Chuyên mục chính
Khoa Kinh tế hợp tác làm việc với công ty TNHH Tư vấn giải pháp quản lý Miền Bắc
Với mục đích nâng cao chất lượng thực tập tốt nghiệp theo hướng tăng cường thực hành, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị trên địa bàn tỉnh Sơn La. Sáng này 25/10/2018, đại diện Khoa Kinh – TS. Nguyễn Thị Lan Anh trưởng Khoa Kinh tế đã gặp, trao đổi và làm việc với Ban giám đốc Công ty TNHH Tư vấn giải pháp quản lý Miền Bắc.
Buổi gặp gỡ trao đổi về các vấn đề gắn kết với doanh nghiệp trong việc đưa sinh viên đến thực tập tại đơn vị. Với mục đích giúp cho sinh viên ngành kế toán gắn với thực tiễn. Quá trình thực tập được thực hiện theo lộ trình cụ thể theo đó sinh viên thực tập ngay từ năm thứ 2 của chương trình đào tạo. Sinh viên sẽ được định hướng nghề nghiệp, tập làm các công việc văn phòng và kế toán đơn giản: Pho to tài liệu, đánh văn bản, đưa gửi tài liệu; Tập viết các chứng từ đơn giản và làm cộng tác viên cho nhân viên công ty. Sinh viên chủ động trong việc tìm hiểu tài liệu, cách hạch toán tại đơn vị thực tập để tự thực hành làm kế toán theo hướng dẫn của giảng viên và kế toán tại đơn vị theo từng phần hành để có sản phẩm đánh giá kết quả thực tập. Như vậy, kết thúc quá trình thực tập sinh viên sẽ được thực hành nghề và có thể đáp ứng được luôn công việc thực tế.
Trên tinh thần cầu thị từ phía Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc, Ban giám đốc Công ty đồng tình ủng hộ về cách thức thực tập mới mà Khoa đã đưa ra. Ban giám đốc luôn sẵn sàng tiếp nhận sinh viên của Khoa đến đơn vị cùng chung tay với Khoa trong việc đào tạo, hướng dẫn, đánh giá sinh viên kế toán đảm bảo kết quả đầu ra. Bộ môn Kế toán – Khoa Kinh tế trực tiếp xây dựng kế hoạch đưa sinh viên đến thực tập tốt nghiệp sau đó sẽ tiếp tục triển khai các nội dung trải nghiệm tại doanh nghiệp cho sinh viên.
Đỗ Thị Minh Tâm
Giải pháp tăng cường thực tế, thực tập cho sinh viên ngành kế toán tại đơn vị sử dụng lao động
Giải pháp tăng cường thực tế, thực tập cho sinh viên ngành kế toán tại đơn vị sử dụng lao động
Vũ Thị Sen
Kính thưa Đoàn chủ tịch và các đồng chí tham dự Hội nghị!
Căn cứ vào định hướng sửa đổi chương trình đào tạo đối với các ngành của khoa Kinh tế nói chung, ngành Kế toán nói riêng theo hướng “tăng cường thực tế, thực tập cho sinh viên tại đơn vị sử dụng lao động”. Vấn đề này đã nhận được sự ủng hộ rất cao của các cựu sinh viên, người sử dụng lao động trong buổi Hội thảo chỉnh sửa chương trình đào tạo của Khoa Kinh tế vừa qua. Điều này cho thấy định hướng trên đây được được đưa ra trên cơ sở yêu cầu thực tiễn đối với chương trình đào tạo hiện nay.
Đối với ngành Kế toán, vấn đề đặt ra là: Giải pháp nào để thực hiện tăng cường thực tế, thực tập cho sinh viên ngành kế toán tại đơn vị sử dụng lao động? theo chủ trương trên và để hiện thực hóa một trong các mục tiêu của chương trình đào tạo ngành kế toán được sửa đổi hiện nay là “tăng cường kĩ năng nghề nghiệp từ thực tế, thực hành cho người học”. Do đó, đứng trên góc độ Bộ môn kế toán, Tôi xin được đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Về chương trình đạo tạo: Bộ môn Kế toán đã thực hiện chỉ đạo của Khoa và Nhà trường trong chủ chương sửa đổi chương trình đào tạo ngành kế toán áp dụng từ K59 trở đi với sự tăng cường khối lượng học phần thực tế, thực hành tại đơn vị sử dụng lao động từ 1 học phần thực tập chuyên môn cuối khóa với 5 tín chỉ trước đây trong chương trình thành 5 học phần tương đương với 18 tín chỉ trong chương trình được sửa đổi hiện nay. Ngoài ra, không chỉ các học phần tại các đơn vị sử dụng lao động, mà trong tất cả các học phần chuyên ngành kế toán giảng dạy trên lớp, việc chỉnh sửa đề cương chi tiết đã tiếp tục thực hiện chỉ đạo trên thông qua việc tăng cường các kĩ năng nghề nghiệp cho người học từ thực tế nghề nghiệp vào từng học phần giảng dạy trên lớp ở mức cao nhất có thể.
Thứ hai, cần tăng cường thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động để phối hợp thực hiện được đưa sinh viên đến đơn vị thực tập. Do đó, Khoa Kinh tế và Bộ môn Kế toán cần xây dựng kế hoạch tìm và đặt quan hệ hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động sẵn sàng tiếp nhận sinh viên đến đơn vị thực tập tại bộ phận, công việc của phòng kế toán để sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế, thực hành nghề nghiệp tại các đơn vị này. Để thực hiện được giải pháp này, cần sự cho phép và tham gia từ phía nhà trường với tư cách ký kết hợp đồng hợp tác giữa Trường Đại học Tây Bắc (trong đó giao trực tiếp thực hiện phối hợp, hợp tác là Khoa Kinh tế) với các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc.
Tuy nhiên, giải pháp này đối với các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Du lịch trong khoa thì thuận lợi hơn (chẳng hạn như, trong buổi Hội thảo về chỉnh sửa chương trình đạo tạo của khoa Kinh tế vừa qua, một số đơn vị sử dụng lao động như Vietel, Mobiphone, Bảo hiểm BIC… sẵn sàng tiếp nhận sinh viên đến đơn vị thực tập trong khâu bán hàng, tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường…), nhưng đối với ngành kế toán để thực hiện rộng rãi cho mọi sinh viên đều có khả năng tiếp cận được thực hành, thực tế liên quan đến công việc kế toán tại các đơn vị là rất khó khăn do yêu cầu tính bảo mật thông tin. Vì vậy, chỉ có thể thực hiện đối với một nhóm sinh viên thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa các đơn vị sử dụng lao động với Trường Đại học Tây Bắc hoặc thông qua các mối quan hệ cá nhân của người học tự liên hệ được đơn vị thực tập. Trong HN hôm nay, tôi rất muốn trao đổi giải pháp này với các đồng chí để nhận thêm ý kiến nhằm đưa ra giải pháp phù hợp có khả năng vận dụng thực tiễn một cách tốt nhất.
Thứ ba, Về phía giảng viên: Cần tăng cường tự học, tự nghiên cứu tham gia vào công việc kế toán thực tế để có kiến thức, kĩ năng thực tiễn đưa vào bài giảng trong từng học phần thông qua các tình huống, các bài tập mô phỏng…
Ngoài ra, các giảng viên ngành kế toán có thể tham gia làm dịch vụ kế toán và tư vấn tài chính cho các doanh nghiệp và tổ chức. Từ đó, đưa sinh viên tham gia cùng để cả giảng viên và người học được tiếp cận thực tế. Đây là cách mà giảng viên và sinh viên được tiếp cận thực tế thuận lợi hơn cả, có tác động tốt đến người học thông qua công việc kế toán thực tế. Tuy nhiên, đây là công việc dịch vụ nên khá vất vả, mất nhiều thời gian, có tính trách nhiệm cao, liên quan đến vấn đề pháp lý, nên cần sự đồng lòng nhất trí, phối hợp, tổ chức thực hiện tốt giữa tất cả các giảng viên trong ngành và Ban chủ nhiệm khoa thì mới có thể thực hiện được.
Thứ tư, Về phía người học: Người học phải thực sự chủ động tiếp nhận kiến thức, kĩ năng được trang bị từ chương trình đào tạo thông qua sự hướng dẫn, giảng dạy của giảng viên trong từng học phần. Đặc biệt, đối với nghề kế toán là nghề tiếp cận thực tế là khó khăn, không thuận lợi hơn so với các ngành kinh tế khác, do đó cần sự chủ động tiếp cận nghề nghiệp từ thực tiễn đơn vị sử dụng lao động dựa trên mối quan hệ cá nhân của người học. Vì vậy, để tăng cường thực tế, thực hành nghề nghiệp, tích lũy trang bị kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp thuận lợi hơn thì mỗi người học cần chủ động liên hệ đơn vị thực tập, chủ động liên hệ tìm hiểu thực tế công việc kế toán từ các đơn vị có thể tiếp cận được, hoặc tham gia làm việc bán thời gian đối với những công việc có liên quan đến nghề nghiệp kế toán…
Thứ năm, Cần tăng cường tổ chức các buổi giao lưu nói chuyện giữa nhà tuyển dụng, người sử dụng lao động với sinh viên về thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và công việc, nghề nghiệp kế toán. Thông qua các buổi nói chuyện, người học sẽ thấy được yêu cầu, vị trí công việc mà người học phải đáp ứng để được tuyển dụng là gì, thực tế ngành nghề cần người học phải có kiến thức, kĩ năng gì? Làm thế nào để trở thành người làm việc thành công? Những buổi nói chuyện như vậy sẽ có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, nhận thức, thái độ của người học, có tác dụng truyền cảm hứng, yêu ngành nghề để người học có động lực phấn đấu, tự giác nỗ lực rèn luyện tích lũy kiến thức và kĩ năng trong quá trình đào tạo. Tuy nhiên, muốn thực hiện được giải pháp này thì cần thực hiện tốt được giải pháp thứ 2 là tăng cường kết nối và thiết lập được các mối quan hệ với các nhà tuyển dụng, các đơn vị sử dụng lao động để họ sẵn sàng tham gia vào hoạt động đào tạo của nhà trường thông qua việc sẵn sàng hợp tác là những diễn giả đối với sinh viên khi được mời./.
Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc chúc mừng các Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Sơn La nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10
Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, sáng này 12/10/2018, đoàn cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế – Trường Đại học Tây Bắc do TS.Hoàng Xuân Trọng – Phó Trưởng Khoa Kinh tế làm Trưởng đoàn đã đến tặng hoa chúc mừng một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Sơn La.
Đoàn đã đến tặng hoa chúc mừng Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh Sơn La và một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố như: Ngân hàng BIDV – chi nhánh tỉnh Sơn La; Mobifone – Chi nhánh Sơn La; Công ty TNHH Thương mại Điện tử Tiến Thành; Viettel – Chi nhánh Sơn La; Công ty TNHH Tú Tứ. Các doanh nghiệp này là các đối tác đã đồng hành cùng Trường Đại học Tây Bắc và Khoa Kinh tế những năm vừa qua trong việc hỗ trợ sinh viên thực tập, rèn nghề, thăm quan cơ sở sản xuất và rèn luyện kỹ năng mềm, nghiệp vụ kế toán, quản trị kinh doanh…
Ts.Hoàng Xuân Trọng gửi lời cảm ơn chân thành cùng với lời chúc sức khỏe và thành công tới các doanh nhân, các đơn vị đối tác đã hỗ trợ và giúp đỡ sinh viên Nhà trường trong thời gian qua. Đại diện Khoa Kinh tế và các doanh nghiệp đã trao đổi về định hướng hợp tác trong đào tạo, thực tập, rèn nghề cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh, thảo luận lộ trình thực hiện kế hoạch giao lưu, trao đổi chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ thông qua hoạt động chuyên môn, tháng rèn nghề khởi nghiệp cho sinh viên hàng năm. Với mong muốn hợp tác lâu dài với các đơn vị nhằm mục đích trau dồi kỹ năng, tiếp thu kiến thức, học hỏi kinh nghiệm để cùng phát triển.
Lãnh đạo các Doanh nghiệp cũng đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Lãnh đạo Nhà trường, Khoa Kinh tế và hứa sẽ tạo điều kiện tối đa hợp tác với Khoa để đào tạo những cử nhân thực hành có chuyên môn nghiệp vụ tốt.
Dưới đây là một số hình ảnh của đoàn đi chúc mừng.
Đoàn đến tặng hoa chúc mừng Công ty TNHH Thương mại điện tử Tiến Thành
Đoàn đến tặng hoa chúc mừng Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh Sơn La
Đoàn đến tặng hoa chúc mừng Mobifone – Chi nhánh Sơn La
Đoàn đến tặng hoa chúc mừng Viettel – Chi nhánh Sơn La
Đoàn đến tặng hoa chúc mừng Công ty TNHH Tú Tứ
Đoàn đến tặng hoa chúc mừng Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Sơn La
Đỗ Thị Minh Tâm
MỘT SỐ KINH NGHIỆM MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO
MỘT SỐ KINH NGHIỆM MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO
Người viết tham luận: Đặng Công Thức
Kính thưa đoàn chủ tịch
Kính thưa quý vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể giảng viên Khoa Kinh tế
Trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục, cùng với xu hướng cạnh tranh trong công tác đào tạo đại học thì công tác mở ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội trên cơ sở tận dụng lợi thế của cơ sở đào tạo đang được đặc biệt quan tâm. Trường Đại học Tây Bắc không nằm ngoài xu thế đó, trong cuối năm 2017 đầu năm 2018 công tác mở ngành đào tạo được Ban giám hiệu, phòng chức năng và các khoa chuyên môn được đẩy mạnh và có những kết quả cụ thể. Khoa kinh tế đã mở thêm được một chuyên ngành đào tạo du lịch – lữ hành, sắp tới tiếp tục làm hồ sơ mở ngành đào tạo tài chính ngân hàng và kinh tế nông nghiệp.
Bản thân cá nhân tôi, trong quá trình tìm hiểu có một số vấn đề về mở ngành đào tạo để tham luận như sau:
Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 23/10/2017. Thông tư mới này thay thế các quy định về mở ngành đào tạo trình độ ĐH tại Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo Thông tư, các cơ sở đào tạo muốn được mở ngành đào tạo trình độ đại học phải bảo đảm các điều kiện nhất định. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định cho phép mở ngành đào tạo khi cơ sở đào tạo bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 2 của Thông tư này. Việc cho phép mở ngành đào tạo trong những trường hợp đặc biệt để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc trong những lĩnh vực đào tạo đặc thù do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định.
Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo.
Tên ngành đăng ký đào tạo phải có trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định.
Trường hợp ngành đăng ký đào tạo chưa có trong Danh mục đào tạo (gọi là ngành mới) thì cơ sở đào tạo phải làm rõ: Luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới này; thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới kèm theo ít nhất 2 chương trình đào tạo tham khảo của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng hoặc cho phép thực hiện và cấp văn bằng (trừ các ngành chỉ có đào tạo ở Việt Nam hoặc các ngành liên quan đến an ninh, quốc phòng).
Đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu phải bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện đào tạo trình độ ĐH của các ngành khác đang đào tạo. Trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ (TS) cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội.
Có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ (ThS) trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó ít nhất 1 TS và 4 ThS, hoặc 2 TS và 2 ThS cùng ngành đăng ký đào tạo; trừ các ngành riêng biệt (có quy định cụ thể).
Chương trình đào tạo của ngành đăng ký phải bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp và đáp ứng yêu cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác.
Cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập theo yêu cầu của ngành đăng ký đào tạo trình độ đại học.
Sau khi xác định đủ đủ các điều kiện mở ngành trình độ đại học quy định, thủ trưởng đơn vị có nhu cầu mở ngành mới sẽ lập hồ sơ theo quy định giử cơ quan có thẩm quyền.
Hội đồng thẩm định việc mở ngành mới sẽ kiểm tra, đánh giá chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định và kết luận về chương trình đào tạo; đồng thời, căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế của cơ sở đào tạo đã được xác nhận để đánh giá và kết luận cơ sở đào tạo có đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo theo quy định hiện hành hay không./.
Thực trạng và giải pháp tăng cường thực tế, thực tập cho sinh viên ngành QTKD tại đơn vị sử dụng lao động
Thực trạng và giải pháp tăng cường thực tế, thực tập cho sinh viên ngành QTKD tại đơn vị sử dụng lao động
Vũ Quang Hưng – BMQTKD
- Mục tiêu đưa sinh viên đi thực tế tại doanh nghiệp
Sinh viên có dịp quan sát, tiếp cận và tìm hiểu thực tế về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; qua đó, sinh viên có thể vận dụng tổng hợp các kiến thức đã học vào công việc thực tế nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể;
Sinh viên được rèn luyện, trau dồi thêm các kỹ năng mềm cần thiết cho mục tiêu nghề nghiệp tương lai sau khi tốt nghiệp ra trường;
Học hỏi, rèn luyện phong cách làm việc và ứng xử trong các mối quan hệ công tác tại một doanh nghiệp;
Thời gian thực tập tốt nghiệp là cơ hội tốt để sinh viên nhận ra giá trị xã hội của bản thân, tự giới thiệu với Lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp để có thể tuyển dụng mình làm nhân viên chính thức hoặc kinh nghiệm trong khi xin việc hoặc làm việc tại các doanh nghiệp khác.
- Thực trạng
Trường ĐHTB mở ngành đào tạo QTKD từ k50 và sửa đổi từ k54 sau 4 năm đào tạo, Nhà trường đã tiến hành chỉnh sửa chương trình theo sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đào tạo cử nhân thực hành và áp dụng chương trình mới này cho k53 trở đi, khi đó k53 học hết năm nhất
Được sự nhất trí của Ban chủ nhiệm khoa, Bộ môn QTKD đã mạnh dạn đưa vào 4 học phần rèn nghề: Rèn nghề 1, 2TC, Rèn nghề 2, 2TC, Rèn nghề 3, 2TC, Rèn nghề 4, 3TC với các học phần thuộc cơ sở ngành và ngành QTKD như Marketing, Quản trị nhân lực, Quản trị chi phí kinh doanh, Khởi sự kinh doanh và tái lập doanh nghiệp, Quản trị kinh doanh, Quản trị sản xuất và tác nghiệp…Bên cạnh đó thì thời lượng Thực tập tốt nghiệp cũng đã thay đổi gồm 5TC là chuyên đề tốt nghiệp và 6TC là Khóa luận hoặc các học phần thay thế
Thực hiện chương trình đào tạo, Bộ môn QTKD đã cử các giảng viên tham gia hướng dẫn rèn nghề và thực tập theo chương trình này từ k53 đến k56. Qua 4 năm thì Bộ môn cũng nhận thấy một số mặt đạt được và hạn chế của các học phần này khi thực hiện tại các cơ sở rèn nghề
* Những thành công đạt được
+ Các học phần rèn nghề đã đem lại cho sinh viên sự cọ sát thực tế tại các đơn vị và trên thị trường giúp sinh viên
+ Mạnh dạn hơn trong giao tiếp với lãnh đạo, nhân viên tại các đơn vị rèn nghề
+ Biết cách quan sát mọi người làm việc, rèn kỹ năng quản trị, rút ra các bài học kinh nghiệm
+ Biết cách làm việc nhóm, trao đổi, phân tích công việc và đánh giá hoạt động nhóm hiệu quả
+ Biết cách tổ chức đời sống, tăng kỹ năng sống trên thực tế
+ Biết xây dựng bảng hỏi, phỏng vấn, điều tra thị trường
+ Biết xây dựng phương án kinh doanh riêng cho bản thân, tính toán chi phí, doanh thu, lợi nhuận dự kiến
+ Biết đánh giá hiệu quả kinh doanh với số liệu của các đơn vị rèn nghề
+ Biết phân tích, đánh giá một vị trí công việc nhất định
+ Nhận biết được cách tạo động lực của bằng vật chất và phi vật chất tại các cơ rèn nghề
* Những hạn chế, khó khăn
+ Mối quan hệ với các cơ sở là không thực sự cao và khi đưa sinh viên đi rèn nghề hoặc giúp sinh viên Lào và Việt thực tập hoàn toàn dựa vào quan hệ cá nhân của các thành viên trong Bộ môn nên số lượng còn ít và chưa đa dạng ngành nghề để cho sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn
+ Sinh viên thực sự không chủ động trong việc đi thực tập rèn nghề, khi đi tập trung có giám sát của giảng viên thì tích cực hơn, nhưng khi triển khai thì còn nhiều sinh viên lơ là hoặc chưa có khả năng tiếp cận thị trường
+ Kinh phí do sinh viên tự đóng góp là khó khăn lớn đối với hầu hết sinh viên, các giảng viên phải luôn căn ke hướng sinh viên chi tiêu và mua quà tặng, giao lưu với các đơn vị
+ Sinh viên tự đi thực tập tại các đơn vị và viết báo cáo nên hiệu quả chưa cao về rèn kiến thức thực tế cho sinh viên
- Đề xuất, kiến nghị
– Từ k59 Bộ môn đã đề xuất và được nhà trường phê duyệt là sử dụng 1 năm cuối của khóa học dành để thực tập và rèn nghề, để sinh viên được trở thành như 1 phần của doanh nghiệp, HTX
– Đề xuất Nhà trường quan tâm hơn nữa đến quan hệ và liên kết đào tạo giữa Nhà trường – Doanh nghiệp, HTX để các chuyến đi được hiệu quả mong đợi
– Đề nghị Ban chủ nhiệm khoa sử dụng mối quan hệ của mình với các Doanh nghiệp, HTX, đặt vấn đề giao kết với mong muốn các bên cùng có lợi, tăng số lượng và đa dạng ngành nghề cho dinh viên đến thực tập, rèn nghề
– Đề nghị các giảng viên Bộ môn cần nhiệt tình hơn nữa trong các đợt đưa sinh viên đi rèn nghề
– Siết chặt hơn nữa nội quy, quy chế đối với sinh viên khi tham gia rèn nghề, chấm báo cáo rèn nghề đảm bảo chính xác những gì sinh viên đã thực hiện. không nhân nhượng đại khái bởi suy nghĩ đây là học phần rèn nghề, sinh viên cũng đã vất vả
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN THÁNG RÈN LUYỆN NGHIỆP VỤ CHO SINH VIÊN
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN THÁNG RÈN LUYỆN NGHIỆP VỤ CHO SINH VIÊN
Hoàng Xuân Trọng
Rèn luyện nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp là một trong những hành trang quan trọng giúp sinh viên có cơ hội được tuyển dụng và hoàn thành công việc theo chuyên môn được đào tạo sau khi ra trường. Đây còn là một mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu lao động, việc làm trong nền kinh tế tri thức đang đòi hỏi về kỹ năng nghề nghiệp thực tế của sinh viên rất cao. Đặc biệt, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra cho người đi học và chúng ta những thách thức mới.
Cụ thể trong tháng rèn nghề học kỳ II năm học 2018 – 2019 dự kiến từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 năm 2019 gồm các nội dung hoạt động như sau:
- Đào tạo: kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên; kỹ năng tìm kiếm việc làm, viết CV và trả lời phỏng vấn
- Quảng bá mạnh mẽ chương trình thực tập sinh viên từ năm thứ 2 đến các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động, đến toàn thể sinh viên, tạo một mạng lưới kết nối, theo dõi, đánh giá việc thực tập của sinh viên 2 buổi/ tuần và dịp Hè có thể toàn thời gian. Xúc tiến thành lập và ra mắt hội cựu sinh viên khoa kinh tế hoà nhập vào mạng lưới trên.
- Tổ chức cho sinh viên năm 2,3 tới thăm quan cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp
- Xây dựng mô hình doanh nghiệp ảo để sinh viên thực hành và luyện tập trước khi đến doanh nghiệp
- Mời doanh nghiệp, cựu sinh viên tới giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế với sinh viên, những vấn đề thách thức đối với doanh nghiệp hiện nay để sinh viên suy nghĩ cách giải quyết vấn đề.
- Cuộc thi vẻ đẹp trí tuệ tổ chức từ các lớp, nhóm ngành đào tạo đến Đêm chung kết và tổng kết trao giải thưởng. Kéo dài 1 tháng.
Qua tháng rèn nghề trên, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp sẽ lựa chọn ra được những ứng viên đạt chuẩn để tuyển dụng ngay khi các em tốt nghiệp vào tháng 6 năm 2019 hoặc tìm được các thực tập sinh phù hợp với hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong hệ thống các cơ sở đào tạo nói chung đã có những bước phát triển tiến bộ. Các cơ sở đào tạo đã cung cấp ngày càng đa dạng hơn về nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động việc làm ở các ngành nghề, trình độ khác nhau. Tuy nhiên, đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, chương trình, nội dung đào tạo chưa trang bị đủ các kiến thức, kỹ năng mà thị trường lao động đang cần. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu chủ yếu theo phương pháp truyền thống, chưa có sự đột phá về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Quá trình đào tạo gắn với rèn luyện phát triển kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên chưa được chú trọng, thực hành kỹ năng làm việc theo chuyên môn còn ít, chưa có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vấn đề nhận thức về kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên chưa được quan tâm. Một bộ phận sinh viên chỉ quan tâm đến kiến thức chuyên môn nghiệp vụ mà không chú ý đến kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xin việc. Ngoài ra, một bộ phận chủ thể đào tạo ở các nhà trường chưa đồng đều về chuyên môn tay nghề, việc rèn luyện kỹ năng nghề, cập nhật kiến thức mới, kinh nghiệm thực tế ở công ty, nhà máy còn hạn chế, dẫn đến khả năng gia nhập của đối tượng đào tạo sau khi tốt nghiệp vào môi trường doanh nghiệp còn yếu, khả năng thích ứng với sự thay đổi nghề nghiệp việc làm khi không đúng chuyên môn đào tạo hạn chế. Nhiều doanh nghiệp trong tuyển dụng có chung nhận định là sinh viên thiếu hụt những kiến thức về kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn; kinh nghiệm thực tiễn, khả năng thích ứng còn chậm. Do đó, việc tuyển dụng lao động trở thành một thách thức cho các ứng viên dự tuyển vì họ không có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hay ở các ngành nghề mà doanh nghiệp đang rất cần, đang thiếu hụt.
Phương hướng trong thời gian tới, khoa Kinh tế cần tập trung đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên cần phù hợp với ngành nghề, nhu cầu của các đối tượng sinh viên khác nhau; tập trung đào tạo kỹ năng phù hợp với yêu cầu từng vị trí việc làm. Nâng cao khả năng thực hành cho sinh viên bằng việc trải nghiệm thực tế, thực hành, thực tập, giải quyết các tình huống thực tế tại doanh nghiệp. Đề xuất với nhà trường và tăng cường xã hội hoá đầu tư xây dựng các cơ sở thực hành, tùy ngành nghề mà sử dụng các mô hình khác nhau, tạo điều kiện cho sinh viên học tập và nghiên cứu các tình huống thực tế, tăng kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn.
Thứ hai, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp. Việc gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp có một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, có lợi cho sự phát triển nhà trường cũng như của doanh nghiệp. Làm tốt công tác này sẽ hình thành nên các sản phẩm chất lượng cao với chủ thể là sinh viên tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, tri thức, các kỹ năng cần thiết và thái độ đúng đắn về nghề nghiệp để có thể gia nhập vào nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao vị thế, khẳng định thương hiệu của nhà trường. Việc các cơ sở đào tạo liên kết với các doanh nghiệp sẽ tạo dựng môi trường, cơ hội cho sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, để họ không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn có kiến thức thực tiễn trong các lĩnh vực, từng bước nâng cao nhận thức và kỹ năng nghề nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp định kỳ cho sinh viên đi tham quan, trải nghiệp thực tế, thực tập tại doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành nghề đào tạo. Sản phẩm thực tế, thực tập của sinh viên tại cơ sở sản xuất, dịch vụ là cơ sở đánh giá kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên ở cơ sở đào tạo./.
Hội thảo chỉnh sửa chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đối tác là khối doanh nghiệp
Giáo dục đại học đóng vai trò cung cấp những kiến thức kỹ năng cho sinh viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động. Các trường đại học phải đối mặt đến vấn đề là thay đổi chương trình đào tạo sao cho cung cấp những kỹ năng phù hợp để sinh viên tốt nghiệp nhằm mục tiêu đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động nói chung và yêu cầu của người sử dụng lao động nói riêng.
Khoa Kinh tế Trường Đại học Tây Bắc không nằm ngoài ngoại lệ đó. Khoa luôn trăn trở không ngừng đổi mới chương trình đào tạo nhằm đào tạo ra những lớp sinh viên có đầy đủ năng lực, phẩm chất, trí tuệ thích ứng nhanh vào thực tiễn. Khoa đã nhận thức một cách sâu sắc về vai trò của người sử dụng lao động trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo nhằm hướng đến mục tiêu đào tạo đáp ứng theo nhu cầu của xã hội.
Hội thảo chỉnh sửa chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đối tác là cựu sinh viên, học viên khoa Kinh tế
Xây dựng, chỉnh sửa chương trình đào tạo (CTĐT) nhằm nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế là những nội dung quan trọng trong Hội thảo chỉnh sửa chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội do Khoa Kinh tế – Trường đại học Tây Bắc tổ chức ngày 15 tháng 8 năm 2018, tại tầng 2 trung tâm thư viện của nhà trường. Hội thảo do TS Nguyễn Thị Lan Anh – Trưởng Khoa Kinh tế và đồng chí Hà Văn Niệm – bí thư đoàn trường chủ trì, cùng sự tham dự của đồng chí Lừ Thị Minh – Trưởng Phòng Công tác chính trị và Quản lý người học, Trưởng Ban liên lạc cựu sinh viên Trường Đại học Tây Bắc các thầy cô giáo trong Khoa Kinh tế, đặc biệt là sự có mặt của các cựu sinh viên của Khoa Kinh tế.