tới như sau:
Một là, thực hiện QTRRTD theo thông lệ quốc tế, tăng cường sử dụng phương pháp định lượng trong phân tích, đánh giá RRTD.
Theo thông lệ quốc tế, QTRRTD được bao gồm 5 nội dung cơ bản: (i) Xây dựng chiến lược và khẩu vị rủi ro; (ii) Lựa chọn phương thức quản trị rủi ro phù hợp; (iii) Xây dựng hệ thống quản lý hạn mức rủi ro; (iv) Xây dựng hệ thống phê duyệt tín dụng; (v) Xây dựng hệ thống kiểm soát RRTD.
Xây dựng chiến lược và khẩu vị rủi ro: Cần xác định chiến lược quản trị rủi ro hướng tới của ngân hàng là gì? Ngân hàng có chấp nhận rủi ro để có thể đem lại lợi nhuận cao hơn hay lựa chọn chiến lược phát triển ổn định, kiểm soát chặt chẽ RRTD. Khẩu vị rủi ro cụ thể của ngân hàng là rủi ro nên được xem xét trên cả hai mặt – cơ hội và thách thức và không chỉ trên tác động của nó tới các khía cạnh định lượng như vốn kinh tế, mức độ biến động của thu nhập
Lựa chọn phương thức quản trị rủi ro hiện đại, sử dụng phương pháp định lượng trong đánh giá rủi ro trong từng giai đoạn, cụ thể:
Giai đoạn 1: Giai đoạn này QTRRTD là tuân thủ các nguyên tắc quản trị theo Basel II bằng việc thiết lập hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ nhằm tính toán ba cấu phần PD – xác suất khách hàng không trả được nợ, LGD – tỷ lệ tổn thất dự kiến (%) trong trường hợp khách hàng không trả được nợ và EAD – số dư nợ rủi ro. Đo lường RRTD qua EL – tổn thất dự kiến và UL – tổn thất ngoài dự kiến tại cấp độ một khách hàng cụ thể:
Giai đoạn 2: Là quản trị rủi ro danh mục đầu tư bằng cách lượng hóa mức tổn thất dự kiến (ELp) và ngoài dự kiến (ULp) của cả danh mục đầu tư dựa trên việc xác định độ rủi ro tương quan giữa các tài sản/mức vỡ nợ của các tài sản có rủi ro và mức rủi ro tập trung của cả danh mục.
Giai đoạn 3: Ngân hàng có thể quản trị vốn kinh tế và định giá khoản vay theo mức rủi ro tương ứng. Khi các thước đo RRTD là EL và UL đã được lượng hóa, ngân hàng có cơ sở để xác định lãi suất cho vay theo đúng phương châm “rủi ro cao, lợi nhuận cao; rủi ro thấp, lợi nhuận thấp” qua cơ chế tính giá bù đắp rủi ro.
Giai đoạn 4: Cao hơn việc quản trị vốn kinh tế và định giá khoản vay theo rủi ro, ngân hàng hướng tới việc quản trị rủi ro danh mục tín dụng chủ động, thay vì quản trị rủi ro danh mục một cách thụ động bằng việc xác định và chuyển giao rủi ro một cách chủ động thông qua việc sử dụng ngân quỹ tín dụng và chứng khoán hóa khoản vay.
Giai đoạn 5: Mô hình toàn diện nhất mà ngân hàng đạt được là quản trị rủi ro trên cơ sở giá trị. Khi đó, tất cả các giá trị đã được điều chỉnh rủi ro của khoản tín dụng đơn lẻ cho đến danh mục đầu tư đều được xác định, giúp cho công tác quản trị rủi ro được hiệu quả, chính xác.
Xây dựng hệ thống quản trị hạn mức rủi ro: Xây dựng hệ thống quản trị hạn mức rủi ro bao gồm hai cấp độ chủ yếu là giới hạn tín dụng theo ngành và theo khách hàng. Mục tiêu của việc thiết lập hạn mức theo từng ngành nhằm phòng tránh rủi ro tập trung vào một ngành cụ thể, đồng thời, tối ưu hóa hiệu quả của các tiêu chí quản trị rủi ro từng ngành. Trường hợp hạn mức rủi ro của một khách hàng hay một nhóm khách hàng có liên quan vượt quá giới hạn cho phép, các quyết định cấp tín dụng phải được phê duyệt bởi chủ tịch HĐQT.
Xây dựng hệ thống phê duyệt tín dụng: Hệ thống phê duyệt tín dụng thể hiện ở vai trò, chức năng và thẩm quyền của từng bộ phận, cá nhân trong quá trình phê duyệt tín dụng. Hệ thống được thiết lập theo từng đối tượng khách hàng: doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, định chế tài chính.
Xây dựng hệ thống kiểm soát RRTD: Hệ thống kiểm soát RRTD cần được thiết lập một cách độc lập, áp dụng cho từng khoản tín dụng riêng lẻ, bao gồm cả những khoản tín dụng ngoại bảng, toàn bộ danh mục tín dụng của ngân hàng trên nguyên tắc quản trị hàng ngày và đưa ra cảnh báo sớm mỗi khi hệ thống phát hiện ra rủi ro.
Hệ thống cho phép ngân hàng kiểm tra tình trạng của khoản vay từ điều kiện cấp tín dụng, xếp hạng khách hàng, điều kiện giải ngân, dự phòng rủi ro, hạn mức rủi ro và mức độ tuân thủ pháp luật. Hệ thống kiểm soát RRTD phải là công cụ giúp ngân hàng đánh giá lại chiến lược rủi ro cũng như các chính sách trước khi xảy ra rủi ro. Kết quả kiểm tra kiểm soát RRTD sẽ được báo cáo trực tiếp lên Ủy ban quản trị rủi ro.
Hai là, lựa chọn mô hình quản trị RRTD dựa trên điều kiện cụ thể của mỗi NHTM.
ANZ rất linh hoạt trong việc lựa chọn mô hình quản trị RRTD sao cho phù hợp với điều kiện và nội lực của mình tiến tới mô hình đạt chuẩn mực quốc tế. Sự kết hợp các phương thức quản trị rủi ro rất đa dạng và thay đổi khi điều kiện thị trường thay đổi. Hơn thế nữa, việc xác định mô hình quản trị RRTD cần phải phù hợp và tương thích với điều kiện cụ thể của từng ngân hàng.
Một ngân hàng phát triển trong điều kiện thị trường tài chính yếu kém không thể chuyển sang áp dụng ngay mô hình định lượng vì dữ liệu thông tin trong thị trường đó không thể tốt lên ngay, hoặc không thể áp dụng mô hình kiểm soát kép vì trong thị trường tài chính đang phát triển, vai trò kiểm soát của thị trường rất mờ nhạt. Nếu xác định mô hình không phù hợp với điều kiện của mình sẽ lãng phí tài nguyên và không đem lại hiệu quả thiết thực.
Ba là, hiệu quả quản trị RRTD phụ thuộc vào kết quả của các khâu trong QTRRTD.
ANZ kết hợp chặt chẽ các khâu của quá trình QTRRTD từ nhận biết đến đo lường, quản lý, kiểm soát tạo thành một chỉnh thể trong hoạt động quản trị rủi ro. Hoạt động đo lường định lượng sẽ tạo ra những thông tin chính xác và có thể tích lũy các thông tin về một đầu mối, trên cơ sở đó ngân hàng mới có thể tổ chức quản trị tập trung.
Trên nền tảng thông tin và hoạt động quản trị rủi ro tập trang, bộ phận kiểm tra nội bộ mới có thể kiểm soát tốt được hoạt động tín dụng của ngân hàng. Nếu một ngân hàng chỉ QTRRTD dựa trên việc đo lường rủi ro hoặc chỉ quan tâm đến tổ chức rủi ro thì sẽ không mang lại hiệu quả đồng bộ.
Ngân hàng liên tục rà soát, báo cáo và kiểm soát rủi ro. Ngân hàng cần quan tâm đến việc nâng cao quản trị hệ thống và tránh các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh bằng cách rà soát thường xuyên các rủi ro chính như tín dụng, lãi suất, thanh khoản và thị trường để đảm bảo các rủi ro này không vượt quá mức chấp nhận được.
Riêng với RRTD, ngân hàng cần hoàn thiện hệ thống xếp hạng nội bộ và hàng tháng phân tích các biến động về mức độ rủi ro cho từng ngành cũng như doanh nghiệp, đảm bảo không vượt quá các hạn mức đã xây dựng, qua đó duy trì nhất quán mức khẩu vị rủi ro của Ngân hàng.
Bốn là, hoàn thiện và tuân thủ hệ thống pháp lý.
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, năm 1988, Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng đã phê duyệt một văn bản đầu tiên lấy tên là Hiệp ước về vốn của Basel (Basel I), yêu cầu các ngân hàng hoạt động quốc tế phải nắm giữ một mức vốn tối thiểu. Theo Basel I, tổng vốn của một ngân hàng cần ít nhất bằng 8% RRTD của ngân hàng đó.
Đến ngày 26/6/2004, bản Hiệp ước quốc tế về vốn Basel mới (Basel II) đã chính thức được ban hành. Bản Hiệp ước Basel II đưa ra 3 phương pháp tính toán RRTD bao gồm: Phương pháp chuẩn hóa, Phương pháp cơ sở dựa trên hệ thống xếp hạng nội bộ và phương pháp nâng cao dựa trên hệ thống xếp hạng nội bộ.
Năm là, hiện đại hóa công nghệ để vận hành mô hình quản trị RRTD hiệu quả.
ANZ có nền tảng công nghệ vững chắc, đây là cơ sở để có thể áp dụng mô hình QTRRTD. Hệ thống thông tin của các ngân hàng này đều được xử lý tự động tập trung, có các phần mềm phân loại được các khoản vay nào trong hạn, quá hạn và có vấn đề và từ đó đưa ra các báo cáo cho các cấp độ quản trị khác nhau.
Hệ thống thông tin tập trung sẽ giúp cho các ngân hàng phân tích tốt hơn về khách hàng, và đưa ra các biện pháp quản trị rủi ro tương ứng. Do đó, công nghệ thông tin là chìa khóa để vận hành mô hình quản trị RRTD.
Ngân hàng cần xây dựng cho mình một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, giúp cho các cán bộ ngân hàng có thể dễ dàng tra cứu tìm kiếm thông tin liên quan đến khách hàng. Ngoài ra, một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại cũng giúp nâng cao chất lượng công tác phân tích, thẩm định khách hàng, giảm thiểu rủi ro do thiếu thông tin; Xây dựng một hệ thống quản lý dữ liệu tập trung toàn hàng làm cơ sở đánh giá, theo dõi liên tục và kịp thời danh mục tín dụng đầu tư.
Tài liệu tham khả
- TS. Phạm Tiến Thông, ThS. Dương Thanh Hà. Quản trị công ty và quản lý rủi ro hoạt động tại các NHTM Việt Nam;
- Đại học Kinh tế quốc dân: Áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro của các NHTM Việt Nam: Cơ hội, thách thức và lộ trình thực hiện;
- ANZ, Consolidated annual Report (2006 – 2016);
- World Bank (2010 -2016). Taking Stock, An Update on VietNam’s economic developments and reforms, Report for Consultative Group meeting for VietNam.
Những yếu tố làm nên thương hiệu du lịch mạnh của thành phố Sơn La
Hoàng Xuân Trọng – Khoa Kinh tế
Thành phố Sơn La có 12 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 7 phường và 5 xã), diện tích đất tự nhiên 324,93 km2, dân số trên 100 nghìn người; có vị trí địa lý, giao thông, thiên nhiên và lịch sử thuận lợi cho phát triển du lịch. Gần đây, thành phố Sơn La có nhiều sự kiện như khánh thành công viên 26/10 và khởi công tổ hợp vui chơi giải trí và khách sạn năm sao Hồ Sanh; cải tạo khu nhà nổi với hai đài phun nước vòng tròn tượng trưng cho vòng xòe các dân tộc Sơn La, trưng bày các sản phẩm địa phương; bộ mặt đô thị được chỉnh trang đẹp đẽ. Đặc biệt là hội thảo “Chung tay xây dựng phát triển sản phẩm du lịch thành phố Sơn La” ngày 25/10/2014 do UBND thành phố và Hiệp hội du lịch Sơn La tổ chức với sự tham dự của gần 100 đại biểu và 22 bài viết tham luận, đáng tiếc là trong đó không có bài viết nào về xây dựng thương hiệu du lịch mạnh và nhất quán của thành phố Sơn La. Những thế mạnh và sự kiện nêu trên vẫn chưa tạo dựng được một thương hiệu du lịch mạnh. Bài viết này sẽ bàn luận về những yếu tố nào làm nên một thương hiệu du lịch mạnh của thành phố Sơn La.
Các thương hiệu du lịch mạnh có 2 điểm giống nhau là ý tưởng và tính kiên định. Ý Tưởng: đằng sau mỗi thương hiệu là một ý tưởng hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm và trung thành của du khách bằng cách đáp ứng những nhu cầu chưa được thoả mãn của họ. Tính kiên định: mục đích và những giá trị cốt lõi được giữ nguyên cho dù chiến lược và chiến thuật du lịch có bị sửa lại thường xuyên để tận dụng lợi thế từ các thay đổi lớn, bất ngờ của môi trường kinh tế và hội nhập quốc tế.
Có 4 yếu tố cơ bản làm nên một thương hiệu du lịch mạnh, đó là: đảm bảo tính nhất quán khi chuyển tải “Lời hứa thương hiệu”, Sản phẩm và các quy trình tối ưu, Định vị đặc biệt và kinh nghiệm hiểu biết về khách hàng, Sự kết nối các cam kết bên trong và bên ngoài. Chúng ta sẽ xem xét cụ thể sau đây.
Thứ nhất, đảm bảo tính nhất quán khi chuyển tải “lời hứa thương hiệu”. Vừa qua, thành phố Hạ Long bắt đầu chiến dịch “Nụ cười Hạ Long” với biểu tượng nụ cười trên nền Vịnh Hạ Long với sự tham gia tuyên truyền của 9 vị lãnh đạo tỉnh, tổ chức cuộc thi ảnh “Nụ cười Hạ Long”. Thành phố Sơn La chọn biểu tượng là hoa ban, được gọi tên là thành phố Hoa Ban, có những bài hát về thành phố trẻ, thành phố Hoa Ban. Tuy nhiên, thành phố chưa có một chiến dịch quảng bá rộng khắp và nhất quán về thương hiệu “Thành phố Hoa Ban”. Một thương hiệu du lịch mạnh truyền tải lời hứa tới du khách, khuyến khích du khách đến với điểm du lịch.Tất cả những trải nghiệm của du khách trong quá trình đánh giá, thử, mua và chấp nhận chính là sự xác minh lời hứa của thương hiệu. Nếu chúng ta không kiên định duy trì hình ảnh thành phố Hoa Ban và không có những chiến dịch quảng bá thường xuyên, lặp đi lặp lại một cách nhất quán hình ảnh thương hiệu thì sẽ có nguy cơ bị phai nhạt và biến mất khỏi tâm trí của du khách hiện tại và tiềm năng. Thậm chí trong nhận thức của du khách, hình ảnh thành phố Hoa Ban, lễ hội Hoa Ban Sơn La sẽ thuộc về địa phương khác (thành phố Điện Biên cũng đã tổ chức Lễ hội Hoa Ban khoe sắc với quy mô lớn vào tháng 3/2014).
Thứ hai, sản phẩm du lịch đặc trưng. Thương hiệu du lịch mạnh được biết tới về nguồn gốc của giá trị thương hiệu. Để thu hút du khách và duy trì được lòng trung thành của họ, các thương hiệu phải đưa tới du khách các sản phẩm/dịch vụ đặc trưng hơn những thương hiệu khác. Thành phố Sơn La có thể tổ chức lễ hội Khau Cả kết hợp với lễ hội Hoa Ban kéo dài suốt 3 tháng (khai mạc vào 7/3 hàng năm) để thu hút du khách. Bài học tổ chức lễ hội Hoa Ban cùng bài học Đại lễ cầu siêu ngày 24-25/7/2014 vừa qua là tiền đề cho tính khả thi của Lễ hội Khau Cả.
Thứ ba, định vị đặc biệt và kinh nghiệm hiểu biết về khách hàng. Với những đặc trưng của sản phẩm du lịch, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch Sơn La cùng nỗ lực chuyển tải tới các du khách có nhu cầu và cho phép du khách thử nghiệm sản phẩm/dịch vụ du lịch thông qua các loại hình du lịch cộng đồng, làng bản, du lịch trải nghiệm…
Thứ tư, sự kết nối các cam kết bên trong và bên ngoài. Các nhà quản lý du lịch luôn tập trung các chiến lược hướng tới du khách. Để thực hiện được điều này, trước hết nhân viên du lịch và cộng đồng người dân địa phương phải hiểu rõ và có cam kết mạnh mẽ thực hiện giá trị cốt lõi của thương hiệu, sẽ giúp thực hiện tốt cam kết với du khách. Chiến dịch “Nụ cười Hạ Long” được triển khai rộng rãi, mạnh mẽ từ lãnh đạo tỉnh đến mỗi người dân Hạ Long đều luôn nở nụ cười thân thiện. Sự kết hợp giữa các trải nghiệm đối với cộng đồng dân cư địa phương và du khách thắt chặt thêm độ trung thành đối với thương hiệu.
Như vậy để xây dựng nên một thương hiệu du lịch mạnh của thành phố Sơn La thì cần thể hiện được chính thương hiệu. Đây là một công việc quan trọng nhất trong xây dựng thương hiệu. Các công tác truyền thông và hành động riêng lẻ phải kết hợp được với mục đích và giá trị cốt lõi, cho thấy được bản chất của thương hiệu tạo thành một chương trình quảng bá có tính hệ thống, xuyên suốt và nhất quán. Hiểu được điểm gốc cơ bản của giá trị thương hiệu đồng thời bảo vệ và xây dựng dựa trên điều đó. Liên tục tìm kiếm điều làm cho thương hiệu thể hiện được tính duy nhất. Các nhà quản lý về du lịch phải quyết định cái gì cần thay đổi và không cần thay đổi một cách dứt khoát thì mới góp phần làm nên một thương hiệu du lịch mạnh mẽ và nhất quán của thành phố Sơn La./.
Vận dụng marketing quan hệ trong thu hút tuyển sinh: Nghiên cứu tại trường Đại học Tây Bắc
Bùi Minh Thảo, Hoàng Xuân Trọng
Trường Đại học Tây Bắc
Mở đầu
Ngày nay, marketing quan hệ là một hoạt động chức năng rất cần thiết đối với Trường Đại học. Marketing quan hệ là sự phát triển chuyên sâu của Marketing trong việc thu hút và duy trì người học. Thực tiễn cho thấy Trường Đại học nào có chiến lược Marketing để lại ấn tượng mạnh trong lòng người học hiện tại và tương lai thì sẽ thu hút được nhiều sinh viên (SV) đến học tập và nghiên cứu. Mặc dù vậy, những nghiên cứu và vận dụng marketing quan hệ vẫn chưa được các Trường quan tâm đúng mức. Tại Trường Đại học Tây Bắc, cũng giống như các Trường khác đang gặp vấn đề khó khăn trong tuyển sinh, số lượng sinh viên vào học tại Trường có chiều hướng giảm sút trong 3 năm qua. Vì vậy, việc nghiên cứu và vận dụng marketing quan hệ trong quảng bá tuyển sinh là cần thiết và góp phần giải quyết vấn đề nêu trên.
- Cơ sở lý thuyết
1.1. Bản chất của Marketing quan hệ
Có nhiều quan điểm về marketing quan hệ. Theo Gummesson (1994), marketing quan hệ nhằm xác định, tạo, lưu và cải thiện quan hệ với cả khách hàng và các cổ đông bằng sự tin tưởng. Theo Fontenot và Hymon (2004), marketing quan hệ có tác dụng giữ chân khách hàng và mở rộng sự thích ứng hoặc nỗ lực để củng cố sự thích ứng này với họ. Theo Shelbay và cộng sự (2006) cho rằng “Marketing quan hệ là sự hiểu biết và quản lý mối quan hệ giữa khách hàng và nhà cung cấp”. Các quan điểm trên đều nói lên rằng marketing quan hệ là sự hiểu biết và quản lý mối quan hệ giữa khách hàng và nhà cung cấp nhằm xác định, tạo, lưu, cải thiện quan hệ với khách hàng thông qua sự tin tưởng. Marketing quan hệ có tác dụng giữ chân khách hàng và mở rộng sự thích ứng hoặc nỗ lực để củng cố sự thích ứng với công ty của họ. Vậy bản chất của marketing quan hệ chính là sự hợp tác của hai bên để đôi bên cùng có lợi, hai bên cùng làm việc sẽ hiệu quả hơn mỗi bên tự làm.
Phân biệt Marketing quan hệ và Marketing truyền thống:
Bảng 1: Phân biệt Marketing quan hệ và Marketing truyền thống
Marketing quan hệ | Marketing truyền thống |
Định hướng đến duy trì khách hàng | Định hướng đến doanh số bán hàng |
Chủ động liên lạc với khách hàng | Khách hàng chủ động liên lạc |
Tập trung vào giá trị khách hàng nhận được | Tập trung vào tính năng sản phẩm |
Lợi ích dài hạn | Lợi ích ngắn hạn |
Nhấn mạnh vào việc nâng cao dịch vụ khách hàng | Ít nhấn mạnh vào dịch vụ khách hàng |
Quan tâm đến chất lượng nhân viên tất cả các bộ phận | Chỉ quan tâm đến chất lượng nhân viên sản xuất |
(Nguồn: Koi-Akrofi và cộng sự, 2013)
1.2. Các mối quan hệ trong marketing
* Mối quan hệ giữa trường và các em học sinh trung học phổ thông (THPT)
Học sinh (HS) THPT nằm trong độ tuổi từ 15 tới 18 tuổi. Sau khi tốt nghiệp hệ giáo dục này, HS phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia và bước vào cánh cửa Đại học, Cao đẳng. Vì vậy, nhóm tuổi này đặc biệt là ở 18 tuổi thì đây chính là các sinh viên tiềm năng của mỗi Trường Đại học. Nhà trường thiết lập được mối quan hệ tin cậy với nhóm đối tượng này sẽ mang lại cơ hội để các em đăng ký vào học tập và nghiên cứu.
* Mối quan hệ giữa trường và sinh viên hiện tại.
SV là người học tập tại các trường đại học, cao đẳng. Ở đó họ được truyền đạt kiến thức bài bản về một ngành nghề, chuẩn bị cho công việc sau này của họ. Họ được xã hội công nhận qua những bằng cấp đạt được trong quá trình học. Trong suốt quá trình học tập tại trường, nhà trường và SV luôn luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau thông qua các dịch vụ giáo dục.
* Mối quan hệ giữa trường và cựu sinh viên
Cựu SV là các SV đã tốt nghiệp, hoặc đã từng theo học tại một trường đại học, cao đẳng. Khi các cá nhân này liên kết lại với nhau họ sẽ trở thành một tổ chức được gọi là Hội Cựu SV của nhà trường. Hội Cựu SV hoạt động nhằm tạo lợi ích tập thể và giúp các cựu SV duy trì kết nối với trường đại học và các SV tốt nghiệp cùng khóa.
* Mối quan hệ giữa trường và sở giáo dục
Sở Giáo dục và Đào tạo là tên gọi chung của cơ quan chủ quản giáo dục tại địa phương. Thuộc Ủy ban Nhân dân cấp Tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có trường Trung học phổ thông; trường Phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có cấp học Trung học phổ thông; trường Phổ thông Dân tộc nội trú có cấp trung học phổ thông; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp; Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Đây là các cơ quan, tổ chức chứa đựng nhu cầu sẽ tham gia vào các trường Đại học khi có nhu cầu học tập ở cấp bậc cao hơn.
* Mối quan hệ giữa trường và các trường THPT
Khi đã xác định được các vị khách hàng tiềm năng của mỗi Trường Đại học hay Cao đẳng chính là nhóm độ tuổi đang tham gia theo học tại bậc THPT thì một mối quan hệ không thể thiếu được chính là mối quan hệ giữa trường và các trường THPT lân cận. Đây chính là môi trường cung cấp nguồn khách hàng cho các trường Đại học.
* Mối quan hệ giữa trường và báo chí, truyền thông
Cùng với cuộc cách mạng 4.0 thì sự phát triển của báo chí, truyền thông trong giới trẻ nói riêng luôn luôn gần gũi, có mặt ở mọi lúc mọi nơi mỗi khi cần.Vì vậy, đây là một công cụ vô cùng hữu ích giúp cho Trường đại học có thể quảng bá, truyền đạt thông tin một cách nhanh chóng và rộng rãi. Giáo dục cũng chính là một loại hình “dịch vụ”. Bên cạnh yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu thì yếu tố tiếp thị hình ảnh đang ngày càng được coi trọng. Với nhiệm vụ phát triển thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động marketing hiệu quả, các trường đại học có thể thực hiện các chiến lược phát triển qua các kênh truyền thông. Để thực hiện tốt được điều này thì cần phải có một nền tảng vững chắc về chất lượng giáo dục của chính trường đó. Đó sẽ là yếu tố hàng đầu tạo nên một chiến lược truyền thông thành công.
* Mối quan hệ giữa trường và doanh nghiệp
Vấn đề việc làm luôn luôn là mục tiêu quan trọng cần được định hướng từ rất sớm để có thể giải quyết được tình trạng thất nghiệp sau ĐH. Sẽ thật hấp dẫn nếu như các cơ hội việc làm trong tương lai dành cho các sinh viên luôn luôn được đảm bảo một cách chắc chắn thông qua các cam kết hợp tác giữa nhà trường với các DN. Việc liên kết chặt chẽ hơn giữa các trường ĐH, cao đẳng với DN sẽ giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập.
- Phương pháp nghiên cứu
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, nhóm tác giả lựa chọn nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà trường với HS THPT đặc biệt là các em HS lớp 12. Vì HS THPT là đối tượng SV tiềm năng có nhu cầu học đại học cao nên chúng em hướng tới nghiên cứu mong muốn tại trường đại học của các em HS THPT.
Phương pháp nghiên cứu: sử dụng phương pháp sơ cấp là sử dụng phiếu điều tra để điều tra đối tượng là HS THPT nhằm lấy ý kiến đánh giá về trường Đại học Tây Bắc (ĐHTB).
Nội dung nghiên cứu: Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu mong muốn tham gia hoạt động hướng đạo (đi sâu vào nghiên cứu bước 1, bước 2 của các bước thực hiên Marketing quan hệ) do trường Đại học tổ chức, phương thức duy trì thông tin liên lạc với các trường Đại học, các hoạt động cụ thể giúp trường Đại học trở nên uy tín, tin tưởng và tạo được cam kết đối với HS. Cuối cùng là các em HS có quan tâm đến trường ĐHTB hay không.
- Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Mô tả mẫu nghiên cứu
Trong số 96 phiếu được phỏng vấn tổng số phiếu thu về được là 96 phiếu. Như vậy, 100% khách hàng đều sẵn lòng giúp đỡ.
Bảng 2: Thông tin chung về các mẫu nghiên cứu
Thông tin chung | N | % | Tổng mẫu |
Giới tính | N = 96 | ||
Nam | 54 | 56.25 | |
Nữ | 42 | 43.75 | |
Dân tộc | N = 96 | ||
Kinh | 48 | 50 | |
Khác | 48 | 50 | |
Lớp mấy | N = 96 | ||
Lớp 11 | 2 | 2.08 | |
Lớp 12 | 94 | 97.92 | |
Trường THPT | N = 96 | ||
Tô Hiệu | 26 | 27.08 | |
Chu Văn An | 9 | 9.38 | |
Chuyên Sơn La | 17 | 17.71 | |
Nội trú Tỉnh | 8 | 8.33 | |
Nguyễn Du | 25 | 26.04 | |
Chiềng Sinh | 11 | 11.46 |
(Nguồn: Điều tra khảo sát và thực hiện của nhóm nghiên cứu)
Tổng số người tham gia nghiên cứu là 96, trong đó có 54 người là nam tương đương với 56.25% là nam giới, 42 người là nữ ứng với con số là 43.75% nữ giới. Sự chênh lệch về giới tính của các mẫu nghiên cứu cũng không quá lớn và không làm ảnh hưởng tới kết quả của nghiên cứu này. Về thành phần dân tộc, 50% là dân tộc Kinh và 50% còn lại là thuộc các dân tộc khác như Thái, H’Mông, ….Đây là một điều hoàn toàn ngẫu nhiên sau khi các phiếu điều tra được thu thập lại để tổng hợp kết quả. Có thể nói, sự cân bằng giữa dân tộc Kinh và dân tộc khác của những người tham gia phỏng vấn sẽ đem lại cái nhìn khách quan cho các nội dung liên quan đến đề tài nghiên cứu này. Trong số 96 người được phỏng vấn, có đến 94 phiếu thuộc về HS lớp 12 chiếm 97.92% tổng số phiếu được hỏi. Một tỷ lệ rất nhỏ đó là 2.08% thuộc về 2 phiếu của HS lớp 11. Trường học của các bạn HS tham gia phỏng vẫn cuộc khảo sát thông tin được lựa chọn ngẫu nhiên là HS thuộc 6 trường THPT tham gia chương trình “Ngày hội việc làm và hướng nghiệp năm 2018” được tổ chức tại trường ĐHTB.
Trường chiếm 26 phiếu tương ứng với 27.08% chiếm tỉ trọng lớn nhất đó là trường THPT Tô Hiệu, 25 phiếu ứng với 26.04% ở vị trí thứ 2 thuộc về trường THPT Nguyễn Du, 17 phiếu ứng với 17.71% từ trường THPT Chuyên Sơn La, 11 phiếu của trường THPT Chiềng Sinhứng với 11.46% , trường THPT Chu Văn An có 9 phiếu ứng với 9.38%, còn lại 8 phiếu tương ứng với 8.33% có tỷ lệ được phỏng vấn nhỏ nhất là từ trường THPT Nội Trú Tỉnh.
3.2. Kết quả và thảo luận
Câu hỏi 1: Bạn muốn tham gia những sự kiện nào do trường Đại học tổ chức?
Mục đích: dựa trên bước 2, những hoạt động hướng tới SV tiềm năng được nhóm nghiên cứu đưa ra ở chương 1 từ đó tìm hiểu mong muốn của HS THPT đối với trường Đại học để lấy cơ sở tạo dựng mối quan hệ thân thiết giữa trường Đại học và HS, SV.
Như vậy, lựa chọn có tỷ lệ cao nhất mà các bạn được phỏng vấn yêu thích mong muốn trường Đại học tổ chức đó là Thể Thao có tỷ lệ lựa chọn là 72.92%, tiếp theo là hoạt động Văn nghệ với tỷ lệ chọn là 44.79%. Bên cạnh đó, hoạt động ít được lựa chọn nhất lại là Đến trường học của bạn tư vấn về nghề nghiệp và tuyển sinh có đến 82.29% không chọn.
Câu hỏi 2: Bạn muốn duy trì thông tin, liên lạc với các trường Đại học theo cách thức nào?
Mục đích: dựa trên bước thứ 3 (khởi đâu mối quan hệ) của các bước thực hiện Marketing quan hệ thì các cách thức liên hệ này chính là các kênh để thiết lập mối quan hệ giữa HS, SV và trường Đại học.
Từ các số liệu trên, ta có thể nhìn thấy ngay Facebook chính là công cụ liên lạc cũng như giao tiếp tốt nhất với các em HS khi được 87/96 em lựa chọn. Phương thức gửi thư qua đường bưu điện chỉ có 3 em trong số 96 em lựa chọn, có thể thấy gửi thư qua đường bưu điện khá mất thời gian, thông tin đến nơi có thể bị chậm trễ hơn nữa hiện nay Internet đang phát triển mạnh, tốc độ cập nhập dữ liệu qua Internet cũng rất nhanh nên các em đã không còn muốn nhận thông tin qua thư nữa.
Câu hỏi 3: Theo bạn, trường Đại học nên làm hoạt động cụ thể gì để bạn trở nên thân thiết và tin tưởng hơn?
Mục đích: dựa trên bước 4 là Nuôi dưỡng và Phát triển mối quan hệ thì các câu trả lời này sẽ giúp trường Đại học có thêm thông tin, nguyện vọng của HS từ đó có các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy mối quan hệ với HS một cách tốt nhất có thể.
Với 95 câu trả lời được tổng hợp lại như sau: Có tới 33/95 ý kiến cho rằng trường Đại học nên tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, tương tác trực tiếp với HS, SV như: Ngoại khóa, văn nghệ, thể thao giao lưu với các trường THPT; Gặp mặt trực tiếp giữa SV đại học và HS phổ thông để kết nối và tìm hiểu thêm về trường; Tổ chức tham quan vui chơi tại trường; Tham quan trường, trải nghiệm thực tế nhà trường như tổ chức trại hè; Tổ chức các buổi tâm sự; Tổ chức hội thi nhân ngày 26/3.
Qua đó ta có thể thấy được các bạn HS hiên nay rất năng động và có nhiều mong muốn trường Đại học sẽ tổ chức thêm các buổi ngoại khóa giúp các em có cơ hội tìm hiểu thêm về phương thức và ngành nghề đào tạo của nhà trường. Đây cũng là ý kiến của số đông các em HS nên trường có thể xem xét để mở nhiều hoạt động tạo sự tương tác giữa trường và HS, SV.
Thông qua ý kiến của các em HS, để trường Đại học trở nên thân thiết và tin tưởng với HS, SV thì đa số các em đều có ý kiến là trường nên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn nghệ, thể thao nhằm tạo sự tương tác và gắn bó giữa nhà trường và SV.
Câu hỏi 4: Bạn có quan tâm thông tin tuyển sinh của Trường ĐHTB không?
Mục đích: dựa trên bước 5 (thu hoạch) của các bước thực hiện Marketing quan hệ ở chương 1, câu hỏi này chính là để hỗ trợ ra quyết định có quan tâm và theo học tại trường ĐHTB hay không. Đây là câu trả lời quan trọng để trường có thể có biện pháp liên lạc, hỗ trợ các em HS lựa chọn ngành học, làm hồ sơ và nhập học vào trường.
Có 56/96 người quan tâm đến thông tin tuyển sinh của trường ĐHTB và đã để lại phương thức liên lạc như số điện thoại hay email, con số này chiếm 58.33% trên tổng số 100% phiếu khảo sát. Còn 40/96 người lại không quan tâm đến trường và muốn học ở trường khác. Với một số lý do chính như sau: Thích đi học xa nhà (Học ở Hà Nội) có đến 10 em đưa ra lý do này, có thể từ hai nguyên nhân. Thứ nhất là ở bản thân các em HS còn đang học tập tại môi trường THPT và có nguyện vọng học theo các bạn trong lớp, chưa thực sự hiểu rõ về các ngành và các trường Đại học dưới Hà Nội. Nguyên nhân thứ hai là do trường ĐHTB chưa tạo được sức hút đối với các em HS trong địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh Sơn La nói chung, nhà trường nên có những hoạt động tích cực hơn nữa nhằm giao lưu với các em HS để các em có thể hiểu rõ hơn về trường, giúp trường thu hút được SV trong địa bàn tỉnh; Với 7 em HS cho rằng ĐHTB không có nghành em muốn học cho thấy trường nên quan tâm hơn về các nghành học cũng như nguyện vọng của các em HS từ đó có thể mở những ngành học có đông HS yêu thích để thu hút thêm SV cho trường cũng như mở rộng đa dạng hóa các ngành nghề có thể đào tạo; Có 4 em đã xác định được nghề nghiệp và trường muốn học từ trước, các em muốn học trường nghệ thuật, học trường Đại học Thể dục thể thao, học trường y, học báo chí.
Có thể thấy trong 96 em HS THPT được hỏi thì có hơn một nửa số em quan tâm đến trường ĐHTB. Đây là một thông tin lạc quan và đáng vui mừng vì trường đã được các em quan tâm và muốn theo học. Trường nên chủ động liên lạc với các em qua số điện thoại hoặc email vì đây sẽ là số lượng SV tiềm năng, đáng tin cậy sẽ trở thành SV trường ĐHTB trong tương lai.
- Một số giải pháp xây dựng mạng lưới mối quan hệ phục vụ công tác quảng bá tuyển sinh
4.1. Phát triển mối quan hệ giữa trường và các em học sinh trung học phổ thông
Đây được xác định là mối quan hệ trọng điểm trong nghiên cứu của nhóm tác giả, với đối tượng là HS các trường THPT hiện nay nhà trường đã có các đoàn cán bộ – giáo viên đến các trường THPT trên địa bàn và các tỉnh lân cận để tư vấn tuyển sinh, phát tờ rơi nhưng chưa có làm phiếu điều tra để khảo sát về nhu cầu mong muốn của các bạn HS có quan tâm về trường ĐHTB hay không. Vậy nên dẫn đến công việc đó chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Hiện nay nhà trường chỉ đang thực hiện công tác tuyển sinh chú yếu ở phòng đào tạo mà nên mở rộng đến các khoa, phòng ban để nắm bắt sát những mong muốn của giảng viên và SV về như cầu nghành nghề, phương pháp giảng dạy. Nhà trường đã phối hợp cùng các trường THPT trên địa bàn tổ chức ngày hội tuyển sinh, song như vậy là chưa đủ thu hút sự quan tâm của các em nên tổ chức thêm các buổi thăm quan, cắm trại hay tình nguyện để các em được tham gia trải nghiệm thực sự cuộc sống SV mà tương lai các em sẽ trải qua.
4.2. Chăm sóc mối quan hệ giữa nhà trường và sinh viên hiện tại
Đây là những khách hàng hiện tại của nhà trường cũng là khách hàng tương lai nếu môi trường học tập chuyên nghiệp năng động thì chính những bạn SV hiện tại sẽ có ý định quay lại trường học lên cao học. Đây cũng chính là những khách hàng đánh giá dịch vụ giáo dục sau khi theo học tại trường. SV đang tham gia học tập tại nhà trường chủ yếu là SV dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn lại sống xa nhà, hiện nay nhà trường đã có các chính sách hỗ trợ như trợ cấp, học bổng… Tận dụng lợi thế sẵn có như ký túc xá của nhà trường với cơ sở vật chất khanh trang sạch đẹp, an ninh tốt, gần các khu vui chơi thể thao, sinh hoạt của nhà trường, với thế mạnh đó để làm tăng sự gắn kết cải thiện mối quan hệ giữa nhà trường và SV thì nên có các chính sách ưu tiên giảm giá phòng cho các SV là dân tộc thiểu số. Khi lòng tin tưởng và thiện cảm sự quan tâm giữa nhà trường và SV ngày càng lớn mạnh thì đồng nghĩa với sự uy tín, tín nhiệm của nhà trường ngày một cao hơn.
4.3. Thành lập hội cựu sinh viên và mối quan hệ giữa nhà trường và cựu sinh viên
Đây được xem như thành công của sự giáo dục đào tạo của nhà trường, hiện nay có rất nhiều cựu SV của nhà trường đang làm việc, đảm nhận các vị trí quan trọng trong các cơ quan ban ngành của huyện, thành phố Sơn La và các tỉnh lân cận. Đó là một kênh truyền thông hiệu quả về danh tiếng của trường ĐHTB, đồng thời cũng mang lại nhiều cơ hội cũng như kinh nghiệm đến cho các SV mới tốt nghiệp. Tuy nhiên hiện nay nhà trường chưa tận dụng triệt để mối quan hệ này, nên thành lập Hội Cựu SV để có thể cùng đồng hành cùng nhà trường tương tác với các bạn SV, tư vấn về học tập, tham gia các hoạt động tình nguyện, trao đổi kiến thức, ủng hộ về mọi mặt với các hoạt động của trường.
4.4. Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và sở giáo dục
Là cơ quan chủ quản về quản lý giáo dục đào tạo tai địa phương việc tạo dựng mối quan hệ mật thiết với sở giáo dục sẽ giúp cho nhà trường có thêm thông tin, các chính sách của địa phương về công tác tuyển sinh hàng năm thì công tác tuyển sinh của nhà trường sẽ được mở rộng, là cầu nối giữa nhà trường và các HS trong khu vực có mong muốn đăng ký vào trường. Thông qua các buổi tọa đàm, trao đổi do sở tổ chức thì nhà trường cũng có thể giới thiệu thêm về các nghành nghề đào tạo của trường đến các hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn.
4.5. Thúc đẩy mối quan hệ giữa nhà trường và báo chí, truyền thông
Khi xã hội hiện nay ngày một phát triển thì báo chí, truyền thông là những kênh thông tin gần gũi dễ tiếp cận đến mọi đối tượng nhất sẽ là chiến dịch quảng bá rộng rãi hơn so với việc tiếp thị trực tiếp cũng tiết kiệm được thời gian và nhân lực cho nhà trường. Đây là một kênh truyền thông đáng tin cậy tạo được lòng tin đối vói người xem, các nhà báo, đài tuyền hình sẽ giúp nhà trường đưa tin về thông báo tuyển sinh và các hoạt động giảng dạy, thi đua, văn nghệ, thể dục thể thao của nhà trường. Giúp cho người đọc xem phần nào hiểu thêm về một số hoạt động cơ bản của nhà trường.
4.6. Thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường và các trường trung học phổ thông
Khi xác định các HS THPT là khách hàng tiềm năng của nhà trường thì việc xây dựng mối quan hệ với các trường THPT là không thể thiếu. Công tác tuyển sinh, tuy là nhiệm vụ của nhà trường, song nếu cứ dựa vào nguồn nhân lực của nhà trường thì chưa đủ mà chúng ta phải biết tranh thủ các lực lượng bên ngoài. Một mặt họ vừa là những người hàng ngày trực tiếp với các đối tượng HS và các bậc phụ huynh, mặt khác tiếng nói của họ sẽ có tác động khá mạnh mẽ đến sự quyết định lựa chọn con đường học tập của các HS hay các bậc phụ huynh sau khi con em họ tốt nghiệp THPT. Vì vậy nhà trường cần phối hợp với các trung tâm trong việc thông báo tuyển sinh, thu nhận hồ sơ cho nhà trường.
4.7. Duy trì mối quan hệ với các doanh nghiệp tại địa phương
Quan tâm và tìm hiểu một cách bài bản và có chiến lược về nhu cầu của SV, từ đó điều chỉnh lại chương trình đào tạo các nghề sát với thực tế, tránh tình trạng các cơ quan, doanh nghiệp phải đào tạo lại SV sau khi tuyển dụng, đồng thời bổ sung các môn tự chọn phù hợp nhằm tăng cường kỹ năng mềm cho người học có khả năng thích ứng kịp thời và biến động của nghề nghiệp. Nhà trường cũng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp để họ cùng tham gia hỗ trợ tuyển sinh; tham gia xây dựng chương trình, giáo trình; tham gia đánh giá kết quả học tập của HS khi tốt nghiệp và điều quan trọng là họ sẵn sàng tiếp nhận những HS của nhà trường sau khi tốt nghiệp vào làm việc trong doanh nghiệp. Làm được điều này thì uy tín và thương hiệu của trường ngày càng được nâng lên và từ đó góp phần tích cực trong công tác tư vấn tuyển sinh trong thời gian tới.
- Kết luận
Marketing quan hệ góp phần thu hút sinh viên và duy trì sự ủng hộ tích cực đối với Trường Đại học trong hiện tại và tươgn lại. Thực hiện tốt marketing quan hệ là một chiến lược marketing có tác dụng cao trong tạo lập và cải thiện lòng trung thành của khách hàng đối với đơn vị và đã được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, chứng tỏ tính hiệu quả của chiến lược này. Từ đó hỗ trợ công tác tuyển sinh đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả và bền vững của một Trường Đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay./.
Tài liệu tham khảo
[1] GS.TS. Trần Minh Đạo, Giáo trình Marketing căn bản, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, 2012.
[2] Justin Beneke and Gert Human, Student recruitment marketing in South Africa–
An exploratory study into the adoption of a relationship orientation, African Journal of Business Management, 2010.
[3] Koi-Akrofi, Godfred Yaw., Koi-Akrofi, Joyce, Welbeck, Jonathan N.O. 2013, Relationship Marketing Tactics and Customer Loyalty, Asian Journal of Business Management 5(1): 77-92.
Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc vận dụng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La
1.Đặt vấn đề
Có thể nói kế toán quản trị là một bộ phận của hệ thống thông tin quản trị trong các tổ chức mà nhà quản trị dựa vào đó để hoạch định và kiểm soát hoạt động của tổ chức. Nó có vai trò quan trọng cho các tổ chức xây dựng các dự toán, hoạch định chính sách và kiểm soát mọi hoạt động của đơn vị. Bất kể khi quyết định lựa chọn một phương án tối ưu nào của nhà quản trị, bao giờ cũng quan tâm đến hiệu quả kinh tế của phương án mang lại, vì vậy kế toán quản trị phải tìm cách tối ưu hóa mối quan hệ giữa chi phí và lợi ích của phương án lựa chọn. Do đó hệ thống kế toán quản trị chi phí có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về chi phí trong các doanh nghiệp. Kế toán quản trị chi phí luôn luôn tồn tại trong mỗi tổ chức, tuy nhiên tác dụng cung cấp thông tin cho các đối tượng khác nhau sẽ khác nhau, tuỳ thuộc vào việc xây dựng và khai thác hệ thống kế toán chi phí đó. Các doanh nghiệp ở các nước phát triển trên thế giới đã xây dựng hệ thống kế toán quản trị chi phí hiện đại, cung cấp thông tin hữu ích cho cho các nhà quản trị nội bộ để trợ giúp họ trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch. Trợ giúp nhà quản trị trong việc điều hành và kiểm soát hoạt động của tổ chức; Thúc đẩy các nhà quản trị đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp; Đo lường hiệu quả hoạt động của các nhà quản lý và các bộ phận, đơn vị trực thuộc trong doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp xây lắp kế toán quản trị chi phí lại càng có vai trò quan trọng hơn cả. Bởi so với các ngành sản xuất khác, XDCB có những đặc điểm kinh tế kỹ thuật đặc trưng, được thể hiện rất rõ ở sản phẩm xây lắp và quá trình sáng tạo ra sản phẩm của ngành. Mặt khác, hoạt động xây lắp thường tiến hành ngoài trời nên chịu ảnh hưởng của điều kiện thiên nhiên, thời tiết. Đặc điểm này làm cho công tác quản lý, sử dụng, hạch toán tài sản, vật tư rất phức tạp, dễ bị mất mát, hư hỏng làm tăng chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, chu kì sản xuất của đơn vị xây lắp thường rất dài, nó phụ thuộc quy mô và tính chất phức tạp về kỹ thuật của từng công trình. Quá trình thi công được chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn thi công lại chia thành nhiều công việc khác nhau, các công việc chủ yếu diễn ra ngoài trời chịu tác động rất lớn của các nhân tố môi trường do vậy không thể tránh khỏi các rủi ro, làm phát sinh chi phí. Chính vì vậy thông tin về kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp các nhà quản trị kiểm soát chi phí để vừa có thể tiết kiệm được chi phí và hạ giá thành xây lắp.
Tuy nhiên với các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn thành phố Sơn La thì kế toán quản trị chi phí vẫn còn khá mới mẻ và việc đánh giá thực trạng áp dụng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp là thực sự cần thiết. Do đó bài viết này sẽ đưa ra những phân tích và đánh giá về thực trạng áp dụng mô hình kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La.
2. Đánh giá thực trạng áp dụng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La
Trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La qua điều tra thực tế và sàng lọc tác giả nhận thấy chỉ có 33 doanh nghiệp xây lắp là hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên sau khi thực hiện khảo sát sơ bộ nhóm tác giả nhận thấy việc tích phiếu tại một số doanh nghiệp không đạt yêu cầu đề ra Chính vì vậy mà nhóm tác giả đã quyết định chọn ra 5 doanh nghiệp lớn đại diện cho các tiêu thức: loại hình doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp lớn, vốn chủ sở hữu lớn, có hoạt động xây lắp diễn ra thường xuyên và doanh nghiệp hoạt động liên tục để thực hiện điều tra khảo sát
Bảng 1: Các doanh nghiệp thuộc mẫu nghiên cứu
Tên doanh nghiệp | Địa chỉ | Vốn CSH
(triệu đồng) |
Doanh thu
(triệu đồng) |
Lợi nhuận
(triệu đồng) |
Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hương | Tổ 1, Phường Tô Hiệu, TP Sơn La | 70.278 | 34.078 | 166 |
Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm La | Tổ 4, Phường Quyết Thắng, TP Sơn La | 560.974 | 132.746 | 27.007 |
Công ty TNHH XD kinh doanh tổng hợp | Tổ 2, Phường Quyết Thắng, TP Sơn La | 90.070 | 56.647 | 69 |
Công ty Cổ phẩn Quỳnh Ngọc | Bản Bó, Phường Chiềng An, TP Sơn La | 122.224 | 70.710 | 590 |
Công ty TNHH đầu tư XD Hoàng Chung | Tổ 9, Phường Chiềng Lề, TP Sơn La | 79.307 | 35.590 | 416 |
(Nguồn thống kê từ phiếu khảo sát)
Theo kết quả khảo sát có thể đánh giá về thực trạng áp dụng kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Sơn La như sau:
Về phân loại chi phí: 100% doanh nghiệp đều phân loại chi phí theo chức năng của chi phí gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công và chi phí sản xuất chung.
Về xây lắp định mức chi phí và lập dự toán chi phí trong các doanh nghiệp: 100% doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La thực hiện xây dựng định mức chi phí trước khi thực hiện công trình theo từng loại chi phí cho các công trình. Tuy nhiên việc lập dự toán chưa chi tiết và gắn với nhu cầu thông tin của nhà quản trị doanh nghiệp nên phần lớn các doanh nghiệp xây lắp (80%) đều chưa coi lập dự toán là một công cụ quản lý kinh tế.
Về kế toán chi phí cho các đối tượng chịu chi phí: tại các doanh nghiệp thuộc mẫu ngẫu nhiên nghiên cứu đối tượng tập hợp chi phí là công trình, hạng mục công trình, và tập hợp chi phí theo phương pháp trự tiếp và phương pháp gián tiếp (chi phí phát sinh liên quan đến 1 công trình, hạng mục công trình thì tập hợp cho công trình, hạng mục công trình ấy; các chi phí phát sinh liên quan đến nhiều công trình, hạng mục công trình thì tập hợp chi phí sau đó phân bổ theo tiêu thức chi phí nguyên vật liệu chính)
Theo nghiên cứu, hầu hết các doanh nghiệp thuộc mẫu ngẫu nhiên tỏ ra hài lòng với hệ thống quản trị chi phí của mình, với hệ thống kế toán chi phí này đảm bảo thông tin lập báo cáo tài chính cũng như cung cấp thông tin cho nhà quản trị doanh nghiệp, ngoại trừ công ty Cổ phần Quỳnh Ngọc muốn có thể xây lắp được bộ phận kế toán quản trị trong doanh nghiệp. Như vậy cũng đã có một số nhà quản trị nhận thấy tầm quan trọng của kế toán quản trị chi phí trong hệ thống kế toán của doanh nghiệp.
Với những kết quả nghiên cứu trên mẫu về hệ thống kế toán chi phí của doanh nghiệp ở trên có thể đưa ra nhận xét:
* Ưu điểm:
– Đã tiến hành phân loại chi phí theo nội dung, chức năng của chi phí. Việc phân loại sắp xếp chi phí của doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin của kế toán tài chính về xác định các khoản chi phí để xác định giá thành, xác định giá trị sản phẩm dở dang cũng như lập báo cáo
– Đã tổ chức bộ máy kế toán theo hình thức tập trung, có sự phân công rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm
– Đã tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm xây lắp theo công trình, hạng mục công trình, giúp tính giá được thực hiện đơn giản với độ chính xác cao.
* Hạn chế
– Doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn đầy đủ về vai trò, sự cần hiết của kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp do bộ máy quản trị chưa được chú trọng.
– Chưa quan tâm đến phân tách các loại chi phí khác như phân loại theo mức độ hoạt động (chi phí cố định, chi phí biến đổi) điều này gây khó khăn cho nhà quản trị khi ra quyết định
– Các doanh nghiệp trên mẫu chưa khai thác mạnh vai trò của dự toán chi phí, chưa sử dụng dự toán chi phí như một công cụ quản lý kinh tế giúp doanh nghiệp hoạch định cụ thể kế hoạch hoạt động và đánh giá trách nhiệm của quản lý các cấp của doanh nghiệp.
– Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Sơn La hiện tại đều chưa tiến hành đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chi tiết theo công trình, thị trường hay bộ phận
– Các doanh nghiệp chưa tiến hành phân tích thông tin chi phí phục vụ việc ra quyết định mà chỉ so sánh giữa giá thành thực tế và giá thành trúng thầu, việc ra quyết đinh ngắn hạn hay dài hạn chỉ chủ yếu dựa vào thông tin của kế toán tài chính mà không phải của hệ thống kế toán quản trị.
3. Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng mô hình kế toán quản trị chi phí trên địa bàn thành phố Sơn La
Thứ nhất, về tổ chức bộ máy kế toán quản trị: Tùy theo quy mô của mình mà doanh nghiệp có thể chọn mô hình kế toán quản trị cho phù hợp, mô hình nên được sử dụng nhiều nhất là hình thức kết hợp. Với hình thức này, các doanh nghiệp sẽ bố trí kế toán viên theo dõi phần hành kế toán nào thì sẽ thực hiện cả kế toán tài chính và kế toán quản trị phần hành đó, kế toán trưởng sẽ chịu trách nhiệm chung về toàn bộ công tác kế toán trong doanh nghiệp từ việc tổ chức xây lắp bộ máy kế toán, lưu chuyển chứng từ, vận dụng tài khoản, hệ thống báo cáo… nhằm cung cấp thông tin cho nhà quản trị. Kế toán quản trị không sử dụng chế độ kế toán riêng, tách rời với kế toán tài chính mà sử dụng các tài khoản chi tiết, hệ thống sổ kế toán và báo cáo kế toán kết hợp chung trong một hệ thống thống nhất với kế toán tài chính. Bộ phận kế toán quản trị chi phí sử dụng báo cáo bộ phận để cung cấp thông tin cho nội bộ doanh nghiệp, bộ phận kế toán tài chính sử dụng hệ thống báo cáo tài chính để cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp. Thực chất, kế toán tài chính và kế toán quản trị đều nghiên cứu sự biến động của chi phí và kết quả của hoạt động vì vậy việc tổ chức mô hình kết hợp sẽ tiết kiệm được chi phí trong hạch toán kế toán, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm hiệu quả.
Về chứng từ và tài khoản kế toán: Đối với các doanh nghiệp đã xây lắp định mức chi phí khoa học và hợp lý nên thiết kế thêm những chứng từ phản ánh những biến động vượt định mức về vật tư, lao động (có thể thiết kế thêm những dấu hiệu riêng) để kế toán chú ý đến những chứng từ này, tìm hiểu nguyên nhân và nếu cần thiết thấy phù hợp nhằm sử dụng tiết kiệm vật tư, nhân công… trong quá trình thi công.
Về phân loại chi phí:Các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn Thành phố Sơn La cần vận dụng phương pháp phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí. Việc phân loại này sẽ góp phần cho các nhà quản trị doanh nghiệp hiểu đúng bản chất sự vận động của các yếu tố chi phí, từ đó góp phần kiểm soát các khoản chi theo các tính chất biến phí và định phí; Xây lắp báo cáo kết quả kinh doanh theo cách ứng xử chi phí, theo các bộ phận nhằm phân tích và đánh giá hiệu quả của từng bộ phận để đưa ra quyết định điều hành mọi hoạt động; Phân tích mối quan hệ giữa chi phí, doanh thu và lợi nhuận, từ đó đưa ra các quyết định trong kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu cho doanh nghiệp.
Về xây lắp, quản lý, sử dụng hệ thống định mức chi phí, lập dự toán chi phí :
Các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn Thành phố Sơn La cần xây lắp hệ thống định mức chi phí phù hợp với thực tế đơn vị. Cụ thể cần bổ sung một số định mức:
Định mức vật tư tiêu hao: Các doanh nghiệp cần bổ sung định mức vật tư tiêu hao trong khâu thi công và khâu vận chuyển vật tư.
Định mức chi phí nhân công trực tiếp: Trên cơ sở định mức do Nhà nước ban hành, các doanh nghiệp nên xây lắp định mức chi phí nhân công trực tiếp tương ứng với từng bậc thợ, từng loại thợ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng công trình, thời gian và địa điểm thi công.
Định mức chi phí ca máy: Các doanh nghiệp cần phải xây lắp bảng đơn giá ca máy cho từng máy thi công cụ thể. Đối với máy thi công thuê ngoài, đơn giá thuê cần điều chỉnh sát với giá thị trường.
Về việc xác định giá thành sản phẩm và phân tích thông tin chi phí thích hợp để ra quyết định kinh doanh:
– Xác định giá dự thầu:
Để xác định giá dự thầu, các doanh nghiệp cần lập bảng dự toán chi phí theo phương pháp trực tiếp. Giá dự thầu có thể được quyết định linh động trong khoảng từ biến phí (gồm cả thuế GTGT) đến giá trị dự toán sau thuế tùy thuộc vào doanh nghiệp có đang hoạt động trong điều kiện năng lực sản xuất nhàn rỗi, hoạt động trong điều kiện khó khăn, hoạt động trong điều kiện cạnh tranh đấu thầu hay không.
Vấn đề là doanh nghiệp phải xác định một chính sách giá phù hợp để từ đó có thể đảm bảo các khả năng lợi nhuận dự kiến là cao nhất, thấp nhất hoặc trung bình nhưng vẫn có khả năng trúng thầu.
– Về phân tích đánh giá hiệu quả của các bộ phận :
Trong các doanh nghiệp xây lắp khi có tổ chức các đội thi công xây lắp các công trình, hạng mục công trình. Vì vậy, các nhà quản trị cần xem xét và phân tích để đưa ra quyết định có nên tiếp tục hay thu hẹp hay chấm dứt hoạt động của đội thi công đó nhằm đảm bảo lợi nhuận và mức độ an toàn cho doanh nghiệp là cao nhất. Khi đưa ra quyết định này, nhà quản trị doanh nghiệp cần phải phân tích dựa trên cơ sở khoa học là: Lợi nhuận của các đội thi công (công trình, hạng mục công trình) tạo ra cho doanh nghiệp; Mối quan hệ giữa chi phí cố định trực tiếp và chi phí cố định chung của từng đội thi công (công trình, hạng mục công trình) đối với doanh nghiệp; Tác động của doanh thu của từng bộ phận (công trình, hạng mục công trình) với nhau ảnh hưởng tới doanh thu chung của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La cần quan tâm trong việc xây lắp hoàn thiện hệ thống báo cáo kế toán quản trị phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin cho quản trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên để có thể thực hiện được các giải pháp trên tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:
Về phía Nhà nước và các cơ quan chức năng:
– Nhà nước cần có những quy định mang tính hướng dẫn, định hướng tổ chức kế toán quản trị đối với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xây lắp nói riêng.
– Nhà nước cần có những chế tài xử phạt trong trường hợp cạnh tranh thiếu lành mạnh để các doanh nghiêp xây lắp bình đẳng tham gia đấu thầu.
– Bộ tài chính cần ban hành nội dung kế toán quản trị cho từng ngành cụ thể và thống nhất thành chuẩn mực tương tự như kế toán tài chính để những người làm kế toán hiểu một cách đầy đủ về hệ thống kế toán tại đơn vị.
Về phía các Doanh nghiệp:
– Đối với cán bộ kế toán: Cần nâng cao nhận thức và trình độ quản lý cho các nhà quản trị doanh nghiệp để nâng cao khả năng ra quyết định trong quá trình cạnh tranh và hội nhập. Đào tạo, cử nhân viên kế toán tham gia học các khóa về kế toán quản trị để đảm bảo trình độ kiến thức kế toán tài chính và kế toán quản trị, có khả năng sáng tạo, vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học vào thực tế, có sự kết hợp chặt chẽ với các bộ phận phòng ban khác.
– Về bộ máy kế toán: Cần tổ chức bộ máy kế toán quản trị phù hợp với đặc điểm và yêu cầu cung cấp thông tin quản trị của doanh nghiệp, và phải chú trọng đến tính bảo mật của thông tin kế toán quản trị.
4. Kết luận
Có thể nói trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới hiện nay, đã mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp song bên cạnh đó cũng không ít các thách thức mới. Nó đòi hỏi các doanh nghiệp xây lắp nói chung và các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn Thành phố Sơn La nói riêng, muốn tồn tại và phát triển phải có hệ thống thông tin kịp thời, chính xác, phục vụ cho việc điều hành, quản lý và ra các quyết định sản xuất kinh doanh. Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của ngành xây lắp, công tác quản lý chặt chẽ các yếu tố chi phí nhằm tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xây lắp luôn là những yêu cầu cấp thiết. các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố Sơn La cần đẩy mạnh ứng dụng kế toán quản trị chi phí trong hệ thống kế toán của đơn vị để tiết kiệm và sử dụng chi phí một cách có hiệu quả, là cơ sở hạ giá thành sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Ths.Lê Thị Thanh Nhàn
Dương Thị Minh Huyền – Nguyễn Thị Phượng – K56B ĐHKT
TB: Thư mời viết bài hội thảo Quốc gia “Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp”
NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN KINH DOANH TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH ĐIỆN BIÊN
Trong cơ chế kinh tế thị trường mở cửa, hội nhập quốc tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn kinh doanh nên việc sử dụng các nguồn vốn đã huy động được là đặc biệt quan trọng. Thế mà, việc sử dụng các nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Điện Biên nói riêng trong thời gian qua lại chưa thực sự có hiệu quả. Vì thế các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điên Biên cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh để phát triển bền vững trong cơ chế thị trường.
- Thực trạng sử dụng vốn kinh doanh và những nguyên nhân
* Các vấn đề lý luận
Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về hiệu quả. Nhiều nhà quản trị quan niệm hiệu quả được xác định bởi tỉ số giữa kết quả đạt được và chi phí bỏ ra để đạt được kết quả đó.
Hiệu quả sử dụng vốn là hiệu quả kinh doanh lĩnh vực hoạt động, đó là lĩnh vực sử dụng vốn. Giữa hiệu quả kinh doanh tổng hợp và hiệu quả sử dụng vốn có mối quan hệ biện chứng: hiệu quả kinh doanh tổng hợp là kết quả tổng hợp của hiệu quả sử dụng các nguồn lực, trong đó có hiệu quả sử dụng vốn. Hiệu quả sử dụng vốn là điều kiện tiền đề góp phần tạo ra hiệu quả kinh doanh tổng hợp.
Để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên cần chu ý các chỉ tiêu chủ yếu sau:
– Doanh lợi của toàn bộ vốn kinh doanh: Chỉ tiêu này cho biết có bao nhiêu đồng lợi nhuận được tạo ra khi bỏ ra một đồng vốn kinh doanh.
– Số vòng quay của tổng vốn kinh doanh: Chỉ tiêu này cho biết một đồng vốn kinh doanh mà doanh nghiệp đem vào kinh doanh quay được mấy vòng trong kỳ
– Sức sản xuất của một đồng vốn cố định: Chỉ tiêu này phản ánh một đồng vốn cố định đem lại mấy đồng doanh thu.
– Sức sinh lời của một đồng vốn cố định: Chỉ tiêu này cho biết một đồng lợi nhuận được tạo ra cần hao phí bao nhiêu đồng vốn cố định
– Số vòng luân chuyển vốn lưu động: Chỉ tiêu này cho biết vốn lưu động quay được mấy vòng trong kỳ tính toán.
– Sức sinh lời của một đồng vốn lưu động: Chỉ tiêu này cho biết một đồng vốn lưu động tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận.
* Thực trạng sử dụng vốn kinh doanh trong các doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên:
Theo số liệu điều tra doanh nghiệp trong ấn phẩm kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Điện Biên giai đoạn 2009 – 2011 do Cục thống kê Điên Biên công bố năm 2012 thì tính đến hết ngày 1/1/2012 Điện Biên có 740 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động với quy mô vốn nằm ở nhiều mức khác nhau nhưng có thể nói hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Điện Biên có quy mô vốn nhỏ chủ yếu nằm trong khoảng từ 1 đến 5 tỷ đồng. Cụ thể trong năm 2012 có số liệu sau:
* Từ dưới 1 tỷ đồng chiếm 12,4%.
* Từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng chiếm 45,5%.
* Từ 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng chiếm 18,9%.
* Từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng chiếm 23,2%.
Theo cách chia của Cục Thống kê Điện Biên thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên chia có 03 lĩnh vực là: Nông – Lâm – Thủy sản, Công nghiệp – Xây dựng, Thương mại – Dịch vụ do đó tác giả sử dụng cách chia này để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp
– Các doanh nghiệp Nông – Lâm – Thủy sản
+ Doanh lợi của toàn bộ vốn kinh doanh: Mức doanh lợi tổng vốn kinh doanh trung bình 5 năm của các doanh nghiệp này là 0,29%/năm kém hơn trung bình cả nước 22,3 lần.
+ Số vòng quay của tổng vốn kinh doanh: Số vòng quay của tổng vốn kinh doanh trung bình 5 năm là 0,2138 vòng/năm kém hơn trung bình cả nước 2,4 lần.
+ Sức sản xuất của một đồng vốn cố định: Sức sản xuất vốn cố định trung bình trong 5 năm là: 0,266 đồng kém hơn cả nước 28,1 lần.
+ Sức sinh lời của một đồng vốn cố định: Mức sinh lời trung bình của một đồng vốn cố định trong 5 năm là 0,0037 đồng kém hơn cả nước 26,2 lần.
+ Số vòng luân chuyển vốn lưu động: Số vòng quay trung bình trong 5 năm của một đồng vốn lưu động trong các doanh nghiệp là 1,071 vòng/năm kém hơn cả nước 1,41 lần.
+ Sức sinh lời của một đồng vốn lưu động: Mức sinh lời của một đồng vốn lưu động trong 5 năm là 0,0147 đồng kém hơn trung bình cả nước 13,1 lần.
– Các doanh nghiệp Công nghiệp – Xây dựng
+ Doanh lợi của toàn bộ vốn kinh doanh: Mức doanh lợi của tổng vốn kinh doanh trung bình 5 năm của các doanh nghiệp là 2,188%/năm kém hơn trung bình cả nước 2,1 lần.
+ Số vòng quay của tổng vốn kinh doanh: Số vòng quay tổng vốn kinh doanh trung bình 5 năm là 1,0612 vòng/năm cao hơn hơn trung bình cả nước.
+ Sức sản xuất của một đồng vốn cố định: Sức sản xuất trung bình của một đồng vốn cố định trong trong 5 năm là 1,829 đồng kém hơn trung bình cả nước 1,1 lần.
+ Sức sinh lời của một đồng vốn cố định: Mức sinh lời trung bình của một đồng vốn cố định trong 5 năm là 0,0378 đồng kém hơn trung bình cả nước là 2,48 lần.
+ Số vòng luân chuyển vốn lưu động: Số vòng quay trung bình của một đồng vốn lưu động trong 5 năm là 2,525 vòng/năm cao hơn trung bình cả nước 1,4 lần.
+ Sức sinh lời của một đồng vốn lưu động: Mức sinh lời của một đồng vốn lưu động trong 5 năm là 0,052 đồng kém hơn trung bình cả nước 1,67 lần.
– Các doanh nghiệp Thương mại – Dịch vụ
+ Doanh lợi của toàn bộ vốn kinh doanh: Doanh lợi của tổng vốn kinh doanh trung bình 5 năm là 1,11%/năm kém hơn trung bình cả nước 1,6 lần.
+ Số vòng quay của tổng vốn kinh doanh: Số vòng quay tổng vốn kinh doanh trung bình là 1,16 vòng/năm cao hơn trung bình cả nước.
+ Sức sản xuất của một đồng vốn cố định: Sức sản xuất trung bình của một đồng vốn cố định trong 5 năm là 3,794 đồng cao hơn trung bình cả nước là 1,37 lần.
+ Sức sinh lời của một đồng vốn cố định: Mức sinh lời trung bình của một đồng vốn cố định trong 5 năm là 0,0364 đồng kém hơn trung bình cả nước 1,45 lần.
+ Số vòng luân chuyển vốn lưu động: Số vòng quay trung bình của một đồng vốn lưu động trong 5 năm là 1,674 vòng/năm cao hơn trung bình cả nước 1,16 lần.
+ Sức sinh lời của một đồng vốn lưu động: Mức sinh lời của một đồng vốn lưu động trong 5 năm là 0,0162 đồng kém hơn trung bình cả nước là 1,69 lần.
Như vậy, khi phân tích thực trạng sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên bằng các chỉ tiêu đánh giá và so sánh với trung bình của cả nước ta có thể khẳng định các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên sử dụng không có hiệu quả nguồn vốn kinh doanh của mình.
* Thực trạng này là do một số nguyên nhân sau:
Cơ cấu vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Điện Biên là không hợp lý. Trong lĩnh vực Nông – Lâm – Thủy sản tỷ lệ đầu tư cho vốn cố định quá cao gần 80% dẫn đến không tận dụng hết công suất của các tài sản, tăng chi phí sản xuất trong khi vốn lưu động chỉ có 20% điều này làm cho các doanh nghiệp khó có khả năng tận dụng các cơ hội kinh doanh. Trong lĩnh vực Công nghiệp và Xây dựng thì vốn đầu tư cho tài sản cố định thấp chỉ chiếm gần 57% dẫn tới thiếu máy móc không làm tăng được năng suất làm doanh thu và lợi nhuận giảm. Trong lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ tỷ lệ đầu tư cho vốn lưu động quá cao chiếm gần 70% trong khi vốn cố định chiếm hơn 30% điều này làm cho các doanh nghiệp khó có khả năng cao năng suất và chất lượng do sự áp dụng khoa học kỹ thuật ít.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Điện Biên hiện nay, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang sử dụng máy móc, thiết bị còn lạc hậu 76% máy móc, dây chuyền công nghệ được sản xuất từ những năm 1950 – 1960, 73% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% số thiết bị là đồ tân trang… Tóm lại, máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ có 10% hiện đại, 40% trung bình và 50% là lạc hậu và rất lạc hậu, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2%, việc đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chi phí khoảng 0,2% – 0,3% tổng doanh thu. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp không tiết kiệm được nguyên vật liệu, chi phí bảo trì, bảo dưỡng lớn, không nâng cao được năng suất dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn nói chung và vốn cố định nói riêng không cao.
Trình độ lao động quản lý và lao động trực tiếp sản xuất ra sản phẩm tại các doanh nghiệp là không cao. Theo báo cáo của Cục thống kê Điện Biên về trình độ chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên thì trong tổng số 740 doanh nghiệp có 30,1% chủ doanh nghiệp có trình độ đại học và cao đẳng, 35,8% chủ doanh nghiệp có trình độ trung cấp, 23,5% chủ doanh nghiệp có trình độ sơ cấp và 10,6% chủ doanh nghiệp chưa qua đào tạo. Thực trạng này dẫn đến các phương án sản xuất kinh doanh sẽ không thực sự hữu hiệu, việc bố trí các khâu, các giai đoạn sản xuất không thực sự khoa học, việc xác định nhu cầu vốn kinh doanh, bố trí cơ cấu vốn không hợp lý, vốn trong quá trình thanh toán bị chiếm dụng, …và sẽ gây lãng phí về nhân lực, vốn, nguyên vật liệu, …
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đã hướng công việc kinh doanh của mình theo thị trường. Tuy nhiên, lối kinh doanh nhỏ lẻ, truyền thống, chộp giật, manh mún, thiếu cái nhìn dài hạn vẫn còn ăn sâu trong tâm trí chủ các doanh nghiệp. Điều này được chứng minh các sản phẩm của các doanh nghiệp tỉnh Điện Biên chủ yếu là tiêu thụ trong tỉnh, người tiêu dùng cả nước rất ít biết đến các thương hiệu tại Điện Biên, chưa có một sản phẩm Công nghiệp – Dịch vụ nào được xây dựng thương hiệu một cách bài bản
Là một tỉnh miền núi phía Bắc, lại nằm ở điểm cuối cùng của quốc lộ 6 nên việc giao lưu vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Quá trình vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu từ Điện Biên đi các tỉnh và từ các tỉnh Điện Biên chủ yếu là qua quốc lộ 6, tại tỉnh chưa có tuyến đường sắt đi qua, không vận chuyển được bằng đường thủy, đường hàng không chỉ dành để phục vụ hành khách nên chi phí vận chuyển hàng hóa khá cao, ngoài ra do đường núi quanh co, nhiều đèo dốc lên rủi ro cho việc vận chuyển lớn vấn đề này cũng làm tăng chi phí của các doanh nghiệp.
- Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên.
* Điều chỉnh lại cơ cấu vốn giữa vốn cố định và vốn lưu động trong các ngành kinh doanh
Các doanh nghiệp nên xem xét cần tiến hành thanh lý, nhượng bán tài sản cố định không cần dùng hoặc đã khấu hao hết để thu hội vốn nhằm tái đầu tư vào tài sản cố định bổ xung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho việc cất giữ bảo quản tài sản cố định đó. Những loại tài sản nào doanh nghiệp bắt buộc phải mua thì sẽ tiến hành đầu tư để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.
Với những tài sản nào cần thiết nhưng có tính mùa vụ các doanh nghiệp có thể tính đến phương án đi thuê nhằm tiết kiệm vốn đầu tư mà vẫn đem lại hiệu quả.
Các doanh nghiệp phải thường xuyên đánh giá và đánh giá lại tài sản cố định. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả thường xuyên biến đổi, hiện tượng hao mòn vô hình thường xuyên xảy ra. Việc thường xuyên đánh giá và đánh giá lại tài sản giúp cho các doanh nghiệp xác định mức khấu hao và thời gian khấu hao hợp lý để thu hồi vốn, xử lý kịp thời những tài sản cố định bị mất giá để chống sự thất thoát vốn.
Các doanh nghiệp nên lập kế hoạch đầu tư phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế. Thực tế cho thấy trong một vài năm vừa qua tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa Điện Biên có một số tài sản cố định được đầu tư vượt so với nhu cầu sử dụng từ đó làm cho hiệu quả sử dụng của tài sản cố định bị giảm, hàm lượng vốn cố định trong mỗi đồng doanh thu tăng lên điều này đã ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, gây nên hiện tượng lãng phí vốn cố định.
* Đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp
Tổ chức thường xuyên các hội chợ công nghệ và thiết bị địa phương, kể cả các sàn giao dịch công nghệ điện tử để phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu kết nối cung cầu về công nghệ. Nên có các hình thức hỗ trợ, như hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh vốn vay giúp doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn miền núi. Hỗ trợ tổ chức đào tạo ngắn hạn cho lãnh đạo doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao về quản trị công nghệ.
Các doanh nghiệp phải đầu tư một cách đồng bộ, công suất hoạt động máy lớn, số giờ máy và số ca của máy được hoạt động một cách triệt để, phải có trách nhiệm bảo quản, bảo dưỡng máy móc tốt, định mức khấu hao đúng đắn. Đối với những công nghệ cũ, lỗi thời, đã khấu hao hết các doanh nghiệp nên thanh lý để đầu tư vào các máy móc khác.
* Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và chất lượng đội ngũ lao động
Như đã phân tích ở phần thực trạng trình độ cán bộ quản lý ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa Điện Biên khá thấp, số cán bộ đã được qua đào tạo, số cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực kinh doanh ít điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần sử dụng kết hợp nhiều phương pháp đào tạo trong đó có phương pháp tự đào tạo nghĩa là các công nhân sẽ tự đào tạo cho nhau để hoàn thành công việc, doanh nghiệp chỉ giám sát, phân tổ, nhóm và đưa ra chỉ tiêu. Ngoài ra các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nghiệp vụ quản lý, trình độ của các cán bộ quản lý cấp thấp những người này có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nên để cho nhóm đối tượng này đi đào tạo các lớp ngắn hạn chuyên sâu về: năng lực quản lý tổ chức, quản trị công nghệ, …
* Xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp
Trung tâm xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công thương của tỉnh nên tích cực tổ chức các hội chợ thương mại để giới thiệu các sản phẩm cho người tiêu dùng biết từ đó thúc đẩy việc tiêu thụ của người tiêu dùng.
Ngoài sự hỗ trợ về mặt cơ chế của Nhà nước, muốn khẳng định chỗ đứng trên thị trường, nhất thiết các doanh nghiệp phải xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm hàng hóa cho riêng mình. Tỉnh Điện Biên có gạo khá nổi tiếng, giống như một số mặt hàng chè Tân Cương, vải Thanh Hà, rượu Vang Đà Lạt… Gạo Điện Biên khá quen thuộc với người tiêu dùng tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, thủ đô Hà Nội… Xây dựng, phát triển thương hiệu gạo Điện Biên là việc làm cấp thiết hiện nay.
* Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí
Tỉnh Điện Biên cần có chính sách ưu tiên nguồn vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường giao thông từ khu vực trung tâm tới các cặp cửa khẩu chính, phụ. Hiện nay, tuyến đường tới các cặp cửa khẩu chưa thực sự được thông thương, nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân 2 nước buôn bán trao đổi hàng hóa cả mùa khô và mùa mưa. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại bị hạn chế.
Nâng cấp, cải tạo tuyến đường quốc lộ 6 nếu cần khắc phục hoặc sửa chữa thì tỉnh nên kiến nghị ngay với Trung ương để kịp thời sử lý. Cần làm thêm nhiều đường lánh nạn trên đèo Pha Đin.
Tích cực liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để đầu tư xây dựng nhà máy sử lý nước đặc biệt là các dự án của ngân hàng thế giới (WB), dự án JACA của Nhật để đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của dân và sản xuất của các doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ hiện đại, triển khai tự động hoá trong khai thác, chấp nhận và tin học hoá các công đoạn bưu chính, phát triển kinh doanh từ các dịch vụ mới, dịch vụ lai ghép, dịch vụ tài chính dựa trên mạng bưu chính điện tử.
Là các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn của một tỉnh miền núi nhưng ở đây cũng có nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác do đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn có thể từng bước khẳng định hơn nữa vị thế của mình trên thị trường trong nước cũng như bắt kịp vòng xoáy hội nhập quốc tế và việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là một vấn đề rất cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Thành Độ và Nguyễn Ngọc Huyền (2006), Giáo trình quản trị kinh doanh, Nhà xuất bản Đại Học Kinh Tế Quốc Dân.
- Đặng Công Thức (2012), “Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Điện Biên” Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
TS. Đặng Công Thức
LỊCH CÔNG TÁC TUẤN 44 NĂM 2016 (Từ ngày 31/10/2016 đến ngày 6/11/2016)
Thời gian | Nội dung | Thành phần | Chủ trì | Địa điểm | Ghi chú |
Thứ Hai, trực lãnh đạo: Đc Trọng | |||||
Thứ Ba, trực lánh đạo: Đc Trọng | |||||
Thứ Tư, trực lãnh đạo Khoa: Đc Trọng | |||||
9h00 | Họp ban công tác Website khoa | Theo thông báo riêng | ĐC Trọng | VPK | |
10h00 | Họp ban công tác học sinh Lào | Theo thông báo riêng | ĐC Trọng | VPK | |
15h00 | Họp ban tổ chức tháng rèn nghề | Theo thông báo riêng | ĐC Trọng | VPK | |
Thứ Năm, trực lãnh đạo Khoa: ĐC Lan Anh | |||||
8h30 | Họp Chi bộ | VPK | |||
14h00 | Họp giao ban | ĐC Lan Anh dự họp | PH2 | ||
Thứ Sáu, trực lãnh đạo Khoa: ĐC Lan Anh | |||||
Thứ Bảy | |||||
Chủ nhật | |||||