Hoạt động đào tạo

Hoạt động tư vấn tuyển sinh trực tuyến năm 2020 – Khoa Kinh tế Đại học Tây Bắc

GV Lã Thị Bích Ngọc

Vừa qua, ngày 4/6/2020 Trường Đại học Tây Bắc với Đài truyền hình Sơn La đã tổ chức thành công buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến. Buổi quay hình trực tiếp và livestream diễn ra tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ giảng viên nhà trường, quý phụ huynh cùng các em học sinh THPT các tỉnh vùng Tây Bắc. Với sự tham gia của TS. Hoàng Xuân Trọng – Trưởng khoa Kinh tế Đại học Tây Bắc, những thắc mắc của các quý phụ huynh và học sinh đã được giải đáp một cách cụ thể, chi tiết nhất trong phạm vi của chương trình.

TS. Hoàng Xuân Trọng (Thứ 2 bên phải) tại buổi tư vấn trực tuyến

Mở đầu phần tư vấn các nhóm ngành Khoa Kinh tế, Đại học Tây Bắc, TS. Hoàng Xuân Trọng đã tham gia trả lời các câu hỏi của các thí sinh, phụ huynh. 

            – Câu hỏi 1: “Em muốn tìm hiểu thêm về khoa Kinh tế được không ạ? hiện nay Khoa Kinh tế đang có các ngành đào tạo nào và ngành nào là ngành hấp dẫn nhất hiện nay?”

TS. Hoàng Xuân Trọng, trưởng Khoa Kinh tế đã trả lời: Khoa Kinh tế là một khoa thuộc trường Đại học Tây Bắc. Khoa Kinh tế có sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu khoa học và kết nối phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực kinh tế vùng Tây Bắc. Khoa đã có hơn 15 năm kinh nghiệm, đào tạo được trên 5.000 sinh viên và học viên đạt trình độ cử nhân kinh tế cho các tỉnh trong cả nước Việt Nam và các tỉnh Bắc Lào, đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái. Khoa có đội ngũ giảng viên trẻ trung, năng động với 27 cán bộ giảng viên, trong đó có 11 giảng viên là tiến sĩ và nghiên cứu sinh, còn lại các giảng viên khác đều đạt trình độ thạc sĩ.

Các ngành đào tạo của khoa hiện nay gồm 4 ngành: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, và Tài chính – Ngân hàng. Các chương trình đào tạo được thiết kế bảo đảm hài hòa giữa lý thuyết và thực hành. Trong quá trình học tập và rèn luyện từ năm thứ nhất đến năm thứ tư, các em đã dần hình thành kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Bên cạnh việc học trên lớp, các sinh viên được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động ngoại khoá; được gặp gỡ, giao lưu, kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; được trải nghiệm – tích lũy kinh nghiệm thông qua thực hành, rèn nghề, thực tập để dần tiếp cận thực tiễn và có khả năng hòa nhập nhanh chóng với công việc sau khi tốt nghiệp.

Còn về ngành nào có sức hấp dẫn nhất? Thực sự, khó có thể nói chính xác tuyệt đối  là ngành nào. Bởi vì mỗi ngành đều có thế mạnh riêng, đào tạo ra những cử nhân kinh tế có từng vị trí việc làm quan trọng trong nền kinh tế. Các chương trình đào tạo đều được xây dựng dựa trên khảo sát, nghiên cứu nhu cầu xã hội và các đơn vị sử dụng lao động nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương vùng Tây Bắc. Trong những năm qua, sinh viên khoa Kinh tế rất vui mừng được các đơn vị sử dụng lao động quan tâm đặt vấn đề tuyển dụng ngay từ năm học thứ 3, thứ 4. Và trong kỳ tuyển sinh năm 2020 này, cả 4 ngành đã nhận được sự quan tâm tìm hiểu cụ thể của nhiều học sinh và phụ huynh cho thấy mỗi ngành đều có sức hấp dẫn riêng.

TS. Hoàng Xuân Trọng giải đáp thắc mắc của quý phụ huynh và học sinh THPT

– Câu hỏi thứ 2 liên quan đến vấn đề tuyển sinh của Khoa năm 2020: “Khoa Kinh tế năm nay sẽ tuyển sinh như thế nào, thưa TS Hoàng Xuân Trọng?”

TS. Hoàng Xuân Trọng, trưởng Khoa Kinh tế: Theo Đề án tuyển sinh năm 2020 của Trường Đại học Tây Bắc, phương thức xét tuyển các ngành của khoa Kinh tế rất đa dạng và linh hoạt:

1. Căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập tại trường THPT.

2. Với các tổ hợp xét tuyển đa dạng: mỗi ngành đều gồm 4 tổ hợp xét tuyển: A00 (Toán, Lý, Hoá), A01 (Toán, Lý, Anh), A02 (Toán, Lý, Sinh), D01 (Toán, Văn, Anh), riêng ngành QTDVDL và Lữ Hành có thêm tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa).

Với cách thức tuyển sinh như vậy, cơ hội rộng mở để các bạn học sinh được xét tuyển vào các ngành học thuộc khoa Kinh tế.

Câu hỏi tiếp theo liên quan đến cơ hội việc làm của các sinh viên ngành kinh tế sau khi ra trường: “Thầy cô có thể cho em biết rõ hơn về cơ hội việc làm sau khi ra trường của SV khoa Kinh tế được không ạ?” 

TS. Hoàng Xuân Trọng, trưởng Khoa Kinh tế đã giải đáp chi tiết cho câu hỏi này: “Qua hơn 15 năm đào tạo, khoa Kinh tế rất vui mừng phấn khởi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các sinh viên tốt nghiệp, đã có hàng nghìn việc làm ở các vị trí khác nhau trong các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp hoặc tự khởi nghiệp kinh doanh. 

Trong cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế: Chẳng hạn như Sở kế hoạch – đầu tư các tỉnh, Sở tài chính, Cơ quan Thuế, UBND các cấp. Trong các doanh nghiệp, Đối với ngành kế toán: Kế toán viên, Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính. Đối với ngành QTKD: Chuyên viên kinh doanh, Trưởng/ phó phòng, Ban giám đốc doanh nghiệp. Đối với ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành: Hướng dẫn viên du lịch, Điều hành Tour du lịch, Quản lý nhà hàng/ khách sạn, Ban giám đốc. Đối với ngành TCNH: chuyên viên phòng khách hàng cá nhân/ doanh nghiệp/ tín dụng/ giao dịch, Trưởng/phó phòng, Ban giám đốc.

Nhìn chung, nền kinh tế thị trường càng phát triển thì sinh viên kinh tế sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm hoặc tự khởi nghiệp làm chủ trong các lĩnh vực kế toán, kinh doanh, du lịch và tài chính ngân hàng”.

Bên cạnh những câu hỏi liên quan đến Trường và Khoa cũng như về công tác tuyển sinh, một câu hỏi rất thú vị đã được đặt ra cho TS. Hoàng Xuân Trọng “Thưa TS Hoàng Xuân Trọng, cảm xúc của Thầy như thế nào khi được chứng kiến sự trưởng thành của học trò?”

Khi trả lời câu hỏi này, thầy Hoàng Xuân Trọng đã không khỏi dấu được xúc động cùng niềm tự hào khi chia sẻ về những cựu sinh viên của Khoa. Cùng tham gia chương trình có bạn Là Văn Phong, một trong những cựu sinh viên xuất sắc của Khoa và Nhà trường. Trong quá trình học tập và phấn đấu tại trường bạn luôn hoàn thành tốt cả về học tập, nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động đoàn thể. Ra trường, cầm trong tay tấm bằng cử nhân quản trị kinh doanh, Phong đã nỗ lực vươn lên để trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhắc đến du lịch Quỳnh Nhai có lẽ không thể không nhắc đến thương hiệu Là Văn Phong. Trên bước đường thành công của Phong chắc chắn không thể thiếu bàn tay dẫn dắt của các thầy, các cô Khoa Kinh tế, đặc biệt là Thầy Hoàng Xuân Trọng, người trực tiếp đào tạo và dìu dắt Phong trên con đường lập nghiệp.

Cựu sinh viên Là Văn Phong – GĐ HTX Quỳnh Nhai Travel (bên phải)

TS. Hoàng Xuân Trọng, trưởng Khoa Kinh tế: “Tôi và các thầy cô khoa Kinh tế rất tự hào về cựu sinh viên Là Văn Phong. Chúng tôi rất ấn tượng từ khi còn là sinh viên, em Là Văn Phong rất năng động, sáng tạo, ham học hỏi; luôn tiên phong, gương mẫu trong các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện nghiệp vụ, và thường xuyên tham gia các hoạt động văn thể mỹ do khoa và Nhà trường tổ chức.

Sau khi tốt nghiệp, em Phong đã áp dụng tri thức kinh tế được học để đánh giá tiềm năng to lớn của lòng hồ thuỷ điện Sơn La về kinh tế du lịch và thuỷ sản, do vậy Phong đã mạnh dạn khởi nghiệp dựa trên thế mạnh, lợi thế so sánh và tài nguyên bản địa của quê hương Quỳnh Nhai. Từ khi bắt đầu khởi nghiệp đến nay, em Phong vẫn thường xuyên liên hệ, gặp gỡ xin ý kiến tư vấn của thầy cô trong khoa về quản lý kinh tế và kinh doanh.

Khoa Kinh tế cũng đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành trên con đường sự nghiệp của em Phong và tất cả sinh viên của khoa Kinh tế”. 

– Một vấn đề nữa mà các quý phụ huynh cùng các thí sinh cũng quan tâm không kém, bởi lẽ nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình rèn luyện, trau dồi kỹ năng của các em trong trường cũng như cơ hội xin việc của các em sau này. Một câu hỏi liên quan đến hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Khoa, Trường Đại học Tây Bắc?Xin thầy cho biết, Khoa và Trường Đại học Tây Bắc sẽ có những hoạt động gì để hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên trong trường?

TS. Hoàng Xuân Trọng, trưởng Khoa Kinh tế: “Hiện tại, Khoa và Nhà trường đã tổ chức khá nhiều hoạt động để hỗ trợ khởi nghiệp cho các sinh viên ngay trong trường như: Diễn đàn khởi nghiệp dành cho sinh viên, thanh niên Tây Bắc tháng 10/2016 do Trường Đại học Tây Bắc chủ trì và phối hợp với Ban tổ chức khởi nghiệp quốc gia thuộc phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), Tỉnh Đoàn và Hiệp hội doanh nghiệp Sơn La.

Ngoài ra, với thế mạnh có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, Khoa kinh tế đã xúc tiến Thành lập CLB khởi nghiệp sáng tạo cuối năm 2016, hàng năm tổ chức các lớp tập huấn cho thành viên và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp quốc gia. Kết quả: đã có hàng trăm ý tưởng và dự án khởi nghiệp của sinh viên. Đã có giảng viên, sinh viên khoa Kinh tế đạt giải nhất và giải ba toàn quốc cuộc thi khởi nghiệp dựa trên tài nguyên bản địa năm 2018, 2019. Năm 2019, Tỉnh Đoàn Sơn La tổ chức Cuộc thi thanh niên khởi nghiệp thì Trường ĐHTB đã có 4/5 dự án khởi nghiệp đạt giải xuất sắc và nhận được hỗ trợ tài chính của Ban tổ chức.

Nếu các bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp thì Trường Đại học Tây Bắc và khoa Kinh tế sẽ giúp các bạn có một môi trường phù hợp để trải nghiệm, rèn luyện, kết nối với các tổ chức khởi nghiệp, doanh nhân thành đạt trong tỉnh và toàn quốc để các bạn hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần phát triển kinh tế quê hương mình. Chỉ cần các bạn có đam mê và kiên trì học tập, rèn luyện như cựu sinh viên Là Văn Phong thì chắc chắn các bạn sẽ khởi nghiệp thành công!”

Trên đây là một số nội dung giải đáp thắc mắc của quý phụ huynh và học sinh tại buổi tư vấn trực tuyến. Các thông tin liên quan đến hoạt động tuyển sinh Đại học chính quy năm 2020 của Khoa Kinh tế nói riêng và Trường Đại học Tây Bắc nói chung được đăng tải tại đường link Fanpage: https://www.facebook.com/utb.edu.vn . Kính mong quý phụ huynh cùng các em thí sinh quan tâm có thể vào đường link trên để biết thêm chi tiết và được giải đáp thắc mắc.

Trân Trọng!

Hoạt động quảng bá và tư vấn tuyển sinh năm 2020 khoa Kinh tế tại trường THPT

Sáng ngày 12 tháng 6 năm 2020, Tại trường THPT Huyện Mường La đã diễn ra buổi Truyền thông, tuyển sinh và quảng bá hình ảnh khoa Kinh tế – trường Đại học Tây Bắc dưới sự chủ trì của giảng viên TS. Đặng Huyền Trang – Phó trưởng khoa Kinh tế và cô giáo  – Hiệu trưởng trường THPT Huyện Mường La. Công tác tuyển sinh diễn ra thành công, tốt đẹp với sự háo hức của các em học sinh THPT, sự kỳ vọng của nhà trường với định hướng tương lai vững chắc về liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Sơn La.

Theo đó, trong năm 2020, quy chế tuyển sinh đại học chính quy trường Đại học Tây Bắc vẫn cơ bản thực hiện như năm 2019. Nhà trường vẫn lựa chọn hai hình thức xét tuyển là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi chung THPT quốc gia và xét tuyển dựa vào kết quả học học tập trong học bạ THPT. Phương thức xét tuyển và điều kiện xét tuyển cũng được điều chỉnh phù hợp cho từng cơ sở đào tạo của Trường cũng như chỉ tiêu của từng ngành đào tạo.

Khoa Kinh tế, với hơn 15 năm kinh nghiệm đào tạo trên 5.000 sinh viên và học viên đạt trình độ cử nhân khối ngành kinh tế. Khoa có đội ngũ giảng viên trẻ trung, năng động với 27 CBGV, trong đó có 11 GV là Tiến sĩ và nghiên cứu sinh, 16 GV là thạc sỹ chuyên ngành

Khoa kinh tế có 4 ngành đào tạo: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Mỗi ngành đều gồm 4 tổ hợp xét tuyển: A00 (Toán, Lý, Hoá), A01 (Toán, Lý, Anh), A02 (Toán, Lý, Sinh), D01 (Toán, Văn, Anh), riêng ngành QTDVDL& Lữ Hành có thêm tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Với cách thức tuyển sinh như vậy, cơ hội rộng mở để các bạn học sinh được xét tuyển vào các ngành học thuộc khoa Kinh tế.

Các em quan tâm đến ngành nào đã được đoàn công tác tư vấn trực tiếp, đồng thời được hướng dẫn xem chi tiết thông tin tại tờ rơi, quảng bá tuyển sinh hoặc tại địa chỉ Website của khoa, nhà trường.

Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc năm 2020 đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền tuyển sinh, hỗ trợ giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề tuyển sinh trên Fanpage 04 ngành đào tạo và facebook của khoa, giúp tăng số lượng người quan tâm lên đến khối ngành kinh tế trên 3.2 nghìn lượt theo dõi.

Mạng xã hội facebook, zalo cũng trở thành công cụ hữu hiệu hỗ trợ tư vấn tuyển sinh nhanh chóng và hiệu quả.

Kết thúc buổi truyền thông, quảng bá, tuyển sinh về Khoa Kinh tế – Đại học Tây Bắc, CBGV Khoa Kinh tế đã tổ chức Minigame (với mục đích tìm hiểu về nhu cầu học đại học, sự quan tâm đến trường và ngành đào tạo, địa chỉ liên hệ hỗ trợ của học sinh THPT) với phần thưởng là thẻ điện thoại,… Cuộc thi được đông đảo các bạn học sinh hưởng ứng, để lại ấn tượng sự năng động của Khoa Kinh tế, tạo mối liên kết trong hoạt động đào tạo nhân lực giữa hai trường.

Giảng viên: Đỗ Thị Thu Hiền – Khoa Kinh tế, Đại học Tây Bắc

Lưu học sinh Lào Khoa Kinh tế – trường đại học Tây Bắc vượt qua khó khăn, thử thách trong học tập thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19

CTV: Sổm Khăm Bun Khăm Cọn – K58 ĐH QTKD

Trong thời nghỉ học để phòng, chống dịchCovid-19 thì các bạn lưu học sinh Lào đã học tập như thế nào?

Năm nay là một năm rất đặc biệt của các bạn LHS Lào tại trường Đại học Tây Bắc cũng như các trường học khác tại Việt Nam. Các bạn sinh viên Lào đã phải nghỉ học trong thời gian dài hơn kế hoạch (từ tháng Một đến hiện tại) do đại dịchCovid-19. Dịch bệnh Covid-19 đã có ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực như kinh tế-xã hội, giaothông vận tải, du lịch và lữ hành,  giáo dục và đào tạo v.v. Do tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới. Trong đó bao gồm cả đất nước Lào và Việt Nam. Để phòng chống bệnh Covid-19, chính phủ của hai nước đã có rất nhiều biện pháp để tránh đại dịch đó trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các trường học tại Việt Nam nói chung trường Đại học Tây Bắc nói riêng đã có phương hướng và kế hoạch mới trong hoạt động đào tạo. Đó là chương trình học trực tuyến (học online) qua hệ thống mạng internet. Đối với phương pháp giảng dạy thì có thể sử dụng các ứng dụng và trang ưeb như: Google classroom, Zoom, Skype, YouTube…tùy theo sự lựa chọn của thầy cô để phù hợp cho các bộ môn và ngành học. 

Đây có thể xem là một phương pháp tốt nhất mà các trường đã áp dụng trong thời gian học sinh sinh viên đang phải nghỉ học tại nhà vì dịch Covid-19. Hình thức học tập online đang có xu hướng ngày càng phát triển. Trong thời gian học tập tại nhà qua hình thức học online thì có thể thấy được nhiều điểm thuận lợi như: sinh viên có thể học được mọi lúc mọi nơi ở bất kỳ nơi nào có mạng, phát triển kỹ năng tự học nhiều hơn, có thể thành thạo trong việc sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (máy vi tính, các ứng dụng cần thiết phục vụ cho việc học tập…), có nhiều thời gian để học tập, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại và quan trọngnhất của việc học online là có thể bảo đảm được sự an toàn cho học sinh sinh viên trong tình hình dịchbệnh còn diễn biến rất phức tạp. Ngoài ra sinh viên có thể tự lập cho mình một thời khóa biểu phù hơp cho bản thân. 

Bên cạnh những thuận lọi nổi bật đó cũng có một số điểm khó khăn như: vì học từ xa nên các bạn sinh viên sẽ phải tự học là chính nên việc trao đổi kiến thức với các thầy cô và bạn bè đôi khi chưa đáp ứng được nhu cầu, sự tương tác giữa các thầy cô và sinh viên cũng không đầy đủ và sinh đông bằng việc trao đổi như hình thức đào tạo truyền thống, thiếu sự kích thích và chủ động sáng tạo cho sinh viên, khó khăn cho một số sinh viên chưa thành thạo máy vi tính. Ngoài ra, tốc độ internet cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng của lớp học. 

Mặc dù việc học tập online gặp nhiều điều khó khăn như trên  nhưng sinh viên đa phần rất có ý thức trong học tập và hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập được giao. Đây có thể thể hiện tinh thần học tập tốt của sinh viên Lào cũng như các bạn sinh viên Việt Nam.

Khoa Kinh tế đẩy mạnh hoạt động giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực và hòa nhập

Lò Thị Huyền Trang

Hiện nay phương pháp dạy học tích cực và hòa nhập đã khá phổ biến trên thế giới. Nhằm đảm bảo việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại và bền vững Trường đại học Tây Bắc đã tạo điều kiện để giảng viên toàn trường nói chung, giảng viên khoa Kinh tế nói riêng được tham gia Chương trình tập huấn nhân rộng phương pháp dạy học tích cực và hòa nhập (ILO3) thuộc chương trình Aus4Skills.

Sau 2 đợt tập huấn đã giúp cho các giảng viên được tham gia tập huấn thực hiện nhuần nhuyễn phương pháp dạy học tích cực và hòa nhập, từ đó lan tỏa cho các giảng viên trong Khoa. Các giảng viên có cơ hội trao đổi phương pháp chuyên môn và phương pháp giảng dạy nhiều hơn góp phần nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy.

Về phía sinh viên, nhận thấy có những phản hồi rất tích cực: Sinh viên hào hứng hơn trong lớp học không còn cảm thấy mệt mỏi với những giờ học kéo dài, các bạn sinh viên tham gia học tập đồng đều hơn giảm được hiện tượng có một số bạn không tích cực tham gia vào hoạt động trong lớp.

Các phương pháp GS. Nicholas Howart tập huấn được các giảng viên Khoa Kinh tế vận dụng một cách linh hoạt sao cho phù hợp với trình độ, văn hóa của sinh viên trong Khoa.

Với những kết quả hiện tại đã đạt được cho thấy Nhà trường, Khoa đang đi đúng hướng trong việc nhân rộng phương pháp dạy học tích cực và hòa nhập. Tuy nhiên, không tránh khỏi những khó khăn trong việc áp dụng phương pháp mới vào thực tế, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của Nhà trường, Khoa và toàn bộ giảng viên, sinh viên để xây dựng một môi trường dạy – học thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tập huấn tăng cường và nhân rộng phương pháp giảng dạy hoà nhập và tích cực

Sự trở lại thăm và làm việc với Trường Đại học Tây Bắc của đoàn chuyên gia Aus4Skills trên cơ sở những hoạt động đã tập huấn cho các cán bộ, giảng viên từ tháng 4/2018 nhằm giúp cho Nhà trường có những Kế hoạch chi tiết, cụ thể hơn nữa trong việc ưu tiên về công tác đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực. Đoàn chuyên gia thực hiện công tác tập huấn cho cán bộ, giảng viên của Nhà trường từ ngày 24 – 27/9/2019, tại Trung tâm Thông tin -Thư viện Trường Đại học Tây Bắc.

Đoàn chuyên gia gồm: PGS.TS. Howard Ross Nicholas – Giảng viên Khoa Giáo dục Trường Đại học La Trobe; Bà Lê Như Thủy – Điều phối viên khóa học của Trường Đại học La Trobe; Bà Đặng Tuyết Anh – Quản lý hợp phần Nâng cao năng lực các trường đại học miền núi phía Bắc thuộc Chương trình Aus4Skills.

 Phía Nhà trường có TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Đại diện lãnh đạo hoặc chuyên viên cốt cán của một số phòng, ban, trung tâm, mỗi đơn vị 01 người; Đại diện lãnh đạo các khoa cùng hơn 40 giảng viên của các khoa sẽ cùng tham gia khóa tập huấn trong thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2020; Các học viên khóa ILO1- Nâng cao năng lực cho giảng viên dạy sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 10 người và ILO2 – Dạy học tích cực trong khoa học thực nghiệm 12 người.

Nội dung chính trong chuyến thăm và làm việc này, hai bên cùng thỏa thuận về các ưu tiên trong việc củng cố và nhân rộng phương pháp dạy học hòa nhập và tích cực trong phạm vi toàn Trường; Thảo luận về những loại hình hỗ trợ có sẵn từ Nhà trường và dự đoán các khó khăn và nhu cầu; Xây dựng mục tiêu trong đổi mới dạy học và cách hỗ trợ đồng nghiệp; Xây dựng nhóm hỗ trợ đồng nghiệp.

PGS.TS Howard Ross Nicholas đã và đang tích cực hướng dẫn các cán bộ, giảng viên tham gia cùng thảo luận đưa ra những công việc cụ thể theo nội dung đã đề ra theo tiến độ thời gian./.

Đại học Tây Bắc – Nơi bắt đầu những ước mơ!

Khoa Kinh Tế – Trường Đại học Tây Bắc thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho sinh viên. Một trong các hoạt động có thể kể đến là hoạt động trải nghiệm thực tế trong tháng rèn nghề của Khoa.

Chúng em là những sinh viên K59 Đại học quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành rất may mắn được các thầy cô trong Khoa Kinh Tế tổ chức chuyến đi trải nhiệm thực tế tại Mộc Châu với lịch trình 2 ngày 1 đêm. Đây là chuyến đi thực tế mang tính đặc thù, có vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo của ngành du lịch, hoạt động này gắn liền với việc hướng dẫn và điều hành tour, cách tổ chức team building,… cung cấp các kiến thức trong giáo trình với việc thực tế tại các điểm di tích, các điểm du lịch, đồng thời rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Chuyến đi là dịp kiểm chứng, cụ thể hóa những kiến thức đã được học ở giảng đường vào thực tiễn. Là cơ hội để trau dồi những vốn kiến thức, tri thức mới mà sách vở chưa đề cập đến.

Chuyến đi đã giúp chúng em hiểu nhiều hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, đặc biệt là  những cách thức tổ chức tour, điều hành tour của chuyên ngành Du Lịch. Từ đó, giúp sinh viên thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, yêu nghề hơn và chủ động hơn với nghề. Và cũng không ngừng phấn đấu, nỗ lực trong học tập, rèn luyện, lao động để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước để viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc ta.

Một số hình ảnh chuyến đi thực tế:

 

 

Thủy Tiên